Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 140)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin chư vị mở trang 57, vấn đề 28:
Muốn cuộc hộ niệm thành công, thì giữa người hộ niệm và người bệnh cần những yếu tố nào?
Hay lắm đấy! Giữa người bệnh và người hộ niệm phải có hợp đồng với nhau. Người bệnh phải tin tưởng và làm theo lời người hộ niệm hướng dẫn, người hộ niệm phải hướng dẫn đúng lý đúng pháp hộ niệm. Muốn hướng dẫn đúng lý đúng pháp thì người hộ niệm phải nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm cẩn thận, không thể nghĩ sao làm vậy được. Có những trường hợp đặc biệt cần đến sự uyển chuyển, nhưng có uyển chuyển gì đi nữa thì sau đó cũng phải quay về đúng với quy luật của Pháp Hộ-Niệm. Nếu quy luật hộ niệm bị vi phạm quá nhiều, thì cuộc hộ niệm phải thất bại vậy.
(a): Người bệnh phải tôn trọng và thành khẩn nghe lời người hộ niệm, người hộ niệm phải thương yêu và thành khẩn hộ niệm cho người bệnh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Người hộ niệm mà không có tinh thần thương yêu bảo vệ, không quyết lòng hộ niệm cho người bệnh vãng sanh, thì khó tạo được sự lợi lạc cho người bệnh. Ngược lại, người bệnh mà không tin tưởng người hộ niệm, thì đây là một chướng nạn rất lớn ngăn cản con đường vãng sanh của mình. Vậy thì, tốt nhất là ngay bây giờ chư vị hãy tìm đến một ban hộ niệm và sinh hoạt với họ, vừa kết duyên, vừa tu học, vừa tìm hiểu… Nếu thấy thuận duyên thì nên mạnh dạn làm di chúc giao cho ban hộ niệm đó trọn quyền lo liệu việc hộ niệm cho mình, đừng nên chập chờn nửa tin nửa nghi, đừng nên mời ban hộ niệm đến mà không chịu nghe theo sự hướng dẫn của họ.
Nên nhớ rằng, có nhiều ban hộ niệm làm việc rất tốt, họ hy sinh rất lớn, họ hy sinh rất cao, họ hy sinh rất tội nghiệp để tận tụy hộ niệm cho người vãng sanh. Thưa thực, nhìn thấy những tâm hồn làm đạo cao quý đó, Diệu Âm cảm kích vô cùng, nhiều khi muốn cúi sát đầu xuống cung kính đảnh lễ mà tán thán công đức. Ví dụ như trước đây, Diệu Âm có biết một bà Cụ bán bánh ú, thường thường trong những đêm hộ niệm bà Cụ cứ ngồi bên cạnh người bệnh niệm Phật suốt đêm, không cần đến ai thay ca. Nhìn đến ai cũng phải kính thương. Còn chúng ta đây, có người niệm Phật mới vài tiếng đồng hồ thì cảm thấy uể oải, mệt mỏi, nhìn đồng hồ liên tục… Niệm Phật mà sợ mất sức, sợ bị cảm, sợ ngày mai đi làm không nổi, v.v… Trong khi một cụ già lụm cụm như vậy mà phát tâm niệm Phật từ đầu đêm đến cuối đêm, sáng về nhà còn bê rổ bánh ú đi dạo bán khắp nơi, kiếm từng đồng lời để sống. Thực đáng cảm phục!…
Người hộ niệm không bao giờ đòi hỏi gia đình người bệnh trả ơn trả nghĩa, bồi đáp thù lao. Hoàn toàn không có chuyện này. Vậy thì động lực nào giúp cho bà Cụ hộ niệm không biết mệt mỏi vậy? Tại sao trải qua nhiều sự khó khăn, từ ngày này qua ngày nọ, mà Cụ vẫn vui vẻ làm? Phải chăng vì tâm bồ-đề cao cả của Cụ đã giúp Cụ làm được một việc phi thường. Nhìn cảnh những người phát tâm đi hộ niệm như vậy, giả như họ có sơ suất điều gì, Diệu Âm cũng thành tâm cúi đầu kính phục chứ không dám xem thường. Nhiều người thường phàn nàn vì những sơ suất của người hộ niệm, nhưng xin thưa thực rằng, chính Diệu Âm này khi mới phát tâm đi hộ niệm, cũng từng bị sơ suất, chứ có hơn gì ai? Chúng ta là phàm phu thì làm sao hoàn hảo được? Nhưng giá trị của người biết tu, là khi thấy có điều sơ suất liền phát lồ sám hối sửa chữa. Chỉnh sửa là tu hành. Tu sửa từng chút là tiểu tu. Góp nhiều tiểu tu thành đại tu. Còn người không lo tu sửa những sơ suất của mình, sống với tâm thượng mạn, tự ái, thì chuyện đại tu thành đạo làm sao có thể hoàn thành!…
Tất cả chúng ta đều là người phàm phu mang tội đang tu, phạm lỗi đang sửa. Người hộ niệm cũng chỉ vậy thôi, chứ họ không phải là Thánh Nhân gì đâu. Chỉ có khác nhau là họ biết được Pháp Hộ-Niệm nên phát tâm bồ-đề cao quý, chịu khổ, chịu khó đến hướng dẫn trợ duyên, cầu mong cho người bệnh được vãng sanh. Người bệnh là phàm phu nên thường có những vướng chấp vô cùng phức tạp, từ đó sự hộ niệm cũng thường phải chịu nhiều biến chuyển vô cùng khó khăn.
Chính vì vậy, khi gặp một việc gì không được toàn vẹn, chúng ta cũng cần nên bình tĩnh phán xét. Nếu cứ chấp vào một việc sơ suất có tính cá nhân nhất thời mà đánh giá cả Pháp Hộ-Niệm, làm cho một chánh pháp đại cứu tinh đối với chúng sanh phải chịu hàm oan, thật quá oan uổng vậy.
Người tu hành nên có tinh thần công bình, vô tư, đừng nên chạy theo con đường chống đối lẫn nhau. Phật dạy, thời mạt pháp tình trạng đấu tranh vô cùng kiên cố. Sự đấu tranh kiên cố này sẽ tiếp tục diễn ra trong suốt hơn 9.000 năm nữa cho đến ngày diệt pháp luôn. Người chân chánh tu hành nhất định phải rời xa khỏi cảnh đấu tranh, quyết tìm con đường giải thoát. Nếu sơ ý vướng vào cái bẫy đấu tranh này, khó có ai được quyền thoát khỏi đại nạn.
Do đó, sự kính cẩn thương mến nhau vô cùng quan trọng. Người bệnh phải tôn trọng và thành khẩn nghe lời người hộ niệm thì người hộ niệm mới trợ duyên được. Nếu gia đình người bệnh không tôn trọng ban hộ niệm, thì cuộc hộ niệm sẽ bất thành. Nếu người bệnh không lắng nghe sự khai thị, không chịu làm theo sự hướng dẫn của ban hộ niệm, thì cuộc hộ niệm sẽ bị thất bại. Buông xả là một điểm tối quan trọng để được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Nếu người bệnh không chịu buông tình chấp xuống, thì không thể được vãng sanh. Nếu người bệnh còn thị phi hờn giận, thì không thể được vãng sanh… Có quá nhiều điều đánh mất cơ hội vãng sanh vậy.
Vậy thì, chúng ta hãy khuyên nhau những gì đây? Người phàm phu thường bị vướng chấp bởi những điều rất gần gũi, thấp thỏm lắm chứ không phải ở trên lý đạo gì cao siêu đâu nhé. Hôm qua chúng ta còn ghét người nào, hôm nay xin bỏ đi đừng ganh ghét nữa. Lúc bệnh xuống hãy cầu xin nhiều người đến hộ niệm cho mình, đừng kén chọn kẻ cao người thấp. Hãy cảm ơn tất cả mọi sự hướng dẫn từ ban hộ niệm, đừng đánh giá người này yếu, người kia dở. Đừng cho mình là cao là giỏi mà tỏ ra khinh thường những người yếu kém đến hộ niệm cho mình, v.v… Nếu sơ ý phạm phải những điều này, thì chính mình là người chấp trước, phân biệt, thượng mạn… tự mình đóng vai kẻ đại thù địch của chính mình, bắt mình chịu cảnh đọa lạc.
Hãy cố gắng kết hợp với nhau. Người hộ niệm phải có tâm thương xót và thành khẩn cứu giúp người bệnh, coi người bệnh như thân bằng quyến thuộc, như ông bà, cha mẹ của chính mình. Phải luôn luôn có tinh thần cảm ơn người bệnh, nhờ người bệnh mà mình có được cơ hội niệm Phật nhiếp tâm, niệm Phật chí thành, tạo được công đức thù thắng. Nên nhớ, một buổi hộ niệm có công đức lớn hơn gấp bội một buổi công phu trong đạo tràng. Hộ niệm tiễn đưa được một người vãng sanh thì công đức vô lượng vô biên. Hòa Thượng Tịnh Không dạy rằng, việc thế gian không có công đức nào vượt qua công đức hộ niệm cho người vãng sanh.
Mong chư vị cố gắng nhiệt tâm đi hộ niệm. Đem lòng tri ơn người bệnh mà hộ niệm. Người hộ niệm tri ơn người bệnh, người bệnh tri ơn người hộ niệm. Chúng ta sống trong thế giới biết ơn. Hay lắm chư vị ơi!…
(b): Người bệnh mà tỏ ra khinh thường người hộ niệm, thì hộ niệm sẽ thất bại.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Tại sao người bệnh lại có trạng thái này vậy ? Ồ!… Ta ngộ được đạo pháp cao siêu rồi, cần gì ai nhắc nhở? Ta tu hành 7-8 chục năm rồi, còn người hộ niệm mới biết niệm Phật một vài năm thôi làm gì có tư cách hướng dẫn ta? Chính ý niệm này mới sinh ra phân biệt, chấp trước, mới tỏ ra khinh thường người hộ niệm. Đã khinh thường người hộ niệm, thì không chịu nghe lời khuyên nhắc của người hộ niệm. Nhưng không ngờ rằng, hôm nay mình nói được lời cao ngạo, nhưng ngày mai khi bệnh xuống, có người tới gọi: “Bác Tám ơi!…”, nhưng bác Tám không “Ơi” được nữa rồi!… Bác đã đi vào tình trạng mê man bất tỉnh rồi!… Nghiệp chướng đã ứng hiện hành hạ Bác đến điên đảo rồi!… Bác Tám đã thua một người mới tu ngay ở chỗ này mà Bác không hay. Bác cứ tưởng rằng mấy chục năm tu hành thì mình phải giỏi hơn người mới tu, nhưng không ngờ khi lâm chung chính mình yếu đuối đến nỗi nằm xụi lơ cất tay không nổi. Bác bị bệnh khổ hành hạ đến mê man bất tỉnh, đành phải cúi đầu ngoan ngoãn theo nghiệp thọ nạn.
Còn người hộ niệm, dẫu cho tu ít hơn mình, nhưng hiện giờ họ chưa lâm vào tình trạng yếu đuối sắp tắt hơi. Họ còn đang khỏe mạnh, còn tỉnh táo hơn mình. Hay hơn nữa, họ biết được Pháp-Hộ-Niệm, họ có cái tâm thương người mà đến đây tìm cách hóa giải những vướng mắc, bảo vệ, hướng dẫn mình được an toàn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Vậy mà mình không có tâm cảm ơn, lại còn tự mạn tỏ ra khinh thường họ. Phải chăng, chính mình tự trói lấy tay mình trước trùng trùng ách nạn, đành giao nộp cái huệ mạng của mình cho nghiệp xử lý vậy thôi.
Phật dạy: “Thượng mạn là sự thất bại lớn nhất của đời người”. Thượng mạn sinh ra vô lượng chướng nạn. Trên con đường tu tập, chúng ta thường song song tạo phước và tội, giữa tội và phước chưa biết bên nào lớn, bên nào nhỏ đâu nhé. Những người thiếu tính khiêm cung, ưa thích lý cao luận diệu, dễ vướng phải cái đại phiền não thượng mạn này đây, dẫn đến cả việc đời lẫn việc đạo thường rước lấy thất bại đắng cay. Hàng phàm phu, chân đi dưới đất mà mắt cứ hướng lên mây, làm sao tránh khỏi bị sụp vào cái hố này, bị vướng vào bụi gai nọ, bị vấp ngã vì bệ đá bên đường…
Tu hành chúng ta cần nhớ đến câu này: “Phật cao nhất xích, ma cao nhất trượng”. Nghĩa là, Phật cao 1 thước còn ma thì cao đến 10 thước. Chơn-Tâm Tự-Tánh bị ma chướng lấn áp, bị dìm trong mê mờ rồi mà chúng ta không hay. Phiền não chướng, báo chướng, oán thân trái chủ, v.v… hàng khối tội chướng dâng tràn lên che lấp cả Chơn-Tâm. Đến thời mạt pháp này, ma chướng quá mạnh, đã cao tới cả cây số rồi chứ không còn 1 trượng nữa đâu, chúng quyết dìm mình xuống tận dưới đáy bùn đen. Bị ách nạn như vậy mà không nương dựa vào nhau, không nhờ ai giúp đỡ, không cần đến người biết đạo hướng dẫn… thì làm sao thoát nạn được đây?
Người phàm phu tâm mê nghiệp nặng mà không có người hộ niệm đến trợ duyên, thì trong thời này dẫu có tu hành nhưng có mấy ai được thoát nạn. Người hộ niệm đến khuyến tấn, hóa giải, dẫn dắt… để mình nhiếp tâm niệm được câu A-Di-Đà Phật, nương theo lực của đại chúng mà mình vượt qua khối nghiệp, và được Phật lực chiếu xúc tiếp dẫn về Tây-Phương Cực-Lạc. Như vậy, chúng ta được thành tựu là nhờ lòng chí thành chí kính biết nương tựa vào nhau để thoát nạn. Đây chính là những gì Tổ Ấn-Quang khuyên nhắc chúng ta, những lời dạy của Ngài hiền hòa, mộc mạc nhưng thấm thía vô cùng, xoáy thẳng vào tận đáy tâm can của người học đạo, bứng ra vô vàn những ý niệm sai lầm, trừ khử những tập khí tai hại từ nhiều đời kiếp quá khứ. Vô cùng tuyệt vời.
(c): Người bệnh tự niệm và người hộ niệm phải hòa hợp với nhau mới dễ cảm ứng đến Phật lực gia trì tiếp độ vãng sanh.
Đúng đấy. Nếu để một mình người bệnh niệm Phật thì lực niệm quá yếu. Chướng nạn quá nhiều sẽ làm tâm họ bất tịnh, bị rối loạn, bị khủng hoảng. Có nhiều người bệnh cũng vững lòng tin, cũng cố gắng niệm Phật, nhưng sức khỏe đang suy kiệt dần trong từng phút giây, thì lực niệm cũng yếu dần trong từng giây phút. Chính vì chướng nạn này mà triệu triệu người tu hành sau cùng vẫn khó thoát khỏi tai ương, bị nghiệp chướng lôi đi thọ nạn là như vậy.
Nhiều người trong lúc còn khỏe mạnh, tinh thần còn tỉnh táo, tu hành có chút công phu tốt, thường lầm tưởng rằng mình đã được chứng đắc ngon lành. Nhưng thực tế, hầu hết những thứ chứng đắc đó đều là vọng tưởng. Điều này được chứng minh vì họ thường bị chướng nạn trùng trùng, bệnh khổ dồn dập, khi nghiệp chướng ứng hiện hành hạ thân tâm làm cho họ chịu đựng không nổi. Trường hợp này xảy ra nhiều lắm.
Có tu hành là có nhân, không được hộ niệm là thiếu duyên, kết quả sau cùng bị nạn. Ví dụ như một nạn nhân trong cơn động đất, nhà cửa sập đổ, đè lấp họ dưới đống gạch đá. Họ biết rõ rằng nếu vượt lên khỏi đống tường gạch đổ nát này sẽ thoát nạn, nhưng chính họ không tự làm nổi. Cần phải nhờ đến người bên ngoài đào xới ra mới kéo họ lên được. Người đang kẹt bên dưới phải biết la lên cầu cứu, bên trên phải có người cứu hộ đáp ứng kịp thời. Nội ngoại tương hợp mới cứu người thoát nạn. Nếu nạn nhân nghĩ rằng mình tự thoát được, không chịu kêu cứu thì đành phải chịu thua vậy.
Ấn Tổ dạy, tự lực tu chứng phải đoạn sạch nghiệp chướng. Nếu nghiệp chưa sạch, tình chưa không thì phải theo nghiệp thọ báo. Ngài Tĩnh-Am dạy, nghiệp có nghiệp ác và nghiệp thiện. Có nghiệp thiện là tốt, nhưng nghiệp thiện còn vướng trong tâm thì khi chết ta có thể theo nghiệp thiện sanh vào ba đường thiện để tiêu phước. Ví dụ sanh lên các cảnh trời là để hưởng phước. Hưởng phước tức là tiêu phước. Tiêu phước thì hết phước. Phước hết thì họa đến. Còn người có nghiệp ác thì xuống địa ngục thọ nạn. Thọ nạn là để tiêu nghiệp. Tiêu nghiệp nhưng chính mình phải chịu nhiều ách nạn quá khổ đau!… Những lời khai thị của chư Tổ thật vô cùng thấm thía.
Cho nên, còn vướng vào nghiệp ác hay nghiệp thiện đều không được vãng sanh. Vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc là nhờ Tịnh-Nghiệp chứ không phải là ác hay thiện. Đường tu Tịnh-Nghiệp vượt qua cả ác và thiện. Nói rõ hơn, điều ác không làm, điều thiện phải làm, nhưng không được chấp vào việc thiện cho là đủ. Hãy đem công đức lành hồi hướng về Cực-Lạc, ngày ngày nhiếp tâm niệm Phật cầu nguyện vãng sanh là tu Tịnh-Nghiệp. Đây chính là tông chỉ của Pháp Niệm Phật vãng sanh vậy.
Nhiều người tu hành chỉ lo làm thiện phước, cứ tưởng như vậy là đúng, nhưng thực ra chỉ đúng trong thiện nghiệp của thế gian, chứ không đúng trong Tịnh-Nghiệp giải thoát. Làm thiện là điều tốt, quả báo đời sau có thể hưởng phước. Nhưng xin hỏi, hưởng phước ở đường nào đây? Phật dạy:“Nhơn thân nan đắc”, không dễ gì trở lại làm người để hưởng phước đâu nhé. Nếu có cơ duyên được trở lại làm người, thì Phật cũng nhắc đến câu: “Tam thế oán”. Tu phước mà chấp vào phước, có thể sinh lại làm người để hưởng phước. Hưởng phước rồi thì rất khó tu, duyên tạo tội tổn phước rất lớn. Tổn phước thì hết phước, đời thứ ba nạn tai chập chùng, đây là “Tam thế oán” vậy. Một đời làm phước, một đời hưởng phước, rồi một đời chịu nạn, nạn sau lớn hơn nạn trước, không phải là điều tốt lành lắm đâu.
Ngài Tĩnh-Am dạy: “Thiện nghiệp càng lớn, sanh tử càng nặng”. Chấp vào việc thiện, đời đời kiếp kiếp không thể thoát khỏi sanh tử luân hồi. Ngài nói vậy không phải để chống đối việc làm thiện, mà nhằm la rầy nhắc nhở những người tu hành mà chỉ biết lo việc thiện thế gian, không nghĩ gì đến chuyện giải thoát thành đạo.
Niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ là pháp đại viên mãn vậy.
A-Di-Đà Phật.