Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 90)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin chư vị mở trang 38. Câu (s): Người sợ chết không thể vãng sanh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Sợ chết là một điều rất tối kỵ, tất cả chư Tổ trong Tịnh-Độ Tông đều lên tiếng cảnh giác về điều này. Một người sợ chết mà không bỏ thì nhất định không thể được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Nhiều người tu hành khá lâu, công phu khó khổ, nhưng sau cùng khi ra đi vẫn không lưu lại được một tướng lành tốt đẹp nào, chắc chắn phải có sự sơ suất, trong đó có thể vướng phải vấn đề sợ chết chăng? Sức tu một đời không thể địch lại với nghiệp chướng, đường tu mập mờ không thẳng, tâm ý còn chấp vào thân xác vô thường mà sau cùng đành phải theo nghiệp chướng thọ nạn.
Người chuyên lòng niệm Phật cầu vãng sanh là biết đường đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc, nhưng cuối đời nhiều người gặp trường hợp nghiệp báo hiện hành, bệnh khổ hành hạ thì tinh thần sa sút, hoang man, sợ chết. Tâm hạnh không vững thì không được tương ưng, thành ra dù niệm Phật cũng đành mất phần vãng sanh.
Chư vị thấy không?… Phàm phu tâm trí mê muội, yếu đuối, vô thường. Nếu nhận thức rõ ràng rằng mình là hàng phàm phu tục tử, nghiệp chướng sâu nặng, phước báu mỏng manh… thì hãy biết trân quí Pháp Hộ-Niệm, phải biết thành khẩn nương nhờ vào sự hướng dẫn của ban hộ niệm thì tâm lực mới ổn định, đường đi mới giữ thẳng. Nhờ hộ niệm biết được những gì cần làm phải làm, những gì cần tránh phải tránh, mới có hi vọng vượt qua nhiều chướng ngại, không còn lầm lạc, vướng nạn nữa.
Ví dụ cụ thể, sợ chết là một điều tối nguy hại, nhưng lại là việc rất tự nhiên của người thế gian. Một người ít tu, nhưng nhờ cơ duyên được người hộ niệm động viên, khuyến tấn, họ vững tâm không còn sợ chết, quyết lòng niệm Phật cầu nguyện vãng sanh. Ấy thế mà có người niệm Phật một vài ngày, một vài tuần mà họ có thể vãng sanh. Mười niệm, một niệm tất sanh.
Một người tu hành suốt đời, đắc quả thì chưa làm nổi, đạo lý vãng sanh thì không biết, tâm ý thì hoang man vô định, sau cùng rất dễ vướng vào cái nạn sợ chết mà đành phải theo cái thân nghiệp chịu nạn. Hôm nay xin nhắc nhở cùng chư vị rằng, người muốn vãng sanh mà tâm hồn còn sợ chết, thì sự vãng sanh còn là chuyện xa vời, không thực vậy!…
(t): Người chăm sóc sức khỏe rất cẩn thận, lo lắng từng chút về bệnh hoạn thì rất dễ được tự tại vãng sanh.
Đúng không? – (Sai). Sai luôn! Người chăm sóc sức khỏe rất cẩn thận là tốt chứ không xấu. Lo lắng từng chút về bệnh hoạn cũng không phải xấu. Nhưng cho rằng làm như vậy để được tự tại vãng sanh thì không đúng. Cái tốt của thế gian và cái tốt cho đạo giải thoát có chỗ chênh lệch nhau, cần phải hiểu cho thấu đáo mới được.
Xin chú ý rằng, lời này không có ý khuyên chúng ta sống bừa bãi về sức khỏe, nhưng nếu một người lo lắng quá căng thẳng về sức khỏe, lo âu về bệnh hoạn từng chút từng chút, thì khi bệnh đến tâm hồn của họ khó có thể tự tại được. Vì đã lo sợ về bệnh hoạn từng chút từng chút, thì nếu có bệnh, họ sẽ không còn lo từng chút từng chút nữa đâu, mà lúc đó sẽ lo đến từng khối từng khối, nặng nề lắm!… Lo lắng thì không thoải mái, mất tự tại. Người lo sợ về bệnh hoạn rất dễ mất phần vãng sanh.
Trước đây Diệu Âm có gặp một người kể ra thì cũng hơi lạ! Vị đó biết Phật Pháp, biết tu hành, nhưng khi vừa phát hiện ra mình bị bệnh tiểu đường, thì lo âu, buồn bã, than thở suốt ngày suốt đêm. Nếu sự vướng chấp này mà không giải tỏa được, thì dẫu cho tu hành công phu khổ cực tới đâu, cuối cùng cũng đành phải chịu nạn bởi cái thân nghiệp này, tức là phải theo nghiệp thọ nạn, không thể giải thoát được.
Vậy thì, sống hợp vệ sinh, ăn uống cẩn thận điều độ là tốt, nhưng quá lo sợ về bệnh hoạn lại không được tốt lắm. Phật dạy: “Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bệnh khổ, vì nếu không bệnh khổ thì dục vọng dễ sanh”. Dục vọng mạnh mẽ sẽ tu hành không được. Vậy nên: “Phải lấy bệnh khổ làm thuốc thần”. Sanh lão bệnh tử là chuyện đương nhiên của con người, thì khi bệnh đến chúng ta hãy đón nhận một cách tự nhiên, nhờ vậy mà tinh thần sẽ được tự tại trước bệnh hoạn. Điều này rất quan trọng đối với người muốn vãng sanh.
Nên nhớ rằng, coi bệnh hoạn là chuyện thường tình, thì không quá lo sợ trước bệnh hoạn, nhờ vậy mới được tự tại, chứ không phải lo lắng nhiều về bệnh hoạn mà tự tại đâu nhé.
Hãy tập cái tâm biết chấp nhận sự thực, thoải mái trước bệnh hoạn, không quá lo lắng nữa, nên coi căn bệnh là những chuyến đò giúp cho mình vãng sanh, thì sẽ tự tại trước bệnh hoạn. Nghĩa là, người tự tại trước bệnh hoạn không phải là không có bệnh, nhưng có bệnh mà an nhiên chấp nhận, không sợ, không lo, không thoái tâm.
Nếu có bệnh ngặt nghèo đến, không thể chạy chữa được, thì mình nên quán rằng, ta không thèm ở lại lâu với thế giới vô thường khổ nạn này nữa, mà sớm trở về Tây-Phương Cực-Lạc để hưởng an vui hạnh phúc, vô sanh vô tử, thành tựu đạo quả. Đây là người tự tại trước bệnh khổ. Đúng là người tự tại thật.
Đừng lo lắng quá. Đừng sợ chết quá. Đừng sợ bệnh quá. Hãy quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh, tự nhiên hóa giải mọi chướng nạn. Xin chú ý điều này.
(u): Quá lo sợ về bệnh hoạn là chướng nạn rất lớn cho sự vãng sanh.
Đúng không? – (Đúng). Chắc chắn đấy. Diệu Âm có gặp người công phu niệm Phật rất tích cực, trông có vẻ tốt lắm, nhưng ngày đêm lo lắng về bệnh hoạn đến nỗi không cách nào có thể khuyên giải được. Xin thưa thực với chư vị, một ban hộ niệm dầu giỏi tới đâu cũng khó lòng giúp đỡ cho vị này vãng sanh được đâu.
Nhiều người có những ý niệm thật khá lạ lùng:
– Tôi cầu mong sao cuộc đời tôi không bệnh hoạn, sống thoải mái, cuối đời tỉnh táo, ra đi nhẹ nhàng không bị đau đớn là được rồi, cần chi phải tu hành.
Họ nói như vậy và sống xả láng.
Thật lạ lùng!… Hỏi rằng, trên đời này có ai lại cầu mong cho mình bị đau đớn? Có ai mong muốn mình bị bệnh hoạn? Có ai thích bị nhiều chướng nạn đâu? Không tạo nhân mà cứ ngồi chờ lấy quả, không trồng lúa mà ngồi chờ gặt lúa, quả thực là chuyện tiếu lâm!…
Người quá lo lắng về bệnh hoạn là một chướng nạn lớn cho việc vãng sanh, còn người không chịu tu hành mà trông chờ ngày ra đi được an lành tự tại, thì có khác gì người muốn dùng thuốc ngủ quá liều để chết chăng? Chỉ có cách dùng loại thuốc mê quá liều để mê man bất tỉnh rồi im lìm đi luôn, và tự cho đó là ra đi an lành không đau đớn, chứ còn có cách nào khác hơn?!…
Thế nên, lo lắng quá không tốt, mà cẩu thả quá cũng không hay. Quá lo về bệnh hoạn, sự lo lắng này sẽ tiếp tục lo mãi trong tâm. Bệnh nhỏ lo nhỏ, bệnh trung lo trung, bệnh lớn lo lớn, đến lúc sắp xả bỏ báo thân, thì tâm hồn quay cuồng, điên đảo, khủng hoảng, hỗn loạn với căn bệnh ngặt nghèo, thôi đành chịu thua, dẫu cho có niệm Phật gió thổi không qua, mưa rơi không lọt cũng không thể nào vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc được. Nên nhớ cho rõ điểm này. Muốn vãng sanh, mà những yếu tố tâm lý này không thoát ra được, thì sau cùng sẽ bị chướng nạn.
(v): Người học rộng, hiểu nhiều, niệm Phật rất dễ được vãng sanh.
Đúng không? – (Sai). Chư vị giỏi quá, trả lời thật chính xác. Thông thường người thế gian rất ưa chuộng sự kiến giải. Những người thông minh viết sách, viết báo rất dễ nổi tiếng, dễ nổi danh trong xã hội. Những nhà triết học thì kiến giải của họ còn tuyệt vời hơn, lý luận của họ vô cùng sắc bén, có thể làm say đắm lòng người. Thêm vào đó nếu biết khéo léo ứng dụng những định luật khoa học để hỗ trợ vào thì hay ho vô cùng. Còn Phật pháp không thuộc về triết học, lý luận, hay khoa học nghiệm chứng, mà thuộc về tâm chứng, chỉ dành cho những vị đã chứng ngộ tâm tánh mới lý giải được. Nếu đem kiến thức thế gian ra luận giải về Phật học thì dễ bị sai lệch. Một chứng minh dễ thấy nhất, là người có kiến giải thế gian càng cao, niềm tin về Phật pháp càng yếu. Người kiến giải càng lớn, càng dễ bị cái kiến giải đó lôi cuốn theo vòng sanh tử luân hồi, khó vượt được ách nạn của sáu đường.
Chính vì thế, trong bát nạn khổ (8 thứ khổ nạn), Phật gọi kiến thức thế gian là “Tà Kiến Biện Thông”, một trong 8 thứ nạn khổ mà chúng sanh chịu trói trong vòng đọa lạc, khó giải thoát. Trong Pháp Niệm Phật chú trọng về sự nhứt tâm, lòng thành kính. Thế trí biện thông là cái ách nạn làm chướng ngại đường vãng sanh.
Vì vậy, chư Tổ trong Tịnh-Độ Tông thường xuyên khuyến tấn hãy chí thành niệm Phật, chớ nên ham đường luận cao lý diệu. Hòa thượng Tịnh Không cũng có lần nói rằng, người thích luận hay, lý giỏi, nghe thì hay nhưng khi chết không thể vượt nổi sáu đường luân hồi, làm sao sánh bằng một bà Cụ già ăn ở hiền lành, ngày ngày thành tâm niệm Phật, đêm đêm thành tâm niệm Phật, cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc, chỉ có vậy mà bà Cụ dễ dàng vãng sanh thành tựu đạo quả. Bà Cụ vãng sanh rồi, mới thương hại đến những người đang chạy lăng quăng đâu đó mà trở về tìm cách cứu độ.
Tu Pháp Môn Niệm Phật, cần y theo tông chỉ của Pháp Niệm Phật mà hành mới dễ thành tựu. Trong kinh Tịnh-Độ, Phật dạy: “Nhất hướng chuyên niệm A-Di-Đà Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc”. Muốn được nhất hướng chuyên niệm thì đừng nên mở cái ý ra nghiên cứu nhiều thứ: Không tốt đâu!… Không nên mở cái tai ra để nghe ngóng khắp hết: Không tốt đâu!… Không nên mở con mắt ra nhìn khắp nơi, thấy cái gì hay hay cũng chạy theo: Không tốt đâu!… Đây là ý nghĩa của lời Bồ-Tát Đại Thế Chí nói trong kinh Lăng-Nghiêm: “Đóng hết sáu căn lại, thanh tịnh niệm Phật, không cần vay mượn một pháp nào khác, tâm tự khai mở”.
Niệm Phật muốn vãng sanh cần phải đóng sáu căn lại. Sáu căn là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đừng thấy người này tu cách này tốt quá, chạy theo tu thử. Đừng thấy người kia tu cách kia hay quá, chạy theo tu thử. Nếu thấy những hiện tượng sôi nổi thịnh vượng của thế gian mà đam mê vào đó, coi chừng thua cuộc!… Những cơ đồ xây dựng hoành tráng nguy nga, thu hút hàng hàng lớp lớp khách khứa vãng lai, mang sắc thái nặng về sự thịnh vượng của thế gian, nhưng chú ý một chút, chúng ta thấy rằng, đối với thời mạt pháp đấu tranh kiên cố này, hình như những chốn đó thường không phải là nơi an ổn để tu hành, không phải là nơi để thành tựu đạo quả. Lạ lùng!
Ngài Ấn Quang Ngài dạy, trong thời mạt pháp này, muốn tu hành được thành tựu thì phải chọn nơi lặng lẽ, kết hợp thành những nhóm đồng tu nhỏ 5 người, 10 người tu chung với nhau. Cỡ 20 người là lý tưởng nhất, âm thầm 365 ngày chuyên lòng niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Nhóm đồng tu này hãy hỗ trợ cho nhau, người nào bệnh thì những người khác giúp đỡ trợ duyên để vãng sanh. Ngài dạy, đây là mẫu đạo tràng thành tựu trong thời mạt pháp. Thực sự đây chính là ban hộ niệm chứ không có gì khác hơn.
Niệm Phật Đường của chúng ta thực hiện theo mẫu mực này, Diệu Âm quyết lòng đi theo con đường hộ niệm vãng sanh. Đông người tới lui thì thuộc về thịnh vượng, chúng ta khó bề lo liệu cho chu toàn. Muốn thành tựu tâm nguyện vãng sanh, chúng ta phải nghe theo lời dạy của Ấn Tổ. Ngài dạy, một đạo tràng thành tựu là một đạo tràng có một người vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, chứ không phải là nơi cho hàng ngàn, hàng vạn người tới lui tu tập. Đây thực sự đúng chánh pháp. Lời Ngài nói đúng với lời Phật dạy. Trong kinh Phát Khởi Bồ-Tát Chí Nhạo, Phật dạy, trong thời mạt pháp này người nào muốn thành tựu đạo nghiệp thì phải. “… viễn ly hội náo chi chúng, viễn ly hội náo chi xứ”, phải tránh xa nhóm người đông đảo ồn ào, tránh xa những nơi tụ hội náo nhiệt, thì mới có thể thành tựu đạo quả.
Chính vì vậy mà chư vị mới hiểu cho, tại sao chúng ta ở đây quanh năm cứ âm thầm niệm Phật, lặng lẽ tu hành, quyết lòng nghiên cứu cho vững Pháp Hộ-Niệm để vãng sanh, chứ không dám mơ cầu sự phát triển rộng rãi. Nếu sơ ý chạy theo con đường ồn náo, thích chuyện sôi nổi thế gian, thường xuyên mở ra hội này, gây dựng quỹ nọ… thì coi chừng vướng phải ách nạn: “Ức triệu người tu hành, khó tìm ra một người thành tựu” đó.
“Hữu tràng vô đạo, bất khả hưng giáo”, đây là lời cảnh cáo của chư Tổ. Đam mê cơ đồ hoành tráng, mà thiếu đường tu chân chánh thì không thể phục hưng chánh pháp. Mạnh về sự thịnh vượng của thế gian, thì yếu đi sự thành tựu đạo pháp. Hiểu được vậy, chúng ta phải quyết tâm nhắm đến đường “Đạo” làm chính, không nên quá xem trọng về đường “Tràng” mà phải bôn ba, bận bịu. “Hữu Đạo” là tu phải có đường, về phải có đích, phải quyết tâm tu hành cho được thành tựu. Còn cái nhà làm Niệm Phật Đường là thuộc về “Hữu Tràng”, cái Đạo Tràng thì tùy duyên mà gói ghém để giảm phiền não lại, bớt lo lắng đi. Có dưa ăn dưa, có muối ăn muối, chúng ta hãy im lìm niệm Phật, đường tu chuyên nhất, không còn chao đảo nữa.
Mong chư vị hiểu thấu mục đích này, chúng ta hãy tích cực hộ niệm trợ duyên cho nhau, cùng nhau đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo trong một báo thân này.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.