Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm (Tọa Đàm 25)

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH THEO ẤN TỔ

(Tọa Đàm 25)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Ấn Tổ dạy: Lúc nhàn đàm đừng bàn đến điều sai trái của người. Đây chính là lời Phật dạy trong kinh điển. Ví dụ như trong kinh Vô-Lượng-Thọ, Phật nói: “Khéo giữ khẩu nghiệp không nói lỗi người”. Rõ ràng Tổ cũng dạy chúng ta đừng nên nói điều sai trái của người, Phật cũng dạy chúng ta đừng nên nói điều sai trái của người. Hòa Thượng Thích-Thiền-Tâm là một vị cao tăng của ViệtNam, Ngài thường xuyên nhắc nhở đệ tử đừng nên nói lỗi người. Ngài nói là một bậc chân tu thì lo tịnh tâm lại để tu hành. Đã lo tịnh cái tâm lại để niệm Phật, thì còn giờ đâu mà nói đến lỗi người khác?…

Cho nên lời dạy của Tổ Sư Ấn-Quang hợp với lý đạo vì đúng với lời Phật dạy, mà còn rất hợp với sự đạo, nghĩa là hợp với cách tu hành của người phàm phu trong thời mạt pháp này. Ngài là một vị Đẳng-Giác Bồ-Tát trên cõi Tây-Phương thị hiện xuống đây, nhưng lời huấn thị của Ngài từ đầu tới cuối rất giản dị. Thư của Ngài viết ra cho đại chúng rất nhiều, chưa từng thấy một lần nào Ngài lý luận những điều cao siêu bóng bẩy. Ngày hôm qua mình đưa ra hai dạng khai thị, Ấn Tổ luôn nói về Sự-Đạo cụ thể vững chắc để cho chúng sanh tu hành, còn ngài Vĩnh-Gia Thiền-Sư khi ngộ đạo rồi thì nói lý đạo rất cao. Tại sao vậy? Tại vì duyên độ sanh mỗi người mỗi khác. Có vị có duyên độ người thượng căn thượng trí thì nói về Lý-Đạo, chú trọng về “Khế-Lý”. Còn ngài ẤnQuang thì quyết lòng độ chúng phàm dân, độ tất cả những người căn tánh hạ liệt như chúng ta thì phải nói về Sự-Đạo thuộc về “Khế-Cơ”.

Chính vì thế, lời khai thị của ngài Ấn-Quang hợp với chúng ta. Đạo-Tràng của chúng ta cũng đang cố gắng tu hành theo lời huấn thị của Ấn Tổ. Ngài dạy, “Từ sáng đến chiều từ chiều đến sáng giữ tâm mình trong câu A-Di-Đà Phật”, thì Niệm Phật Đường chúng ta niệm Phật 365 ngày một năm không gián đoạn một ngày nào. Ví dụ như ngày mai chúng ta tịnh khẩu niệm Phật. Tại sao phải tịnh khẩu vậy? Tại vì để ngăn ngừa trường hợp gọi là nhàn đàm nói chuyện thiên hạ. Nói chuyện thiên hạ thì bao nhiêu công đức tu hành từ cái miệng này nó tuôn ra hết. Ngày hôm qua mình đưa ra một ví dụ, nói đùa một chút xíu thôi, nhưng hậu quả của câu nói đó có thể phá tiêu luôn hạnh phúc của người khác mà không hay.

Người không chịu giữ tâm thanh tịnh, thường sơ ý nói những điều sai lầm tạo nghiệp. Lời nói chưa chắc gì đúng với sự thật, nhưng nói ra thì có thể gây ảnh hưởng tệ hại về tâm lý! Thật là điều không nên nói. Hầu hết những vấn đề xung đột trong xã hội thướng bắt nguồn từ lời nói bất cẩn mà sinh ra. Khẩu nghiệp thực sự là mối khởi đầu bao nhiều sự họa hại. Trong kinh Vô-Lượng-

Thọ Phật đem khẩu nghiệp lên hàng đầu mục đích nhắc nhở chung ta phải chú ý gìn giữ khẩu nghiệp.

Ngày mai chúng ta tịnh khẩu niệm Phật trong 24 tiếng đồng hồ. Hàng ngày chúng ta nói chuyện quá nhiều rồi, bao nhiêu công đức cứ theo đó mà tuôn ra hết. Khi nói chuyện chư vị để ý coi, có lẽ 99.9 % là những lời nói tạo nghiệp lục đạo luân hồi. Không thị thì phi, không khen thì chê, không thương thì ghét… Chắc chắn như vậy!… Tất cả đều là cái duyên trói quyện cái tâm của chúng ta trong sanh tử luân hồi, không bao giờ tìm ra một đạo lý giải thoát với những chuyện đời của người thế gian đâu…

Chính vì vậy mà những người thực sự chân chánh tu hành họ rất ít nói. Trong cuộc đời của ngài Ấn-Quang, khi có một người nào đến tiếp kiến Ngài, Ngài thường nói ngắn gọn 2-3 lời rồi khuyên hãy lo niệm Phật đi, không nên nói chuyện dài dòng. Ngài dạy: “Hãy giữ tâm mình trong câu A-Di-Đà Phật từ sáng đến chiều từ chiều đến sáng đừng để gián đoạn”.

Chư vị biết không, thời này là mạt pháp rồi đấy. Nếu để cuộc đời này bị luống qua, thì chư vị nghĩ thử đến bao giờ mình mới có cơ hội giải thoát đây? Thời này là khoảng 500 năm sâu trong thời mạt pháp, Phật nói đây là khởi đầu thời kỳ đại họa cho chúng sanh đấy. Nghiệp chướng sâu nặng sẽ lôi chúng sanh tuột… tuột… tuột vào ba đường ác, vượt qua 9.000 năm đến hết thời kỳ mạt pháp luôn. Một khi bị nạn thì sẽ bị luôn qua 9.000 năm để rơi vào thời diệt pháp. Nghĩa là, nếu đời này không có cơ hội thoát ly sanh tử luân hồi, thì dễ dàng chịu nạn luôn 9.000 năm nữa… Lúc đó rơi vào thời diệt pháp, nghĩa là không còn pháp Phật nữa thì còn cơ hội nào để giải thoát đây?

Thời mạt pháp này bị đọa vào ba đường ác dễ lắm, không khó đâu. Chư vị đừng nghĩ đó là chuyện xa vời nhé. Ví dụ, khi chết chỉ cần lưu luyến cái nhà, luyến nhớ đứa con, nghĩ đến tài sản, tham danh tham vọng gì đó… chỉ cần vướng một chút xíu vậy thôi, dù có niệm Phật thì lúc đó cũng mất vãng sanh rồi. Mất vãng sanh thì đi đâu đây? Vì lòng tham nặng quá nên con người chết đi bị rơi vào hàng ngạ quỉ nhiều lắm!…

Người sợ chết vì thương tiếc cái xác thân, chết xong cứ cố bám theo cái xác chết đó, nên qua 49 ngày không đầu thai được.

Một khi không đầu thai được thì biến thành “Ma-Quỉ” mà bám theo nấm mồ.

Những người vì thương con nhớ cháu, chết xong cứ lảng vảng bên căn nhà cũ, muốn sớm trở vào căn nhà, nhưng làm sao vào được? Trạng thái này dễ đi đến chỗ đoạt thai của loài súc vật hoặc đầu thai vào đó. Nên nhớ trong vòng 49 ngày sau khi chết, chung quanh có rất nhiều loài chúng sanh mang thai, không chó thì mèo, không bò thì ngựa, không heo thì gà, v.v… Muốn trở lại làm người trong căn nhà đó đâu phải chuyện dễ. Chỉ vì mê muội mà chui tuốt vào đường súc sanh rồi. Dễ lắm!… Oan uổng quá!…

Chư vị nghĩ coi, vì mê muội mà rơi vào hàng súc sanh. Rơi vào hàng súc sanh thì còn mê muội hơn nữa. Thử hỏi làm cách nào thoát nạn đây? Có lần Phật chỉ đàn kiến rồi nói, đã qua bảy đời Phật mà đàn kiến vẫn còn là đàn kiến, thì khi một người rơi vào hàng súc sanh, chúng ta cũng có thể nói, coi chừng bảy đời Phật nữa ra đời mà người đó vẫn còn làm loài súc sanh. Đọa lạc dễ sợ quá!…

Tục ngữ thế gian có câu: “Từ bi đa họa hại, phương tiện xuất hạ lưu”. Người có lòng từ bi (mà thiếu trí huệ) thường gây điều tai hại. Người có nhiều tiền bạc (mà thiếu trí huệ) thường làm chuyện thấp hèn. Người có lòng thương con cháu mà mê muội dễ biến tình thương thành thù hận. Ví dụ như có người chết đi, vì thương con cháu nên đầu thai thành con gà con heo gì đó trong vườn nhà để được gần gũi con cháu. Con cháu vì mê muội nên bắt mình mổ thịt để cúng tế cho cái hình của mình trên bàn thờ. Mình vì mê muội nên quyết trả thù người giết mình, vô tình mình biến thành oan gia trái chủ của con cháu. Nhân-Quả, Quả-Nhân rối mù!… Dễ sợ quá!…

Hiểu được cảnh Nhân-Quả xoay vần đáng sợ này, chúng ta hãy mau mau nghe lời Ấn Tổ dạy đi, phải quyết định một đời này phải vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc cho được. Muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, thì tất cả những cội nguồn gây tạo nghiệp chướng phải tìm cách ngăn chận lại, trong đó cội nguồn chính yếu chính là khẩu nghiệp của mình đo.

Tất cả chư Tổ Sư đều răn nhắc chúng ta là phải cẩn thận về khẩu nghiệp. Giả sử như đang giận về một việc gì, mà mình chưa khai khẩu thì coi như chưa bùng phát, ví dụ như chiếc quẹt gas nó sẵn sàng bốc cháy bất cứ lúc nào, nhưng mình chưa xẹt lên thì nó vẫn chưa cháy. Nếu lúc đó mình khai khẩu, thì ngọn lửa bùng lên, nó đốt đi biết bao nhiêu công đức. Do đó một người tu hành mà thường khởi tâm sân giận, nếu không tìm cách bỏ đi, thì dù đã tu

80 năm, nhưng coi chừng công đức thua một người hiền lành mới biết tu một vài tuần. Thường thường người hiền lành ít sân giận, dù cho ít tu nhưng người ta không đốt công đức. Công đức mới có ít, nhưng công đức cũ trong quá khứ của họ không bị tiêu phá. Chính nhờ thiện căn phước đức trong quá khứ mà đời này khi có duyên gặp câu A-Di-Đà Phật, họ thành tâm niệm Phật nên rất dễ thành tựu. Còn chúng ta niệm Phật hàng đêm như thế này, cứ tưởng là mình có nhiều công đức, nhưng không ngờ vừa khởi tâm tự mãn, thì vướng vào nạn gọi là thoái chuyển rồi…

Chính vì thế, người có tâm thượng mạn bị Ấn Tổ chú ý la rầy. Ngài dạy, tu hành phải luôn nghĩ mình công phu còn nông cạn, nghiệp chướng còn nhiều, chẳng nên tự khoa trương. Ngài la rầy như vậy cho những người phàm phu tục tử chúng ta đừng để bị mất công đức, đừng làm tiêu công đức, nhờ thế mới có hy vọng vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Nếu chư vị có đọc những tập như “Lá Thư Tịnh Độ” của ngài Ấn-Quang sẽ thấy. Ngài nêu ra những trường hợp có người niệm

Phật mấy chục năm, nhưng sau cùng mất phần vãng sanh. Nhiều Tổ khác cũng nêu vấn đề này. Có những vị tới khoe với Ngài là đã chứng đắc đạo lý này chứng đắc đạo lý nọ, Ngài nghiêm sắc mặt lại và cảnh cáo rằng, hãy lo thành tâm, khiêm cung niệm Phật đi, đừng đứng đó mà nói chứng này chứng nọ nhé!… Đừng thấy có một mà ra nói tới trăm ngàn lần nhiều hơn, đây là cái tội đại vọng ngữ đấy. Ngài nói, tội này còn nặng hơn tội sát, đạo, dâm đến cả trăm, ngàn, vạn, ức lần đấy…

Khi đọc được những lời khai thị này, làm cho Diệu-Âm giật mình, nên thường lấy lời Tổ ra mà nhắc nhở nhau. Trong đời này chúng ta có duyên với nhau, thành tâm khuyên nhau hãy quyết lòng khiêm cung để được an toàn vãng sanh Tịnh-Độ. Chư vị đừng nên ỷ lại rằng chúng ta đã có ban hộ niệm trợ duyên thế này thì yên chí.  Không đâu!… Phải lo cái nhân Niệm Phật cho vững thì người ta trợ duyên mới được. Chưa chắc gì 10 năm, 20 năm, 30 năm nữa pháp hộ-niệm này còn tiếp tục tồn trên thế gian. Vì sao vậy? Hãy nhớ thời này đã mạt pháp rồi, chánh pháp rất dễ bị xen tạp, rất dễ bị tà đạo công kích làm cho nó bị mai một đi, khiến cho chúng sanh mất cơ hội giải thoát, đành tiếp tục đi theo con đường sanh tử đọa lạc.

Phật nói, thời kỳ mạt pháp là thời đấu tranh kiên cố, không phải hòa bình phẳng lặng đâu. Biết vậy, có duyên chúng ta cố gắng khuyên nhau quyết lòng buông xả để đi vãng sanh. Hãy gìn giữ thân khẩu ý đừng vướng vào quỹ đạo đấu tranh kiên cố mà bị mắc kẹt. Muốn tránh nạn đấu tranh kiên cố này, thì phải nhớ rằng, khẩu nghiệp vô cùng nguy hiểm, nó là đại nhân duyên lôi chúng ta vào vòng chướng nạn đấy.

Nét đặc trưng nhất của Ấn Tổ là lời dạy của Ngài hết sức thiết thực, cụ thể. Ngài ít khi nói đến điều gì xa lạ, cao siêu. Trước đây có một lần ngài Thích-Thiện-Huệ kêu Diệu-Âm vô trong phòng rồi nói:

  • Con biết không, Thầy thấy hiện tại bây giờ có nhiều người ưa nói những điều cao siêu diệu lý, mà những điều này chính họ không làm được. 

Khi nghe Ngài nói lời này, tự nhiên Diệu-Âm giật mình. Thời điểm đó Diệu-Âm đang viết những lá thư khuyên cha mẹ niệm Phật, mỗi lá thư viết xong đều có trình cho Ngài duyệt qua. Xem xong Ngài khen:

  • Con viết thư hay đấy, thấp thấp như vậy người ta dễ hiểu, dễ độ. Đừng nói chi những lời cao siêu quá. Những lời lẽ cao siêu chính mình chưa chắc gì làm được, mà nói ra làm sao người khác có thể làm được!… Những lời nói đó toàn là vọng ngữ thôi đó con.

Một vị Sư già, hiền lành chất phác, nói ra những lời tương tự như ngài Ấn-Quang đại sư nói. Diệu-Âm được chút duyên nói ra những lời tọa đàm này, nhưng luôn y giáo phụng hành những lời huấn thị của các Ngài, không bao giờ dám vọng ngữ nói ra những điều gì cao xa, thiếu thực tế cả. Theo Ấn Tổ dạy, chúng ta cứ giữ tâm ý hết sức hiền hòa mà tu tập, thì nhất định ta được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Khi được vãng sanh rồi, lúc đó chư vị không cầu lý đạo cao tự nhiên cũng cao, chư vị không cầu chứng đắc tự nhiên cũng chứng đắc. Vạn pháp trong hư không pháp giới đều có đầy đủ từ trong tâm của một người ở cõi Tây-Phương Tịnh-

Độ. Còn bây giờ ở đây là cảnh ngũ trược, chúng ta không dễ gì khai tâm mở trí đâu.

Vậy thì, chúng ta không nên vọng tưởng, không nên vọng ngữ nữa, mà nên tập tịnh khẩu để gìn giữ công đức mà vãng sanh về Tây-Phương nghen chư vị. Chắc chắn chúng ta đi được. Ngài ẤnQuang đại sư đã ấn chứng cho chúng ta rõ rệt, làm đúng như vậy là được vãng sanh, những điều Ngài nói chúng ta đều có thể làm được hết. Thế thì chúng ta thực sự dễ được vãng sanh lắm đó chư vị.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –