Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Trang 43, về vấn đề: “Tự tại với bệnh khổ”.
(f): Khi biết mình bệnh nặng, càng đau nhức càng quyết lòng niệm Phật, càng vui mừng vì biết mình được sớm vãng sanh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Đây là yếu tố tự tại của người niệm Phật đấy. Người không biết niệm Phật thì thường sợ chết, đến lúc bệnh nặng rồi thì nhiều khi mình thấy người ta cười, nhưng nụ cười khá gượng gạo, đầy khổ đau!…
Chính vì thế, là người niệm Phật chúng ta hãy tập cái tánh tự tại trước bệnh khổ. Bệnh khổ, chắc chắn sẽ đến với mình, không trước thì sau, không sau thì trước, nhất định sẽ có đấy. Khi có hiện tượng mà bắt mình phải xả bỏ báo thân, thì biết rằng: “À!… Mình đã đến giai đoạn phải liệng cái thân phàm phu này để đi về với Phật rồi…”, thì xin dành tất cả tâm lực còn lại dồn vào con đường vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Hãy nghĩ rằng cái ước mơ từ lâu của mình nay đã sắp tới để mình được về Tây-Phương gặp Đức A-Di-Đà Phật thành đạo, mình sắp thoát khỏi cảnh phàm phu khổ nạn rồi. Hãy chuẩn bị tinh thần và xác định sớm đi chư vị, đừng nên ưỡm ờ, phân vân, do dự nữa…
Cho nên, thực sự nếu chư vị tha thiết muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì phải thực hiện sự tự tại này. Gặp phải những căn bệnh ngặt nghèo không còn cứu chữa được, thì vững vàng lên nhé, lo chuẩn bị để đi làm Phật chứ không thèm tiếp tục làm phàm phu nữa. Biết bao nhiêu người vì quyết long thực hiện tâm nguyện này mà họ được an nhiên tự tại mỉm cười ra đi vãng sanh. Trong khi đó, cũng có vô lượng vô biên con người khi đối diện với nghiệp khổ, bệnh hoạn không còn cứu chữa được thì bao nhiêu nỗi sầu bi, lo âu hiện đến, họ sống trong những ngày tháng khổ đau, sợ sệt, khủng hoảng đến cùng tột!… Chúng ta biết đạo rồi, thấy rõ đường giải thoát rồi, thì đừng để rơi vào trạng huống này nhé. Nhất định phải sáng suốt tìm đường giải thoát, đừng tự dìm mình trong cảnh hãi sợ mà chịu đọa lạc, tội nghiệp cho thân phận của mình lắm chư vị ơi!…
Giữ được tinh thần tự tại này gọi là tâm lực mạnh mẽ. Phải chuẩn bị trước để cơ hội này thành đạo. Phải tự mình răn nhắc lấy mình để đi cho vững. Đừng nên quá khinh suất mà những đạo lý này trôi tuột qua tai, mà đến lúc nằm xuống rồi thì ôi thôi rối bùng ben, đành phải chịu nạn!… Chư vị hãy nhìn lại trong quá khứ đi, có được bấy nhiêu người ra đi để lại thân tướng tốt đẹp? Ít khi thấy lắm phải không? Tại sao vậy? Tại vì không được hộ niệm đúng pháp, không được nghe sự khai thị chỉ điểm rõ ràng về pháp vãng sanh, không được nhắc nhở cẩn thận cách thức thực hành đường siêu sanh Tịnh-Độ. Mộng ước thoát vòng sanh tử luân hồi phải chăng chỉ có trên lý thuyết, còn thực tế thì đường tu hành quá mông lung, đưa đến sự thành tựu cũng mông lung vô thực!…
Đừng thấy Pháp Hộ-Niệm này đơn giản mà khinh thường nhé chư vị. Nó vi diệu và thực tế lắm đấy. Nó nhắc nhở chúng ta từng chút, từng chút những gì cần phải chuẩn bị và chuẩn bị ngay từ bây giờ, chứ không phải đến ngày đó mới lo. Xin hãy nói “Không!…” với sự chần chờ hẹn nay hẹn mai đi. Nếu để đến ngày đó mới chuẩn bị, tức là chuẩn bị đến ngày đó ta chui xuống tam ác đạo chịu nạn! Vì sao vậy? Vì ta vẫn tiếp tục huân tu những thứ mê muội, tập nhiễm theo những cách tu hành lạc lối… đến lúc đó chúng ta không thể cưỡng lại được cái tập khí sai lầm đã thấm sâu vào đầu óc đâu.
Vậy thì, phải quyết lòng thực hiện một tâm hồn tự tại trước bệnh khổ nhé.
(d): Không cầu bệnh đến, không cầu hết bệnh, nghiệp chướng đến hay đi kệ nó, cứ một lòng niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Tất cả những điều này đã có sẵn trong tập sách, xin chư vị nên đọc qua vài lần. Tập sách này gọi là “Để hiểu thấu hành đúng Pháp Hộ-Niệm”. Xin đọc qua vài lần để hiểu thấu cái chỗ mình không cầu bệnh đến. Hiểu cho thấu cái chỗ mình không sợ đến bệnh. Không sợ bệnh thì ta tự tại trước căn bệnh. Hiểu cho thấu cái chỗ ta không phải cầu bệnh hiện ra để trả nghiệp. Đến hay đi kệ nó, ta đã có đường đi sẵn rồi. Tất cả những điểm này xin hiểu cho thấu đi.
Cho nên thường thường Diệu Âm cứ nói mãi rằng, hãy cầu vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc chứ không cầu cho hết nghiệp. Có nhiều người phát tâm lập hạnh tu hành trong mấy năm để tiêu hết nghiệp chướng, nghĩa là họ đang cầu cho nghiệp đổ ra để trả cho hết đấy. Nghiệp chướng trả vài năm là xong sao? Thật quá vọng tưởng! Tiêu trừ nghiệp chướng đâu có thể quá đơn giản như vậy!… Còn chúng ta biết rõ ràng rằng, nghiệp chướng của chúng ta dù có trả đến vô lượng kiếp cũng không hết, nên ta không cầu đến chuyện này mà lo cầu vãng sanh Tịnh-Độ. Nghiệp đến cũng kệ nó, đi cũng kệ nó, hiện ra cũng kệ nó… ta chấp nhận tất cả đi. Được vậy thì chúng ta đạt đến trạng thái tự tại trước bệnh khổ rồi đó. Ai giảng dạy cho ta thông suốt điều này vậy? Chính Pháp Hộ-Niệm đã dạy chúng ta như vậy đấy chư vị ạ. Nghiệp chướng của mình là do mình tạo ra, nó chính là của mình, nó đeo mãi trên vai của mình, trốn không được mà bỏ cũng không xong đâu. Trốn không được thì không cần chạy trốn nữa. Bỏ không xong thì đừng tìm cách đánh phá nó làm chi. Chạy trốn thì chẳng khác gì một người đang mang một gánh nặng trên vai mà chạy trốn gánh nặng. Phá không được mà cứ lo phá thì tự làm khổ cho mình hơn. Vậy thì giờ đây không cần chạy trốn và cũng không cần phá nữa, hãy ngồi xuống dựa cái gánh nặng trên vai mà nghỉ đi. Hãy an nhiên niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ là được. Đây là người khôn ngoan biết tự tại vượt qua nghiệp khổ đấy.
Xin thưa với chư vị, Pháp Niệm Phật không phải là pháp diệt nghiệp chướng để chứng đắc, mà là pháp đới nghiệp để vãng sanh. Đới nghiệp là còn nghiệp mà được vãng sanh. Vậy thì đừng bận tâm lo diệt nghiệp nữa, mà hãy lo niệm Phật cầu vãng sanh đi nhé. Không cầu hết bệnh tức là khi bệnh đến ta đã có phần chuẩn bị rồi, thuốc thang vẫn cứ uống để trợ sức, nhưng ta đã có sẵn một cái tâm thoải mái để trị bệnh. Hay lắm đấy!… Một người có bệnh mà tâm hồn thoải mái, vui vẻ, không lo, không sợ… tự nhiên căn bệnh rất dễ bình phục. Rõ ràng, không cầu hết bệnh mà bệnh lại dễ hết. Còn với một căn bệnh như vậy, mà người nào lo âu, chạy đôn chạy đáo, sợ sệt tán loạn lên, thì căn bệnh sẽ tệ hại hơn, hành hạ khổ sở hơn!…
Sự thực là nhiều người niệm Phật mà tự nhiên hết bệnh. Thật là một điều lạ lùng! Chắc chư vị cũng có người nghe qua điều này phải không? Nhiều người bị bệnh ung thư đến giai đoạn cuối nhưng không sợ sệt, họ cứ an nhiên niệm Phật cầu vãng sanh, ấy thế mà có rất nhiều trường hợp bệnh lại tự nhiên hết hồi nào không hay. Bên cạnh đó, nhiều người vừa nghe mình bị ung thư, thì tâm hồn kinh hoàng hoảng sợ, liền phát nguyện tụng Kinh này Chú nọ để cầu tiêu tai giải nghiệp, cầu xin hết bệnh. Cầu xin như vậy, bệnh ung thư này không hết mà nhiều khi nó còn mời thêm những bệnh ung thư khác đến, thế gian gọi là di căn… Thảm thương thay!…
Như vậy, chẳng lẽ Kinh, Chú của Phật không linh chăng? Xin thưa, không phải đâu. Nguyên do chính là đạo lý: “Vạn pháp duy tâm sở hiện”. Người sợ chết, thường nghĩ đến chết, thì phải chịu chết. Người sợ bệnh, thường lo nghĩ về bệnh, thì bệnh này bệnh nọ chúng hẹn nhau đến thăm. Người tu hành mà thường cầu xin cho mình được hưởng nhiều thiện lợi, thì đó là đạo ích kỷ chứ không phải là chánh pháp. Chính vì tâm hồn quá nhỏ hẹp này mà phước báu không đến, ngược lại ngặt nghèo thường xuyên đến vậy thôi. Tất cả đều hiển hiện theo đúng nội tâm của mình. Đây chính là đạo lý duy tâm của Phật dạy.
Còn người thật sự niệm Phật, khi một căn bệnh ứng hiện ra ta nên hiểu rằng, tại chính mình mê mờ hoặc sơ ý đã tạo quá nhiều nghiệp chướng, đến giờ này nghiệp đổ ra thì phải chấp nhận. Chấp nhận bệnh khổ là sự tự tại trước bệnh khổ, thay vì lo cầu cho hết bệnh, bây giờ phải niệm Phật cầu cho được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc để sớm được thoát vòng khổ lụy. Chư Tổ dạy rằng, chỉ cần thành tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ, thì tương ứng với đại nguyện của Đức A-Di-Đà, tự nhiên được Phật gia trì, nhờ sự gia trì này mà hết bệnh hồi nào không hay. Đạo lý chính là đây. Thực sự mình không cầu hết bệnh mà bệnh hết, lạ lắm!… Điều này có thực, đã có rất nhiều người đang trong cơn bệnh khổ mà người ta cười hề hề niệm Phật đi vãng sanh đấy.
Hãy lập chí vãng sanh cho mạnh lên chư vị nhé. Nghiệp chướng đến hay đi kệ nó, đây là trạng thái tự tại đến tận gốc rễ. Ta không cầu bệnh đến, không cầu bệnh đi, không cần cầu cho nghiệp đổ ra, cũng không cầu tiêu nghiệp mà cứ cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Một hành giả thực sự niệm Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì trong kinh Thập-Vãng-Sanh Phật dạy rằng có 25 vị Bồ-Tát đến gia trì cho người đó. Chư vị phải tin vững vàng nhé, để một đời này vãng sanh Tịnh-Độ, đừng nên nghi ngờ theo dạng người thiếu căn lành của thế gian mà đành chịu chết trong thương đau.
Quyết chí vãng sanh, đau nhiều ta niệm nhiều, đau ít ta cũng niệm nhiều luôn. Cứ việc niệm nhiều đi, niệm tha thiết. Nếu đau nhiều hãy mừng lên vì mình sẽ được vãng sanh trước người khác. Niệm Phật chuyển cảnh giới, chuyển cảnh đau khổ thành vui mừng. Tự tại biết bao nhiêu!…
Vậy thì, bệnh khổ đến ta không than, không buồn, hãy nghĩ rằng đúng ra ta phải chịu nạn nặng nề hơn ở tam ác đạo, nhưng nghiệp tam đồ giờ đây đã trở thành một cơn bệnh nhẹ để ta trả thêm một lần cuối nữa rồi về Tây-Phương Cực-Lạc, có gì mà buồn lo. Đúng không chư vị? Rõ ràng thay vì ta phải chịu nạn dưới tam ác đạo tới hàng vô lượng kiếp, bây giờ chỉ chịu thêm một cơn bệnh nữa để ta về Tây-Phương.
Hiểu thấu được vậy, thì một căn bệnh đến không thể làm tâm ta thoái chuyển. Không có một căn bệnh nào làm hại đến cái tâm của chúng ta được, chỉ vì tâm lực của chúng ta quá yếu, quá mê nên bị khổ đó thôi. Nếu cái tâm này mà không chịu giác ngộ, thì cái tâm này tự mang bệnh lấy mà thôi, còn căn bệnh chỉ được quyền tác dụng trên cục thịt vô thường chứ đâu có quyền chi phối đến cái tâm. Nếu tâm ta không thèm theo cục thịt, thì tâm ta không luân chuyển theo sự sanh trưởng dị diệt nữa, mà tâm ta đi theo Đức A-Di-Đà vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thành Phật, đâu còn tử sanh nữa.
Chư vị ơi!… Tâm lực mạnh lên thì nghiệp lực sẽ chịu thua. Nghiệp lực sẽ chịu thua trước những người quyết lòng đi về Tây-Phương Cực-Lạc, đây là ý nghĩa sâu xa của đạo lý “Đới nghiệp vãng sanh”. Còn người cứ cho rằng, thế giới này là number one, sự nghiệp này là number one, vợ chồng là number one, con cái là number one, cái thân này là number one… thì nhất định sau cùng ta sẽ hưởng lấy number zero trống rổng!…
Vạn sự trên thế gian đều vô thường huyễn hóa! Đời này gặp nhau là một cái duyên ngắn ngủi như hai sợi chỉ kết lại thành cái gút nhỏ xíu, còn đường dài đằng đẵng sau đó tượng trưng cho thời gian vô cùng vô tận, tương lai đường ai nấy đi, nghiệp ai nấy trả. Sinh ra tạo nghiệp khác nhau, nhất định đời kiếp sau không cách nào gặp lại được. Chính vì vậy, xin hãy giác ngộ kịp thời, cùng nhau niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ, hội tụ một nơi Tây-Phương Cực-Lạc, cùng nhau thành Phật. Tất cả bệnh hoạn đều là biến chứng của thân xác vô thường, đừng để cái tâm của mình thành kẻ nô lệ cho nghiệp chướng mà bị nạn nhé.
(h): Bệnh khổ đến ta không than, không buồn. Hãy nghĩ rằng đúng ra ta phải chịu nạn nặng nề ở tam ác đạo, nhưng giờ đây trở thành một bệnh nhẹ, ta trả thêm một lần cuối cùng nữa rồi ta đi về Tây–Phương Cực-Lạc.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Đơn giản!… Cứ nghĩ như vậy đi, chư vị sẽ thấy thoải mái vô cùng.
(i): Có duyên bệnh đến ta trả. Nghĩ rằng trả trước khỏi trả sau, đến khi lâm chung bớt nghiệp khổ. Tâm hồn luôn luôn an nhiên niệm Phật cầu vãng sanh.
Đúng không? – (Đúng). Từng câu, từng câu ở đây hướng dẫn chúng ta thực hiện sự tự tại đấy. Ở trên thì bệnh đến ta không than, không buồn. Nghĩ rằng ta trả trước thì khỏi trả sau. Nghĩ rằng thay vì phải trả ở tam ác đạo vài ngàn kiếp, bây giờ ta chỉ phải trả một đời nữa rồi từ giã cảnh khổ nạn này. Vậy thì có gì đâu mà than với buồn? Câu này nhắc nhở chúng ta bệnh đến thì trả, trả tháng này thì tháng sau khỏi trả, trả năm này thì 10 năm sau khi ta ra đi khỏi phải trả nữa. Trả trước thì sau cùng nghiệp nhẹ đi, thế thôi.
Ví dụ như người Dì của bác sĩ Phi, nghiệp đến đành phải chịu bệnh khổ hơn 20 năm trường. Biết chừng đâu hơn 20 năm chịu khổ, với cái tâm hiền lành của Bà Dì mà nghiệp chướng đã gần trụi lũi mà không hay, để sau cùng thiện căn ứng hiện, chỉ cần gặp người biết đạo chỉ bày niệm Phật, Bà Cụ liền thành tâm niệm Phật mà được vãng sanh. Nếu giả như không có dịp trả nghiệp trước, nghiệp chướng dồn lại trong lúc lâm chung, liệu có hy vọng cho Bà Dì tỉnh táo niệm Phật vãng sanh không? Bà Cụ Phạm Thị Thanh, ở bên Tiệp, cũng trải qua mười mấy năm nằm trên giường trả nghiệp, khó khổ vô cùng, đau đớn Bà rên la đến thấu trời xanh. Thế mà, nhờ ban hộ niệm tới niệm Phật, kết quả bất ngờ là 5 ngày cuối cùng tự nhiên tỉnh táo hẳn lại, Bà niệm Phật với đại chúng và ra đi lưu lại tướng lành bất khả tư nghì. Phải chăng, nhờ Bà đã trả quá nhiều nghiệp chướng trong mười mấy năm trường mà nghiệp chướng tiêu giảm đi. Hễ nghiệp giảm thì phước tăng, sau cùng Bà quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh mà được thành tựu quá tốt đẹp.
Tại sao mười mấy năm nửa mê nửa tỉnh, mà 5 ngày cuối cùng Bà tỉnh táo lại vậy? Phải chăng, một là nhờ phước lành tăng trưởng, hai là nhờ cái tâm thành nên được Phật lực gia trì mà tự nhiên tỉnh lại. Người chí thành niệm Phật cầu vãng sanh đều được Phật lực gia trì, 25 vị Bồ-Tát đến gia hộ, rất nhiều chư Thiên Long Hộ Pháp tới bảo vệ giúp đỡ mà được tỉnh táo đấy. Thế mới hay rằng, được thua trên đời khó biết đâu là phước đâu là họa. Có phước báu nào bằng cái phước của người sau cùng được tỉnh táo niệm Phật được vãng sanh?
Đây một bài học về việc tu hành. Đối với người niệm Phật cầu vãng sanh, thì những chuyện bệnh hoạn nho nhỏ xin đừng lo, đừng sợ nữa. Hãy lo quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh, thì tự nhiên mọi chướng ngại đều có thể giải quyết một cách ổn thõa. Mong chư vị vững vàng tin tưởng, cùng nhau vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo nhé.