Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 149)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin chư vị mở trang 59, câu (h): Người bình thường không tu hành, chờ lâm chung mời ban hộ niệm đến cũng khó giúp ích được gì.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Đây là một vấn đề sai lầm rất phổ thông. Người ta không chịu nghiên cứu về Pháp Hộ-Niệm, cũng không biết gì về vãng sanh, đến lúc bệnh nặng, sắp chết thì con cháu chạy mời ban hộ niệm. Xin thưa rõ rằng, đến giai đoạn này ban hộ niệm đành chịu thua. Khi một người bệnh đã lâm vào tình trạng mê man bất tỉnh mới nhờ đến hộ niệm, ban hộ niệm đành chịu thua. Khi một người bệnh đã bị bao vây bởi nghiệp chướng trùng trùng, tâm hồn đã tán loạn, kinh hoàng mới nhờ đến hộ niệm, ban hộ niệm đành chịu thua. Ban hộ niệm chỉ có thể giúp ích cho những người còn tỉnh táo, để có thể hướng dẫn chỉ điểm những điều họ cần phải làm. Người bệnh phải phát khởi niềm tin, phải niệm câu A-Di-Đà Phật và thiết tha cầu nguyện vãng sanh. Đây là ba vấn đề lớn mà chính người bệnh phải làm để được vãng sanh. Ngoài điều này ra, ban hộ niệm hoàn toàn không có một nặng lực gì khác để cứu người bệnh thoát nạn. Ban hộ niệm không có một thần lực gì khác để tiếp dẫn người bệnh vãng sanh đâu.
Chính vì thế, xin thưa với chư vị, sự tu hành vô cùng quan trọng. Mỗi người phải tự lo tu hành, tích công tạo đức. Muốn được vãng sanh tự mỗi người phải lo niệm Phật, phải biết đường đi, phải rõ điểm về. Tất cả những sự huân tập sẽ thâm nhập Tín-Nguyện-Hạnh vào tâm. Đến lúc lâm chung bị nghiệp chướng đánh phá, cận tử nghiệp hiện hành, nhờ sự huân tu đó làm cái vốn căn bản để tiếp nhận sự hướng dẫn của ban hộ niệm. Tự lực và tha lực hỗ trợ, giúp cho người bệnh vùng lên quyết thực hiện tín tâm, nguyện tâm, và niệm tâm để vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
Vì thế, xin chư vị nhớ cho, đừng bao giờ nghĩ rằng có ban hộ niệm rồi thì chúng ta yên tâm, cứ nằm đó chờ đến lúc sắp chết mời ban hộ niệm đến là xong. Không đúng đâu. Trong những ngày qua, Diệu Âm cảm thấy rất vui mừng vì chư vị tu hành rất tinh tấn. Sáng, trưa, chiều, tối niệm Phật liên tục 4 thời một ngày. Phải huân tu mới tốt, phải quyết tâm mới được. Tinh thần như vậy thật đáng khen. Xin vỗ tay hoan hô chư vị đồng tu.
(i): Pháp môn vô lượng, phải học càng nhiều pháp môn càng tốt.
Đúng hay sai? – (Sai). Tông chỉ Pháp Môn Niệm Phật chú trọng về chuyên nhất. Chư Phật, chư Tổ đều khuyên nhắc chúng ta hãy đi một đường thẳng băng về Tây-Phương Cực-Lạc để một đời được thành tựu đạo quả. Phàm phu đừng nên đi xéo xéo, đừng nên đi lòng vòng mà khó bề thoát nạn. Ham tu học nhiều pháp môn là dạng người thích đi lòng vòng, biết thì nhiều mà không sâu không vững, trở thành những thứ lộn xộn khó tiêu. Ví như người tham ăn, hễ ăn nhiều thì nhai không kỹ. Nhai không kỹ thì dễ bị trúng thực. Ráng ăn cho nhiều sau cùng đành phải ói ra… Vừa phí của, vừa khổ thân!…
Cổ nhân dạy rằng: “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Chuyên tinh mới quý, đa tạp khó thành. Chính vì thế, xin đừng ham học quá nhiều pháp môn. Học pháp môn nào một pháp cho thật tinh thuần, thật vững vàng, thì từ một pháp môn đó dễ dàng giúp chư vị thành tựu đạo quả. Khi thành tựu rồi mới thấy rằng một là tất cả, tất cả là một. Một pháp tinh thông thì vạn pháp sẽ tinh thông. Một pháp môn hàm chứa vô lượng pháp môn vậy.
Trở lại hiện thực của chúng ta. Chúng ta đang chuyên tâm nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm. Nếu một Pháp Hộ-Niệm này mà hiểu thật thấu đáo, thì ta thấy rõ rằng vạn pháp đều hàm chứa trong pháp này. Tất cả pháp môn của Phật đều là phương tiện giúp cho chúng sanh tu tập để thành đạo vô thượng, thì Pháp Niệm Phật đưa chúng sanh vãng sanh một đời thành Phật. Pháp Hộ-Niệm hướng dẫn chi tiết, cụ thể, thiết thực giúp cho đến hàng phàm phu tội chướng sâu nặng cũng có cơ hội thực hiện vững vàng Pháp Niệm Phật để vãng sanh một đời thành tựu đạo quả. Vậy thì còn pháp nào khác nằm ngoài Pháp Hộ-Niệm?
“Đồng qui nhi thù đồ”, đồng về một mục đích nhưng đường đi khác nhau. Cùng tới một đỉnh núi, nhưng có nhiều đường lên. Người đang đi đường nào hãy dùng đúng thủ thuật của đường đó. Học Phật, chúng đi đường Hộ Niệm Vãng Sanh, con đường này dẫn chúng ta đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc. Đây là đường dễ tu, dễ hành, dễ chứng, vì được chư Phật mười phương gia trì, được chư Bồ-Tát yểm trợ, chư Thiên Long Hộ Pháp bảo vệ. Hàng phàm phu xưa nay dễ có mấy ai được siêu thoát, thế nhưng nay nhờ hộ niệm mà thực sự có nhiều người đã được vãng sanh lưu lại tướng lành bất khả tư nghì. Vui không chư vị?
Chư vị nghĩ thử, mình đi con đường mà được chư Phật Bồ-Tát hộ trì, chư Hộ Pháp bảo vệ chắc chắn phải an toàn hơn những con đường khó khăn, chắc chắn phải thích thú hơn những con đường đầy chông gai hầm hố cản ngăn chứ?
Như vậy, chúng ta đang học tập về hộ niệm là chuẩn bị để một đời này vãng sanh rồi đó. Trên đường tu hành, nếu có gặp thử thách gì xin đừng lùi bước nhé. Ấn Tổ dạy không được thoái tâm, không được tự mãn, đừng bao giờ tự cho rằng mình tu hành đã đủ. Phải tự nhận mình còn phàm phu, nghiệp nặng trí mê, mà ngày đêm gia công chuyên trì niệm Phật, phải huân tu cho chủng tử “A-Di-Đà Phật” thấm sâu vào tâm. Đến một lúc nào đó gặp cảnh đau khổ làm cho ta quên hết tất cả, nhưng không thể quên câu A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh. Đến lúc nào đó bị ngộp không thở được nữa, mình có thể quên hết tất cả, nhưng vẫn nhớ niệm câu A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh. Đến lúc nào đó thân xác này quằn quại đau đớn như con rùa bị lột mai, mình quên hết tất cả, nhưng vẫn giữ được câu A-Di-Đà Phật mà niệm để chờ Phật lai nghinh tiếp độ. Tất cả công phu một đời huân tập đều dồn vào thời điểm cuối cùng này niệm cho được câu A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh để về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo.
Đại Lão Hòa Thượng Trí-Tịnh nói rằng, tu pháp môn nào cũng được, nhưng thành tựu hay không là liệu rằng mình có thực hiện được pháp môn đó lúc lâm chung hay không. Thật là một lời khai thị tuyệt vời.
Như vậy, muốn thành tựu thì làm sao lúc lâm chung mình phải nhớ cho được câu A-Di-Đà Phật mà niệm để cầu vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, nhận báo thân của một vị Bồ-Tát Bất Thoái mới được. Đừng sơ ý đi vào một chỗ tối thui mà nhận lấy hình tướng của một chúng sanh ở địa ngục thì thê thảm lắm đó nhé! Nếu lúc đó tâm ý mờ mịt, thấy một chỗ ấm áp chui vô, vô tình chui vào bụng con chó, để ít hôm sanh ra thành con chó con thì oan uổng lắm! Sự tình rất nguy hiểm, không đơn giản đâu.
Nói tới đây, Diệu Âm sực nhớ lại một câu chuyện có thực đã xảy ra ở Việt Nam. Có một em bé nuốt trái mận bị nghẽn cổ chết. Một người ở bên kia sườn núi đang có bầu đi ngang qua, thấy đám chết của em bé quá thương tâm mà rơi nước mắt. Không ngờ, từ cái duyên này mà thần thức của em bé nhập vào bào thai của chị đó. Hòa Thượng Tịnh-Không gọi đây là hiện tượng đoạt thai. Đến khi sinh ra, đứa bé lớn lên không chịu nhận chị là người mẹ, mà cứ nhận người bên kia dãy núi là mẹ của mình và kể lại khá rành mạch hoàn cành gia đình bên kia sườn núi. Câu chuyện Diệu Âm có nói trong bộ “Khuyên Người Niệm Phật”. Đây là do duyên mà chiêu cảm đến.
Có lẽ em bé đó cái số chưa chết, nhưng vì ăn quả mận sơ ý bị nghẽn cổ mà bức tử. Thần thức đang lang thang chưa biết đi về đâu, thì gặp người đang có thai đi ngang thương cảm đứng khóc. Từ cái duyên này mà dẫn đến sự đoạt thai, rồi một thời gian ngắn được sinh trở lại. Có lẽ vì thời gian nằm trong bào thai quá ngắn, nên em bé mới nhớ lại sự việc đời trước một cách rõ ràng. Dù có chút đặc biệt là có thể nhớ lại đời trước của mình, nhưng vẫn chỉ là điều mê muội chứ có hơn gì ai. Những ví dụ khác, như người chết nhưng vì tham tiếc tài sản nhà cửa, luyến ái con cháu không muốn rời xa nên nhập vào thai của loài heo gà trâu bò trong vườn nhà. Khi sinh ra, con vật cứ quyến luyến con cháu mà sau cùng bị con cháu làm thịt vậy thôi.
Trở lại Pháp Hộ-Niệm. Vãng sanh tuy dễ mà khó, tuy khó mà dễ. Nếu biết chuẩn bị những sự giúp đỡ cần thiết khi mình nằm xuống thùi sẽ dễ. Nên nhớ lúc đó có thể mình không còn tự chủ được nữa, chứ không đơn giản như bây giờ đâu. Chính ban hộ niệm sẽ đáp ứng kịp thời, hiệu quả, giúp mình vượt qua nhiều chướng nạn. Phải tin tưởng nhé, đừng sơ ý khinh thường những người áo tràng thùng thình, tâm địa thực thà đến bên cạnh mình hướng dẫn vài câu. Thực sự họ đến giúp mình vãng sanh thành đạo đấy. Tuyệt vời vô cùng. Một phương pháp đơn giản mà tuyệt vời.
(j): Thực hành nhiều pháp môn thì tâm thường chao đảo, không có chỗ định, không tốt cho hàng phàm phu chúng ta.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Trong đáp án này có mấy vấn đề. Thứ nhất là tâm chao đảo. Thực ra đây pháp thực hành thuộc về Hiển Giáo. Các vị tu theo đường Giáo-Hạ thường nghiên cứu nhiều pháp để cầu khai giải giáo lý của Phật. Căn cơ thành tựu theo phương pháp này phải từ trung căn, thượng căn, gọi là trung-thượng căn trở lên mới có hy vọng, nhưng thời gian tu tập phải trải qua nhiều đời nhiều kiếp, chứ không phải đơn giản đâu. Như vậy, các pháp thuộc về Giáo-Hạ đối với hàng phàm phu chúng ta thực sự không hợp. Không hợp mà cố gắng tu trì thì tâm phải bị chao đảo, thoái chuyển sau cùng khó có thể thành tựu.
Tâm cơ yếu mà nghiên cứu nhiều pháp thì hoang man không biết đâu để nương tựa. Giáo lý của Phật rộng như hư không, sâu như biển cả. Tâm trí cạn cợt mà nghiên cứu nhiều dễ đi vào tình trạng rối bời. Nhiều kinh Phật giảng nói khác nhau, không biết lời Phật dạy trong kinh này đúng hay trong kinh kia đúng? Không biết trì Chú diệt nghiệp là hay, hoặc niệm Phật vãng sanh là tốt? Không biết niệm một vị A-Di-Đà Phật đại diện cho vô lượng vô biên ba đời mười phương chư Phật là được, hoặc phải niệm 10.000, 20.000 vị Phật mới đủ?… Từ đó, cái tâm chao đảo phân vân, không thể nào định được.
Thứ hai là một khi nằm xuống rồi tâm không được phép chao đảo, dụ dự, phân đo. Một người muốn thoát nạn thì phải có sự chủ định vững chắc thực hiện đường giải thoát. Nếu tâm chao đảo trong lúc lâm chung, thì nhất định bị nghiệp chướng bao vây, nhất định bị oán thân trái chủ cài bẫy hãm hại, đưa ta vào những cảnh khổ nạn.
Chính vì thế, chư vị muốn định được thì phải định ngay từ bây giờ, đừng nên nghĩ rằng cuối đời ta sẽ định sau, đây là điều sơ ý đáng trách. Phải định thì tâm mới vững. Như vậy, thiền định không phải là ngồi im lìm bất động, mà chính là tâm phải có chủ định. Nếu ngồi im lìm cả giờ này qua giờ khác nhưng tâm ý chạy lung tung như con ngựa, nhảy khắp nơi như con khỉ thì đây không phải là thiền định đâu. Tâm không định thì loạn. Hàng phàm phu chúng ta luôn luôn loạn động đó nhé.
Như vậy, định là gì? Hãy tìm một pháp môn hợp với căn cơ trì giữ cho vững, nắm cho chắc, giữ cho chặt, huân tu lâu dài, không còn phân vân chao đảo, tâm định vào đó để đến khi lâm chung ta thực hiện trọn vẹn tôn chỉ của pháp môn hầu được thành tựu. Phàm phu trong thời mạt pháp này, Phật dạy chỉ còn có Pháp Niệm Phật mới giúp chúng ta thành tựu. Vậy thì hãy định vào câu A-Di-Đà Phật, định vào Pháp Hộ-Niệm, quyết hỗ trợ cho nhau niệm Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc để vãng sanh thành đạo. Pháp Hộ-Niệm Vãng Sanh đã có sự thành tựu cụ thể, không còn gì phải đắn đo nữa.
Nói đi nói lại, chúng ta vẫn phải nhớ rõ ràng điều này, chúng ta đang nói đến người phàm phu hạ căn. Những vị thượng căn trí huệ tâm đã khai mở, thì các Ngài đã có chỗ định rồi, các Ngài có thể tự lực đi theo đường nào cũng có thể thành tựu. Còn chúng ta tâm chưa khai, trí chưa mở, nghiệp chướng còn quá nặng, thì nhất định phải biết nhờ vả, phải biết nương tựa để hỗ trợ cho nhau thành tựu. Nhờ vả ai đây? Nhờ thần lực chư Phật gia trì, nhờ 25 vị đại Bồ-Tát yểm trợ, nhờ chư Hộ-Pháp bảo vệ, nhờ ban hộ niệm hướng dẫn, diều dắt, gỡ rối… Chính sự nhờ vả này mà hàng phàm phu đã được vãng sanh nhiều vô số kể. Được thành tựu há không hay hơn tự cho mình là cao thượng để cuối cùng bị thất bại đau thương hay sao?!…
Cho nên, chúng ta cứ một lòng niệm Phật A-Di-Đà, cầu về Cực-Lạc ngồi đài hoa sen. Ai chê bai, ta trân quý. Ai ngăn cản ta cứ đi. Không một chướng ngại nào có thể làm cho ta thoái tâm. Người niệm Phật mà thoái tâm thì lách khỏi đường vãng sanh một đời thành Phật, chạy theo con đường vô lượng kiếp trầm luân, hoặc đi xeo xéo thành Tà-Định, hoặc đi lòng vòng thành Bất-Định. Tà-Định thì biết bao giờ mới tới đích. Bất định thì theo như Tổ Ngẩu-Ích nói, “Sự sự không xong, việc việc không thành”, thành quả trống không. Xin đừng sơ ý mà một đời tu tập sau cùng bị thất bại.
Chư vị phải tin tưởng vững vàng, phải đi cho thẳng, phải đi cho chánh. Ai tin tưởng thì cùng niệm Phật, cùng cầu vãng sanh, cùng đi thành đạo. Ai không tin, ưa nói lời sai lầm thì tùy duyên của họ. Đường ai nấy đi, cớ chi phải bận lòng?…
Thôi, chư vị quyết lòng quyết dạ nhất tâm niệm A-Di-Đà Phật cầu về Tây-Phương Cực-Lạc nhé. Mong cho mọi người đều được vãng sanh một đời thành đạo.
A-Di-Đà Phật.