Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm (Tọa Đàm 16)

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH THEO ẤN TỔ

(Tọa Đàm 16)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Một đời của Tổ Sư Ấn-Quang thường thích những nơi tịch tĩnh, yên lặng để lo tu niệm. Ngài nghiên cứu hết ba tạng kinh điển, nên về Phật pháp Ngài rất uyên thâm, nhưng khi đã ngộ ra đường đạo, Ngài rút về một căn phòng đơn giản rồi suốt ngày niệm Phật. Trong phòng thờ của Ngài chỉ có một ảnh tượng đức A-Di-Đà, một cuốn kinh Phật Thuyết A-Di-Đà. Mỗi ngày Ngài tụng một biến kinh A-DiĐà rồi trì giữ câu Phật hiệu từ sáng đến chiều từ chiều đến sáng. Trên vách sau bàn thờ Ngài viết một chữ “Tử” rất lớn để tự răn nhắc rằng một ngày nào đó Ta sẽ chết…

Hơn cả tuần rồi, mỗi đêm chúng ta đều có nghe qua lời khai thị của Ấn Tổ, không biết chư vị có ngộ ra đạo lý nào không? Hòa Thượng Tịnh-Không nói: “Nhìn Thấu, Buông Xả…”, không biết trong suốt những ngày qua nghe lời khai thị của Ấn Tổ chúng ta có nhìn thấu chưa?… Chị Phi có nhìn thấu chưa? Tỷ Chúc-Đức có nhìn thấu chưa? Anh Hai có nhìn thấu chưa? Chị Loan?…

Nhìn-Thấu, Buông-Xả” quan trọng lắm. Nhìn thấu gì đây?… Ngài Ấn-Quang đại sư sau khi nghiên cứu đại tạng kinh, ngộ ra rồi nói rằng một ngày nào đó Ta sẽ chết, thành ra Ngài viết một chữ “TỬ” rất lớn để phía sau tượng Phật. Ngài ngộ ra đạo lý giải thoát của Phật nằm trong câu “Nam Mô A-Di-Đà Phật”, nên suốt từ sáng đến chiều từ chiều đến sáng Ngài niệm câu Phật hiệu. Công khóa của Ngài là một ngày tụng một biến kinh A-Di-Đà và niệm Phật, Ngài đã thành một vị Tổ. Cuối đời Ngài đã vãng-sanh về Tây-Phương CựcLạc.

Chúng ta hàng đêm nghe lời khai thị của Ngài, bây giờ nhắc tới điều này chúng ta nhìn thấu được chưa?

Nhìn thấu cái gì đây?… Một ngày nào đó ta sẽ chết! Hiện tại bây giờ chưa có bệnh thì cái chết này có thể chầm chậm một chút.

Người đã gặp phải căn bệnh ngặt nghèo, gặp những thứ bệnh mà bác sĩ đã chịu thua thì cái chết đang treo trước mặt rồi, đã chạm tới chóp mũi rồi!… Phải nhìn cho thấu điều này, nếu không chịu nhìn thấu thì coi chừng trễ đấy!…

Nhìn thấu cái gì nữa? Nhìn thấu là xác thân này sẽ tan hoại theo đất, nước, gió, lửa. Nó sẽ tan hoại nhanh như chớp. Ngài ẤnQuang nhìn thấu chỗ này nên mới treo một chữ TỬ thật to. Nếu bác sĩ tuyên bố rằng ta bị một chứng bệnh nan y, thì chữ TỬ này đã dính vào trán rồi. Hãy mau nghe lời ngài Ấn-Quang dạy đi, thấy chữ TỬ bị dán trên trán rồi, thì bắt đầu từ sáng đến chiều từ chiều đến sáng chỉ niệm câu A-Di-Đà Phật, không dám rời câu A-Di-Đà Phật ra nữa. Tại vì sao?… Tại vì khi chết cái thân này chết, chứ linh hồn của ta không chết, thần-thức của ta không chết, hay nói rõ hơn là chính ta không chết. Ta sẽ bị đọa lạc nếu sơ ý trong khoảng thời gian này không chịu từ sáng đến chiều từ chiều đến sáng bám giữ câu A-Di-Đà Phật mà niệm, niệm cho nhập tâm, niệm cho thành một thứ phản xạ tự nhiên… Để chi vậy?… Để khi thân xác ta nằm xuống, ta còn câu A-Di-Đà Phật trong tâm mà niệm.

Nhìn thấu gì nữa đây?… Nhìn thấu rằng hơi thở đẩy ra không kịp hít vào thì ta đi vào thế giới khác. Ngày hôm qua chúng ta nhắc tới anh T… buổi chiều còn ngồi nói chuyện, ban đêm thì chết rồi. Ta có thể bị như anh T… hay không?… Nếu ta cho rằng: À! Anh T… không niệm Phật, nên bị như vậy. Còn ta có niệm Phật thì đâu có thể nào bị như vậy. Nếu có ý niệm này, thì ta đã phạm phải một sự sai lầm lớn lao vô cùng!… Ta không chịu nghe kỹ lời khai thị của Ấn-Quang đại sư dạy rồi. “Nếu đã tu trì thì phải tự hiểu là công phu của ta hãy còn nông cạn…”. Nếu nghĩ rằng ta có niệm Phật không bị như vậy đâu, thì phạm phải cái lỗi này rồi, lỗi tăng thượng mạn đấy!… Tu hành mà tâm hồn thượng mạn, thì công đức đã biến màu. Dù hình thức tu tập có nhiều đi nữa, thì kết quả nhiều lắm cũng chỉ hưởng một chút phước báu hữu lậu nào đó mà thôi.

Đối với một người tu hành, thông thường oan gia trái chủ khó có thể phá rối được, nhưng một khi khởi tâm tăng thượng mạn lên, thì đây là cơ hội rất thuận lợi cho oan gia trái chủ tự do đánh phá. Quý vị để ý một chút thì sẽ thấy rõ điều này.

Người hậu học mà tâm ý thiếu khiêm nhường thì khó tránh ách nạn. Ngài Ấn-Quang khai thị: “Nếu đã tu trì thì phải tự hiểu là công phu của ta hãy còn nông cạn, chẳng nên tự kiêu căng khoa trương”. Người tự cho rằng, ta có niệm Phật thì không bị nạn như người khác, thì đây là lời nói kiêu mạn, khoa trương. Thường thường oan gia trái chủ chỉ phá được ở những người tu hành mà tâm tánh thiếu khiêm hạ, thiếu nhẫn nhường. Chính vì thế, lời khai thị của ngài Ấn-Quang đã dạy những đạo lý vô cùng tuyệt vời mà chúng ta sơ ý nên không biết tới, không hiểu thấu.

Nhìn thấu rằng, cái thân mạng này chỉ gởi tạm bợ ở thế gian này một thời gian ngắn ngủi. Hãy nhìn thấu rằng sau khi bỏ báo thân này nếu không được vãng-sanh thì ta sẽ bị đời-đời kiếp-kiếp, vô lượng vô biên kiếp, hàng triệu hàng tỷ năm trong cảnh giới khổ đau.

Nên nhớ đức Di-Lặc Tôn-Phật hơn nửa tỷ năm nữa mới hạ sanh xuống cõi trần này. Trong khoảng thời gian dài vằng vặc sau hạn kỳ độ sanh của đức Thế-Tôn, đây là thời diệt-pháp, chúng sanh sống trong cảnh đọa lạc, không có Phật pháp. Chư vị nghĩ thử, làm sao chúng ta có thể thoát nạn đây?… Nhìn thấu như vậy rồi chúng ta mới thấy quá nguy hiểm, mới thấy cuộc đời này quá tạm bợ!… Quá vô thường!…

Đã học đạo mà không ngộ ra điều này thì đáng tiếc quá!… Hòa Thượng Tịnh-Không nói: Hãy Nhìn cho thấu và buông cho trót.

“Khán-Phá, Phóng-Hạ”. Phải biết buông xuống. Người tu hành mà biết buông xuống thì mới được vãng sanh. Không buông xuống nhất định bị kẹt lại trong ách nạn luân hồi!…

  • Buông cái gì đây?… Tình chấp buông được chưa? Nếu còn giận hờn, còn kình cãi, còn tức người này, ghét người kia… thì thoát nạn không được. Thương con nhớ cháu, quyến luyến người thân… thì sự luyến ái này sẽ trở thành một sợi cáp trói chặt mình lại trong sanh tử luân hồi, nhất định không thể vãng-sanh về Tây-

Phương Cực-Lạc được. Thành ra “Thương” cũng bị vướng mà “Ghét” cũng bị vướng, “Giận” vợ cũng bị vướng mà “Buồn” con cũng bị vướng như thường. Người đã bị bệnh thì phải buông xuống ngay, vì chữ “Chết” đã đụng tới chóp mũi rồi, một sớm một chiều là xong một đời!… Không thể nào nghĩ rằng chờ đến lúc đó mới buông. Không được đâu!…

  • Buông cái gì nữa?… Nhà cửa, ruộng vườn, danh văn, lợi dưỡng… buông xuống chưa?… Chữ “Chết” đã dán ngay trước mũi rồi mà tới Niệm Phật Đường niệm Phật 1-2 tiếng đồng hồ thì bắt đầu nhớ nhà rồi. Những người còn khỏe mạnh thì thường thường ỷ lại mà dễ bị nạn. Những người bác sĩ đã tuyên bố là bị bệnh vô phương cứu chữa rồi, mà không học cái hạnh của cô Đoàn-Thị- Minh-Hương thì tiêu rồi. Cô Đoàn-Thị-Minh-Hương từ Quảng-Ngãi lặn lội ra tới tận Đà-Nẵng cầu cứu nơi cô Thu-Hương xin được ở tại Niệm Phật Đường để niệm Phật vãng sanh. Đây là quyết định sáng suốt, đầy trí huệ. Cô thấy rõ rằng tại nhà riêng của mình không thể nào cứu được mình. Mẹ của cô không thể nào cứu được cô. Một người yêu sắp làm đám cưới không thể nào cứu được cô… Cho nên cô quyết định không về nhà, và viết lại một lá thơ cho mẹ, dặn dò mẹ rằng con phải đi vãng sanh, nếu mẹ có thương con thì hãy nghe lời cô Thu-Hương để hộ niệm cho con.

Cô đó sao mà khôn quá! Tinh thần của cô sao kiên cường quá! Dũng mãnh quá! Cô thực sự đã vãng sanh…

  • Còn buông xả gì nữa?… Tấm thân này có chịu buông xuống hay không?… Một người bệnh đã đến giai đoạn cuối rồi mà ước mơ có thể sống thêm vài năm nữa, thì thua rồi!… Có ý tưởng như vậy tức là bám theo cái xác thân này rồi. Chắc chắn bị chết!… Ví dụ cụ thể, có người bệnh tới đây cộng tu, nếu cầu cho hết bệnh, thì nhất định bị vướng vào cái xác thân này rồi, không thể vãng sanh được. Chư Tổ trong Tịnh-Tông không dạy chúng ta cầu như vậy. Quý Ngài dạy chúng ta chỉ cầu nguyện vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.  Những người đi hộ niệm luôn luôn hướng dẫn người bệnh lời cầu nguyện vãng sanh: “Nam Mô A-Di-Đà Phật, xin Phật cho con được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc”. Người bệnh phải có tâm cầu được vãng sanh càng sớm càng tốt. Đi ngày hôm nay hay hơn ngày mai. Luôn luôn phải có tinh thần này thì mới được vãng sanh Tây-Phương Tịnh-Độ.

Sẵn đây, chúng ta cũng nói chuyện về người bệnh luôn. Ở đây có người đang vướng phải căn bệnh ngặt nghèo. Đã bị bệnh ngặt nghèo thì cần phải biết rõ điểm này: Muốn được vãng sanh thì không được cầu hết bệnh, coi như lời nói này là đang hộ niệm cho nhau. Pháp hộ niệm dạy như vậy. Uống thuốc, uống nước cúng Phật để phụ lực cho Thân-Tâm an tịnh hầu niệm Phật tốt hơn thì được. Còn nguyện cầu thì phải nhớ: Nguyện cho con vãng sanh càng sớm càng tốt. Tín-Nguyện-Hạnh phải đầy đủ mới được vãng sanh. Vấn đề này cũng nằm trong ý nghĩa buông xả vậy.

Nhắc đến điều này cho chúng ta kiểm lại thử coi, tại sao có người tu hành quá nhiều mà sau cùng mất vãng sanh? Có người niệm Phật, đầu tiên thì nói triết nói lý hay lắm, nhưng khi gặp một cơn bệnh ngặt nghèo thì tinh thần hoảng kinh, chạy chữa lung tung, hy vọng sống theo kiểu còn nước còn tát, không dám mạnh dạn buông xuống lo bề hộ niệm.

Người tu hành mà tâm sợ chết như vậy thì sau cùng bị chết. Chết tức là bị nạn!… Vì sao bị chết?… Vì rời khỏi Tín-Nguyện-Hạnh tức là từ bỏ quang minh gia trì của chư Phật, Bồ-Tát. Bỏ sự gia trì của Phật, Bồ-Tát thì liền có chư vị oan gia trái chủ tấn công, họ tấn công bằng cách cản trở đường vãng sanh để kéo ta xuống tam ác đạo. Sự trả thù này vô cùng dễ sợ!

Mỗi ngày sẽ nói thêm một chút, chúng ta phải nhìn cho thấu vấn nạn sanh tử luân hồi quá dễ sợ thì mới mạnh dạn buông xuống được. Nhìn không thấu nhất định bị vướng nạn. Vướng mà mình không hay đấy!…

Mong chư vị tự mình xét lấy, mau mau buông xuống để đi vãng sanh. Nếu còn tham chấp vô thường, không chịu buông xuống thì

A-Di-Đà Phật không cứu mình được!…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –