Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm (Tọa Đàm 13)

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH THEO ẤN TỔ

(Tọa Đàm 13)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Chúng ta hằng ngày nghe lời khai thị của Tổ Sư Ấn-Quang, không biết quí vị mỗi lần nghe như vậy có thấy thấm không? Nghe thấy thấm nhé? Một đoạn ngắn như vậy mà nghe hoài không thấm sao được! Tổ Sư dạy: Nếu đã tu trì phải tự hiểu là công phu của ta hãy còn nông cạn. Chẳng nên tự kiêu căng, khoa trương. Ngài nhắc chúng ta đừng nên khoe công trạng của mình. Đừng tự thấy mình có trí huệ, thông minh. Đừng bao giờ tự cho mình chứng đắc này chứng đắc nọ.

Trong suốt lời khai thị của Ấn Tổ, Ngài nói những lời rất gần gũi với hàng phàm phu, tục tử. Những lời này nó xa vời đối với cảnh giới của những người chứng đắc, thượng căn, thượng trí. Đây là một điểm mà hết sức đặc biệt, chúng ta cần nên chú ý.

Tổ Sư Ấn-Quang là Đại-Thế-Chí Bồ-Tát tái lai trong thời cận đại này. Một vị đại Bồ-Tát tái lại thì chắc chắn Ngài là Thượng-ThiệnNhân trên cõi Tây-Phương rồi. Ngài đã thành Phật rồi mới xuống thế gian này. Nhưng những lời Ngài nói toàn là những lời rất đơn giản, dành cho hàng bình dân nghe. Thực sự khi biết được dụng ý như vậy rồi, thì toàn bộ những lời nói của Ngài đã cho ta một sự khai thị rất rõ rệt. Sự khai thị đó là: Hàng phàm phu như chúng ta phải biết rõ con đường nào dễ thành tựu, và con đường nào sẽ thất bại. Đường thành tựu của hàng phàm phu chính là:

  • Trên kính dưới hòa.
  • Tập tánh nhẫn nhục.
  • Thường nghĩ những điều lỗi lầm của mình.
  • Biết mình là có nhiều sai trái thì đừng lên nói lỗi của người khác.

Đơn giản! Đây là cách sống của những người hết sức hiền hòa, chất phác, thực thà trong xã hội chớ không có gì khác lạ.

Vạn pháp đều do nhân duyên mà sinh ra. Một người hiền hòa tiếp tục giữ tâm hiền hòa, thì tính hiền hòa càng ngày càng phát triển trong tâm hồn của họ. Hiền hòa thì thường thường những thứ chấp trước, thị phi, đấu tranh, ganh tị, v.v… của thế đời ít vướng bận đến họ, nhờ thế mà tâm hồn của họ rãnh rang, vui vẻ, thoải mái. Những người hiền hòa này chỉ cần thành tâm niệm Phật, rất dễ cảm ứng đến chư Phật, chư Bồ-Tát gia trì. Rất dễ được chư Thiên-Long Hộ-Pháp thương tình bảo vệ. Chính vì thế, dù rằng nghiệp chướng của họ vẫn còn, oan gia của họ vẫn có, nhưng chư vị cứ nghĩ thử coi, một vị oan gia muốn tiếp cận với người đó để hãm hại họ thì cũng không phải dễ!… Ví dụ, đối với một người không có một ai bảo vệ thì các vị oan gia muốn ra thì ra, muốn vô thì vô, muốn tới thì tới, muốn lui thì lui. Chứ như một người ở trong một khuôn viên mà có hàng hộ vệ thật dũng mãnh, có đồng minh rất mạnh, một kẻ thù muốn vào hại họ đâu phải đơn giản!… Khó khăn vô cùng, không dễ đâu!

Chính vì thế mà chúng ta thấy một người phàm phu tục tử, tội chướng sâu nặng, oan gia trái chủ nhiều mà không biết đường tu, vội vã bỏ rơi sự gia trì của chư Bồ-Tát thì chẳng khác gì một người trong tay không có một tấc sắt mà dám xông vào trận địa để sát tặc, diệt địch. Sự liều lĩnh này chẳng khác gì tự tạo mình thành một miếng mồi ngon!…

Nên thấy rõ điều này, chư Thiên-Long, Hộ-Pháp, chư Bồ-Tát chỉ bảo vệ cho những người hiền hòa, những người thực tâm tu hành, những người không có tâm thượng mạn. Trong lời khai thị của Ấn Tổ không có nói những lời này, nhưng khi triển khai ra thì rõ ràng Ngài đang hướng dẫn chúng ta đi vào một thế giới mà ở đó có chư Thiên-Long Hộ-Pháp bảo vệ, có quang minh của chư BồTát gia trì, có quang minh của chư Phật hộ niệm.

Trong kinh Thập-Vãng-Sanh, Phật có nói, một người thành tâm niệm Phật thì có 25 vị Bồ-Tát hằng ở bên cạnh phóng quang gia trì cho người đó. Như vậy thì một người nào mà tâm tánh hiền lành, chất phác, thật thà, quyết lòng niệm Phật, nói theo như ngài Ấn-

Quang là: “Lúc đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng chỉ niệm câu Phật hiệu không để gián đoạn. Ngoài việc niệm Phật đừng nên để dấy khởi một vọng niệm nào khác”, thì được Bồ-tát hộ trì.

Chư vị thấy không? Lời khai thị của Tổ Sư hiền hòa không nè.

Ngài đâu có nói rằng, một người đi, đứng, nằm, ngồi niệm Phật cho đến “Nhất-tâm bất-loạn”, niệm Phật cho đến nghiệp sạch tình không, niệm Phật cho đến khi trí huệ khai mở rồi mới được vãng sanh!… Ngài không có nói như vậy. Mà Ngài nói rằng, hãy cố gắng giữ cái tâm của mình trong câu A-Di-Đà Phật, ngoài việc niệm Phật ra đừng dấy khởi một niệm nào khác là được.

Nhưng khổ nỗi, vì còn là sanh tử phàm phu nên cứ tiếp tục dấy khởi vọng niệm thì sao? Ngài liền dạy rằng: “Nếu khởi vọng niệm thì ngay lập tức bỏ liền”. Hãy bỏ liền đi. Bỏ bằng cách nào? Tôi không nghĩ ngợi gì nữa. Tôi niệm câu A-Di-Đà Phật liền. Niệm câu A Di Đà Phật, tiếp tục mà niệm để thay vào cái vọng niệm đó. “Bất phạ niệm khởi, đản phạ giác trì”, nghĩa là đừng sợ vọng niệm khởi ra, mà sợ rằng lúc vọng niệm hiện lên, mình không chịu niệm Phật liền mà thôi!… Tệ hại hơn, khi vọng niệm khởi lên, mình lại tiếp tục nghĩ đến vọng niệm đó, đi theo vọng niệm đó!… Chứ thực ra đã là phàm phu thì ai mà tránh khỏi vọng niệm. Vậy thì, khi vọng niệm khởi lên, hãy mau mau dụi dụi con mắt đi, xoa xoa cái đầu đi, bóp bóp cái tay một chút, tạo vài động tác xoa bóp cho tỉnh lại, để kéo cái tâm mình về với thực tại. Rồi sao nữa? Niệm câu A-Di-Đà Phật liền, đây chính là Giác-Ngộ kịp thời, gọi là… “Không sợ Niệm khởi, mà chỉ sợ Giác chậm”. Giác chậm chính là niệm câu A-Di-Đà Phật không kịp thời.

Như vậy khi vọng niệm có khởi lên thì mình cứ niệm câu A-Di-

Đà Phật liền đi. Không cần nghĩ đến việc câu A-Di-Đà Phật đó có nhập tâm hay không, mà chỉ cần mở lời niệm câu A-Di-Đà Phật thì cái tâm của ta tự động trở về với câu A-Di-Đà Phật. Khi tâm trở về với câu A-Di-Đà Phật rồi, mà tiếp tục thành tâm niệm thì tự nhiên ngay lúc đó quang minh của chư Bồ-Tát phóng tới gia trì liền, giúp cho chúng ta thoát ra cái ách nạn hiện tiền. Trong Kinh Phật nói, một người thành tâm niệm Phật thì liền có 25 vị Bồ-Tát gia trì bên cạnh. Mà chư vị nên nhớ rằng, một vị Bồ-Tát có rất nhiều ThiênLong Hộ-Pháp bảo vệ, vô tình các vị Thiên-Long Hộ-Pháp cũng phải bảo vệ cho mình luôn.

Bây giờ mình trở lại cái dạng người yếu đuối, mê mờ, tội chướng sâu nặng, oan gia trái chủ trùng trùng, nhưng khi ta thành tâm niệm Phật thì được chư Bồ-Tát gia trì. Xin hỏi rằng, làm sao các vị oan gia trái chủ đó có thể xuyên qua hàng bảo vệ trùng trùng, điệp điệp có thần thông quãng đại như chư vị Long-Thần Hộ-Pháp để mà tới hại mạng của người niệm Phật đây?…

Chính vì thế, đối với những người phàm phu như chúng ta thì niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ là một pháp tu rất an toàn trong thời Mạt-Pháp này. Nếu người phàm phu như chúng ta mà rời câu A-Di-Đà Phật ra thì chắc chắn:

  • Một là không cách nào thoát khỏi cái chướng nạn của MaChướng.
  • Hai là không thể nào thoát được cái nạn Nghiệp-Chướng.
  • Ba là không thể nào thoát được cái nạn gọi là Báo-Chướng.

Nghiệp nhân đã có quá nhiều thì nhất định quả-báo phải tệ hại!… Mà phải trả quả-báo tức là theo nghiệp. Theo nghiệp tức là phải ở trong sáu đường luân-hồi tiếp tục chịu nạn!…

Trong kinh Hoa-Nghiêm, Phật nói nghiệp của chúng sanh, nó bao trùm Pháp giới rồi. Trong kinh Địa-Tạng-Vương Bồ-Tát BổnNguyện, Phật nói nghiệp chướng của chúng sanh “năng địch Tu Di”, nghĩa là lớn như núi Tu-Di vậy. Nếu mà nó có hình tướng, nó sẽ đè mình xẹp lép, nhấc đầu không nổi! Bây giờ không thấy, nhưng khi chết đi, mình trở về cái dạng gọi là thần-thức rồi, lúc đó mới thấy thế nào là ách nạn của nghiệp! Hiểu được như vậy thì mới biết không thể nào một người phàm phu hạ căn này mà có thể tự cõng khối nghiệp đó bơi qua biển khổ được!… Nhưng may mắn mà nhờ câu A-Di-Đà Phật đưa ta qua bờ Giác. Chẳng khác gì đem cái hòn đá đó để trên con thuyền Bát-Nhã của A-Di-Đà Phật, Ngài chở qua bờ giác một cách tự nhiên, và người mang cục đá đó ngồi dựa trên be thuyền Bát-Nhã, thoái mái qua bờ Giác. Khi qua bờ Giác là trở về được với Chơn-Tâm Tự-Tánh, tự nhiên các nghiệp đó nó không cách nào làm hại mình được.

Cho nên xin thưa với chư vị, lời khai thị của Ấn Tổ về hình thức thì hiền hòa, chất phác, thực tế… Nhưng khi xét sâu vào, mình mới thấy một đạo lý vi diệu, có thể đưa một người phàm phu, tội chướng sâu nặng về được tới Tây-Phương Cực-Lạc thành Phật. Nên nhớ một pháp mà có thể đưa được một hàng phàm phu tội chướng sâu nặng thành Phật mới là tối vi diệu! Chớ một pháp đưa một vị thượng căn thượng trí, đưa một vị Bồ-Tát thành đạo thì đây là điều đương nhiên, có gì là vi diệu.

Hiểu được như vậy càng ngày càng vững tin vào câu A-Di-Đà Phật để nhất định một đời này phải về Tây-Phương, phải thành đạo nghe chư vị. Đời này yếu lắm rồi! Dở lắm rồi! Cái thân này tệ lắm rồi! Cái Niệm-Phật-Đường này cũng là thứ đất đá, chiếc xe cũng là sắt, thép, gỗ, chì… kết hợp lại. Tất cả ở đây chỉ là hão huyền! Đi về Tây-Phương thành đạo mới là điều quí.

Trong những ngày tới chúng ta tiếp tục khai thác, để càng ngày càng vững tin. Nhất định nhiếp tâm niệm câu A-Di-Đà Phật vãng sanh Tây-Phương thành đạo.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

 

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –