Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Câu (c): Hàng phàm phu phải cẩn thận tuyển chọn pháp môn vừa khế lý vừa khế cơ thì đường tu hành mới thành tựu được.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Nhiều người đánh giá rằng, tuyển chọn pháp môn là chấp trước!… Người niệm Phật cố chấp vào Pháp Niệm Phật, mà bỏ qua 84.000 pháp môn khác, nghĩ như vậy không đúng đâu.
Xin thưa với chư vị, Phật đã dạy đến 84.000 pháp môn tu học, thì tại sao Phật lại còn dạy chúng sanh một hướng chuyên niệm A-Di-Đà Phật cầu sanh Tịnh-Độ vậy?
Nếu niệm Phật vãng sanh là trọn đủ, thì bốn chữ “A-Di-Đà Phật” niệm lên là đủ rồi, cớ sao Phật phải giảng rất nhiều kinh, thuyết ra rất nhiều pháp môn, giảng giải suốt trong 49 năm trường vậy? Chắc chắn phải có nguyên nhân.
Có phải chăng vì chúng sanh quá mê mờ tiếp tục đi theo con đường đọa lạc, vì vô lượng chúng sanh cứ kéo nhau đi vào hầm lửa, vì chúng sanh không chịu tin lời Phật dạy … nên Phật phải kiên trì dẫn dắt, kiên trì giảng dạy, kiên trì tìm mọi cách để hóa gỡ ách nạn cho chúng sanh. Muốn cứu chúng sanh Phật phải tùy duyên, tùy căn, tùy cơ, uyển chuyển mà gỡ lần, gỡ lần, để mong có người ngộ ra mà phát tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ, một đời giải thoát.
Hiểu được điều này chư vị mới thông cảm cho Diệu Âm này, tại sao chỉ có Pháp Hộ-Niệm đơn giản này mà cứ nói mãi gần 20 năm trường rồi, nay vẫn còn nói tiếp. Chư vị ơi!… Pháp Hộ-Niệm dễ tu, dễ hành, dễ thực hiện để cứu giúp nhau thành tựu, nhưng chỉ vì đại chúng không tin, không nghe, còn quá nhiều người hững hờ cơ hội giải thoát, nên chúng ta phải chịu khó cố gắng tiếp tục chia xẻ nhiều hơn nữa vậy thôi.
Xin nhớ cho, gỡ rối cho người rồi mà không chỉ rõ con đường cho người thoát nạn, thì gỡ được cái rối này lại vướng vào cái rối khác, vô tình chướng nạn vẫn còn nguyên vẹn. Còn Pháp Hộ-Niệm là vừa gỡ rối cho nhau, vừa thúc nhau mau mau đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo, đừng nên hóa gỡ được một mối rồi thì quay đầu lại tìm mối khác để gỡ nhé. Chướng nạn của chúng sanh vô lượng vô biên chứ không phải chỉ một vài mối rối đang hiện hành này đâu. Phân tích ra chúng ta mới thấy có chỗ khác nhau của từng pháp tu hành.
Như vậy, gỡ rối là điều cần thiết, nhưng gỡ rối rồi mà không biết đường thành đạo, thì pháp tu biến thành Bất-Liễu-Giáo. Bất-Liễu-Giáo là cách tu hành nửa vời, lòng vòng trong sanh tử khổ nạn. Còn gỡ rối rồi, mà chỉ được cho chúng sanh con đường cụ thể để vãng sanh thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo thì mới là viên mãn, mới đúng là Liễu-Giáo. Liễu-Giáo là đường tu hành trọn vẹn, một đời thành tựu đạo quả.
Cách tu hành cùa chúng ta là dồn tất cả năng lực của mình vào con đường vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc để thành đạo. Hàng phàm phu trí cạn, sức yếu đừng nên đem cái năng lực hạn hẹp của mình dồn vào việc đánh phá nghiệp chướng, tiêu trừ nghiệp chướng để chứng chơn thường nhé chư vị, vì thành tựu theo phương cách này không dễ gì đạt được đâu. Người phàm phu mà quyết lòng phá nghiệp, dù chiến đấu cho đến hơi tàn sức kiệt vẫn không thoát khỏi ách nạn đâu. Phân tích rõ ràng ra, chúng ta mới thấy sự quý hóa của Pháp Niệm-Phật Hộ-Niệm Vãng-Sanh .
Pháp Môn Niệm Phật chủ yếu là “Đới Nghiệp Vãng Sanh”, hoành siêu tam giới, băng ngang qua lục đạo luân hồi, chứ không phải là pháp đi theo đường dọc, phá nghiệp tu tiến. Người niệm Phật không chủ tâm phá nghiệp, diệt nghiệp để cầu chứng đắc, mà hãy bao nghiệp lại, rời nghiệp ra, quyết bám chặt vào tâm nguyện vãng sanh để được vãng sanh, gọi là “Tụng Nguyện Vãng Sanh”, chứ không phải “Tùng nghiệp Thọ Báo”. Tâm không lo phá nghiệp, thì tâm không dính vào nghiệp, vô tình tâm ta tự tại trước nghiệp chướng. Tâm không bám vào nghiệp chướng, thì tâm ta ví như chiếc lá sen, nghiệp chướng rơi vào đều tự trôi đi hết, không dính lại được. Còn người nào ngày ngày lo nghĩ về nghiệp chướng, lo đánh phá nghiệp chướng, tâm tâm nhớ tới nghiệp chướng, thì tâm này không thể ví như chiếc lá sen được, mà trở thành một xấp vải nhung dày cộm, nhìn vào thấy khá đẹp đấy, nhưng không ngờ tất cả nghiệp chướng đều thấm sâu vào đó, gỡ ra không được. Mong chư vị hãy vững vàng đi theo con đường “Đới Nghiệp Vãng Sanh”, tự nhiên bao nhiêu nghiệp chướng rơi rụng ra, dành lối cho mình thành tựu đạo quả. Vô tình niệm Phật không cần phá nghiệp mà nghiệp chướng tự bế tắc là vậy đấy.
Ở đây chắc có lẽ nhiều vị đã có thân nhân bà con được hộ niệm vãng sanh rồi phải không? Chư vị hãy nghĩ thử coi, trước khi ra đi người thân của ta vẫn còn tràn trề nghiệp chướng phải không? Là hàng phàm phu thì nghiệp chướng này kể sao cho hết. Nếu lúc đó chư vị đến hướng dẫn cho họ cách phá nghiệp, gỡ nghiệp, hóa giải chướng nạn, thì chắc rằng hóa giải không xong. Hóa giải nghiệp chướng không xong, thì làm sao họ có thể thoát khỏi ách nạn? Nhưng người hộ niệm đến bên cạnh người bệnh,. Không khuyên họ lo phá nghiệp, mà khuyên họ hãy chấp nhận nghiệp chướng, thành tâm sám hối và quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Khuyên họ mạnh dạn trả một lần này nữa, không quay đầu trở lại chịu nạn, mà quyết lòng đi thẳng về cảnh Phật để thành Phật. Phật dạy tất cả đều do tâm tạo, cảnh giới tương lai do chính tâm mình quyết định, thì giờ này hãy dùng cái tâm lực mạnh mẽ mà đi vãng sanh. Rõ ràng Pháp Hộ-Niệm đã gỡ cho người bệnh cái rối của nghiệp chướng, và hướng dẫn cho họ con đường thành đạo, giải thoát. Tuyệt diệu vô cùng!…
Lời Phật dạy “Đới Nghiệp Vãng Sanh”, vãng sanh thì một đời thành đạo, đã minh định một cách cụ thể. Vậy thì cớ chi ta không đi? Tại sao ta không tin? Lý do gì còn nghi ngờ lời Phật dạy mà đoạn đành chấp nhận thọ nạn. Oan uổng lắm phải không chư vị?
Người phàm phu phải cẩn thận tuyển chọn pháp môn khế cơ, hợp với trình độ của mình để tu tập. Lời này của chư Tổ dạy, rõ nhất là Ấn Quang Đại Sư. Lời này cũng là lời Phật dạy. Trong kinh A-Di-Đà, Phật có nhắc đến 37 phẩm trợ đạo, trong 37 phẩm trợ đạo này có 7 phẩm dành cho người giác ngộ gọi là “Thất Bồ-Đề Phần”. Bồ-Đề là giác ngộ. Thất Bồ-Đề Phần là 7 điều cần nên giác ngộ để tu hành được thành tựu, điều đầu tiên Phật dạy là trạch pháp. Trạch pháp là tuyển chọn một pháp môn hợp với căn cơ của chính mình, rồi chuyên tinh tu tập thì mới có cơ hội thành tựu đạo quả.
Như vậy, thì câu nói: “…phải cẩn thận tuyển chọn pháp môn vừa khế lý vừa khế cơ thì đường tu hành mới thành tựu được” là lời Phật dạy. Chọn Pháp Niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ là do chính Đức Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật chọn cho chúng ta tu tập để thành tựu trong thời mạt pháp này. Tất cả đều là Phật dạy.
Chọn đúng pháp môn rồi phải chuyên tinh mới dễ thành tựu. Chân lý ở ngay đỉnh núi, đường nào hãy chọn một đường thẳng tiến lên. Anh đang ở hướng đông, thì cứ theo đường phía đông mà lên, cớ chi nay đi đường đông, mai đi đường tây, mốt đi đường bắc… Đi như vậy thì cứ lòng vòng mãi dưới chân núi, biết đến ngày nào mới lên đến đỉnh núi?
Trạch pháp là chọn pháp hợp lý, hợp cơ, hợp thời, hợp sự. Trạch pháp là chuyên tu để thành tựu. Đường nào một đường, phương tiện nào một phương tiện, không ai có khả năng cùng một lúc đi được hai đường, dùng đến hai phương tiện. Ví dụ, muốn đi bằng máy bay thì lên máy bay mà đi, muốn đi bộ thì đi đường bộ, đường nào cũng tiến về mục đích. Lâu hay mau, khó hay dễ có khác nhau, nhưng không thể nào đang ở trên máy bay mà muốn nhảy xuống đất để đi bộ được. Muốn đi đường bộ thì chư vị phải chuẩn bị tất cả những dụng cụ cần thiết để khai đường mở lối, phá rừng lấp hố… Còn muốn đi máy bay thì cớ chi phải lo ngại những thứ chướng ngại dưới đất mà trang bị đủ thứ dụng cụ vậy?…
Cho nên tu pháp môn nào phải thực hiện theo đúng tông chỉ của pháp môn đó mới được. Nhiều người lấy tông chỉ của pháp môn này áp dụng vào pháp môn kia, lấy nhu cầu của pháp môn này thực hành cho pháp môn khác, đây chính là điều sơ ý khá phổ thông dẫn tới sau cùng bị thất bại. Ví dụ, muốn đi bộ thì cần phải trang bị súng đạn, dao búa, dây nhợ, v.v… vì những dụng cụ này rất cần thiết để băng rừng vượt suối. Còn lên máy bay mà đem theo những thứ này thì nhất định bị trở ngại. Mỗi đường đi có mỗi nhu cầu riêng, mỗi phương tiện có mỗi kỹ thuật riêng. Đi máy bay thì cứ mặc áo quần thật đẹp mà đi, cớ chi phải tìm cách sang bằng những chướng ngại dưới đất? Ngược lại, đi dưới đất thì phải lo tránh né hố hầm chông gai dưới đất, cớ chi cứ ngước nhìn trên mây để bị vấp ngã, vướng nạn liên miên?
Ngài Ấn Quang Đại Sư dạy rằng, giảng kinh thuyết đạo phải khế hợp căn cơ của đại chúng mới có lợi lạc, nếu không hợp với căn cơ thì không những không đem lại lợi lạc mà càng giảng làm cho đại chúng càng hoang man, càng thêm vọng tưởng!…
Diệu Âm biết rõ thân phận mình là hàng phàm phu, trí mê nghiệp nặng, nên cảm thấy vô cùng thích hợp với Pháp Hộ-Niệm. Hàng phàm phu biết nghe lời Phật dạy, niệm Phật cầu vãng sanh, và cẩn thận hộ niệm cho nhau, thì phàm phu này có đầy cơ duyên trở về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo. Được không chư vị? Rõ ràng được đấy. Nhiều người đã vãng sanh rồi, đến nay không còn đếm được nữa. Đây là sự chứng minh cụ thể, rõ ràng rằng tu hành khế lý khế cơ đạt được lợi ích vô cùng thiết thực.
(d): Pháp Môn Niệm Phật là pháp môn duy nhất cứu độ khắp cả ba căn thượng trung hạ một đời giải thoát thành đạo.
Đúng không chư vị? – (Đúng). “Phàm Thánh tề thâu, tam căn phổ bị” là lời của Phật dạy đấy. Trong kinh Vô-Lượng-Thọ chính Đức Thế Tôn đã dạy tam bối vãng sanh. Ngoài ra, chư Tổ trong Tịnh-Độ Tông, Tổ nào cũng nói đến điều này. Người nào chí thành niệm Phật, thực hiện đầy đủ tông chỉ của Pháp Niệm Phật thì muôn người tu muôn người đắc, vạn nhân tu vạn nhân khứ. Nghĩa là, người thượng căn niệm Phật cũng đắc, người trung căn niệm Phật cũng đắc, người hạ căn như chúng ta thành tâm chí thành, thực hiện cho đúng theo lời Phật dạy, vẫn là một đời này được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Khi vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, dẫu dở cho mấy, hạ phẩm hạ sanh vẫn được viên mãn ba bậc bất thoái, một đời thành Phật. Lời khai thị của chư Tổ Sư trong Tịnh-Độ Tông, những kinh điển trong Tịnh-Độ Tông của Phật dạy đều đúng hệt như vậy.
Trong kinh Vô-Lượng-Thọ, Phật dạy rằng, dẫu cho một chúng sanh tạo tội chướng sâu nặng, khi nghe được danh hiệu của Ngài mà vững lòng tin tưởng, vui vẻ niệm Phật quyết lòng cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc, dẫu cho mười niệm mà không được vãng sanh, A-Di-Đà Phật thề không giữ ngôi Chánh Giác. Vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc tức là thành Phật. Nghe rõ những lời Phật dạy trong kinh, khiến cho chúng ta vững vàng tin tưởng. Thấy được người vãng sanh khiến cho chúng ta yên tâm không còn nghi hoặc nữa.
Người tạo tội chướng sâu nặng, tâm ý mê mờ là hàng hạ căn. Người có phước báu, có tu trì qua nhiều đời nhiều kiếp, vượt qua tam giới là hàng trung căn. Người đã khai tâm mở trí, chư Bồ-Tát phá từng phẩm Vô-Minh chứng từng phần Pháp-Thân trở về cảnh giới Hoa-Nghiêm là thượng căn. Thượng căn niệm Phật vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Trung căn niệm Phật vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Hạ căn niệm Phật cũng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì trước sau vẫn một đời viên mãn thành tựu Vô-Thượng Chánh-Đẳng Chánh-Giác. Đúng là “Phàm Thánh tề thâu, tam căn phổ bị” vậy.
Vậy thì, xin hỏi chư vị có quyết lòng một đời này vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc không? – (Quyết lòng). Chư vị có yên chí rằng mình có đủ phước phần vãng sanh không? – (Yên chí). Như vậy, ai không muốn đi vãng sanh là phần của họ, mình cứ mạnh dạn niệm Phật cầu vãng sanh, đúng không? – (Đúng). Ai muốn đi mình cố gắng hỗ trợ tích cực cho họ, chịu không? – (Chịu). Hãy đến hộ niệm cho họ, thành tâm chí thành chí kính khuyên giải chỉ đường cho họ đi thẳng, cố gắng hóa gỡ ách nạn cho họ, v.v… Chư vị dám làm không? – (Dám). Phát cái tâm bồ-đề này khó lắm đó, không đơn giản như ngồi đây vỗ tay đâu nhé. Xin đừng nản chí, đừng thoái tâm nhé. Đi hộ niệm vừa khó khổ, vừa thường bị hiểu lầm, nói chung có nhiều khó khăn đang chờ đấy, chư vị có bỏ cuộc không? – (Không). Vậy thì giỏi quá! Vỗ tay đi… (Vỗ tay…). Nhớ nhé… Cái bồ-đề tâm này cao quý lắm, đòi hỏi chúng ta phải có chí khí, có kiên nhẫn, có lòng từ bi vô hạn mới làm được… Vậy thì đi hộ niệm mà gặp sự hiểu lầm, có người chống đối, phá hoại, chê trách, phỉ báng… mình có buồn không? – (Không). Có bỏ cuộc không? – (Không). Có chạy trốn không? – (Không)… Xin vỗ tay. (Vỗ tay…).
Khi phát tâm bồ-đề rồi, xin chư vị hãy chuẩn những thử thách đến. Phật dạy, khi phát khởi một tâm bồ-đề, luôn luôn có ma chướng tìm cách cản ngăn. Nếu không chuẩn bị một tâm lực vững vàng, thì sự phát tâm chỉ còn một nửa, hoặc nặng về hình thức, phát tâm tùy hứng, còn việc làm đạo không dễ gì được hoàn thành đâu.
Một người thực sự phát tâm bồ-đề thì khi một thử thách giúp cho mình tôi luyện tâm trí, rèn luyện tâm lực vững vàng. Tâm lực có vững vàng thì chính mình mới có thể vượt qua đại ách nạn ở thời điểm cuối cùng của cuộc đời này. Thử thách cuối cùng của chính mình nhiều lúc còn kinh khủng hơn nữa, chứ không phải nhẹ nhàng như một chút chê bai, một chút phỉ báng hay một chút chống đối của người thế gian đâu nhé.
Cho nên xin chư vị hãy cố gắng nghiên cứu về hộ niệm thật cẩn thận. Một người đã hiểu thấu Pháp Hộ-Niệm rồi thì cơ hội vãng sanh được dễ dàng hơn. Tại sao vậy? Vì chính họ đã biết đường tu hành cụ thể vững vàng. Họ đã chuẩn bị tất cả những gì cần thiết để đối phó với bất cứ một thử thách nào đến. Những điều khó khăn không làm cho họ nhụt tâm, nản chí. Những chướng ngại không làm họ bỏ con đường giải thoát để chạy theo ngã luân hồi đọa lạc…
Chư vị ơi!… Làm đạo mà vừa thấy một chút khó khăn vội liền lui gót, thì oan gia trái chủ của mình sẽ vỗ tay rầm rập, họ an chí rằng nhất định bạn không thể thoát được bàn tay của họ đâu!… Làm đạo mà tâm lực mình vững vàng, thì oan gia trái chủ cũng vỗ tay luôn, nhưng lần vỗ tay này lại hoan hỷ tán thán, họ an tâm rằng nhất định bạn được vãng sanh, bạn sẽ có năng lực về đây cứu độ họ. Như vậy làm đạo cần phải có tâm lực vững vàng, vừa có lợi cho mình vừa có lợi cho vô lượng vô biên chúng sanh. Nhất định không thể gặp một chút chướng ngại mà thoái tâm chư vị nhé.
Ngài Tĩnh Am Đại Sư dạy: “Đường đạo cần phải lập hạnh, thành đạo cần phải phát tâm”. Phật dạy, “Kẻ thù lớn nhất của mình là chính mình”, xin đừng thoái tâm mà chung bè theo đường đọa lạc. Đọa lạc hay Cực-Lạc đều do chính mình chịu trách nhiệm lấy, chứ không thể đổ thừa cho bất cứ một người nào khác vậy.
A-Di-Đà Phật.