Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 084) – Một Số Tương Quan Giữa Người Bệnh Và Hộ Niệm

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 84)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Hôm nay chúng ta bắt đầu qua chương 2: “Người bệnh và vấn đề hộ niệm”.

Tu hành nhưng vô ý phạm nhiều sơ suất, thì chướng nạn trùng trùng từ đây mà sinh ra. Muốn tránh chướng nạn này, hãy tìm ra những điểm sơ suất mà sửa đổi liền. Đề tài này nhằm nhắc nhở cho mỗi người chúng ta đừng nên sơ ý phạm nhiều sơ suất.

Thực tế, chúng ta dễ sơ ý phạm nhiều sơ suất lắm đấy. Thường thường người đời đặt rất nhiều hi vọng rằng mình sẽ được lợi lạc trong việc tu hành. Hi vọng như vậy, nhưng thực sự có được lợi lạc gì không là một vấn đề khác. Được lợi lạc hay không hầu hết đều liên quan đến vấn đề có phát hiện ra sự sơ suất để tu sửa hay không. Ví dụ, xin đơn cử một hiện tượng cụ thể, một người một đời tu hành, nhưng kết cục khi ra đi mà lưu lại một thân tướng cứng đơ, sắc diện u ám, là một triệu chứng báo hiệu đời kiếp tương lai của người đó bị vướng vào vòng khổ nạn. Đây là một sự thất bại quá rõ rệt mà nhiều người không để ý tới!…

Thất bại nhiều lắm!… Hàng vạn người, hàng triệu người, vô số người bị thất bại như vậy, mà ít ai giật mình hỏi rằng: “Vấn đề chính ở tại đâu vậy?”. Hôm nay chúng ta mạnh dạn lần lượt nêu ra sự thật này để cùng nhau nghiên cứu. Chư vị hãy nghĩ cho thật kĩ coi, tu hành quá khó khăn, nhưng đến sau cùng bị khổ nạn có phải là oan uổng lắm không?

Kết cục một cuộc đời, dù có tu hành hay không, khi ra đi mà lưu lại một thân tướng chẳng lành, sắc diện u ám chứng tỏ rằng khó thoát khỏi ba đường ác. Như vậy sự thành tựu của bao nhiêu công phu tu hành ở đâu rồi? Có gì chứng tỏ là may mắn hơn những người không tu chăng? Tu hành mà bị như vậy chắc chắn phải có điều sơ suất gì lớn lắm đây.

Hãy nhìn xem, những người được cơ duyên hộ niệm đúng pháp mà rất nhiều trường hợp sau khi ra đi có tướng lành bất khả tư nghì, thân xác mềm mại, tươi hồng. Được tướng lành tốt đẹp này, dẫu gì đi nữa, người này đời sau ít ra cũng được trở lại làm người, hoặc sinh về những cảnh thiện lành, nhất định phải may mắn hơn những người chết đi mà lưu lại tướng ác chứ. Nhiều người lúc còn khỏe thì mơ mộng đủ điều, lý luận cao tột trên mây, nhưng sau cùng lại hiếm khi chứng minh được một điều gì gọi là thiện chung để tạo được một tia hi vọng thành tựu mong manh!…

Thất bại thì nhất định phải có điều gì sơ suất rồi. Chúng ta phải cùng nhau moi cho ra những điều sơ suất này mà tìm cách khắc phục, để có cơ duyên giải thoát. Xin đừng thấy người khác bị nạn, ta cũng tự nhiên chấp nhận chịu nạn theo, thì oan uổng quá, tội nghiệp lắm vậy!…

Đừng lầm lẫn cho rằng chết là hết nhé chư vị. Chết không phải là hết đâu, mà chết là một cảnh khổ. Nếu cứ mặc nhiên chạy theo con đường chết, thì khổ nạn trùng trùng từ đây mà sinh ra, đời sau đọa lạc vào ba đường ác, thảm thương vô cùng vô tận!… Nếu người nào tự chọn lấy đường này, thì vô phương cứu vãn rồi!… Phật dạy luân hồi đọa lạc khổ đau không nói nên lời đấy.

Hãy tìm ra những điều sơ suất mà sửa đổi liền chứ còn không thì kẹt lắm đấy, chư vị ơi! Muốn phát hiện ra những sơ suất trên đường tu hành trong thời này, không gì thiết thực bằng nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm Vãng Sanh. Pháp Hộ-Niệm Vãng Sanh thực sự là pháp ứng dụng cụ thể, thiết thực, không những cứu người thoát nạn đọa lạc, mà quí báu hơn là trực tiếp tiễn đưa họ vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc đấy.

Đối với hàng hạ căn phàm phu như chúng ta, sự chướng nạn ít khi liên can đến những lí đạo cao siêu xa vời, mà thường là những gì xảy ra ở ngay bên cạnh, cụ thể, thực tế, toàn là những điều đơn giản, dễ thấy, nhưng vì không biết nên con người vô tình cứ tự nhiên gây tạo cho nhau vô vàn những nỗi bi thương, đày đọa nhau vào cảnh khổ nạn một cách vô cùng đáng tiếc!… Xin đưa ra vài ví dụ sau đây để nhắc nhở:

– Lúc sắp chết mà nhớ đến tiền tài sản vật – Bị nạn liền!…

– Lúc sắp chết mà thương con, nhớ cháu – Bị nạn liền!…

– Lúc sắp chết mà sợ chết, tâm hồn hãi kinh – Bị nạn liền!…

– Khi vừa tắt hơi mà con cháu nhào vô ôm nắm, kéo níu, đụng chạm – Bị nạn liền!…

– Khi vừa tắt hơi mà vội vã tắm rửa, thay y phục, trang điểm – Bị nạn liền!…

– Khi ra đi mà người thân khóc than, bi thương – Bị nạn liền!… V.v…

Nhiều quá, kể ra không hết. Người không biết tu hành đành phải chịu nạn là chuyện thường tình, người có tu hành mà sơ ý vẫn bị nạn cũng đâu phải ít. Tất cả những điều này trong Pháp Hộ-Niệm đã chỉ bày rõ ràng. Chỉ vì chưa biết qua Pháp Hộ-Niệm mà vạn vạn người ra đi, đều bị sơ suất cả, tìm đâu ra được một người thoát nạn đây!…

Ôi!… Nạn tai, nạn tai nhiều quá!… Nay biết được những điều sơ suất đơn giản mà nguy hại này rồi, chư vị còn nỡ lòng nào tiếp tục làm hại người thân yêu nữa không? Nghĩ lại mới thấy thương xót cho tổ tiên, ông bà, người thân quá cố của mình. Tội nghiệp cho những người chưa có duyên biết qua Pháp Hộ-Niệm. Thật đáng thương thay!…

Mỗi lần đau bệnh là mỗi lần Diêm Vương gửi thư báo hiệu cho ta nhắc nhở đến vô thường đấy. Chư vị có chuẩn bị chưa? Phải chuẩn bị liền đi chứ, không nên ỷ lại được đâu nhé. Ỷ lại là bị chết, bị vướng nạn, những ách nạn đưa đến từ những điều sơ suất gần gũi, cụ thể, chứ không có gì cao siêu xa lạ cả. Những lý cao luận diệu hình như không dính dáng gì đến hàng phàm phu như chúng ta. Vậy mà nhiều người ưa nói lý cao quá, nhiều người thích nghe luận diệu quá. Có phải đây là điều sơ suất khá phổ thông chăng?

Pháp Hộ-Niệm Vãng Sanh giúp cho người niệm Phật biết phát hiện ra những điều sơ suất của chính mình mà né tránh, để ngày cuối cùng chính ta có thể thực hiện được trọn vẹn tâm nguyện vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Vấn đề 1: Một số tương quan giữa người bệnh và hộ niệm.

Chúng ta bắt đầu giải quyết những vấn đề cụ thể đây.

(a): Danh từ “Người Bệnh ở đây là chỉ cho những người đang được hộ niệm vãng sanh.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Nghĩa là người bệnh có mời ban hộ niệm tới trợ giúp. Còn những người bệnh không tin Phật Pháp, không muốn hộ niệm, không tin vãng sanh thì nhiều quá, kể sao cho hết, và làm sao chúng ta có thể bàn luận với họ được đây? Cho nên, đầu tiên danh xưng “Người Bệnhlà chúng ta hàm chỉ đến những người bệnh biết niệm Phật, muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, biết mời ban hộ niệm đến hộ niệm. Mong cho những người này đừng để sơ suất mà mất phần vãng sanh.

Như vậy, chính chúng ta đây thực sự là những người bệnh được đề cập ở đây. Nếu giờ này không thấy bệnh đi nữa, thì thực tế từng phút từng giây có rất nhiều tế bào trong thân thể chúng ta bị chết đi, nhiều tế bào khác sinh ra. Nghĩa là chúng ta bị sanh sanh tử tử trong từng sát-na một. Rồi đến một ngày nào đó chúng ta phải vĩnh viễn liệng luôn cái thân xác này đi. Thế gian gọi biến cố này là chết, nhưng thực ra ngày đó ta liệng cái thân xác sanh diệt này để tìm cách nhập vào thân xác sanh diệt khác. Nghĩa là chúng ta vẫn tiếp tục sống, nhưng sống trong một thân xác khác, trong một cảnh giới khác, có thể sướng hơn, có thể khổ hơn. Nhưng dễ gì được sung sướng hơn! Hầu hết đều khổ nạn hơn! Nguy hiểm vô cùng!

Nghĩ đến điều này, mong chư vị cố gắng tu hành thực tiễn một chút nhé. Phải tìm cho ra phương cách trốn thoát cái cảnh sanh diệt này đi. Học Phật Pháp chúng ta được quyền đi vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc để không còn sanh diệt nữa đó, vậy mà nhiều người không chịu đi, lại cứ chạy theo con đường tử nạn. Rõ ràng, hàng triệu người, vô lượng chúng sanh thường nắm tay nhau kéo vào hầm lửa mà không hay. Thời mạt pháp này, chỉ có người nào niệm Phật cầu vãng sanh mới mong thoát nạn luân hồi nhờ được sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Phật dạy như vậy mà chúng sanh không chịu nghe. Một ngày đã qua, mạng cũng giảm dần. Khoảng thời gian chúng ta đang ngồi đây nói chuyện, thì trên trái đất này có lẽ có hàng ngàn người đang chết, chết trong từng giờ, từng phút, từng giây. Hỏi rằng, vô lượng con người chết đó, có mấy ai biết được con đường vãng sanh này chăng? Khổ nạn, đọa lạc xảy ra trước mắt mà co người không hay!…

(b): Danh từ “Người Bệnh cũng có hàm nghĩa rộng chỉ chung cho tất cả chúng ta, vì ai cũng sẽ bệnh và cuối cùng phải xả bỏ báo thân này.

Đúng không? – (Đúng). Như vậy, mong cho mọi người phát lòng tin tưởng vào pháp niệm Phật để có cơ duyên vãng sanh thoát vòng sanh tử.

Chư vị có sợ bệnh không? Có sợ nó cũng tới, có trốn nó cũng đến. Người biết đạo không sợ bệnh để tự tại khi bệnh đến. Không sợ chết để được tự tại khi ra đi. Ra đi sớm để được tỉnh táo, có được nhiều người đến hộ niệm cho mình an toàn vãng sanh. Nhưng cũng nên nhớ, thọ mạng của mình đã có sẵn, nếu tới 50 năm, 70 năm nữa mới tới kỳ ra đi thì giờ này chịu thua. Nếu thọ mạng của mình trên 100 tuổi thì giờ này muốn chết cũng không cách nào chết được đâu nhé.

Như vậy, sanh lão bệnh tử là chuyện đương nhiên của thân mạng, thì cớ chi mà không chịu tự tại trước bệnh hoạn? Thọ mạng đã định rồi, thì cớ chi mà cứ lo sợ chết vậy? Người tu hành mà lo lắng về bệnh khổ nhiều quá, thì khi bệnh đến làm cho tinh thần xuống dốc, không còn bình tĩnh nữa. Đây là một sơ suất gây trở ngại trên con đường giải thoát. Người sợ chết thì tệ hại hơn, khi ra đi tinh thần sẽ bấn loạn, khủng hoảng, hãi kinh. Đây là một sơ suất rất lớn, đoạn mất con đường siêu thoát. Vậy thì, phải củng cố tinh thần, phải chuẩn bị trước để tự cứu lấy mình nhé chư vị. Những sự sơ suất đều ẩn nấp bên trong. Tất cả đều từ cái tâm này mà biến hiện ra vậy.

(c): Người bệnh chỉ cần chịu niệm Phật thì sẽ được an nhiên tự tại vãng sanh.

Đúng không chư vị? – (Sai). Chịu niệm Phật mà phải niệm mãi, tinh thần đừng xuống dốc, niềm tin đừng lung lay, sức nguyện vãng sanh đừng suy giảm trong lúc xả bỏ báo thân thì mới được vãng sanh, chứ không phải bây giờ chỉ cần chịu niệm Phật thì sẽ được vãng sanh đâu. Người chịu niệm Phật, nhưng phải niệm chân thành, phải tha thiết cầu nguyện vãng sanh ngay lúc lâm chung thì mới được vãng sanh, chứ không phải chỉ cần chịu niệm Phật là được vãng sanh.

Người nào nói, chỉ cần hôm nay niệm Phật thì tôi sẽ được an nhiên tự tại vãng sanh, thì đúng là người bất cẩn!… Thượng mạn lắm rồi!… Bất cẩn vì không chịu nghĩ đến nghiệp chướng của mình đã quá lớn!… Làm sao giải quyết đây? Thượng mạn vì không chịu nhận mình là phàm phu, không nghĩ đến oán thân trái chủ sẽ ứng hiện bất ngờ trả thù, đòi nợ!… Làm sao ra chồng đỡ đây? Ách nạn trùng trùng, mình có chịu đựng nổi không? Hãy nhớ cho kĩ chỗ này nhé.

Cho nên, chưa thực sự đối diện với nghiệp chướng thì chưa vội tự mãn. Khi đã đối diện với nghiệp chướng rồi mới thấy rõ tội chướng của chính ta. Chưa đối diện với oán thân trái chủ thì chưa vội vàng tự đắc. Khi đối diện với những mối hận thù truyền kiếp rồi mới thấy rõ năng lực thực sự của mình.

Vì thế, ỷ vào sự niệm Phật hôm nay mà nghĩ rằng mai này mình sẽ được an nhiên tự tại vãng sanh là điều quá thiếu căn bản. Nhất định phải lo tu hành, phải tập bình tĩnh đối diện với những chướng nạn trong đời, hãy coi đó như những vốn luyến quí báu giúp cho ta có một khả năng chịu đựng trước nhiều thử thách cam go trong lúc lâm chung mà bắt buộc ta phải vượt qua để vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Chướng nạn trùng trùng không kể hết. Chính vì thế, hộ niệm vẫn là điều tối cần thiết, không thể thiếu, đối với hàng phàm phu nghiệp chướng sâu nặng. Xin đừng nghĩ đơn giản rằng, hôm nay ta có niệm Phật, thì mai này ta sẽ tự tại vãng sanh. Mong chư vị phải cẩn thận lo toan, để nhất định có nhiều cơ hội vãng sanh thành đạo.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm - Chương 2: Người Bệnh Và Vấn Đề Hộ Niệm

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –