Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm (Tọa Đàm 15)

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH THEO ẤN TỔ

(Tọa Đàm 15)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Hôm nay chúng ta niệm Phật là để chuẩn bị cho ngày mãn báo thân mình niệm được câu A-Di-Đà Phật để được về Tây-Phương Cực-Lạc. Cái điểm quan trọng là làm sao cuối cuộc đời này mình không bị rơi lại trong sáu đường luân hồi nữa. Tất cả mọi pháp tu của Phật giáo là nhằm đưa chúng sanh vượt qua sáu đường sanh tử luân hồi. Trong đó pháp môn niệm Phật không những là đưa qua sáu đường sanh tử, mà đưa thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc sống với A-Di-Đà Phật, chư vị Đẳng-Giác Bồ-Tát trên đó, một đời thành Phật.

Nên nhớ là vượt qua sáu đường sanh tử và vãng-sanh về TâyPhương Cực-Lạc là hai cảnh giới hoàn toàn khác nhau, khác rất xa. Vượt qua sáu đường sanh tử chỉ là Vị-Bất-Thối mà thôi, nghĩa là thoát qua vị trí phàm phu, không bị kẹt trong sáu đường sanh tử. Còn vượt về tới Tây-Phương Cực-Lạc thì viên mãn ba bậc bất thối chuyển: Vị-Bất-thối, Hạnh-Bất-thối, Niệm-Bất-Thôi, cách xa cảnh giới này nhiều lắm. Trong kinh Phật nói những vị A-La-Hán niệm câu A-Di-Đà Phật, vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc ở cảnh Phương-Tiện Hữu-Dư Độ, thuộc về Trung Phẩm.

Chúng ta niệm Phật tại đây để chuẩn bị vãng sanh về TâyPhương Cực-Lạc là quý giá vô cùng, chư vị đừng nên sơ ý bỏ qua. Quý ở chỗ một người phàm phu, nhưng sau khi xả bỏ báo thân về được Tây-Phương để thành đạo Vô-Thượng. Muốn được vậy, chúng ta phải nhớ là phải chuẩn bị thật kỹ, không được sơ suất khi xả bỏ báo thân… Đây là điều vô cùng quan trọng!…

Ấn Tổ nói: “Đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng chỉ niệm câu Phật hiệu, đừng để gián đoạn”. Dù rằng chúng ta ở đây cố gắng niệm Phật cũng nhiều lắm đấy, nhưng chắc chắn vẫn còn có sự gián đoạn. Tức là tiêu chuẩn Ngài đưa ra hình như mình cũng làm chưa được.

Xin đừng nghĩ rằng, khi lái xe làm sao tôi niệm Phật?… Lúc làm việc làm sao tôi niệm Phật?… Sự gián đoạn này không quan trọng lắm đâu. Đây thuộc về sự tướng, gọi là “Sự-Gián-Đoạn”. Tinh thần gián đoạn hay là “Tâm-Gián-Đoạn” mới đáng ngại. Sợ nhất là tâm gián đoạn.

Tâm gián đoạn nghĩa là sao?… Niềm tin không vững! Ví dụ như trong kinh Phật dạy người niệm Phật phải nhất hướng chuyên niệm, một đường niệm câu A-Di-Đà Phật, nhưng chúng ta nghĩ rằng nghiệp chướng của mình lớn quá, cần phải thêm một cái pháp nào đó để phá nghiệp, cần một bài sám nào đó để phá nghiệp… Thì điều này chứng tỏ chúng ta không tin vào câu A-Di-Đà Phật rồi. Vì không tin câu A-Di-Đà Phật, nên ta thường hay vay mượn các thứ khác để hỗ trợ vào pháp tu, vô tình ta để niềm tin giảm sút một cách quá đáng, trong khi ngài Đại-Thế-Chí Bồ-Tát dạy: “Bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai, nghĩa là ngoài niệm Phật ra, không cần nhờ một phương tiện nào khác hết, tâm tự khai mở, tức là thành Phật.

Ngài Ấn-Quang đại sư chính là ngài Đại-Thế-Chí tái lai. Cho nên những lời của ngài Ấn-Quang phù hợp với tiêu chuẩn của ngài Đại-Thế-Chí. Từ sáng đến chiều từ chiều đến sáng cố gắng niệm câu A-Di-Đà Phật để vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Về ý nguyện vãng sanh xin chư vị phải tha thiết và thành khẩn. Mình ở đây nắng, mưa, nóng, lạnh… khổ sở vô cùng! Cái thân mạng này vô thường vô cùng!… Cách đây hai tuần lễ, ở vùng này có một vị, tuổi đời hình như sáu mươi mấy bảy mươi, không đau bệnh gì cả, buổi sáng còn nói chuyện, buổi trưa thì chết rồi. Trước đây vài năm, năm ngoái năm kia gì đó, một vị bà con với huynh Minh-Trí, đang nói chuyện điện thoại với huynh Minh-Trí, bỗng nghe điện thoại rớt xuống, rồi anh đó chết luôn. Rõ ràng quá vô thường! Cái túi thịt này quá vô thường, nó chỉ đến báo hại mình trong thời hạn mà nó muốn báo hại, rồi sau đó nó đi, dù muốn giữ lại giữ cũng không được!…

Vô thường tấn tốc, chỉ vì con người không chịu hiểu cho thấu lẽ vô thường này, nên cứ lơ-lơ là-là. Niệm Phật mà không chịu tha thiết nguyện vãng sanh, không chịu nuôi dưỡng tín tâm của mình vững vàng, thành ra khi đối trước vấn đề bệnh hoạn, tâm thần thường hay chao đảo. Niệm Phật mà tâm thần chao đảo thì đây chính là hiện tượng thối chuyển.

Mong rằng, chư vị hãy giữ cái ý niệm vãng sanh nhập sâu trong tâm của mình, tức là thèm muốn, rất thèm, rất muốn, tha thiết được vãng sanh. Về Tây-Phương Cực-Lạc sướng quá, bám giữ thế giới này làm chi?…

Ấn Tổ nói rằng, những người không tha thiết, không thèm muốn, không hân hoan, không khẩn cầu vãng sanh về TâyPhương Cực-Lạc từng ngày, nghĩa là sức nguyện vãng sanh quá yếu, thì ‘‘Dù cho niệm Phật đến nỗi gió thổi không qua, mưa rơi không lọt cũng không được vãng-sanh”. Trong lời khai thị Ngài không nói rõ điểm này, nhưng có hàm chứa ý nghĩa này trong đó. Cho nên quan trọng nhất là cái tâm nguyện vãng sanh của mình. Cái tâm nguyện vãng sanh phải mạnh, như chư Tổ thường ví, nếu có hàng ngàn con voi lôi kéo, cũng kéo không lại cái sức nguyện của mình. Phải thèm muốn vãng sanh như vậy mới được.

Một người thật sự thèm muốn được vãng sanh hay không cũng có thể dễ nhận ra, nhất là khi bệnh xuống. Người thực sự muốn vãng sanh, khi bệnh xuống thì ngày đêm họ lo niệm Phật. Đi, đứng, nằm, ngồi… không bao giờ họ rời câu A-Di-Đà Phật. Họ thành khẩn nghĩ rằng chỉ còn một vài ngày nữa phải ra đi rồi, hoặc có thể một tuần nữa phải ra đi rồi, thời gian không còn kịp nữa thì làm sao dám từ từ, lơ là giãi đãi?… Chính vì thế mà họ lo niệm Phật, niệm Phật và niệm Phật, niệm niệm miên mật, nhiều khi họ tiến đến chỗ “Nhất tâm bất loạn“ hồi nào không hay.

Hôm qua mình đưa ra chuyện vãng sanh của cô Đoàn-ThịMinh-Hương. Một người tuổi đời vừa mới 33 thôi, mà nghị lực, ý chí của cô kiên cường vô cùng. Từ Quảng-Ngãi đi xe đò ra tới Đà- Nẵng. Một người bệnh mang trên vai một gói đồ, tự cô tìm đường tới Niệm Phật Đường chị Thu-Hương.

– Cô ơi!… Cô cho con ở đây. Con quyết lòng đi về Tây-Phương

Cực-Lạc. Cô thương con, xin Cô giúp cho con được tròn ước nguyện…

Đây là vì cái tâm nguyện vãng sanh thiết tha nên cô quyết lòng tìm tới. Cô biết chỗ này là nơi hộ niệm vãng sanh. Nay gặp cơn bệnh ngặt nghèo sắp chết, nếu không tới chỗ hộ niệm này thì cô mất cơ hội vãng sanh, cô sẽ bị nạn… Đây chính là tinh thần tha thiết cầu vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc cao độ.

Cô Đoàn-Thị-Minh-Hương trước giờ chưa biết tu hành mà nay đã ngộ ra đường giải thoát một cách mạnh mẽ. Chính nhờ chứng bệnh nan y bắt cô phải chết đã thúc đẩy cô ngộ ra đạo vãng sanh. Cô đã xác định được rằng cuộc đời này không còn bao nhiêu ngày tháng nữa, nếu không quyết lòng vãng sanh thì chắc chắn bị đọa lạc. Chúng ta cũng là những người bệnh, vậy thì phải cố gắng ngộ ra. Ngộ ngay từ chỗ này, chứ đâu cần gì phải tìm đến lý luận cao siêu…

Ông T. vừa mới chết. Nếu ông là người hiểu đạo, biết mình phải chết cách đây hai tuần, thì chắc chắn một tháng, hai tháng, ba tháng trước ông ấy lo quyết lòng tu hành, lo niệm Phật, lo cầu giải thoát, chớ cầu chi danh vọng, cầu chi tiếng tăm, cầu chi sự nghiệp thế gian?…

Cho nên điều chính yếu là ngộ hay mê?… Thân mạng vô thường, cần phải ngộ liền điều này. Ngộ liền thì tự nhiên cái ngộ này sẽ giúp cho mình vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Với hàng phàm phu chúng ta, đọa lạc hay vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc đều do chữ ngộ này có kịp thời hay không mà thôi. Phải ngộ!… Nhất định phải ngộ!… Nếu mình không chịu ngộ kịp thời thì A-Di-Đà Phật dù có vạn đức vạn năng, thần thông quảng đại bao trùm pháp giới cũng đành chào thua, không có cách nào cứu chúng ta được.

Ngài Ngẫu-Ích đại sư nói, nếu niềm tin vào pháp môn Niệm Phật này yếu quá, nếu tâm nguyện vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc yếu quá, thì dù cho chư vị niệm Phật đến nhất tâm bất loạn cũng không được vãng-sanh.

Những lời chư Tổ nói hoàn toàn có ý nghĩa giống hệt nhau. ẤnTổ nói nếu không tha thiết đi về Tây-Phương Cực-Lạc, thì dẫu niệm Phật đến nỗi mưa rơi không lọt, gió thổi không qua cũng không được vãng sanh. Hãy tưởng tượng, tiếng niệm Phật của mình dày kín như một tấm màn che, mưa rơi không lọt, gió thổi không qua, công phu cao như vậy mà không tha thiết cầu nguyện vãng sanh thì cũng không được vãng sanh.

  • Tại sao không tha thiết về Tây-Phương Cực-Lạc vậy?… Tại vì không vững niềm tin vào lời Phật dạy. Đời này vô thường, một sớm một chiều là đi thôi, đừng sơ ý nghĩ rằng chết xong là hết, thân xác chôn xuống nấm mồ là xong, coi chừng linh hồn nằm trong nấm mồ lạnh lẽo vô cùng, thương cảm vô biên đó!…
  • Tại sao không chịu ngộ ra rằng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì thần thông đạo lực nhiệm mầu, đi khắp mười phương cúng dường Chư Phật, cứu độ chúng sanh, muốn ăn thì ăn, muốn ở thì ở, một cảnh giới gọi là “Tùy tâm sở dục”, nghĩa là muốn gì được đó.
  • Tại sao cứ nghĩ rằng thế giới Ta-Bà này là nhất trong khi tai họa xảy ra khắp nơi?…
  • Tại sao cứ cho cái thân này quá ư là quan trọng, trong khi vô thường xảy ra hàng ngày?…

Người tu hành mà còn chấp rằng cái thân xác này quá ư là lớn, là quan trọng… nên khi bệnh xuống tâm hồn sẽ chao đảo, sợ hãi, khủng hoảng!…

Diệu-Âm đi nói chuyện về hộ niệm rất nhiều nơi, nhờ thế mà thu thập được không ít những kinh nghiệm này. Có nhiều người niệm Phật mà sau cùng khi có bệnh thì tâm hồn chao đảo, tinh thần bị khủng hoảng lo âu. Họ suy nghĩ lung tung:

  • Ta ra đi như thế nào đây?
  • Ta chết rồi thì làm sao đây?
  • Gia đình, tài sản, thân mạng làm sao đây?…

Những thứ này cứ quần lấy cái tâm của họ, rồi kéo họ vào con đường khổ nạn!… Thật sự họ đã quên rằng, chính con người thật của họ không phải là túi thịt này. Chư vị cứ nghĩ thử coi, tấm da này coi cũng đẹp lắm đấy, nhưng bên trong chứa toàn máu mủ, nếu có vết thương thì máu chảy ra, mủ chảy ra, rồi ruồi bu tới…

Một vài ngày thì vết thương có mùi hôi. Thân xác nào cũng vậy cả, ở trên này có não, ở giữa thì có cơm, còn phần dưới này thì có gì đây?… Bất tịnh lắm!… Đó chỉ là thứ vật chất ta sử dụng, chứ đâu phải chính là Ta!…

Ngài Ấn-Quang nói, chúng ta ở nơi này giống như đang ở trong cái hầm phân vậy. Đúng không?… Tại vì chính thân xác của mình là cái hầm phân. Ví dụ một người 70 tuổi, nếu gom hết những thứ phân uế mình thải ra từ nhỏ đến lớn thử coi được bao nhiêu? Biết bao nhiêu hầm phân chứa cho đủ?…

Hầm phân dơ bẩn lắm! Một người ở dưới hầm phân mà không lo trồi đầu lên, cứ ở dưới đó hụp lặn làm chi!… Về Tây-Phương Cực-Lạc sẽ được cái thân Thanh-Hư, gọi là “Thanh Hư Chi Thân”. Đây là cái thân trong sạch, không cần ăn. Người trên Tây-Phương Cực-Lạc muốn ăn thì hàng trăm món cao lương mỹ vị bày ra. Những món ăn đó không phải là rau cỏ, đậu hũ, xì dầu… mà đó là năng lực của A-Di-Đà Phật biến hiện ra. Năng lực biến thành vật chất. Vật chất đó tinh khiết vô cùng. Vật chất do tác ý mà sanh ra. Những người vừa mới vãng sanh, vì tập khí ăn uống còn lưu sót lại nên có lúc nghĩ đến ăn uống mà thức ăn bày biện ra, chứ con người trên Tây-Phương không cần ăn uống. Không ăn uống nên gọi là thân Thanh-Hư, cái thân trong sạch, đẹp đẽ và trong vắt, mắt phàm không bao giờ thấy được. Khác với cái thân của mình ở đây, là loại thân bất tịnh, nhơ bẩn, sáng ra quên súc miệng thì đố có ai dám đứng bên cạnh mình nói chuyện!…

Ngoài cái thân Thanh-Hư ra, còn có cái thể Vô-Cực. Thể VôCực là mạng sống trường thọ đời-đời kiếp-kiếp, không bao giờ chết. Còn mình đây vài chục năm thì chết. Người bị bệnh ngặt nghèo thì vài ba ngày nữa chết, vài tuần nữa chết, thời gian như bóng câu qua cửa sổ, tích tắc thì đi liền. Thật là “Huỳnh tuyền lộ thượng vô lão thiểu”. Già cũng chết mà trẻ cũng chết. Không ai có thể thoát khỏi chữ “Chết” này.

Hiểu được như vậy rồi mới thấy rõ ràng rằng có thân thì có nạn. Người hiểu đạo thì hễ cái thân này còn sống ngày nào, thì cố gắng lợi dụng nó để niệm Phật ngày đó. Ngày nào nó chết thì hãy mạnh dạn liệng nó mà đi vãng sanh. Một khi mà bác sỹ tuyên bố rằng: Anh bị bệnh nan y rồi, chị bị bệnh nan y rồi thì mừng lên, mừng như cô Đoàn-Thị-Minh-Hương, để sẵn sàng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Cho nên phải nuôi dưỡng tinh thần vãng sanh vững vàng mới được. Chư vị còn nhớ một người ở thành phố Perth không? Bà theo đạo Thiên-Chúa với gia đình, lúc bệnh sắp chết thì biết được pháp môn Niệm-Phật, bà quyết giữ câu A-Di-Đà Phật cầu vãng-sanh, nhờ vậy mà bà được vãng sanh.

Khi đã quyết vãng-sanh, thì phải buông… buông… buông. Phải buông xuống tất cả chuyện của thế gian, nhất định bám lấy câu ADi-Đà Phật mà niệm. Mong chư vị hiểu được yếu tố này, thì đường vãng sanh của mình sẽ dễ lắm, chớ không phải chỉ niệm Phật như thế này, một ngày mấy tiếng đồng hồ là đủ. Không đủ đâu!… Người nào nói đủ, thì nhất định bị thối chuyển.

Vậy thì, trước những ngày tháng ra đi phải tự mình quyết lòng củng cố niềm tin. Làm di chúc đàng hoàng, hãy viết ra giấy ký tên vào để làm tin, dặn mọi người hãy đưa tôi về chỗ đó để các đồng tu hộ niệm cho tôi vãng sanh. Tôi xin hứa với các vị đồng tu rằng tôi sẽ quyết lòng cầu về Tây-Phương Cực-Lạc. Nếu tôi có gì sơ suất xin chư vị phải la phải rầy tôi, giúp cho tôi giật mình để tôi tỉnh ngộ kịp thời. Nếu chư vị làm được chuyện này thì nhất định một đời này có khả năng vãng sanh thành đạo Vô-Thượng. Còn sơ ý lơ là những điểm này, thì không ai dám bảo đảm cho mình sẽ được vãng sanh đâu nhé. Cái thân này chỉ là thứ báo đời, tắt hơi xong thì nó tan rã. Buông ra, không được chấp chặt vào nó nữa.

Hiểu được như vậy, mong chư vị mau mau quyết tâm niệm

Phật cầu về Tây-Phương Cực-Lạc. Mau mau lên chư vị ơi!…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

 

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –