Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 88)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin mở trang 37, chúng ta đang nói về: “Một số tương quan giữa người bệnh và hộ niệm”.
(m): Người có lòng chí thành, tâm từ bi, biết rõ quy tắc Pháp Hộ-Niệm thì có thể hộ niệm được.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Hôm qua chúng ta đưa ra những điều kiện như:
Người phải hiểu rõ đạo lý thâm sâu thì mới hộ niệm được. Không phải!
Người phải có kiến thức Phật học rộng mới hộ niệm được. Không phải!
Người tu hành chứng quả rồi mới được hộ niệm. Không phải!
Những điều kiện trên không phải là nhu cầu bắt buộc phải có để đi hộ niệm. Hẳn nhiên có được những điểm này vẫn là điều tốt, nhưng trong Pháp Hộ-Niệm chú trọng nhất là tâm chí thành, lòng từ bi của người hộ niệm, và những quy tắc của Pháp Hộ-Niệm cần phải nắm vững mới có thể hộ niệm tốt được.
Người hiểu nhiều về lý đạo cao siêu, nhưng không biết qua về quy tắc hộ niệm thì cũng khó hộ niệm cho đúng pháp được. Ngược lại, người không biết nhiều về lý đạo, nhưng lại có lòng từ bi, và nhất là biết rõ quy tắc của Pháp Hộ-Niệm thì vẫn có thể hộ niệm tốt để tiễn đưa người vãng sanh.
Như vậy, hộ niệm không cần nhiều tới những lý đạo gì cao siêu, mà cần nhiều đến niềm tin, lòng chí thành chí kính, lòng từ bi thương xót, sẵn sàng phụng hiến công sức để cứu giúp người. Muốn làm tròn tâm bồ-đề cao quí này, thì cần phải nắm thật vững những quy tắc của Pháp Hộ-Niệm để hướng dẫn đúng pháp, không lạc đường, không lệch hướng. Ngoài ra, yếu tố tâm lý cũng khá quan trọng, cần nên chú ý, để tùy cơ giải tỏa những căng thẳng trong tâm hồn của người bệnh, hầu hóa gỡ nhiều vướng mắc giúp họ an tâm niệm Phật cầu vãng sanh. Ví dụ cụ thể, người bệnh đang sợ sệt, hãy an ủi, ủng hộ tinh thần, giúp họ thoát khỏi cảnh sợ hãi. Người bệnh đang lo buồn, hãy tỏ ra tự tin, vui vẻ, giúp họ tan biến nỗi lo buồn đi. Và, thường nhất là tâm trạng sợ chết, cần phải ủng hộ tinh thần, người hộ niệm phải thể hiện sự tha thiết muốn vãng sanh của chính mình, để truyền cảm hứng đến người bệnh, họ cũng sớm ngày được vãng sanh để thoát lý cảnh chết đi sanh lại trong sáu nẻo luân hồi khổ nạn. Hãy khai thị mạnh mẽ, vui vẻ để khiến họ ngộ ra rằng đây là một dịp may mắn trong vô lượng kiếp bây giờ mới gặp để thoát ly khỏi cái ách nạn của kiếp đời phàm phu khổ lụy này, đi về Tây-Phương Cực-Lạc thành Bồ-Tát bất thoái, một đời tiến thẳng đến quả vị Phật. Làm được công tác này, rất cần đến vấn đề tâm lý.
Xin nhắc lại, những điều vô cùng quan trọng trong Pháp Hộ-Niệm chính là lòng chí thành của cả người hộ niệm và người bệnh. Xin hãy nghiên cứu thật kỹ Pháp Hộ-Niệm để nắm thật vững quy tắc hộ niệm hầu hướng dẫn đúng pháp và cùng đưa nhau đi vãng sanh, không lạc đường, chứ không phải là những năng lực gì khác đâu.
(n): Làm người tốt trong xã hội, ăn ở hiền lành chính là sự tu hành thiết thực nhất, chứ lo chi việc hộ niệm xa vời.
Đúng không chư vị? – (Sai). Có nhiều người nói rằng, làm gì có thế giới Tây-Phương Cực-Lạc mà bảo người ta đi vãng sanh? Hãy sống thực tế, tìm cách hưởng thụ cho sung sướng cuộc đời, rồi khi chết là hết, lúc đó còn gì nữa đâu mà cứ lo chuyện xa vời?!…
Không biết ở đây có vị nào cho rằng chết là hết không? Xin thưa với chư vị, chết không hết đâu, vẫn còn nhiều lắm đấy chứ. Những người mạnh miệng nói rằng chết là hết, nhưng thực tế đến thời kỳ sắp chết, chính họ lại đối diện với nhiều thứ phức tạp quá, chứ không phải hết. Nào là: lo âu, sầu bi, phiền muộn, khóc than, sợ sệt, khủng bố, hãi kinh, v.v… Hay nói rõ hơn, tâm hồn điên đảo đảo điên, kinh hoàng với trùng trùng những ác mộng, ăn ngủ không yên!…. Sau khi chết rồi vẫn không hết, mà gặp phải hàng vô vàn những thứ khổ nạn khác phải chịu đựng qua vạn kiếp.
Vì thế, nếu nói chết là hết, là chỉ cho cái thân mạng này hết, chứ chính cái linh hồn của người đó đâu có hết được. Có người một mặt thì nói chết là hết, một mặt khác thì lại sợ ma. Ma là gì vậy? Là con người sau khi chết có thể biến thành ma đó. Xưa nay chúng ta thường nghe thấy nhan nhản những chuyện ma nhập thân, ám hại, làm khổ người sống. Rõ ràng vì mê mờ mà chết đi biến thành loài ma đói khổ. Như vậy, chết đâu có hết, phải không chư vị? Người thế gian đến ngày giỗ kỵ ông bà, thường thắp nhang khấn vái xin ông bà linh thiêng về đây gia trì cho con cháu. Nếu chết là hết thì còn gì nữa mà trở về, nhưng vì con người phát tâm mời gọi chúng sanh trong các thế giới vô hình tề tựu về, vô tình kết thành những nhân duyên vô cùng uẩn khúc, nhiều khi khó bề giải quyết cho êm xuôi. Vậy thì, xin đừng nghĩ rằng chết là hết mà sai lầm, từ cái sai lầm này mà coi chừng bị đại nạn về sau!…
Người tu hành thực hiện trọn vẹn chánh pháp, khi xả bỏ báo thân họ được giải thoát. Người không biết tu hành, sống bừa bãi, sau khi chết thường bị đọa lạc vào những cảnh khổ đau. Ví dụ, đọa vào hàng súc sanh thì biết bao giờ mới trở lại làm người đây. Làm súc sanh thì ngu si. Ngu si thì súc sanh tiếp tục làm súc sanh, đến 9.000 năm nữa là qua hết Phật Pháp rồi mà vẫn còn là loài súc sanh ngu muội. Đọa vào hàng ngạ quỷ đói rét, khổ đau. Chư vị nghĩ coi, biết bao giờ mới thoát ra cảnh đó? Vài ba chục ngàn năm sống trong cảnh lang thang đói rét, dễ gì được trở lại làm người đây? Cảnh giới ở đó 1 ngày bằng ở nhân gian 1 tháng. Một năm ở nhân gian chỉ bằng 12 ngày ở đó, thì 10 năm ở đây chúng ta thấy lâu vằn vặt nhưng chỉ bằng 120 ngày ở cõi đó chứ có là bao. Rõ ràng, chỉ còn khoảng 9.000 năm nữa sẽ qua hết pháp vận của Đức Thế-Tôn rồi, với thời gian dài thăm thẳm này thì ở cõi đó vẫn còn là loài ngạ quỉ đói khát thê lương!…
Chết không phải là hết, mà chết là khổ. Phật gọi chết là “Tử Khổ”, là một cảnh khổ, chứ không phải là hết. Sanh, lão, bệnh, tử tất cả đều là những cảnh khổ, trong đó chết là cảnh khổ lớn nhất, đáng sợ nhất mà chúng ta phải tìm cách vượt thoát qua.
Thật khó khăn vô cùng đấy, không phải đơn giản đâu. Đau khổ vô cùng cho những ai bị chết! Vậy thì, phải lo tìm phương giải thoát, chứ đừng nên chấp vài việc tốt trên đời cho là đủ, đừng nên lấy vài việc thiện trong xã hội cho trọn vẹn nhé. Tu hành không phải chỉ là vậy đâu.
Xin thưa với chư vị, tốt xấu, lành dữ, hiền ác của thế gian chỉ là chuyện tương đối, không phải lúc nào cũng chính xác đâu. Bên trời Âu, có một nhà hiền triết Pascal người Pháp từ thế kỷ 17 đã nói câu này: “Chân lý bên này dãy núi Pyrenees (Pia-rê-nê) không phải là chân lý ở bên kia dãy núi” để diễn tả sự tương đối giữa tốt-xấu, thiện-ác, phải-trái… trên đời. Tất cả không có gì là trung thực. Một điều người này nói tốt, nhưng người kia lại nói xấu. Người thích ăn thịt chúng sanh thì cho việc ăn thịt là tốt, Phật lại dạy ăn thịt chúng sanh là thiếu tánh từ bi, không có tâm bình đẳng. Một tập tục gọi là tốt của xứ này, khi truyền qua xứ khác không ai chấp nhận. Vào những ngày cuối tuần, có người rủ nhau đi câu cá cho vui mới tốt, còn người học Phật chúng ta lại cho đây là việc làm ác, tạo nghiệp… Vấn đề thị phi trên đời làm sao đánh giá chính xác đây? Rõ ràng việc tốt xấu của thế gian vô cùng tương đối, nếu chấp vào đây thì coi chừng bị lệch lạc mà mất chánh kiến. Thôi thì, mong chư vị hãy tìm đường giải thoát cảnh đời ác hiểm năm trược này. Hãy cùng nhau niệm Phật vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc mới thực sự tốt vậy.
Thế gian này hỗn loạn lắm, không dễ gì làm được một việc tốt lành trọn vẹn đâu. Xin đừng chấp vào đây coi chừng sai lầm, tạo thành nghiệp chướng trùng trùng.
(o): Pháp tu giải thoát của Phật Giáo không thể định nghĩa như sinh hoạt của một hội đoàn từ thiện xã hội được.
Đúng hay sai? – (Đúng). Đúng đấy!… Bây giờ bắt đầu mình lý luận một chút cho vui nhé. Rất nhiều người tu học Phật mà cứ nghĩ rằng, tu hành là làm điều tốt thì được. Xin hỏi thế nào là tốt đây? Vì định nghĩa đơn giản quá nên thường tự cho mình là tốt lắm rồi. Một năm nhằm vào ngày lễ tới chùa lạy Phật vài ba lạy, thế là tưởng mình tu tốt lắm rồi!
Vì nghĩ quá đơn giản nên mang tiếng là người có tu mà không biết sửa, cứ tưởng rằng mình đang làm thiện mà không ngờ lại tạo nghiệp bất thiện! Ví dụ, người thế gian thường dùng câu này để chê bai người tu hành:
Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha, kính mẹ mới là đi tu.
Thờ cha, kính mẹ là việc tốt. Ồ!… Vậy là đủ rồi, đâu cần gì tu hành nữa. Không thèm tới chùa, không thèm nghe pháp, không biết gì về giới luật, không thúc liễm thân tâm, v.v… Chư vị nghĩ thử, người như vậy có thực sự là tu hành không? Thờ cúng những tấm hình của ông bà cha mẹ trên bàn thờ, mỗi lần giỗ kị thì giết hại chúng sanh cúng tế, đãi đằng tức là tu sao? Thờ cha kính mẹ mà không biết ông bà cha mẹ đang bị nạn, lại còn mạnh tay tạo thêm nạn cho người nữa mà gọi là thương kính sao? Hiếu dưỡng cha mẹ mà sát hại chúng sanh lấy thịt cung phụng bổ dưỡng xác thân, tạo nên sát nghiệp cho cha mẹ càng ngày càng nặng để chờ ngày thọ nạn. Thế mà gọi là trọn hiếu sao? Vậy mà gọi là tu hành tốt à? Ôi!… Nhiều ví dụ quá.
Thế gian này có nhiều chuyện lạ lắm. Tìm hiểu thật kỹ, chúng ta mới thấy rằng, có lẽ hơn 90% hiện tượng người Phật tử tu học trong thời này là vậy đó. Cứ nghĩ tu hành tức là làm một chút việc thiện lành nào đó là được. Gặp dịp tới chùa cúng dường chút ít rồi đi khoe khắp nơi, tưởng vậy là tốt. Lạy Phật cầu xin được khỏe mạnh an khang, cho được hạnh phúc ấm no, cho được trúng số giàu có, v.v… Hầu hết là vậy. Thật oan uổng thay!…
Nếu định nghĩa tu hành là làm việc thiện, thì công sức đóng góp cho xã hội của Phật Giáo chúng ta làm sao sánh bằng những công trình của người thế gian, thành quả thiện phước có lẽ còn thua xa những hội đoàn từ thiện của xã hội nữa đấy. Đây là sự thực. Ví dụ, người học Phật chúng ta có ai làm được một phần nhỏ so với những chương trình phúc lợi từ thiện, những dự án phi lợi nhuận để giúp đỡ xã hội, giúp người nghèo khó, giúp cho người vô gia cư như ông Bill Gate của nước Mỹ không? Ông ta từng nói: “Hãy cho đi, rồi bằng cách này hay cách khác cũng sẽ nhận lại được, nhiều khi nhận lại còn nhiều hơn ta tưởng tượng. Cho người khác chính là cho bản thân của chính mình vậy”. Ông nói được và làm được. Có lẽ vì cái tâm bố thí quá lớn mà ông chủ Microsoft này trở thành người giàu nhất thế giới chăng?
Nếu khoe việc phước thiện thì người học Phật chúng ta làm sao dám so sánh với nhà tỷ phú người Mỹ Chuck Feeney, ông đã đem tất cả tài sản tới 8 tỷ đô-la ra để bố thí làm việc từ thiện hết, còn chính vợ chồng ông thì lặng lẽ đi thuê một căn nhà nhỏ để ở tạm qua ngày. Người ta hỏi, tại sao ông lại làm như vậy? Ông mỉm cười trả lời: “Vì miếng vải đắp thân không có túi…”. Quả thật là con người vĩ đại!
Thực tế, trong xã hội này có những người không hề nhắc đến tiếng tu hành, nhưng tâm địa của họ đã biết tu, và cách tu của họ dễ gì có người tu hành sánh bằng. Có những người không hề nhắc đến việc làm thiện, nhưng tâm hồn của họ thực sự là thiện lương, trên đời này có mấy ai làm được.
Phật dạy tu phước mới có phước báu, không tu phước thì nghèo khó. Những người bần cùng túng thiếu là do không biết tu phước. Quá khứ keo kiệt, thì đời này chịu đói khát. Biết được nhân quả này, thì biết được cách biến đổi vận mệnh của mình. Ngài Ấn Quang khuyên chúng ta hãy đọc sách “Liễu phàm tứ huấn”, chính là Ngài muốn dạy cho chúng ta biết rõ về vấn đề nhân quả. Ông Viên Liễu Phàm đã biến đổi từ một người nghèo khổ thành người giàu có, số phận không con cũng có con, không có quan lộc thành có quan lộc, quan lộc ít thành quan lộc nhiều… Tất cả đều do việc phát tâm bố thí làm thiện. Học theo sách “Liễu phàm tứ huấn” là để cải đổi vận mệnh đó.
Cho nên cầu phải đúng chánh pháp mới được. Cầu tiền tài thì phải bố thí tiền tài, cầu thân thể an khang tráng kiện phải biết thương người, đừng cạnh tranh ganh tị, đừng nói người này xấu, người kia hư. Phải mở cái tâm từ bi ra thì tự nhiên thân thể mình khỏe mạnh. Muốn cầu cho được thông minh trí huệ phải biết bố thí pháp. Mình không biết nói pháp thì in kinh, ấn tống pháp, đem cái pháp này trao truyền cho nhiều người thì có khác gì bố thí pháp đâu. Bố thí pháp thì tự nhiên được thông minh trí huệ. Phật dạy ra điều chân lý. Người hiểu được lý đạo của Phật, thì cải đổi vận mệnh không khó khăn lắm vậy.
Tuy nhiên, dù sao đi nữa, đây cũng chỉ là pháp tu thiện tích phước để cải đổi cuộc sống hiện tiền, chứ không phải là pháp giải thoát thành tựu đạo quả. “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”. Sự giác ngộ ngay ở trước mặt, có cầu chắc chắn có ứng nghiệm, nhưng phải biết cầu sao cho đúng liễu giáo chánh pháp thì mới viên mãn hơn. Tu hành muốn giải thoát mà ngày đêm lo cầu tiền tài thì làm sao được giải thoát? Muốn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo mà cứ lo cầu xin được an khang tráng kiện, cầu khỏe mạnh sống lâu, cầu không bệnh không chết… thì làm sao được vãng sanh? Vì không hiểu liễu giáo giải thoát của Phật dạy, nên nhiều người tu hành trong thời này cứ nhắm vào những thứ phước báu hữu lậu thế gian, thì làm sao có ngày thành tựu đạo nghiệp. Thế nên, nếu định nghĩa tu hành một cách cẩu thả, thì cơ hội thành tựu bị lạc xa rồi vậy.
Xin thưa với chư vị, không ngờ chỉ có một câu đơn sơ mà càng giảng càng hay. Một câu Thánh hiệu A-Di-Đà Phật trở về Tây-Phương Cực-Lạc thực sự đã bao trùm pháp giới mà nhiều người không biết.
Cầu mong chư vị hiểu thấu đạo lý nhiệm mầu, cố gắng niệm Phật, quyết lòng đời này nhất định đi về cho tới Tây-Phương Cực-Lạc. Muốn tu thiện tích phước, thì phước báu tràn ngập ở đó, hãy về đó mà tu. Muốn được thông minh trí huệ, thì nơi đó trí huệ sẽ được khai mở trọn vẹn, hãy về đó mà khai tâm mở trí. Nghĩa là, vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì được phước huệ viên mãn, một đời thành tựu đạo quả. Mong chư vị ráng đi cho đến nơi đến chốn nhé.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.