Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm (Tọa Đàm 02)

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH THEO ẤN TỔ

(Tọa đàm 02)

 

Nam mô A-Di-Đà Phật.

Ngày hôm qua trong phần giới thiệu về duyên khởi của cuộc tọa đàm này, chúng ta có nhắc đến bác-sĩ Châu-Phi. Bác-sĩ ChâuPhi mới đây đã bỏ công sức ra hổ trợ một Niệm-Phật-Đường ở Việt-Nam. Bác-sĩ muốn cho Niệm-Phật-Đường đó được tu tập tốt và theo sát với lời khai thị của ngài Ấn-Quang, nên mới yêu cầu Diệu-Âm nói về lời khai thị này, yêu cầu cũng mấy tháng nay rồi.

Chính nhờ cơ duyên này mà trong những ngày tới đây chúng ta có dịp tiếp tục nghe đi nghe lại lời khai thị của Tổ Sư.

Hôm qua Diệu-Âm nói rằng, có một vài đạo tràng ở trên thế giới, quanh năm người ta chỉ nghe một lời khai thị này thôi để tu tập. Khi nghe như vậy Diệu-Âm rất tán thán. Diệu-Âm cho rằng bấy nhiêu đó là đủ rồi. Chỉ cần làm đúng theo lời của ngài Ấn-Quang dạy là đủ để chúng ta vãng sanh rồi. Thì hôm nay cũng nhờ bác-sĩ Châu-Phi mà mấy chục đêm liên tục, chúng ta sẽ nghe đi nghe lại lời khai thị của ngài Ấn-Quang. Vậy thì cũng xin tán thán đạo tràng của mình luôn.

Trước nay, thỉnh thoảng chúng ta cũng có nghe qua lời khai  thị nầy, nhưng có lẽ không được chú ý lắm!… Hôm nay mình bắt đầu bàn về lời khai thị này, Diệu-Âm xin thành khẩn mong chư vị cố gắng trang-nghiêm thanh-tịnh lắng nghe lời dạy của Ấn Tổ. Xin được nhắc nhở, chúng ta không những trang-nghiêm, mà còn nên thanh-tịnh nữa thì nghe mới đúng pháp hơn.

“Trang” có nghĩa là trang trọng, tư thế của mình phải trang trọng. “Nghiêm” là nghiêm túc. Trang-nghiêm là trang trọng và nghiêm chỉnh lắng nghe. Ngoài ra còn phải dùng cái tâm thanh tịnh nữa thì những lời dạy của Ngài dễ thấm vào tâm. Hy vọng trong suốt 48 đêm này chúng ta sẽ được thấm thật sâu ý nghĩa vi diệu.

Nên nhớ rằng “Trang-Nghiêm” và “Thanh-Tịnh” khác nhau một chút. Trang-nghiêm nặng về hình thức, về tư thế. Ta có thể nói, một cuộc diễn hành rất là trang-nghiêm, nhưng không thể nào nói rằng một cuộc diễn hành rất thanh-tịnh được. Vì thế trong Phật giáo chúng ta thường thường chư Tổ dạy về cả hai. Trang-nghiêm ý nghĩa là về hình tướng phải trang trọng, nghiêm túc để tu hành. Ngoài ra các Ngài còn dạy về tâm thanh-tịnh nữa, ví dụ khi nghe pháp chúng ta đừng có khởi lên vọng niệm. Cùng ý nghĩa này, ngài Ấn-Quang nói là “Chí-Thành Chí-Kính”. Ngài nói, chí-thành chí-kính chính là cái đạo nhiệm mầu đưa một chúng sanh trong thời mạt pháp này vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Chia sẻ sâu vào lời khai thị này, chúng ta sẽ thấy cái giá trị của trang-nghiêm, thanh-tịnh. Có trang-nghiêm thanh-tịnh lắng nghe thì chư vị sẽ thấy lời của Tổ Ấn-Quang thật sự tuyệt vời!…Cao diệu vô cùng!

Lời khai thị này được nhiều người tôn xưng là “Qui Tắc Tu Học”. Qui tắc tu học tức là tất cả những gì mà người học Phật cần làm đúng như vậy để được thành tựu. Khởi đầu Ngài nói: “Bất luận là người tại gia hay xuất gia cần phải trên kính dưới hòa”. Quí vị nghe thử lời này có gì cao không? Chắc chắn có nhiều người nói rằng không cao gì đâu!… Trên kính dưới hòa, đâu có gì xa lạ? Chẳng qua cũng giống như lời mẹ dạy con, bà ru cháu mà thôi. Nhưng một khi giữ được lòng thành kính, để trang-nghiêm thanhtịnh tiếp nhận rồi, chúng ta mới thấy chỉ 4 chữ khởi đầu: “Tại Gia, Xuất Gia” thôi cũng đã hàm chứa cả một đạo lý thâm sâu bên trong rồi.

Bất luận là người tại gia hay xuất gia…”. Khi nghe pháp, hầu hết  ít có trường hợp chúng ta nghe đến câu này. Nhưng ngài Ấn-Quang lại bắt đầu bằng câu: “Bất luận là người tại gia hay xuất gia…”. Nghĩa là không kể là người tại gia hay xuất gia vẫn được vãng sanh thành đạo. Lời này diễn tả tinh thần bình đẳng rốt ráo của Tổ Sư mà ít người để ý đến.

Tu hành nhưng vì không để ý đến pháp Phật bình đẳng, nên nhiều người thường cứ để tâm phân biệt chấp trước xảy ra quá nặng bên cạnh đường tu. Một khi đã vướng vào tâm phân-biệt chấp-trước, thì nhất định đường đạo không thể thành tựu!… Một người muốn vượt qua tam giới, bắt buộc phải phá chấp-trước. Chấp-trước thuộc về “Kiến-Tư-Phiền-Não”. Kiến-phiền-não có tới

88 phẩm. Tư-phiền-não có đến 81 phẩm. Một người mà phá được 88 phẩm Kiến-phiền-não, phá thêm 81 phẩm Tư-phiền-não, rồi người ta phải sanh lên trời, xuống lại thế gian, lên xuống 7 lần như vậy mới đạt được Thánh quả A-La-Hán, vượt qua sanh tử luân hồi. Vì thế vấn đề chấp-trước này không phải là chuyện tầm thường đâu!… Trong khi đó, ngài Ấn-Quang chỉ nói một câu thôi mà nó hàm nghĩa đầy đủ trong đó rồi. “Bất luận là người tại gia hay xuất gia… đều có thể vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, một đời thành đạo”. Chư vị nghĩ thử, hàm nghĩa này có thâm sâu không? Có cao siêu không?

Tại vì sao vậy? Tại vì tất cả mọi người đều có chủng tử Phật. Đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật nói rằng: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật-Tánh”. Nhất thiết là tất cả. Tất cả chúng sanh đều có Phật-Tánh. Một chúng sanh có Phật-Tánh, nên cái vốn căn bản của họ là được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo, hoặc ít ra cũng có thể vượt được qua tam-giới để thoát ly sanh-tử luânhồi. Chỉ vì vấn đề chấp-trước chưa xóa được mà bị vướng nạn trong vòng sanh-sanh tử-tử. Khi ngài Ấn-Quang xiển dương pháp môn Tịnh-Độ, Ngài mới thấy rõ ràng là một câu A-Di-ĐÀ Phật đưa chúng sanh vượt qua sanh-tử luân-hồi, cái giá trị của nó là bằng 3 đại A-tăng-kỳ kiếp tu hành của những người tự lực tu chứng để vượt qua cái ách nạn sanh-tử này. Mà xin nhớ, 3 đại A-tăng-kỳ kiếp đó không phải để dành cho hàng phàm phu tục tử chúng ta đâu. Nghe cho kỹ điểm này, mới thấy là lời khai thị của ngài Ấn-

Quang đã hàm nghĩa thâm sâu lắm, cao diệu lắm mà mình không hay.

“Bất luận là người tại gia hay xuất gia”. Lời nói này rõ ràng

Ngài vô cùng trân quý những người tại gia niệm Phật trong thời Mạt-Pháp này. Suốt đời của Ngài, Ngài không nhận một người đệ tử xuất gia nào hết. Tại vì Ngài nói một người tại gia quyết lòng niệm Phật cũng một đời này vãng sanh Tây-Phương thành đạo. Một người xuất gia quyết lòng niệm Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc cũng một đời vãng sanh Tây-Phương Cực-lạc. Sự thành tựu giống nhau.

Ngài Pháp-Nhiên Thượng-Nhân đưa ra hai hình thái. Ngài nói một người xuất gia niệm Phật và một người tại gia niệm Phật, có công đức như nhau, không khác nhau. Người ta hỏi rằng tại sao như vậy? Một người thì cắt ái ly thân, công phu tu hành rất cao, phẩm hạnh tốt, một người thì đầy dẫy nghiệp chướng, ở tại gia dễ tạo nghiệp, tại sao lại giống nhau? Ngài nói cuộc sống thì khác nhau, nhưng câu A-Di-ĐÀ Phật thì giống nhau. Câu A-Di-Đà Phật có nghĩa là Chơn-Tâm Tự-Tánh của mỗi chúng ta. Chơn-Tâm TựTánh đều là Phật cả, nên giống nhau. Ngài đưa ra ví dụ, có hai thỏi vàng giống nhau. Một thỏi vàng thì được gói bằng một miếng vải rất đẹp, một miếng vải nhung. Một thỏi vàng thì được gói bằng mảnh vải rách nát, dơ bẩn. Ngài nói hai thỏi vàng đó có giá trị ngang nhau. Hay vô cùng!… Đây là những cách nói của chư Tổ, nhằm diễn tả tinh thần bình đẳng thành đạo. Hôm nay bàn vào lời của ngài Ấn-Quang, chúng ta mới thấy ý nghĩa của nó thâm sâu vô cùng.

Đức Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật, khi còn tại gia Ngài là một vị Thái-Tử. Khi đắc đạo thành Phật rồi Ngài không dùng lụa là nhung gấm nữa. Ngài không mang dép nữa mà đi chân không.

Ngài mặc một chiếc áo bình thường, tay cầm bình bát đi khất thực. Tại sao vậy? Tại vì Ngài muốn diễn tả đến tánh bình đẳng cho chúng sanh biết. Ở xứ Ấn-độ thời đó, sự phân chia giai cấp rất nặng. Vì phân-biệt chấp-trước nặng quá, nên chúng sanh ở đó chịu nạn cũng quá nặng, khó có cơ hội thoát vòng sanh-tử. Khi thị hiện thành Phật rồi, Ngài liền xóa đi cái nạn phân biệt giai cấp này.

Ngài dùng hình thức một người ăn xin để biểu diễn tánh bình đẳng này. Người ăn xin ở Ấn-độ lúc đó chỉ là giai cấp nô lệ, tồi tệ, không có một địa vị nào hết. Ngài dùng cái hình tướng nô lệ tồi tệ đó để diễn tả cho chúng ta biết rằng, người ăn mày tồi tệ này vẫn có Phật Tánh, vẫn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, vẫn thành đạo như thường. Phương thức của Ngài chính là thân-giáo để khai thị cho chúng sanh giác ngộ về thực tướng của vũ trụ nhân sinh, đừng bao giờ khởi tâm chấp-trước, phân-biệt.

Trở lại với lời khai thị của ngài Ấn-Quang, chỉ cần một câu Bất luận là tại gia hay xuất gia,… đều có thể vãng sanh Tây phương Cực Lạc” đã hàm ý nghĩa tất cả chúng sanh đều bình đẳng trên phương diện Phật Tánh. Như vậy thì chúng ta đang niệm Phật ở đây, là hình tướng của người tại gia, nếu người nào có mặc cảm rằng, người tại gia không thể vãng sanh, người tại gia không thành Phật được, thì bắt đầu từ bây giờ phải bỏ ngay cái chấp trước này đi. Để chi vậy? Để chúng ta được vãng sanh về Tây-Phương CựcLạc. Nên nhớ, trong pháp niệm Phật, niềm tin là sự khởi phát đầu tiên quan trọng nhất bắt buộc phải giữ vững.

Mong chư vị hiểu rõ được đạo lý này, rồi những ngày tiếp theo chúng ta tiếp tục mổ xẻ rõ thêm, giúp cho chúng ta một lần đi niệm Phật như thế này, mình tin tưởng hơn, rõ ràng mình đang đi gần tới Tây-Phương Cực-Lạc hơn. Nhất định mình sẽ gặp đức A-Di-Đà Phật trên cảnh giới Tây-Phương, cả Quán-Âm, Thế-Chí cùng ĐạiThánh-Chúng. Một đời ta thành Đạo.

Mong chư vị tin tưởng vững vàng.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Read more: https://hoiquanadida.com/phap-su/chi-tiet/hanh-theo-an-to-toa-dam-2-4709.html#ixzz7QMjDuhin

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –