Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm (Tọa Đàm 14)

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH THEO ẤN TỔ

(Tọa Đàm 14)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Chúng ta học tập lời khai thị của Ấn Tổ, đến nay đã đi được ¼ đoạn đường, còn ¾ đoạn đường nữa thì hoàn thành. Lời khai thị của Ấn Tổ từ đầu tới cuối không nói một đạo lý gì cao xa. Ngài không nhắc gì về Nhất-Chân Pháp-Giới, Ngài không nhắc gì về Nhị-Đế, Tam-Minh, Tứ-Tu, Ngũ-Phần Pháp-Thân, v.v… Ngài hoàn toàn không nhắc đến những đạo lý cao tột này, vì lời khai thị của Ngài nhằm để cấp kỳ cứu chúng sanh thay vì chết chịu đọa lạc, lập tức được vãng sanh về Tây-Phương một đời thành đạo. Ngài chỉ nói thẳng vào những gì cần thiết cho người học đạo như chúng ta thực hành.

Khi nghe được lời khai thị này, chúng ta nên mau mau giựt mình tỉnh ngộ. Tại vì sao?… Vì một sớm một chiều ta có thể xả bỏ báo thân. Trong một sát-na đi qua đời khác, một là về Tây-Phương an vui cực lạc thành đạo, hai là tiếp tục trầm luân trong bể khổ, mà coi chừng tam ác đạo cũng khó tránh!…

Thời này là mạt pháp rồi, chư vị đừng hy vọng rằng đời sau ta gặp lại Phật pháp. Không dễ gì đâu. Nói lên lời này nhằm nhắc nhở những người bệnh hoạn như chúng ta chú ý. Trước khi vào Niệm Phật Đường niệm Phật, Diệu-Âm thoáng nghe qua anh Hai nói rằng một số mạch máu của anh đã bị nghẽn 99%. Nên nhớ, nếu thật sự bác sĩ đã báo như vậy thì anh phải chuẩn bị tư thế đi, coi chừng 1 ngày, 2 ngày… ra đi hồi nào không hay. Không phải là 1 tháng, 2 tháng đâu. Hôm tháng 8 vừa rồi, ở tại Melbourne, có ông Nguyễn-Văn-Bé, tuổi đời mới 65, khỏe hơn anh Hai rất nhiều, minh mẫn hơn anh rất nhiều, sáng lái xe đi vô sở làm, chiều chết trong bệnh viện. Thật là điều không ai ngờ được!… Tình trạng sức khỏe của ông Bé tuy có yếu, nhưng so ra chưa nặng bằng một nửa anh Hai. Cho nên nếu thật sự quyết định về Tây-Phương Cực-Lạc trong một đời này, thì anh Hai phải mau mau nghe lời khai thị của Ấn Tổ rất kỹ, và phải làm ngay lập tức, không được chờ thêm dù một ngày.

Nói thẳng thắn rằng, lúc đi, đứng, nằm, ngồi, từ sáng đến chiều, từ chiều đến sáng chỉ niệm Phật hiệu không được gián đoạn nữa… “Hoặc niệm thành tiếng hoặc niệm thầm. Ngoài việc niệm Phật đừng dấy khởi bất cứ một tạp niệm nào khác. Nếu khởi vọng niệm phải tức thời bỏ ngay…”

Hôm qua mình nhắc tới chuyện vãng sanh của cô Đoàn-Thị-

Minh-Hương. Cô Đoàn-Thị-Minh-Hương chỉ đọc được hai cuốn sách “Khuyên Người Niệm Phật” số 1 và số 2, vậy mà cô ta giựt mình tỉnh ngộ. Trên đường đi đến bệnh viện, người xe thồ chở cô đã biếu cho cô hai cuốn sách này và nói rằng, cô hãy đọc hai cuốn sách này đi, có lợi lạc cho cô lắm đó. Cô ta nằm trong bệnh viện mà đọc, đọc xong rồi thì cô quyết định rời bệnh viện, rời luôn gia đình đi tìm Niệm Phật Đường của chị Thu-Hương. Cô năn nỉ xin chị Thu-Hương cho cô đến ở trong Niệm Phật Đường của chị, được cộng tu với đại chúng để vãng sanh. Nhà ở Quãng-Ngãi, cô lặn lội tìm đường ra tới Đà-Nẵng và nói với chị Thu-Hương rằng, xin ở tại Niệm Phật Đường này để niệm Phật quyết tâm cầu vãng sanh. Cô không dám về nhà nữa, vì tại nhà của cô cha mẹ chưa biết tu hành. Tuổi đời của cô vừa mới 33, tình trạng sức khỏe của cô Đoàn-Thị-Minh-Hương không quá nặng. Lúc đó cô vẫn còn tỉnh táo, đi lại tốt. Mấy tháng sau cô mới ra đi vãng sanh…

Nếu mình thực sự muốn tới đây để niệm Phật cầu vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, lại đúng dịp chúng ta đang khai thác triệt để lời khai thị của ngài Ấn-Quang, thì đây là cơ hội để giác ngộ kịp thời. Lời khai thị của ngài Ấn-Quang có trọng tâm là mau mau cứu người sắp sửa rời bỏ cái báo thân này đừng lạc qua các thế giới khổ đau, mà trực tiếp vãng sanh đi về miền Tịnh-Độ. Cho nên, nếu thực hiện đúng, mình sẽ được Phật gia trì. Với tình trạng của anh Hai nếu không phải là Phật gia trì, thì nhất định không cách nào anh có thể đi đứng được, không thể nào anh tỉnh táo được. Mà anh được tỉnh táo như ngày hôm nay là do Phật lực gia trì. Được Phật lực gia trì, nếu muốn tiếp tục hưởng sự gia trì cho viên mãn thì nhất định anh phải thực hiện Tín-Nguyện-Hạnh cho đúng, cho vững 100%, không được sơ suất nữa…

Lời khai thị của Ấn Tổ nói: “Ngoài việc niệm Phật đừng dấy khởi một niệm nào khác. Nếu khởi vọng niệm phải tức thời bỏ ngay!”. Hôm qua mình nói Vọng-Niệm và Chơn-Niệm biến chuyển với nhau trong từng sát-na một. Niệm trước là Chơn-Niệm, cảm ứng Phật lực gia trì. Niệm sau là Vọng-Niệm, nhất định chiêu cảm đến oan gia trái chủ, nghiệp chướng khởi lên. Tất cả đều do chính mình chiêu cảm lấy. Khiêm hạ, chí thành thì Phật cứu độ; Thượng mạn, bất cẩn thì oan gia trái chủ đến làm việc.

Nếu bây giờ bị bệnh mà còn nghĩ rằng: “Chưa sao đâu!… Chờ 1 tháng nữa, 2 tháng nữa rồi mới tính!”… Thì theo ngài Ấn-Quang nói, ý nghĩ này là đại Vọng-Niệm!

Ngài Thiện-Đạo đại sư nói, một người bệnh đã đến giai đoạn cuối thì phải cố giữ vững tinh thần đi về Tây-Phương. Phải gấp rút cầu vãng sanh, không được chần chờ lưỡng lự, không được tham sống sợ chết, không được nuôi hy vọng hết bệnh cầu may. Niềm hy vọng đó chứng tỏ rằng niềm tin về Phật pháp không đủ, ý nguyện vãng sanh không tha thiết. Tín-Nguyện-Hạnh không đủ, thì nhất định sự vãng sanh sẽ đổ vỡ. Tất cả những lời khai thị của chư

Tổ đều có ý nghĩa như vậy.

Lời khai thị của ngài Ấn-Quang đại sư tuy mộc mạc, nhưng không phải tầm thường. Ngài không nói những đạo lý cao siêu trên mây, mà Ngài nói thẳng đến vấn đề để cấp kỳ cứu một người thay vì bị đọa lạc, được vãng sanh về Tây-Phương thành đạo. Yếu tố thành đạo ở chỗ nào?… Nhất định Tín-Nguyện-Hạnh không thể nào ly ra nữa. Cho nên lời nói chuyện hôm nay là do vô tình trước khi bước vào Niệm Phật Đường Diệu-Âm nghe cái tin này. Thì giờ này, đứa em này xin nhắc nhở cho anh Hai biết mà tự quyết định.

Anh hãy suy nghĩ, tại sao cô Đoàn-Thị-Minh-Hương quyết định rời khỏi gia đình, tìm đến Niệm Phật Đường của chị Thu-Hương, hai nơi cách xa tới hằng trăm cây số mà cô cũng lặn lội tìm đến? Tại vì gia đình cô cha mẹ còn ăn mặn, chưa biết Phật pháp.Tại vì ở nhà cô gia đình dùng tỏi hành quá nhiều. Cô lo sợ rằng chư ThiênLong Hộ-Pháp không đến bảo vệ mình được…

Ngài Trí-Tịnh, năm nay 95 tuổi. Ngài viết một lời nhắn nhủ có ba điều, hai điều trong đó Ngài dặn:  – Một là nên ăn chay.

– Hai là phải cữ ăn “Ngũ-Tân”, tức là năm món rau tanh: Tỏi, hành, hẹ, kiệu, nén.

Một vị đại lão Hòa Thượng ân cần căn dặn Phật tử hai điều này, đây không phải là vấn đề mình có thể coi thường được… Ở nhà anh Hai hình như vẫn còn dùng nhiều chất rau tanh, mùi tỏi hành bay lên quá nồng, nhiều khi ban hộ niệm tới hộ niệm có thể không đủ lực để giải phá ách nạn này…

Do đó, tự mình phải quyết định dứt khoát. Đã quyết lòng đi về Tây-Phương thì cái thân mạng này mãn càng sớm chừng nào càng mừng chừng đó. Càng tạo cho mình một điều kiện trợ duyên tốt chừng nào càng an toàn chừng đó. Đừng nghĩ rằng bây giờ đang tỉnh táo, thì lúc nằm xuống mình vẫn tiếp tục tỉnh táo như vậy. Không đâu! Nên nhớ, chỉ cần một vọng niệm khởi lên, thì quang minh của A-Di-Đà Phật biến mất, chư vị oán-thân trái-chủ đang chực chờ từng giờ từng phút để đòi lại những oán hận của họ trong nhiều đời nhiều kiếp. Ách nạn không phải đơn giản đâu!…

Xin thưa với chư vị, được vãng sanh cũng tại đây, mà mất vãng sanh cũng tại đây. Vậy thì tu hành cần phải quyết định dứt khoát. Họa hay phước không có chủ thể, ách nạn tự chính mình tạo ra. Thành tựu hay thất bại do chính mình có sáng suốt hay không.  Nếu cảnh giới của mình là cảnh Ta-Bà, vợ con Ta-Bà, bạn bè

Ta-Bà, xã hội Ta-Bà, thì nương dựa vào một Niệm Phật Đường an tịnh là nơi thích hợp cho mình vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Một vị đang ở tại Niệm Phật Đường, được chư vị đồng tu hộ niệm, khi rời khỏi Niệm Phật Đường thì có thể mất vãng sanh. Tại sao?… Vì một khi rời khỏi quang minh của Phật thì chịu thua, cứu không được!… Mong chư vị hiểu được điều này, khi nghe lời Ấn-Quang đại sư, mình phải ứng dụng cho đúng. Ứng dụng liền bây giờ, đừng nên chần chờ. Vô thường tấn tốc, một sớm một chiều là qua đời khác, mà bệnh thuộc về tim mạch rất bất ngờ, không bao giờ nó báo trước một giây…

Nói lên lời này là vì thương anh Hai, là vì thương đồng tu. Nếu bệnh xuống, nhất định chúng ta phải có cái tâm cương quyết, kiên cường. Kiên cường như cô Đoàn-Thị-Minh-Hương mới đáng khen. Đối với một người chưa hề quen biết gì cả, mà Cô dám mạnh dạn từ Quãng-Ngãi mướn xe ra tới Đà-Nẵng, tự tìm tới khẩn cầu chị Thu-Hương:

– Xin Cô cho con ở trong Niệm Phật Đường của cô để con vãng sanh! Chỉ còn chỗ này con mới được vãng sanh. Chỗ khác không được!...

Vì cái tâm kiên cường như vậy, nên chị Thu-Hương đã nghĩ rằng, cô này chắc chắn được vãng sanh, mới tìm cách quay phim trước. Cô đó đã đứng trước máy quay phim kể lại sự việc tại sao mình quyết định như vậy. Chư vị hãy xem lại đoạn phim của cô Đoàn-Thị-Minh-Hương, đây là một bài pháp tuyệt vời.

Cho nên, nhất định chúng ta phải tỉnh ngộ. Nếu không tỉnh ngộ thì không ai có thể cứu mình được. Đừng bao giờ nghĩ rằng cứ tới đây niệm Phật theo lệ như vậy là xong. Nhất định phải nghe lời ngài Ấn-Quang dạy. Phải thực hiện liền lập tức điều này: “Lúc đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, chỉ niệm câu A-Di-Đà Phật, không được gián đoạn. Hoặc niệm ra tiếng, hoặc niệm thầm. Ngoài việc niệm Phật đừng khởi một niệm nào khác”… Tại vì sao?… Vì thời gian quá gấp!… Trong giai đoạn này mà còn nói chuyện này, nói chuyện nọ… Coi chừng!…

Nếu khởi vọng niệm, phải tức thời bỏ ngay. Mau mau trở về với câu A-Di-Đà Phật và thành tâm nguyện vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Đầy đủ ba điểm Tín-Nguyện-Hạnh thì anh Hai mới có thể được vãng sanh! Đã đến giờ phút này mà còn sơ ý, sẽ không còn cách nào cứu được nữa!

Thành Đạo hay đọa lạc đều do chính tại mình. Không ai khác có thể giúp mình được.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –