Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm (Tọa Đàm 19)

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH THEO ẤN TỔ

(Tọa Đàm 19)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Mỗi đêm nghe và bàn đến lời khai thị của Ấn Tổ, mình thấy hình như càng ngày lời khai thị này càng mở rộng ra bao trùm đến pháp giới. Hay quá!…

Ngày hôm qua mình nhắc đến chỗ niệm Phật phải cần cái nhân cho toàn vẹn và cái duyên cho thuận lợi thì mới có khả năng vãng sanh. Nhân chính là công phu niệm Phật của mỗi người. Duyên chính là sự hỗ trợ của đồng tu, hay nói rõ hơn là cần phải chú ý đến phương  pháp hộ-niệm.

Bây giờ xin hỏi:

  • Nếu mình niệm Phật tinh chuyên là có cái nhân tốt rồi, lại có người hộ-niệm tốt nữa, như vậy mình có chắc chắn được vãng sanh không?
  • Xin thưa thẳng rằng cũng không thể gọi là chắc chắn được.

Sẵn đây xin nhắc lại câu hỏi hôm trước, tại sao trong nhiều đời nhiều kiếp chúng ta đã có niệm Phật rồi, nhưng chúng ta đã không được vãng sanh?

  • Rõ ràng đại thệ của đức Phật A-Di-Đà là độ tận chúng sanh và người nào niệm Phật cũng được vãng sanh hết.
  • Chư Tổ nói rằng trăm người niệm Phật trăm người vãng sanh, ngàn người niệm Phật ngàn người vãng sanh.
  • Thiện-Đạo đại sư nói, muôn người tu muôn người đắc đạo là do bởi pháp môn này.

Thế tại sao chúng ta đã không được vãng sanh?  Hôm nay xin trả lời tiếp câu hỏi đó.

Trước hết chúng ta nên biết rằng nhờ cái nhân lành từ trong tiền kiếp đó đưa đẩy ta đến đời này gặp lại câu A-Di-Đà Phật mà hội tụ nhau niệm Phật.

Nhân chúng ta có, duyên hộ-niệm được chư vị hỗ trợ chúng ta có, nhưng mà coi chừng nghiệp báo ứng hiện làm cho chúng ta không còn tinh thần nào để niệm câu A-Di-Đà Phật. Đây gọi là nghiệp khổ hiện hành phá hoại.

Một trong những nguyên nhân làm cho người niệm Phật mất vãng sanh là do nghiệp khổ. Ví dụ như mình niệm Phật mà nghiệp chướng của mình vẫn còn nặng quá, đến lúc nằm xuống nghiệp khổ đánh mình đến mê man bất tỉnh, thì chư vị nghĩ thử người đồng tu có đến hộ-niệm cho cục thịt đó được chăng? Xã hội bây giờ tiến bộ rồi, trong bệnh viện hễ thấy người bệnh có cơn đau đớn thì bác sĩ cho chích một mũi morphine nằm im thiêm thiếp. Bị vậy thì làm sao đây? Thật sự đây là điều mình phải quán xét thật kỹ mới được, nếu không sẽ bị nạn đấy.

Làm sao tránh được ách nạn này? Xin thưa chư vị, lời khai thị của Ấn-Quang đại sư có hàm chứa điểm này. Thật là một lời khai thị có nhiều ý nghĩa sâu sắc, không biết với trí óc mê mờ của chúng ta có thể mổ xẻ thấu triệt hay không? Ngài dạy: Lúc đi, đứng, nằm, ngồi, ăn mặc, từ sáng đến tối từ tối đến sáng chỉ niệm câu Phật hiệu đừng để gián đoạn. Để chi vậy? Thành tâm niệm một câu A-Di-Đà Phật phá tan 80 ức kiếp nghiệp chướng sanh tử trọng tội. Đây là lời của Phật nói trong Kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ. Vấn đề là ta có chịu thành tâm niệm Phật hay không? Nhiều người niệm Phật mà không tin. Không tin thì niệm một câu Phật hiệu nhiều khi không xóa nổi một nghiệp, trong khi A-lại-da thức của chúng ta đã chứa đến vô lượng nghiệp chướng rồi, làm sao phá đây?

Vì thế, tâm chân thành quan trọng vô cùng. Ngoài công năng phá nghiệp, sự thành tâm chí thành chí kính niệm câu A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh, chúng ta được chư Thiên-Long Hộ-Pháp bảo vệ, được chư Bồ-Tát phóng quang gia trì, được chư Phật hộ-niệm, nhờ vậy mà chúng ta mới được vãng sanh đấy.

Như vậy thì chính cái tâm thành kính này đã giải quyết một vấn đề rất lớn. Niệm Phật có sự gia trì lớn như vậy, nhưng chúng ta cũng không dám ỷ lại đâu nhé. Tại vì sao? Ỷ lại là một điều sơ suất. Chính tổ Ấn-Quang mà còn chưa dám ỷ lại, Ngài cũng lo sợ mà phải dán chữ “TỬ“ trên vách. Ngài dặn chúng ta nếu muốn niệm Phật cho vãng sanh hãy dán chữ “CHẾT” trên trán để nhắc nhở rằng một ngày nào đó ta sẽ chết. Một khi bị chết thì phải bị đọa lạc. Ngài nói vậy nhằm nghiêm khắc nhắc nhở chúng ta đó.

Tại sao nghiệp chướng của mình nhiều như vậy? Xin thưa với chư vị, vì nhiều đời kiếp chúng ta đều đã làm sai lệch 10 điều thiện và 3 lời dạy của Phật về Thân-Khẩu-Ý quá nhiều. Thân-Khẩu-Ý tạo ra nghiệp chướng. Tất cả những nghiệp chướng từ trong vô lượng kiếp tới nay đều do chỗ này mà sanh ra hết. Thân thì: Sát, Đạo, Dâm. Miệng thì: Vọng-Ngữ, Lưỡng-Thiệt, Ỷ-Ngữ, Ác-Khẩu. Ý thì: Tham, Sân, Si… Nhiều người coi thường ngũ giới thập thiện, nhưng chính điều sơ suất này là đầu mối tạo ra tất cả nghiệp chướng. Chính vì thế mà hàng đêm chúng ta đều đọc Lời Phật dạy để tự nhắc nhở lấy mình:

  • Khéo giữ khẩu nghiệp không nói lỗi người.
  • Khéo giữ thân nghiệp không phạm oai nghi.
  • Khéo giữ ý nghiệp thanh tịnh không nhiễm. 

Trong đó khẩu nghiệp được Phật đưa lên hàng đầu. Đây là điều đáng chú ý trong kinh Vô-Lượng-Thọ. Phải tịnh khẩu lại mới tu hành đươc. Ví dụ như tuần tới chúng ta có hai ngày tịnh khẩu, để tập sự kềm chế, đừng để cái miệng này tạo thêm nghiệp mới nữa.

Đối với nghiệp cũ thì mình tìm cách gói lại, đè phục lại, còn tịnh khẩu là nhắc nhở cái miệng đừng tạo thêm nghiệp nữa. Người thích nói chuyện rất dễ tạo nghiệp. Một lần nói chuyện thì thường thường một lần phiền não khởi lên. Tại sao vậy? Tại vì thị phi từ miệng mà sinh ra. Thị phi sinh ra phiền não. Phiền não thì moi móc nghiệp chướng lên. Một khi nghiệp chướng bị moi lên thì mình phải chịu theo nghiệp mà thọ báo. Chư vị nên nhớ dù tu bất cứ pháp môn nào, mà cuối cùng theo nghiệp thì nhất định sáu đường luân hồi không thể nào thoát được. Chính vì thế, dù là nghiệp thiện đi nữa cũng không được moi lên. Điều này cần phải nhớ kỹ. Tại sao không được moi nghiệp thiện lên? Vì moi nghiệp thiện lên thì chúng ta phải theo nghiệp thiện mà thọ sanh trong ba đường thiện, chứ không thể vãng sanh về Tây-Phương được. Chúng ta đang tu

Tịnh-Nghiệp. Tu Tịnh-Nghiệp thì làm sao cho cái tâm chúng ta phải nương theo câu A-Di-Đà Phật, cái ý chúng ta phải muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc và ta phải thành tâm chí thành chí kính mong cầu A-Di-Đà Phật tiếp dẫn về cõi Tịnh-Độ.

Pháp môn niệm Phật đơn giản, thực sự là đơn giản. Khi nằm xuống làm sao cho trong tâm của chúng ta không nghĩ tới chuyện thiện, cũng không nghĩ tới chuyện ác, mà chỉ nghĩ đến A-Di-Đà Phật, niệm cho được câu A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh TâyPhương là được.

Xin nhắc lại, nghĩ tới điều ác thì bị lôi xuống ba đường ác đạo. Nghĩ tới điều thiện thì có thể trở về ba đường thiện đạo. Thiện đạo hay ác đạo đều là trong sáu đường sanh tử luân hồi. Xin nhớ kỹ nhé.

Có người hỏi Hòa Thượng Tịnh-Không: “Một niệm cuối cùng là niệm trong lúc tắt hơi, hay là lúc thần-thức xuất ra khỏi xác thân?”. Ngài trả lời cho cả hai trường hợp luôn. Một người khi tắt hơi mà niệm được câu A-Di-Đà Phật, nghĩa là quên đi cái duyên ác, quên đi cái duyên thiện, quên đi tất cả chuyện thế gian, chỉ nhớ niệm được câu A-Di-Đà Phật nguyện vãng sanh về Tây-Phương thì lúc vừa tắt hơi xong, thần thức họ đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc.

Đây thực sự là người có đại phước báu đấy. Nếu những người mà lúc xả bỏ báo thân, nghĩa là tắt hơi rồi mà vẫn còn nhớ nhà cửa, vợ chồng, con cái, thiện ác gì đó… không chịu nương theo câu ADi-Đà Phật đi về Tây-Phương, thì thần thức người đó không thể đi về Tây-Phương Tịnh-Độ trong lúc xả bỏ báo thân được. Tắt hơi mà không vãng sanh được, thì chắc chắn ấm cảnh sẽ hiện ra. Ấm cảnh là cảnh âm. Oan gia trái chủ sẽ hiện ra quậy phá mình tan nát.

Nếu lúc đó có những vị đồng tu bên cạnh niệm Phật hộ-niệm cầu Phật gia trì cho mình, thì quang minh của Phật đang bao trùm nơi đó. Người ta khai thị lớn lên, ví dụ:

– Anh Hai ơi!… Nhiếp tâm niệm Phật… Anh Ba ơi!… Lo niệm Phật đi… Chị Tư ơi!… Mau mau niệm Phật cầu về Tây-Phương, không được chần chờ nữa. Đây là giờ phút đã xả bỏ báo thân rồi. Một đời niệm Phật để chờ giây phút này theo A-Di-Đà Phật vãng sanh, thì giờ đây phải mau mau niệm câu A-Di-Đà Phật với đại chúng. Nhất định nghe lời tôi nhé.

Hãy nói lớn những lời tương tự như vậy là được. Nếu người ra đi đó nghe được, giựt mình được, tỉnh ngộ ra, định cái tâm lại, không duyên theo thế trần nữa, họ niệm câu A-Di-Đà Phật thì có thể 1-2 phút sau đó, họ bắt đầu cảm ứng với đại nguyện độ sanh của Phật, A-Di-Đà Phật hiện thân tiếp dẫn họ vãng sanh về Tây-Phương.

Có nhiều người tắt hơi 8-9 tiếng đồng hồ vẫn còn quyến luyến cái thân, nhất là những người sợ chết, họ cứ quyến luyến cái thân, họ bám chặt vào cái thân, lúc đó tinh thần của họ bị mê rồi, thể chất của họ bị mệt rồi, họ bị nhiều cảnh giới hãi hùng dồn dập ập tới, họ không còn nghe gì được nữa. Lúc đó lời nói của người hộ-niệm cũng chỉ hòa lẫn trong những thứ âm thanh xa lạ khác mà thôi. Những tài liệu trong Mật-Tông nói rất nhiều về chuyện người chết phải đau khổ vì đối diện với nhiều cảnh giới, như họ thấy: sấm chớp, lửa cháy, nước lụt, ác thú, cuồng phong, v.v… quay cuồng đầu óc họ trong cơn gọi là gió nghiệp… Nếu một người có công phu tu hành rất tốt, thì trước những cảnh ngộ này may ra tâm họ mới có thể định lại được, nhất là nhờ sự trợ duyên của những người hộ-niệm chung quanh kéo họ tỉnh ngộ trở về niệm câu A-DiĐà Phật. Trở về niệm câu A-Di-Đà Phật lúc nào họ có thể vãng sanh lúc đó, còn nếu không trở về được, họ bị lôi cuốn theo cảnh duyên mà đi luôn thì đành chịu thua!…

Chính vì vậy, sự tạo duyên thuận lợi cho chính mình rất là quan trọng. Người niệm Phật mà sơ ý tách rời đại chúng, cứ tưởng rằng mình có khả năng tự lực để vãng sanh, thì thường thường bị nạn là vì lý do này. Họ không ngờ rằng, trong bao nhiêu năm qua tu hành chưa đủ để phá hết nghiệp chướng, niệm Phật nhưng tâm không thành khẩn nên công đức chẳng lớn. Dù đôi lúc có thành khẩn đi nữa, thì một ngày được một vài giờ ở Niệm Phật đường ngoài ra hàng mấy chục tiếng với Ta-bà thì cũng chịu thua.

Vì thế, muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì công phu tu hành rất quan trọng, rất quan trọng!… Niệm Phật với lòng chí thành mới cảm ứng được với đại nguyện của đức A-Di-Đà, mới được 25 vị Bồ Tát phóng quang gia trì, được chư Thiên-Long Hộ-Pháp bảo vệ, tránh đi rất nhiều nạn oán thân trái chủ. Oán nạn này bây giờ đây mình không thấy đâu, nhưng lúc đó mình sẽ thấy. Nhưng hởi ôi!… Thấy được rồi thì đã muộn màng!… Đành chịu thua vậy thôi!…  Thứ đến là vấn đề Nghiệp-Khổ. Tự mình phải làm sao tìm cách giải ách nạn của nghiệp khổ này mới được. Nghiệp chướng làm cho mình khổ đau. Một ách nạn thật là khó chịu!… Trên thế gian này, khó có người nào có kinh nghiệm về Cận-Tử-Nghiệp, tại vì mỗi người chỉ trải qua ách nạn cận-tử-nghiệp một lần rồi đi qua thế giới khác, chứ nếu như trải qua 2-3 lần thì có thể rút kinh nghiệm lần trước mà tìm cách tránh miễn cho lần sau. Tổ Sư dạy: “Từ sáng đến chiều, từ chiều đến sáng phải giữ tâm mình trong câu A-Di-Đà Phật”, thành tâm mà niệm.

Niệm Phật một câu phước sanh vô lượng.

Lạy Phật một lạy tội diệt hằng sa.

Ở đây nhiều vị còn trẻ thì phải đi làm. Làm xong về nhà cố gắng niệm Phật nhé. Tổ còn dạy gì nữa? “Thường có lòng hổ thẹn và tâm sám hối”. Đây chính là để giải nghiệp cho mình đó.

Thường thường trong thời này có nhiều người tu được một thời gian, liền thấy mình có được năng lực này, năng lực nọ… Vì tâm ý hiếu kỳ, lại không chịu nghe lời khuyên, tự tách rời đại chúng ra để cầu chứng đắc. Thường thường sau mọt thời gian, họ cũng thấy được chứng đắc này, chứng đắc nọ. Họ cũng cảm thấy được năng lực này, năng lực nọ… Nhưng không ngờ tai họa đã bắt đầu đến rồi mà không hay!… Cạm bẫy đã cài vào tới cổ rồi mà không biết!…

Ngài Ấn-Quang dạy: “Nếu đã tu trì phải tự hiểu là công phu của mình hãy còn nông cạn, chẳng nên tự kiêu căng, khoa trương”. Tại sao Ngài dạy như vậy? Tại vì người thế gian trong thời này thường thường vọng tưởng quá nhiều, tâm tánh thiếu khiêm nhường, không chí thành, đã đánh mất phần gia trì của chư đại Bồ-Tát. Vọng tưởng rất dễ bị oan gia lợi dụng cài bẫy làm tăng trưởng tánh thượng mạn. Một khi đã mất khiêm cung, thì tự tách rời ra khỏi quang minh của A-Di-Đà Phật, oan gia trái chủ sẽ dễ dàng tiếp cận… (Xin đọc thêm những lời khai thị khác của Ấn Tổ thì rõ ràng hơn).

Mỗi ngày mỗi chút, mỗi ngày mỗi chút chúng ta tâm sự với nhau, mong chư vị hiểu sâu hơn về vấn đề này. Khi nói vào chuyện ngũ giới thập thiện chúng ta sẽ nói thêm chi tiết. Giờ đây mỗi ngày chúng ta cố gắng tới đây đọc mười điều thiện, nhiếp tâm lại mà đọc, thì tự nhiên một lần đọc chúng ta có dịp phản tỉnh, mà tìm cách xóa lần đi những tập khí của mình, giúp cho con đường thành đạo càng ngày càng gần hơn. Chúng ta cùng nhau vãng sanh TâyPhương Cực-Lạc.

Nam mô A-Di-Đà Phật.

 

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –