SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH
(Tọa Đàm 48)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Tu hành trong một đạo tràng, tại sao khi vừa gặp một người nào đó thì mình tố hộ con mắt lên vậy? Đang tức bực điều gì phải không? Tức bực thì không vui vẻ. Không vui vẻ thì dù không nói đi nữa, con mắt của mình nhìn người cũng tố hộ lên… Mình không nói bằng miệng, nhưng gây xung đột bằng ánh mắt. Thanh tịnh, vô nhiễm đã bị mất rồi. Ý của mình đã méo mó rồi.
Thành ra, ý mà không khéo giữ thanh tịnh, nó sẽ thể hiện ra bằng con mắt dữ dằn… Nó khiến cho ta không giữ được thân nghiệp, mình đã bị phạm luật nghi rồi. Nó xúi mình nói lời bất cẩn, mình phạm khẩu nghiệp rồi. Đây gọi là “Tướng Tùy Tâm Sinh”. Tâm mình loạn, thân tướng của mình sẽ không còn trang nghiêm nữa.
Tu hành mà tâm không cởi mở, mình đối xử với nhau quá khó khăn, mình chấp trước nhiều quá, nên không khí không vui vẻ được. Không vui tức là buồn, buồn là một ách nạn cho mình khi lâm chung… Tất cả những thứ đó đều ứng hiện bằng những hành động khó chịu ngày hôm nay, và sẽ là mối trở ngại lớn cho chính mình sau này.
Ví như một đạo tràng có 20 người, mà mình làm buồn hết 19 người, thì 19 người đó làm sao giúp mình vui vẻ được? Đến lúc mình lâm chung làm sao 19 người đó đến hộ-niệm cho mình vãng- sanh đây?… Có nhiều trường hợp người ta đến hộ-niệm cứu mình mà mình lại đuổi người ta về, chỉ vì nhìn mặt họ thì mình không vui. Do đó:
– Không vui vẻ với nhau là một cái ách nạn.
– Buồn phiền nhau là một cái ách nạn.
Vì không chấp nhận nhau, nên thấy người ta đến mình phiền não. Nghe người ta niệm Phật, mình nhức đầu. Suốt đời niệm Phật, mà sau cùng đồng tu đến niệm Phật cho mình, mình bị nhức đầu thì một trong những nguyên do có thể là vì vậy đó.
Như vậy muốn tránh những ách nạn cho mình trong lúc lâm chung không khó mấy. Chỉ có khó là vì chấp trước mình không chịu xả, không chịu bỏ, không chịu ly ra… Trong pháp Hộ-niệm có một điều luật là người nào bị người bệnh đó ghét nên lánh mặt đi, đừng nên tới hộ-niệm. Đạo tràng của mình có 20 người cùng tu tập với nhau, mình khó chịu với 19 người, đến khi mình ngáp ngáp xuống, nói 19 người đó đừng tới hộ-niệm cho mình thì thôi chết rồi, còn ai hộ-niệm cho mình nữa đây?… Đó là điểm thứ nhất.
Điểm thứ hai: Những người tâm tánh khó chịu, cố chấp, không cởi mở… thường thường nghiệp chướng của họ nặng lắm, dù có biết tu hành chút ít thì vẫn thường tạo thêm nghiệp chướng mới. Đến lúc nằm xuống, giả sử như 19 người kia sẵn sàng tuân phục theo ý niệm của mình, nghĩa là không đến hộ-niệm, thì oan gia trái chủ cũng tới, họ giả dạng đủ thứ để phá đám…
Vì thế, muốn vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, tự mình phải biết xả ra, gọi là buông xuống. Buông xuống!… Phải buông xả ra!… Phải tập buông xả ngay từ bây giờ. Thỉnh thoảng có người đến nói với tôi về ghét người này, thương người kia… Tôi nói: Buông đi!… Nên nhớ, tu hành là tu cho chính mình, không được tu cho người khác. Người ta có ghét mình đi nữa, mình cũng phải buông xuống để mà tu. Tập được như vậy, mới dễ hòa đồng với mọi người, mới tránh được ách nạn sau này.
Ngài Tịnh-Không thường nhắc nhở chúng ta về “Lục-Hòa-Kính”. Lục-Hòa-Kính mà giảng ra cũng hay lắm. Chúng ta lấy những cái đơn giản này mà tu, chứ đừng ham chi những lý đạo cao siêu quá.
Trong 6 điều hòa kính, đầu tiên là “Kiến Hòa Đồng Giải”. Kiến hòa đồng giải nghĩa là sao?… Kiến thức của mình mở tung ra cho nhiều người cùng biết phải không?… Chưa hẳn là vậy đâu.
Có những đạo tràng chủ trương mỗi thời khóa tu dành một tiếng đồng hồ để trao đổi ý kiến với nhau, hầu thực hiện “Kiến Hòa Đồng Giải”. Có lần họ mời tôi tham gia, nhưng tôi không dám tham gia, tại vì tôi không có giờ bàn luận. Hòa Thượng Tịnh-Không nói nên dành thời giờ niệm Phật, không nên bàn luận.
Họp lại để đưa ý kiến ra, mổ sẻ, rồi lấy ý kiến chung. Không ngờ ngày này cũng cãi lý, ngày kia cũng cãi lý. Tôi đưa ý kiến ra anh không nghe thì tôi cố thuyết phục cho anh nghe. Thuyết phục cách này không được thì tôi thuyết phục bằng cách khác. Vô tình ngày ngày cãi lý thì chung, còn ý kiến thì riêng. Ngồi lại thì chung, còn ý kiến thì của ai nấy giữ.
Hòa Thượng Tịnh-Không nói, muốn có sự hiểu biết hòa hợp nhau thì xin chư vị đừng có ý kiến gì hết. Hay vô cùng!… Thật sự hay vô cùng chư vị ơi!… Tại sao vậy?… Tại vì niệm A-Di-Đà Phật thì kinh Phật đã dạy cho mình rồi. Nguyện vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc thì đức Thế-Tôn cũng đã dạy cho mình rồi. Niệm Phật cần chuyên nhất thì cứ vững vàng mà đi. Đức Thế Tôn dạy mình như vậy, thì mình cứ nghe lời Phật mà đi như vậy, còn nêu ý kiến làm chi nữa?… Tất cả đều lấy lời Phật dạy mà tu, thì tự nhiên kiến giải được hòa hợp. Hay vô cùng chư vị ơi!…
Những người trọng về kiến giải thường tốn nhiều thời giờ để nghiên cứu. Nghiên cứu giỏi thì thường lý luận hay. Lý luận hay thì gặp phải một chướng nạn gọi là “Sở-Tri-Chướng”. Sở-tri-chướng là một cái ách nạn rất khó chịu đối với những người muốn vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc…
Sở-tri-chướng là sự chướng ngại do bởi giàu kiến thức quá. Khoa học nhiều quá. Tư tưởng nhiều quá. Lý luận nhiều quá… Ngay cả Phật pháp hiểu rộng quá cũng là một thứ chướng nạn cho đường vãng-sanh nghe chư vị. Người có kiến giải về Phật pháp rộng quá thường phân vân không có chỗ định. Quý vị để ý một chút sẽ thấy rõ vấn đề này. Diệu-Âm này từng đi hộ-niệm mà có thêm một kinh nghiệm lạ đời. Nếu người bệnh đó khoe rằng: “Tôi đã tu 50 năm rồi, kinh điển tôi nghiên cứu nhiều lắm rồi…”. Nghe vậy mình sợ chết luôn, tại vì rất khó cứu được người này. Tại sao vậy? Vì kiến giải của họ mạnh quá, mình nói gì họ cũng cho rằng dư thừa, thấp thỏm. Mà thực ra những chuyện thấp thỏm này họ đang bị vướng mà không hay. Mắt thì hướng lên mây xanh, nhưng chân thì lầm lũi đi dưới đất… Dễ dàng bị sập bẫy, vướng nạn. Lạ lùng!…
Còn người nhận chịu hàng phàm phu như chúng ta, chân ta đi dưới đất, mắt ta cũng nhìn dưới đất, ta tránh được hố hầm, ta đi con đường phẳng phiu hơn, dễ thoát ách nạn hơn…. Chính vì thế, sở-tri chướng là một ách nạn của người vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
Ngài Tịnh-Không đến gặp ngài Lý-Bỉnh-Nam, ngài Lý-Bỉnh-Nam nói:
– Thầy muốn tới đây để tu tập với tôi, thì điều kiện đầu tiên là Thầy cầm quyển sách nào đọc, dù là quyển kinh cũng vậy, Thầy phải cho tôi xem trước, tôi chấp nhận Thầy mới được đọc, còn tôi không chấp nhận thì thầy không được đọc. Thầy chịu không?…
Quý vị có nghe đến sự tích này chưa? Ngài Lý-Bỉnh-Nam muốn giải cái sở-tri-chướng cho ngài Tịnh-Không đó. Chúng ta là hàng phàm phu, trước nay ít đọc sách, thì bây giờ buông luôn đi, khỏi cần nghiên cứu gì thêm nữa. Nếu có đọc thì nên đọc sách nói về hộ-niệm, vì chúng ta đang cần hộ-niệm để cứu nhau vãng-sanh. Đọc gì nữa “Niệm Phật Vãng-Sanh”. Hãy đọc những sách nào hỗ trợ cụ thể cho đường đi của mình thì tốt, còn những kiến thức khác xin đừng hiếu kỳ. Hiếu kỳ quá, nhất định sẽ bị phân tâm.
Trước đây có người đến hỏi về Chánh-Nghiệp, họ nó:
– Buôn bán không phải là Chánh-nghiệp. Tôi đang hành nghề buôn bán thì đâu có thể niệm Phật được?…
Tôi nói:
- Chết rồi!… Niệm Phật thì chị cứ lo niệm Phật. Tại sao lại đọc đủ thứ sách làm chi?…
Chánh-Nghiệp là một trong tám điều của “Bát Chánh Đạo Phần”. Trong Bát-Chánh-Đạo nói buôn bán không có chánh- nghiệp, bây giờ tôi đang buôn bán thì làm sao đây anh?… Tôi nói:
- Niệm Phật thì cứ lo niệm Phật đi, tại sao lại đọc nhiều kinh sách khác làm chi?… Kinh đó là dành cho những vị tự tu chứng, những vị xuất gia kìa. Đã xuất gia rồi còn lo buôn bán chi nữa?… (Hì-hì!…).
Không buôn bán là nói cho các người xuất gia kìa, còn mình niệm Phật thì cứ lo niệm Phật đi về Tây-Phương, không nên hiếu kỳ nghiên cứu rộng quá mà dễ bị vướng. Nghiên cứu đến đâu, vướng đến đó. Hiểu được vậy mới thấy đường tu nào cũng lắm khó khăn, chỉ có con đường niệm Phật thì dễ lắm, dễ lắm. Tự câu A-Di-đà Phật sẽ giải cho chúng ta không biết bao nhiêu là ách nạn để chờ ngày vãng-sanh thành đạo.
Thời gian thì cũng gần hết rồi. Chiều nay chúng ta sẽ trả lời câu hỏi. Chỉ có bấy nhiêu câu hỏi này thôi hả? Sẵn đây chúng ta trả lời trước vài ý. Nhớ ra, hình như hồi sáng này có vị nói không muốn hộ-niệm, mà muốn niệm Phật cho “Nhất-Tâm Bất-Loạn” để vãng- sanh. Xin chư vị phải tỏ lòng cung kính đối với những vị này. Không được chấp…. Những vị nói như vậy hoàn toàn đúng kinh. Niệm Phật “Nhất-Tâm Bất-Loạn” là đúng theo kinh, không phải sai kinh đâu.
- Nhưng mà mình theo được không?…
- Không được!
- Tại sao?
- Tại vì mình không đủ khả năng…
Nếu mình chờ cho đến “Nhất-Tâm Bất-Loạn” thì:
- Anh mình chết, thì cứ để anh chết đi cho rồi!…
- Mẹ mình chết, thì cứ để mẹ mình chết đi cho rồi!…
- Cha mình chết, cũng để cha mình chết đi cho rồi!…
- Đến sau cùng tới mình, nếu mình “Nhất-Tâm Bất-Loạn” được thì mình khỏi chết, mình vãng-sanh. Nếu mình không được “Nhất- Tâm Bất-Loạn”, thì những người chung quanh cũng để mình chết đi cho rồi!…
Vì không ai biết pháp hộ-niệm, thành ra họ quật mình, nếu không chết cũng đành phải chết luôn… Vô tình vì không biết hộ- niệm mà đành phải theo con đường từ thua lỗ đến thua lỗ… Khó khăn lắm cũng chỉ được huề vốn là cùng.
Còn mình đi con đường hộ-niệm thì một là huề vốn, hai là lời. Lời nhiều lắm… Tại sao?… Tại vì mình biết hộ-niệm thì khi ông chú của mình chết, mình tới hộ-niệm, mình khuyên giải những lời hết sức đơn giản, giải được những cái chướng mà nãy giờ mình nói với họ đó. Người ta nghe và làm theo, mình cứu được ông chú của mình. Rồi khi cha mình chết mình cứu được người cha của mình.
– Cha mình ra đi, mình khỏi mắc cái lỗi vật lên vật xuống thân xác của ông. Trong vòng 8 tiếng đồng hồ không được đụng đến thân thể người chết. Ai là người làm được điều này?… Chỉ có người biết pháp hộ-niệm mới làm được điều này.
- Khi mẹ mình chết mình không được khóc, không được kêu réo. Mình than khóc kêu réo thì mẹ mình bị đọa lạc. Ai là người biết làm chuyện này?… Chỉ có người biết pháp hộ-niệm mới làm được chuyện này.
- Mẹ ơi!… Mẹ quyết lòng niệm Phật đi về Tây-Phương nha. Ai Là người khuyên được người mẹ lời này?… Chỉ có người biết pháp hộ-niệm mới khuyên được lời này.
Xin chư vị tiếp tục suy nghĩ đi…
- Khi có người chết, người thế gian làm tiệc 100 mâm. Một mâm như vậy cần phải có một con heo, bao nhiêu con gà, v.v… Người ta tưởng vậy là có phước cho cha mẹ mình, nhưng thực tế là đem đến đại hại cho cha mẹ mình. Ai là người biết tránh làm chuyện này?… Chính là người học Phật. Chính là người biết pháp hộ-niệm mới không dám làm chuyện này.
- Khi mẹ mình nằm xuống, mẹ mình nói: “Trời ơi! Các con đừng có hỗn hào, mẹ đang nói chuyện với ông cố, ông cố về bảo vệ cho mẹ đây. Tại sao mẹ nói vậy? Tai vì mẹ mình không biết pháp hộ- niệm.
- Mình nói: “Mẹ ơi!… Mẹ ơi!… Đừng có tham đắm tới, đừng có nghĩ tới, kệ người ta đi, một lòng niệm Phật đi về Tây-Phương, đi về Tây-Phương xong thì mới về cứu ông cố. Bây giờ phải định cái tâm lại, nhìn hình Phật, chú tâm vào câu A-Di-Đà Phật mà niệm thật thành tâm. A-Di-Đà Phật sẽ ứng hiện ra đưa mẹ về Tây- Phương Cực-Lạc”. Ai là người biết nói những câu đơn giản như thế này?… Chính là những người hộ-niệm. Chỉ có những người biết pháp hộ-niệm mới có thể nói những câu như thế này. Chính những câu đơn giản này cứu một người thay vì xuống dưới địa ngục chịu đọa lạc, họ về tới Tây-Phương để thành đạo.
Ấy thế mà nỡ nào chư vị lại bỏ quên pháp hộ-niệm để đi cầu điều chứng đắc. Chứng đắc gì đây?… Chẳng lẽ chấp nhận ở trong sanh tử luân hồi đến vạn kiếp nữa mà cầu chứng đắc sao? Trong thời gian vạn kiếp đó, có biết bao nhiêu chúng sanh bị đọa lạc, mà chính mình cũng bị nạn rồi…
Cho nên mong chư vị hãy quyết lòng đi theo con đường hiền hòa, chất phát, niệm Phật hộ-niệm cứu nhau để được thành tựu theo đại nguyện của đức A-Di-Đà Phật. A-Di-Đà Phật không bắt buộc một người niệm Phật đến “Nhất-Tâm Bất-Loạn” Ngài mới cứu. Đại nguyện của Ngài thề độ tận chúng sanh, dẫu cho có tội chướng sâu nặng. Ngài dạy chúng sanh niệm câu A-Di-Đà Phật liên tục, đừng xen tạp. Niệm xen tạp là niệm nhiều thứ khác, chứng tỏ niềm tin vào pháp niệm Phật của mình yếu quá. Niềm tin yếu quá thì đây chính là khe hở để cho oan gia trái chủ chen vào phá tan cơ hội vãng-sanh của mình vậy.
Vì thế, niệm Phật không vãng-sanh được là tại mình tự tạo cái chướng duyên cho chính mình, chứ đâu phải vì pháp môn niệm Phật không vi diệu.
- Không chịu xả chuyện thế gian ra…
- Không chịu xả sự buồn phiền ra…
- Không chịu xả cái cố chấp ra…
Thì làm sao vãng-sanh cho được? Vậy thì bây giờ đây phải xả. Phải xả… Phải xả… Rồi sao nữa?… Phải tu chuyên lại, phải tu chuyên lại… để cho cái tâm của mình định lại. Định trong câu Phật hiệu. Định tại cõi Tây-Phương. Tâm định lại rồi, thì khi mình nằm xuống dù cho sức định đó giảm đi mất 90%, chỉ còn 10% thôi, ta vẫn niệm A-Di-Đà Phật được. Còn cứ để cái tâm chao đảo, chao đảo là không có định, đến lúc nằm xuống thì sự chao đảo tăng lên. Bây giờ chao đảo chỉ có 10, tới lúc đó sự chao đảo lên đến 1.000, trong khi sức định thì số 0, làm sao mà niệm câu A-Di-Đà Phật được?…
Cho nên, xin chư vị mau mau định tâm lại, đừng hẹn nữa. Định tâm không phải ngồi xếp bằng như thế này im lặng 5 giờ, 6 giờ, 7 giờ đâu nhé. Có lần Hòa Thượng Tịnh-Không nói, những người nhập định 2-3 năm trường vẫn chưa có thể nói là thoát khỏi tam giới… Dễ sợ không!… Quý vị hãy suy nghĩ cho kỹ đi, người ngồi trong định 2-3 năm trường vẫn chưa thoát khỏi tam giới, thì ta cố gắng lắm cũng mới ngồi 2-3 tiếng đồng hồ lại dám hy vọng thoát ly tam giới à?… Ấy thế, một người quyết niệm câu A-Di-Đà Phật, họ vãng-sanh thoát vòng sanh tử luân hồi. Về hình tướng họ có định gì đâu? Miệng còn nói leo lẻo mà định gì?… Thế mà tâm họ hình như đã định. Định là có chủ định, tâm họ niệm Phật mãi trong đó. Thật sự niệm Phật là đại định chứ không phải là tiểu định, nhờ thế mà họ một đời vãng sanh thành đạo.
- Ai nói gì nói, tôi không cần
- Ai hiểu gì hiểu, tôi cũng không cần hiểu.
- Ai lý cao luận diệu gì kệ họ, tôi cứ một câu A-Di-Đà Phật mà niệm đi thẳng một đường về Tây-Phương Cực-Lạc.
Đại định rồi.
Bên ngoài nói gì nói tôi không thèm nghe. “Ngoại bất trước tướng” rồi. Không còn chấp vào hình tướng nữa.
Ai khấn gì khấn, ai vái gì vái, tôi không cần theo nữa. “Nội bất động tâm” rồi. Trong tâm này không chao đảo nữa. Cứ niệm Phật, nhất định đây là đại định. Định là có chủ định.
- Khi nằm xuống, cơn đau nổi lên, tôi đâu cần than nữa. Than làm chi?…
- Người ta chửi, đâu cần bực tức nữa. Bực tức làm chi?…
- Người ta ghét, đâu có cần buồn nữa. Buồn làm chi?…
- Người ta nói sai về mình, đâu cần khiếu nại nữa. Khiếu nại làm chi?…
Cứ một câu A-Di-Đà Phật mà niệm. Cơn đau đến là mình niệm được câu A-Di-Đà Phật, thì mình về được Tây-Phương Cực-Lạc.
Hãy tập ngay bây giờ đi, tất cả mọi việc đều trả lời bằng câu A- Di-Đà Phật, thì tự nhiên trên môi nở mãi nụ cười, làm cho đạo tràng càng ngày càng trang nghiêm, mọi người càng ngày càng thấy không khí hài hòa. Đường chúng ta đi thênh thang, thoải mái, nhẹ nhàng, dễ dàng được vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
Nguyện mong chư vị vãng-sanh về miền Cực-Lạc xong nhớ về đây cứu độ người khác…
Nam Mô A Di-Đà Phật.
Sơ Suất Của Người Bệnh – Lời Ban Ấn Tống