HÀNH THEO ẤN TỔ
(Tọa Đàm 39)
Nam Mô A-Di-Đà Phật
Chủ-Nhật này chúng ta lại có ngày tinh tấn niệm Phật, mong chư vị chú ý trong những ngày tinh tấn cố gắng gìn giữ trọn vẹn 24 giờ niệm Phật. Trong khuôn viên Niệm Phật Đường chúng ta không nói chuyện, không điện thoại, điện thoại vào không nhận, cũng không gọi ra, đây là cách mà chúng ta tập cái tâm-lực của mình mạnh mẽ.
Hôm qua mình có nói qua tâm-lực và nghiệp-lực so kè với nhau. Hễ tâm-lực mạnh thì ta thoát vòng sanh tử luân hồi. Hễ tâm lực yếu thì nghiệp-lực khởi lên kéo chúng ta trở lại trong lục đạo luân hồi, đời đời kiếp kiếp chịu nạn. Do đó, muốn cho cái nghiệp nó không có cơ hội hưng khởi lên, thì mình phải mạnh dạn cắt đi các ngoại duyên. Phải cắt ngoại duyên mới tốt. Cái ngoại duyên đến với ta dễ nhất chính là qua khẩu nghiệp. Khẩu nghiệp chính là cửa ngõ tạo cho cái duyên bên ngoài đi vào trong tâm chúng ta.
Ngài Triệt-Ngộ nói rằng, nghiệp-lực nguy hiểm vô cùng, nhưng rất may cho chúng ta là nó không có tự-tánh. Có nghĩa là sao? Nó rất vô tư. Ví dụ cho dễ hiểu, giả sử con người tạo ra một quả bom. Quả bom đó là do con người tạo ra nó, chứ không phải quả bom tự nó tạo ra. Tạo ra nó rồi, nhưng nếu đừng đụng chạm tới nó, thì nó vẫn nằm im đó ngàn đời vạn kiếp, vô hại. Còn nếu con người tới châm ngòi thì nó sẽ nổ. Khi nổ thì khả năng gây hại của nó thật là kinh khủng!… Nó có thể tàn phá nhà cửa, giết chết không biết bao nhiêu sinh mệnh của chúng sanh. Cái nghiệp-lực của chúng ta cũng vậy, nó nguy hiểm vô cùng, nhưng nếu chúng ta không đụng tới nó thì nó làm thinh, ngàn đời vạn kiếp nó vẫn nằm đó.
Khi mình tinh tấn tu hành là tập đừng có đụng tới cái nghiệp. Muốn khỏi đụng tới cái nghiệp thì phải tập cho tâm mình thanh tịnh, đừng để tâm mình khuấy động cái nghiệp lên. Cái nghiệp đã tạo ra trong quá khứ cứ để tự nhiên, không sợ nó, không nghĩ tới nó, không ghét nó, cũng không thương nó. Hãy quên nó đi, đừng khèo nó ra, cũng giống như đã lỡ tạo một quả bom rồi thì cứ để nó nằm im trong kho, đừng có đụng đậy tới nó thì nó không nổ đâu. Nghiệp chướng cũng vậy, không có duyên thì nghiệp không thể hiện hành. Tổ Triệt-Ngộ nói, nghiệp-lực không có tự-tánh là như vậy, do duyên mà nó sinh ra, gặp duyên nó thành quả báo, không duyên nó nằm im vô tư.
Thế mới biết trong các lời khai thị của Ấn Tổ, tại sao Ngài không dạy chúng ta phải cố gắng diệt cho hết nghiệp, mà Ngài chỉ nhấn mạnh “Lúc đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc… từ sáng đến tối, từ tối đến sáng chỉ niệm Phật hiệu không để gián đoạn, hoặc niệm ra tiếng, hoặc niệm thầm… Ngoài việc niệm Phật đừng dấy khởi một niệm nào khác”. Chỉ giữ tâm trong câu Phật hiệu là đủ. Giả sử như mình dấy khởi một niệm, ta cố gắng niệm Phật cho tâm mình thanh tịnh, đây cũng là vọng niệm luôn. Ngài dạy ngoài việc niệm Phật đừng dấy khởi một cái niệm nào khác. Mình dấy khởi cái niệm làm sao cho tâm mình được thanh tịnh, thì ngay lúc đó cái tâm mình đã bị động rồi. Chúng ta nên nhớ điểm này, lạ lắm. Khi muốn cho cái tâm mình thanh tịnh, lỡ mình không thanh tịnh được thì tự nhiên sinh ra buồn phiền, lo âu, phiền não… Tâm đã động lại thêm một tầng cấp động nữa, tâm đã bất tịnh lại thêm một cấp bất tịnh nữa. Sao bằng cứ tự nhận mình còn là phàm phu, đã là phàm phu thì vẫn còn vọng tưởng, còn vọng tưởng thì tự nhắc nhở mình hãy cố gắng tập tánh khiêm hòa niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ là được. Ý chỉ của Ngài thật là hay.
Ngài Hạ-Liên-Cư nói:
- Niệm Phật không được cầu nhất tâm bất loạn.
- Niệm Phật không được cầu cho hết vọng tưởng.
- Niệm Phật không được cầu cho hết nghiệp chướng.
Ngài Ấn-Quang dạy, “Ngoài việc niệm Phật không dấy khởi một niệm nào khác”. Chúng ta cần nên chú ý điều này, khi khởi một cái niệm nào khác, coi chừng bị lạc ra khỏi quỹ đạo của Tịnh-Nghiệp. Tịnh-Nghiệp là gì? Niệm Phật vãng-sanh Tịnh-Độ là Tịnh-Nghiệp. Ngoài ý niệm vãng-sanh, không có một niệm khác sanh ra. Một cái niệm muốn làm cho tâm hồn được thanh tịnh cũng không được sanh ra thì mới là Tịnh-Nghiệp. Người tu Tịnh-Nghiệp chỉ giữ câu A-Di-Đà Phật cầu vãng-sanh là được.
Nên nhớ, từ trong nhiều đời nhiều kiếp rồi cái tâm của mình loạn động vô cùng, đây là cái vốn căn bản của người phàm phu.
Nếu cái tâm này đã thanh tịnh thì ta đã thành Phật rồi, đâu còn có chuyện phải ngồi đây niệm Phật nữa. Mà ta đang ngồi đây niệm Phật, chứng tỏ rằng cái tâm của mình bất tịnh. Người phàm phu không sửa trị nổi cái tâm bất tịnh này nên mới niệm Phật cầu đới nghiệp vãng-sanh. Khi được vãng-sanh rồi dù tâm có bất tịnh cũng sẽ được thanh tịnh. Đây là điều đặc biệt của pháp môn niệm Phật, dễ hành, dễ thành tựu. Nếu niệm Phật để cầu cho tâm thanh tịnh, thì chẳng khác gì mình đem cả một Đại Pháp vãng-sanh đi đối trị với cái loạn động. Sai lầm là ở chỗ này.
Chư Tổ dạy, niệm Phật để cầu vãng-sanh, vãng-sanh được đều nhờ Tín-Nguyện-Hạnh, và được đi về Tây-Phương là do nguyện lực của A-Di-Đà Phật tiếp độ, chứ không phải do mình tu hành chứng đắc mà được vãng-sanh. Tu hành cầu chứng đắc thuộc về sự hành trì của các pháp môn tự-lực.
Cho nên Ngài Hạ-Liên-Cư nói:
- Niệm Phật không được cầu hết vọng tưởng. Cầu hết vọng tưởng là tâm đang vọng tưởng.
- Niệm Phật không được cầu nhất tâm bất loạn. Cầu nhất tâm bất loạn là tâm đang loạn.
- Niệm Phật không cầu cho hết nghiệp. Người cầu cho hết nghiệp thì nghiệp chướng luôn luôn hiển hiện, nhất định dù có niệm Phật 50 năm cũng không được vãng sanh, tại vì họ đã đi ra ngoài quỹ đạo của pháp môn niệm Phật rồi.
A-Di-Đà Phật đã lập lời thề độ tất cả những người tâm loạn động, tâm bất tịnh, nghiệp chướng sâu nặng đi về Tây-Phương để một đời thành đạo. Đi vãng-sanh bằng cái lòng tin vào đại nguyện của Ngài, bằng cái sức nguyện tha thiết muốn đi về Tây-Phương Cực-Lạc, và bằng cách trì giữ câu A-Di-Đà Phật mà niệm từ sáng đến tối, từ tối đến sáng không để gián đoạn.
Trong những ngày tu tinh tấn, chúng ta cần tịnh khẩu niệm
Phật. Tại vì người nói chuyện thì tâm hồn sẽ loạn động. Chư Tổ thường thường nhắc nhở chúng ta bớt nói chuyện, là vì lo sợ cái tâm của mình cứ mãi duyên theo trần cảnh mà mất phần vãngsanh. Người thích duyên theo trần cảnh là người thường hay nói chuyện thế gian. Ngược lại, người thích nói chuyện thế gian thì sẽ bị trần cảnh lôi kéo, dù có niệm Phật suốt đời cũng không dễ gì được vãng-sanh. Do đó, khi bước vào trong Niệm Phật Đường rồi, xin chư vị không được nói chuyện. Nói chuyện trong Niệm Phật Đường sẽ hao phước tổn đức, vì động tâm tới bao nhiêu người đang lạy Phật, động tâm đến bao nhiêu người đang kinh hành, động tâm đến bao nhiêu người đang nhiếp tâm niệm Phật. Trong Niệm Phật Đường bao nhiêu người đang thanh tịnh niệm Phật, còn mình thì nói chuyện, chứng tỏ tâm hồn quá loạn động, tánh khí quá thượng mạn! Tập khí này nhất định gây chướng ngại cho đường vãng-sanh của mình.
Chư Tổ dạy, tâm có tự-tánh, có thể chủ động tạo các việc. Hãy lấy tánh chủ động này mà kiểm soát sự sai trái, đừng để tập khí nổi lên. Nếu tập khí bị dìm, thì nghiệp chướng cũng nằm im, không khuấy động mình được. Còn người sơ ý cứ để tập khí buông lung, tập khí buông lung thì nghiệp chướng nổi lên, làm cho chính tâm hồn của họ bị nhiều phiền não. Bị phiền não thì cính là tâm loạn, tâm động. Tâm loạn động chính là tâm-lực yếu. Tâm-lực yếu là điều kiện thuận lợi cho nghiệp chướng hiện hành, lôi kéo họ vào ba đường ác hiểm.
Vì thế, nói chuyện thị-phi của thế gian chẳng khác gì kéo cái quả bom ra. Từ thị-phi mà tạo ra phiền não thì chẳng khác gì châm ngòi cho quả bom nổ. Rõ ràng quả bom đâu phải tự nó nổ, chỉ vì mình châm ngòi nó mới nổ. Một khi quả bom nổ thì mình là người đầu tiên bị tan xác trước. Kế tiếp là người thân nhân, bạn bè, những người chung quanh tan xác theo. Thế gian vì thế mà động loạn, bất an, đau khổ.
Thành ra, xin thưa với chư vị, tu hành phải biết tu cho đúng cách. Ví dụ chư Tổ nói, niệm Phật từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, thì mình cố gắng niệm Phật mãi đi, nhớ đâu niệm đó. Niệm Phật mà thấy tâm còn loạn cũng kệ nó, đừng nghĩ tới nó, mà cứ nghĩ tới A-Di-Đà Phật đi, nghĩ tới Tây-Phương Cực-Lạc đi, cứ hướng cái tâm về miền Cực-Lạc đi, thì tự nhiên bao nhiêu sự loạn động đó sẽ khiến mình niệm Phật thường xuyên hơn, nó ủng hộ mình, tạo thêm thuận duyên cho mình nghĩ về Phật nhiều hơn, mình niệm Phật nhiều hơn, và giúp mình quyết tâm về Tây-Phương Cực-Lạc mạnh hơn.
Cho nên Ấn tổ nói rất hay, nếu một người biết cách huân tu, dù cho ma sự hiển hiện vẫn hỗ trợ con đường tu hành của mình như thường, dù nghiệp chướng hiển hiện vẫn hỗ trợ con đường tu hành của mình như thường, có lợi chứ không có hại. Còn không biết huân tu, thì dù cho có thắng cảnh hiện ra, tức là có đôi lúc mình cảm thấy lâng lâng sung sướng, có nhiều lúc mà thấy an tịnh vô cùng, có nhiều lúc thấy thanh tịnh như đi trên mây, nhưng vừa có được chút ít hay hay nào thì lòng mừng khấp khểnh, vội vã tự cho mình chứng đắc, vô tình tự dẫn độ tới chỗ sai lầm. Ngài nói, giống như một cái bầu trời mây đang che phủ mù mịt, bỗng dưng có một cơn gió xoáy bất ngờ làm lóe ra một cái lỗ trong xanh, mình vội vã mừng vui tưởng rằng cả bầu trời trong xanh sáng sủa.
Không ngờ trong khoảnh khắc sau thì mây lại kéo đến phủ trùm. Bầu trời đen kịt vẫn là đen kịt!…
Người chưa nghe qua lời khai thị của Ấn Tổ, tu hành vừa được một chút gì hơi vui vui thì liền vui mừng, tự mãn, thường thường nhận lấy kết quả khá phũ phàng! Giống như bầu trời mây che mù mịt, vừa lộ ra một đốm sáng vội cho rằng cả bầu trời trong sáng vậy! Ngài nói không biết huân tu, dù có gặp thắng cảnh cũng mau chóng biến thành ma sự là như vậy. Mong chư vị nhận thức sáng suốt con đường nào an toàn vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
Đời này mình gặp duyên niệm Phật còn bị loạn như vậy, nếu lọt lại đời sau trong chốn tử sanh này thì làm sao đây? Liệu có còn duyên gặp lại Phật pháp không?
Ngài Đại-Thế-Chí nói, “Ức Phật niệm Phật, hiện tại đương lai tất định kiến Phật”. Hãy nghe cho kỹ những lời dạy này. Nghĩ là nghĩ tới A-Di-Đà Phật, nhớ là nhớ tới A-Di-Đà Phật, niệm là niệm A-Di-Đà Phật thì không hiện tại cũng trong tương lai mình sẽ vãngsanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Còn nếu cứ nghĩ làm sao cho tâm thanh tịnh thì biến pháp Nhị-Lực được tiếp độ vãng-sanh thành pháp Tự-Lực phá nghiệp, vô tình niệm câu Phật hiệu nhằm đối trị với cái Tịnh và Động rồi. Đối với hàng phàm phu, trạng thái Tịnh và Động này biến chuyển vô thường, vô cùng giả tạm, đừng khổ tâm để ý đến nữa!…
Một sự chứng minh khá rõ rệt từ những trường hợp hộ-niệm, rất nhiều người từ trước chưa biết tu hành gì nhiều, nhưng nhờ tâm hồn hiền lành, chất phác, mình khuyên họ niệm Phật, họ tin tưởng, niệm Phật cầu vãng-sanh vậy mà dễ vãng-sanh. Ngược lại, có nhiều người tu hành khá lâu, nhưng trước giờ phút chết cứ phân vân tại sao tâm mình còn loạn quá?… Tại sao chưa được thanh tịnh?… Xin thưa rằng, những người này dù có niệm Phật cũng rất khó… rất khó… rất khó vãng sanh. Tại sao? Tại vì nếu tâm chị thanh tịnh thì chị thành Phật rồi, đâu cần tới tôi đến hộ niệm. Nếu tâm anh đã thanh tịnh thì anh an nhiên tự tại, đứng mà vãng sanh rồi, chứ đâu có nằm đây mà thở phèo phèo chờ chết…
Vậy thì, đừng để cái tâm quá loạn động mà suy nghĩ sai lầm. Hãy nhiếp tâm lại, thành tâm sám hối, chí thành chí kính niệm Phật cầu Phật gia trì tiếp độ vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc là đúng. Chứ đến lúc này mà còn nghĩ tại sao chưa được thanh tịnh thì quả thật sai lầm!… Sai lầm!… Sai lầm!… Lúc sắp chết rồi mà vẫn không buông tập khí cao ngạo xuống, quả thật là vọng tưởng!… Chuyển tâm lệch một ly sẽ lạc xa ngàn dặm. Mong chư vị nhớ một lòng một dạ nguyện vãng-sanh. Không phải một lòng một dạ nguyện cho hết bệnh, một lòng một dạ nguyện cho tâm thanh tịnh, một lòng một dạ nguyện cho nhất tâm bất loạn…
Tất cả hãy để ứng hiện tự nhiên theo mức công phu. Nói theo Ấn Tổ, công phu chính là lòng chí thành chí kính niệm Phật và tha thiết nguyện vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
Chắc chư vị đã hiểu rõ ràng rồi chứ?…
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
- – Hành Theo Ấn Tổ (Lời Trần Bạch)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 01)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 02)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 03)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 04)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 05)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 06)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 07)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 08)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 09)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 10)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 11)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 12)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 13)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 14)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 15)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 16)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 17)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 18)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 19)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 20)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 21)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 22)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 23)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 24)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 25)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 26)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 27)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 28)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 29)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 30)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 31)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 32)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 33)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 33)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 34)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 35)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 36)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 37)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 38)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 39)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 40)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 41)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 42)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 43)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 44)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 45)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 46)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 47)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 48)