Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 144)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Ấn-Quang Tổ Sư khai thị rằng: “Một đạo tràng nào giúp được một người vãng sanh mới được gọi là đạo tràng thành tựu, chứ không phải là nơi gieo duyên cho hàng vạn người tới lui tu tập”. Theo lời khai thị này thì có ý nghĩa gì đây?
(b): Đạo tràng đông người thì không phải là chánh pháp.
Câu này có đúng không chư vị? – (Sai). Nếu không cẩn thận chúng ta sẽ hiểu sai lời Tổ, làm oan cho chư Tổ. Tổ nói rằng, một đạo tràng chỉ cần cứu được một người vãng sanh, mới được gọi là một đạo tràng thành tựu, chứ Ngài không nói đạo tràng đông người là sai chánh pháp. Chư Tổ luôn luôn chú trọng xây dựng về đường đạo thật vững vàng. Có cách tu hành vững vàng, đúng chánh pháp mới cứu được chúng sanh. Cứu được một người, thì người thứ hai sẽ được cứu. Sự cứu độ từ đó lan rộng dần như vết dầu loang, chứ không phải cứu độ chúng sanh là ngồi đây lý luận, rồi chờ đến một thời điểm đặc biệt nào đó sẽ độ một lần cả vô lượng vô biên chúng sanh. Đạo tràng đông người mà tu hành vững vàng, hướng dẫn đại chúng cụ thể, hợp căn cơ để được thành tựu nhiều, thì trở thành đại chánh pháp.
Như vậy, nếu phát tâm nguyện độ vô biên chúng sanh, thì hãy số gắng hướng dẫn những người có duyên với ta thực hiện cách tu hành cụ thể, hợp căn cơ, đúng chánh pháp, để họ có cơ hội thành tựu trong một đời tu hành. Nói cụ thể hơn, hộ niệm giúp một người được vãng sanh là giúp một phàm phu thành bậc Chánh Giác, công đức này vô lượng vô biên, không có gì sánh bằng. Cứu độ một người vãng sanh thì thân bằng quyến thuộc của họ nhờ cái công đức này mà thoát vòng tam đồ ác đạo, rõ ràng trước mắt đã có vô lượng vô biên chúng sanh hưởng được lợi lạc, rồi tương lai vị này thành Phật sẽ tiếp tục cứu độ vô lượng vô biên chúng sanh. Gần gũi hơn, một người vững Pháp Hộ-Niệm có thể hướng dẫn cho nhau tránh nhiều điều sơ suất, tránh sự vô ý tạo duyên cho người thân bị đọa vào ba đường ác. Chỉ cần phổ biến được điều căn bản này thôi, vô hình chung người hộ niệm đã cứu rất nhiều người thoát cảnh địa ngục, ngạ qủy, súc sanh rồi. Thật sự, Pháp Hộ-Niệm này làm lợi lạc cho chúng sanh vô lượng vô biên.
Nhất giả nhất thiết giả. Một pháp là tất cả pháp, tất cả pháp đều dồn về một pháp cho thật tinh thuần vậy. Ai muốn cứu giúp chúng sanh xin nhớ đến đạo lý này. Cho nên, tu pháp nào xin chư vị phải vững một pháp. Tu hành cần chuyên nhất, phải định cái tâm lại, đừng chao đảo nữa.
Chúng ta cần phải định tâm lại, đi cho đúng chánh pháp, thì chư Phật mới cứu độ được. Tất cả đều do tâm tạo. Nếu đi không có đường, về không có đích, tu hành không có chánh định, tâm hồn cứ lang thang bất định, thì đến một lúc nào đó tự mình sẽ đánh mất cả chính mình, chẳng khác gì như một chiếc thuyền chơi vơi giữa đại dương mà không biết đang ở vị trí nào, đang đi về đâu vậy…
(c): Ấn Quang Đại Sư nói, một đạo tràng nào giúp cho một người vãng sanh mới là một đạo tràng thành tựu. Câu này có nghĩa là: Chỉ có hộ niệm vãng sanh là đúng chánh pháp.
Đúng hay sai? – (Sai). Nếu chúng ta giảng nghĩa như vậy làm cho Tổ bị hàm oan nữa rồi. Chánh pháp của Phật tới 84 ngàn pháp môn. Pháp nào cũng là chánh pháp, không được cố chấp. Nhưng xin nhớ cho, mỗi pháp có một cách cứu độ riêng, mỗi pháp để đối trị một căn cơ. Ví dụ, một pháp hướng dẫn cho người lười biếng giải đãi có thể vô ích đối với người siêng năng tinh tấn. Một pháp dạy cho người tiến sĩ sẽ vô ích đối với các em tiểu học. Phật muốn cứu độ chúng sanh cũng phải tùy cơ ứng thuyết, tùy bệnh cho thuốc. Một môn thuốc dành cho người bệnh tim, không thể dùng để trị cho người bệnh phổi được. Thầy thuốc phải bắt mạch xem bệnh trước khi cho toa, ta bị đau bụng phải dùng toa thuốc trị đau bụng, không có thể dùng thuốc của người bệnh tiểu đường được.
Pháp Hộ-Niệm là chánh pháp, nhưng chỉ hướng dẫn cho người nào muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Còn rất nhiều chánh pháp khác, nhưng không phải đáp ứng nhu cầu vãng sanh thì làm sao ứng dụng cho người tu đường vãng sanh? Một người muốn tu theo Mật Tông, thì Mật Tông cũng là chánh pháp. Nhưng pháp này dành cho người có tâm nguyện đời sau sẽ tái sanh làm người để tiếp tục hành đạo, giúp đời. Đây là hạnh nguyện của hàng Bồ-Tát. Nếu chư vị thật sự là hàng Bồ-Tát, thượng căn, thượng trí tái lai thì có thể đi theo hạnh này. Còn xét kỹ lại, chính mình chỉ là phàm phu, hạ căn hạ trí mà không chịu niệm Phật để nương nhờ đại nguyện Di-Đà vãng sanh về Tịnh-Độ thành Bồ-Tát trước, lại muốn ở lại trong lục đạo luân hồi thì đành phải chịu khổ nạn vậy thôi.
Tất cả pháp môn của Phật đều có căn cơ để đối trị. Nói về pháp Phật chúng ta cần nói cho rõ, giảng cho kỹ vấn đề khế lý khế cơ, đừng để chúng sanh tiếp tục mơ hồ lầm lạc, cứ nghĩ rằng hễ tu hành theo pháp Phật là được, thật không đúng lắm đâu.
Trị bệnh phải chọn đúng thuốc, không thể nào dùng toa thuốc của người khác mà trị cho mình được. Tu pháp Phật cũng vậy, có pháp môn Phật dạy cho hàng thượng căn thì để cho hàng thượng căn tu trì, tại sao hàng phàm phu lại dám học đòi theo hàng thượng căn? Có pháp Phật dạy hàng Bồ-Tát thì để cho Bồ-Tát tu, tại sao mình là phàm phu lại tu theo pháp dành cho Bồ Tát? Có pháp Phật dạy cho hàng phàm phu chúng sanh tu hành để một đời này có thể được thành tựu. Tại sao ta là phàm phu lại không chịu tu theo pháp Phật dạy cho hàng phàm phu, mà cứ vọng tưởng, mông lung, vô định để đời đời kiếp chịu nạn?
Pháp Hộ-Niệm hướng dẫn cho chúng ta hành đúng Pháp Niệm-Phật để vãng sanh, vãng sanh xong thì một đời thành Phật. Đây là pháp phàm thánh tề thâu, ba căn rộng độ. Phàm phu mà tu một đời thành Phật thì có pháp nào thù thắng hơn. Thật sự một Pháp Hộ-Niệm này bao trùm pháp giới mà không hay.
(d): Chính những ban hộ niệm giúp người vãng sanh đã có thành tựu rất cụ thể trong thời này.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Một đạo tràng thành tựu là một nơi cứu một người vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì không ngờ những ban hộ niệm chính họ đã cứu 1 người, rồi tới 10 người, rồi tới 100 người, rồi tới hàng ngàn người vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc… Xin chư vị nghĩ thử, có phải những ban hộ niệm chính là những đạo tràng đại thành tựu không vậy? Ngài Ấn-Quang Tổ Sư dạy: “Nơi nào cứu được 1 người vãng sanh là đạo tràng thành tựu”, thì chính những ban hộ niệm đã đáp ứng được lời khai thị này. Nhưng nên nhớ cho, không có ban hộ niệm nào bất chợt một ngày đẹp trời nào đó tiễn đưa một lúc hàng trăm người vãng sanh đâu nhé. Rõ ràng đầu tiên họ chỉ giúp cho 1 người thôi chứ. Nhưng giúp được 1 người vãng sanh là nhờ họ đã thực hiện chánh pháp một cách cụ thể, vững vàng mới cứu được, chắc rằng tương lai họ sẽ tiếp tục dùng pháp này giúp đến người thứ hai, người thứ ba…
Như vậy từ 1 người đã biến thành nhiều người, nhiều người biến thành vô lượng vô biên chúng sanh được độ. Có nhiều vị nói rằng, đến nay hiện tượng vãng sanh lưu lại tướng lành ở tại Việt Nam nhiều đến nỗi không còn cách nào đếm được nữa. Lời khai thị của Ấn Tổ, “Nơi nào cứu được 1 người vãng sanh mới được gọi là đạo tràng thành tựu” thực sự quá sâu sắc. Mừng thay, Phật Pháp cứu độ vô lượng vô biên chúng sanh đã ứng nghiệm ngay từ Pháp Hộ-Niệm này.
Một là tất cả, tất cả là một. Một pháp của Phật đều có thể ứng dụng để cứu độ chúng sanh. Nếu một ban hộ niệm nào đó hộ niệm 10 năm mà không cứu được một người, thì xin hãy tự soi xét lại, nhất định phải có điều sơ suất gì đây? Nếu một nơi tu hành 50 năm mà không thấy được một hiện tượng thành tựu nào, thì xin hãy xem xét lại việc tu tập có thực sự đúng chánh pháp không? Nếu đúng chánh pháp rồi, thì xin xét đến vấn đề khế cơ có thích đáng không? Tu hành tự mỗi người phải có trách nhiệm với chính huệ mạng của mình, chứ không thể vì cảm tình, hoặc nhẹ nhàng gởi gấm huệ mạng cho bất cứ ai được vậy.
Một ban hộ niệm dù hình thức nghèo nàn, nhưng họ giúp được những người ra đi lưu lại tướng lành tốt đệp, chứng tỏ rằng họ tu đúng đường, hành đúng chánh pháp, chúng ta nên tuyên dương, tán thán. Một nơi tu tập trải hàng 100 năm mà không có một hiện tượng thành tựu nào cả, thì khó ai chấp nhận rằng nơi đó cứu độ được chúng sanh. Một người ra đi mà để lại sắc tướng quá xấu, một dấu hiệu báo cho biết đời kiếp sau họ bị nạn. Người người cứ nối tiếp nhau chịu nạn như vậy, thì sự cứu độ chúng sanh nói sao cho trọn lời?!…
Lời khai thị của Ấn Quang Đại Sư nhấn mạnh đến điểm này. Ngài khuyên chúng ta tu hành cần phải thực tiễn để ít ra cũng giúp được một người vãng sanh, chứng minh cụ thể cho Pháp Phật nhiệm mầu. Pháp Phật cứu độ vô lượng vô biên chúng sanh, chứ đâu phải chỉ cứu một người, nhưng thành tựu cho một người mà giúp không nổi, thì làm sao có thể nói cứu độ đến vô lượng vô biên chúng sanh? Xin chư vị hiểu cho thấu ý nghĩa sâu xa của Tổ Sư, một nỗi niềm trăn trở đầy xót xa trong thời mạt pháp này.
Lập Đạo Tràng, Ấn Tổ nhắc nhở chúng ta hãy chú tâm xây dựng đường “Đạo”, đừng quá chú ý vào đường “Tràng”. “Tràng” là ngôi nhà thuộc về phước báu. Hãy làm cho đúng “Đạo” thì tự nhiên chư Phật, chư Bồ-Tát gia trì, phước báu tự nhiên sẽ có. Nếu cứ chạy theo đường phước báu, nhắm vào sự tạo dựng cơ sở cho thịnh vượng, thì coi chừng đường “Đạo” bị phai mờ. Đường “Đạo” bị phai mờ thì khó có thể cứu độ được chúng sanh. Thực sự lời khai thị của Ấn-Quang Đại Sư, hàm chứa nhiều đạo lý sâu thẳm, xoáy động tận đến đáy tâm của người chân chánh học Phật. Nghe được lời khai thị này, chúng ta nên biết giật mình tỉnh ngộ để tự cứu mình và cứu độ nhau. Thời mạt pháp cứu độ chúng sanh khó lắm, nhưng vẫn có cách. Chúng ta cần vững tin để làm đạo vậy.
Cho nên, “Chính những ban hộ niệm giúp người vãng sanh đã có thành tựu rất cụ thể trong thời này”, đây là điều bất khả tư nghì! Có nhiều người biết trước ngày giờ, vẫy tay chào đi vãng sanh. Có người tự tại ngồi vãng sanh. Có người chỉ cần được hộ niệm một tuần, hai tuần mà được vãng sanh… Thực sự, đạo pháp của Phật quá vi diệu, vượt qua mọi giới hạn của chủng tộc, tôn giáo, đảng phái, thiện ác. Trở về Chơn-Tâm thì lý sự không còn chướng ngại. Một người làm ác, nghe được Phật Pháp mà biết hồi đầu kiệt thành sám hối, niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ có thể trở thành đại Thượng Thiện Nhân, thành Bồ-Tát, thành Phật. Một người chuyên làm phước thiện, cứ lấy việc thiện phước thế gian lôi kéo chúng sanh tham chấp vào đó mà quên mất đường giải thoát, coi chừng việc thiện biến thành việc ác. Trong kinh Hoa-Nghiêm Phật dạy: “Chăm chỉ lo tu phước thiện, mà quên mất tâm giác ngộ, thì đây là nghiệp của Ma”.
Chính vì thế, nói về Phật Pháp chúng ta cần nói đến chỗ liễu nghĩa, không thể mập mờ khiến cho chúng sanh hiểu sai lệch, mà tạo nên một nhân quả tệ hại về sau. Ví dụ, có người tu học Phật, mà dám nói rằng không có thế giới Tây-Phương Cực-Lạc. Đây là lời nói sai chánh pháp, nhất định chúng ta không thể nghe theo. Có người nói rằng, một kẻ trong đời này tạo nghiệp chướng sâu nặng thì không thể nào được vãng sanh. Lời khẳng định này cũng không đúng với chánh pháp, nhất định chúng ta không được hoang man. Một người mê mờ tạo nghiệp, nhưng có cơ duyên gặp được thiện tri thức khai giải, chỉ điểm, nếu họ giựt mình tỉnh ngộ, kiệt thành sám hối, quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh, mười niệm tất sanh. Đây là lời Phật dạy. Buông đồ đao xuống lập địa thành Phật. Trong thời Phat6 còn tại thế, ông Vô-Não vì mê muội, vô cớ giết hại 999 người, sau cùng nhờ Phật khai thị, thành tâm ăn năn sám hối, xuất gia tu hành vẫn chứng Thánh quả. Chúng ta không biết rõ thiện căn phước đức tu tập được trong đời quá khứ của họ, thì không được quyền ngăn trở con đường vãng sanh của bất cứ một người nào.
Trong kinh Đại-Tập, Phật dạy, thời mạt pháp ức triệu người tu hành, khó tìm ra được một người đắc đạo, chỉ nương theo Pháp Niệm-Phật mới được thoát vòng sanh tử luân hồi. Niệm Phật là đại pháp cứu độ chúng sanh trong thời mạt pháp này. Đây là lời Phật dạy, đây là lời chư Tổ khuyên. Hướng dẫn đại chúng tu tập có thể ứng dụng bất cứ một pháp môn nào của Phật. Nhưng xin nhớ rằng, pháp môn là phương tiện, thành tựu đạo quả là cứu cánh, thì niệm Phật là phương tiện tối thắng, thành Phật là cứu cánh rốt ráo. Niệm Phật Thành Phật là pháp môn tối thắng vi diệu, cứu cánh rốt ráo cứu độ được tất cả chúng sanh, ba căn thượng-trung-hạ đều bình đẳng độ thoát trong một đời tu hành. Như vậy, nếu không giới thiệu đường vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc cho đại chúng, thì thời này khó có thể cứu được một người thành tựu đạo quả. Chúng ta dốc lòng phổ biến đường niệm Phật vãng sanh cho đại chúng là y giáo phụng hành lời Phật, lời Tổ vậy.
Pháp Hộ-Niệm giúp cho mỗi người chúng ta thực hiện chính xác, cụ thể tông chỉ Pháp Niệm Phật, hướng dẫn cụ thể, giải quyết từng khó khăn một trên đường tu tập, nhờ thế mà sau cùng hiển hiện sự thành tựu bất khả tư nghì. Thật sự Pháp Hộ-Niệm là đại cứu tinh cho đại chúng, lợi lạc thù thắng, nhất định chúng ta phải tuyên dương. Xin hãy phổ biến rộng rãi Pháp Hộ-Niệm này, để cứu được càng nhiều người vãng sanh chừng nào hay chừng đó. Còn duyên nhất định chúng ta hãy mạnh mẽ làm việc này, hết duyên chúng ta cũng tùy duyên chứ không biết cách nào khác hơn. Riêng chính mình nhất định phải đi vãng sanh. Đồng ý nhé chư vị?…
Tu phải có đường, về phải có đích, phải thẳng thắng trên đường giải thoát để cứu lấy mình, chứ không thể vì cảm tình mà quên mất huệ mạng. Không ai có thể cứu mình ngoài chính mình phải đi đúng chánh pháp. Chính chúng ta phải thực hiện Chánh-Định-Tụ trong kinh Vô-Lượng-Thọ vậy.
A-Di-Đà Phật.