HÀNH THEO ẤN TỔ
(Tọa Đàm 26)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Kính bạch Sư Cô. Niệm Phật Đường chúng con nhỏ, vắng, hàng ngày chúng con tụ tập lại niệm Phật, nương theo lời dạy của Tổ để khuyến tấn lẫn nhau, đây là điều chư Tổ trong Tịnh-Độ Tông khuyến khích. Hôm nay Sư Cô đến bất ngờ, nên chúng con không nghinh tiếp được, xin thành tâm sám hối. Mong Sư Cô từ bi tha thứ, và cũng mong Sư Cô hoan hỷ cho phép chúng con tiếp tục chương trình nương vào lời khai thị của Ấn Tổ, để giúp cho đại chúng một phương hướng tu hành. Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Ấn Tổ luôn luôn chú trọng về việc vãng-sanh Tây-Phương CựcLạc. Ngài nói rằng, tu hành bất cứ một pháp môn nào, sau cùng phải thoát ly cho được sáu đường sanh tử luân hồi mới gọi là thành tựu. Các đường tự lực tu chứng quá khó khăn, vạn ức người tu khó tìm ra một người chứng đắc, trong khi đó thì pháp môn Niệm Phật gần gũi, cụ thể và trực tiếp hướng dẫn cho hàng phàm phu tục tử như chúng con, nếu biết y giáo phụng hành, thì như chư Tổ nói vạn người tu vạn người đắc. Trong lời khai thị của Ấn Tổ, Ngài cũng nói, nếu tu hành đúng như vậy thì bất cứ một người nào cũng được vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
Tu đúng như vậy có nghĩa là sao? Tất cả những đoạn khai thị Tổ để lại đây là mẫu mực mà tất mọi người ngồi ở đây, dù học cao hay học thấp, dù mới học hay đã học lâu rồi, chỉ cần làm như vậy là được vãng-sanh. Ngài không đòi hỏi một điều gì cao xa cả, Ngài không nói một lý đạo gì siêu huyền cả. Ngược lại, người nào đến nói với Ngài những lý luận siêu huyền, thì Ngài thường tỏ ra cứng rắn phê phán. Ở Tịnh-Tông Học-Hội Brisbane, có một lần Pháp Sư Thích Ngộ-Đạo giảng kinh, kể lại câu chuyện một vị đồng tu tới hỏi
Ấn Tổ về cách hành trì của pháp “Bát Chu Tam Muội” như thế nào, thì Ấn Tổ quở trách người đó rằng:
– Ngươi hỏi về pháp “Bát Chu Tam Muội” để làm chi vậy? Ngươi làm có được không mà hỏi? Nếu không được thì hỏi để thêm vọng tưởng chứ ích lợi gì? Cứ sáu chữ hồng danh: Nam-Mô A-Di-Đà Phật, thật thật thà thà mà niệm đi, thì ngươi sẽ vãng-sanh Tây-
Phương Cực-Lạc. Còn pháp “Bát Chu Tam Muội” là để cho các vị đại Bồ-Tát thực hành, ngươi làm có được đâu mà hỏi tới?…
Ấn Tổ thường nhắc nhở người niệm Phật rằng, từ sáng đến chiều từ chiều đến sáng hãy cố gắng giữ tâm mình trong câu A-DiĐà Phật là được. Tập buông xả những gì xa vời ra. Ấn Tổ thường dạy tu hành cách nào mà được vãng-sanh về Tây-Phương CựcLạc tức là được thành tựu. Muốn được vậy thì lòng chí thành chí kính là điều quan trọng nhất. Một đạo tràng được Ngài gọi là thành tựu, khi đạo tràng đó đưa được một người vãng-sanh về Tây-
Phương Cực-Lạc, chứ không phải là đạo tràng đó đông người tới lui tấp nập.
Niệm Phật Đường của chúng ta ở đây thực hiện theo lời giáo huấn của Tổ Ấn-Quang. Ngài nói một niệm Phật đường nhỏ, ít người, tối đa là 20 người, cộng với một vị trưởng tràng là 21 người thì vừa đủ rồi. Như vậy số người mà chúng ta đang tu tập đây là vô cùng lý tưởng. Một nhóm đồng tu từ 5 người, 10 người, 15 người đến 20 người, âm thầm lặng lẽ từ đầu năm cho đến cuối năm, 365 ngày niệm Phật. Đây là hoàn cảnh lý tưởng theo lời dạy của Ấn Tổ. Sự tu tập của chúng ta đã ứng dụng sát với lời khai thị của Tổ Sư vậy.
Ấn Tổ ứng dụng từng điểm từng điểm trong kinh Phật để dạy cho hàng phàm phu chúng ta, một đời này có khả năng thành tựu. Trong kinh Phát-Khởi Bồ-Tát Chí-Nhạo, Phật nói trong thời mạt pháp 500 năm, tức là cỡ 2.500 năm sau khi Phật nhập diệt, nói rõ hơn là chính ngay cái thời điểm mà chúng ta đang sống đây trở đi, người tu hành muốn tránh phiền não để cầu thoát ly sanh tử luân hồi, thì Phật dạy phải “Viễn ly hội náo chi chúng”. Nghĩa là phải xa lìa những nơi ồn náo, xa lìa những chỗ đông người. Đó là lời Phật dạy. Nhưng chư vị cứ để ý coi, có bao nhiêu người thực hiện được điều này? Khó lắm chứ phải không dễ đâu. Đạo tràng nào cũng muốn có đông người tới thì mới vui. Ngay như ở đây, nhiều hôm chỉ có 5-7 người tới tu thì cảm thấy buồn. Bây giờ xin chư vị đừng buồn nữa. Thực ra đây là con số lý tưởng mà ngài Ấn-Quang dạy đó. Phải “Viễn ly hội náo chi chúng”, tại vì chỗ đông người có nhiều phiền não hơn. Những chỗ ồn náo rất khó tịnh tâm tu hành lắm. Không tịnh tâm được thì suốt đời tu hành rốt cuộc sẽ hưởng được gì đây? Ấn Tổ nói tu hành phải thoát cho được cảnh sanh tử luân hồi là giá chót. Ấy thế, nhìn trên thế gian này có bao nhiêu người tu hành thoát được sáu đường sanh tử đây? Vậy mà khi mình niệm câu A-Di-Đà Phật lại được vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, cảnh giới này còn cao hơn đó nữa. Trong kinh Phật nói vãng-sanh về Tây-Phương là “Nhất sanh thành Phật” đấy, nghĩa là một đời bất thối viên mãn Vô-Thượng Bồ-Đề. Quý vô cùng.
Phật còn dạy phải: “Vĩnh ly thô quát chi ngôn”. “Thô quát chi ngôn” là những lời nói sơ suất, bất cẩn, thiếu hòa nhã… Chúng ta cần phải sợ và tránh những lời nói này. Cụ thể, ngày nay và ngày mai chúng ta thực hiện đúng 48 tiếng đồng hồ tịnh khẩu niệm Phật. Xin chư vị đừng nói chuyện. Nói chuyện nhiều vô ích, không tốt. Nói chuyện thì niệm Phật không được. Chư vị hãy để ý điều này nhé, đang thái rau có thể niệm Phật được, đang nhổ cỏ có thể niệm Phật được, đang nấu cơm có thể niệm Phật được… nhưng đang nói chuyện thì nhất định không thể niệm Phật được. Chắc chắn như vậy!…
Cho nên, ngay trong đạo tràng chúng ta, những người trong ban trai soạn, đôi lúc cần phải bàn tán chút ít để có thức ăn cho ngày cộng tu, nhưng sau đó họ liền nhiếp tâm niệm Phật, tay xào xào nhưng miệng niệm Phật. Ở ngoài vườn những lúc trồng hoa, tay nhổ cỏ chăm hoa, nhưng tâm người ta vẫn niệm Phật được. Còn khi chúng ta nói chuyện, dù là nói chuyện Phật pháp đi nữa cũng không cách nào có thể niệm Phật được. Chính vì thế, người thích nói chuyện là người không niệm Phật tốt.
Ngài Ấn-Quang rất chú trọng về vấn đề tịnh khẩu niệm Phật. Phải tịnh khẩu để niệm Phật. Ngài là một vị đại tôn sư thời cận đại, Ngài luôn luôn thích những nơi tịch tịnh, nhưng vì đức độ lớn quá, nên Ngài đến nơi nào thì Phật Tử tìm cách gom tụ về, còn riêng Ngài thì thường lặng lẽ tìm nơi vắng vẻ để niệm Phật.
Chư vị hãy suy nghĩ cho kỹ đi, một đại tôn sư mà còn phải sợ nói chuyện, vì nói chuyện thì không thể niệm Phật đắc lực được. Chư Tổ mà còn cẩn thận như vậy, huống chi là chúng ta. Ấn Tổ dạy rằng, chúng sanh trong thời mạt pháp này nghiệp chướng quá nặng rồi, không còn cách nào có thể thoát nạn được, ngoại trừ nương theo pháp môn niệm câu A-Di-Đà Phật, nương theo đại nguyện Di-Đà mà thoát vòng sanh tử trong một đời này. Muốn được như vậy, Ngài nói từ sáng đến chiều, từ chiều đến sáng, đi, đứng, nằm, ngồi, thái rau, bửa củi… phải giữ tâm của mình trong câu A-Di-Đà Phật.
Làm bất cứ việc gì chúng ta cũng có thể niệm Phật được, nhưng nói chuyện thì chắc chắn niệm Phật không được. Vậy thì cần giảm chế đi lời nói. Ngài dạy, khi mở lời ra thì ngay lập tức trực nhớ lại rằng nói chuyện thì không niệm Phật được. Vậy thì hãy ngừng lại liền và mau mau niệm câu A-Di-Đà Phật. Hay vô cùng. Lời dạy của Tổ quá sức hay, vậy mà có nhiều người không chịu để ý thực hiện!… Đừng sợ vọng niệm khởi ra, hãy sợ là ngay sau đó chúng ta có biết giật mình rằng đó là vọng niệm hay không. Nếu biết đó là vọng niệm thì hãy ngừng ngay câu chuyện lại, rồi khởi niệm câu A-Di-Đà Phật lên, đó chính là ý nghĩa câu: “Bất phạ niệm khởi, đản phạ giác trì” vậy.
Chính vì thế, trong ngày tịnh khẩu hôm nay, chúng ta có dán nhiều bảng “TỊNH-KHẨU” khắp nơi để nhắc nhở nhau. Người nào lỡ quên mở lời nói chuyện thì mau mau ngừng lại. Nếu không tập như vậy, thì công đức một ngày tu hành đã theo lời nói tuôn ra hết rồi.
Hôm nay mình nói đến ngũ giới. Ngũ giới có giới vọng ngữ. Vọng ngữ đối với những người vọng tưởng, cứ nghĩ mình là cao thượng thì vướng vào tội không đắc mà nói đắc, không chứng mà nói chứng, chưa ngộ mà nói ngộ. Người thường thích lý huyền luận diệu, nói những lời bay bổng trên mây xanh, giả sử có duyên gặp Ấn Tổ, Ngài sẽ cảnh cáo liền: Hãy mau lão-lão thật-thật mà niệm Phật đi thì mới mong được giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, tránh đọa lạc trong tương lai. Còn nếu sơ ý, cứ dùng cái vọng tâm ra mà nói những đạo lý hão huyền, dù người giảng thông đến tam tạng kinh điển đi nữa, thì vấn đề sanh tử cũng không thể giải quyết được đâu. Đây là lời dạy của Ấn Tổ, Diệu-Âm xin nói rộng ra cho dễ hiểu vậy thôi.
Chính vì vậy mà những lý đạo siêu huyền ít khi Tổ Ấn-Quang nhắc nhở đến, mà Ngài thường nói đến sự tu tập cụ thể, thực tế. Đây là điều đặc biệt của Ngài. Xin nhắc lại, tội vọng ngữ đối với hàng sanh tử phàm phu của chúng ta có thể biến thành:
- Một là Vọng-Ngôn. Vọng-ngôn là nói dối. Không chứng mà nói chứng tức là nói dối. Không làm được mà nói là làm được tức là nói dối…
- Hai là Ỷ-Ngữ. Ỷ-ngữ là nói thêm. Chuyện có một mà nói tới 10, chuyện có 10 thì nói tới 100…
- Ba là Lưỡng-Thiệt. Lưỡng-thiệt là nói hai chiều, nói lời đâm thọc. Tới nơi này nói xấu nơi kia, tới chỗ kia nói xấu chỗ nọ, từ đó mới sinh ra những biến cố bất hòa, bất tịnh, bất an, gây loạn động trong môi trường đang sống.
- Bốn là Ác-Khẩu. Ác-khẩu là lới nói cộc cằn, thô lỗ. Người có ác khẩu thể hiện tính hạnh thiếu khiêm cung, kém đức tu.
Xin thưa với chư vị, lời dạy của Ấn Tổ rất đơn giản, nhưng chúng ta hãy từ từ tìm hiểu, có lẽ hình như pháp giới hư không đều hàm chứa trong này. Trong kinh Nhân-Vương, Phật đưa ra “Tứ nhiếp-pháp”, gồm có: Bố-Thí, Ái-Ngữ, Lợi-Hành, Đồng-Sự. Đức Thế-Tôn dạy là phải nói lời ái ngữ. Ái-ngữ liên quan đến vấn đề chúng ta đang bàn luận. Ái ngữ là lời nói thiện lành. Muốn có được lời thiện lành thì nhất định:
- Không được dùng những lời nói vô ích.
- Không được dùng những lời nói có thể gây ảnh hưởng xấu đến người khác.
- Không được dùng những lời nói gọi là “Thô ác chi ngôn”.
Tu về khẩu nghiệp, mỗi kinh Phật nói lời khác nhau, nhưng ý nghĩa tương đồng. Có kinh Phật dạy dùng lời “Ái-Ngữ”, có kinh Phật nói đừng dùng lời “Thô ác chi ngôn” (lời nói thô ác), kinh khác Phật nói “Thiện hộ khẩu nghiệp bất nghị tha quá” (Khéo giữ khẩu nghiệp đừng nói lỗi người)… Rõ ràng lời thì khác, nhưng ý nghĩa hoàn toàn giống nhau. Chư Tổ dựa theo lời Phật dạy mà răn dạy chúng ta, lời khai thị của quý Ngài hoàn toàn không sai khác.
Cho nên, trong 48 ngày này, chúng ta cứ nghe mãi đến lời khai thị của Ấn Tổ. Hãy lẳng lặng mà nghe, thành tâm mà nghe, gọi là trang-nghiêm thanh-tịnh mà nghe, hy vọng một ngày nào đó tự nhiên mỗi người đều ngộ ra một chân lý, ngộ ra con đường thành đạo. Đó là con đường đi về Tây-Phương đang ở ngay trước mũi bàn chân của từng người chúng ta chứ không đâu xa hết.
Hiểu được như vậy, mong chư vị có được đầy đủ pháp hỉ sung mãn, chuẩn bị chu đáo hành trang để đi vãng-sanh thành đạo.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
- – Hành Theo Ấn Tổ (Lời Trần Bạch)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 01)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 02)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 03)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 04)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 05)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 06)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 07)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 08)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 09)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 10)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 11)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 12)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 13)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 14)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 15)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 16)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 17)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 18)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 19)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 20)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 21)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 22)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 23)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 24)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 25)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 26)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 27)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 28)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 29)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 30)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 31)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 32)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 33)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 33)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 34)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 35)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 36)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 37)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 38)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 39)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 40)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 41)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 42)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 43)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 44)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 45)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 46)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 47)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 48)