Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm (Tọa Đàm 08)

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH THEO ẤN TỔ

(Tọa Đàm 08)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Lời khai thị của Tổ Sư Ấn-Quang không cao kỳ, không xa rời với đời sống bình thường của con người, nên rất thích hợp với tất cả chúng ta. Ngày hôm qua chúng ta nói về lời khai thị của Ấn Tổ nhắc nhở mọi người phải giữ tính khiêm cung. Có khiêm cung mới thành tựu, không có khiêm cung thì thất bại.

Hôm nay chúng ta đi thêm một bước nữa, lời khai thị của Ấn Tổ nhằm cứu vớt cái hoạn nạn của chính chúng ta trong thời mạtpháp này. Hoạn nạn gì đây?… Đức Thế Tôn trong kinh có dạy rằng, thời kỳ mạt-pháp chúng sanh bị lâm vào nạn “Đấu Tranh Kiên Cố”. Vì đấu tranh kiên cố nên chúng sanh bị vướng nạn. Thời kỳ giải thoát đã qua quá lâu rồi, thời kỳ thiền định cũng đã qua quá lâu rồi, thời kỳ đa văn cũng đã qua, thời kỳ tháp tự cũng bắt đầu hết rồi. Bây giờ chỉ còn lại là thời kỳ “Đấu Tranh Kiên Cố”.

Chúng ta cứ nghĩ thử, ngoài xã hội bây giờ có sự đấu tranh kiên cường lắm phải không?… Mà thực tế đi vào trong vòng tôn giáo cũng đang vướng tới cái nạn này. Nếu tu hành trong thời này mà chúng ta không khéo giữ gìn, lỡ vướng vào cái nạn này, thì chắc chắn dù có niệm Phật cũng không được vãng sanh. Tổ Sư dạy: “Trên kính dưới hòa, nhẫn nhục những điều mà người khác khó nhẫn” là để cho chúng ta tránh bớt cái tâm sân giận, chấp trước, giúp chúng ta thoát khỏi nạn “Đấu Tranh Kiên Cố” này. Tổ Sư dạy lúc nào cũng nghĩ mình là phàm phu thấp kém và coi  tất cả mọi người là Bồ-Tát, cũng chính là để tránh cái nạn đấu tranh này. Cho nên lời dạy của Tổ Sư tuy đơn giản, nhưng nếu hiểu cho thấu mình thấy hình như nó đã đi trọn cả giáo pháp của đức ThếTôn mà không hay.

Trong kinh Phật có nói một câu như thế này: “Đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận”. Câu này hàm nghĩa cao lắm, nói lên sự biến dịch vô cùng vô tận của vũ trụ, hư không pháp giới. Nhưng chúng ta tìm hiểu chi đến những chuyện lớn quá. Hãy ứng dụng ngay những gì trong sinh hoạt bình thường hằng ngày, mình sẽ thấy câu này có thể giúp cho mình giải được ách nạn đấy.

“Đương xứ xuất sanh” là tại chỗ đó sản sanh ra hoạn nạn, tại chỗ này xuất sanh ra vấn đề. “Tùy xứ diệt tận” là cũng tại chỗ này đoạn đi tất cả những ách nạn đó. Cái “Xứ” này là đâu đây? Xin thưa thẳng với chư vị chính là cái tâm của mình chứ không đâu cả.

Trong cái thế giới đấu tranh kiên cố, thường thường sự chấp trước nương theo cái duyên loạn động của chúng sanh mà nổi lên liên tục. Nếu chư vị có email, vào Internet trong những thời gian qua, quí vị đã nghe thấy quá nhiều những chuyện loạn động này, ngay trong Phật-Giáo cũng không thoát khỏi. Có nhiều người ưu tư rằng bây giờ làm sao mà giải quyết đây? Xin thưa với chư vị, giải quyết không nỗi đâu, vì đây là cộng nghiệp của chúng sanh rồi, nó sẽ tiếp tục đi như vậy. Chính đức Thế-Tôn đã nói, thời mạt-pháp là thời đấu tranh kiên cố, góp phần làm cho Phật Giáo suy yếu đi. Khoảng hơn 9.000 năm nữa thì Phật-Giáo sẽ đi đến chỗ diệt tận luôn. Đức Thế-Tôn biết rồi, nhưng cứu không được.

Biết được ách nạn này, bây giờ chúng ta đang là thời mạt-pháp mà gặp câu A-Di-Đà Phật thì đây chính là cái cơ hội duy nhất cho mình vãng sanh thoát vòng đọa lạc đấy. Nếu chúng ta không biết chộp lấy cơ hội này mà đi vãng-sanh thành đạo, thì chắc chắn khó tránh khỏi đọa lạc. Một khi bị mắc nạn rồi, bấy giờ dẫu cho chư Phật mười phương muốn cứu mình, cũng chưa chắc sẽ cứu được đâu!…

Đương Xứ xuất sanh”, là ngay tại chỗ này, sinh ra không biết bao nhiêu loạn lạc, hoạn nạn, chiến tranh… Lý do chính tại vì chúng sanh chấp trước nặng quá, không chịu nghe lời Phật dạy. Tại vì tham, sân, si, mạn… nhiều quá. Tại vì lục-căn tiếp xúc với lục-trần, sinh ra lục-thức toàn là duyên của đọa lạc. Phật mới dạy: “Tùy xứ diệt tận”, tại chỗ này, chúng ta phải đoạn đi mới xong…

Bây giờ mình biết cảnh sanh diệt này rồi, hãy nghe lời Tổ Sư dạy đi: “Nhẫn nhục điều mà người khác khó nhẫn”. Đức Thế-Tôn thì có tâm nhẫn nhục cao cả quá, phi thường quá, người ta bắt xẻo thịt Ngài, mà Ngài không có một chút giận hờn, còn ta không đủ khả năng làm được như Ngài, thì ta hãy làm theo cách này nhé, những chuyện gì mà ngày hôm qua làm cho mình giận hờn, thì nay đừng giận nữa. Hôm qua nghe một lời như vậy mình tức bực, kình chống lại, thì hôm nay không tức nữa, bỏ qua luôn đi. Bỏ từng chút từng chút như vậy, thì chính tại chỗ này giúp cho mình thoát nạn, một đời này được giải thoát.

Ngài dạy mình làm chuyện nhà của mình, đừng làm đến chuyện nhà của người khác, có nghĩa là mình lo làm tròn bổn phận của mình, đừng phan duyên chen vào chuyện khác. Ở đây hằng ngày mình có đọc 3 lời dạy của Phật về khéo giữ Khẩu-Thân-Ý, và 10 điều thiện. Hãy cố gắng giữ gìn. Một lần nhắc đến 10 điều thiện, làm cho mỗi người chúng ta đều giật mình sợ hãi. Vì sao vậy?… Vì hôm kia mình còn vướng phải đấy. Vì hôm qua mình còn vướng phải đấy. Giờ đây mỗi ngày mỗi nhắc, mỗi ngày mỗi nhắc, nhờ như vậy mà tự nhiên chúng ta phản tỉnh mà bỏ lần, bỏ lần, những điều sai trái. Hãy bỏ liền đi. Ráng bỏ. Bỏ hết không được, thì đầu tiên bỏ một nửa, ngày mai bỏ thêm một nửa nữa. Cứ nhắc mãi, nhắc mãi những điểm sơ suất hết sức căn bản này… để giúp chúng ta tu sửa dần hầu thoát được ách nạn của lục đạo luân hồi, của ba đường ác hiểm.

Rõ ràng, bây giờ đọc lại lời ngài Ấn-Quang mình thấy hay quá.

Chư vị thấy đó, những điểm cao xa quá chúng ta làm không được, nhưng lời dạy của Ấn Tổ chúng ta làm được. Nên nhớ, đã đi tới đây niệm Phật, chẳng lẽ đành để cuộc đời mình đọa lạc sao?… Không nỡ nào để như vậy được. Nếu chúng ta biết thương huệ mạng của mình, ngày hôm qua mình còn vướng, nhưng khi nghe lời Phật dạy, thì hôm nay mình xin sám hối, ráng Bỏ. Nhưng thưa thực, đã là phàm phu thì không dễ gì bỏ đâu, coi chừng ngày mốt mình lại làm sai nữa. Một lần làm sai như vậy, khi đọc đến lời Phật dạy tự nhiên mình được nhắc lại, giúp mình giảm đi, bỏ đi, phục lại!… Dùng câu A-Di-Đà Phật để phục.

Ngài Ấn-Quang đại sư dạy chúng ta hãy cố gắng từ sáng đến chiều, từ chiều đến sáng giữ tâm mình trong câu A-Di-Đà Phật. Có người hỏi, nếu người bận làm việc, làm sao niệm Phật đây? Không sao đâu. Cứ làm việc đi, làm xong sau đó về nhà niệm Phật. Khi niệm Phật mà còn khởi lên vọng tưởng, thì Ngài nói mau mau bỏ liền đi. Bỏ bằng cách nào?… Giụi giụi con mắt, xoa xoa cái đầu, ra ngoài rửa mặt đi cho tỉnh táo rồi niệm Phật tiếp. Nên nhớ, chúng ta là phàm phu thì không cách nào có thể bỏ được cấp kỳ. Dù muốn bỏ mà bỏ cũng không được, nhưng nhờ những lúc đọc đến lời Phật dạy, nhờ nghe mãi lời chư Tổ dạy, chúng ta tự nhiên có sự nhắc nhở để phản tỉnh lấy mình mà sửa lần lần.

Tu là sửa. Tu hành là sửa những hành vi sai trái của mình. Bây giờ lấy tiêu chuẩn gì để sửa đây? Hãy lấy 10 điều thiện của Phật dạy để mà sửa. Mình sửa được không? Xin thưa thực là phàm phu sửa không phải dễ! Sửa không dễ thì hãy thành tâm e thẹn về những lỗi lầm của mình. Trong lời khai thị của Tổ Sư có nói: “Thường có lòng hổ thẹn và tâm sám hối”. Chính Ấn-Quang đại sư mà còn lấy cái biệt hiệu là Thường-Tàm để tự nhắc nhở mình. Tàm là e thẹn, hổ thẹn. Thường-Tàm là thường xuyên cảm thấy hổ thẹn! Chính Ngài cũng tự cho rằng sửa đổi lỗi lầm không phải chuyện đơn giản, nhưng lỡ một lần làm sai trái, tự mình cảm thấy e thẹn, xấu hổ. Cho nên, chư vị đọc trong Ấn-Quang Văn Sao sẽ phát hiện ra những điều này, khi Tổ Sư viết thư cho ai, muốn trả lời về một vấn đề gì, Ngài thường bắt đầu bằng những câu như: “Tôi là một phàm Tăng còn thấp thỏm, trí huệ chưa khai, tội chướng còn nặng… Những lời này do chân thành mà nói, để cùng nhau sửa. Chứ không dám nói rằng tôi là người hơn người”. Chính Tổ Sư mà còn nói lời khiêm nhường, thì làm sao chúng ta khoa trương được?… Chỉ nhờ tâm biết sám hối, lòng biết hổ thẹn, giúp ta tự sửa lần lỗi lầm. Khi biết tự sửa lần lỗi lầm thì ứng hợp với sự chíthành chí-kính của ngài Ấn-Quang đưa ra.

Ta biết sửa, ta chịu sửa, là ta có tâm chí thành chí kính. Ta làm sai mà ta không chịu sửa, cố che giấu thì ta không có cái tâm chíthành chí-kính. Giấu được với người khác chớ đâu thể giấu được với chính mình? Giấu với người thế gian chứ đâu giấu được với Diêm-Vương? Giấu được với tất cả mọi người chớ đâu có thể giấu được với nghiệp chướng mà mình đã tạo ra? …

Chính vì thế mà xin thưa với chư vị, hãy cố gắng tự phán xét lấy mình… À! Tại sao ta sơ ý như vậy? Tự phán xét mình thì tâm chân-thành, chí-thành chí-kính hiện ra. Chính vì vậy lời khai thị của ngài Ấn-Quang thực tế, rõ ràng, hữu ích, dễ thực hiện. Chúng ta hãy lấy đó làm mẫu mực để hàng ngày tu sửa. Mỗi ngày sửa mỗi chút, sửa dần sửa dần… Một tháng sau hình như khuôn mặt chúng ta rạng rỡ ra. Có lẽ do trong một tháng đó có 30 ngày chúng ta sửa được 30 lần, đến ngày thứ 31 thì những phiền não hình như đã giảm đi một cách khả quan, và tự nhiên chúng ta thấy con đường vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc hình như đang nằm ngay trước mũi bàn chân của mình vậy.

Chính đại sư Ấn-Quang nói, bất luận là người tại gia hay xuất gia, nếu tu đúng như những lời Ngài dạy, thì sẽ được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Ngài không nói phải đoạn diệt tất cả phiền não mới được vãng-sanh. Ngài không nói phải ngộ ra đạo lý cao siêu mới được vãng-sanh. Mà Ngài nói cần nhất là phải biết tu sửa từng chút từng chút như vậy, thì tự nhiên chúng ta cùng nhau đi về Tây-Phương Tịnh-Độ một đời thành đạo.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –