HÀNH THEO ẤN TỔ
(Tọa Đàm 11)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Ấn-Quang Đại-Sư là Đại-Thế-Chí Bồ-Tát tái lai trong thời này, nhưng lời khai thị của Ngài hoàn toàn không có một dáng dấp nào của một đại Bồ-Tát hết. Trong kinh A-Di-Đà, Phật dạy niệm Phật từ một ngày đến bảy ngày nhất-tâm bất-loạn, thì người đó khi lâm chung A-Di-Đà Phật cùng chư Thánh-Chúng hiện ra trước mặt người đó và tiếp dẫn về Tây-Phương Cực-Lạc. Thế mà Tổ Sư ẤnQuang suốt trong đoạn khai thị này, không có chỗ nào Ngài nhắc đến nhất-tâm bất-loạn, cũng không có chỗ nào Ngài nhắc đến chứng đắc hết. Tại vì thực tế mà nói căn tánh chúng sanh trong thời mạt-pháp này không thể nào mà đạt tới cảnh giới đó được.
Nhất-tâm bất-loạn là một cảnh giới chứng đắc chứ không phải chỉ là một trạng thái an vui tạm thời, trong một vài giây, một vài phút. Có nhiều người đã hiểu lầm!… Chính vì sự hiểu lầm này nên Tổ Ấn-Quang dạy rằng: “Nếu đã tu trì, phải tự hiểu là công phu của ta hãy còn nông cạn, chẳng nên tự kiêu căng, khoa trương”… Đây là Ngài nói chung cho tất cả mọi người, không phải nói riêng cho chúng ta. “Nếu đã tu trì, thì phải tự hiểu công phu của mình còn nông cạn!…”. Một lời khai thị khá lạ lùng! Nếu để ý một chút, mới thấy lời này thật sự lạ lùng, nhiều khi làm cho mình giựt mình tỉnh ngộ.
Có nghĩa là, người trong thời này dù có tu trì, nhưng phải tự mình mà hiểu lấy chính mình. Hãy cẩn thận, đừng sơ ý mà khoe ra những điều thất thiệt!… Trong đời của Ngài có những vị tới khoe với Ngài về chứng đắc, kể ra những cảnh giới rất là tuyệt diệu. Chư vị có thể đọc trong những “Lá Thư Tịnh Độ” để thấy những trường hợp này. Ngài luôn luôn nghiêm sắc mặt lại mà nói, hãy giữ cái tâm chí thành chí kính niệm Phật, ăn ở hiền lành mà niệm Phật đi. Đừng thấy có một mà ra nói tới trăm, ngàn, vạn, ức lần. Cái tội vọng ngữ này nặng hơn tội sát, đạo, dâm, vọng tới trăm ngàn lần đấy, và quả báo của nó tới địa ngục A-Tỳ, vì những lời nói này có thể phá tan Phật-Pháp!…
Xin hãy lắng nghe lời của Tổ Sư dạy. Ở thế gian này, nhiều người không đọc kỹ những lời khai thị của ngài Ấn-Quang, nên cũng có nhiều trường hợp mạnh dạn tự khoe là chứng đắc. Có nhiều người tu hành sao hay quá, niệm Phật chỉ một tuần, hai tuần thì thấy mình đã niệm đến cảnh giới “Nhất-Tâm Bất-Loạn” rồi, đã được “Niệm-Vô-Niệm” rồi(?)…
Thật ra, coi chừng có sự lầm lẫn!… Vì sao vậy?… Như hồi sáng mình có đưa ra một lời của Phật dạy, hễ khai khẩu thì tâm thái động!… Tâm thái động có nghĩa là tâm thái không tịnh. Tâm thái không tịnh tức là cái tâm này chưa định. Tâm chưa định thì không thể nào chứng đắc được!… Đây là cái mấu chốt cho mình quán xét. Một người đã chứng đắc thì nhất định tâm đã định, tâm đã thanh tịnh. Tâm đã thanh tịnh thì không bao giờ có thể khoa trương ra được. Một khi đã khoa trương ra ngoài, thì nhất định là tâm đã động!… Tâm động tức là tâm loạn. Tâm loạn động thì những điều chứng đắc đó là giả chứ không phải thật!…
Ngài Ấn-Quang rõ rệt đã cảnh cáo điều này: “Nếu có tu hành thì phải tự hiểu rằng công phu của mình hãy còn nông cạn…”. Vì nông cạn, nên thường thường cái vọng niệm nổi lên mạnh quá, không kiềm chế được!… Vọng niệm nổi lên mà mình tưởng nó là chân lý sự thực, nên mới vội vã khoe ra. Nếu một người thật sự đã ứng hiện Chơn-Tâm Tự-Tánh, người ta sống trong Chơn-Tâm Tự-Tánh rồi thì không bao giờ có thể đi khoe ra được! Ngài Tịnh-Không nói: “Một người thấy mình chứng cái gì đó mà đi ra ngoài khoe thì định tâm của người đó đã tiêu hết rồi”. Định tâm đã tiêu hết rồi tức đã biến thành loạn động! Đã loạn động thì những điều chứng đắc không thể nào là thực được!… Sống trong thời mạt-pháp cần phải cẩn thận…
Chính vì vậy mà ta mới hiểu được tại sao Ấn Tổ là một vị ĐẳngGiác Bồ-Tát tái lai, nghĩa là Ngài đã chứng đắc rồi, nhưng Ngài không bao giờ thố lộ sự chứng đắc ra. Ngài dạy chúng ta: “Đi đứng nằm ngồi, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, chỉ niệm câu A-Di-Đà Phật, không để gián đoạn. Nếu có vọng niệm nổi lên thì phải lập tức bỏ đi”. Rõ ràng đây là những lời cảnh cáo của Tổ Sư để giúp cho chúng sanh trong thời mạt-pháp này khỏi bị ách nạn của ma chướng. Đúng là ma chướng!.. Vì muốn tránh khỏi ách nạn này, trong suốt thời gian qua ở đây Diệu-Âm luôn luôn khuyên nhắc nhau rằng, chúng ta lúc nào cũng cần nên giữ tâm thái hiền hòa, ăn ở hiền hòa, tập buông xả nhiều một chút để tu hành. Một người tự nhận mình được chứng đắc, được cảm ứng với Bồ-Tát QuánThế-Âm, được cảm ứng với Phật này Phật nọ… Thế mà vừa tới nhắc một câu: “Bác cố gắng niệm Phật nhỏ tiếng một chút”, thì nổi giận liền!… Đâu có thể nào một người đã chứng đắc mà dễ phiền não như vậy?!…
Chính vì thế, khi tu hành mong chư vị lắng tâm hiểu sâu vào lời nói của Tổ Sư. Hãy tự mình cảnh tỉnh lấy mình. Tập làm một người ăn ở hiền lành, chất phát, thực hiện đúng theo những lời của Ấn Tổ dạy. Những điều Ngài dạy rất cụ thể, rất xác đáng, rất mộc mạc, rất gần gũi với chúng ta. Chúng ta chỉ cần làm được như vậy thì được vãng-sanh. Một người tu chứng đắc đến nhất-tâm bất-loạn cũng để vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Mình ăn ở hiền lành, không tranh chấp, không thị phi, không đố kỵ, không phiền não… và biết niệm Phật mình cũng sẽ được vãng-sanh về Tây-Phương CựcLạc. Rõ ràng đây là lời Ngài nói: “Nếu mà tu hành được như vậy thì nhất định được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc Quốc”. Vãng-sanh được thì thành tựu đạo quả.
Nên nhớ là một lời Tổ Sư nói ra, từng chữ, từng câu, không bao giờ có thể sơ ý được. Ngài nói là nhất định được vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Như vậy đây là con đường dễ nhất cho những hạng người sanh tử phàm phu như chúng ta trong thời mạtpháp này vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Còn nếu sơ ý chúng ta để cái tâm vọng động lên thì vô cùng nguy hiểm!… Nhiều người để cái tâm vọng động lên, đi khoe trương ra chứng này chứng nọ… Chư vị hãy kiểm lại thử coi từ trước tới giờ có người nào khoe rằng mình chứng đắc mà được vãng-sanh chưa?… Ví dụ như trong thời của ngài Ấn-Quang đại sư, có một người gọi là Hà-Huệ-Chiêu. Hà Huệ Chiêu?… Đúng rồi!… Tới khoe với Ngài về sự chứng đắc của mình. Người đó thực sự có nhiều điều lạ, như khi đang niệm Phật thì căn phòng tự nhiên có quang minh sáng rỡ lên, có nhiều lần thấy đức Quán-Thế-Âm hiện ra trước bàn thờ… Người đó tới khoe với Ngài. Ngài nói rằng hãy giữ cái tâm bình lặng tu hành là tốt, đừng nên vọng động nữa. Một người biết huân tu, khi gặp được những thắng cảnh, tức là cảnh giới đẹp, thì người đó sẽ hưởng được lợi lạc. Mà dù cho gặp ma cảnh đi nữa, thì vẫn có lợi như thường, chứ không có hại! Còn người không biết huân tu, tức là không chịu giữ cái tâm thanh tịnh bình thản, dù có gặp thắng cảnh đi nữa, thì ngay tức khắc cũng biến thành ma sự. Đây là lời của ngài Ấn-Quang dạy.
Như vậy, khi một người gặp được một điều gì lạ lạ, mừng vui khấp khởi lên. Thì mừng vui khấp khởi chính là tâm động!… Buồn rầu cũng động, mà mừng vui cũng động. Hoan hỷ quá hóa ra mừng vui. Theo như Ngài, thì trạng thái này chứng tỏ sự huân tu còn nông cạn, thành ra một cảnh giới nào đó vừa ứng hiện, thì kiềm chế không nổi! Kiềm chế không nổi có nghĩa là sức định còn yếu! Sức định quá yếu thì giống như một cái cây trồng quá cạn, gió thổi bên trái thì lay qua bên trái, thổi bên phải lay qua bên phải, thổi hướng đông thì ngã về hướng đông, thổi hướng tây ngã về hướng tây. Một cây dù cành lá có sum suê cho mấy mà gốc quá cạn, bị gió thổi lung lay thì nhất định sẽ sớm sụp đổ, khô héo đi!…
Chính vì thế, mỗi ngày mình đọc lại từng lời của Tổ Sư, nhắc nhở cho chúng ta phải nhớ giữ tâm thanh tịnh. Theo như lời Ngài Ấn-Quang dạy, tập tánh hiền hòa, chất phát, chí thành mà niệm Phật tu hành, thì trong đời này nhất định chúng ta được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
- Đừng nên vội vã mong cầu cảm ứng này cảm ứng nọ!
- Đừng nên vội vã khoe ra ta chứng này chứng nọ!
- Đừng nên vội vã cho rằng ta được khai thị này khai thị nọ!
Coi chừng!… Ngài nói rằng, dù cho thực sự là thắng cảnh đến cũng mau chóng biến thành ma sự. Vì sao vậy? Vì tất cả đều do tâm tạo ra. Tâm đang thành kính, cảm ứng tới điều thành kính. Thành kính nhưng mà định yếu quá, nên mới vừa được chút cảm ứng thì tâm loạn động lên, tự nhiên vấn đề đã bị biến chuyển!… Tâm tịnh thì cảm ứng với cảnh tịnh. Tâm động thì cảm ứng với cảnh động. Một giây trước thì Tịnh, nhưng một giây sau thì Động. Động-Tịnh hoán chuyển nhau nhanh như trở bàn tay! Chính vì vậy mà thường thường những người không nghe kỹ lời khai thị của Ấn Tổ dễ bị vướng nạn.
Mong chư vị cố gắng tự mình cảnh tỉnh. Hãy giữ tâm chí thành niệm Phật tu hành nhất định chúng ta được vãng sanh Tây-
Phương Cực-Lạc quốc.
Nam-Mô A-Di-Đà Phật.
- – Hành Theo Ấn Tổ (Lời Trần Bạch)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 01)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 02)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 03)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 04)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 05)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 06)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 07)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 08)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 09)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 10)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 11)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 12)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 13)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 14)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 15)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 16)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 17)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 18)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 19)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 20)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 21)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 22)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 23)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 24)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 25)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 26)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 27)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 28)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 29)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 30)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 31)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 32)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 33)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 33)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 34)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 35)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 36)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 37)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 38)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 39)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 40)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 41)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 42)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 43)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 44)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 45)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 46)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 47)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 48)