Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 124)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Chúng ta đang phân tích sự khác nhau giữa “Đới Nghiệp Vãng Sanh” và “Tự Lực Tu Chứng”, đây là một vấn đề khá lớn. Trong Phật Giáo có hai hệ phái tu học chính, một là tự lực tu chứng, hai là nương theo đại nguyện của Đức Phật A-Di-Đà vãng sanh về thế giới Tây-Phương Cực-Lạc trở thành bậc bất thoái chuyển thành Phật. Hai phương pháp này, về lý đạo quán xét cho đến cùng thì tương đồng nhau, nhưng về sự đạo thì phương pháp tu hành có chỗ khác nhau.
Đường tự lực tu chứng là chính mình đem hết năng lực của mình ra tự giải quyết tất cả những vấn nạn về nghiệp chướng, về oán thân trái chủ, về tình chấp… Nói chung là tự hóa giải tất cả những vấn đề vướng mắc để giải thoát tâm linh, nói theo Phật Giáo là trở về Chơn-Tâm Tự-Tánh. Hành trình này tự mình đi lấy. Chứng đắc một phần lợi lạc một phần, chứng đắc mười phần trọn vẹn, mình thành Phật. Đường tu hành này lý thuyết thì hay, nhưng thực tế thì vô cùng khó khăn, nhứt định đối với hàng phàm phu như chúng ta thì vô phương thành tựu.
Còn đường tu vãng sanh trở về Tây-Phương Cực-Lạc không phải là chứng đắc để tự thành tựu, mà là pháp “Tùng Nguyện Vãng Sanh”, chúng ta được trở về cõi nước Tây-Phương Cực-Lạc là theo cái nguyện ước muốn vãng sanh về đó, ứng hợp với đại nguyện độ sanh của Đức Từ Phụ A-Di-Đà mà được tiếp độ vãng sanh. Hành giả niệm Phật dùng lòng thành kính, tin tưởng niệm câu A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh, đúng theo tông chỉ của Pháp Môn Niệm Phật mà được thành tựu ước nguyện. Tông chỉ này được ví như một tín hiệu, người nào làm đúng cái tín hiệu, thì tự nhiên nhận được mọi hiệu ứng. Ví như một chiếc máy TV, trong đó có rất nhiều đài, hễ mở đúng tầng số của một đài thì tự nhiên bắt được làn sóng của đài và sẽ thấy rõ được mọi hình ảnh trong đài đó.
Pháp Niệm Phật không phải về Tây-Phương Cực-Lạc là chúng ta chứng liền ngôi Phật Vị, nhưng về cảnh giới đó chúng ta không còn sanh tử nữa, không còn thoái vị nữa. Không còn chết, không còn sanh nữa, trước sau vẫn chỉ là một đời an vui cực lạc, được sự gia trì của A-Di-Đà Phật và chư Phật trên mười phương pháp giới mà một đời thành tựu ngôi vị Phật. Nhân dân của thế giới đó toàn là Bồ-Tát bất thoái, nên vãng sanh xong chúng ta đương nhiên làm bạn lữ với chư vị Bồ-Tát, các Ngài hướng dẫn chúng ta, dạy dỗ chúng ta. Chúng ta tiếp tục tu hành, nhưng không phải tu với hàng phàm phu nghiệp chướng sâu nặng như tại cõi Ta-Bà này, mà tu với chư vị đại Bồ-Tát, bên cạnh đó chư Phật cũng ở bên cạnh chúng ta. Chư Phật thì ở trong Thường-Tịch-Quang Tịnh-Độ. Chư Bồ-Tát thì ở trong Thật-Báo Trang-Nghiêm Độ, chúng ta thì ở Phàm-Thánh Đồng-Cư Độ, 9 Phẩm 4 Độ ở chung một nơi, các Ngài ở bên cạnh chúng ta, tay trong tay cùng nhau tu tập. Thành ra là chúng ta tu hành chung với Bồ-Tát. Tu hành chung với Bồ-Tát thì ta là bạn lữ với Bồ-Tát. Bạn lữ với Bồ-Tát thì ta cũng là Bồ-Tát. Các Ngài đều là Bồ-Tát Bất Thoái, thì chính ta cũng chứng được bậc Bất Thoái Chuyển vậy.
Hôm nay xin mở trang 52, câu (e): Vãng sanh là nhờ Phật lực tiếp độ nên dễ. Tự lực phải đoạn sạch nghiệp chướng để thoát tam giới nên rất khó.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Vãng sanh là nhờ Phật lực tiếp độ, đây là tu đường đới nghiệp thành tựu. Tự lực không phải là đới nghiệp mà phải đoạn sạch nghiệp chướng của mình. Phàm phu hạ căn chúng ta không đủ năng lực để làm việc này, nên đối với vấn đề tự lực đoạn sạch nghiệp chướng để thoát vòng tam giới quá khó, quá khó!…
Điểm đầu tiên chúng ta phân tích ở đây, một là đường dễ, hai là đường khó. Đường dễ trong kinh Phật gọi là “Dị Hành, Dị Đắc”. Đường khó gọi là “Nan Hành, Nan Đắc”. Thì Pháp Môn Niệm Phật được Phật dạy là pháp dễ hành dễ chứng, rộng độ chúng sanh. Chư Tổ đều tuyên dương là pháp môn rất dễ hành, thích hợp cho chúng sanh trong thời mạt pháp này. Ngài Thiện-Đạo Đại Sư, Tổ thứ hai Tịnh-Độ Tông Trung Hoa, khi ngộ ra đạo pháp, Ngài nói câu này: “Sở dĩ Như-Lai hưng xuất thế, duy thuyết Di-Đà bổn nguyện hải”. Một vị Tổ Sư khi nói lên một lời nào, các Ngài luôn luôn cẩn trọng, không thể tự động phát ngôn đâu.
Tất cả các Đức Phật Như Lai thị hiện xuống cõi nhân gian trong thời này thuyết kinh hành đạo, với mục đích là sau cùng nói lên cái đại nguyện độ sanh của Đức A-Di-Đà Phật cho chúng sanh biết. Tại sao vậy? Vì nương theo nguyện hải độ sanh của Đức Phật A-Di-Đà là pháp dễ hành, mà sự thành tựu thì vô cùng vi diệu. Người nào thành tâm, tin tưởng thực hành đều có thể được đắc đạo. Đắc đạo ở đây có nghĩa là được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, thoát ly sanh tử luân hồi, bắt đầu từ đó không còn thoái lui nữa, cứ tiến thẳng tới quả vị Phật luôn. Vãng sanh xong thì không đắc cũng đắc, không chứng cũng chứng, yên chí không còn lo lắng gì nữa. Thật là đường tu dễ hành, dễ chứng vậy.
Vì thệ nguyện độ sanh của Đức A-Di-Đà Phật quá vĩ đại, bao trùm pháp giới nên được gọi là “Nguyện Hải” và được tất cả mười phương, ba đời chư Phật trên pháp giới đều ủng hộ, gia trì cho nguyện hải này. Pháp-Tạng Tỳ-Kheo khi còn ở nhân địa tu hành phát ra 48 đại nguyện độ sanh và thề rằng, nếu đại nguyện của Ngài không được tất cả ba đời mười phương chư Phật ủng hộ thì Ngài không thành Phật. Nay Ngài đã thành Phật 10 kiếp rồi, thì đại nguyện này đã viên mãn.
Được mười phương ba đời chư Phật ủng hộ, thì vị Phật nào thị hiện xuống dưới nhân gian, nói nhiều kinh, giảng nhiều lý đạo cứu độ chúng sanh. Đến khi thấy cơ duyên thành Phật thành thục, thì chư Phật sẽ nói thẳng đến Pháp Niệm Phật A-Di-Đà cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc để cho chúng sanh một đời thành tựu đạo quả. Lời dạy của Ngài Thiện Đạo nói rõ rằng, điểm cuối cùng của tất cả chư Phật trên mười phương là khuyên chúng sanh niệm A-Di-Đà Phật trở về Tây-Phương Tịnh-Độ, chúng ta cần nên hiểu thấu đạo lý này. Sở dĩ có điều này vì nguyện hải độ sanh của Đức A-Di-Đà Phật quá viên mãn, tất cả chúng sanh đều có thể tu hành dễ dàng, thành tựu tối thắng.
(f): Còn nghiệp thì phải trả, không có chuyện đới nghiệp vãng sanh.
Đúng hay sai? – (Sai). Nhiều người nghĩ rằng, còn nghiệp phải trả nghiệp, không có chuyện còn nghiệp mà được vãng sanh thành đạo. Chư vị nghĩ thử sự suy nghĩ này có đúng lắm không?… Thực ra, lời này không phải không có lý đâu. Còn nghiệp phải trả nghiệp là đối với người tự chọn con đường tự lực tu chứng, chứ không nương theo đại nguyện của Đức A-Di-Đà để vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Họ nghĩ rằng có làm có chịu, có nhân có quả, vấn đề nhân quả của chính mình phải tự mình giải quyết lấy. Nhưng không ngờ rằng, bên cạnh sức lực cố gắng của mình còn có lực gia trì của chư Phật. Tự lực của chính mình, dù tốt tới đâu, cũng không thể nào sánh bằng lực gia trì của chư Phật trên mười phương được.
Xin thưa với chư vị, cho rằng còn nghiệp thì phải trả nghiệp, nên người tu hành mới quyết định đối đầu với nghiệp chướng. Đây là người có chí khí rất vững mạnh, có nghị lực thật kiên cường, ngày nào đạt được tới chỗ nghiệp sạch tình không thì được giải thoát tam giới, thoát vòng sanh tử, trọn vẹn nguyện ước, còn nếu không đạt được, thì đành phải kẹt mãi trong sáu đường luân hồi, đời đời kiếp chịu khổ nạn. Thực sự nguyện ước này không phải dành cho hàng phàm phu chúng ta. Trên thực tế, có rất nhiều hiện tượng vãng sanh đã xảy ra khắp nơi, nên lời nói: “Còn nghiệp thì phải trả, không có chuyện đới nghiệp vãng sanh” không đúng lắm.
Hòa Thượng Tịnh-Không nói rằng, nếu không có đới nghiệp vãng sanh, thì ở cõi Tây-Phương Cực-Lạc chỉ có một mình Đức A-Di-Đà Phật. Chúng ta cầu về nơi chốn buồn chán đó làm chi?… Thành ra có lần có người đến lý luận rằng không có chuyện đới nghiệp vãng sanh, thì Ngài trả lời:
– Thì ông đừng đi vãng sanh.
– Tại sao vậy?
– Vì tới đó làm chi? Nơi đó chỉ có một mình A-Di-Đà Phật ở, cảnh giới buồn hiu, đâu có vui sướng gì mà tới đó?…
Đúng không chư vị? Nếu bảo rằng không có đới nghiệp thì chỉ có A-Di-Đà Phật mới hoàn toàn hết nghiệp, chứ còn như các Ngài Đẳng-Giác Bồ-Tát vẫn còn một phẩm nghiệp Sanh-Tướng Vô-Minh chưa phá. Chư vị Bồ-Tát khác từng cấp, từng cấp vẫn còn nhiều phẩm Sanh-Tướng Vô-Minh thì làm sao họ có tư cách tới được Tây-Phương Cực-Lạc. Ví dụ, Sơ Trụ Bồ-Tát thì chỉ mới phá 1 phẩm Sanh-Tướng Vô-Minh, chứng được 1 phần Pháp Thân, còn tới 41 phẩm nữa. Thập Trụ Bồ Tát phá được 10 phẩm, còn 31 phẩm nữa, v.v… Biết bao giờ phá hết để vãng sanh đây? Còn chư A-La-Hán thì xa vời vợi, vì phải phá nghiệp Trần-Sa trước khi chạm đến nghiệp Vô-Minh thì làm sao đây?…
Cho nên thực tế phải có đới nghiệp, chỉ có đới nghiệp ít hay nhiều mà thôi. Người phàm phu hạ căn nghiệp chướng quá nặng thì đới nghiệp nhiều, sanh về hạ phẩm. Người trung căn đới nghiệp ít hơn, có thể sanh về trung phẩm. Người thượng căn, chư Bồ-Tát nghiệp chướng rất nhẹ, sanh về thượng phẩm. Thượng-Trung-Hạ phẩm tam bối ở chung một nơi, chư đại Bồ-Tát là bạn lữ, các Ngài giúp đỡ, gia trì cho chúng ta, khai thị bứng tất cả cội rễ của nghiệp chướng trong tâm ra. Một khi đã vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, đại nguyện của Đức A-Di-Đà Phật đã cắt đứt tất cả các nẻo sanh tử luân hồi, nghiệp chướng không còn có tác dụng lôi ta vào vòng sanh tử luân hồi nữa, từ đó ta cứ tiến thẳng đến ngôi Vô- Thượng Chánh-Đẳng Chánh Giác, tự nhiên ta chứng được bậc Bất Thoái Chuyển thành Phật.
Còn ở cõi Ta-bà này, sinh ra trong thời mạt pháp của Đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật, ai có khả năng bứng được cội rễ nghiệp chướng cho ta đây? Nếu sinh ra trong thời Đức Thế-Tôn còn tại thế, người có duyên nhờ thần lực của Ngài mới có hiện tượng này xảy ra. Như trong kinh Phật kể lại, rất nhiều trường hợp một người chỉ cần được Phật khai thị thì liền chứng đạo. Ví dụ ông Vô-Não, một đời mê muội, nghe lời tà đạo giết người vô cùng tàn bạo, phải giết cho đủ số 1.000 người để chứng đắc?… Tiếng ác vang ra, không một ai dám tới vùng đó, sau cùng định giết đến mẹ của mình cho đủ số, nhưng ông vẫn còn một chút tình thương mà chập chờn do dự. Gặp đúng lúc Đức Thế-Tôn đi ngang qua, ông liền bỏ qua người mẹ và rượt theo Đức Thế-Tôn để giết…
Một người tàn ác như vậy, nhưng khi đối diện với Đức Thế-Tôn, chỉ cần Phật khai thị một lời khiến cho ông Vô-Não tức thời giác ngộ, liền buông đao xuống, phát tâm xuất gia tu hành cầu giải thoát. Tại sao vậy? Vì Phật có năng lực bứng tất cả những cội rễ tội chướng trong tâm của ông Vô Não này ra ngoài. Một lời khai thị của Phật có thể làm cho chúng sanh khai ngộ ra Chơn-Tâm Tự-Tánh vậy.
Vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc cũng như vậy đấy. Chư Đại Bồ-Tát quán chiếu được những vướng chấp từ trong tâm chúng ta, chư Phật biết trong tâm của chúng ta có những gì, một lời khai thị của các Ngài có thể bứng tất cả cội rễ của nghiệp chướng, giúp ta khai mở Chơn-Tâm liền trở thanh bậc Giác-Ngộ. Đã giác ngộ trở về Tự-Tánh rồi thì nghiệp chướng đâu còn vướng chấp nữa. Chư Tổ dạy, vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc không đắc cũng đắc, không chứng cũng chứng là vậy đó.
(g): Vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc không phải chứng đắc mới được vãng sanh. Tự lực tu chứng phải tự mình chứng đắc mới được.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Nó khác ở chỗ, một đàng không cần chứng đắc mà được vãng sanh, còn một đàng thì phải tự mình chứng đắc mới được thành tựu, mà sự chứng đắc ở đây chắc chắn phải tu chứng từng cấp, ví dụ như đi học phải xong lớp 1, rồi đến lớp 2, từng cấp, từng cấp đi lên. Còn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì không cần chứng từng cấp như vậy. Cứ giữ vững Tín-Nguyện-Hạnh thì được vãng sanh. Vãng sanh xong thì bây giờ không chứng lúc đó cũng sẽ chứng, bây giờ không đắc lúc đó cũng sẽ đắc. Thành ra, Pháp Môn Niệm Phật vãng sanh Tịnh-Độ đặc biệt không đắc mà đắc, không chứng mà chứng, đường tu dễ dàng, thẳng tắt.
Còn tự lực tu chứng từng cấp tiến lên thực sự không dễ đối với hàng phàm phu. Một người nếu thật sự khai tâm giác ngộ có thể tu chứng thực, còn thường khi chỉ vì mê lầm vọng tưởng mà thấy rằng chứng đắc. Hầu hết chỉ là những cảnh giới giả huyễn. Rất nhiều trường hợp có người tự cho là chứng đắc, nhưng thực sự chỉ sự chứng đắc giả. Tham chấp vào đó để tự dẫn độ mình đến chỗ đại nạn. Chứng giả gọi là vọng chứng, giả chứng, tất cả đều do tâm trí mê mờ, vọng tưởng sai lầm, không chịu giữ hạnh khiêm cung để sám hối tu sửa mà sinh ra như vậy. Khi phân tích giữa pháp vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc và pháp tự lực tu chứng, ta thấy rõ có nhiều điểm khác nhau khá tế vi.
Chúng ta đang tu tập theo đường niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ là đúng hợp lời của Đức Thế-Tôn dạy cho những người phàm phu trong thời mạt pháp này một đời có thể thành tựu đạo quả. Mong chư vị chú ý, vững tâm đi cho đúng cho thẳng vậy.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.