Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 148)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Chúng ta mở lời là nói Niệm-Phật, nhắc nhở là nhắc đến Hộ-Niệm, và mong muốn là vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc… Cứ thế chúng ta đi mãi, từng bước, từng bước càng ngày càng gần Tây-Phương Cực-Lạc. Chư vị đồng ý không? Hôm nay xin chư vị mở trang 59.
Câu (e): Những lý luận lúc bình thường đến lúc lâm chung không thể ứng dụng được vì các căn tán loạn, không còn sáng suốt được.
Đây là một vấn đề cần phải chú ý của người tu học Phật trong thời này. Đúng không chư vị? – (Đúng). Cách đây mấy ngày, cư sĩ Minh Đạt nhắc đến một lời nói của Hòa Thượng Thích Trí-Tịnh, hay vô cùng. Ngài nói rằng, “Chư vị muốn tu pháp môn nào cũng được cả, nhưng chính yếu là làm sao phải thực hiện cho được cái pháp đó trong lúc lâm chung thì chư vị mới thành tựu”. Còn bây giờ đây tu hành thì thấy hay lắm, nhưng đến lúc lâm chung không thực hiện được gì cả, thì tất cả những công phu tu hành sẽ bị thất bại, tức là đường giải thoát bị ngăn lối rồi. Tu hành một đời mà sau cùng bị thất bại thì thật là oan uổng! Luống qua đời này rồi, thì đời sau sẽ trở thành gì đây? Làm sao chúng ta có thể quyết định được! Đức Thế-Tôn cảnh cáo: “Nhơn Thân Nan Đắc”, đời sau không dễ gì được trở lại làm người để tu hành tiếp đâu nhé. Chính vì thế, nếu tu hành không có một căn bản vững vàng, không chọn lựa một pháp liễu giáo tối thắng, không chuẩn bị sự hỗ trợ cần thiết khi lâm chung… thì sự thành tựu trở nên xa vời, không thực. Tất cả những gì chúng ta tu hành hôm nay sau cùng cũng biến thành công sức của loài dã tràng se cát mà thôi!…
Phật dạy, tất cả đều do tâm tạo, đem đạo lý này ứng vào lúc xả thân thọ thân rất chính xác. Khi xả bỏ báo thân này, cảnh giới tương lai có thể do chính mình chọn lựa. Một là tâm ý sáng suốt chủ động chọn lựa, hai là tâm ý mê mờ thụ động thì nghiệp chướng sẽ chọn lựa cho ta. Cả một đời công phu tu hành, lý luận đủ điều, đến lúc lâm chung mê mệt mà quên hết, lại đối diện với cảnh hãi hùng, thì chúng ta sẽ theo sự hãi hùng đó mà thọ lấy những cảnh giới hãi hùng trong tương lai. Bây giờ đây chúng ta có quyền mơ mộng đến những điều cao siêu huyền diệu, nhưng đến lúc lâm chung thì tán loạn, nhiều cảnh giới hung dữ ùn ùn ập tới làm cho tâm hồn kinh hoảng, sợ hãi… nhất định những sự hỗn loạn này sẽ kéo linh hồn tới những cảnh giới vô cùng hung hiểm, tương ứng với những gì tâm thức đang thọ nhận. Một đời tu hành nhưng không được thành tựu, thì bao nhiêu phước báu tu tích được sẽ lắng đọng lại trong A-lại-da thức. Khi xả bỏ báo thân mà tâm hồn tán loạn, khủng hoảng, mê muội… thì tâm thức sẽ bị lôi vào cảnh đọa lạc để thọ nạn trước. Một khi đã bị đọa lạc rồi, xin đừng nghĩ rằng chỉ thọ nạn một vài năm, một vài đời, mà coi chừng chịu khổ đau tới vạn đời, vạn kiếp đấy. Kinh khủng vô cùng!
Vậy thì những công đức phước báu một đời khổ công tu hành đã chạy đi đâu rồi? Sao chúng không ứng ra để cứu chúng ta? Xin thưa, những thứ phước báu này không có tự tánh, chúng không thể tự chủ được. Nếu lúc đó mình quên chúng, thì chúng sẽ lầm lũi chui vào nằm im trong A-lại-da thức. A-lại-da thức của chúng ta giống như một cái kho tàng vô đáy, nó tích chứa vô lượng vô biên tất cả mọi chủng tử: tốt–xấu, phước–tội, thiện–ác… do chính ta đã tạo ra từ vô lượng kiếp đến nay. Một khi bị đọa lạc, thì cơ hội gặp được duyên lành rất khó, còn cơ hội đối diện với duyên xấu ác thì trùng trùng. Duyên xấu ác hợp với nhân chủng xấu ác tạo nên quả báo xấu ác, bắt chúng ta phải thọ lãnh quả báo xấu ác này trong những cảnh giới tối tăm đau khổ trải qua vô lượng kiếp.
Chính vì lý đạo này, chúng ta mới thấy lời nói của đại lão Hòa Thượng Thích Trí-Tịnh chí lý vô cùng: Muốn tu pháp môn nào cũng được, nhưng điều quan trọng là làm sao trong giờ phút xả bỏ báo thân này để qua cuộc đời khác, chư vị phải thực hiện cho được tông chỉ pháp môn đó một cách cụ thể, minh bạch, chính xác. Thực hiện được thì chư vị tự chủ đi về cảnh giới mong muốn. Nếu không thực hiện được, thì chư vị là kẻ hoàn toàn bị động, nghiệp chướng hoàn toàn làm chủ, dẫn dắt vào những cảnh giới bất hợp ý. Nghĩa là tất cả mọi công phu tu tập trong đời này sau cùng không sử dụng được gì cả.
Trở lại với Pháp Hộ-Niệm. Hằng ngày chúng ta tới đây niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, nhưng tới lúc lâm chung liệu có thể thực hiện điều này được không? Xin thưa rằng, chưa chắc. Đừng vội vã nghĩ rằng lúc lâm chung đơn giản như bây giờ nhé. Như vậy, làm sao lúc đó chúng ta có thể niệm Phật rõ ràng, tha thiết cầu vãng sanh như thường làm trong các buổi cộng tu với nhau đây? Xin thưa với chư vị, chính là nhờ hộ niệm.
Hãy suy nghĩ cho thật kỹ nhé chư vị. Hãy nhìn cho rõ trùng trùng chướng nạn của những người khi xả bỏ thân xác này ra đi để rút kinh nghiệm. Hãy nhìn cho thấu một sự thật quá hiển nhiên rằng, hầu hết khi ra đi đều mê mê hồ hồ. Nhìn thấy đó mới biết được hộ niệm là điều vô cùng quan trọng. Quan trọng bậc nhất đối với một người muốn được thành tựu.
Không được hộ niệm, vạn người tu hành khó tìm ra một người thoát nạn!… Tại sao vậy? Phàm phu khi lâm chung thì tất cả các căn đều bị tán loạn, không thể tự chủ được gì cả, bị nghiệp chướng lôi thần thức vào đường đọa lạc khổ đau. Các căn là: mắt tai mũi lưỡi thân ý. Ví dụ như con mắt đã bị tán loạn rồi, thì một người thân đến bên cạnh, mình không biết đó là ai, mà cứ thấy toàn những cảnh giới lạ làm cho tinh thần bất an, khủng hoảng. Nếu lúc đó có được hộ niệm, thì người hộ niệm có thể phát hiện ra những hiện tượng bất thường này và tìm cách hóa giải kịp thời:
– Bác Chín ơi! Đừng lo sợ nhé. Mệt mỏi, đau đớn sinh ra ác mộng là chuyện thường. Tất cả chỉ là giả huyễn. Không lo, không sợ, không để ý tới nhé. Có chúng con đang niệm Phật đây. Bác hãy niệm Phật với chúng con cầu vãng sanh, A-Di-Đà Phật sẽ gia trì cho Bác, Ngài đến đưa Bác về Tây-Phương Cực-Lạc làm Bồ-Tát, không còn khổ đau nữa. Nhớ nhé.
Cầm tay người bệnh nói những lời đơn giản, gần gũi, không có gì cao siêu cả, nhưng trở thành một lời khai thị tuyệt vời, có thể làm cho người bệnh an tịnh, vững tâm, thoát qua cảnh khủng hoảng. Một khi tinh thần bình tĩnh lại thì những cảnh giới lạ tự nhiên tan biến. Nếu không biết hộ niệm, thì chính những người bên cạnh buồn rầu, khóc than, ồn náo… làm cho người bệnh loạn lại thêm loạn, sợ càng thêm sợ, cứ chìm mãi trong những cảnh giới tệ hại hơn, từ đó mà bị đọa lạc khổ đau.
Tất cả đều do tâm tạo. Chư vị muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì phải tự rèn luyện tâm lực vững vàng. Tổ Sư Triệt-Ngộ dạy, có 2 cái lực song song chi phối đến huệ mạng của mình. Một là Tâm-Lực, hai là Nghiệp-Lực, tất cả đều là của chính mình. Tâm của mình và Nghiệp cũng của mình. Nếu chúng ta chạy theo Nghiệp, thì cái Tâm này phải phục vụ cho Nghiệp-Lực mà chịu đại nạn ở cảnh tam đồ ác đạo. Nếu Tâm-Lực vững vàng, nghĩa là không sợ sệt, không hoảng kinh, quyết lòng trở về Tây-Phương Cực-Lạc, thì Nghiệp-Lực dù có mạnh tới đâu cũng phải phục tùng Tâm-Lực, chứ không thể cản ngăn con đường vãng sanh thành đạo của mình được.
Vậy thì, chư vị cần tôi luyện Tâm-Lực cho mạnh mẽ lên nhé. Nghiệp chướng nặng thì ách nạn nhiều. Ách nạn nhiều thì Tâm-Lực phải kiên cường, dũng mãnh, vững vàng hơn. Nghiệp-Lực đã mạnh, Tâm-Lực của chư vị phải càng mạnh hơn, thì nhất định sau cùng Nghiệp-Lực sẽ bị bế tắt. Lý đạo này rất chính xác. Phật dạy tất cả đều do tâm tạo, vì Tâm-Lực do chúng ta điều khiển, có thể tự chủ được, còn Nghiệp-Lực do duyên mà khởi ra, hoàn toàn thụ động, chỉ nương theo duyên mới phát tác mà thôi, chứ không thể chủ động công phá được.
Đến đây có lẽ chư vị đã ngộ ra tại sao Pháp Hộ-Niệm trở thành đại cứu tinh cho hàng phàm phu như chúng ta rồi chứ? Sự thành tựu của Pháp Hộ-Niệm được chứng minh quá rõ ràng, cụ thể, vi diệu bất khả tư nghì, không còn nghi ngờ nữa. Nói ngược lại, nếu không được hộ niệm, thì hàng phàm phu này triệu triệu người tu hành, tìm đâu ra một người thoát nạn. Lý do chỉ vì hàng phàm phu nghiệp nặng, trí mê, triệu triệu người khi lâm chung ai tránh được các căn khỏi bị tán hoại? Một khi bị tán hoại thì không còn sáng suốt, tâm hồn mê loạn… nhất định phải chịu Nghiệp-Lực chi phối, dẫn thẳng vào tam đồ ác đạo thọ nạn. Nhờ Pháp Hộ-Niệm giúp hóa giải vấn đề này, mà nhiều người được vãng sanh, lưu lại tướng lành bất khả tư nghì.
Pháp Hộ-Niệm là một pháp tu, dạy chúng ta phải giữ phần tự chủ, không được chịu thua Nghiệp-Lực. Phải cẩn thận bảo vệ sự sáng suốt giác ngộ. Phải gìn giữ Tâm-Lực mạnh mẽ. Cụ thể, gặp chướng ngại gì không được buông xuôi, gặp một sự hù dọa gì chớ quá sợ sệt. Nhất định huân tập ý chí kiên cường, tôi luyện Tâm-Lực vững mạnh để chuẩn bị đối diện với Nghiệp-Lực khi lâm chung. Dù đã biết vậy, nhưng phàm phu chư căn thường bị tán loạn thì làm sao? Một là bắt đầu từ đây chuyên nhất huân tu Tín-Nguyện-Hạnh, một đường tu tiến. Hai là nhờ ban hộ niệm hỗ trợ. Xin sớm nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm để lo tu sửa những điều sơ suất, giảm thiểu tối đa chướng ngại, rồi kết đoàn với nhau cùng nhau niệm Phật để hộ niệm hỗ trợ cho nhau khi hữu sự vậy.
(f): Tâm là Phật. Phật là Tâm. Trong Tâm đã có Phật thì không cần niệm A-Di-Đà Phật nữa.
Đúng không chư vị? – (Sai). Có người nói Tâm là Phật, Phật là Tâm. Ta Niệm-Tâm chính là Niệm-Phật, chứ cần gì phải niệm A-Di-Đà Phật? Ồ!… Lý thuyết lung tung tưởng là hay, nhưng sau cùng không thực hiện được gì cả, vô tình tự mình gạt lấy mình lâm vào cảnh khổ nạn. Thật đáng thương hại!
Tâm là Phật, Phật là tâm, nhưng vô lượng kiếp qua chính ta vẫn làm phàm phu, gây tạo tội chướng sâu nặng, quả báo đọa lạc vô cùng vô tận không có ngày giải thoát. Ta biết Tâm ta là Phật, nhưng vừa gặp một chướng nạn thì Tâm này hoảng kinh hồn vía! Phật đâu có thể ở trong cái Tâm hoảng kinh hồn vía đó? Tâm là Phật, Phật là Tâm, mà vừa gặp một sự công kích nhỏ, thì Tâm này chịu đựng không nổi! Phật nào lại yếu đuối vậy?
Như vậy rõ ràng Tâm của chúng ta đang mê mờ, chứ không phải giác ngộ như Phật đâu. Vọng tâm mê mờ tạo nghiệp, nghiệp chướng trùng trùng ứng hiện đã đè cái Chơn-Tâm xuống rồi, chứ không phải giống như lý thuyết hay ho đâu nhé.
Phật dạy: Tâm–Phật–Chúng Sanh tuy 3 mà 1. Cái Tâm này giác ngộ mới trở về Chơn-Tâm Tự-Tánh thành Phật. Cái Tâm này mê mờ thì vẫn làm chúng sanh phàm phu, đời đời kiếp kiếp không thoát khỏi sanh tử luân hồi khổ nạn. Phàm phu thật sự Tâm đã quá mê rồi, hãy tìm cách trở về Chơn-Tâm đi, đừng nên đứng đây lý luận hão huyền vô ích nữa.
Làm sao trở về được với Chơn-Tâm đây? Hàng phàm phu tự lực khai Tâm mở Tánh không nổi, thì hãy nghe lời Phật dạy, chọn lấy con đường vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc là thiết thực nhất, cụ thể nhất. Vãng sanh không phải là khai mở trí huệ, minh Tâm kiến Tánh mới được vãng sanh, mà do lòng chí thành niệm Phật cầu vãng sanh, nhờ Phật lực tiếp dẫn về nước Tây-Phương Cực-Lạc. Vãng sanh xong thì không còn lo vấn đề sanh tử nữa. Nơi đó chư Phật, chư Bồ-Tát ngày ngày ở sát bên ta, các Ngài có khả năng phá trừ tất cả những mê mờ trong Tâm của chúng ta, giúp chúng ta một đời khai ngộ.
Niệm-Phật Hộ-Niệm Vãng-Sanh là phương pháp giúp chúng ta di dân về nước Tây-Phương Cực-Lạc. Vãng sanh xong thì tự nhiên chứng đắc, chứ không phải lo cầu chứng đắc gì ở thế giới Ta-bà này.
Tóm lại, nếu cho rằng Phật là Tâm, Tâm là Phật, chỉ niệm Tâm không cần niệm Phật là ý niệm khá sai lầm của hàng hạ căn phàm phu. Mong chư vị y giáo lời Phật dạy mà tu hành, chí thành niệm Phật cầu vãng sanh, đừng sơ ý mà sau cùng bị nạn.
(g): Phàm có tướng đều là hư vọng, Tây-Phương Cực-Lạc có tướng vậy Tây-Phương Cực-Lạc không có thật.
Chư vị nghĩ câu này có đúng hay sai? – (Sai). Phàm phu hạ căn mà ưa lý luận cao siêu quá vừa tốn kém giấy mực, vừa chẳng được ích lợi gì. Hãy thành tâm niệm Phật cầu vãng sanh có hay hơn chăng.
“Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, là lời Phật nói về Lý Vô Thường, diễn tả vạn sự vạn vật đang ở trong chu trình: Thành-Trụ-Hoại-Không, chứ Phật có bao giờ chối bỏ vạn sự vạn vật đang chuyển biến đó đâu. Con người quá vội vã, vừa nghe qua liền chấp vào cái Lý “Không”, tưởng vậy là hay, nhưng không ngờ rằng chính mình sống bên cạnh vô vàn Sự “Có” đang chi phối hàng ngày. Ví dụ, chúng ta có cái đạo tràng này để tu niệm. Ở đây có ai dám nói không có đạo tràng này không? Đạo Tràng có cái vách. Có ai dám nói cái vách này không chăng? Nếu không chịu nhìn vào sự thật thì hãy nhắm mắt lủi đầu vào đi, sẽ biết liền…
“Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” là hàm chỉ tất cả vạn sự vạn vật đều phải chịu sự chuyển hóa theo định luật: Sanh-Trưởng-Dị-Diệt, thời gian có lâu có mau, còn sự tướng vẫn có thực, chư đâu phải là không. Ví dụ muốn lập đạo tràng phải đổ công sức, tiền tài, phải sắm chuông, sắm mõ, v.v… Làm sao dám nói những điều này là không?
Cho nên, biết Lý mà mê trong Lý, thì thà rằng đừng biết Lý gì cả, cứ thành tâm lấy Sự mà tu, thì ngày giác ngộ vững vàng hơn. Với Pháp Niệm Phật, chư Tổ luôn luôn nhắc nhở chúng ta hãy lấy Sự Tu chí thành làm căn bản. Hễ đạt Sự thì đạt Lý, lúc đó Lý Sự viên dung, viên thành Phật đạo. Nói rõ hơn, không lý, không luận, không cao, không thấp làm chi cho mệt trí, cứ một lòng niệm Phật, cầu mong Phật rước về Tây-Phương Cực-Lạc. Vãng sanh về miền Cực-Lạc rồi, thì liền thành Bồ-Tát Bất-Thoái, tâm trí chắc chắn sẽ khai mở, Lý Đạo sẽ bao dung pháp giới. Bồ-Tát đi khắp mười phương hành đạo cứu độ chúng sinh lợi lạc hơn nhiều vậy.
Mong chư vị quyết lòng nghe theo lời Phật dạy, thành tâm chí thành niệm Phật, cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Chỉ bấy nhiêu này thôi, trước khi xả bỏ báo thân niệm một câu A-Di-Đà Phật chư vị đã vội vã trở thành A-Duy-Việt-Trí Bồ-Tát, một đời bất thoái thành Phật.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.