Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 133)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Trang 55, vấn đề 25:
Khinh thường Pháp Hộ-Niệm là một sự sơ suất rất lớn. Tại sao?
Đây là một câu hỏi và cũng là lời nhắc nhở rất nghiêm trọng cho tất cả mọi người chúng ta. Nếu coi thường Pháp Hộ-Niệm thì tự mình tạo ra một điều sơ suất rất lớn. Những điều sơ suất khác có thể dẫn mình đến một thất bại nhỏ nào đó trong đời, nhưng sau đó mình còn có thể lập lại, làm lại. Còn khinh thường Pháp Hộ-Niệm thì coi chừng sự sơ suất này sẽ đưa mình đến chỗ thất bại vô cùng nặng nề, bị đọa lạc đau khổ qua nhiều kiếp số. Sự thất bại này lớn lắm, không thể xem nhẹ được.
Do đó, đây là một lời cảnh cáo rất nghiêm trọng đối với hạng người phàm phu tội chướng sâu nặng như chúng ta. Đối với những người cao thượng, những vị thượng căn thượng trí, hàng Bồ-Tát tái lai thì vấn đề này không quan trọng mấy. Đáng tiếc, chúng ta không phải hạng người Thượng Thiện Nhân hay chư Bồ-Tát gì cả, mà chỉ là hàng phàm phu đúng nghĩa, thì đây là vấn đề nhất định không thể xem nhẹ. Xin chư vị cùng chú ý quan tâm.
(a): Khinh thường Pháp Hộ-Niệm là tự cô lập lấy mình, dễ bị oán thân trái chủ tự do đánh phá, không ai điều giải được.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Rõ rệt đấy. Thực sự đấy. Tất cả mọi người như chúng ta ai cũng có oán thân trái chủ. Tất cả chúng ta vì sơ ý đã tạo nên những mối oán thù bất cộng đái thiên với chúng sanh trong nhiều cảnh giới, họ quyết tìm mọi cách để bắt chúng ta phải đền trả sòng phẳng những mối oán thù. Những mối oán thù này vô hình nhưng có thực, người biết đạo phải biết lo toan tìm cách hóa giải. Đã nhận thức rõ mình có mối oán thù truyền kiếp với pháp giới chúng sanh, mà sơ ý khinh thường Pháp Hộ-Niệm, thì tự mình cô lập lấy mình, tự rước lấy những tình huống hẩm hiu bi thảm lắm đấy. Một khi đối diện với oán nạn mà không có người hỗ trợ, giúp đỡ hóa giải thì tự ta trói mình đi theo sự báo thù đó mà chịu ách nạn vô cùng nặng nề. Ách nạn này không phải chỉ chịu trong một đời một kiếp đâu, mà coi chừng phải trải qua tới vạn đời vạn kiếp đấy.
Nếu đã nghe qua sự tích tu hành của Ngài Ngộ-Đạt Quốc Sư, chúng ta mới thấy cái oán nạn của oan gia trái chủ kinh khủng vô cùng! Ngài là một vị đại Thiền Sư chân chánh tu hành liên tục trong 10 đời, công đức rất lớn. Nghĩa là, suốt 10 đời tu hành, cứ một đời tịch đi Ngài lại tái sinh làm người tiếp tục tu tiếp. Công đức phước báu chân chánh tu hành liên tục trong 10 đời đã tích tụ quá lớn, sau cùng Ngài trở thành một vị Quốc Sư. Quốc Sư là thầy của vị Hoàng Đế đương thời. Nhưng không ngờ, Ngài bị cái ách nạn của oán thân trái chủ báo hại đến suýt mất mạng. Nếu không có Tôn-Giả Ca-Nặc-Ca tới giúp đỡ, kịp thời hóa giải, thì Ngài không cách nào có thể thoát nạn được. Xin chư vị hãy lấy sự tích này mà tự suy xét lấy chính mình.
Tôn-Giả Ca-Nặc-Ca tới cứu Ngài cũng là một hình thức hộ niệm đấy. Ngài là một vị đại Cao Tăng tu hành có công đức rất lớn mới được một vị A-La-Hán tới hướng dẫn, chỉ điểm, bảo vệ. Còn chúng ta là phàm phu mê muội, đã từng tạo nghiệp quá nặng, nếu còn khởi tâm thượng mạn nữa, thì chư vị nghĩ thử, liệu có một vị Thánh Nhân nào lại tới bảo vệ giúp đỡ chúng ta không? Làm gì có chuyện này. Không có một vị Thánh Nhân bảo vệ, không có người biết đạo bên cạnh giúp đỡ, thì ai sẽ là người giúp cho chúng ta đây? Chẳng lẽ nhờ oán thân trái chủ giúp đỡ à?!…
Xin thưa với chư vị, phàm phu như chúng ta thì người hiểu đạo gần gũi nhất chính là chư vị đồng tu đấy. Nhờ sự trợ giúp này mà tín tâm và nguyện tâm của chư vị mới mạnh mẽ vững vàng lên. Nhờ sự trợ giúp này mà mình được ổn định tinh thần chí thành niệm Phật đấy.
Vậy thì xin hãy tự hỏi: Ai giúp cho ta tín tâm không lay chuyển? Ai giúp cho ta nguyện tâm rõ ràng? Ai giúp cho ta niệm được câu A-Di-Đà Phật? Ai giúp cho ta trong cơn khủng hoảng lấy lại được tâm hồn ổn định? Ai giúp cho ta trong cơn nguy khó mà giữ được chánh niệm, không lạc đường?… Phải chăng chính là người hộ niệm. Xin đừng sơ ý xem thường Pháp Hộ-Niệm mà tự cô lập lấy mình. Xin đừng sơ ý mà đón nhận lấy những nạn tai một cách oan uổng.
Pháp Hộ-Niệm vãng sanh đơn giản nhưng quá vi diệu, quá quan trọng. Rất nhiều, rất nhiều người phàm phu như chúng ta đã nhờ đến pháp đơn giản này mà hóa giải được rất nhiều chướng nạn từ oán thân trái chủ, cùng rất nhiều chướng nạn khác. Xin đừng khinh thường Pháp Hộ-Niệm nhé.
(b): Lúc lâm chung chướng nạn chập chùng, cạm bẫy trùng trùng rất dễ bị nạn.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Câu trên và câu dưới liên hệ với nhau như 2 cái mắt xích. Oán thân trái chủ đến với chúng ta bằng hình thức gì? Một là dọa dẫm đánh phá, hai là bày ra cạm bẫy chập chùng để lừa chúng ta sập vào. Giống như cái bẫy chuột vậy. Bẫy chuột cài con chuột sập vào. Có ai muốn đưa ngón tay vào cho chiếc bẫy sập thử để biết sự đau đớn như thế nào không? Xin đừng sơ suất mà ân hận nhé! Có những cái bẫy lớn hơn dành cho những loài to lớn như voi, cọp, sư tử… Dù chúng to lớn, mạnh mẽ, hùng dũng, lanh lợi tới đâu nhưng khi đã sập vào bẫy rồi thì phải chịu thua, đành cuối đầu thọ nạn, không còn một cơ hội nào để thoát thân. Cạm bẫy giăng giăng, nguy hiểm quá!…
Tại sao con vật lại dễ sập vào bẫy vậy? Tại vì không biết đó là bẫy. Tại vì cái bẫy được đặt vào một chỗ rất đẹp, quá dễ thương. Tại vì miếng mồi quá ngon đang chờ trước mặt. Tại vì có một bữa ăn ngon đang tự nguyện dâng hiến ai mà chẳng ham!… Con cọp điềm nhiên bước thẳng tới, không có một chút đề phòng nào cả!…
Oán thân trái chủ rất thường cài bẫy người tu hành bằng những miếng mồi ngon lành như vậy. Xin chư vị hãy hết sức chú ý. Phải biết y giáo những lời dạy dỗ của chư Tổ Sư mà phụng hành. Phải biết lắng nghe những lời nhắc nhở của chư vị Cao Tăng để tu tập mới an toàn vậy.
Cụ thể là đừng bao giờ nghĩ rằng mình tu tập như thế này là đầy đủ rồi, là đạt đạo rồi, là dễ dàng chứng đắc rồi nhé chư vị… Không đơn giản như vậy đâu. Nghiệp chướng vẫn còn nặng nề, oán nạn vẫn còn trùng trùng! Người chân chánh tu hành, thực sự muốn được thành tựu không thể tự mãn với công phu nhỏ nhen này được.
Tại sao phải hộ niệm vậy? Tại vì bây giờ chị ngồi niệm Phật, nhưng lúc đó chị ngồi không được nữa! Bây giờ chị tỉnh táo, nhưng lúc đó chị không còn tỉnh táo nữa! Riêng chị bị bệnh không còn tỉnh táo, nhưng còn có tôi, còn nhiều đồng tu khác đang tỉnh táo, nhờ còn tỉnh táo và sáng suốt mới có thể giúp đỡ chị một cách tích cực. Người tỉnh táo giúp người đang mê, người đang khỏe giúp người đang bệnh, đó gọi là hộ niệm.
Vậy thì chúng ta lo liệu bằng cách nào đây? Một là thành tâm niệm Phật cầu vãng sanh, hai là kết đoàn với nhau để hộ niệm bảo vệ cho nhau. Nếu được như vậy thì sẽ vững tâm hơn, an toàn hơn, nhờ thế mới có cơ hội thành tựu trong thời mạt pháp này.
Rõ ràng phải học hỏi, phải chú trọng, phải nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm mới có thể cứu giúp nhau, mới cứu được cái huệ mạng của chính mình. Huệ Mạng của mình quý vô cùng, quý hơn túi thịt này chư vị ơi. Hãy mau mau ngộ ra đường giải thoát đi, đừng mơ mơ màng màng nữa mà đời đời kiếp kiếp chịu nạn đấy.
Lúc lâm chung chướng nạn chập chùng!… Ở đây chư vị nào có kinh nghiệm về lâm chung chưa? Chắc chắn chưa đâu. Nhưng khổ nỗi, mỗi người chỉ được quyền đối diện với cảnh lâm chung duy nhất một lần rồi đi luôn, không ai được quyền rút kinh nghiệm. Giả như có cơ hội rút kinh nghiệm thì hay biết bao, chúng ta sẽ điều chỉnh lại, sẽ làm tốt hơn cho lần cuối cùng. Nhưng quá cay nghiệt, cận tử nghiệp thật quá vô tình, nó đến bất ngờ rồi chi phối trọn vẹn, lôi chúng ta đi thọ nạn chứ không cho chúng ta cân nhắc chọn lựa.
Xin hãy lắng nghe lời Phật dạy. Trong kinh Hoa Nghiêm có câu: “Thị nhân chung thời nhất thiết chư căn tất giai tán hoại”. Thị nhân là ai? Trong kinh Hoa Nghiêm Phật nói cho hàng Bồ-Tát đấy. Đối với hàng Bồ-Tát mà Phật còn cảnh cáo rằng, coi chừng khi lâm chung tất cả các căn bị tán hoại. Tán hoại là bị hỗn loạn, bị khủng hoảng, bị mê muội, bị hủy hoại rồi… không còn tỉnh táo nữa đâu. Đối với chư vị thượng căn mà Phật còn nghiêm khắc cảnh cáo như vậy, huống chi là phàm phu như chúng ta. Vậy thì, nhất định chúng mình phải lo tính cẩn thận trước mới được.
Lo tính làm sao đây chư vị? Nhất định phải có những người chư căn còn đang tỉnh táo, trí óc còn đang sáng suốt đến bên cạnh để bảo vệ ta, nhắc nhở ta, hướng dẫn ta, chỉ điểm cho ta đi đúng đường thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc. Đừng nên sơ ý, tách rời đại chúng ra rồi âm thầm đi theo sự tán hoại, đi theo sự mê lầm, đi theo sự điên đảo mà thọ nạn. Chư vị có đồng ý không?
Tóm lại, người phàm phu mà sơ ý khinh thường Pháp Hộ-Niệm, thì đường tu hành phải gặp nhiều chướng ngại, nhất là khi lâm chung sẽ bị những cạm bẫy hiểm nguy chập chùng bủa vây… Lúc đó chịu thua rồi, không còn đường thoát nạn!…
(c): Lúc lâm chung không có người khai thị hướng dẫn đúng đường, bị nghịch duyên lôi kéo theo đường đọa lạc mà đành chịu oan uổng một đời tu hành.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Chúng ta vẫn thường nghe đến câu hỏi: “Tại sao có người tu hành lâu năm mà sau cùng vẫn bị nạn?”. Thật ra khi ứng dụng Pháp Hộ-Niệm rồi, chúng ta mới thấy được những hiện tượng ra đi lưu lại tướng lành, còn trước đó, khi mà Pháp Hộ-Niệm chưa được phổ biến rộng rãi thì hiện tượng này quá hiếm hoi. Cứ trở ngược lại khoảng thời gian trong tuổi đời của chính chúng ta thôi, 5-6 chục năm, 7-8 chục năm… chư vị có thấy được hiện tượng ra đi lưu lại tướng lành này không? Khó lắm!… Ít có dịp thấy đến phải không? Người tu hành có hàng vạn hàng ức, nhưng cuối cùng không thấy được 1 người ra đi lưu lại tướng lành, dù tướng lành này chưa hẳn là chắc chắn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, nhưng dù sao cũng thể hiện được một sự thành tựu căn bản nào đó.
Hiện tượng tướng lành không có, thì lý tưởng thoát vòng sanh tử luân hồi phải chăng chỉ là sự mơ tưởng, thiếu thực tế!…
Tại sao vậy? Xin thưa với chư vị, có phải là câu (c) này đã trả lời rõ ràng rồi không? Lúc lâm chung không có người dẫn dắt đúng đường thành ra người chết đã theo nghiệp thọ nạn rồi. Chỉ cần một tích tắc phân đo, “ấm cảnh hiện tiền, miết nhĩ tùy tha khứ” rồi. Miết nhĩ tùy tha khứ là cứ theo cái dòng đó mà đi luôn rồi. Lúc lâm chung cái thần thức chúng ta yếu đuối như cộng bún luột, mong manh như chiếc lá khô trong cơn bão táp. Chúng ta không bám trụ được, không định được gì đâu. Nhưng nếu lúc đó có chư Tăng Ni biết Pháp Hộ-Niệm, có đồng tu biết Pháp Hộ-Niệm, có người hiểu đạo vãng sanh ở bên cạnh mạnh dạn lên tiếng khai thị, nhắc nhở:
– Bác Tám ơi!… Bác sắp xả bỏ thân xác hư hại này rồi. Đời là huyễn mộng Bác ơi!… Tất cả mọi cảnh giới hiện ra trước mắt cũng chỉ là huyễn mộng, không thực đâu. Nhất định Bác đừng để tâm tới. Không sợ, không vui, không buồn, không màng tới nhé. Hãy nhiếp tâm lại niệm A-Di-Đà Phật với đại chúng, cầu A-Di-Đà Phật hiện thân theo Ngài đi vãng sanh thành Phật, bác Tám nhé…
Xin thưa với chư vị, người nào khi lâm chung mà có người ngồi bên cạnh khai thị nhắc nhở những lời này chính là những vị đại cứu tinh giúp mình vượt qua ách nạn chập chùng, vượt qua những cảnh khổ đọa lạc, đi về cảnh vui giải thoát đó.
– Bác Chín ơi!… Cảnh giới nào hiện ra cũng kệ. Tất cả đều là huyễn mộng!… Đừng lo, đừng sợ, đừng nghĩ tới, đừng tham gia vào… Cứ nhìn hình tượng A-Di-Đà Phật treo trước mặt, thành tâm niệm A-Di-Đà Phật cầu Phật lai nghênh tiếp dẫn. Có chúng con ở sát bên cạnh đang hộ niệm cho Bác đây. Yên chí nhé Bác. Nhất định niệm 10 niệm cầu vãng sanh để được Phật đến tiếp dẫn Bác về Tây-Phương hưởng đời an vui cực lạc, không còn khổ đau. Bác hãy nghe lời chúng con, niệm Phật theo chúng con nhé…
Lời nói này không phải cao siêu, hay triết lý gì cả, nhưng có thể giúp cho một người đang bị khủng hoảng trong những cảnh giới kinh hãi được an tâm lại, không còn sợ sệt nữa, nhờ vậy mà từ chỗ hoảng sợ họ lấy lại sự bình tĩnh, sắc mặt đang thất thần liền biến chuyển tươi tỉnh ra…
Xin dùng những lời khai thị mộc mạc này. Hãy học cái tâm hạnh chân thành, vững vàng nhưng đơn giản của người hộ niệm. Lời nói của người hộ niệm nhiều lúc phải cần mạnh mẽ để vực tâm hồn người bệnh lên, nhất là những lúc họ đang chìm vào những cơn ác mộng, những cảnh giới hoảng sợ. Chỉ cần vực cái tâm họ lên thì tự nhiên họ có thể tỉnh giác lại. Đây là cái kinh nghiệm quý báu của người hộ niệm, chúng ta nên mạnh dạn bày vẽ cho nhau để ứng dụng cứu người, đừng để họ tiếp tục chìm trong cảnh bị dọa nạt làm tâm hồn tán loạn mà theo đó đi vào tam ác đạo chịu nạn. Chúng ta phải cố gắng vực cái tâm họ lên. Tâm lực mà được mạnh lên, họ niệm câu A-Di-Đà Phật liền được cảm ứng. Lúc xả bỏ báo thân làm được như vậy, nhất định họ sẽ theo nguyện lực vãng sanh mà trở về Tây-Phương Cực-Lạc.
Mong chư vị nhớ kỹ những điều căn bản cụ thể này để ứng dụng vững vàng, như lý như pháp hầu cứu người vãng sanh, thoát vòng ách nạn.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.