Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm – Tọa Đàm 36

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH THEO ẤN TỔ

(Tọa Đàm 36)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Ngày  hôm qua chúng ta có câu chuyện còn đang dở dang, chưa đến hồi kết thúc, đó là trường hợp của một cô cuối đời gặp chứng bệnh nan y, và bác sĩ đã tuyên bố không cách nào cứu chữa được. Vị này được may mắn là gặp một Đại-Đức rất từ bi, khuyên nên xuất viện về nhà để niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ. Cô đã chấp nhận xuất viện và được Đại-Đức cùng với ban hộ niệm đã đến niệm Phật, khai thị, hướng dẫn vãng-sanh. Hộ niệm 16 ngày, thì tự nhiên hình như căn bệnh không còn nữa. Không ngờ mười ngày sau cơn bệnh bất ngờ trở lại, và vị Đại-Đức đó nhanh chóng đem ban hộ niệm tới hộ niệm, ngày hôm sau thì ra đi, để lại một thân tướng hoàn toàn không có một dấu hiệu nào để hy vọng rằng được vãng-sanh. Sau khi tìm hiểu những diễn biến xảy ra trong suốt thời gian hộ-niệm, mới phát hiện ra có một điều rất đáng chú ý, đó là khi vừa hết bệnh cô cảm thấy mừng rỡ vô cùng và liền phát tâm nguyện đi cứu độ chúng sanh, chứ không còn tha thiết nguyện vãng-sanh nữa. Đây là đầu mối dẫn tới thất bại.

Phân tích vấn đề này làm cho vị Đại-Đức giật mình, vì trước đó, chính Thầy cũng tán thán sự phát tâm, nhưng không ngờ chính sự phát tâm chưa đúng lúc này đã làm trở ngại việc vãng-sanh. Tại sao như vậy? Trong truyện tích của Hòa Thượng Thích QuảngKhâm có một chi tiết khá hay liên quan đến vấn đề này. Ngài Quảng-Khâm là người chuyên lòng niệm Phật. Ngài vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Ngày tiến linh, suốt đường đi trên không trung có đám mây ngũ sắc, bay theo che trở cho đoàn người đi đưa đám tang. Ngày Ngài vãng-sanh có một vị Phật tử đưa máy hình lên chụp ánh trăng, nhưng khi lấy hình thì ánh trăng lại biến hình một hoa sen. Thật lạ lùng!… Ngài có một vị sư huynh đệ phát tâm nguyện đi cứu độ chúng sanh, khi đến thỉnh giáo với Hòa Thượng Quảng-Khâm, thì ngài khuyên rằng, khi đến giờ phút lâm chung, Thầy phải buông cái nguyện này xuống để niệm Phật cầu vãng-sanh thì mới được vãng-sanh. Nếu Thầy còn nhớ cái tâm nguyện cứu độ chúng sanh thì Thầy phải mất phần vãng-sanh, đành ở lại trong lục đạo luân hồi để thực hiện cái ý nguyện này. Đời sau cứu được chúng sanh hay không là việc khác, nhưng đời này đã bị luống qua rồi!…

Trở lại vấn đề mất vãng-sanh bên trên. Khi bệnh đã đến giai đoạn chót, bác sĩ thông báo không cách nào cứu chữa được nữa. Đối diện với chết, cô đã phát một tâm nguyện rất dũng mãnh, quyết lòng niệm Phật cầu vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Tâm nguyện mạnh mẽ, và được một vị Thầy đến hộ-niệm, khai thị, hướng dẫn thì 16 ngày tự nhiên bệnh giảm lần, giảm lần. Đến ngày thứ 16 thì hoàn toàn được tỉnh hẳn, cảm thấy khỏe vô cùng làm cho cô mừng vui. Chính đây là cái mốc điểm quan trọng mà chúng ta cần chú ý.

Ngài Ấn-Quang nói, một người quyết lòng niệm Phật cầu sanh

Tịnh-Độ, nếu thân mạng này chưa mãn thì tự nhiên căn bệnh giảm đi hoặc có thể hết bệnh. Đây là nhờ Phật lực gia trì để hành giả tỉnh táo niệm Phật chờ ngày vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Còn một người niệm Phật để cầu hết bệnh, thì thứ nhất là bệnh không hết, thứ hai là nếu thọ mạng đã hết, thì lúc ra đi vì tâm tham chấp vào thân mạng này mà không được vãng-sanh , đành phải chịu nạn.

Giả sử, vị đó sau khi đã hết bệnh mà tiếp tha thiết cầu nguyện vãng-sanh, chớ không muốn hết bệnh, thì thực tế là Cô cũng đã hết bệnh và vẫn hưởng đầy đủ sự gia trì giống hệt như vậy chứ không có gì khác, nhưng nhờ tâm nguyện tha thiết cầu vãng-sanh mà được tương ứng với đại nguyện của Phật, mười ngày sau là hạn chót của cái thân mạng này, nhất định Cô được vãng-sanh về

Tây-Phương Cực-Lạc. Điểm sơ suất chính là vừa thấy hết bệnh thì khởi tâm vui mừng. Điều này nói lên còn tham tiếc thân phàm, chưa quyết lòng buông xả!…

Ngài Triệt Ngộ đại sư nói, vấn đề thoát ly hay bị vướng lại trong lục đạo luân hồi của chúng ta được chi phối bởi hai điểm chính yếu: một là Tâm-Lực, hai là Nghiệp-Lực. Về Tâm-Lực, thì ý niệm nào mạnh nhất sẽ điều khiển thần thức trong tương lai. Nương vào cái Tâm-Lực này, mà một người có thể thoát ly sanh tử luân hồi. Về Nghiệp-Lực, thì nghiệp nào mạnh nhất sẽ lôi kéo thần thức theo đó chịu nạn trong lục đạo luân hồi. Nhưng nghiệp-lực không có tự tánh, nên nó không thể chủ động được, nó chỉ tùng theo cái tâm mà khởi ra, gọi là “Vạn pháp nhân duyên sanh”. Vạn sự đề do duyên hợp lại mà tạo thành. Tất cả đều nương theo cái tâm mà khởi ra, nên cũng gọi là “Tâm-Duyên”. Nếu một người có Tâm-Lực mạnh mẽ quyết lòng cầu sanh Tịnh-Độ, Tâm duyên với cảnh TâyPhương Tịnh-Độ thì lúc nằm xuống, Tâm-Tâm đều dính chặt vào đại nguyện của đức A-Di-Đà Phật, Nguyện-Nguyện hướng về cõi Tịnh-Độ, Hạnh-hạnh không rời câu Phật hiệu thì tất cả những Nghiệp-Lực phải tùng theo cái tâm đó vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, gọi là “Đới-Nghiệp Vãng-Sanh”. Nghĩa là cái nghiệp đi theo cái tâm. Cái tâm nó gói cái nghiệp lại, nó mang cái nghiệp theo, chứ cái nghiệp chính nó không tự chủ được. Còn nếu trong lúc hành trì mà cái tâm này yếu quá. Tâm-Lực yếu thì nghiệp hừng khởi, cái Nghiệp-Lực nào lớn sẽ gây ảnh hưởng mạnh nhất, nó sẽ lôi luôn cái tâm quay cuồng trong vòng điên đảo của Nghiệp-Lực. Từ đó, một Tự-Tánh có chủ tể mà mê mờ trôi theo dòng sanh tử luân hồi chịu nạn. Phật dạy là: “Nhất thiết duy tâm tạo” là như vậy.

Có nhiều người niệm Phật mà được hết bệnh. Có người DiệuÂm gặp được và hỏi:

  • Bây giờ hướng tương lai của chị như thế nào?
  • Em muốn vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Tôi tán thán cùng cực. Tôi nói chị hãy giữ cái tâm nguyện này một cách sắt son thì sau cùng chị sẽ vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Nên nhớ chị hết bệnh không phải là do một thần lực nào giúp cho mạng sống của chị thọ hơn, mà chính vì mạng sống của chị chưa hết. Thân nghiệp này chưa hết, nếu chị không niệm Phật, thì chị vẫn tiếp tục nằm trên giường bệnh 3 năm, 5 năm, 7 năm gì đó cho đến khi nào thọ mạng hết mới đi. Đây là vì Tâm-Lực không mạnh mẽ, không quyết nương theo đại nguyện của A-di-đà Phật để vãng-sanh, nên bị Nghiệp-Lực chi phối mà chịu nạn trong suốt thời gian đó…

Khi qua bên Mỹ, có một vị phát tâm đi hộ niệm, nhưng đưa ra một quy luật như thế này, những người bệnh nào muốn ban hộ niệm này tới hộ-niệm, thì không được dùng đến thuốc nữa, đã muốm vãng-sanh rồi còn uống thuốc làm chi. Diệu-Âm khuyên rằng, đừng nên đưa cái điều luật này ra, có vẻ cực đoan, không tốt. Chư Tổ không bao giờ cấm một người bệnh uống thuốc. Các Ngài nói đau bệnh vẫn cần uống thuốc, nhưng tâm nguyện vãng-sanh đừng bao giờ quên lãng. Dùng thuốc giúp bớt đau, bớt mệt, cơ thể khỏe hơn để thoải mái niệm Phật thì tốt, chứ không phải là cấm uống thuốc. Chỉ chú ý rằng, người muốn vãng-sanh đừng sợ chết, đừng sợ bệnh. Khi gặp căn bệnh hiểm nghèo không còn cách chữa trị nữa, thì đừng nên có tâm nguyện chữa trị cầu may, theo kiểu còn nước còn tát. Hãy dốc lòng niệm Phật cầu vãng-sanh, không sợ chết, không tham luyến thân mạng nữa, đó là đúng theo pháp hộ-niệm. Một người còn tham sống sợ chết, luôn luôn cầu mong hết bệnh, cầu được sống ngày nào hay ngày đó, v.v… thì dầu người đó có đến 50 năm đi nữa, sau cùng cũng không được vãng-sanh. Nên nhớ đại nguyện của Đức A-Di-Đà cứu độ tất cả chúng sanh, nhưng chúng sanh phải quyết lòng đi về với Ngài thì Ngài mới cứu được. Phật không thể cưỡng chế một người nào, không độ được kẻ vô duyên. Như vậy, việc dùng uống trị bệnh không nên cấm cản, nhưng đừng nên sơ ý để cái nguyện hết bệnh vượt qua cái nguyện vãng-sanh, mà sau cùng bao nhiêu công phu tu hành bị luống uổng.

Chính vì vậy, khi gặp những cuộn phim hay những sách nói về niệm Phật hết bệnh, thì thường Diệu-Âm không dám ấn hành. Tại vì sao? Tại vì khuyên niệm Phật cho hết bệnh làm cho người hành giả niệm Phật đi lạc đường. Mục đích của Pháp niệm Phật là để vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo, chứ không phải niệm Phật để nuôi cái thân bệnh này. Phật dạy: “Quán Thân Bất Tịnh”.

Thân này ô uế, tạm bợ, đâu thể đem cả một pháp môn niệm Phật vi diệu như vậy nhằm nuôi cái thân bệnh này? Oan uổng vô cùng!… Sai lầm vô cùng!…

Vì thế, muốn vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, chư vị chú ý phải rèn Tâm-Lực mạnh mẽ. Hễ Tâm-Lực mạnh thì Nghiệp-Lực phải chịu thua, nó phải tùng theo Tâm-Lực, hỗ trợ cho con đường vãng-sanh của chư vị. Nếu Tâm-Lực yếu thì nhất định cái tâm này mất chủ hướng, nó sẽ bị lôi cuốn theo dòng Nghiệp-Lực mà chịu nạn trong sáu đường luân hồi.

Chân-Tâm Tự-Tánh của chúng ta căn bản là một đức Như-Lai, nhưng chỉ vì vô-minh, phân-biệt, chấp-trước mà tiếp tục theo đường sanh sanh tử tử chịu nạn. Cũng là cái tâm này mà ngộ ra đi, hãy quyết lòng niệm Phật, thì nhất định những cái gọi là ác-đạo, nghiệp-chướng sẽ quy phục cái tâm này, chúng hỗ trợ tích cực cái tâm, chúng ta mượn cái thân-nghiệp-lực này để niệm Phật đi về miền Cực-Lạc. Đức Thế-Tôn nói pháp niệm Phật là: “Hoành triệt ư ngũ thú, ác đạo tự bế tắc”. Tất cả ác đạo trong sáu đường luân hồi tự nhiên cúi đầu quy phục cái tâm. Tâm-Lực mạnh thì Nghiệp-Lực trở thành trợ duyên cho con đường vãng-sanh của chúng ta. Nếu Tâm-Lực yếu, chúng ta không quyết lòng vãng-sanh, thì nhất định ác đạo sẽ hưng khởi bừng bừng, nó sẽ kéo cái thần thức này xuống tam ác đạo, đời đời chịu nạn. Phải đi cho vững, cho thẳng để một đời vãng-sanh thành đạo.

Đừng đi xéo xéo xiên xiên mà phung phí cả một đời tu hành, rốt cuộc không hưởng được gì cả. Vô cùng oan uổng!…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –