Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 099) – Niệm Phật Với Dụng Ý Nào Mới Đúng Chánh Pháp?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 99)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

 

 

Nam Mô  A-Di-Đà Phật.

Xin chư vị mở trang 41. Niệm Phật với dụng ý nào mới đúng chánh pháp?

(f): Người niệm Phật không hồ nghi, không gián đoạn, không xen tạp.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Một pháp môn tự nó chưa hẳn là chánh hay tà, nhưng dụng ý của người thực hành nhiều khi biến pháp đó thành tà hay chánh. Ví dụ, như Pháp Niệm Phật, Phật dạy rằng niệm Phật không được hồ nghi, nhưng nhiều người niệm Phật lại có nhiều nghi vấn trong lòng… Họ đặt câu hỏi rằng, thực sự có cõi Tây-Phương Cực-Lạc hay không? Có đức Phật A-Di-Đà hay không? Có sự vãng sanh hay không? Là phàm phu làm sao lại được trở về miền Cực-Lạc một đời thành đạo? v.v… và v.v… Một người niệm Phật mà có những sự hồ nghi này, nếu không được giải tỏa, thì dẫu cho có niệm Phật nhiều đi nữa cũng không thể gọi là đúng chánh pháp được.

Mỗi pháp môn đều có tông chỉ rõ ràng. Tu hành đúng theo tông chỉ là hành chánh pháp. Tu hành không đúng theo tông chỉ, thì coi chừng đang hành tà pháp mà không hay. Tông chỉ của Pháp Niệm Phật là Tín-Nguyện-Hạnh. Tín tâm là điểm quan trọng hàng đầu trong tông chỉ của Pháp Niệm Phật. Người niệm Phật mà không có lòng tin, thì dù hình thức niệm Phật có như thế nào đi nữa, cũng chưa chắc gì đúng với chánh pháp.

Chính vì thế, mà xin thưa với chư vị, khi mình gặp được pháp môn niệm Phật đơn giản, dễ hành. Ông già bà lão tin tưởng niệm Phật đều có thể thành tựu. Một người Thiên Chúa Giáo nếu tin tưởng thành tâm niệm Phật đều có thể vãng sanh. Một vị Bà-La-Môn nếu thành tâm niệm Phật cầu vãng sanh đều được bình đẳng sanh về thế giới Tây-Phương Cực-Lạc. Những sự thành tựu này đã có chứng thực, mong chư vị phát khởi niềm tin vững vàng mới tốt. Người nào thực sự có niềm tin thanh tịnh đều có thể thành tựu đạo quả trong Pháp Niệm Phật này.

Cũng trong pháp Phật, lại có rất nhiều pháp môn đòi hỏi căn cơ rất cao, công phu tu hành rất khó, chỉ có các vị thượng căn thượng trí mới có thể thực hành được. Một người sơ cơ khi vừa bước chân vào đường đạo, gặp phải những pháp môn cao diệu, lý đạo tối thượng, liền nương theo đó tu hành. Có tu hành thì tốt đấy, nhưng càng tu càng thấy khó, càng hành càng thấy rối, đường thành tựu càng thấy mờ mịt! Tại sao vậy? Xin thưa rằng, chỉ vì quên quán xét đúng đắn đến trình độ căn cơ của chính mình. Đang tu tập những pháp khó hành, khó chứng, nay gặp một pháp môn dễ hành, dễ chứng làm cho có người lại sinh ra phân vân, ngờ vực: “Làm gì có sự thành tựu dễ dàng vậy!”. Chính vì sự nghi ngờ này mà đoạn mất cơ hội thành tựu đạo quả trong một đời này.

Như vậy, xin chư vị hãy bảo vệ niềm tin, hãy củng cố niềm tin cho vững vàng để đón nhận sự thành tựu. Sự thành tựu này không phải là đạt được một cơ nghiệp gì ở thế gian này đâu, mà chính là khi mãn cái thân nghiệp báo khổ nạn này mình trở về Tây-Phương Cực-Lạc thành Phật.

Vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì một đời thành tựu đạo quả. Đây là lời của đức Thế-Tôn dạy trong kinh Niệm-Phật Ba-La-Mật. Mục đích của chư Phật thị hiện tới cõi Ta-Bà này đều có một mục đích chung, đó là thuyết kinh giảng đạo, hướng dẫn cho chúng sanh biết đường niệm Phật cầu về Tây-Phương Cực-Lạc. Vãng sanh về miền Cực-Lạc thì nhất định chúng ta thành đạo, khỏi cần lo lắng chi nữa. Mong chư vị chú ý về niềm tin, phải vững niềm tin. Điều này vô cùng quan trọng.

Nói qua không hồ nghi rồi, bây giờ xin nói đến không gián đoạn. Gián đoạn là không liên tục. Niệm Phật không gián đoạn là niệm Phật liên tục, đừng để những thứ khác chen vào.

Xin thưa với chư vị, chúng ta là phàm phu tâm trí mê loạn, nghiệp nặng, phước mỏng… thực sự khó có ai có thể niệm Phật được liên tục. Nghĩa là thường xuyên bị gián đoạn. Ví dụ, đi làm việc mà cứ niệm “A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật…” thì mất việc làm. Đang lái xe mà cứ niệm “A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật…”, có lẽ có ngày sẽ vượt đèn đỏ, gây tai nạn… Vậy thì làm sao khỏi bị gián đoạn đây?

Nhưng thực ra, xin chư vị cũng đừng nên quá lo lắng đến sự gián đoạn này. Phật Giáo đại thừa chủ yếu luận về Tâm, lấy Tâm làm chính, chứ không phải luận về Sự. Nghĩa là căn cứ vào niềm tin của mình không đủ nên sinh ra gián đoạn. Vì niềm tin không đủ, nên có lúc thì thích niệm Phật, có lúc thì không thích nữa. Lúc vui thì niệm Phật, lúc buồn thì thôi…  Nói chung, tất cả đều bắt nguồn từ niềm tin không đủ nên lúc niệm lúc không mà thành ra gián đoạn đó thôi.

Do đó, tạm ngưng niệm Phật khi làm việc, lái xe là chuyện bình thường, khó ai tránh khỏi. Sự tạm ngưng này có thể ảnh hưởng đến công phu tu hành, nghĩa là công phu yếu chứ khó có thể mạnh được. Nhưng sau giờ làm việc ta lại niệm Phật, hàng ngày thời khóa tu tập vẫn chỉ là niệm Phật, thì đây vẫn được coi là liên tục, chứ không phải gián đoạn. Ví dụ như tại niệm Phật đường của chúng ta, hễ có đủ người chúng ta tán tụng, pháp khí trang nghiêm rồi niệm Phật. Hôm nào thiếu người chúng ta mở máy nương theo để niệm Phật công phu. Lúc nào chúng ta cũng niệm “A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật…” cầu vãng sanh Tịnh-Độ. Nghĩa là, dưới hình thức nào đi nữa chúng ta vẫn niệm câu A-Di-Đà Phật, 365 ngày không thực hành một pháp nào khác. Như vậy chúng ta niệm Phật không gián đoạn, dù rằng thời khóa tu tập không phải là 24/24.

Ngài Tịnh-Không có dạy phương pháp “Cửu Thập Niệm”, nghĩa là mỗi ngày niệm Phật 9 lần, mỗi lần 10 câu Phật hiệu. Niệm suốt đời như vậy cũng được gọi là niệm liên tục. Niệm 10 câu Phật hiệu chưa hết 1 phút, niệm 9 lần thì mỗi ngày niệm Phật không quá 10 phút vẫn được gọi là không gián đoạn.

Ngài Từ-Vân Quán-Đảnh Pháp Sư đưa ra phương pháp “Thập Niệm”. Một niệm của Ngài là niệm trong một hơi thở. Cứ hít một hơi thiệt dài rồi niệm “A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật…” đến hết một hơi gọi là một niệm. Mỗi ngày phải niệm 10 lần như vậy. Phương pháp này cũng dành cho những người bận bịu, không có giờ lập thời khóa công phu lâu hơn, cách niệm này cũng được gọi là không gián đoạn. Vậy thì, xin chư vị đừng quá lo ngại khi phải bận bịu làm ăn không có thời khóa niệm Phật liên tục. Xin hãy bảo đảm rằng, hễ mỗi lần tu tập là mỗi lần niệm Phật, quyết chí niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc là được.

Những người mất niềm tin không thể vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc được. Tất cả đều do chính niềm tin xây dựng nên, đây là lời dạy của Tổ Sư Mộng Đông. Chỉ vì niềm tin không vững nên mới có sự xen tạp. Có một đạo tràng kia đang niệm Phật cầu vãng sanh, bây giờ đổi qua tụng chú Đại-Bi 3 năm để giải hết nghiệp rồi sau đó mới niệm Phật. Người ta hỏi Diệu Âm như vậy đúng hay sai? Diệu Âm trả lời rằng, tụng Kinh tụng Chú của Phật thì đúng, chứ không thể nói sai được, nhưng đúng với những người không vững niềm tin vào câu A-Di-Đà Phật. Tìm cách giải nghiệp thì tốt trên phương diện phá nghiệp, chứ không phải là điểm mạnh trên đường vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Chư vị hãy nhớ lấy điểm này.

Vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc là quyết lòng vững vàng dùng Tín-Nguyện-Hạnh chuyên nhất mà đi. Pháp Niệm Phật là pháp bao nghiệp, đới nghiệp, vượt qua nghiệp chướng để đi vãng sanh. Thành tựu của Pháp Niệm Phật nhờ vào cái niềm tin vững vàng, cái sức nguyện tha thiết và một lòng niệm câu A-Di-Đà Phật. Dùng Tín-Nguyện-Hạnh bao nghiệp chướng lại, không tạo thêm nghiệp mới, cũng đừng nên đụng chạm tới nghiệp cũ làm chi mà tạo duyên cho nghiệp nẩy sinh ra không tốt.

Nghiệp chướng có thể ví như quả bom do chính mình tạo ra. Giờ này xin đừng cài hạt nổ vào, đừng bấm nút nó, hãy để nó nằm im một chỗ nào đó đi. Xin chư vị nhớ cho, đã gói lại rồi thì gói luôn đi nhé, đừng nên thỉnh thoảng mở ra xem thử, đừng ngứa ngáy tay chân lấy búa đập phá nó, đừng liệng vào bếp lửa để tiêu hủy nó, coi chừng nó nổ banh xác mình đó. Hễ phá nghiệp thì nghiệp phá mình. Không đủ khả năng phá nghiệp mà tìm cách phá nghiệp thì nguy hiểm lắm vậy!

Hàng phàm phu tội nặng, dẫu cố gắng phá trong 3 đại A-tăng-kỳ kiếp chưa chắc gì phá được một phần nhỏ, đừng nói chi 3 năm mà đòi phá tiêu nghiệp chướng. Làm sao biết được thọ mạng của mình còn hơn 3 năm mà cố gắng phá nghiệp! Đừng quá mơ mộng, quá vọng tưởng mà luống qua cơ hội vãng sanh quý báu này.

Nhiếp tâm niệm A-Di-Đà Phật cầu sanh Tịnh-Độ chính là đới nghiệp vãng sanh, an toàn đi trên núi nghiệp về tới miền Cực-Lạc thành đạo vậy. Chỉ có Pháp Niệm Phật mới có thể làm được việc này. Xin vững tin lời Phật dạy.

(g): Niệm Phật không đươc uống thuốc, vì còn uống thuốc thì còn sợ chết.

Đúng hay sai? – (Sai). Quá sai!… Xin chư vị đừng quá nhiệt tâm mà đưa tới chỗ sơ suất, không tốt. Đã từng có một vài ban hộ niệm đưa ra quy định rằng, nếu muốn được ban hộ niệm tới trợ duyên, thì nhất định bắt đâu từ đây người bệnh không được uống thuốc nữa. Đây là quy luật tự ban hộ niệm đó đặt ra, chứ trong kinh Phật và tài liệu của chư Tổ chưa bao giờ cấm người bệnh uống thuốc.

Đau bệnh mà cấm người bệnh uống thuốc thì trái với luật pháp xã hội, không hợp với cuộc sống tự nhiên. Phật pháp bất ly thế gian pháp. Hộ niệm cũng không phải làm điều ngược với thế gian, không thể cực đoan mà sai phạm đến quy luật xã hội. “Tứ sự cúng dường” cho chư Tăng, Phật dạy có 4 món: chỗ ở, y phục, thức ăn và thuốc men. Chư Tăng Ni khi đau bệnh cũng phải dùng thuốc, cớ chi ta cấm người bệnh dùng thuốc. Chư Tổ dạy, đau bệnh có thể dùng thuốc, nhưng đừng quên niệm Phật cầu vãng sanh, chứ không phải cấm dùng thuốc.

Bây giờ có vấn đề nẩy sinh, dùng thuốc thì giết hại vi trùng, phạm tội sát sanh, còn không dùng thuốc thì chẳng khác gì tự tử? Vậy chúng ta phải làm sao đây? Bác sĩ khám thấy trong bụng đứa con của mình có giun lãi, cứu con thì phải diệt giun lãi liên quan đến giới sát, không diệt giun lãi thì đứa con chết. Chư vị sẽ chọn cách nào?

Tự tử Phật không cho phép. Không cứu đứa con thì bất nhân. Tu hành theo Phật mà không có lòng nhân từ, thì chắc chắn Phật Giáo sẽ không còn ai chấp nhận nữa.

Chúng ta nên lượng định rõ ràng vấn đề, cần biết đâu là chính, đâu là phụ. Nhà Nho dạy xử sự phải có Trung có Thứ. Trung là chính, Thứ là phụ. Trong Phật Giáo thì có Chánh, có Y. Chánh là “Chánh-Báo”, hoặc là điểm chính, “Y” là “Y-Báo”, hoặc là hoàn cảnh chung quanh. Chánh-Báo có thể chủ động tạo tác, ảnh hưởng đến Y-Báo nương đó mà chuyển hóa theo.

Tu hành phải tự mình giác ngộ để thành tựu, chúng sanh nương theo đó mà hưởng lợi lạc, chứ không thể bất cẩn thả trôi huệ mạng theo giòng sanh tử đọa lạc. Hòa Thượng Tịnh Không có đưa ra cách giải quyết vấn đề này, là chúng ta hãy tụng kinh niệm Phật, làm việc công đức hồi hướng cho những chúng sanh này, cầu nguyện cho chúng trong tai nạn này được trưởng thừa Phật lực, vãng sanh Tịnh-Độ, rồi sau đó uống thuốc. Lời dạy này rất hay, ứng đối bất cứ tình huống nào cũng không mất lòng từ bi của đạo Phật, chứ đừng nên quá cực đoan đưa ra những quy định không hợp theo lẽ tự nhiên, khiến cho người thế gian xem thường đạo Phật. Thật không tốt vậy.

(h): Đau bệnh không uống thuốc để chịu chết là hành động tự tử, sai với chánh pháp.

Đúng không? – (Đúng). Không uống thuốc để chết là hành động tương tự như tự tử. Không tốt!… Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt, chúng ta cũng có thể tùy duyên, hoặc thông cảm. Ví dụ, như một người bệnh ung thư đã đến giai đoạn cuối, không còn cách nào cứu chữa được nữa, nghĩa là họ đang từng ngày nằm chờ cái chết đến. Nếu người này không muốn dùng thuốc chạy chữa theo kiểu cầu may, còn nước còn tát, lại thêm những tác hại phụ của thuốc làm cho thân xác đau đớn hơn, không thể tập trung tinh thần niệm Phật cầu vãng sanh được, nên phát tâm niệm Phật cầu vãng sanh. Điều này chấp nhận được. Một người đang đối diện từng ngày với cái chết mà có tinh thần vững vàng, niềm tin sâu sắc về Phật pháp, tâm lực mạnh mẽ, phát tâm niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ, thì ứng hợp trọn vẹn với đại nguyện độ sanh của A-Di-Đà Phật. Sự tự nguyện ngừng dùng thuốc thang trong trường hợp này không mang ý nghĩa tiêu cực, chúng ta nên hoan hỷ, ủng hộ tinh thần, cố gắng hộ niệm giúp họ hoàn thành tâm nguyện vãng sanh.

Chư Tổ dạy, khi đau bệnh dùng đến thuốc để chữa trị là điều tốt, nhưng tinh thần phải vững vàng, không quên niệm Phật cầu vãng sanh. Vì thế, đối với vấn đề không cần dùng thuốc chữa trị, người hộ niệm phải cẩn thận, không nên xúi dục bừa bãi.

Có người quá tha thiết việc vãng sanh, nhưng bị bệnh hoạn nằm mãi trên giường mấy năm trường chưa đi vãng sanh được, mới thầm phát tâm nhịn ăn nhịn uống để chết cho sớm mà đi vãng sanh. Hành động này cũng không đúng chánh pháp. Thọ mạng đã có phần số rồi, xin chư vị phải giữ tâm hồn an nhiên tự tại, mọi sinh hoạt phải thuận theo lẽ tự nhiên, chỉ cần thêm phần chí thành tinh tấn niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc là được. Vãng sanh cần đến tinh thần tỉnh táo, đầu óc minh mẫn để theo A-Di-Đà Phật đi vãng sanh. Một người thiếu ăn, bị đói khát, kiệt sức nằm mê man bất tỉnh thì làm sao có thể sáng suốt chọn lựa con đường siêu sanh Tịnh-Độ?

Vậy thì, cần khuyến tấn mọi người hãy hưởng trọn vẹn thọ mạng của mình. Người hộ niệm chỉ ủng hộ tinh thần của họ cho vững vàng, niềm tin vững vàng, sức nguyện tha thiết, quyết tâm lão thật niệm Phật là tốt. Cố gắng giúp cho mọi người thực hành trọn vẹn 3 điểm Tín-Nguyện-Hạnh, thì sẽ cứu được người vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Pháp Hộ-Niệm hợp với thế gian pháp, hợp với Phật pháp, hoàn toàn dung hợp cả đạo lý của thế gian và xuất thế gian. Mong chư vị theo đúng chánh pháp hộ niệm cho nhau vãng sanh thành Phật. Công đức vô lượng.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm - Chương 2: Người Bệnh Và Vấn Đề Hộ Niệm

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –