Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm (Tọa Đàm 38)

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH THEO ẤN TỔ

(Tọa Đàm 38)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Trong buổi cơm trưa hôm nay, chư vị nhắc đến cuộc vãng sanh của bà Du-Tú-Ky, mẹ của anh Đường-Tấn-Hải ở Sydney, Diệu-Âm thấy cuộc vãng sanh này có một ý nghĩa khai thị khá hay.

Bà Du-Tú-Ky vãng sanh năm 2002. Bà bị bệnh ung thư mà bác sĩ nói rằng phải chết trong năm 2000, nhưng tới hai năm sau bà mới ra đi. Trước khi vãng sanh bà đến Tịnh-Tông Học-Hội dự khóa tu 10 tuần rồi về. Trước những ngày tháng ra đi, bà tuyệt không uống thuốc, không cần chích morphine, mà khi ra đi bà không có một tiếng than đau với căn bệnh ung thư. Thật lạ lùng!… Sau khi bà đi xong, gia đình mới giao lại cho bệnh viện một rổ mây chứa đầy thuốc của bác sĩ cấp cho bà uống, nhưng bà không uống. Bà quyết lòng niệm Phật vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Trường hợp vãng sanh của bà là một lời khai thị khá hay. Ngài Ấn-Quang đại sư nói, quyết lòng nguyện vãng sanh về TâyPhương Cực-Lạc. Nếu thân mạng này còn thì tự nhiên hết bệnh, hết đau. Nếu thân mạng này đã mãn hạn thì được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Hòa Thượng Tịnh-Không nói về “Tam Chủng Hữu Lực”, tức là ba loại lực ảnh hưởng đến một cuộc vãng sanh. Thứ nhất là Niệm-Lực, đây là Tín-Nguyện-Hạnh của người niệm Phật phải đầy đủ. Niệm-Lực mạnh thì Phật-Tánh-Lực sẽ ứng hiện. Phật-Tánh-Lực ứng hiện thì nhất định được Nhiếp-Thọ-Lực của A-Di-Đà Phật đón về Tây-Phương. Ngài Ấn-Quang không nhắc nhở gì đến cái nghiệp, cái bệnh. Ngài Tịnh-Không cũng không nhắc nhở gì đến cái nghiệp, cái bệnh. Ngài Triệt-Ngộ đại sư nói về Tâm-Lực và Nghiệp-Lực, hai lực này sẽ chi phối vận mệnh của một huệ mạng. Tâm-Lực mạnh thì Nghiệp-Lực sẽ đới theo, mang theo, đi theo cái Tâm-Lực đó để vãng sanh. Nếu Tâm-Lực yếu thì Nghiệp-Lực mạnh. Nghiệp-Lực mạnh thì kéo cái tâm đó vào trong tam ác đạo để chịu nạn. Ngài nói, Tâm-Lực có tự-tánh, có thể chủ động được. Nghiệp-Lực không có tự tánh, nó chỉ là duyên sanh, nghĩa là có duyên thì nó sanh ra, không có duyên thì nó nằm im một chỗ. Chính vì thế mà ta có thể xoay chuyển được Nghiệp-Lực. Hiện tượng bà Du-Tú-Ky là một sự chứng minh cụ thể. Bao nhiêu người bị bệnh ung thư lúc gần chết cần phải chích thuốc morphine mới chịu đựng nổi những cơn đau đớn, ở đây không những bà không chích thuốc morphine, mà bà còn không chịu uống thuốc trị bệnh suốt hai năm trường. Cách đó hai năm, bác sĩ thông báo rằng bà phải chết trong vòng khoảng bốn tháng, nhưng bà sống tới hai năm sau mới chết. Bà vãng sanh không có một tiếng than đau…

Hôm trước mình nói qua một câu chuyện có vị ở Việt-Nam bị tám thứ bệnh, bệnh nào bệnh nấy cũng khá ngặt nghèo. Bà xin qua Mỹ chữa trị đến hết tiền luôn, không còn tiền về, mà không khỏi. Chính cô Diễm-Trang đã tặng một vé máy bay để bà về lại Việt-Nam và cô khuyên bà hãy quyết lòng buông xả, niệm Phật cầu vãng sanh. Đường cùng hết phương cứu chữa, bà đã phát tâm niệm Phật quyết lòng cầu vãng sanh, vô tình bà hết bệnh. Tám căn bệnh của bà, bệnh nào cũng cần đến giải phẫu, nhưng sau bảy tháng trường niệm Phật, tuần tự tám thứ bệnh đều lần lượt tự hết.

Hiện bây giờ bà còn đang sống rất khỏe. Nếu chỉ có một hoặc hai căn bệnh thì mình có thể nói là may mắn hoặc có sự trùng hợp. Ở đây tám căn bệnh mà lần lượt đều qua khỏi, thì đây thật là điều kỳ lạ cần chú ý.

Nên nhớ, bà chỉ cầu vãng sanh, không cầu hết bệnh mà bệnh lại hết. Căn bệnh cuối cùng được qua khỏi chính là bệnh sưng yết hầu. Bà quyết niệm Phật cầu vãng sanh mà cục bướu tự rơi ra ngoài. Một ngày nọ đang niệm Phật, bà cảm thấy nghẹn nghẹn tại cổ, bà thò ngón tay móc nó ra, có một chất nhờn nhờn dẻo dẻo kéo theo một đống bầy nhầy tuôn ra như hột vịt bể, vừa máu vừa đờm có mùi tanh tanh hôi hôi, và bà hết bệnh.

Một vị khác bị ung thư là chị họ của một bác sĩ ở nước Đức, vị bác sĩ này chuyên khoa về ung thư, nhưng người chị mình bị ung thư tới giai đoạn cuối cũng đành phải bó tay chờ ngày người chị chết. Khi có duyên được hỏi tới, Diệu-Âm khuyên rằng đã tới đường cùng rồi, thôi hãy buông luôn đi, niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ. Chị đó niệm phật bảy tháng trường thì hết bệnh, hiện bây giờ chị còn đi hộ niệm và khuyên người ta niệm Phật. Người này chính Diệu-Âm cũng đã gặp qua. Niệm Phật cầu vãng sanh vô tình được hết bệnh nhiều lắm chứ không phải chỉ bấy nhiêu đó đâu.

Đây là những bằng chứng cho mình thấy rõ rệt cái tâm-lực của chúng ta vô cùng quan trọng. Nghiệp-lực dù lớn như thế nào đi nữa, nhưng ngài Triệt-Ngộ nói, nó không có tự-tánh. Một vật không có tự-tánh thì thuộc về “Vạn pháp giai không”. Tâm-lực của chúng ta có tự-tánh nên có thể chủ động được, còn nghiệp-lực không có tự-tánh nên nó không thể chủ động, nó chỉ thuận theo duyên mà khởi ra. Nếu mình sơ ý tạo duyên cho nó hưng khởi lên, thì nó sẽ lôi kéo những gì có duyên theo quỹ đạo của nó, nói rõ hơn nó lôi cái tâm chúng ta vào trong tam ác đạo chịu nạn. Sự kiện này thuộc về Nhân-Duyên-Quả Báo. Có Nhân, gặp Duyên, sẽ bị Quả Báo. Nếu tâm-lực chúng ta mạnh mẽ, nghiệp-lực không thể khởi lên, nó đành chịu thua, nó phải chịu phục tùng theo hướng của tâm-lực. Trong pháp môn niệm Phật vãng sanh gọi đây là “Đới nghiệp vãng sanh”, mang nghiệp đi về Tây-Phương. Khi về được Tây-Phương Tịnh-Độ, thì chính đức Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật nói: “Ác đạo tự bế tắc”. Nghiệp chướng tự tiêu tan. Thật tuyệt diệu!… Phật nói những lời này, chư Tổ cũng nói như lời Phật nói.

Trở lại vấn đề niệm Phật của chúng ta. Bà Du-Tú-Ky là một người già cả, hiền lành, chất phác, quê mùa mà bà có được cái tâm-lực mạnh mẽ như vậy, chẳng lẽ ta thua bà à?… Bà cụ đó làm được mà ta làm không được sao? Tự mình trách lấy mình. có một vị ở tại thành phố Perth cách đây hai năm, bà gốc là Phật giáo nhưng có chồng theo đạo Thiên-Chúa nên bà theo đạo Thiên-Chúa luôn. Khi bị bệnh ung thư hết cách chữa may gặp ban hộ niệm khuyên niệm Phật. Chính Diệu-Âm này qua đó trực tiếp hộ niệm cho bà. Bà hứa rằng: “Tôi quyết lòng một câu A-Di-Đà Phật mà niệm để đi về Tây-Phương”. Bà cũng từ chối không cần chích thuốc morphine. Trong những ngày tháng trước khi xả bỏ báo thân, bà có những lúc đau đến quặn người lại, nhưng bà vẫn niệm Phật và từ chối việc chích thuốc giảm đau. Nên nhớ, chích thuốc morphine thì cơn đau hết, nhưng người bệnh bị hôn mê, trạng thái này không thể niệm Phật hộ-niệm được.

Tôi nhớ trước giường bệnh của bà có treo tấm hình A-Di-Đà Phật trên vách, nhưng xa quá bà nhìn không rõ, người ta mới chuyển hình Phật treo vào bóng đèn ở trần nhà cho gần hơn, vô tình bóng đèn tròn chiếu qua hình Phật tạo thành cái vòng hào quang, nhìn lên thấy hình Phật như đang phát quang. Thích quá, bà cứ nhìn mãi hình Phật mà niệm. Bà niệm rất mạnh. Chúng tôi hộ niệm ba tiếng đồng hồ rồi, muốn nghỉ một chút, thì bà nói:

– Chư vị ơi! Nghỉ tạm 15 phút thôi, rồi niệm tiếp...

Một người bệnh sắp chết niệm luôn ba tiếng đồng hồ rồi, đồng tu mệt muốn nghỉ một chút, còn bà thì muốn niệm tiếp. Mình ra ngoài uống nước nghỉ ngơi, còn bà thì cứ tiếp tục niệm Phật.

Quả thực tâm-lực của bà quá mạnh. Lúc đó bà chưa vãng sanh, mà tôi đoán bà tới 95% thành tựu.

Một người đang theo Thiên-Chúa Giáo, tuổi đời 54 bị bệnh ung thư, chưa hiểu biết nhiều về Phật pháp. Khi gặp duyên nhờ ban hộ niệm khuyến tấn mà bà có cái tâm-lực mạnh mẽ như vậy, chẳng lẽ ta làm không được như bà sao?…

Vậy nên, khi chúng ta quyết lòng nguyện vãng sanh về Tây- Phương Cực-Lạc, thì xin thưa với chư vị, cái thân này còn ta hãy lợi dụng cái thân này mà niệm Phật, cái thân này đi ta hoan hỷ vui vẻ, không cần chần chờ tới một giây làm chi. Ngài Ấn-Quang đại sư nói: “Nếu mà hôm nay chết thì ta liền về Tây-Phương ngày hôm nay, cớ sao lại phải chờ đợi cho đến ngày mai…. Đó là Ngài nhắc nhở rằng tâm-lực của người niệm Phật phải mạnh mẽ như vậy, thì mới thắng được nghiệp-lực đang lẫy lừng. Hòa Thượng TịnhKhông nói: “Nếu nguyện-lực mạnh, thì cái thân-nghiệp-lực này coi như đã bỏ rồi. Thân-nghiệp-lực này đã biến thành thân-nguyệnlực”. Lời này ý nghĩa có khác gì với lời của ngài Triệt-Ngộ. Rất nhiều người đã biến cái thân-nghiệp-lực thành cái thân-nguyện-lực mà họ ra đi một cách an nhiên tự tại, thoải mái. Phụ thân của Diệu-

Âm, trước những giờ phút ra đi ông bị bí tiểu 11 ngày. Diệu Âm nói:

  • Đưa cha vô bệnh viện nhé?
  • Không cần, niệm Phật để vãng sanh.

Ông bác sĩ Kiều thấy tội nghiệp quá, tự đi mua đồ về thông tiểu cho ông. Khi đụng tới là ông than đau, chứng tỏ hệ thần kinh của ông rất là tỉnh táo, rất là tốt. Có lúc ông nằm im, nhắm mắt. Một vị bác sĩ khác làm trong bệnh viện Chợ-Rẫy 35 năm, cũng là Phật tử trong ban hộ niệm, là chị Diệu-Đức, thấy vậy nghĩ rằng ông đang mê man bất tỉnh, nhưng thật ra ông luôn luôn tỉnh táo, làm cả hai vị bác sĩ vô cùng ngạc nhiên. Họ nói,

  • Lạ quá!… Tôi không hiểu tại sao ông cụ này không có đau đớn gì hết?

Cái tâm lực của ông ta quá mạnh. Ông cụ rất ốm yếu, gầy như que tăm, nhưng mà tâm-lực mạnh như vậy, chẳng lẽ ta làm không được sao? Quý vị hãy tự suy nghĩ đi.

Nói những lời này để cho chúng ta biết, được vãng sanh hay không ở ngay nơi tâm-lực của chúng ta. Nếu mà tâm-lực yếu quá, nghiệp-lực nó sẽ tràn lên, bao phủ lại, dù cho hàng ngàn người tới hộ niệm, cũng không được vãng sanh. Xin thẳng thắn thưa thực như vậy.

Chính vì vậy, đã đi hộ niệm, đã biết niệm Phật, chúng ta phải nhớ:

  • Đừng bao giờ sợ bệnh nhé.
  • Đừng bao giờ sợ chết nhé.
  • Đừng bao giờ để cho cái tâm bệnh hoạn này nó chi phối Chân-Tâm Tự-Tánh của chúng ta nhé.

Đức Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật dạy: “Nghĩ đến thân thể đừng cầu không bệnh khổ, vì không bệnh khổ thì dục vọng dễ sanh”. Vì thế, những người không có bệnh khổ, thường tu hành không được. Những người bị bệnh sắp chết mà không chịu buông xả để niệm Phật cầu vãng sanh, cứ cầu cho hết bệnh thì nhất định sẽ không hưởng được gì cả, nếu thọ mạng hết thì mất vãng sanh và phải theo cái thân nghiệp báo này để thọ báo trong lục đạo luân hồi.

Chính vì thế, chư vị Tổ Sư luôn luôn nhắc nhở chúng ta đừng nên lo sợ về bệnh hoạn. Bắt đầu hôm nay chúng ta hãy ngộ ra chuyện này đi, lấy tâm-lực mạnh mẽ mà chuyển đổi thân-nghiệplực này thành thân-nguyện-lực để về Tây-Phương Cực-Lạc. Thân nghiệp này bất tịnh, nhơ bẩn. Vãng sanh về Tây-Phương được biến thành thân Kim-Cang bất hoại. Chúng ta hãy nhớ, những gì không có tự-tánh, thì chỉ là chúng-duyên-sanh. Duyên thuận thì nó sinh ra, duyên nghịch tự nó nằm im xuống. Ta phải tạo cái duyên Tây-Phương Cực-Lạc rất mạnh thì tự nhiên các duyên của nghiệpbáo, duyên lục đạo luân hồi nhất định phải bị nằm im, chúng phải tùng theo cái tâm-lực này để cùng giải thoát.

Vậy thì, người biết niệm Phật càng bệnh càng giữ vững tinh thần, càng gặp khó khăn càng giữ vững tâm-lực. Những dịp đó chính là những thử thách đúng nhất về tâm-lực của mình. Mong chư vị đừng nên sơ ý. Nên nhớ, một phút sơ ý để tâm thối chuyển, thì vạn đời bị khổ đau. Kính mong chư vị trân quí cơ hội vãng sanh này.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –