Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm (Tọa Đàm 33)

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH THEO ẤN TỔ

(Tọa Đàm 33)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Chúng ta trong đời này, gặp được pháp môn niệm Phật, ngày đêm niệm A-Di-Đà Phật để cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thật là một điều may mắn vô cùng, trong vô lượng kiếp qua chưa chắc gì đã có những cơ hội thù thắng như hôm nay, tại vì đây chính là pháp môn đưa chúng ta một đời thành đạo đấy.

Trong kinh Vô-Lượng-Thọ, đức Thế-Tôn có nói: “Hoành triệt ư ngũ thú, ác đạo tự bế tắt, vô cực chi thắng đạo, dị vãng nhi vô nhân”. Câu này đạo lý cao lắm. Chúng ta đang bàn về lời khai thị của Ấn Tổ, nếu lời khai thị mộc mạc của Ngài mà hàm chứa được ý nghĩa của lời Phật dạy này, thì quả thật đúng là một lời khai thị vi diệu, đưa một người một đời này thành đạo.

“Hoành triệt ư ngũ thú”. Hoành là hàng ngang; Tung là hàng dọc. Người đời có câu tung hoành ngang dọc là ý nghĩa hành động khắp nơi. Tung là đi theo hàng dọc. Hoành là đi theo hàng ngang.

“Hoành triệt ư ngũ thú”, là đi ngang qua ngũ-thú. “Ngũ Thú” là gì? Trong kinh Vô-Lượng-Thọ Phật chỉ đưa ra có năm đường gọi là ngũ-thú, chứ không phải lục-thú. Ngũ-thú là: Thiên, Nhơn, Súc Sanh, Ngạ-Quỷ và Địa-Ngục. Trong Kinh Vô Lượng Thọ Phật không nói đến cảnh giới A-tu-la, vì cảnh giới A-Tu-La nằm rải rác khắp nơi, chứ không phải là một đạo riêng biệt. Ngược lại, trong kinh Phật-Đảnh Thủ-Lăng-Nghiêm thì Phật nói tới bảy đạo, gọi là “Thất-Đạo”. Thất-đạo gồm có: Thiên, Tiên, A-Tu-La, Nhân, SúcSanh, Ngạ-Quỷ, Địa-Ngục. Lục-đạo thêm một đạo Tiên nữa thành ra Thất-đạo. Sở dị Phật đưa ra bảy cảnh giới để xác định rõ ràng giữa Phật-Đạo và Quỷ-Thần-Đạo.

Như vậy danh từ Ngũ-Đạo, Lục-Đạo và Thất-Đạo có ý nghĩa giống nhau, đều là cảnh sanh tử luân hồi. Nếu chúng ta nghe nói đến Tam-Giới cũng có ý nghĩa tương tự. Ba cõi là Dục-Giới, SắcGiới và Vô-Sắc-Giới, tất cả đều hàm chỉ cho cảnh sanh tử luân hồi. Giải thích đơn giản là như vậy.

  • “Hoành triệt ư ngũ thú”. Người thực hành pháp môn niệm Phật là vượt ngang qua sanh tử luân hồi, chứ không phải chứng đắc theo chiều dọc.
  • “Ác đạo tự bế tắt”. Tất cả nghiệp chướng tự bế tắt. Tất cả nghiệp luân hồi không còn dính mắc tới người niệm Phật nữa, dù trong vô lượng kiếp qua, chúng ta ở trong ác đạo tạo ra nghiệp chướng, bây giờ đây niệm một câu A-Di-Đà Phật vượt thẳng về Tây-Phương thành đạo. Đây là lời của Thế Tôn khen tặng, tán thán công đức của pháp môn niệm Phật mà chúng ta đang tu hành đây.
  • “Vô cực chi thắng đạo”. Vô cực là vô cùng vô cực, không thể nói được. Chi thắng đạo, thắng là thù-thắng. Đây là một pháp môn thù thắng vô cùng vô cực, không có gì so sánh được. Chúng ta thường nói, mình là hàng phàm phu tục tử, hãy lo giữ phận phàm phu tục tử, tu trì pháp môn Nhị-Lực, nương theo đại nguyện Di-Đà để Ngài thương tình cứu độ. Nhưng mà hôm nay, ta nghe chính trong kinh, từ kim khẩu của Thế-Tôn nói: Người niệm câu A-Di-Đà Phật đi về Tây-Phương là thực hiện “Vô cực chi thắng đạo”. Nghĩa là đang tu trì một pháp môn vi diệu, thù thắng vô cùng vô cực, không có pháp môn nào có thể so sánh được. Thật phi thường!… Không ngờ được.
  • “Dị vãng nhi vô nhân”. Dị vãng là rất dễ được vãng-sanh. Nhi vô nhân: Nhưng chúng sanh không chịu đi. Con người tin tưởng vào pháp niệm Phật ít lắm. Vì không tin tưởng nên không được vãng-sanh. Phật nói, Đây là pháp môn rất dễ tu, nhưng lại quá khó tin. Vì quá khó tin nên khó có người tin theo. Không tin nên không chịu niệm Phật. Niệm Phật quá dễ mà không chịu niệm, thành ra rất dễ vãng-sanh mà đi vãng-sanh không được.

Trong những lời thư Ấn Tổ viết cho Phật tử, đồng tu, Ngài thường nói, có nhiều người vì ỷ mình thông minh tài giỏi, muốn tự phá cho hết nghiệp chướng để chứng quả, gọi là “đoạn hoặc chứng chơn”, mà tỏ ra khinh thường pháp môn niệm Phật. Không ngờ đến khi sắp chết tay chân thì dãy dụa, miệng thì kêu cha réo mẹ, ý thì thất đởm kinh hồn… cuối cùng nằm ngay đơ theo nghiệp thọ báo. Ngài nói, vì thông minh quá mà biến thành vụng dại. Trong khi một người hiền lành chất phác niệm câu A-Di-Đà Phật được đức A-Di-Đà phóng quang tiếp độ, liền sanh về cõi Tịnh-Độ, ngự trong chín phẩm hoa sen, một đời thành đạo Vô-Thượng. Đây là lời của ngài Ấn-Quang dạy.

Bây giờ chúng ta trở lại với lời khai thị của Ấn Tổ, liệu lời của Ngài có liên quan đến ý nghĩa: “Hoành triệt ư ngũ thú, ác đạo tự bế tắt, vô cực chi thắng đạo, dị vãng nhi vô nhân” hay không. Nếu lời

Ngài hàm ý đúng như lời Phật, thì thực sự chúng ta đang nghe một đạo pháp tuyệt vời, cao thì cao đến chí thượng vì là “Vô cực chi thắng đạo”, một người một đời thành đạo đấy. Còn thấp thì thấp đến nỗi một chúng sanh phàm phu tội chướng sâu nặng cũng được đắc độ luôn. Thật bất khả tư nghì, không phải tầm thường đâu…

Trước tiên, xin nói qua về chuyện đi dọc đi ngang một chút. Đi dọc là đi như thế nào? Ví dụ, người từ địa-ngục cố gắng tu cho vượt khỏi địa-ngục lên hàng ngạ-quỷ, từ ngạ-quỷ tu cho lên hàng súc-sanh, súc-sanh tu cho thành người, người tu thành tiên… Cứ tu lên, lên như vậy đến khi nghiệp tận tình không, trí huệ khai mở, giác ngộ thành đạo. Cách tu này gọi là đi dọc.

Còn đi ngang nghĩa là:

  • Một chúng sanh trong địa-ngục niệm Phật đi thẳng về TâyPhương Cực-Lạc.
  • Một chúng sanh trong ngạ-quỷ niệm Phật đi thẳng về TâyPhương Cực-Lạc.
  • Một người phàm phu, niệm Phật đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc…

Tất cả chúng sanh từ mọi cảnh giới đều có thể niệm Phật đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc để thành đạo, không phải lên từng cảnh giới một. Nếu tu hành chứng đắc qua từng cảnh giới thì thời gian phải ít ra cũng ba đại A-Tăng-Kỳ kiếp, nhưng chưa chắc gì thành tựu. Cho nên chư Tổ nói: “Vượt tam kỳ ư nhất niệm” chính nhờ pháp môn niệm Phật này. Vượt qua thời gian ba đại A-TăngKỳ-Kiếp bằng một câu A-Di-Đà Phật. Thật là một pháp môn quá khó tin!…

Niệm Phật là pháp môn tu thẳng, tu tắt. Để dễ hiểu hơn, chư Tổ ví dụ như một con kiến ở trong cái bộng tre, quanh năm suốt tháng bị tối tăm mờ mịt, đang tìm cách vượt ra tìm ánh sáng. Nếu con kiến đi theo hàng dọc, nghĩa là từ đốt tre thứ nhất đục lên đốt thứ hai, rồi đục lên đốt thứ ba… Cứ thế đục lên đến đọt, rồi mới đục một cái lỗ trên đỉnh để thoát ra ngoài nhìn ánh sáng. Sợ rằng mới đục lên một đốt hai đốt, thì nó đã chết trong bộng tre rồi. Sức không đủ, thời gian không có, mạng sống quá ngắn ngủi…

Còn một con kiến khôn ngoan, không đục lên như vậy, mà đục ngang qua bộng tre. Con kiến ở đốt tre thứ nhất đục ngang qua ống tre, cũng nhìn thấy ánh sáng. Con kiến ở đốt tre thứ hai đục ngang qua ống tre, cũng thấy được ánh sáng. Con kiến đang nằm trên đọt cũng đục ngang qua ống tre, cũng nhìn thấy ánh sáng. Đã là ánh sáng thì ở đâu cũng như nhau. Ví dụ này hay vô cùng.

Pháp môn niệm Phật là pháp đi ngang để thành đạo, trong kinh Vô-Lượng-Thọ, Phật gọi là:

  • “Hoành Triệt ư ngũ thú”, là con đường băng ngang qua nghiệp chướng, triệt tiêu tất cả những ách nạn trùng trùng trong tam giới, lục đạo.
  • “Ác đạo tự bế tắt”. Ví dụ như con kiến ở trong bộng tre, quanh năm suốt tháng chịu ách nạn tù hãm, tối tăm. Nhưng vừa thoát qua khỏi ống tre, thì tự nhiên liền thấy ánh sáng. Cũng giống như một căn nhà tối tăm, mù mịt ngàn năm, chỉ cần thắp lên một ánh đuốc, thì tự nhiên bao nhiêu bóng tối đều mất hết. Bây giờ muốn tìm lại bóng tối tìm cũng không còn nữa. Câu A-Di-Đà Phật chính là ánh đuốc đấy. Câu A-Di-Đà Phật chính là Chân-Tâm Tự-Tánh của mình. Niệm Chân-Tâm Tự-Tánh thì Tự-Tánh hiển lộ. Tự-Tánh hiển lộ chính là khơi ngọn đuốc trong tâm lên, thì tự nhiên tất cả sự tối tăm bị tiêu hết, đó gọi là “Ác đạo tự bế tắt”. Niệm Phật thì nghiệp chướng ác đạo tự nó bế tắt, chứ không phải diệt nghiệp, đánh nghiệp thì nghiệp chướng ác đạo mới tiêu.
  • “Vô cực chi thắng đạo”, vì pháp môn này quá ư phi thường, có thể độ được trên từ Đẳng-Giác Bồ-Tát dưới cho đến A-tỳ địa ngục chúng sanh, tất cả cũng nhờ một câu A-Di-Đà Phật này mà thành đạo. Ở tại cảnh giới người, chúng ta dùng một câu A-Di-Đà Phật này mà thành tựu đạo quả. Chúng sanh ở dưới địa-ngục nếu biết khôn ngoan niệm một câu A-Di-Đà Phật này cũng vãng-sanh về

Tây-Phương để thành đạo luôn. Đúng là pháp: “Hoành triệt ư ngũ thú”.

Hiểu được đạo lý này, ta mới thấy rằng, một người trong thời này gặp được câu A-Di-Đà Phật mà thành tâm niệm thì không phải là chuyện đơn giản đâu. Chư vị đã niệm Phật, thì xin đừng khinh thường thiện căn phước đức của mình. Nếu tâm thượng mạn khinh thường câu Phật hiệu, thì coi chừng lặng lẽ đi theo con đường dọc. Thay vì đục ngang theo con đường tắt, ta lại đi theo con đường dọc, con đường dài để đành chịu chết trong cảnh tối tăm!… Vì thế, với pháp môn niệm Phật, chư Tổ thường hay khuyên chúng ta:

  • Phải đi Thẳng, đi Tắt, đi Chánh không được đi lòng vòng.
  • Phải đi Thẳng, đi Tắt, đi Chánh không được đi tạp loạn.

Mới nói sơ qua ý nghĩa bốn câu Phật dạy trong kinh Vô-LượngThọ thì hết giờ rồi. Ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục bàn thêm về lời khai thị của Ấn-Quang đại sư, xem thử sự tương ứng với lời Phật dạy như thế nào? Hôm nay chúng ta biết được pháp môn niệm Phật là pháp môn:

Hoành triệt ư ngũ thú.

Ác đạo tự bế tắt.

Vô cực chi thắng đạo.

Dị vãng nhi vô nhân.

Phật đại từ đại bi trao cho chúng sanh một pháp môn tu tập quá dễ dàng mà thành tựu thì thù thắng vô cực. Chỉ vì chúng sanh mê mờ không chịu y giáo tu hành, cứ thích chạy theo những lý đạo cao diệu, tự tìm rắc rối, gây chướng ngại cho chính mình. Ấn Tổ nói đối với hàng phàm phu, thì đó chỉ là vọng tưởng mà thôi. Vì sao vậy? Rõ ràng chỉ là miệng nói suông, còn tâm thì rối loạn, mắt nhìn không thấu, chân đi không nổi, tay với không tới… Ngài nói: “Người cứ cho mình là giỏi, nhưng sau cùng tay chân dãy dụa, đầu óc quay cuồng, miệng kêu réo cha mẹ, kết cuộc đành xuôi tay theo nghiệp thọ báo, để hàng vạn kiếp sau vẫn còn bị nạn”.

Mong chư vị phải vững lòng tin tưởng pháp môn. Nhất định khiêm tốn, chí thành niệm một câu A-Di-Đà Phật cầu vãng-sanh để trong một báo thân này về tới Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo VôThượng, hoàn thành tâm nguyện cứu độ chúng sanh.

Nam Mô A-Di-Đà Phật. 

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –