Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm (Tọa Đàm 30)

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH THEO ẤN TỔ

(Tọa Đàm 30)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

“Nhân sanh thù nghiệp”. Con người sanh ra để trả nghiệp. Tất cả sự việc xảy ra trên đời đều có nhân quả hết, trong kinh Vô- Lượng-Thọ Phật nói: “Nhân quả báo ứng, họa phước tương thừa”. Mình bị họa hay phước là do cái nhân của mình đã gây ra, từ đó mà nó trao lại cho mình thừa hưởng. Cái nghiệp nhân của mình lớn lắm. Chính vì nghiệp nhân lớn quá, nên người sanh ra thì phải trả nghiệp, gọi là “Nhân sanh thù nghiệp. Trả nghiệp mà không biết tu hành, nên “Nhân tử tùng nghiệp” để thọ quả báo… Cứ tiếp tục lẩn quẩn, lẩn quẩn trong cảnh sanh-sanh tử-tử như vậy đời-đời kiếp-kiếp không thoát được.

Mấy ngày hôm nay chúng ta đang nói về ngũ giới, thập thiện. Ngũ giới là sát, đạo, dâm, vọng, tửu. Nếu thực hiện đầy đủ những giới này thì thân người không mất. Có nghĩa là khi chết đi ta có thể tái sanh trở lại làm người. Trong tất cả pháp môn của đức Thế-Tôn để lại, nếu một người chuyên tinh tu hạnh giữ năm giới, mười giới thì được trở lại làm người, trở lại ba đường thiện  tức trong lục phàm, chứ không thoát vòng sanh tử luân hồi.

Giữ được ngũ giới là người hiền. Một người hiền như vậy mà niệm câu A-Di-Đà Phật cầu sanh Tịnh-Độ, thì người hiền này được vãng sanh Cực-Lạc một đời bất thối thành Phật. Chỗ vi diệu chính là đây. Trong 84 ngàn pháp môn của đức Thế-Tôn không có chỗ nào nói đến quả báo này, mà Pháp môn niệm Phật lại nói đến quả báo này. Một người hiền niệm Phật được vãng sanh về TâyPhương. Vãng sanh về Tây-Phương thì thoát ly sanh tử luân hồi, một đời chứng đạo. Cho nên Pháp môn niệm Phật là “Môn Dư Đại Đạo”, là một pháp môn ngoài tất cả pháp môn, không có pháp môn nào có thể so sánh được, nên gọi là “Môn Dư Đại Đạo”. Vi diệu!…

Tối vi diệu!…

Hồi sáng này mình có nhắc đến vấn đề đốn-ngộ, tiệm-ngộ. Đốn-ngộ là các pháp đốn-tu, cấp kỳ thành đạo. Tiệm-ngộ là những phương pháp tu thiện, tích đức, gọi là tích công lũy đức tu hành để từ từ tiến tới chỗ giác ngộ. Nói cho dễ hiểu hơn là cần có những sự giác ngộ nho nhỏ. Ví dụ, khi nghe lời khai thị tới chỗ đó mình cố gắng ngộ đi. Rồi đọc tới chỗ khác, mình ngộ một chút nữa đi… Cố gắng ngộ từng chút từng chút như vậy. Ngộ từng chút gọi là giựt mình đấy. Hãy tập giựt mình, tự xét lại thử mình có sơ suất gì không để tu sửa, tập làm người hiền lành. Tu hành như vậy thì chúng ta đang tu theo đường gọi là tiệm-ngộ.

Đại sư Ấn-Quang chỉ dạy chúng ta ăn hiền ở lành, hãy làm một người tốt trong xã hội. Ngoài ra Ngài không dạy gì gọi là đốn-ngộ cả. Thế nhưng, chỉ làm như vậy thôi rồi niệm Phật cầu vãng sanh mà đưa ta một đời này về Tây-Phương thành đạo. Không ngờ, pháp môn này lại cực viên cực đốn. Viên là viên mãn, đốn là nhanh chóng. Viên mãn trong viên mãn, đốn ngộ trong đốn ngộ lại là pháp niệm A-Di-Đà Phật. Thực sự vi diệu… Vậy mà nhiều người chưa biết!

Ấn-Quang đại sư nói, có nhiều người cứ ỷ mình thông minh trí huệ, thường chê bai pháp niệm Phật, lý luận cao siêu… cứ tưởng như vậy là hay, nhưng cuối cùng khi nằm xuống thì thân xác cứng đơ. Thọ nạn đấy!… Đây là hiện tượng gọi là “Nhân tử tùng nghiệp” đấy, nghĩa là chết đi theo nghiệp thọ nạn. Ngài nói, khôn mà thành ra dại! Khôn một thời nhưng mà ngàn đời vạn kiếp theo nghiệp thọ báo trong sanh sanh tử tử, chịu nạn đớn đau. Còn người ăn ở hiền lành, chất phát, thật thà, nghe lời Phật dạy, niệm câu A-Di-Đà Phật cầu sanh Tịnh-Độ, không ngờ họ được vãng sanh, nhờ A-Di-Đà Phật gia trì, một đời họ bất thối thành đạo.

Hồi sáng này chúng ta tán thán những người cao cơ, họ nói ra những đạo lý vi diệu. Họ là những người thông minh, trí huệ đã khai mở, ví dụ như ngài Vĩnh-Gia gặp Tổ Huệ-Năng nói chuyện một đêm, sáng ra Ngài ngộ đạo liền. Nhưng thực ra, số người đốnngộ này quá hiếm, hiếm đến cùng cực, hàng tỷ người may ra mới có một người. Trong khi với pháp môn niệm Phật, một người hiền lành, nghiệp chướng sâu nặng mà niệm Phật, thì một tỷ người đó ít ra cũng có vài ba triệu người vãng sanh. Nếu mà một tỷ người đó cùng làm người tốt, cùng quyết lòng niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ, nhiều khi một tỷ người, một tỷ người vãng sanh luôn. Một pháp môn muôn người tu muôn người đắc, chỉ vì con người không tin nên đành chịu đọa lạc.

Trở lại vấn đề “Ngũ Giới”: Sát, Đạo, Dâm, Vọng là bốn thứ tánh tội, người thọ giới phạm cũng tội, người không thọ giới phạm cũng tội luôn.

  • Sát là sát sanh, liên quan đến mối thù hằn truyền kiếp, oán thân trái chủ. Xin chư vị cố gắng ăn chay, làm lành, đừng nên sát sanh. Những con vật nhỏ cũng có sự sống của nó. Có nhiều người nói rằng, con vật sanh ra để nuôi cái mạng sống của con người.

Sai lầm!… Ý niệm thiếu từ-bi, không bình đẳng!… Họ tạo cho họ nạn oán thân trái chủ chập chùng, đời đời kiếp kiếp theo oán nghiệp này mà trả nợ, thọ nạn trong tam đồ ác đạo khó có ngày thoát thân. Xin chư vị cố gắng phát tâm ăn chay trường, tránh bớt nghiệp sát đi.

  • Đạo là trộm cắp, vì tham mà trộm cắp. Nên nhớ trên đời này có vay có trả. Nhất định không ai có thể gian lận của ai một chút xíu nào hết. Xin chư vị đừng nên tham. Hãy bớt tham đi, bỏ tham đi, mau mau rời cái ý niệm tham lam ra. Người càng tham lam trong tương lai càng khổ sở. Phật dạy, tham lam sanh vào đường Ngạ-Quỷ. Không tốt!…
  • Dâm là tà-dâm. Đối với tất cả các pháp môn khác, tự lực tu chứng, nếu còn tham chữ Dâm, không kể là chánh-dâm hay tàdâm gì cả, hễ còn ân ái với nhau, thì rất khó đạt được cảnh giới “Định”. Nhưng đối với pháp môn niệm Phật, A-Di-Đà Phật thề quyết độ chúng phàm dân, nên có danh từ gọi là “Tà-Dâm” và “Chánh-dâm”. Chánh-dâm tức là phối hợp giữa vợ chồng thì không sao, ngoài ra thì phạm vào giới này. Trong kinh Phật nói, “Bất cát ái bất ly Ta Bà”. Người muốn rời khỏi thế giới Ta-bà này thì phải cắt bỏ chữ ái. Còn đối với pháp môn niệm Phật thì Chư Tổ nói cái chuyện vợ chồng không sao, nhưng sau cùng vẫn phải buông chữ luyến ái ra thì mới khỏi bị vướng mắc. Chính nhờ pháp Hộ-Niệm gỡ cho người sắp ra đi những vướng mắc mà được vãng sanh.
  • Vọng là vọng ngữ. Thông thường hàng phàm phu chúng ta chữ vọng này gói trong bốn điểm là: nói dối, nói thêu dệt, nói đâm thọc, và nói lời thô ác. Hôm trước chúng ta đưa ra một ví dụ về một lời nói đùa dỡn thiếu tế nhị đã vướng vào cái tội vọng ngữ, thật không tốt. Mong chư vị cố gắng gìn giữ điểm này. Gìn giữ năm giới thì đời sau ta không mất thân người. Nhưng chúng ta gìn giữ trọn vẹn năm giới và quyết lòng niệm câu A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh thì có thể vãng sanh Hạ-Hạ-Phẩm. Hạ-Hạ-Phẩm trên Tây-Phương cũng là một đời thành Phật luôn.
  • Tửu là uống rượu. Uống rượu thuộc về “Già Giới”, nghĩa là giới ngăn ngừa. Uống rượu mà say sưa, thì có thể sinh ra phạm những giới khác, còn uống rượu chút chút thì không đến nỗi nào. Trong giới luật có: Khai, Già, Trì, Phạm thì uống rượu thuộc về giàgiới. Nghĩa là cách ngăn ngừa để khỏi phạm đến căn bản giới. Như vậy khi có lễ lộc của thế gian, thường người ta dùng chút rượu để khai lễ, đừng uống say, thì không phải là phạm giới.

Nhưng tốt nhất chúng ta nên bỏ luôn để tránh điều sơ suất.

Bên cạnh giữ năm giới, người muốn vãng sanh Cực-Lạc cần phải hết sức kiêng cữ dùng loại ngũ-tân hay còn gọi là rau tanh. Tại vì chúng ta là hàng phàm phu tục tử, ách nạn thọ nghiệp báo nặng lắm. Muốn thoát khỏi ách nạn đó, chúng ta cần phải tỉnh táo, thoải mái, không bị đối đầu với chướng nạn đó trong lúc lâm chung. Chúng ta rất cần chư vị Bồ-Tát gia trì, chư Long-Thiên HộPháp bảo vệ. Người dùng hành, tỏi… thì cái mùi của loại ngũ-tân này sẽ tẩm vào trong máu huyết, trong hơi thở của của họ làm môi trường chung quanh rất xấu, chư Bồ-Tát, chư Thiên-Long Hộ-Pháp sẽ tránh xa. Khi lâm chung mà không được các Ngài bảo vệ thì chư Ác-Thần, oan gia trái chủ sẽ dễ dàng tiếp cận để phá hoại, ngăn trở đường vãng sanh.

Trong kinh Phật có nói điều này. Trước mặt Diệu-Âm hiện có bài viết của Hòa Thượng Trí-Tịnh, tựa đề là Ăn ngũ tân chiêu cảm loài quỷ đói”. Ngài cẩn thận căn dặn ba điều: Đầu tiên là ăn chay, thứ hai là cấm ăn ngũ-tân, và thứ ba tích cực làm phước thiện. Dùng ba điều này để hỗ trợ việc niệm Phật cầu vãng sanh. Ngài nói hiền hòa giống như Tổ Ấn-Quang, trong đó kiêng cữ dùng ngũ-tân được Ngài đưa lên chính yếu.

Như vậy, chúng ta có thể thấy đường vãng sanh về TâyPhương đơn giản chứ không phải khó. Chính tâm tính hiền lành của người niệm Phật rất dễ được cảm ứng với đại nguyện của ADi-Đà Phật. Ngài Ấn-Quang nói đức A-Di-Đà Phật phát đại thệ dùng để cứu hàng phàm nhân tội lỗi như chúng ta. Ngài Pháp-

Nhiên Thượng-Nhân cũng nói những người phàm phu tội lỗi như chúng ta chính là đương cơ của 48 đại nguyện của đức Di-Đà. Ngài lập đại nguyện không phải nhằm để cứu những vị đại Bồ-Tát, tại vì các ngài đại Bồ-Tát ở ngoài tam giới rồi, không còn trong sanh tử luân hồi như chúng ta nữa.

Chính vì thế, xin chư vị đừng nên có cái tâm tiêu cực. Đừng nghĩ rằng mình tội lỗi nhiều quá thì không được vãng sanh. Đừng tự mình đoạn mất con đường giải thoát của chính mình. Nếu biết mình tội chướng lớn quá, thì hãy một lòng một dạ nương theo đại nguyện của đức Di-Đà, một lòng một dạ niệm câu A-Di-Đà Phật, niệm với lòng chân thành, chí thành, chí kính quyết cầu vãng sanh.

Bên cạnh đó hợp tác với chư vị đồng tu, tạo được một môi trường hỗ trợ tích cực trong lúc mình xả bỏ báo thân, thì cơ hội vãng sanh thêm phần vững chắc. Chư vị nên nhớ, câu nói “Vạn người tu vạn người đắc” chính là nhờ biết tu theo cách hiền hòa này, biết kết hợp để trợ duyên cho nhau. Xin đừng sơ ý tự tách rời khỏi đại chúng, tạo cơ hội cho oan gia trái chủ, cho những mối oán thù truyền kiếp tự do tiếp cận đánh phá, lôi tuột chúng ta vào ba đường ác để trả thù.

Biết được phương pháp Niệm-Phật Hộ-Niệm Vãng-Sanh là có cơ hội vãng sanh thành đạo ngay trong đời này. Có gì quý hơn. Có gì vui hơn!.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –