Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm -Tọa Đàm 07

Share on facebook
Share on twitter

Chết là sao?… Là cái cục thịt này không còn hoạt động nữa gọi là chết, nhưng chính người đó không chết. Cái đại ngã của mình không chết. Nói cho dễ hiểu hơn, là cái linh hồn của mình không chết, cái thần thức của mình không chết. Cái Chơn-Tâm Tự-Tánh của người đó một là được giải thoát nếu biết đường tu, hai là bị đọa lạc trong cảnh đau khổ triền miên vô lượng kiếp. Chắc chắn một người không biết tu hành, một người không biết niệm Phật, một người không biết đường giải thoát thì bắt buộc phải chịu đọa lạc rồi!…

HÀNH THEO ẤN TỔ

(Tọa Đàm 07)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Có nhiều người nghe được lời khai thị của Ấn Tổ đã ngộ ra được Đạo. Hổm nay chúng ta nghe qua bao nhiêu lần, ở đây có vị nào ngộ ra chưa?… Có không? Mỗi lần nghe hãy cố gắng lắng tâm lại, thanh tịnh tâm lại mà nghe, thì nhiều khi mình ngộ ra đấy. Có nhiều điều ngộ lắm…

Điều thứ nhất mà chúng ta ngộ ra chính là Ấn Tổ luôn luôn nhắc người tu học phải có cái tâm khiêm-cung. Ngày hôm qua chúng ta nói khiêm-cung, ngày hôm nay chúng ta cũng tiếp tục nói đến khiêm-cung. Khiêm-cung mới thành tựu. Khiêm-cung mới thành đạo. Thiếu đức tính khiêm-cung thì tu hành sẽ thất bại! LãoTử nói: “Hậu kỳ thân nhi thân tiên”. Lão-Tử nhờ có đức tính khiêm cung mà thành Thánh-Nhân. Khổng-Tử luôn luôn giữ tính KhiêmCung-Từ-Nhượng. Luôn luôn các vị Thánh-Nhân điều nhắc nhở đến khiêm-cung. Ấn-Quang đại sư thì dặn chúng ta tu hành phải thấy mình còn là phàm phu, công phu yếu kém. Nhờ đức tính khiêm-cung mà Ngài trở thành Tổ Sư, thành Phật. Còn chúng ta, Ngài dặn phải khiêm-cung, phải coi ta là phàm phu, công phu còn yếu kém và coi tất cả mọi người là Bồ-Tát, thì ta được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Bây giờ xin chư vị hãy ngộ ra một điều, là đức tính khiêm-cung làm cho chúng ta vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Mà vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc được rồi thì như trong kinh Phật nói: “Nhất sanh thành Phật”, nghĩa là một đời chúng ta thành Phật.

Như vậy Tổ Ấn-Quang vì khiêm-cung, giữ tính khiêm-cung mà thành Tổ trong hiện đời và tương lai Ngài thành Phật. Còn ta là đệ tử của Ngài, nghe lời Ngài giữ tính khiêm-cung, trên kính dưới hòa, một lòng giữ phận khiêm-cung để niệm Phật thì ta cũng được vãng sanh, vãng sanh thì một đời thành Phật, nghĩa là ta cũng thành tựu như Ngài. Đây là điểm đáng chú ý…

Nhắc nhở đến đức tính khiêm-cung rồi, bây giờ mình lục lại trong quá khứ xem thử mình có sai sót hay không? Chắc chắn có. Bảo đảm có. Vì là phàm phu thì ai tránh khỏi!… Trước đây chưa biết tu, chúng ta cống cao ngã mạn, khinh thị thiên hạ, lời nói không kiềm chế, cử chỉ không kiềm chế, ý nghĩ không kiềm chế, v.v… Ta để cho thân, khẩu, ý cứ theo đó mà tạo ra không biết bao nhiêu nghiệp chướng. Chồng chồng nghiệp chướng, nghiệp cũ, nghiệp mới làm cho chúng ta tiếp tục chịu nạn…

Chúng ta đã tạo ra nghiệp nhiều quá rồi, tương lai khó tránh đi vào tam ác đạo. Nhưng ngày hôm nay nhờ pháp môn niệm Phật, A-Di-Đà Phật cho chúng ta gói cái nghiệp đó lại, mang cái nghiệp đó vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Trong kinh có nói khi vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì A-Di-Đà Phật cắt đoạn tất cả lục đạo luân hồi, làm chúng ta không có thể nào thoái chuyển trở lại trong sáu đường sanh tử nữa, gọi là “Bất-Thoái-Chuyển”. Bấtthoái-chuyển là không có lui lại. Tức là từ đó tiến lên, tiến mãi, tiến mãi… Tiến cho đến khi thành tựu đạo quả luôn. Thời gian mau hay lâu? Một đời. Xin chư vị nhớ kỹ là một đời thôi. Tại vì mình về TâyPhương chỉ còn một đời thôi, không có đời thứ hai. Ở đó không còn chết. Cứ tiếp tục như vậy mà sống trong cảnh giới Pháp-TánhĐộ, chúng ta trở về Chân-Tâm Tự-Tánh mà thành đạo luôn. Quí giá vô cùng.

Khiêm nhường để phá Ngã-Chấp. Sở dĩ chúng sanh cứ tiếp tục lăn lộn trong đường sanh tử luân hồi là tại vì cái ngã-chấp không phá được. Có Ngã thì có Nhơn. Hễ có ngã-nhơn là có thị-phi. Mà có thị-phi thì nghiệp chướng phiền não từ đó cứ khởi lên, khởi lên… làm cho mình đi vào ma lộ. Người thế gian không biết tu hành nên sự hơn thua, đấu tranh, so đo… cho đó là điều tự nhiên. Mỗi khi có người đụng tới một chút quyền lợi của ta thì buồn phiền, giận tức… rồi tìm mọi cách chống phá, đối nghịch lại. Vì cái ngã này lớn quá nên bị cái ngã đó trói lại trong lục đạo luân hồi, không thoát nạn được.

Và cũng xin thưa với chư vị cái ngã này, nói cho nó rõ ra, chính là… là cái thân thịt này. Chứ còn cái đại ngã của chúng ta thì khác. Cái ngã chúng ta đang vướng này là cái ngã “Vô-Thường”, là cái cục thịt này. Con người vì mê mờ quá sức nên cứ tưởng cục thịt này là ta. Hoàn toàn không phải. Sai rồi!… Sai rồi!… Cái thân này chỉ là cái thứ mà mình lượm trong tứ đại. Đất, nước, gió, lửa hợp lại tạo nên, đó gọi là “Chúng-Sanh”. Chúng sanh là các thứ giả hợp mà sanh ra. Rồi chúng ta đem cơm, đem nước, đem thức ăn bồi dưỡng cho nó lớn lên, lớn lên… Đến khi mãn hạn rồi, thì nó bỏ ra đi. Cũng giống như chiếc áo này vậy, ta mua nó, ta mặc nó, cũng tốn tiền tốn bạc, cũng đổ mồ hôi nước mắt ra mới có đó, nhưng một thời gian sau nó sẽ rách đi, chúng ta phải bỏ nó thôi. Cái thân này cũng giống vậy mà thôi! Cách nay mấy hôm có một vị, buổi sáng còn nói chuyện, buổi chiều thì chết mất. Chết mà không kịp nói lời trăn trối. Chết không ngờ được!… Buổi sáng còn đùa giỡn, đâu có ngờ rằng buổi chiều lại chết. Chết quá đột ngột, dù đang nằm trên giường bệnh ngáp ngáp để chết, nhưng vẫn không thể nào nghĩ rằng mình sẽ chết đâu!..

Chết là sao?… Là cái cục thịt này không còn hoạt động nữa gọi là chết, nhưng chính người đó không chết. Cái đại ngã của mình không chết. Nói cho dễ hiểu hơn, là cái linh hồn của mình không chết, cái thần thức của mình không chết. Cái Chơn-Tâm Tự-Tánh của người đó một là được giải thoát nếu biết đường tu, hai là bị đọa lạc trong cảnh đau khổ triền miên vô lượng kiếp. Chắc chắn một người không biết tu hành, một người không biết niệm Phật, một người không biết đường giải thoát thì bắt buộc phải chịu đọa lạc rồi!…

Bây giờ đây chúng ta ngồi với nhau, học tập về lời khai thị của ngài Ấn-Quang. Ngài chỉ cho ta từng điểm, từng điểm để chúng ta vượt qua cái ngã vô thường này, cái cục thịt này, để trở về cái đại ngã của chúng ta là Chơn-Tâm Tự-Tánh. Cái Chơn-Tâm Tự-Tánh chính là NUMBER ONE. Cho nên khi đức Thế-Tôn, khi mới sinh ra, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ dưới đất nói: “Thiên thượng, thiên hạ, DUY NGÃ độc tôn”. (Thật ra là Ngài thị hiện thôi, chứ Ngài không phải là người thường đâu). Chữ “Ngã” này khác với chữ “Ngã” chúng ta đang nói. Duy Ngã có nghĩa là duy nhất chỉ có Chơn-Tâm Tự-Tánh là độc tôn. Là vô sanh, vô tử. Tất cả mọi người chúng ta đều có cái “Đại Ngã” đó, tại vì chúng ta không biết, cứ mê mờ, cứ tham chấp vào trần đời này mà bị trầm luân. Tham chấp vào cái cục thịt này, tham chấp vào gia đình chúng ta, tham chấp vào con cái, tham chấp vào tiền tài, tham chấp vào danh vọng nhiều quá… nên mê mất cái Tự-Ngã, mê mất cái Tự-Tánh đi. Vì mê lầm nên cứ bám lấy những thứ phiền não: Tham, sân, si, mạn, nghi, ác-kiến, mà làm cho chính ta bị đại nạn.

Chính vì vậy mà chư vị thấy rằng lời khai thị của ngài ẤnQuang, tuy đơn giản nhưng hàm chứa nhiều đạo lý cao siêu. Nhân trong dịp này, chúng ta hãy cố gắng bàn sâu vào thử coi… không biết liệu rằng 48 đêm chúng ta có thể nói hết ý nghĩa thâm sâu trong đó hay không? Hình như càng bàn chúng ta thấy càng sâu, càng rộng. Lời Ngài nói bình dị giống như thế gian pháp, nhưng khi hiểu cho thấu đáo, thì cái thế gian pháp của Ngài nói lại chính là Phật Pháp vi diệu đấy, thật không có phải là đơn giản!…

Khiêm-cung là hạ mình xuống để phá đi cái “Ngã-Tướng” của mình. Phá được ngã-tướng thì nhân-tướng cũng phá, chúng-sanhtướng cũng phá và thọ-giả-tướng cũng phá luôn. Cái chấp ngã của mình phá rồi thì tự nhiên người khác có làm sai, chúng ta cũng không có buồn. Người khác có làm gì đụng chạm tới chúng ta, chúng ta cũng không có giận hờn nữa…

Khởi đầu Ngài nói: “Hãy nhẫn nhục những điều mà người khác khó nhẫn được”.

Chư vị có biết đức Thế-Tôn biểu diễn chữ NHẪN của Ngài như thế nào không?… Tiền thời của đức Thế-Tôn là Nhẫn-Nhục TiênNhân. Ngài phát một cái tâm gọi là ĐẠI NHẪN. Vì phát một cái tâm đại nhẫn như vậy nên Ca-Lợi Vương mới ganh tị, tức bực. Tại sao người ta phát cái hạnh đẹp, cái hạnh tốt mà lại tức bực? Tại vì cái ngã-tướng của Ca-Lợi Vương quá ư là tồi tệ đấy, mới bắt ông tiên phát cái tâm nhẫn nhục này ra xử lăng trì. Đáng lẽ khi thấy một vị phát tâm như vậy phải hỗ trợ người ta, phải kính trọng người ta mới xứng đáng là một bậc Minh-Quân. Ở đây một vị vua, quyền lực bao trùm thiên hạ, thấy một người hiền như vậy lại ganh tức, bắt ra lẻo từng miếng thịt cho đến chết, thử coi có nhẫn được không? Ông có giỏi thì nhẫn đi!…

Thế mà vì có đại nhẫn, đức Thế-Tôn đã quyết định không giận người giết mình. Ngài nói: “Khi tôi thành đạo, tôi sẽ cứu độ ông trước”. Cái nhẫn của Ngài vĩ đại quá! Phi thường quá! Người thế gian không thể tưởng tượng ra trên đời có người nhẫn được như vậy. Chúng ta là đệ tử của Ngài, nếu nhẫn lớn không được thì cũng nên tập hạnh nhẫn nhục chút chút đi chứ. Người ta lỡ đụng mình một chút, có mất mác gì đâu mà ghét dữ vậy? Hãy tha thứ đi. Người ta chỉ lỡ nói một vài lời sơ suất thôi, có gì đâu mà giận hờn lâu vậy? Hãy tha thứ cho người ta đi… Hòa Thượng Tịnh-Không nói: “Ai nợ tôi thì tôi khỏi đòi luôn…”. Tiền bạc một vài đồng có đáng gì đâu! Bỏ đi. Sở thích của người ta không thích hợp với mình, thì tùy hỷ đi, khen người ta lên đi… Đó gọi là nhẫn đấy. Mình nhẫn nhục lớn như đức Thế-tôn thì không được, nhưng nhẫn nhục nho nhỏ cũng có thể làm được chứ. Vạn sự thành công trên đời đều bắt nguồn từ lòng kiên nhẫn. Nhẫn được những chuyện nhỏ, tập sự cho chúng ta nhẫn thêm những chuyện lớn, tánh đức của Chơn-Tâm theo đó mà mở lần, mở lần ra…

Tu hành cần tánh nhẫn nhục. Nhẫn nhục để cho chúng ta vãng sanh. Vãng sanh thì chúng ta thành đạo. Như vậy chúng ta thành đạo được là nhờ tánh nhẫn nhục này đấy. Người nhẫn nhường mới có tư thái khiêm-cung. Người khiêm cung mới được thiên hạ kính trọng. Như vậy, hôm qua mình còn nói năng xô bồ, thì hôm nay mình xin tu sửa lại. Người tu hành mà có đạo hạnh thì lời nói lúc nào cũng tỏ ra khiêm tốn. Như vậy tu hành tương đối cũng đơn giản, chứ đâu phải quá rắc rối. Trên kính dưới hòa, chuyện này có gì đâu mà khó khăn? Chỉ cần biết khiêm hạ, chú ý lắng nghe lời dạy của các vị Tổ một chút xíu thôi thì chúng ta làm được liền. Tất cả những gì các Ngài dạy ở sát bên mình chứ không ở đâu xa cả. Những điều đơn giản này mà làm không được, thì nói chi những thứ cao siêu để trở thành vọng ngữ!…

Người không có tánh khiêm nhường, thì trong trường đời thường gặp nhiều trở ngại, và đường tu hành cũng chẳng khác hơn gì!… Nói chung, người không có tánh khiêm hạ thì cả đời lẫn đạo thường bị thất bại!… Nói cách khác, mọi sự việc muốn thành tựu đều bắt nguồn từ lòng kiên nhẫn và tánh khiêm nhường. Những người thành công trên đời toàn là những người có tính khiêm hạ. Những người không có tính khiêm hạ, dù có thành tựu gì trước mắt đi nữa, thì liền sau đó cũng sẽ tàn lụi, tục ngữ thế gian gọi là “Bạo phát bạo tàn!”. Thành công một thời, sụp đổ trước mắt. Còn những người có tính khiêm hạ thường thường đường thành công của họ huy hoàng, lau bền.

Lão-Tử nói “Hậu kỳ thân nhi thân tiên”. Ngài lập hạnh “Hậu kỳ thân” như vậy mà đã thành Thánh-Nhân trước ta. Ta không lập hạnh hậu kỳ thân, nên ta vẫn còn là phàm phu. Phàm phu mà bây giờ không chịu khiêm hạ nữa, thì phàm phu tiếp tục sẽ làm phàm phu tục tử mãi mãi, tạo ra tội chướng trùng trùng, tiếp tục trong lục đạo luân hồi để chịu nạn!… Còn phàm phu này mà biết nghe lời ngài Ấn-Quang dạy, cũng sớm có ngày thành đạo. Nghĩa là: Tu hành dù có công phu tốt gì đi nữa, cũng luôn luôn tự nghĩ mình còn yếu kém, phải thấy mình còn là phàm phu, luôn luôn tự mình sám hối, nghĩ tới lỗi của mình, đừng nghĩ tới lỗi của người ta làm chi… Ngài nói những câu này nghe qua quá ư bình thường, nhưng thật sự lại là một hạnh vô cùng tuyệt vời…

Mong chư vị hiểu như vậy, chúng ta bắt đầu từ nay chỉnh sửa lại cách tu hành của mình, để một đời này vãng sanh thành đạo. Ngộ ra chỗ này, mình thấy vui mừng vô cùng. Đường thành đạo trước mũi bàn chân.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –