Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 121)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin chư vị mở trang 50, vấn đề 21:
Nhờ hộ niệm mà nhiều người sau khi ra đi lưu lại thoại tướng rất tốt đẹp. Điều này chứng tỏ gì đây.
Hôm trước chúng ta đã nói qua, có thể dùng Pháp Hộ-Niệm để ấn chứng cho sự thành tựu của một người học Phật. Sự ấn chứng này khá đơn giản, cụ thể, không mập mờ nữa. Thì hôm nay chúng ta lấy sự thành tựu này, nghĩa là lấy hiện tượng của những người ra đi lưu lại thoại tướng tốt đẹp để chứng minh cho điều gì đây?
(a): Hộ niệm đúng với chánh pháp, dễ thực hành, nhưng thành tựu lại rất cụ thể và vi diệu.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Hộ niệm đã đưa người niệm Phật thành tựu một cách cụ thể và vi diệu. Niệm Phật là chánh pháp của Phật. Hộ niệm là đem chánh pháp của pháp môn Niệm Phật thực hiện chính xác đến tận mọi người, đến từng căn cơ. Trong thời mạt pháp này mà gặp được chánh pháp này, giúp cho từng người thành tựu đạo quả, xin thưa với chư vị, đúng là một cơ duyên quý báu, vô cùng hy hữu, vô cùng hiếm có. Xin chư vị hãy trân quý Pháp Hộ-Niệm này. Hãy giữ gìn Pháp Hộ-Niệm để cứu lấy chính ta, cứu người có duyên.
Chúng ta thử nêu lên câu hỏi này nhé:
– Nếu như không gặp được Pháp Hộ-Niệm này, một đời tu hành, liệu chính mình có hy vọng rằng sau cùng khi ra đi có được sự thành tựu gì không?
Chư vị nghĩ thử là có thành tựu gì hay không? Hàng triệu người trong quá khứ, khi đang tu hành ai cũng đều nuôi hy vọng là sau cùng sẽ được một sự thành tựu nào đó, có người còn mơ đến chuyện giải thoát tam giới lục đạo… Nhưng kết quả thì sao? Hình như là hàng triệu người ra đi thì có hàng triệu người bị nạn!… Tìm ra một người được thành tựu khó lắm phải không? Tại sao vậy?
Chư vị ơi!… Chúng ta đang sống trong thời mạt pháp, chánh pháp của Phật không còn nhiều lắm đâu. Đừng vội thấy những hình ảnh sôi nổi, thịnh vượng nào đó mà cho rằng chánh pháp nhé. Nếu chánh pháp mạnh như vậy thì ít ra đây cũng là thời tượng pháp, chứ không thể nào là thời mạt pháp được. Mạt pháp rồi thì chánh pháp khó gặp lắm đấy. Rất nhiều người thật tâm muốn tu hành nhưng không biết đâu là chánh pháp để tu, không biết làm sao tu cho đúng, thành ra đường tu gặp quá nhiều chướng ngại, bị quá nhiều sơ suất mà thường vướng phải trùng trùng ách nạn.
Khi gặp được Pháp Hộ-Niệm, nhờ Pháp Hộ-Niệm mà có sự thành tựu hiển hiện ra trước mắt, làm cho chúng ta giựt mình tỉnh ngộ ra rằng, đây quả là một pháp đại tu chân chánh, có thể cứu độ chúng sanh thoát vòng đọa lạc, chứ không phải chỉ là một sự việc nho nhỏ nhằm hỗ trợ cho người sắp chết như có người đã hiểu lầm đâu. Pháp Hộ-Niệm vạch ra những điểm sơ xuất cần phải tránh, những điểm quan trọng cần phải giữ, những điểm nào đúng, những điểm nào sai… từng điểm, từng điểm cụ thể để nương theo mà tu tập, sửa chữa cho thành tựu. Gặp được Pháp Hộ-Niệm rồi khiến cho chúng ta ngộ ra: À!… Tu hành cần phải cụ thể, thực tế như vậy đấy mới được thành tựu. Nhất định không thể mông lung mơ hồ nữa mà sau cùng cam đành chịu thất bại.
Thưa với chư vị, nếu thấy rằng chính mình thực sự rất cần đến Pháp Hộ-Niệm hỗ trợ để hết báo thân này được phần vãng sanh thành đạo, thì Diệu Âm xin tha thiết nói với chư vị rằng, tự mỗi người phải gìn giữ lấy pháp đại cứu tinh này. Nếu chúng ta ỷ lại, phân vân, xao xuyến… thì thời gian lưu trụ của Pháp Hộ-Niệm này sẽ không được dài lâu đâu. Tại sao vậy? Xin thưa là, chúng ta đang ở trong thời mạt pháp rồi, chánh pháp của Phật luôn luôn bị chướng ma phá hoại, không dễ gì tồn tại lâu bền như chúng ta mong muốn đâu. Cộng nghiệp của chúng sanh đã quá nặng nặng rồi, ngũ trược ác thế khuấy nhiễu mạnh lắm, làm cho chúng sanh càng ngày càng mê muội, cứ tiếp tục chìm đắm theo những con đường sai lầm để bị đọa lạc.
Vậy thì, trên đường tu tập, gặp phải một thử thách gì xin chư vị hãy tự hỏi rằng, tinh thần của mình có chao đảo không? Có phân vân không? Nếu gặp người chê bai, đả phá mà mình thoái tâm, thì coi chừng chính mình tự bỏ rơi chánh pháp, chạy theo đường nào khác để sau cùng chung phần chịu khổ nạn. Tu phải có đường, về phải có đích, tâm phải có chủ định rõ rệt mới có thể vượt thoát cảnh khổ nạn của thời mạt pháp này. Trên thế gian này người lý luận về giải thoát thì quá nhiều, nhưng người thực tế được thành tựu sự giải thoát thì quá hiếm hoi. Chúng sanh thường xuyên bị rơi vào thảm nạn đau thương, chịu cảnh đọa lạc nhiều đến vô lượng vô biên mà nhiều người không chú ý đến.
Vậy thì, hãy giữ tâm lực vững vàng, không được yếu đuối mà bị dòng đời lôi cuốn, chuyển xoay, để kết quả tất cả đều theo đó mà đi đọa lạc nhé chư vị. Thời mạt pháp chỉ có Tịnh-Độ mới thành tựu. Tu hành mà không đúng theo lời Phật dạy, thì dễ gì tìm thấy một người ra đi với thân tướng tốt đẹp để có chút ít hy vọng được giải thoát đây. Xin chư vị hãy tự gìn giữ lấy chánh pháp để cứu độ nhau. Nếu sơ ý, chánh pháp rất dễ bị mai một, sau đó chúng ta còn có cơ duyên nào khác để thoát nạn?
(b): Hộ Niệm trở thành “Đại Cứu Tinh” cho mọi người trong thời mạt pháp, ai cũng có cơ hội giải thoát ách nạn của nghiệp chướng.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Ai cũng có thể thoát khỏi ách nạn của nghiệp chướng, nhưng vì không biết đường tu mà nhiều người bị nghiệp chướng lôi vào tam ác đạo thọ nạn. Con người thọ nạn nhiều quá!… Hôm trước chúng ta nói về sự ấn chứng. Một người khi ra đi mà thân tướng cứng đơ, sắc tướng vô cùng hãi hùng, đó là ác tướng hiển hiện, chứng tỏ đời kiếp sau họ bị nạn. Nếu suy nghĩ thật kỹ mới thấy ách nạn này lớn lắm đấy. Một cuộc đại chiến xảy ra, giết hại vô số mạng sống con người, trong 100 triệu người có thể có tới 1 triệu người bị giết hại, nhưng dù tệ hại thế nào đi nữa thì vẫn còn có người sống sót. Trong khi đó, chính vấn đề sanh tử luân hồi, những ách nạn từ nghiệp chướng, báo chướng, oán thân trái chủ chướng… thì trong 100 triệu người, từng người từng người đều bị giết chết, khó sót lọt một người. Vậy mà ít ai để ý đến!…
Chính vì vậy, một người làm đạo phải biết nhìn cho thấu, nhìn cho xa, nhìn cho rộng để giữ được cái tâm bồ-đề kiên cố. Làm đạo là cứu cái huệ mệnh ngàn đời vạn kiếp của chúng sanh, không thể chấp trước vào lịch sử, đảng phái, chủng tộc, văn hóa mà thoái tâm bồ-đề được. Hộ niệm nhằm cứu một người vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc trở thành bậc vô sanh vô tử, nếu cứu được từng người, từng người vãng sanh như vậy, thực sự công đức vô lượng vô biên, không có việc thiện nào của thế gian có thể sánh bằng được.
Đức Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật vì muốn cứu chúng sanh thoát cảnh sanh tử khổ nạn, Ngài đã buông thế gian xuống, bỏ cung vàng điện ngọc, chịu làm kẻ khất sĩ xin ăn để hành đạo. Đức Phật A-Di-Đà địa vị ở thế gian của Ngài là Thế Nhiêu Vương, Ngài cũng bỏ ngôi vua, xuất gia hành đạo để cứu chúng sanh. Chư Phật vì muốn cứu độ chúng sanh, các Ngài khuyên nhắc đến đắng mồm đắng miệng mà chúng sanh vẫn không chịu nghe theo, cứ chấp lấy những cảnh giả tạo vô thường mà hơn thua, đấu tranh, gây sự để tiếp tục chịu cảnh đọa lạc. Thật đáng thương thay!…
Vì thế, làm đạo tâm cần phải vững, nếu không vững thì khó lòng chịu đựng nổi sự chấp trước của thế gian. Trong kinh Phật có nói cho chúng ta biết cái nguyện hạnh của Ngài Phú-Lâu-Na. Ngài vì đạo pháp, vì thương xót chúng sanh mà sẵn sàng xả bỏ thân mạng để đến một nơi để hoằng truyền Phật Pháp, mà nơi đó chúng sanh rất hung hiểm, cang cường, nan điều, nan phục, có thể sát hại Ngài. Vậy mà Ngài không hề lo sợ, chỉ vì Ngài thực sự đã khai ngộ, đã thấy rõ mạng sống trên đời chỉ là phần đoạn sanh tử vô thường tạm bợ. Còn sống ngày nào Ngài còn làm đạo, ngày nào mãn phần, Ngài đi về với Phật. Thế thôi.
Cho nên chúng ta muốn thực sự giải thoát, thì tự mỗi người phải lập hạnh vững vàng, nếu tâm không có chủ định, dù có gặp chánh pháp của Phật, thì chánh pháp cũng sẽ sớm nở tối tàn, đường giải thoát cũng sáng hy vọng chiều thất vọng vậy thôi. Gặp người nào có duyên chúng ta nhất định phải hổ trợ họ. Niệm Phật hộ niệm giúp người vãng sanh công đức vô lượng vô biên, có công đức nào trên đời này có thể so sánh được.
Thưa với chư vị, nếu biết rằng đây là pháp đại cứu tinh cho mọi người trong thời mạt pháp này, thì tất cả chúng ta phải biết trân quý, thực sự trân quý. Nếu tâm ý mông lung vô định, bị ý niệm của thế gian lôi cuốn, thì dù có tu hành đi nữa nhất định cũng khó có cơ duyên giúp được một người thoát nạn.
(c): Hộ niệm là một pháp tu khế lý – khế cơ, đặc biệt rất hợp với thời mạt pháp này.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Khế lý là hợp với lý đạo. Lý đạo của Phật dạy là lý duy tâm. Vạn pháp duy tâm tạo. Pháp Hộ-Niệm thực hiện đúng lý đạo “Vạn Pháp Duy Tâm” này.
Nhiều người tu hành thời gian khá lâu, tưởng vậy là đủ, nhưng không ngờ rằng, đến lúc lâm chung bệnh khổ hành hạ, bị vùi dập bởi những cơn khổ đau, làm cho tâm hồn hỗn loạn, không biết đường nào mà hóa gỡ để giải thoát. Đây là có nhân tu hành, nhưng bị nghịch duyên bởi nghiệp khổ phá hoại mà không thành đạt được quả báo tốt đẹp. Xin thưa với chư vị, hộ niệm cho người là chúng ta tạo cái thuận duyên cho họ, để nhân lành của chính họ gặp được duyên lành mà họ thành tựu được cái quả báo tốt đẹp đấy. Xin đưa ra một ví dụ, người hộ niệm ngồi trước người bệnh, nói:
– Bác Chín ơi!… Cố gắng niệm Phật nhé. Mọi sự xảy ra đều có chúng con ở sát bên cạnh hộ niệm, giúp đỡ cho Bác đây. Đừng lo sợ nhé. Hãy kiên cường dũng mãnh niệm Phật, A-Di-Đà Phật sẽ phóng quang gia trì cho Bác, chư Bồ-Tát sẽ gia trì cho Bác, chư Thiên–Long Hộ-Pháp sẽ giúp đỡ bảo vệ cho Bác…
Suy cho thật kỹ, thì những lời này không phải tầm thường đâu, mà nó diễn tả cái đạo lý duy tâm vô cùng trọng yếu, làm cho người bệnh vững tâm, không còn lo sợ nữa. Không lo sợ thì tâm được an tịnh. Tâm an tịnh thì tâm này trở về cảnh giới an tịnh. Hộ niệm là giúp cho người đó quyết lòng niệm Phật, tha thiết nguyện vãng sanh. Tâm nào niệm Phật cầu nguyện vãng sanh, thì tâm đó đi về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo. Đây là đạo lý duy tâm. Tâm đã vững rồi thì tâm này cứ thẳng đường đi về cõi Phật. Xác thịt này là vật chất đương nhiên sẽ tan rã theo cát bụi vậy thôi.
Còn nếu khi nằm xuống, cái xác thịt này đau đớn, nghiệp khổ hành hạ mà chúng ta lo sợ, tinh thần hỗn loạn lên… thì cái tâm này bị vùi dập vào trong cảnh đau khổ đó để chịu nạn rồi. Vạn pháp duy tâm là vậy đó chư vị ơi!… Đạo lý duy tâm là vậy đó, chư vị đồng ý không?
Vậy thì đừng nên thấy Pháp Hộ-Niệm này quá đơn giản mà xem thường nhé. Thực tế nó vi diệu đến nỗi có thể trực tiếp hóa giải mọi điều khó khăn, không những giúp cho hàng phàm phu thoát được nạn khổ, mà còn vãng sanh Tịnh-Độ một đời thành tựu đạo quả. Chỉ còn lại một vấn đề là con người có tin sâu để thực hành đúng để thành tựu hay không vậy thôi.
Tu hành cần nên thực tế một chút để có cơ duyên thoát nạn, đừng nghĩ rằng nghiên cứu nhiều là hay, đừng nghĩ rằng lý luận cao là giỏi. Không đâu! Điều quan trọng là lúc cuối đời nằm xuống, liệu có thực hiện được những lý cao luận diệu đó hay không? Khế-lý khế-cơ là ở chỗ này. Lý cao luận diệu thuộc về lý. Làm sao thực hiện cho được những đạo lý đó thì thuộc về cơ. Khế lý mà không khế cơ, thì lý đó cũng chỉ là vọng tưởng, hoặc nói cho vui tai chứ chưa phải thực sự là hữu dụng.
Pháp Hộ-Niệm có thể giúp cho một người phàm phu trí độn mà lúc xả bỏ báo thân tâm hồn của họ an định, nghị lực kiên cường, quyết lòng niệm Phật và được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thì đúng là khế lý, hợp với đạo lý duy tâm. Đây cũng đúng là khế cơ, vì chính họ đã thực hiện sự thành tựu.
Đạo lý duy tâm đúng là chánh pháp cứu độ chúng sanh, không thể xem thường. Qua phần khế-lý khế-cơ, Diệu Âm xin nói rõ hơn để hy vọng chúng ta cùng thấy rằng, Pháp Hộ-Niệm thật không thể xem thường. Một pháp tầm thường thì không thể nào cứu được từng người trong hàng phàm phu mà vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo được. Mong rằng mọi người thấy được sự thành tựu cụ thể này mà trân quý một pháp tu cực kỳ vi diệu.
Riêng về khế cơ, với một pháp môn mà người già và em bé đều tu được, người nghèo và kẻ giàu đều tu được, bà bán bánh ú cùng vị tiến sĩ đều tu được… Nói chung, người nào chí thành tin tưởng đều được lợi lạc, thì đây là pháp đại khế cơ. Đại khế cơ mà hợp với lý đạo giải thoát của Phật thì đưa đến đại thành tựu. Pháp Hộ-Niệm thật sự ứng hợp tiêu chuẩn đại thành tựu này.
Riêng về căn cơ, chúng ta cũng nên nhận thức đứng đắn một chút. Xin đừng lầm tưởng rằng người có học thức cao là hàng thượng căn. Không phải vậy đâu. Thế gian pháp là chuyện của thế gian. Phật pháp là chuyện xuất thế gian. Sự thành tựu của thế gian để hưởng võn vẹn vài chục năm, rồi sau đó phải bỏ mà ra đi với bàn tay trắng, không mang theo được gì cả, thì không thể gán ép vào pháp xuất thế gian được.
Ngài Liên Trì Đại Sư, Tổ thứ 8 của Tịnh-Độ Tông Trung Hoa dạy rằng, người nào tu hành một đời này thành tựu là thượng căn, người nào tu hành phải trải qua tới 3 đại a-tăng-kỳ kiếp mới có thể thành tựu là trung căn, còn người tu hành đến vô lượng kiếp chưa chắc sẽ được gì thì hạ căn. Ngài lấy sự thành tựu ấn chứng cho căn tánh của một người. Như vậy, hành giả niệm Phật vãng sanh vô tình được Ngài đánh giá là người có căn lành thượng thừa vì tu một đời vãng sanh thành Phật. Chí lý!… Thật chí lý!…
Thời mạt pháp này vật chất, khoa học, kỹ thuật mạnh lắm, tâm linh của con người xuống thấp lắm. Tương lai tâm linh còn tiếp tục xuống nữa, con người càng ngày càng mất cơ hội giải thoát. Khi tâm linh rơi xuống tận tới đáy, thì con người ở thế giới này không còn biết gì về đạo giải thoát nữa, kinh Phật bị bỏ quên trong kho, duyên học Phật của chúng sanh không còn nữa. Đây gọi là thời diệt pháp. Trong kinh Vô-Lượng-Thọ, Phật dạy: “Mạt pháp chi hậu, Kinh Đạo diệt tận…”. Sau thời mạt pháp, kinh pháp của Phật dần dần diệt tận là do thiện căn phước đức chúng sanh càng ngày càng mỏng, nghiệp chướng càng ngày càng nặng, tâm linh càng ngày càng yếu… Chánh pháp bị mạt từ trong tâm này mạt ra. Như vậy, diệt pháp là lúc chúng sanh mất hết căn lành, không còn tin vào Phật Pháp nữa, chứ không hẳn là kinh Phật bị mất hết.
Pháp Hộ-Niệm rất hợp với thời mạt pháp này. Thời mạt pháp phải ứng dụng cái pháp nào dễ hành, cụ thể, thiết thực mới có thể cứu được chúng sanh, còn những đạo lý cao siêu dễ biến thành một thứ vọng tưởng đối với hàng chúng sanh hạ căn nghiệp chướng sâu nặng. Chúng ta là hàng phàm phu, cần phải thấu hiểu tình cảnh của chính mình, mà lo hộ niệm cho nhau vãng sanh Tịnh-Độ. Phải giữ tâm hạnh vững vàng, kiên nghị để được vãng sanh. Nếu lơ là, khinh thường Pháp Hộ-Niệm coi chừng khi nằm xuống sẽ mù mù mịt mịt, tâm hồn sẽ rối loạn, không biết đường nào xoay chuyển đó!…
Khi gặp người không tin, ta tự hỏi lấy mình có phân vân không? Gặp kẻ chống đối, ta tự hỏi lấy mình có lay chuyển không? Tâm lực phải vững vàng ngay bây giờ, cần tôi luyện tâm ý vững vàng như tường đồng vách sắt, thì mới vượt qua trùng trùng ách nạn từ nghiệp chướng, vượt qua trùng trùng ách nạn từ nghịch duyên… để chúng ta vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Cầu mong cho tất cả chư vị đều viên thành đạo quả.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.