Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 142)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Câu 30: Người bệnh rất cần nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm, tại sao vậy?
Là người đang bệnh, biết mình bị bệnh rồi thì phải mau mau nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm. Một lần nghiên cứu mở ra một chân trời mới. Một lần nghiên cứu mở ra một sự ngộ mới. Nhờ cái ngộ mới này mà phát hiện điều sơ suất cũ, giúp chúng ta tu tập chính xác hơn để được thoát nạn. Xin nhớ cho, chính mỗi người chúng ta phải ngộ ra để thực hiện lấy con đường vãng sanh. Ban hộ niệm chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn, nhắc nhở, giúp đỡ cho chúng ta cách len lỏi qua khỏi những cạm bẫy. Người ta chỉ hướng dẫn, chính mình phải tự đi, phải tự thực hiện lấy.
Pháp Hộ-Niệm thực sự đã giúp cho nhiều người giải thoát cảnh sanh tử luân hồi rõ rệt, vững vàng, đã có sự chứng minh rất cụ thể. Sự thật hiển nhiên này giúp cho chúng ta càng ngày càng vững tâm tin tưởng con đường chúng ta đang đi là chính xác, thiết thực, cụ thể cứu ta cứu người.
Tại sao người bệnh rất cần nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm?
(a): Vì để biết rõ những gì cần làm để chính mình thực hiện mà đi vãng sanh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Chờ cho Ban hộ niệm tới khai thị, nhắc lên nhắc xuống mới biết đường đi thì cũng hơi yếu rồi đó nhé. Giả sử như lúc đó mình còn chút ít sáng suốt để nghe lời ban hộ niệm thì đỡ được phần nào, còn nếu lúc đó không sáng suốt nữa thì làm sao đây? Bị mê man bất tỉnh rồi thì làm sao đây? Gia đình con cái không biết đạo gây chướng ngại đủ điều thì làm sao đây? Bị nhức đầu, chóng mặt đến nỗi mở mắt không lên thì làm sao đây? Chư vị ơi!… Khó khăn vô cùng, không đơn giản đâu!
Như vậy, muốn niệm Phật cầu vãng sanh được trong lúc xả bỏ báo thân mình phải lo chuẩn bị trước. Chuẩn bị những gì cần làm, bỏ trước những gì cần bỏ. Nếu nắm vững Pháp Hộ-Niệm chúng ta biết rõ những điều này mà có thể hoàn thành con đường giải thoát đấy. Cố gắng lên chư vị ơi!… Vì huệ mệnh ngàn đời ngàn kiếp của chính mình mà cố gắng lên. Tất cả những lời lẽ trong tập sách này Diệu Âm chỉ làm công việc kết tập những lời của chư Tổ dạy, những ý trong kinh Phật dạy, cộng thêm những vấn đề thực tế đã từng xảy ra ở các nơi, rồi đem ra phân tích để cùng nhau giải quyết thôi, chứ không phải Diệu Âm tự sáng chế ra đâu.
Khi nghiên cứu kỹ Pháp Hộ-Niệm rồi, thì từng điểm, từng điểm chúng ta có thể thấy rõ và có thể giải quyết được. Pháp Hộ-Niệm rất cụ thể, chứ không có gì gọi là mông lung cả. Có biết mới thực hiện được sự vãng sanh trong một đời này, không biết thì sự vãng sanh chỉ có trong ý niệm, chứ thực tế thì khó thấy được vậy.
Trong mỗi câu nêu ra ở đây đều hàm chứa cả Lý và Sự. Lý là tâm nguyện muốn vãng sanh. Sự là chúng ta phải đặt chân vào đất Tây-Phương Cực-Lạc mới được. Lý thì chúng ta muốn vãng sanh Tịnh-Độ, mà Sự thì đời đời kiếp kiếp chúng ta vẫn phải bị kẹt lại ở cảnh Ta-Bà khổ nạn này. Vậy thì, chỉ biết nói Lý không thể thành hiện thực.
Cho nên, hiểu thấu là nói về Lý, hành đúng là nói về Sự. Lý-Sự phải viên dung mới viên thành Phật đạo. Nếu chỉ nói Lý suông, thì không cách nào có thể cứu được một người thoát vòng khổ nạn. Một người đang bị kẹt trong một khối nghiệp nặng nề, chẳng khác gì như đang bị kẹt dưới lớp lớp gạch đá sau cơn động đất. Một nạn nhân nằm dưới đống gạch đá mà cứ nói Lý thì chết rồi chư vị ơi!… Người ở trên mà cứ nói Lý thì cũng chẳng cứu giúp được ai. Muốn thoát nạn thì nạn nhân phải gào lên kêu cứu. Người ở trên nghe tiếng kêu phải tận sức bới đống gạch đá ra. Người bệnh phải có tâm cầu cứu mới có cơ hội thoát nạn. Người hộ niệm phải có tâm cứu độ thì mới có thể cứu được nhau.
(b): Biết rõ những cạm bẫy mà chính ta có thể mắc phải để tránh trước.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Bây giờ tránh trước không được thì lúc đó vẫn phải tránh. Nhưng tránh trước được bây giờ thì an ổn hơn, giải quyết trước được một số cạm bẫy thì sẽ nhẹ nhàng hơn. Nhưng như vậy đã hết chưa? Chưa hết đâu chư vị ơi! Cạm bẫy nhiều quá, đa dạng, đa hình. Rất nhiều thứ cạm bẫy chúng ta chưa hề biết qua, chưa hề nghĩ đến, thì làm sao tránh được.
Xin nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm đi, bắt đầu chúng ta có thể phát hiện ra một số cạm bẫy căn bản để tránh trước, tránh được cái nào hay cái đó, rồi từ từ chúng ta sẽ biết thêm những cạm bẫy tế vi hơn, tất cả đều trở thành cái vốn kiến thức quý báu cho chúng ta thoát nạn. Có nhiều người thường nghĩ rằng mình có thể tự lực vượt qua mọi chướng nạn để hoàn thành đạo nghiệp, nhưng không ngờ khi đối diện với sự thực rồi thì chướng nạn trùng trùng, cạm bẫy quá nhiều, vừa tránh nạn này liền bị vướng vào nạn khác. Ách nạn dồn dập khiến cho tâm hồn tán loạn, lại ở trong tư thế cô đơn, quạnh quẽ, một thân một mình tứ bề thọ địch… Thôi chịu thua rồi, còn hy vọng gì để thành tựu đây?
Như vậy, có cách nào giải quyết không? Có!… Nhất định có. Có cách giải quyết mới có người vãng sanh chứ, nếu không giải quyết được ách nạn thì làm sao có người vãng sanh. Cách giải quyết ở đâu? Xin thưa, ở trong Pháp Hộ-Niệm. Hãy nghiên cứu đi rồi sẽ thấy nhé chư vị. Diệu Âm xin thành thật nói tất cả những gì Diệu Âm biết, biết tới đâu nói tới đó, tất cả đều nói hết ra đây cho chúng ta cùng hiểu, không có một chút nào gọi là úp mở đâu.
Rất nhiều cạm bẫy đang chờ chúng ta đó. Cạm bẫy ở đâu đây? Thưa chư vị, ở ngay trước mặt, ở sát bên cạnh. Người đi dưới đất thì cạm bẫy ở dưới đất, không ai lại đem cạm bẫy đặt trên mây để bẫy người dưới đất đâu. Người đang đi đường hướng đông thì lo tránh cạm bẫy chướng nạn trên đường hướng đông, cớ chi phải lo ngại đến đường hướng tây. Việc tu hành cần nên cụ thể, thiết thực, hãy tìm cách phát hiện những sơ suất của chính mình để tu sửa. Mỗi căn cơ có mỗi vướng mắc riêng. Căn cơ cao thượng có những vướng mắc riêng của căn cơ cao thượng. Căn cơ thấp có những vướng mắc của căn cơ thấp. Chúng ta phải đặt đúng vào trình độ căn cơ của mỗi người mới cứu được. Những cạm bẫy của người phàm phu rất cụ thể, gần gũi. Những ý nghĩ, thói quen, tập khí, sinh hoạt hằng ngày coi chừng chứa đầy sự sơ suất. Còn ghét người này, chê người nọ: Sơ suất!… Thấy mình tu giỏi rồi: Sơ suất!… Ưa nói đến lỗi người: Sơ suất!… Thích nói cao nói diệu: Sơ suất!… Quá nhiều sự sơ suất sẵn sàng bẫy mình kẹt lại trong cảnh khổ đau.
Ấn Tổ dạy, thuyết kinh giảng đạo phải hợp với căn cơ mới sanh diệu dụng. Ngài Tịnh-Không dạy, trị bệnh phải dùng đúng thuốc, không thể tự chọn thuốc theo ý mình. Tu học pháp của Phật cũng phải như vậy. Phật dạy, phàm phu phải cẩn thận trạch pháp để tu tập mới có thể thành tựu. Đụng đâu tu đó là sơ suất! Có trạch pháp, nhưng chính mình tự chọn lấy pháp tu cũng là điều sơ suất, ví dụ như vào tiệm thuốc, không phải cứ thích thuốc nào thì mua về uống là tốt đâu. Đụng đâu uống đó, nếu bị hại thì không thể đổ lỗi cho thuốc được đâu nhé. Học Phật chúng ta phải nghe lời Phật dạy. Phật dạy thời mạt pháp niệm Phật mới thành tựu, chúng ta chọn Pháp Niệm Phật là theo đúng theo lời Phật dạy rồi. Còn Pháp Hộ-Niệm này là tờ giấy hướng dẫn cho chúng ta uống đúng thuốc, dùng đúng liều, trị đúng bệnh vậy.
Trong kinh Phật có nói rất nhiều về hộ niệm. Ví dụ, chính Đức Thế-Tôn đã hộ niệm cho hoàng hậu Vi-Đề-Hy, chính Đức Thế-Tôn khai thị, hướng dẫn cho hoàng hậu Vi-Đề-Hy. Hoàng hậu Vi-Đề-Hy chọn cảnh Tây-Phương Cực-Lạc. Chính hoàng hậu Vi-Đề-Hy phải làm những điều Phật dạy để được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Nếu hoàng hậu không làm, thì Đức Thế-Tôn cũng không cứu được vậy. Đây là một huyền ký về hộ niệm trong kinh, chúng ta cần nhớ.
Tóm lại, tự mỗi chúng ta phải thực hiện con đường vãng sanh. Phật chỉ đường dẫn lối, chúng sanh phải tự đi lấy. Tương tự, ban hộ niệm chỉ giữ nhiệm vụ khai thị, hướng dẫn, nhắc nhở… người bệnh phải lắng nghe, phải làm cho đúng mới được vãng sanh. Hộ niệm là một pháp tu. Nếu người bệnh không làm theo, thì đành chịu thua vậy thôi.
(c): Biết rõ những sơ suất mà người khi lâm chung thường xuyên phạm đến để lo tu sửa ngay từ bây giờ.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Tại sao phải lo sửa ngay từ bây giờ? Tu là sửa, hành là hành động sai trái. Hộ niệm là một pháp tu, phải sửa ngay từ bây giờ. Những hành động, ý tưởng nào sai lệch với con đường về Tây-Phương Cực-Lạc thì phải sửa ngay từ bây giờ, chứ không phải đợi đến lúc lâm chung mới tu sửa. Một người muốn được vãng sanh, điều kiện đầu tiên là khi lâm chung cần phải tỉnh táo. Chư vị hãy nghiên cứu khắp cả đông, tây, nam, bắc đi để xem có mấy ai được tỉnh táo khi xả bỏ báo thân? Khó lắm mới có đấy!… Rồi trong những người hiếm hoi được tỉnh táo đó, tìm hiểu xem họ tỉnh táo cách nào đây? Phải chăng, tỉnh trong mê chứ đâu phải tỉnh trong tỉnh. Tỉnh trong mê là dù không bị mê man bất tỉnh, nhưng không biết đường nào để đi, tức là vẫn đang mê thôi!… Trùng trùng ách nạn đang chờ đợi để nhận lãnh.
Như vậy, làm sao có thể đưa một người vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc? Khó lắm đấy, không phải đơn giản đâu. Ấy thế, hộ niệm đã thực sự giúp cho nhiều người vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc rồi. Cứu được một người vãng sanh là giúp cho họ vượt qua trùng trùng ách nạn để sau cùng được thành tựu. Nếu không được hộ niệm, họ sẽ bị nạn trùng trùng để tiếp tục đi theo trùng trùng những cảnh giới khổ đau trong tương lai. Công đức này lớn lắm đấy. Chính vì vậy, ngài Tịnh-Không nói, không có một công đức nào có thể sánh bằng công đức hộ niệm giúp cho một người vãng sanh.
Chư Phật trong mười phương pháp giới muốn cứu chúng sanh vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, các Ngài cũng phải khuyên giải đến đắng mồm đắng miệng, nói mãi nói mãi cho đến khi nào chúng sanh ngộ nhập được đường đạo mà đi. Nếu chúng sanh ngang ngạnh cang cường không chịu giác ngộ, thì Phật cũng đành chịu thua. Chúng ta nếu muốn thoát nạn, thì phải tiếp nhận lời giáo huấn của Phật, tự mình phải đi cho đúng. Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, nhất định phải tìm cách giảm đi, bỏ đi. Chí thành chí kính, khiêm cung từ ái phải phát triển lên. Tổ Ấn-Quang dạy, chí thành chí kính là đạo nhiệm mầu giúp chúng ta thành tựu. Thân phận phàm phu mà nghĩ rằng tự mình có thể vượt qua ách nạn để thành tựu đạo quả thì thật là oan uổng, không thượng mạn thì cũng sơ ý. Một triệu người khó tìm ra một người thành công.
Nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm giúp chúng ta biết được những sơ suất mà tránh. Ví dụ, người đời thường sợ chết. Sợ chết là một sơ suất. Chúng ta là người biết đạo rồi thì không còn sợ chết nữa nhé. Không sợ chết là tự tại trước cảnh chết. Người còn sợ chết, thì không thể nào được tự tại trước cảnh chết. Từ đó mà cuối đời ngày đêm sợ sệt, lo âu, sầu bi… Tâm hồn bị hỗn loạn, khủng hoảng… thì làm sao thoát nạn được?
Sơ suất, quá sơ suất!… Chúng sanh có quá nhiều sơ suất!… Nhiều người đầu tóc đã bạc phơ rồi, đã chứng kiến qua quá nhiều cảnh sanh-già-bệnh-chết rồi mà vẫn chưa chịu giác ngộ để lo tu hành. Một sợi tóc bạc hiện ra chẳng khác gì là một lá thư cảnh cáo của Diêm Vương. Một cơn nhức đầu chóng mặt là một lá thư khác của Diêm Vương. Trùng trùng những chướng nạn có trùng trùng những lá thư của Diêm Vương gửi tới cảnh cáo, bảo chúng ta phải lo mau mau niệm Phật cầu vãng sanh để kịp thời thoát nạn mà chúng ta không hay biết.
Những người sợ chết, sợ bệnh là một sơ suất rất nặng, làm cho họ mãi mãi bị kẹt trong vòng sanh tử không thoát nạn được. Chư Tổ dạy, một người mà còn sợ chết, dẫu cho được hàng ngàn người tới hộ niệm thì người đó cũng không thể thoát nạn. Nói mạnh hơn, chư Phật mười phương muốn cứu người này cũng không cứu được. Nhân quả của mỗi người, tự mình phải lo giải quyết lấy. Chư Phật không thể phá vỡ định luật nhân quả này. Chư Phật chỉ thuyết kinh giảng đao, dẫn đường đưa lối, tự cá nhân mỗi người phải biết y giáo phụng hành để thực hiện con đường giải thoát. Phật dạy: “Nhất thiết duy tâm tạo”, tất cả đều do chính cái tâm nguyện của mình thực hiện lấy vậy.
Cho nên, khi nói về đạo lý duy tâm này, Diệu Âm thường tích cực động viên chư vị hãy giữ tinh thần mạnh mẽ lên, tâm lực mạnh mẽ lên, nguyện lực vãng sanh mạnh mẽ lên thì một báo thân này chúng ta sẽ theo nguyện lực mà vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Đừng nên bi quan yếm thế. Đừng nên sơ ý làm cho tâm lực chìm xuống mà nghiệp lực thừa dịp bừng lên làm chủ lôi ta theo đường khổ nạn. Nghiệp có sức mạnh của nghiệp lực. Tâm có sức mạnh của tâm lực. Tâm lực yếu thì chư vị đành phải theo nghiệp thọ báo. Tâm lực mạnh lên thì nghiệp chướng sẽ chào thua, chìm xuống nằm im lìm như một cái nền để chúng ta bước lên đi về Tây-Phương Cực-Lạc.
Trong giáo lý Phật Giáo, Pháp Niệm Phật nói đến danh từ “Đới Nghiệp Vãng Sanh”. “Đới Nghiệp Vãng Sanh” có 4 chữ thôi, nhưng đạo lý vô cùng thậm thâm vi diệu, dầu có nói đến một năm cũng khó được trọn ý. Ở đây chúng ta xin được tóm tắt rằng: Tâm lực và nghiệp lực đều có sức mạnh bất khả tư nghì, nhưng có chỗ rất khác nhau. Tâm lực có chủ tể, có tự tánh, tự mình có thể quyết định lấy. Nghiệp lực thuộc về pháp duyên khởi, không có tự tánh, dù tác hại của nó vô cùng nguy hiểm, có thể khiến cho mình bị tan xương nát thịt, làm cho chúng sanh bị nạn tai vô cùng khổ đau, nhưng chính nó không thể tự quyết định, mà phải cần có cái duyên đến mới có thể phát tác được.
Nếu hiểu rõ được lý đạo này, xin chư vị hãy mạnh dạn dùng tâm lực này để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Nhất định đừng đầu hàng nghiệp lực, đừng chạy theo nghiệp lực, đừng quá sợ sệt nghiệp lực nữa. Tâm lực mạnh sẽ thắng nghiệp lực. Hãy quyết lòng nuôi dưỡng tâm lực mạnh mẽ lên để đè bẹp nghiệp lực xuống. Trong Pháp Niệm Phật, Phật dạy chúng ta phải nguyện vãng sanh tha thiết để được vãng sanh. Đi về Tây-Phương Cực-Lạc là chúng ta “Tùng Nguyện Vãng Sanh”, chứ không phải “Tùng Nghiệp Thọ Báo”. Xin nhớ thật rõ điểm này nhé.
Cho nên, tông chỉ của Pháp Niệm Phật nói rất rõ ràng, quy tụ lại chỉ có ba điểm: Tín-Nguyện-Hạnh. Vững vàng tin tưởng, tha thiết nguyện vãng sanh và chí thành niệm A-Di-Đà Phật. Có vững tin, có thiết nguyện thì tự nhiên sẽ chuyên nhất niệm Phật. Chính vì thế, nhiều vị Tổ chỉ nhấn mạnh đến hai điểm Tín và Nguyện. Được hai điểm này là khởi điểm giúp cho chư vị có cơ hội vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo.
Hôm nay thời gian đã hết, ý nói chưa viên mãn, nhưng đành phải tạm ngừng tại đây. Xin chư vị hãy cố gắng nghiên cứu thêm, hy vọng sẽ phát hiện nhiều lý đạo vi diệu, bất khả tư nghì!
A-Di-Đà Phật.