HÀNH THEO ẤN TỔ
(Tọa Đàm 21)
Nam mô A-Di-Đà Phật.
Ngày hôm qua chúng ta nhắc đến Chánh-Hạnh và Trợ-Hạnh. Chánh-Hạnh là điểm chính, là công hạnh chính của mình phải đạt được trong việc tu hành. Trợ-Hạnh là những cách tu phước thiện để hổ trợ cho mục tiêu vãng sanh Tây-Phương của mình được thành đạt dễ dàng hơn.
Trong lời khai thị của Ấn Tổ, Ngài nói rất nhiều về trợ hạnh, trong đó chỉ có một câu Ngài nhắc đến chánh hạnh đó là: “Lúc đi đứng nằm ngồi ăn mặc từ sáng đến tối từ tối đến sáng chỉ niệm Phật hiệu không để gián đoạn”. Đây là chánh hạnh, còn toàn bộ tất cả những điểm kia là trợ hạnh. Như vậy thì trợ hạnh cũng vô cùng quan trọng. Chư Tổ Sư luôn luôn dạy rằng phải chánh trợ song tu, nghĩa là chánh hạnh và trợ hạnh phải tu song song với nhau.
Ngày hôm qua mình nói, người muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, thì chánh hạnh phải giữ, tức là luôn luôn phải niệm câu A-Di-Đà Phật, niệm cho nhập tâm. Nhưng nếu giới luật mình không giữ, thân khẩu ý phát tác nhiều quá, thì chính những điều sơ suất này tạo thêm nghiệp chướng. Nghiệp cũ nghiệp mới tràn trề thì đến lúc cuối cùng của cuộc đời không cách nào mình có thể cất lời niệm câu A-Di-Đà Phật được. Như vậy, chỉ vì các pháp trợ hạnh mình không chịu tu, nên sau cùng dễ bị thất bại.
Ngược lại, cũng có nhiều người sơ suất đã lấy trợ hạnh làm chánh hạnh để sau cùng tất cả thành quả tu hành cũng chỉ để hưởng một chút phước hữu lậu nào đó của thế gian, chứ không thể thoát ly sanh tử luân hồi được. Thành ra chư vị nên nhận thức thật rõ ràng vấn đề này, trước khi chúng ta bàn tới chuyện giữ giới như thế nào.
Đơn giản xin nêu ra ví dụ, như một người xuất ngoại du học, thì điểm chánh của họ là phải học thành tài, đậu cho được mảnh bằng. Xuất ngoại du học thì phí tổn rất cao, vấn đề kinh tế là một gánh khá nặng cho gia đình, nên người du học thường tìm một việc làm phụ để có thêm chút ít tiền hổ trợ cho đường học hành của mình. Như vậy làm một công việc rất cần thiết, giải quyết tình trạng kinh tế yếu kém đang gây khó khăn đến đường du học. Tuy nhiên nên nhớ kỹ, tìm một việc làm dù cần thiết đến đâu đi nữa cũng chỉ là để hổ trợ cho việc học hành mà thôi. Nếu cậu học sinh này bỏ hết thời giờ ra làm việc kiếm tiền, lơ là chuyện học hành, thì sau cùng người này nhất định sẽ bị thất bại. Nghĩa là, có học mà thi không đậu, rốt cuộc uổng phí công phu du học. Phải rõ ràng như vậy, cần phải biết đâu là chánh, đâu là trợ.
Trở lại vấn đề giữ giới. Đối với pháp niệm Phật cầu vãng sanh, niệm Phật là chánh hạnh, ngũ giới thập thiện là trợ hạnh. Nhiều người đã sơ ý biến ngũ giới làm chánh hạnh, đưa pháp trì danh hiệu Phật làm trợ hạnh, vô tình biến pháp tu vãng-sanh thành Phật thành pháp tu phước báu Nhân-Thiên…
Người lấy ngũ giới thập thiện làm chánh hạnh thì tốt, không sai. Phật dạy, giữ năm giới thì không mất thân người. Tu thập thiện thì có thể sanh về một cảnh trời. Như vậy, người lấy ngũ giới thập thiện làm chánh hạnh là người muốn đời sau sanh lại làm người.
Nghĩa là giữ cho 100% đi nữa thì nhiều lắm cũng trở lại làm người hoặc sanh lên một cảnh trời trong dục giới là cùng, chứ không thể vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc được.
Trong lời khai thị của Tổ Ấn-Quang, Ngài dạy: “Từ sáng đến chiều, từ chiều đến sáng chỉ niệm Phật hiệu không để gián đoạn”. Người suốt ngày nhiếp tâm niệm Phật thì thân khẩu ý đã giữ trọn vẹn giới luật rồi, nhưng họ đã lấy hạnh niệm Phật làm chánh nên được vãng sanh Tịnh-Độ. Như vậy, nhiếp tâm trì giữ câu Phật hiệu đã có sẵn giới hạnh, nhưng trì giữ giới hạnh chưa hẳn đã có câu Phật hiệu. Rõ ràng ngũ giới là trợ hạnh đối với pháp niệm Phật.
Nhưng chúng ta cũng phải nhớ, giới hạnh rất là quan trọng. Người phạm giới hạnh thì tạo nghiệp. Nghiệp chướng nặng sẽ gây trở ngại cho đường vãng sanh. Cho nên chánh trợ cần phải song tu là như vậy.
Tuy nhiên, là sanh tử phàm phu lại sinh ra trong thời mạt pháp này, khi nghĩ tới ngũ giới, có phải là 99% chúng ta hầu hết bị phạm rồi phải không? Trước khi biết tu hành chúng ta đã làm gì? Sát, đạo, dâm, vọng… tham, sân, si… bây giờ quý vị thử nghĩ lại coi mình có phạm không? Ví dụ đơn cử như nghiệp sát chẳng hạn, thật sự rất khó tránh đấy. Trong quá khứ vì mê mờ mình sát hại sinh vật đã đành, bây giờ đang tu hành chúng ta vẫn sơ ý sát hại sinh vật như thường. Người làm vườn cuốc đất thì côn trùng chết. Ăn một cộng rau thì đã có bao nhiêu chúng sanh phải hy sinh mạng sống trong đó rồi!… Bây giờ làm sao đây? Cộng nghiệp của thế gian nó là vậy rồi. Ở thế giới Ta-bà này thật sự là cõi ác thế, khó có cách nào tránh được sát nghiệp. Muốn tránh, tránh cũng không được… Đi kinh hành trong Niệm Phật Đường, nhiều khi có loài bướm nhỏ nó bay vào đậu dưới nền mà mình không thấy, lái xe ngoài đường làm sao tránh đàn kiến, con giun đây?…
Biết được cảnh khổ như vậy, thì tự mình hãy cố gắng kiêng cữ việc sát sanh được mức nào hay mức đó chứ biết làm sao hơn. Đại lão Hòa thượng Trí-Tịnh năm nay 95 tuổi, Ngài để lại ba lời dặn dò cho hàng hậu bối, thì lời dặn đầu tiên là ăn chay, lời dặn thứ hai là kiên cữ ăn ngũ-vị-tân và lời thứ ba là làm thiện tích phước. Đặc biệt
Ngài nhấn mạnh đến việc kiên cữ ăn ngũ tân. Ngài nói người ăn các thứ hành, tỏi, hẹ, kiệu, hung cừ… thì chiêu cảm đến loài quỷ đói, chư Long-Thần Hộ-Pháp lánh xa. Chính vì vậy, Diệu Âm thường khuyên người hộ-niệm không nên ăn các thứ này. (Trong bài viết của Hòa Thượng Trí-Tịnh Ngài nói đến món “Hung Cừ”, có lẽ đây là loại nén, một loại rau tanh ở Ấn-Độ, ở Úc có loại leek, Việt-Nam gọi là ba-rô hay là tỏi tây, đều là giòng họ của hành tỏi).
Ngài Trí-Tịnh nói rằng, ăn những thứ này sẽ chiêu cảm đến loài quỷ đói đến trong nhà mình rất nhiều mà mình không hay. Đây là bài viết của ngài Trí-Tịnh, chư vị nên copy bài viết này về cho gia đình mình xem để tránh đi. Người thế gian không biết, nhưng các vị đại sư biết, và đây là lời Phật dạy trong kinh Lăng-Nghiêm chứ không phải các Ngài tự đặt ra.
Điểm thứ nhất Ngài dạy ăn chay là để tránh nạn sát sanh hại vật.
Điểm thứ hai Ngài dạy là đừng ăn các thứ ngũ tân như: tỏi, hành, hành tây, hẹ, nén. Loại ba-rô (tỏi tây) ở Úc này cũng thuộc về loại hành tỏi, chúng ta không nên ăn. Nếu muốn vãng sanh về TâyPhương Cực-Lạc, mà trong nhà chư vị không tránh các mùi này thì chắc chắn rất dễ bị trở ngại. Tại sao vậy? Vì những nơi có mùi hành tỏi thì chư Thiên-Long Hộ-Pháp lánh xa, chư ác-thần tụ về. Xin đọc lại đoạn khai thị của ngài Trí-Tịnh viết:
“Trong Kinh Lăng Nghiêm đoạn đức Phật nói ba món tiệm thứ: trước tiên không được ăn ngũ tân: hành, hẹ, tỏi, nén, hung cừ… vì tính chất ngũ tân làm tăng tham dục và sân hận, ảnh hưởng của nó là quyến rũ loài ngạ quỷ, chư Thiên cùng Thiện-Thần đều tránh xa, nó hay trợ giúp phát sanh phiền não nghiệp chướng…”.
Nhiều người muốn vãng sanh, nhưng không tin vào lời dạy này nên vẫn thường ăn hành tỏi để sau cùng gặp rất nhiều trở ngại.
Người hộ niệm đều được nhắc nhở điều cấm kỵ này, nhưng không cách nào có thể phổ biến đến từng người bên ngoài được. Vậy nay chúng ta biết rồi, xin về nhà cố gắng khuyên gia đình con cháu đừng nên dùng các thứ ngũ tân này. Chư Long-Thiên Hộ-Pháp, chư Bồ-Tát các Ngài phát tâm gia trì cho người niệm Phật, nhưng nếu chúng ta ở trong một môi trường mà trược khí nhiều quá, thì các Ngài không thể nào bước chân vào nhà chúng ta được. Không được các ngài gia trì, thì ta đành chịu nạn vậy!…
Vậy thì, nếu nhà của ta đang ở bị vướng tình trạng này, ta phải sớm giựt mình lo sợ, coi chừng ở môi trường này, khó có thể hộ niệm cho mình được đấy. Hiểu được vấn nạn, hãy mau tìm cách giải quyết, khuyên gia đình đừng dùng ngũ tân nữa nhé. Nếu khinh thường chính ta có thể bị mất phần vãng sanh đó nhé. Trong xem lại, trong quy luật của ban hộ niệm có đưa ra điều cấm kỵ này, nhất định phải tuân chỉ.
Ở Âu Châu, có một vị kia có một năng lực rất đặc dị, khi bước vào nhà một người nào, ông ta có thể thấy được bao nhiêu con quỷ đói đang ẩn náu trong nhà đó. Những loài quỷ đói đó thường tụ họp trong xó bếp. Ông nói, những nhà ăn chay, không dùng hành tỏi, thì không có trường hợp này, còn những nhà dùng hành tỏi càng nhiều thì càng có nhiều những loài ngạ quỷ này tụ tập trong xó bếp, chúng tranh nhau kiếm ăn ở chỗ nấu nướng.
Trong kinh Lăng-Nghiêm Phật có nói rằng, những người ăn hành tỏi, thì dù có tu hành, có nói pháp hay đi nữa thì chư Thiên cũng chê là đồ hôi thối nên lánh xa. Khi họ nằm ngủ thì các loài quỷ đói tới liếm mép họ. Thành ra họ thường sống chung với quỷ mà không hay, phúc đức của họ càng ngày càng tiêu mất đi mà họ không biết. Các loài quỷ đói có trược khí rất nặng, không có thanh khí. Chính vì vậy nên quang minh của Phật cũng khó hòa vào trong đó, gây ra rất nhiều trở ngại cho người muốn vãng sanh. Vấn đề kiêng cữ ngũ tân trong kinh Phạm-Võng, kinh Địa-Tạng Bồ-tát BổnNguyện-Vương cũng có nói đến.
Như vậy, bài viết của đại lão Hòa Thượng Thượng Trí Hạ Tịnh lấy tựa đề: “Ăn ngũ tân chiêu cảm đến loài quỷ đói” là có y cứ trong kinh Phật, rất chính xác vậy.
Bây giờ mình nói về sát sanh trước. Sát sanh chúng ta đã lỡ làm rồi thì nghiệp nhân sát sanh đã có. Kinh Phật nói, “Nhân duyên quả báo tơ hào không sai”. Giết một mạng người, mình phải đền một mạng người đấy. Giết một mạng sống của chúng sanh, mình phải đền một cái mạng sống cho chúng sanh đấy. Dễ sợ lắm chứ không phải tầm thường đâu!… Xin hỏi mình có bao nhiêu cái mạng để đền cho chúng sanh đây?
May mắn thay, đời này ta gặp được câu A-Di-Đà Phật, trong pháp niệm Phật, Phật cho phép ta gói tất cả những nghiệp nhân lại để vãng sanh, gọi là “Đới nghiệp vãng sanh”, chứ không phải theo nghiệp trả nợ. Đây là điều vô cùng quý báu. Nói như vậy, nhưng chúng ta cũng phải nhớ cho, trong quá khứ mình đã mê mờ lỡ làm ra nghiệp chướng, thì giờ đây phải thành tâm sám hối, chứ không phải cứ tiếp tục làm tiếp mà được vãng-sanh. Vấn đề ăn mặn có liên quan tới sát nghiệp, tạo ra duyên chẳng lành với pháp giới chúng sanh, thật sự không tốt cho người tu hành. Mong chư vị đồng tu cố gắng ăn chay. Người ăn chay trường sẽ hóa giải được nhiều ách nạn về oan gia trái chủ. Những người không ăn chay được, thì nên khuyên họ niệm Phật trước. Nếu họ thành tâm niệm Phật một thời gian, thì tâm từ bi sẽ mở ra, tự nhiên họ sẽ thích ăn chay.
Cũng xin thưa với chư vị điều này, ăn chay không phải là thành đạo đâu, mà ăn chay chỉ là nuôi dưỡng lòng từ bi của mình. Càng có lòng từ bi mở ra thì thường thường dễ cảm thông với chư vị oán thân trái chủ, vừa gỡ nợ cho mình và vừa xóa được những oán thù của chư vị oan gia trái chủ. Người ta thấy mình chân thành mà họ sẵn sàng tha thứ. Chí thành mới cảm thông được vậy.
Ngài Ấn-Quang dạy:
Niệm Phật phương năng tiêu túc nghiệp.
Kiệt thành tự khả chuyển phàm tâm.
Niệm Phật. Thành tâm niệm Phật có công năng tiêu trừ nghiệp chướng. Thành tâm niệm Phật có nghĩa là niệm Phật với tín nguyện hạnh đầy đủ, niệm Phật để quyết lòng về Tây-Phương. Vãng sanh về Tây-Phương không phải là trốn nợ chúng sanh, mà thực ra vãng sanh về Tây-Phương là con đường thành Phật ngắn nhất. Thành Phật rồi mới cứu độ được chúng sanh. Quyết lòng vãng-sanh để thành Phật cứu độ chúng sanh, đây chính là pháp tiêu trừ túc nghiệp.
Kiệt thành là chí thành sám hối. Tâm chí thành chí kính niệm câu A-Di-Đà Phật thì tự câu A-Di-Đà Phật có khả năng chuyển cái tâm phàm phu này về Tây-Phương thành đạo.
Chính vì vậy, dù trong quá khứ mình lỡ lầm tạo nghiệp, hôm nay xin chư vị nhớ cho đừng sợ nữa. Hãy quyết lòng quyết dạ niệm câu A-Di-Đà Phật sám hối và cầu vãng-sanh, cố gắng giữ năm giới đừng để vi phạm, thì chúng ta được gói tất cả khối nghiệp chướng lại mà đi về Tây-Phương thành đạo. Thành đạo để cứu độ chúng sanh mà trả nghiệp vậy.
Nam mô A-Di-Đà Phật.
- – Hành Theo Ấn Tổ (Lời Trần Bạch)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 01)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 02)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 03)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 04)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 05)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 06)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 07)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 08)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 09)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 10)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 11)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 12)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 13)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 14)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 15)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 16)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 17)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 18)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 19)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 20)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 21)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 22)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 23)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 24)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 25)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 26)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 27)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 28)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 29)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 30)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 31)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 32)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 33)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 33)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 34)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 35)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 36)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 37)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 38)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 39)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 40)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 41)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 42)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 43)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 44)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 45)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 46)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 47)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 48)