Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm (Tọa Đàm 17)

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH THEO ẤN TỔ

(Tọa Đàm 17)

 

Nam mô A-Di-Đà Phật.

Lời khai thị của Tổ Ấn-Quang kết thúc bằng câu “Nhất định có thể vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc”. Tổ Ấn-Quang dạy rằng người nào tu pháp môn niệm Phật cũng có thể vãng sanh về Tây- Phương Cực-Lạc hết. Có người nghe lời khai thị của Ấn Tổ thì đặt câu hỏi rằng tại sao Tổ không nhắc đến lời nguyện vãng sanh, thì chính câu kết thúc này đã nói lên rõ ràng rằng tất cả những công hạnh tu hành là nhằm để vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Người nào vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì thành tựu đạo quả. Không vãng sanh được thì đường tu bị thất bại. Tổ Sư nói nếu niệm Phật mà còn nghĩ tới đời sau hưởng phước trong lục đạo luân hồi, thì chẳng khác gì như người lấy viên ngọc như ý đáng giá liên thành đổi lấy tán kẹo. Vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc quý giá vô cùng. Người nào thành tâm niệm Phật và tha thiết nguyện vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, thì theo như Ngài nói nhất định được vãng sanh trong một đời này, không phải đời thứ hai.

Trong bữa cơm hôm qua bác sĩ Châu-Phi hỏi một câu rất hay:

– Tại sao trong nhiều đời nhiều kiếp mình có niệm Phật rồi, mà khi ấy mình không được vãng sanh? 

Câu hỏi này hay quá hay!… Diệu Âm cũng đã trả lời rất nhiều lần về những câu hỏi tương tự như vầy, vì đi đâu người ta cũng thường hỏi như vậy. Có quá nhiều lý do liên quan đến câu hỏi này, hôm nay xin trả lời thêm. Đây cũng là dịp cho chúng ta tự xét tại sao có người niệm Phật lại mất phần vãng sanh oan uổng vậy?

Chúng ta đang bàn về khai thị ngài Ấn-Quang, xin chư vị hãy xem lại thật kỹ lời khai thị này, coi thử mình có bị phạm lỗi nào trong này hay không? Ngài dạy: “Trên kính dưới hòa”, mình có thật sự trên kính dưới hòa chưa? Mình tu có phạm lỗi này hay không? Phạm thì phải bỏ ngay đi nhé, nếu không bỏ thì bị mất phần vãng sanh đấy. Tại sao vậy? Vì trên không kính, dưới không hòa thì nhất định không phải người hiền lành. Chư Thượng-Thiện-Nhơn trên cõi Tây-Phương toàn là người hiền không thôi, vậy thì chúng ta phải tập làm người hiền mới gặp các Ngài được.

“Khi tĩnh tọa thường nghĩ đến điều lỗi của mình. Lúc nhàn đàm đừng bàn đến điều sai trái của người”. Mình thường hay chê bai người khác, thì giờ đây có thấy lỗi lầm của mình chưa? Ngày hôm qua có lỗi lầm gì, hôm nay biết đến mình có dám mạnh dạn tu sửa không? Chính vì có lỗi lầm nhiều quá mà bị kẹt đấy. Lỗi lầm này từ đâu mà ra vậy? Từ tập khí đấy. Tu hành mà không chịu làm theo 10 điều thiện của Phật dạy nên tạo ra quá nhiều nghiệp chướng. Vậy thì từ nay mỗi lần đọc đến 10 điều thiện, chúng ta hãy giựt mình tự phản tỉnh, nếu có lỗi lầm thì bỏ liền đi.

Chúng ta thành thật sửa đổi, thành tâm sửa lỗi, để niệm Phật được vãng sanh, chứ không phải chờ diệt cho hết nghiệp chướng rồi mới vãng sanh. Chúng ta chưa hết nghiệp chướng, nhưng vẫn được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc chính là nhờ biết kiệt thành sám hối, bỏ đi lỗi lầm và thành tâm niệm Phật nhờ Phật cứu độ về Tây-Phương. Đây là một dạng giải thoát vô cùng tuyệt vời, vô cùng dễ dàng. Vì quá dễ dàng, nên Phật mới nói đây là pháp môn “Dị Hành Đạo”. Chư Tổ Sư nói rằng, bất cứ một người nào, miễn là làm đúng theo lời dạy, cũng có thể vãng sanh về TâyPhương được.

Một việc nữa: “Đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc… từ sáng đến tối, từ tối đến sáng giữ tâm mình trong câu A-Di-Đà Phật, không để gián đoạn”. Những người còn khỏe mạnh có thể phải đi làm việc, trong thời gian làm việc có thể không niệm Phật được. Nhưng không sao, lúc rảnh rỗi, thay vì cầm tờ báo lên làm chi? Hãy tranh thủ niệm Phật. Nói chuyện về người này người nọ làm chi? Hãy cố gắng niệm Phật… Người thực hiện được như vậy vẫn gọi là niệm Phật liên tục, không gián đoạn.

Nhưng đối với một người đã về già, người về hưu rồi, hơn nữa đã mang phải một căn bệnh trầm kha rồi, thì rõ ràng bản án tử hình đã treo trước mắt. Xin hỏi: “Giữ tâm mình trong câu A-Di-Đà Phật không để gián đoạn”, lời dạy này thực sự mình đã làm chưa?

  • Nếu mình còn cầm tờ báo lên xem… Coi chừng bị vướng nạn!
  • Nếu mình còn tụ năm tụ ba nói chuyện thiên hạ… Coi chừng sơ suất rồi!
  • Nói chuyện nhiều quá thì nhất định không cách nào niệm Phật tốt được… Coi chừng thua rồi! 

Đã đến giai đoạn sắp chết mà không tranh thủ niệm Phật để vãng sanh, thì đợi đến lúc nào nữa đây? Nói đến đây, chắc chư vị thấy được tại sao trong đời trước mình có niệm Phật mà không được vãng sanh phải không? Có lẽ mình đã vướng phải những lỗi này chăng?

“Nhìn thấu, buông xả”. Bốn chữ này là then chốt. Hòa Thượng Tịnh-Không rất nhấn mạnh đến hai chữ “Buông Xả” này. Buông xả thì được vãng sanh, không buông xả không được vãng sanh. Bây giờ tự mình hãy xét lại thử coi mình có buông xả chưa? Mình còn giận hờn ai không? Mình còn cố chấp việc gì không?… Nếu có, thì hãy mau bỏ đi.

  • Tập hạnh tha thứ cho người thì oan gia trái chủ dễ tha thứ cho mình.
  • Tha thứ cho người thì chư Thượng-Thiện-Nhân thương tình phóng quang gia trì.
  • Tha thứ cho người thì tự lòng chân thành này dễ cảm ứng đến đại nguyện của đức A-Di-Đà để mình được về cõi Tịnh-Độ.
  • Mình không tha thứ cho người, thì làm sao một người chấp trước như mình lại được đi về Tây-Phương? 

Chư vị biết không, chư Thượng-Thiện-Nhân trên cõi Tây-Phương trước khi họ vãng sanh về đó, có thể họ cũng làm nên tội chướng tràn trề, chứ chưa chắc gì họ là người vô tội đâu, nhưng họ nhờ sám hối mà vãng sanh đấy. Khi họ đã trở về cõi Tây-Phương rồi, thì nghiệp chướng đâu còn trói buộc họ được nữa. Hàng ngày vô lượng vô biên chúng sanh từ khắp mọi thế giới được vãng sanh về Tây-Phương toàn là nhờ vào đới nghiệp vãng sanh. Vì đới nghiệp vãng sanh quá dễ, nên nhân số ở Tây-Phương Cực-Lạc đến nay đã nhiều đến vô lượng vô biên, đến nỗi trong kinh Vô-Lượng-Thọ Phật nói rằng, dẫu cho tất cả chúng sanh trong tam thiên đại thiên thế giới cùng nhau tính đếm trong vô lượng kiếp mà đếm ra tổng số người ở đó, thì A-Di-Đà Phật thề không thành Phật.

Nếu không nhờ sự đới nghiệp vãng sanh thì làm sao có hiện tượng này. Nếu pháp môn tu đòi hỏi một chúng sanh phải diệt đoạn cho tận hết nghiệp chướng mới được vãng sanh, thì tìm đâu ra số người vãng sanh thành đạo đông như vậy?

Cho nên ta cũng là một người phàm phu tục tử tội chướng sâu nặng nhưng mà biết bỏ đi, biết buông xả những cái đó ra, ta cũng trở về trên cõi Tây-Phương bằng hình tướng là người phàm phu mang đầy tội lỗi. Nhưng một khi vãng sanh về đó rồi thì không còn là sanh tử phàm phu nữa, mà sẽ trở thành đại Bồ-Tát rồi.

Như vậy, nếu chư vị thật sự muốn vãng sanh thì tự mình phải xét lấy, nếu sơ ý coi chừng thấy nhiều người mất phần vãng sanh, mà chính mình cũng có thể mất phần vãng sanh đó…

Hôm qua mình nói về sự buông xả luyến ái vợ con. Mình buông được chưa? Đi xa nhớ, lúc giận nhớ, lúc hờn nhớ, lúc kình nhớ, lúc cãi nhớ, lúc yêu nhớ, lúc buồn nhớ… như vậy đến lúc mình nằm xuống rồi làm sao quên được cái “Nhớ” này? Không buông ra, coi chừng bị nạn!… Đối với những người đã mang cái chữ “TỬ” trước mặt rồi, thì mau mau buông ra cấp kỳ, nhất định cấp kỳ buông ra để khỏi bị vướng chữ luyến ái. Sự quyến luyến về gia tộc, quyến luyến về thân bằng quyến thuộc có cái lực trói buộc mạnh lắm, kinh khủng lắm! Phải mạnh dạn kiên cường buông xả ngay từ bây giờ, thì chúng ta mới có thể vãng sanh được.

Còn nhớ gì nữa? Nhớ nhà cửa? Cái nhà chỉ là đất, đá, xi-măng…

Ở đây một căn nhà đổi nhiều đời chủ, nhà thuê, nhà mướn, chứ đâu phải nhà của mình… Người quá chú tâm vào cái nhà, đi đâu cũng nhớ nhà… Khi chết không đem theo căn nhà được, nhưng vì mê muội mà bị vướng nạn đó. Linh hồn của mình cứ lảng vảng, lảng vảng bên cạnh căn nhà đó để bị thành cái gì, chư vị có biết không? Thế gian gọi là “Ma” đấy. Dễ sợ lắm chư vị ơi!… Đau khổ lắm đấy!… Thực ra đây không phải là ma quỷ gì đâu, mà là một người vì quá quyến luyến căn nhà, khi chết cứ lảng vảng bám vào căn nhà đó mà bị rơi vào cảnh giới Thân-Trung-Ấm, sau 49 ngày không đầu thai được đó thôi.

Còn nhớ gì nữa? Sợ chết không? Có nhiều người niệm Phật mà sau cùng mất phần vãng sanh chính vì cái điểm sợ chết này. Bao nhiêu năm tháng niệm Phật, khi còn khỏe mạnh thì nói ngon lắm, khi ngã bệnh xuống thì tâm hồn chờn vờn, do dự, nghĩ trước lo sau, không dám nguyện vãng sanh, vì sợ rằng nguyện vãng sanh thì bị chết sớm!… Rất nhiều người suốt cả một cuộc đời niệm Phật, nhưng khi bệnh thì không dám niệm Phật nữa chỉ vì sợ chết. Thật quá sai lầm! Còn sợ chết thì dù có niệm Phật suốt đời cũng không được vãng sanh. Dù cho A-Di-Đà Phật hiện thân tiếp dẫn mình cũng sợ luôn!…

Chính Diệu-Âm đã gặp những người niệm Phật nhiều năm, nhưng khi gặp bệnh nặng, bác sĩ báo phải chết thì không dám mời ban hộ niệm tới niệm Phật, mà ngày đêm tìm cách chạy chữa cầu may. Có ý niệm sợ chết, thì còn chấp vào cái thân vô thường, còn tham đắm thế gian này rồi, A-Di-Đà Phật không thể tiếp dẫn được nữa.

Xin chư vị phải ngộ ra cấp kỳ điểm này. Ngộ gì đây? Coi chừng thân mạng này sẽ tan biến giống như bọt nước giữa cơn mưa!… Hôm qua mình nói chuyện về anh T. phải không? Buổi chiều anh còn nói chuyện, buổi tối anh chết. Chết nhanh quá! Chết chưa kịp trăn trối một lời nào! Chết vì đột quỵ. Bệnh về tim mạch chết nhanh lắm, không bao giờ báo trước. Người có bệnh về tim mạch, đừng bao giờ đợi đến lúc quỵ xuống rồi mới tính nhé. Không đâu. Lúc đó chỉ là cái cục thịt vô tri rồi!…

Hiểu được như vậy, người biết đạo hãy mau mau buông xả cấp kỳ để niệm Phật cầu vãng sanh, quyết trong dịp này ta vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Còn nếu không chịu buông xuống, cứ lo bám lấy những chuyện vô thường, thì luống qua một đời nữa rồi. Tương lai một vạn kiếp sau may ra mới có duyên gặp lại câu A-DiĐà Phật để niệm và cầu vãng sanh.

Nhìn thấy một người gặp câu A-Di-Đà Phật mà phát tâm tin tưởng trì niệm, lấy kinh Phật ra ấn chứng mới biết rằng người này trong vô lượng kiếp họ đã niệm Phật rồi. À!… Đúng là cái dạng của chúng ta đó… Nhưng tiếc thay, cuối đời không gặp được người hộ niệm, tha thiết khuyên nhắc như hôm nay để cảnh tỉnh mình quyết chí vãng sanh. Nghiệp chướng trùng trùng, duyên lành chẳng gặp, một người có đầy đủ chủng tử “A-Di-Đà Phật”, nhưng vẫn phải chịu kẹt lại trong bể khổ luân hồi. Đời này nếu bị luống qua nữa, thì biết bao giờ mới thoát nạn được đây?…

Hiểu được vậy rồi, xin hãy mau mau cấp kỳ giác ngộ, quyết lòng niệm Phật đời này vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Chư vị ơi!… Chính mình phải cứu mình thôi, không ai có thể cứu mình được.

Nam Mô A-Di-Đà Phật. 

 

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –