Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm (Tọa Đàm 47)

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH THEO ẤN TỔ

(Tọa Đàm 47)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Ấn Tổ nói, “Thuốc không có quý tiện, thuốc nào trị hết bệnh là thuốc hay. Pháp không có cao hạ, pháp nào hợp với căn cơ thì sinh diệu dụng”. Tổ Sư Ấn-Quang là người rất chú trọng về thực chất, suốt cuộc đời của Ngài luôn luôn nhắm đến làm sao người nghe pháp thực hành cho được đạo giải thoát. Cho nên khi giảng pháp, Ngài chủ trương phải chú trọng đến vấn đề khế cơ, tức là giảng giải phải hợp với căn tánh của đại chúng. Ngài nói thuyết kinh, giảng đạo, điều quan trọng nhất là ứng hợp với căn cơ, trình độ, căn tánh của chúng sanh thì mới cứu độ được chúng sanh. Nếu thuyết kinh giảng đạo không hợp với căn tánh không những không giúp cho đại chúng được lợi ích mà còn tạo thêm cho họ vọng tưởng.

Con người sanh ra trong thời mạt pháp này đang mang cái bệnh là nghiệp chướng trầm trọng, mang một cái nạn là trí-huệ nông cạn, mang một cái mê là không biết đường giải thoát. Nếu người hành đạo thuyết kinh mà không biết ứng hợp với căn tánh của họ, làm cho họ vốn nghiệp chướng đã nặng lại càng nặng thêm, làm cho tâm họ đã mê lại mê thêm một cấp, như vậy thì đời đời kiếp kiếp làm sao cứu được một người!… Chính vì vậy mà trong lời khai thị nổi tiếng của ngài Ấn-Quang, từ đầu tới cuối ta thấy Ngài không nói lên một thuật ngữ nào cao siêu cả. Lạ lùng!…

Nếu chư vị đọc trong tập “Ấn Quang Văn sao”, hoặc “Ấn Quang Gia Ngôn Lục”. Gia là những lời lẽ tốt đẹp; Gia ngôn là lời giáo dục tốt đẹp của Ngài; Lục là trích lục từ những lời dạy của Ngài đưa vào đó, chư vị sẽ thấy, tổng quy Ấn Tổ luôn luôn dạy những điều hết sức căn bản. Nhờ cách dạy căn bản, rõ ràng, thực tế này mà người người đọc đến đều hiểu rõ, dễ dàng thực hiện. Dễ thực hiện có nghĩa là sau cùng dễ được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Trong đời của Ngài, Ngài đã cứu độ rất nhiều người.

Suốt cuộc đời của Ngài, Ngài không dám nhận một chức trụ trì nào, Ngài không muốn ai đăng tải những lời nói của Ngài trên báo chí. Ngài thường nói, lời nói của tôi mộc mạc quê mùa lắm, đăng tải không tốt. Nhưng thực tế thì những lời mộc mạc đó lại đi sâu vào tâm hồn của người nghe, làm cho người nào đọc đến cũng tự nhiên cảm thấy cần phải gấp rút thực hành. Ngày hôm qua DiệuÂm có nói rằng, khi đi niệm Phật, chúng ta không phải cầu cho cái tâm thanh tịnh. Tại sao vậy? Vì pháp môn niệm Phật cần sự chí thành chí kính, quyết tâm mạnh mẽ cầu vãng sanh thẳng về TâyPhương, chớ không phải là pháp tu cầu an lạc thanh tịnh.

Trong Tịnh-Độ-Tông thường thờ tôn tượng đức A-Di-Đà Phật hoặc Tây-Phương Tam Thánh đứng, chứ ít khi thấy tượng ngồi.

Đây là một biểu tượng có ý nghĩa rất hay. Chư vị ở đây có ai đứng lâu được không? Ngồi thì dễ mà đứng thì khó lắm đấy. Ngồi hình dung cho sự an nhàn, thanh tịnh. Đứng không phải là tư thế an nhàn, thanh tịnh, mà là biểu tượng cho sự gấp gáp muốn cứu độ chúng sanh. Tại sao vậy? Tại vì Phật thương chúng sanh quá, tội nghiệp cho chúng sanh quá!… Trong từng sát-na một chúng sanh trên mười phương pháp giới bị đọa xuống địa-ngục, ngạ-quỷ, súcsanh để chịu khổ nạn nhiều quá!… Thấy vậy nên Ngài không nỡ an nhàn mà ngồi được. Ngài không nỡ yên lặng ngồi nhìn được.

Tượng Ngài đứng, một tay nâng hoa sen tượng trưng cho công đức của chúng sanh niệm Phật, một tay đưa thẳng xuống là muốn cứu độ chúng sanh cấp kỳ vãng sanh để sớm thoát khỏi cảnh khổ đau trong sáu đường sanh tử luân hồi. Biểu tượng chính là như vậy.

Cho nên cái pháp môn của chúng ta đang tu là pháp nương vào đại nguyện của đức A-Di-Đà mà thoát vòng sanh tử luân hồi. Đã là phàm phu, nếu mình không nương vào đại nguyện của Phật mà đi, lại ngồi đây tìm cách làm cho cái tâm thanh tịnh, lơ là sự phát nguyện cầu sanh Tịnh-Độ, thì coi chừng thời gian không kịp nữa, không còn kịp nữa.

Cũng để thực thi ý nguyện này, chúng ta tới đây niệm Phật có bao giờ niệm tà tà đâu, niệm thoải mái đâu, mà niệm Phật dồn-dập dồn-dập có phải không. Niệm rất là nhanh, tiếng niệm Phật trước dồn tiếng niệm Phật sau. Để chi vậy? Đây là một biểu hiện cho sự gấp rút, phải gấp gấp cầu vãng sanh, phải chạy nhanh lên. Tại vì sao? Tại vì tai nạn đã đến nơi rồi, không thể chần chừ được nữa!… Cũng giống như người ở trong cơn bão Hải-Yến vừa rồi, sóng thần sắp ào tới rồi thì không thể nào nói, “Chư vị ơi! Ngồi uống một ly cà phê rồi mới đi…”. Không được!… Không được đâu!… Không được ngồi uống cà phê!… Phải đi liền, đi gấp, phải chạy trốn xa cơn đại nạn này.

Hàng phàm phu như chúng ta sinh ra trong thời mạt pháp này chẳng khác gì như người đang đối diện với cơn bão hủy diệt đó. Nếu không chạy nhanh, không trốn gấp, nếu quyết định không vững, nếu tư tưởng còn chập chờn… thì không còn cơ hội để thoát nạn nữa rồi. Sanh tử sự đại. Phật dạy, “Triêu tồn tịch vong, sát-na dị thế”. Một sáng một chiều đi qua thế giới khác, tiếp tục chịu đọa lạc. Mạng này mong manh, rất nhanh, rất nhanh, không thể lưỡng lự.

Ngài Ấn-Quang nhấn mạnh rằng ở thế giới Ta-bà này giống như đang nằm trên đống củi khô, phía dưới lửa cháy rồi mà mình không biết. Vì chưa biết nên còn chần chừ lưỡng lự, chứ biết rồi thì làm sao còn dám nằm nướng thêm một chút nữa. Trong Tịnh-ĐộTông, có những vị Tổ phát tâm không ngủ để niệm Phật. Tương truyền rằng, ngài Thiện-Đạo đại sư, quyết tâm niệm Phật đến cùng để vãng sanh nên 25 năm trường Ngài không ngủ. Chư Tổ thực hiện như vậy là các Ngài làm gương cho chúng ta. Sinh ra trong thời mạt pháp này chúng sanh tội chướng nặng nề, chư vị cứ đọc trong kinh Phật sẽ biết, hễ còn một chút nghiệp-hoặc thì nhất định phải theo nghiệp thọ báo. Mà theo nghiệp thọ báo thì chưa chắc gì đời sau có được thân tướng hai chân, hai tay, mắt thì có thể đeo được kiếng mát, tay thì đeo đồng hồ, chân thì mang đôi giày cho êm đâu. Chưa chắc gì được vậy đâu. Mà coi chừng chúng ta sinh thành loài có tới 4 chân, trên cổ không đeo được sợi dây chuyền vàng mà đeo cái gông, đeo cái ách cày để trả nợ đấy. Có thể như vậy đấy. Xin chớ khinh thường.

Cho nên Ấn Tổ dạy chúng ta hãy dán chữ “TỬ” trên trán này, thì tự nhiên phải quyết tâm niệm Phật cầu giải thoát. Một người đã thấy chữ “TỬ” đụng tới trán rồi thì không thể nào ngồi đó cầu an nhàn, cầu thanh tịnh được. Nhìn thấy tương lai đọa lạc quá gần rồi thì cầu chi những phút an nhàn tạm bợ ở thế gian này. Làm sao dám quên rằng sau cái an nhàn ngắn ngủi đó mình có thể bị đọa lạc trong vô lượng kiếp? Vậy thì, đâu cần cái an nhàn đó. Muốn thực sự được an nhàn thì chúng ta hãy tha thiết cầu vãng sanh đi, khi trở về Tây-Phương Cực-Lạc rồi thì ta được an vui cực lạc vĩnh viễn, tại vì ở thế giới đó Phật nói rằng một tiếng khổ còn không có, huống chi là sự khổ. Còn ở đây xin thưa với chư vị, cái tiếng an nhàn thực sự cũng không có, đừng nói chi có sự an nhàn, đây là sự thực. Những sự an nhàn tại thế gian này phải chăng đều giả tạm!…

Trong pháp niệm Phật có lời nguyện vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, ta phải lấy đây làm nguyện chính, chứ không phải niệm Phật để cầu được an lạc. Pháp môn Nhị-Lực cầu vãng sanh chứ không phải cầu an lạc. Pháp môn Tự-Lực thì cần phá nghiệp, nên thường cầu tâm an lạc. Ấn Tổ luôn luôn có sự cảnh cáo con người trong thời mạt pháp này chớ nên đề cao tự-lực mà khinh thường tha-lực của Phật. Phàm phu tội chướng sâu dày, tại sao lại dám coi thường nguyện lực cứu độ chúng sanh của Phật được. Cho nên, Ngài thường nghiêm khắc cảnh cáo những người thích đem những lý luận cao siêu hão huyền tới biện bạch với Ngài. Tất cả những cái suy, cái tính, cái nghĩ, cái tưởng… của người phàm phu chỉ làm cho tâm mình thêm rối loạn mà thôi. Những người thiếu tính khiêm hạ, cứ tưởng rằng mình giỏi, tưởng rằng mình ngon, Ngài nói dù chư vị có minh tâm kiến tánh đi nữa, nhưng nếu nghiệp chưa sạch, tình chưa không, nghiệp-hoặc vẫn còn một chút thì nhất định phải theo nghiệp thọ báo. Một khi đã theo nghiệp thọ báo trong sáu đường sanh tử rồi, thì đời này tu hành tạo phước, đời sau hưởng phước mặc sức mà tung hành tạo nghiệp.

Ngài cũng thường đưa ra những trường hợp cụ thể để minh chứng, ví dụ như chuyện một vị Thiền-Sư là Ngũ-Tổ-Giới, một đại Thiền-Sư lỗi lạc đương thời, sau khi chết xong thì đầu thai thành Tô-Đông-Pha. Nhờ đời trước tu phước thiện, tâm an lạc, thanh tịnh, nên đời sau trở thành một vị triết gia, văn chương rất lỗi lạc, phước báu tràn trề, có đến mười mấy người hầu thiếp mà còn muốn tìm thêm. Chư Vị thấy không? Công phu tu hành của đời trước, không dễ gì giúp ta đem qua đời sau để tiếp tục tu hành đâu, mà đem qua đời sau là cái phước báu. Hưởng phước mà không gặp duyên nên tâm trí vẫn mê mờ chạy theo trần tục mà hưởng phước, tạo nghiệp. Hưởng phước thì phước sẽ hết, tạo nghiệp thì nghiệp sẽ lớn, đời sau sẽ chịu nạn nặng nề. Phật gọi đây là “Tam-Thế-Oán”.

Ngài còn đưa ra hình ảnh một ông Sư ở núi Nhạn-Đăng, đời trước là một vị tu hành nổi tiếng, đời sau trở thành Tần-Cối, bá đạo tạo quyền, gây điều khổ đau cho bá tánh.

Chính vì vậy, là một người tu Tịnh-Độ thì không thể chỉ nhắm vào sự an lạc tạm thời, mà phải tự thúc đẩy mình lên, tiến mạnh lên trên đường niệm Phật, phải quyết một đời này vãng sanh cho được tới Tây-Phương Cực-Lạc. Chư vị có thấy phương pháp niệm Phật miên mật của chúng ta không, ban đầu niệm chậm, sau đó nhanh dần, nhanh dần, nhanh dần… Phải niệm nhanh lên, ý nghĩa là hãy đi nhanh lên, thời gian không còn kịp nữa rồi. Nếu chần chờ một chút thì trễ, thọ mạng sắp hết rồi!… Tưởng tượng như mình đang lái chiếc xe chạy trốn, phía sau là nước lũ cuồn cuộn ào tới. Phải đạp ga cho mạnh, phải chạy cho nhanh lên… Nếu chần chờ thì nước tràn tới cuốn trôi. Cái lực của mình không cự lại được cái lực của nghiệp chướng đâu.

“Thông minh bất năng địch nghiệp. Phú quý khởi miễn luân hồi”. Thông minh lanh lợi của con người không thắng được nghiệp lực. Giàu sang phú quý đâu có thể trốn khỏi sanh tử luân hồi. Lý hay luận giỏi không thể thoát được nghiệp chướng. Chính vì thế mà Ngài Ấn-Quang chỉ nói những lời rất đơn giản, chứ không hề chú trọng về lý luận. Ngài nói, “Những người cứ tưởng mình là thông minh, ưa luận cao đàm diệu, đến thời kết cuộc thì chân tay dãy dụa, đầu óc thì quay cuồng, miệng mồm thì kêu cha réo mẹ, để sau cùng phải nằm ngay đơ theo nghiệp thọ báo!… Đâu bằng một người thành tâm niệm Phật, quyết lòng đi về Tây-Phương, nhờ ơn đức của A-Di-Đà Phật tiếp độ, mà một đời vãng sanh thành bậc Bồ-Tát Bất-Thối-Chuyển”.

Mong chư vị quyết lòng y giáo phụng hành theo lời Ngài mà tu hành. Nghiệp chướng tràn trề chúng ta không sợ lắm.

  • Chỉ sợ rằng chúng ta không vững niềm tin.
  • Chỉ sợ rằng khi nghe những lời dạy của Ấn Tổ mà ta không phát tâm dũng mãnh.
  • Chỉ sợ rằng ta không chịu nương theo đại nguyện của Đức ADi-Đà để sớm thoát vòng sanh tử mà đành phải chịu đọa lạc.

Còn nếu chúng ta đã quyết lòng niệm Phật cầu vãng-sanh, thì A-Di-Đà Phật không bỏ một ai. Chư vị nhớ nhé.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –