Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm (Tọa Đàm 06)

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH THEO ẤN TỔ

(Tọa Đàm 06)

 

Nam-Mô A-Di-Đà Phật.

Mỗi lần nghe những lời khai thị của ngài Ấn-Quang, xin chư vị cố gắng lắng tâm lại để suy nghĩ, thì những lời dạy của Ngài sẽ thấm lần, thấm lần vào tâm chúng ta, càng lúc càng thấy thấm thía hơn. Lời dạy của Ngài thật sự là không có gì xa lạ. Cái đạo của Ngài gọi là đạo bình thường. Như hôm qua chúng ta nói, “Đạo” là bình thường, không phải xa vời. Xa vời không phải là đạo bình thường. Mà bình thường như vậy mới cứu được rộng khắp chúng sanh. Ngài Ấn-Quang là một đại Tôn Sư của thời cận đại. Sau này phát hiện ra Ngài chính là Đại-Thế-Chí Bồ-Tát tái lai, không phải là người thường đâu. Một vị Đẳng-Giác Bồ-Tát trên cõi Tây-Phương tái lai xuống đây chẳng lẽ Ngài không nói được đạo lý cao siêu hay sao? Chẳng lẽ những lý đạo thâm sâu Ngài không biết sao?… Ba tạng kinh điển, 12 phần giáo… Ngài đều làu thông. Mật, Tịnh, Thiền… Ngài đều thông suốt. Thế mà suốt cuộc đời của Ngài, Ngài chỉ nói những lời rất là mộc mạc, đơn giản, gần gũi với đại chúng như chúng ta đã thấy qua. Đấy là một hạnh đặc biệt của ngài ẤnQuang mà chúng ta cần phải suy nghĩ để học hỏi. Ngài là một vị xuất gia từ lúc 21 tuổi, cho đến lúc năm mươi mấy tuổi Ngài cũng không dám đứng ra truyền thọ tam quy ngũ giới cho một người nào hết. Thật là lạ lùng!… Những vị Phật tử đến xin Ngài truyền thọ tam quy ngũ giới, Ngài nói: “Lượng tôi, nghiệp chướng còn nặng, chưa đủ công đức! Xin chư vị hãy tới mà thọ giáo với ngài Đế-Nhàn Pháp-Sư”. Ngài Đế-Nhàn Pháp-Sư là người cùng thời với Ngài. Chư vị thấy có lạ không?…

Trong lời khai thị này Ngài nói là: “Phải nhẫn những điều mà người khác khó nhẫn được, làm những điều mà người khác khó làm được”. Xin thưa với chư vị, đây có phải là những cái mà khó nhẫn, khó làm không? Một người bình thường, không làm được những chuyện như Ngài đâu. Lập một đạo tràng, ai cũng muốn nhiều người tới tu. Một người đã tới đạo tràng của mình, rồi rời đạo tràng của mình ra thì mình buồn, mình muốn kéo họ lại: “Tại sao không tới đạo tràng của tôi, mà lại tới đạo tràng khác? ”… Chuyện này bình thường, ai cũng làm, dễ làm. Cái khó làm chính ở chỗ người ta đến với Ngài, Ngài lại khuyên: “Đến với tôi không bằng đến với người khác. Học giáo với tôi, không bằng học giáo với người khác”. Điều này chứng tỏ tâm của Ngài thật sự là khiêm nhường. Rồi chúng ta sẽ khai thác tới những chuyện này trong những ngày tới, chư vị sẽ thấy đặc biệt vô cùng!…

Lão-Tử trong Đạo-Đức-Kinh có nói: “Hậu kỳ thân, nhi thân tiên”.

“Hậu kỳ thân” có nghĩa là mình nhường người ta đi trước, còn mình đi sau người ta. “Nhi” là mà, “Thân tiên” là coi chừng mình lại tới trước!… Chư vị nghiệm coi, những vị Thánh Nhân thường để lại những câu lạ lắm!…

Ngài Ấn-Quang nói: “Đã tu hành lúc nào cũng tự hiểu công phu của mình còn yếu kém… Hãy coi mọi người như Bồ-Tát, mà ta chỉ là kẻ phàm phu”. Lời này có phải cũng giống như câu “Hậu kỳ thân” của Lão-Tử không? “Hậu kỳ thân” tức là ở đâu cũng nhường người ta đi trước. Cung kính người khác. Cung kính người khác, thì sau cùng mình được người cung kính. Cung kính mọi người thì mọi người cung kính mình. Người được mọi người cung kính chính là ý nghĩa “Nhi thân tiên” vậy.

Ấn Tổ dạy phải giữ cái tâm hạnh: Khiêm, Cung,Từ, Ái. Những vị Phật tử tìm đến Ngài, mong Ngài truyền cho họ tam quy ngũ giới. Ngài nói: “Đức độ của tôi chưa đủ đâu chư vị ơi!… Hãy đến thọ giáo với ngài Đế-Nhàn mới tốt”. Đây gọi là “Hậu kỳ thân”. Người đời ít khi biết cái hạnh “Hậu kỳ thân”, nên làm việc gì thường thường muốn cho cái danh của mình nổi lên hơn người khác, muốn được nhiều người khen tặng. Người ta khen thì mình vui lên, người ta chê thì mình buồn xuống. Mình không có cái tâm gọi là “Hậu kỳ thân”, nên thường khi ta không chịu kính nể người khác. Trong khi ngài Ấn-Quang nói “Trên kính dưới hòa”. Nếu mình không kính nể người, đây gọi là tâm thượng mạn. Tâm thượng mạn này nhất định sẽ làm hại mình một cách thê thảm!… Nói theo lời dạy của ngài ẤnQuang, người tu hành mà còn cái tâm thượng mạn thì không thể thành đạo!… Nói theo pháp niệm Phật, nếu còn cái tâm thượng mạn thì không được vãng-sanh!…

Cho nên khi mà nghe lời Tổ nói, mình nên nghe từng chữ, nghiệm từng câu để thực hiện. Giữ tâm khiêm nhường khó lắm chứ không phải đơn giản đâu. Tại sao mình còn muốn cái danh nổi lên?… Tại vì không “Nhẫn nhục những điều mà người khác khó nhẫn được”. Mình nhẫn chưa được!… Mình còn muốn mình nổi hơn thiên hạ!… Phải chăng đạo lý này cao siêu, cao vô cùng!… Khiêm hạ tuy thấp mà lại cao. Đức Thế-Tôn trước khi tu hành thành Phật, Ngài là một vị Thái-Tử, quyền uy tột bực. Ấy thế mà Ngài bỏ hết, quyết lòng trở về với hình tướng một người ăn xin, cầm bình bát đi khất thực, ai cho gì ăn đó, ngủ dưới gốc cây… Mình làm được như vậy không?

Ngài thị hiện cho mình thấy đó:

-Tu hành là phải biết khiêm nhường.

-Tu hành là phải biết mình còn là phàm phu.

-Tu hành là phải biết giữ gìn từng lời nói.

Hậu kỳ thân nhi thân tiên”, dịch theo nghĩa nôm na của người bình thường là:

  • Vị đó thường thường nhường người ta đi trước, nhưng coi chừng ông ta thành đạt trước đấy.
  • Trên đời, có những vị sống rất là khiêm nhường, cư xử lịch thiệp, nhưng thật ra vị đó là bác sĩ đấy, không phải tầm thường đâu à…
  • Ông kia nói năng nhẹ nhàng quá, cử chỉ lễ phép, ấy thế mà là một đại tỉ phú đấy.
  • Ông đó hiền lành lắm, lúc nào cũng cung cung kính kính khen tặng mọi người… nhưng thật ra ông ta là Bộ Trưởng đấy.

Có nhiều người trông dáng hiền lành, nhưng xin chớ xem thường họ… Những người thành công trên đời, thường thường là những người có tính khiêm cung.

Ngài Ấn-Quang dạy cho chúng ta những điểm rất cụ thể, rất thực tế. Khi mình tu hành, không giữ cái tâm bình thường, không giữ cái tâm khiêm cung, lại cứ nghĩ rằng mình cao hơn thiên hạ, nhất định đây là một chướng ngại rất lớn đối với con đường thành đạo!… Và đây cũng là chướng nạn rất lớn cho người niệm Phật cầu vãngsanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Xin thưa với Chư vị, đức Phật A-Di-Đà đã phát đại thệ, dẫu cho một chúng sanh tội chướng sâu nặng, phạm tội ngũ nghịch, thập ác… nhưng biết chí thành sám hối rồi niệm danh hiệu Ngài, nguyện vãng-sanh về nước Ngài. Trước khi xả bỏ báo thân, niệm được 10 danh hiệu của Ngài, cầu vãng-sanh, nếu Ngài không đưa về Tây-Phương Cực-Lạc, Ngài thề không thành Phật. Đây là lời thề của đức A-Di-Đà nói trong kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ. Lời nguyện này mang ý nghĩa là Ngài thương xót tất cả chúng sanh, Ngài không bỏ một người nào hết. Ở đây chúng ta tu hành chưa hơn được ai, nhưng thấy một người nào lỡ làm sai sót một chút mà mình căm ghét, mình cay cú với họ, thì coi chừng mình mất phần vãng-sanh đấy!… Chư Thượng-Thiện-Nhân trên cõi Tây-Phương không bao giờ các Ngài ganh ghét một người nào hết. Nếu chúng ta ở đây còn đố kỵ với một người nào, thì chúng ta mất cái điểm của ngài Ấn-Quang dạy: “Trên kính dưới hòa… Không chịu nhẫn nhục…”. Điều này phá mất công đức của nguời tu hành.

Thế mới biết tại sao một vị Đẳng-Giác Bồ-Tát thị hiện xuống nhân gian mà Ngài không nói đến đạo lý cao siêu, mà chỉ nói đến những điều rất thực tế trong đời. Lý do chính là vì Ngài muốn cứu độ cho rộng khắp chúng sanh trong thời mạt-pháp này. Chúng sanh trong thời mạt-pháp này hầu hết đều vướng những cái tập khí hết sức tầm thường như: Cố chấp, hẹp hòi, ưa nói lỗi người, đi vào trong Niệm Phật Đường không giữ thân trang nghiêm, không giữ ý thanh tịnh, mười điều thiện không giữ… Những điểm này rất dễ mắc phải, nên đời-đời kiếp-kiếp những người phàm phu tục tử như chúng ta không cách nào thoát ly sanh tử luân hồi được.

Vì thương chúng sanh, nên A-Di-Đà Phật mới phát ra một đại thệ là dẫu cho một người phàm phu tục tử như vậy, làm những điều sai lầm như vậy mà chỉ cần sám hối, niệm danh hiệu của Ngài, cầu vãng-sanh thì được vãng-sanh… Trong kinh Vô-Lượng-Thọ, Phật nói: “Phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A-Di-Đà Phật”. Phát Bồ Đề Tâm là gì?… Là thành tâm tin tưởng vào lời nói của

Ngài, nguyện một đời này vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Rồi “Nhất hướng chuyên niệm” là một đường như vậy mà niệm câu ADi-Đà Phật là được.

Niệm Phật Đường của chúng ta một năm 365 ngày niệm Phật. Niệm cho tới nhập tâm luôn, thì chắc chắn chúng ta ở trong quang minh phổ chiếu của A-Di-Đà Phật và Ngài sẽ đưa ta về TâyPhương mà thôi. Tại vì ta làm đúng theo đại nguyện của Ngài, thì nhất định ta phải về Tây-Phương, chứ không thể nào Ngài bỏ rơi chúng ta được.

Cho nên khi nghe những lời của ngài Ấn-Quang Tổ Sư, mổ xẻ ra chư vị sẽ từng bước, từng bước thấy được lời Ngài nói đúng hệt như vậy đó. Ăn ở hiền lành, thoải mái, mạnh dạn buông xả ra đừng để những thứ tập khí cố chấp bám vào thân mình, bám vào tâm mình, bám vào đường tu hành của mình, thì nhất định sau cùng mình sẽ là một vị đại Bồ-Tát trên cõi Tây-Phương trong một đời này. Còn nếu mình sơ ý, cứ tưởng là lập một Niệm-Phật-Đường ra, cứ tưởng bố thí này bố thí nọ, cứ tưởng làm chút công quả này công quả nọ là giỏi… Coi chừng một niệm cống cao ngã mạn, không chịu “hậu kỳ thân”, thì nhất định đời này sẽ luống qua, tương lai vô lượng kiếp sau, tiếp tục còn trong cảnh tử-tử sanh-sanh, đọa lạc khổ đau vô cùng!…

Hiểu như vậy, thì mới thấy thời gian một vài năm, mười năm nữa trên thế gian này có là bao mà tham với đắm? Hãy quyết lòng niệm Phật vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo mới thật đúng là người con Phật vậy…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –