Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm (Tọa Đàm 22)

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH THEO ẤN TỔ

(Tọa Đàm 22)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Ngày hôm nay Diệu Âm có đọc trong tập Ấn-Quang Đại-Sư Gia-Ngôn Lục, đây là tập trích lục lại những lời dạy của ngài Ấn- Quang đại-sư, gặp được một đoạn hay quá nên đem ra xin chia sẻ cùng đồng tu.

Ngài nói: “Đừng nói những kẻ chẳng biết đến pháp môn Tịnh Độ đành không biết làm cách nào, phải theo nghiệp thọ sinh, dù là đã biết nhưng chẳng chăm chú tu hành thực sự thì cũng giống hệt như vậy, bị ác nghiệp lôi kéo vào trong tam đồ lục đạo, vĩnh viễn luân hồi. Muốn cầu con đường thoát khổ chỉ có cách niệm niệm lo nghĩ đến lúc chết, sợ rằng chết đi sẽ đọa lạc trong tam đồ ác đạo, thì niệm Phật sẽ tự thuần, tịnh nghiệp sẽ tự thành, hết thảy trần cảnh sẽ chẳng thể đoạt được chánh niệm nữa… Cầu sanh TâyPhương thì đừng nên sợ chết. Nếu chết ngay ngày hôm nay thì liền sanh về Tây-Phương, đấy là như lời người xưa đã nói: “Triêu văn đạo, tịch tử khả hỉ”, lẽ đâu ngày hôm nay phải chết lại chẳng chịu chết, cứ tham luyến trần cảnh chẳng thể buông xuống, khiến cho do tham thành chướng, cảnh Tịnh-Độ chẳng hiện, khiến cho cảnh tùy nghiệp thọ sanh trong đường thiện ác liền hiện…”. 

Đoạn văn này hay quá. “Triêu văn đạo, tịch tử khả hỉ”. Hay lắm! Triêu là buổi sáng. “Triêu văn đạo” là buổi sáng nghe được đạo lý này. Tịch là chiều. “Tịch tử khả hỉ” là chiều chết cũng vui mừng, huống chi là mình thường thường hàng đêm niệm Phật nghe lời khai thị của Ngài.

Ngài nói khi mình thực sự quyết lòng muốn về Tây-Phương Cực-Lạc, thì không bao giờ sợ chết. Vì thế, một người có ý niệm sợ chết là người không muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Định nghĩa đơn giản. Thành ra tự mình cần kiểm soát lại thử mình có sợ chết hay không? Ấn-Tổ thường ví dụ, sống ở cõi đời này giống như đang rớt dưới hầm phân. Chư vị thấy hầm phân chưa? Mỗi ngày mình đều xả ra một số phân. Từ lúc nhỏ cho đến lớn mình sản xuất ra không biết bao nhiêu là phân tại thế gian này, làm cho thế gian này bị ô nhiễm như một hầm phân, và thực sự mình đang sống trong cái hầm phân đó mà không hay. Cho nên khi hiểu đạo rồi, thì ta không nên sợ chết nữa. Những người không sợ chết mới có thể rời khỏi cái hầm phân này mà vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Ở Việt-Nam có nhiều người vãng sanh hơn ở nước ngoài, chính là vì có nhiều người khổ quá. Có nhiều người khi bị bệnh không có tiền mua thuốc thang. Họ khổ quá rồi thì cầu sống thêm làm chi cho khổ, họ không còn sợ chết nữa. Cho nên khi biết được pháp niệm Phật vãng sanh, họ nhiếp tâm vào câu A-Di-Đà Phật được, họ quyết lòng niệm Phật, tha thiết cầu vãng sanh về TâyPhương. Một câu A-Di-Đà Phật niệm ra tự nhiên được cảm ứng, nhờ vậy mà họ vãng sanh nhiều hơn.

Còn người ở nước ngoài thường có cuộc sống sướng quá, cứ tưởng rằng cuộc đời này là nhất, nên khi bệnh xuống thì thường sợ chết, họ thường cầu hết bệnh. Người ở nước ngoài dù hình tướng có tu hành nhưng cái tâm cầu giải thoát vẫn còn yếu. Tâm trạng tham sống sợ chết còn mạnh quá, thường khi nó ẩn náu dưới những cái lớp màu mè khác mà họ không hay. Hưởng phước khó tu. Đây là điều chướng ngại!… Ngài Ấn-Quang nói, nếu chết ngày hôm nay thì đi liền về Tây-Phương Cực-Lạc có gì đâu mà sợ. Xin đồng tu tự mình xét kỹ lại coi, có sợ chết không?

Bây giờ trở về câu chuyện đang dang dở hôm qua về ngũ giới thập thiện. Xác định rằng ngũ giới thập thiện là trợ-hạnh trong pháp niệm Phật. Dù biết vậy nhưng giới hạnh vẫn quan trọng vô cùng.

Mình cần phải giữ, nhưng xin đừng chấp vào đây là được.

Chư Tổ Sư nói, nếu mình còn lo nghĩ về chuyện trần thế, thì trần thế trói mình lại, không cho mình đi vãng sanh. Mình nghĩ đến điều thiện, thì điều thiện sẽ trói mình lại trong tam thiện đạo. Mình nghĩ đến chuyện ác, thì chuyện ác sẽ lôi mình xuống trong tam ác đạo. Tam thiện đạo hay tam ác đạo vẫn là trong sanh tử luân hồi, đời đời kiếp kiếp khó mà thoát được…

Chính vì thế, đối với những người chuyên tu thiện, tích phước, giữ giới mà không lo niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ, thì tổ Tĩnh-Am quở trách rằng, nghiệp thiện càng lớn sanh tử càng nặng, đến lúc lâm chung chỉ cần một niệm thiện khởi lên thì sẽ tiếp tục trôi lăn trong lục đạo luân hồi, chứ không thể giải thoát được. Ngài la rầy đối với những người chỉ lo làm thiện mà không lo niệm Phật cầu vãng sanh. Còn ngài Ấn-Quang thì nói: Niệm Phật mà không chịu lo giữ giới, làm thiện mà vẫn tạo nghiệp, nghiệp chướng nặng quá coi chừng trở ngại đường vãng sanh. Chư Tổ nói khác lời nhưng ý nghĩa giống nhau. Cho nên Chánh-hạnh và Trợ-hạnh cần phải song tu là như vậy.

Trở về vấn đề ngũ giới, giới đầu tiên là không sát sanh. Khó lắm đấy chứ không phải đơn giản đâu. Có một lần qua bên Mỹ, Hòa thượng Trí-Đức nói hay lắm. Mỗi người chúng ta khởi đầu bằng một cái trứng nhỏ xíu xiu như hạt đậu tí tẹo thôi, sinh ra từ máu huyết của người mẹ. Mẹ mình nuôi cái trứng này bằng gì đây? Nuôi bằng xác chết của sanh vật đấy. Nuôi bằng xác thịt của chúng sanh đấy. Như vậy ngay từ trong trứng nước thân thể của chúng ta đã bị ướp bằng xác chết của sinh vật rồi. Từ đó mà lớn lên, lớn lên…. Khi mới sinh ra nặng cỡ 3 ký rưỡi, 4 kg… bắt đầu sống bằng sữa mẹ. Sữa mẹ tẩm bằng gì? Bằng xác chết của chúng sanh đấy. Khi lớn lên mình bắt đầu ăn để sống. Ăn những gì đây? Từ tấm bé cho đến già 5-6-7-8… mươi tuổi, hầu hết toàn là ăn xác chết của chúng sanh không thôi. Như vậy nhờ xác chết của chúng sanh nuôi cái thân thể này, vô tình cái thân thể này là một cái nghĩa địa vĩ đại mà mình không hay!… Nghĩa địa thì âm khí nhiều lắm!… Có nhiều người không dám đi hộ niệm vì sợ âm khí. Diệu-Âm nói: Chính cái thân mình có âm khí nhiều lắm, thì còn sợ âm khí gì nữa.

Ngài Trí-Đức nói hay vô cùng. Bây giờ mình nghĩ thử coi, những con vật đó chúng có thành tâm, tha thiết dâng hiến thân xác của chúng cho mình ăn không? Không bao giờ đâu à. Như vậy khi mình giết chúng để ăn thì lòng căm hờn của chúng sẽ sâu thăm thẳm, nhiều khi chúng nguyện đời đời kiếp kiếp trả thù. Như vậy oan gia trái chủ ở đâu? Ở trong từng tế bào, từng thớ thịt trong thân thể của mình. Ngài nói vô lượng vô biên những nghiệp chướng nằm ngay trong thân thể của mình. Oan gia trái chủ chính là những tế bào trong thân thể của mình. Chúng ta hãy nghĩ thử có thấm thía không? Hay vô cùng. Một chứng minh cụ thể là khi mình bắt đầu yếu xuống, thì chính những tế bào trong thân thể của mình hành hạ mình, lôi kéo luôn linh hồn của mình xuống tam ác đạo để trả thù. Dễ sợ vô cùng!…

Khi hiểu được lý đạo này, chẳng lẽ mình không sợ nghiệp sát sanh sao?

Vậy thì mình phải thành tâm sám hối. Hãy đem tất cả công đức lành có được của mình hồi hướng cho pháp giới chúng sanh, hồi hướng cho oan gia trái chủ. Trong mỗi bữa cộng tu ở đây chúng ta có đọc bảng: “Nguyện đem công đức này hồi hướng cho mười phương pháp giới chúng sanh, hồi hướng cho lịch đại kiếp số oán thân trái chủ, hồi hướng cho cả chúng sanh có duyên hay không có duyên”… mục đích là nhằm hóa gỡ ách nạn này.

Là một chúng sanh trong thời mạt pháp này, thì ách nạn bởi nghiệp chướng trở thành cộng nghiệp rồi, sơ ý chúng ta không thoát được đâu. Xin thưa với chư vị, với một người thuộc hàng phàm phu này, không cách nào tự mình có thể thoát nạn. Dù có ăn ở hiền lành như thế nào cũng không được thuận lợi. Nghĩa là chắc chắn phải chịu nạn. Ấy thế mà người niệm Phật lại được vãng sanh. Như vậy, rõ rệt chỉ còn có một câu A-Di-Đà Phật thôi, nhất định còn chỉ một câu A-Di-Đà Phật thôi mới cứu chúng ta thoát được cái ách nạn sanh tử luân hồi, mới cứu chúng ta thoát được ách nạn của oan gia trái chủ.

Cho nên xin chí thành chí kính mà niệm câu A-Di-Đà Phật. Đại nguyện của đức A-Di-Đà là “Văn danh đắc độ”. Những người nào nghe được danh hiệu của Ngài thì được độ thoát. Ai nghe danh hiệu của Ngài đây? Từng tế bào trong thân thể chúng ta nghe danh hiệu của Ngài. Từng tế bào đó là ai vậy? Là từng oan gia trái chủ đấy, chúng nghe danh hiệu A-Di-Đà Phật mà ngộ đạo ra. Ngộ đạo rồi thì chúng không còn phá rối chúng ta nữa. Chính vì thế, người quyết lòng thành tâm niệm Phật cầu về Tây-Phương, khi ra đi rồi họ để lại thân xác mềm mại tươi hồng, đẹp vô cùng. Để vậy 2 ngày, 3 ngày, 4 ngày, 5 ngày… vẫn còn đẹp, càng về sau càng đẹp hơn. Phải chăng từng tế bào đã ngộ ra rồi, chúng nghe được danh hiệu A-Di-Đà Phật rồi, chúng đã được độ thoát khỏi cảnh phàm phu rồi.

Tất cả vật chất đều có linh cảm. Hiện tượng thân xác tốt đẹp đều do sự cảm ứng, chứ không phải tự nhiên mà có đâu. Cái thân xác một người chết rồi mà không hôi, không thối, lại càng ngày càng đẹp là tại vì người đó thành tâm niệm Phật. Tâm niệm Phật thì từng tế bào trong cái thân niệm Phật theo. Tất cả chúng sanh thành tâm niệm Phật thì tất cả chúng sanh đều có thể đắc độ. Hay vô cùng, tuyệt vời vô cùng!…

Thật sự pháp môn niệm Phật vi diệu bất khả tư nghì!… Không có pháp tu nào có thể vượt qua pháp tu niệm Phật. Trong kinh Niệm-Phật Ba-La-Mật, Bồ-tát Quán-Thế-Âm nói, niệm Phật là đệ nhất pháp môn trong vô lượng vô biên pháp môn. Ngài nói người nào thành tâm niệm Phật thì Tự-Tánh của họ từng phần từng phần khai mở. Cảnh giới Chân-Tâm Tự-Tánh từng phần từng phần khai mở, nếu nói theo “Lục Tức Phật” thì thuộc về “Phần Chứng Tức

Phật”. Cao lắm. “Phần Chứng Tức Phật” là những vị đã trở về với Pháp-Thân rồi. Vô cùng vô cùng tuyệt vời.

Người chưa hiểu đến lý đạo này, nên đã niệm Phật mà còn sợ chết, niệm Phật mà còn bị rối loạn lung tung, niệm Phật mà không thành tâm. Miệng niệm Di-Đà mà tâm không niệm, thành ra nghiệp chướng nương theo tâm bất kính đó mà khởi ra, dẫn người niệm Phật đi về các đường thiện ác. Đường thiện là tam thiện đạo, đường ác là tam ác đạo, dù thiện đạo hay ác đạo vẫn là trong nghiệp sanh tử luân hồi, không giải thoát được.

Chính vì thế, Ấn Tổ nói: “Người cứ tham luyến trần cảnh, chẳng thể buông xuống, khiến cho do tham mà thành chướng”. Do tham sống mà thành chướng đấy. “Cảnh tịnh độ chẳng hiện”. Vì không tha thiết vãng sanh về Tây-Phương nên cảnh tịnh độ không hiện đấy. “Khiến cho cảnh tùy nghiệp thọ sanh trong đường thiện ác liền hiện ra…”. Người niệm Phật mà không thành tâm. Oan gia trái chủ nằm ở sát bên cạnh mình, thấy rõ ràng rằng mình không thành tâm, thành ra chúng đã sẵn quậy phá rồi, bây giờ vẫn tiếp tục quậy phá. Chỉ có những người thành tâm niệm Phật mới có công đức, mới có thể vãng sanh thành Phật, mới cứu độ được họ, mới khiến họ vui lòng buông oán thù để hộ pháp.

Oan gia trái chủ đâu ở đâu đây? Ở ngay trong cơ thể của chúng ta. Chư vị thử nghĩ coi, ung thư, tiểu đường… cái gì đang quậy phá mình đó? Nhức đầu, đau bụng, loét bao tử… cái gì đang quậy phá mình đó? Phải chăng chính là những tế bào trong thân thể của mình mà hàng ngày mình thương nó, mình nuôi nó, mình tốn không biết bao nhiêu tiền bạc để bảo dưỡng nó, mà sau cùng nó lại quậy phá mình chừng đó!… Nghĩ thử có oái oăm không?

Ấn Tổ nói tiếp: “Cảnh hiện liền theo nghiệp thọ sinh trong đường thiện ác, Vãng sanh Tây-Phương hóa thành là bánh vẽ vậy!”. Chính vì thế mà khi ngài Ấn-Quang ngộ đạo, Ngài đóng cửa, Ngài không muốn tiếp xúc với đại chúng. Ngài ở trong một căn phòng nhỏ hẹp, trang trí đơn giản. Trên bàn thờ Ngài để một tượng Phật A-Di-Đà, mỗi ngày Ngài tụng một biến kinh A-Di-Đà, rồi cứ niệm “Nam Mô A-Di-Đà Phật, Nam Mô A-Di-Đà Phật” từ sáng đến chiều, từ chiều đến sáng. Là một đại tôn sư trong thời đại này mà Ngài để một chữ “TỬ” rất lớn. Ngài nói hãy lấy chữ tử mà gắn trên trán, thì tự nhiên đạo nghiệp sẽ thành. Người mà chưa nhìn thấy chữ tử đó, vẫn tưởng là mình còn đẹp, tưởng là mình còn sống nhiều năm, tưởng là mình còn có danh văn lợi dưỡng, tưởng là mình còn có địa vị trong xã hội, tưởng là mình còn hưởng hạnh phúc, v.v… nghĩa là tình trần còn lừng lẫy, thì nhất định đạo nghiệp không thể thành tựu được.

Mong chư vị hiểu cho, chư Tổ Sư mà còn lo lắng phải đem chữ “TỬ” dán trước mặt để tự cảnh tỉnh như vậy, huống chi là chúng ta. Hãy mau mau cố gắng ăn ở hiền lành, kiêng cữ nghiệp sát đi, để cho nghiệp chướng của chúng ta giảm bớt lại, nhờ đó chúng ta mới vượt qua khối nghiệp này để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Pháp môn niệm Phật thực sự vi diệu bất khả tư nghì.

Nam mô A-Di-Đà Phật.   

 

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –