Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 105)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Hôm nay chúng ta bắt đầu từ trang 43: “Vấn đề tự tại với bệnh khổ”.
Một người chân chánh tu hành thì thường thường họ rất tự tại trước bệnh khổ. Một người đã chứng đạo, thì các Ngài tự tại từ thể chất đến tinh thần, vì đã chứng đạo thì các Ngài đã vượt qua nghiệp chướng không còn bị bệnh khổ nữa, hoặc giả nếu có bệnh khổ thì đây chẳng qua chỉ là sự thị hiện. Còn chúng ta là hàng phàm phu chưa chứng đạo, nhưng nếu thực sự chân chánh biết đường tu hành, thì sự tự tại trước bệnh khổ ta vẫn có, nhưng so sánh với các Ngài ta chỉ có một nửa thôi. Nghĩa là sao? Nghĩa là, thể chất hay thân thể của chúng ta vẫn còn bị bệnh khổ, nhưng tinh thần của chúng ta ít ra cũng được tự tại. Đây là một vấn đề liên quan mật thiết với sự tự tại vãng sanh. Mong chư vị chú ý theo dõi để tìm hiểu thử nhé.
(a): Người niệm Phật không bao giờ bị đau bệnh.
Đúng hay sai? – (Sai). Chúng ta đã tự nhận rõ mình là hàng phàm phu thì cái thân bệnh này phải chịu bệnh là đúng. Là phàm phu mà hy vọng rằng khi ra đi tôi không bị đau bệnh gì cả thì chỉ là vọng tưởng. Một người đang bị nghiệp chướng chi phối mà nghĩ rằng khi ra đi, từ thân thể đến tinh thần đều tự tại, không đau bệnh gì cả thì không thực tế đâu. Đã không thực tế thì chúng ta hãy bỏ hẳn ý niệm này đi, đừng mơ tưởng tới nữa, mà nên chuẩn bị rằng khi ra đi chúng ta sẽ bị bệnh khổ chi phối đấy. Nhiều người mập mờ vấn đề này, nên khi bị bệnh thường lo sợ đủ điều, còn chúng ta dự biết rõ rồi, thì khi bệnh xuống chúng ta không lo sợ nữa. Đây là tâm trạng của những người tự tại trước bệnh khổ. Tự tại trước bệnh khổ là cái tâm ta phải vững vàng để đi vãng sanh vậy.
(b): Người niệm Phật có thể bị bệnh, nhưng không bao giờ bị căn bệnh hành hạ đau nhức.
Đúng hay sai? – (Đúng!… Sai!…). (Có người nói đúng, có người nói sai). Xin nhắc lại vấn đề: Người niệm Phật có thể bị bệnh, nhưng không bao giờ bị căn bệnh hành hạ đau nhức. Đúng hay sai? – (Sai). Cái thân bệnh này đã bệnh, bị bệnh thì làm sao tránh khỏi đau nhức! Ví dụ chính Diệu Âm đang bị đau ở cái vai đây. Đau nhiều lúc chịu không nổi! Đã là thân bệnh, đã chịu nghiệp chướng, đã bị bệnh khổ… thì chắc chắn cái thân này phải chịu khổ. Nên nhớ cho, đây là chuyện bình thường. Đừng bao giờ nghĩ rằng, có công phu tu hành được chút ít như thế này thì có thể vượt qua nghiệp chướng, không còn bệnh hoạn, hoặc bệnh mà không đau nhức nhé. Người nào muốn không bị đau nhức thì đơn giản thôi, chỉ cần uống thuốc giảm đau, chích thuốc morphine thì hết. Nhưng chích morphine thì đành phải chịu mê man bất tỉnh vậy thôi.
Vì thế, đã là thân nghiệp thì phải chịu bệnh khổ. Cái thân này chấp nhận trả nghiệp, nhưng đừng để cái tâm này theo nghiệp mà thọ nạn nhé. Vấn đề này liên quan rất lớn và vô cùng hệ trọng đến việc vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Nên nhớ cho kỹ.
Do đó, người muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc mà mỗi khi gặp bệnh lại lo lên lo xuống, sợ lên sợ xuống, ngại lên ngại xuống thì sẽ gặp khó khăn vô cùng, chướng ngại vô cùng. Đây là tiền đề của trạng thái hỗn loạn, hoảng sợ, không thể tự tại được. Vậy thì, sự tự tại làm sao mà có đây?
(c): Người niệm Phật khi bệnh đến không nên sợ hãi, hãy an nhiên chấp nhận.
Đúng hay sai? – (Đúng). Đúng đấy. Bây giờ chúng ta bắt đầu đi vào vào chuyện tự tại trước bệnh khổ nè. Người niệm Phật quyết lòng vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thì khi bệnh đến không nên sợ hãi, không nên lo âu, không nên phiền muộn quá đáng, mà hãy an nhiên chấp nhận bệnh tình. Đây là điểm đầu tiên trong sự tự tại của người quyết lòng niệm Phật. Chúng ta đã từng nói rằng, muốn lấy được cái báo thân của một vị Bồ-Tát bất thoái trên cõi Tây-Phương Cực-Lạc thì bắt buộc phải liệng cái báo thân này đi. Bất cứ một vị nào, trong một giai đoạn của thời gian chỉ có 1 cái báo thân mà thôi, chứ không thể nào cùng một lúc có 2 báo thân được. Chư Phật cũng vậy, chỉ có 1 báo thân thôi, chứ không có được 2 cái báo thân, chỉ khác là Báo-Thân của các Ngài là thân thanh hư vô cực, có phước huệ viên mãn, trang nghiêm tốt đẹp phi thường, có hào quang phát ra sáng ngời. Còn báo thân của chúng ta là thân báo đời, là thân nghiệp chướng, thân bất tịnh, nên thân thể của chúng ta còm cõi, khổ sở, đau bệnh là điều bình thường.
Một điểm thua thiệt nữa là chúng ta không có hóa thân, còn các Ngài thì có hóa thân vô lượng vô biên, gọi là “Thiên bá ức hóa thân”. “Quang trung hóa Phật vô số ức” nghĩa là báo-thân Phật có ánh sáng, ánh sáng phát tới đâu thì có hóa-thân Phật ứng hiện vô lượng vô biên. Khi trở về cảnh giới Tây-Phương Cực-Lạc của Phật thì chúng ta cũng có vô lượng vô biên hóa-thân như Phật, còn báo-thân thì chỉ có một mà thôi.
Như vậy, muốn trở về Tây-Phương Cực-Lạc để nhận lấy báo thân của một vị Bồ-Tát bắt buộc chúng ta phải liệng cái báo thân phàm phu này. Vậy thì khi một căn bệnh khổ đến, bác sĩ bảo rằng không cách nào chữa được, mà người niệm Phật lại lo âu, sầu bi, tìm mọi cách chữa trị theo kiểu còn nước còn tát, nghĩa là còn quyết bám lấy cái báo thân trần tục này, thì không thể nào có cơ hội nhận được cái báo thân của một vị Bồ-Tát, nhận được báo thân Phật.
Cho nên khi người đã ngộ đạo, muốn trở về Tây-Phương Cực-Lạc thành Phật, thì gặp một cơn bệnh ngặt nghèo không còn cách nào chữa trị được nữa, thì tinh thần cần phải ổn định, chờ cơ hội liệng cái cục nợ khổ nạn này để trở về Tây-Phương lấy được báo thân của vị Bồ-Tát bất thối mà thành đạo. Rõ ràng, người niệm Phật cầu vãng sanh đến cái chết cũng không hề lo sợ, thì sợ chi đến những căn bệnh. Phải nhớ cho kỹ cái cái tinh thần này để được tự tại khi ra đi. Đây là những điểm vô cùng căn bản thuộc về lý đạo giải thoát, phân tích thì cao lắm đấy, nhưng ứng dụng ở đây thì rất cụ thể để gìn giữ tinh thần chúng ta vững vàng mà đi vãng sanh. Xin chư vị cần nắm vững.
(d): Bị bệnh hành hạ đau nhức nhưng không lo, không sợ, tinh thần vẫn vững vàng niệm Phật chờ ngày vãng sanh.
Đúng không? – (Đúng). Đây là điểm thứ hai xin nhắc nhở cho nhau. Cần nhớ là tinh thần của chúng ta phải vững vàng, chứ không dám nói rằng thân thể của chúng ta vững vàng. Thân thể của chúng ta có thể đi không nổi, có thể nằm một chỗ, có thể giở tay lên không nổi, nhưng tinh thần của người niệm Phật phải vững vàng để theo Phật vãng sanh, gọi là tự tại trước tử sanh.
Rõ ràng, về hình thức thì Pháp Hộ-Niệm này đơn giản, thực tế, nhưng tìm hiểu về lý đạo thì sâu rộng đến bao trùm khắp pháp giới. Những người không hiểu thấu về hộ niệm thì không thể thấy được điểm thiết thực trọng yếu này, cứ chạy theo những lý luận xa vời cao siêu gì đó tưởng là hay, không ngờ đến cuối đời gặp bệnh thì tâm hồn sầu bi, lo âu, phân vân, lo sợ không biết chết rồi đi đâu? Tu hành mà tâm không có chủ định thì cuối cùng cũng khó thành tựu được gì!… Trong lúc bệnh hoạn mà tinh thần hoang mang, phân vân, lo sợ… lỡ như căn bệnh này là điểm cuối cùng trong phần đoạn này, nếu lúc ra đi mà mông lung vô định, thì mất vãng sanh đã đành, mà coi chừng tự dìm lấy huệ mạng vào ba đường khổ nạn nữa đấy. Xin chư vị nhớ vấn đề này cho kỹ, đừng nên sơ suất nữa nhé.
(e): Bệnh nặng không còn chữa trị được nữa thì quyết buông xả để niệm Phật cầu vãng sanh, không cần lo chạy chữa cầu may theo kiểu còn nước còn tát của thế gian.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Đúng Đấy, hãy khui ra từng điểm, từng điểm rõ ràng, để chúng ta cùng suy xét. Thực sự muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, xin đừng khinh thường những điểm này. Ban đầu nói đến người bệnh nhẹ, sau đó nói đến bệnh nặng hành hạ đau nhức, bây giờ chúng ta nói đến chỗ bệnh ngặt nghèo không còn chữa trị được nữa. Rõ ràng từng bước, từng bước, chúng ta đi càng lúc càng sâu vào chi tiết một cách cụ thể để cùng nhau nắm vững mà tiến bước, thực hiện cho được con đường vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
Bệnh nặng không còn cứu chữa được nữa tức là chúng ta đang gần kề với sự sanh tử, đang chờ tới giờ lâm chung, đang chuẩn bị đối diện cái cảnh đau đớn đến nỗi không thở được nữa, mà đành phải xả bỏ báo thân đấy. Giai đoạn này không đơn giản đâu. Nếu không quyết lòng buông xả để niệm Phật cầu vãng sanh ngay từ bây giờ, thì làm sao lúc đó được vãng sanh?…
Lúc đó chư vị hãy quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh, vui vẻ cầu vãng sanh nhé. Nếu đi hộ niệm thấy một người tới giai đoạn đó mà quyết lòng niệm Phật tha thiết cầu vãng sanh, chúng ta có thể đoán đến 95% họ được vãng sanh, lưu lại tướng lành bất khả tư nghì. Còn nếu đến lúc đó, có người còn lý trên luận dưới, có người còn phiền não này phiền não nọ, có người còn lo âu này lo âu nọ… thì xác suất vãng sanh sẽ giảm trừ xuống. Chúng ta có thể làm một bài toán trừ đơn giản như vầy, cứ mỗi một vướng mắc như vậy hãy trừ giảm đi 10%. Ví dụ: Lý luận lung tung – Trừ đi 10%. Phiền não này nọ – Trừ đi 10%. Tại sao tâm tôi chưa được thanh tịnh – trừ đi 10%. Tại sao tôi niệm Phật nhiều mà chưa được nhất tâm bất loạn – Trừ đi 10%… Nói chung, không lo thành tâm niệm Phật, không lo tha thiết nguyện cầu vãng sanh, mà cứ lo đến những chuyện gì khác, thì sự lo nghĩ đó dù tốt hay xấu, dù đúng hay sai vẫn phải bị giảm trừ. Nếu trừ đến 50% thì còn chút ít hy vọng cầu may. Nếu trừ xuống mà xác suất vãng sanh chỉ còn 30-40% thì có thể sẽ thua cuộc rồi. Nghiệp chướng đã bắt đầu tràn lên rồi. Nếu phạm phải quy luật vãng sanh nhiều quá, xác suất vãng sanh chỉ còn 20% thì chắc chắn phải thất bại. Lúc đó nghiệp chướng đã làm chủ, oán thân trái chủ không còn buông tha nữa, chư Thiên Long Hộ Pháp cũng không cần ủng hộ cho anh nữa đâu, vì anh là người miệng niệm Phật mà tâm không muốn vãng sanh, niệm Phật mà tinh thần không vững, niệm Phật không được tương ưng.
“Nhất niệm tương ưng, nhất niệm Phật”, nghĩa là, một niệm tương ưng phải là niệm Phật chứ không thể niệm phân vân do dự. “Niệm niệm tương ưng, niệm niệm Phật”, là nhiều niệm vẫn là tiếp tục niệm Phật chứ không thể niệm đủ thứ mà có thể được tương ưng. Điều cần chú ý nhất cho người niệm Phật chính là ở chỗ này vậy.
Vậy thì, mong chư vị, có tin thì phải tin cho vững, có đi thì phải đi cho thẳng, đi cho đúng, đừng đi lệch lạc. Nhiều người niệm Phật mà tin không vững, đi không đúng, mông lung chập chờn thành ra bị thất bại là như vậy. Mong chư vị nhớ cho kỹ để thật vững vàng mà đi, đừng nên sơ suất nữa.
Cho nên, gặp lúc bệnh nặng không còn cứu chữa được là cơ hội để đo lường cái tinh thần mạnh hay yếu. Những người mà bác sĩ báo cho biết rằng bệnh của anh không còn cách nào cứu chữa được nữa mà người đó vui vẻ, tinh thần vững vàng, làm di chúc dặn do gia đình con cái, thành thật cảm ơn những vị đồng tu tới niệm Phật hộ niệm, và quyết lòng buông xuống vạn duyên, ngày ngày niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc… Xin thưa thực với chư vị, có tinh thần như vậy, chúng ta có thể đoán được xác suất vãng sanh của họ rất cao.
Nếu hiểu được rằng những điều này vô cùng quan trọng, thì nên lập chí niệm Phật cho vững, để vãng sanh cho ngon lành. Người quyết chí vãng sanh lúc nào cũng biết tự tại trước bệnh khổ, biết nương theo bệnh khổ mà đi về Tây-Phương Cực-Lạc.
Mong rằng những lời nói khá mộc mạc, nhưng thiết thực, cụ thể này giúp cho chúng ta có cơ hội vãng sanh thành đạo. Xin hãy xem xét thật kỹ, đừng nên vướng phải những điều sơ suất quá đơn giản, làm luống qua cơ hội giải thoát vô cùng hy hữu này. Bá thiên vạn kiếp khó tìm gặp lại đấy.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.