Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm (Tọa Đàm 05)

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH THEO ẤN TỔ

(Tọa Đàm 5)

A DI ĐÀ PHẬT

Chúng ta đang học hỏi về lời khai thị của Ngài Ấn-Quang đại sư. Lời dạy của Ngài rất là đơn giản, vì đơn giản nên chúng ta rất dễ tu học theo. Pháp Môn Niệm Phật là pháp môn đi thẳng. Dễ mới đi thẳng được, còn đường ngoằn nghèo quá thì không thể nào thẳng được. Chư vị cứ tưởng tượng là một đại lộ thênh thang rộng rãi thì dễ đi, còn nếu chui vào trong rừng sâu, vượt đèo qua núi thì rất là khó. Pháp Môn Niệm Phật là pháp môn dễ hành, dễ tu. Chính vì thế mà lời khai thị của Ngài rất thực tế, đi thẳng vào trọng tâm của người niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ.

Có nhiều người tu học thường hay tìm những lý đạo cao siêu.  Nhưng chúng ta nên nhớ rằng, lý đạo cao siêu chỉ độ được những người thật sự cao siêu, độ hàng thượng căn thượng trí mà thôi. Còn pháp niệm Phật là pháp bình thường, cụ thể, gần gũi, nhờ vậy mới độ được rộng khắp quần sanh. Vì thế, nói đến những đạo lý cao siêu quá chỉ hợp với hàng thượng căn thượng trí, chứ hàng phàm phu như chúng ta không có phần lợi lạc.

Khi học tập về lời khai thị của Ấn Tổ, chúng ta mới thấy rõ được cái đạo lý bình thường này, và chính nhờ đạo lý bình thường này mà tất cả chúng ta đều cảm thấy rằng: Mình học được cái pháp này, mình thực hành được cái pháp này. Học được, thực hành được thì thành tựu được, lúc đó mình mới ngộ ra chính điểm bình thường này mới thật sự là đạo lý nhiệm mầu, đạo lý vi diệu. Phải chăng đạo pháp bình thường là pháp cần thiết giúp chúng ta thành đạo.

Xin kể ra đây một câu chuyện vui vui cho chư vị nghiệm thử coi. Trong nhân gian có một câu chuyện kể lại một vị triết gia kia, tư tưởng Ngài cao lắm, sâu lắm. Một hôm Ngài muốn đi qua một con sông, qua sông thì phải thuê đò. Khi xuống đò xong, vừa thấy nước chảy cuồn cuộn, Ngài liên tưởng ngay đến một đạo lý cao siêu liền. Ngài hỏi ông lái đò:

  • Nhà ngươi có biết vũ trụ này hình thành như thế nào không? Ông lái đò nói:
  • Tôi không biết. Vị triết gia đó nói:
  • Như vậy thì nhà ngươi đã chết mất một phần tư cuộc đời rồi!…

Khi thuyền đi được một đoạn, Ngài thấy gió thổi, mây bay, lại hỏi:

  • Nhà ngươi có biết trời đất biến dịch như thế nào không? Ông lái đò nói:
  • Tôi không biết.
  • Sao nhà ngươi ngu dốt vậy? Như vậy là nhà ngươi đã chết nữa cuộc đời rồi!…

Một phần tư với một phần tư là nửa cuộc đời. Thuyền tiếp tục chèo đi, ông triết gia nhìn người lái đò và ngẫm nghĩ, tại sao trên đời này lại có người dốt nát như vậy?…

  • Bây giờ ta hỏi nhà ngươi một câu thấp hơn nhé. Nhà ngươi có biết triết gia Socrate là ai không? Thì ông lái đò nói:
  • Tình thực tôi ngu dốt lắm, nên không biết gì cả.
  • Như vậy thì ngươi coi như đã chết ba phần tư cuộc đời rồi. Tệ quá, uổng cuộc đời quá!...

Ông lái đò tiếp tục chèo chiếc đò ra đến giữa sông. Thì gió bắt đầu thổi càng lúc càng mạnh, sóng càng lúc càng cao. Con đò mong manh bé bỏng, chịu không lại với sóng lớn nên nước bắt đầu tràn vào. Thấy vậy ông lái đò mới hỏi người triết gia:

  • Ngài có biết bơi không?

Ông triết gia nói:

  • Bơi là chuyện quá tầm thường, Ta biết làm chi.

Ông lái đò sững sờ và than rằng:

  • Trời ơi!… Như vậy thì Ngài đành phải chết cả cuộc đời rồi!...

Chiếc đò chìm, ông lái đò nhảy xuống nước bơi vào bờ, còn ông triết gia thì chết giữa dòng sông. Câu chuyện đơn giản như vậy.

Rõ ràng, cái đạo để mà sinh tồn không phải là cao trên mây đâu. Không phải là tìm biết được vũ trụ hình thành như thế nào chúng ta mới sống đâu. Không phải là biết được trời đất biến dịch như thế nào chúng ta mới sống đâu. Không phải là biết được triết gia Socrate nói như thế nào chúng ta mới sống đâu. Mà chính là những gì cụ thể bên cạnh mà chúng ta làm được thì chúng ta sống còn. Chữ “sống còn” nói ở đây có nghĩa là ta cứu được huệ mạng đời-đời kiếp-kiếp của chúng ta, trong tương lai thoát vòng đọa lạc luân hồi.

Trong 84 ngàn pháp môn của đức Thế-Tôn để lại, Niệm-Phật là pháp môn gần gũi, cụ thể, dễ hành, dễ chứng. Nhiều người khi tu hành thích tìm những đạo lý cao siêu, cứ tưởng như vậy là thành đạo. Không phải! Thường thường đó chỉ là vọng tưởng! Chứ thực ra đạo là những gì gần gũi, cụ thể. Làm được những điều này thì ta có sự thành tựu. Cho nên trong pháp môn Niệm Phật, Phật không đòi hỏi chúng ta lý luận cho nhiều, không đòi hỏi chúng ta có căn cơ cao, không đòi hỏi chúng ta phải hiểu cho sâu rộng, đầy đủ hết ba tạng Kinh điển. Mà Phật yêu cầu chúng ta phải có tín tâm, hay là lòng tin tưởng. Lòng tin này không đòi hỏi căn tánh cao đâu, mà đòi hỏi ở chỗ thật thà, chất phác, hiền lành. Chính vì vậy mà những người càng hiền lành chừng nào, càng dễ vãng sanh chừng đó.

Chư vị để ý coi.

Bây giờ trở lại lời khai thị của ngài Ấn-Quang, lời của Ngài từng đoạn… từng đoạn… diễn tả sự hiền lành này, không có gì cao xa. “Trên kính dưới hòa” là những người hiền lành. Ông triết gia đó là người thông minh, chứ không phải là người hiền lành. Người hiền lành là người gặp ai cũng cung cung kính kính, dạ dạ thưa thưa. Những người ưa lý luận cao diệu chưa hẳn là người hiền, thường rất dễ tăng thượng mạn. Cho nên hàng Phật tử tại gia chúng ta nên nhớ hãy tập ăn ở hiền lành, nhận mình còn phàm phu nghiệp nặng. người hiền lành rất thích hợp với pháp môn niệm Phật.

Ngài Pháp-Nhiên Thượng Nhân nói: A-Di-Đà Phật lập đại thệ chủ yếu là cứu độ những người sanh tử phàm phu, tội chướng sâu nặng như chúng ta, chứ Ngài không nhắm tới cứu độ những vị đại thông minh, đại trí huệ, đại thượng căn. Tại vì các Ngài đó thật sự đã là Bồ-Tát tái lai rồi, các Ngài không cần phải khó khăn như chúng ta mới vượt qua tam giới. Các Ngài vốn đã ở ngoài tam giới trở lại rồi. Chính vì thế, khi đọc lời khai thị của ngài Ấn-Quang xin chư vị cần tin tưởng và càng vững tâm mà đi, vì chính chúng ta là những người đương cơ của pháp môn, chính là những người mà A-Di-Đà Phật chú ý nhiều nhất, thương hại nhiều nhất, và chú tâm gia trì nhiều nhất.

Khi đi hộ niệm chư vị mới thấy một điều hết sức ngạc nhiên, đó là những người hiền lành chất phác quê mùa lại được vãng sanh rất dễ dàng. Còn những người ưa lý luận cao siêu, những người nhiều danh vọng trong xã hội thường rất khó vãng sanh. Không vãng sanh được. Cho nên khi nghe những lời khai thị mộc mạc, đơn giản của ngài Ấn-Quang, chúng ta phải dùng tâm chân thành mới hiểu thấu rằng lời pháp của Ngài nhằm để cứu độ rộng khắp chúng sanh. Mà cứu độ rộng khắp chúng sanh là cứu độ đến những người phàm phu hạ căn như chúng ta. Nhờ đó chúng ta thấy rõ chính mình rất thích hợp với pháp niệm Phật, rất thích hợp để được sự gia trì của A-Di-Đà Phật, được ngài Ấn-Quang chú ý giúp cho chúng ta một đời này vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Thấy được điều này rồi, xin chư vị hãy vui vẻ lên, tin tưởng lên, vững vàng lên… Cứ một đường như vậy mà đi. Ăn ở hiền lành, niệm Phật là đủ rồi! Hiền lành thì dễ buông chấp ngã-nhân ra. Ví dụ như ngày hôm qua có người nào nói ta một điều gì mà ta buồn, ta tức, thì xin bỏ cái buồn tức đi, làm vậy thì chúng ta là người hiền đó. Gặp một điều gì bất thuận lợi, không hợp ý, ngày hôm qua hôm kia chúng ta tức, hôm nay xin chư vị đừng tức nữa. Bỏ tức đi, thì chúng ta là người hiền đó. Hòa Thượng Tịnh-Không nói rằng, hễ còn để ý ganh ghét một người nào thì nhất định chúng ta không được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Ấn Tổ dạy, nhất định phải để ý đến những điều hay điều đẹp, đừng để mắt đến những điều xấu xa bại hoại. Lúc nhàn đàm hãy lo nghĩ đến điều lỗi của mình, đừng nói lỗi của người khác. Quí vị đem lời nói của ngài TịnhKhông so sánh với lời dạy của ngài Ấn-Quang thử có hợp nhau không?

Những lời nói của ngài Ấn-Quang thật sự bình dân, thật sự hiền hòa, thật sự diễn tả cảnh giới của người chất phác. Ngài nói người nào làm được chuyện này thì chắc chắn sẽ được vãng sanh TâyPhương Cực-Lạc. Trong suốt đoạn khai thị, Ngài hoàn toàn không nói chúng ta phải hiểu cho thấu đạo lý nhiệm mầu, phải mở trí huệ ra, phải hiểu được kinh tạng mới được vãng sanh, mà Ngài nói cần phải hiền hòa, chất phác, buông xả, rồi lo ngày đêm niệm Phật, cầu nguyện vãng sanh, thì tự nhiên ai ai cũng được vãng sanh hết.

Chính vì thế mà nhìn lại đạo tràng chúng ta, có thể nói là đạo tràng theo kiểu mẫu của Ấn Tổ. Diệu-Âm đã cố gắng thực hiện thật gần gũi theo kiểu mẫu đạo tràng của Ngài. Bên ngoài không có một bảng hiệu nào quảng cáo. Bên trong hình thức hoàn toàn đơn giản. Ngày Tết chư vị đến đây sẽ thấy rằng Niệm Phật Đường vẫn hoàn toàn im lặng như ngày thường. Trong suốt 5 năm qua chưa bao giờ Niệm Phật Đường này tổ chức một hội lễ Tết nào. Tạo sao vậy? Tại vì chính Ấn Tổ đã dạy như vậy: – Một đạo tràng không làm lễ hội.

  • Một đạo tràng không có hóa duyên.
  • Một đạo tràng không có trương bảng hiệu.
  • Một đạo tràng chỉ có 5 người, 10 người, 20 người, lặng lẽ từ đầu năm đến cuối năm, ngày ngày niệm Phật tu hành. Kiết thất niệm Phật quanh năm, 365 ngày nhất định chúng ta không rời câu A-Di-Đà Phật. Ngài nói chỉ như vậy thôi thì chúng ta vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.  Nguyện mong cho chư vị quyết tâm, lặng lẽ, đi về Tây Phương.

Đừng cầu mong những gì của thế gian này mà vướng nạn… A-Di-Đà Phật.

 

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –