Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 154)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin chư vị mở trang 61, câu 37: Tại sao người có nhiều năm công phu niệm Phật khá tốt, nhưng vẫn cần đến những người hộ niệm trợ duyên.
Vấn đề này nhắc nhở cho chúng ta rằng, tu hành muốn thành tựu cần phải hết sức cẩn thận, đừng nên quá sơ ý mà đưa đến tình trạng luống cuống, bàng hoàng khi đối diện với sự thực. Một đời tu hành mà sau cùng bị tán loạn, thì đành chịu thua cuộc, lúc đó dù có ngộ ra hay hối hận thì cũng quá muộn màng. Chính vì thế, đây là vấn đề cụ thể, xin nhắc nhở mọi người, nếu muốn thực sự trong một báo thân này được thành tựu ước nguyện thoát vòng sanh tử luân hồi, vãng sanh thành đạo, thì xin chú ý cẩn thận.
(a): Lúc lâm chung thường đầu óc không còn sáng suốt, định lực tiêu tan, oan gia trái chủ cài bẫy hãm hại, làm cho tâm hồn thất điên bát đảo, không giữ được chánh niệm.
Vì thế nên rất cần đến những người hộ niệm trợ duyên. Đúng không chư vị? – (Đúng). Quá đúng rồi. Tu hành đừng nghĩ rằng đã đủ. Nếu chúng ta nghĩ là đủ thì thường thường thiếu nhiều lắm đấy. Ấn-Quang Đại Sư luôn luôn nhắc điều này, dẫu cho tu hành công phu cao tột đến đâu, cũng phải thấy ta vẫn còn là phàm phu, nghiệp chướng còn nhiều, đầu óc còn mê. Ngài nói lời này là nhằm khuyên nhắc chúng ta. Hơn nữa, chính cuộc đời của Ngài là một tấm gương sáng về hạnh khiêm cung. Khi khởi một lời khai thị nào, Ngài thường xuyên nói lời này trước:
–Ấn-Quang tôi tội chướng còn quá nặng, trí huệ chưa khai…
Nếu có người nào đến xin thọ tam quy ngũ giới với Ngài, Ngài nói:
– Ấn-Quang tôi chưa đủ tư cách để đứng ra truyền thọ tam quy ngũ giới cho chư vị đâu. Ngài Đế-Nhàn có đầy đủ đức độ. Xin mời chư vị đến đó thọ giới với Ngài.
Chư vị thấy cái hạnh khiêm cung của Tổ Sư đến cái mức nào chưa? Sau này khi phát hiện ra Ngài là Đại-Thế-Chí Bồ-Tát tái lai, vậy thì những lời này của Ngài chính là để nhắc nhở chúng ta, làm tấm gương cho người đời noi theo đấy.
Ngài nói, khi một người tu hành tự cho là đủ, thì ngay giờ phút đó liền bị thoái chuyển. Thoái chuyển là rớt đài. Đã cho là đủ, tức là thấy mình ngon lành. Thấy mình ngon lành, thì không đề phòng gì cả. Không đề phòng là mở cửa cho chúng ma đột nhập tự do. Khi ma chướng đột nhập rồi thì đã quá trễ!… Ô hô! Đành chịu nạn!… Vô lượng vô biên chúng sanh tu hành sau cùng bị vướng nạn hầu hết chỉ vì một chút sơ ý này mà thôi. Hàng bao nhiêu thế kỷ qua, nhiều người tu hành mà không lọt qua 6 cửa ải sanh tử luân hồi, chỉ vì khởi tâm thượng mạn. Đây là cửa ngõ thuận lợi nhất cho chúng ma cài bẫy hãm hại. Một khi đối diện với chướng nạn thì trở tay không kịp, đành cúi đầu chap71 nhận thương đau.
Tất cả chúng ta chắc chắn chưa một người nào có kinh nghiệm về cận tử nghiệp phải không? Vấn nạn này mọi người chỉ biết một lần rồi đi luôn, không ai có cơ hội rút kinh nghiệm. Cận tử nghiệp định hình cảnh giới tương lai, nên Phật cùng chư Tổ Sư dạy chúng ta phải vô cùng cẩn thận về chuyện này. Thời mạt pháp ngoại đạo hưng thịnh, chướng ma cài bẫy giăng giăng, oán thân trái chủ ở sát bên cạnh. Tu hành có chút ít công phu, vội vã tưởng mình là hay, coi chừng sơ ý khởi một tâm thượng mạn lên, liền bị chúng ma nhập vào phá hoại mà không hay. Chư vị nên nhớ cho, oán thân trái chủ báo hại những người bình thường thì đơn giản. Còn để hãm hại một người tu hành, thì họ không dùng cách thè lưỡi, trợn mắt, làm dữ một cách thô thiển để cho mình đề phòng đâu.
Chư vị để ý điều này, có những hiện tượng người thế gian cho là tuyệt vời, còn chư Tổ thì gọi đó là cạm bẫy. Có những hiện tượng đặc thù, người thế gian cho đó linh diệu, thì chư Tổ khuyên hãy lánh xa đi. Một người thượng mạn tu hành một ngày hai ngày tự nhiên thấy chứng đắc liền. Một người muốn thấy quang minh, trí huệ gì đó, tự nhiên một ngày, hai ngày thấy quang minh liền. Một người ước muốn có năng lực đặc biệt để trị bệnh, tu luyện một thời gian tự nhiên đưa tay sờ đầu thì hết bệnh liền. Một người cầu xin thấy Phật, một ngày, hai ngày thấy Phật liền. Diệu Âm này đã từng gặp một người báo cho biết rằng, ngày ngày đều thấy Phật hiện thân, v.v… Ôi! Vì quá vọng tưởng mà sau cùng bị đại nạn.
Xin chư vị hãy đọc thật kỹ những lời khai thị của Tổ Sư để hiểu thấu tại sao. Hiểu thấu rồi mới thấy vấn đề lúc lâm chung đầu óc không còn sáng suốt, định lực tiêu tan, oan gia trái chủ cài bẫy hãm hại một cách vô cùng tinh tế, làm cho nhiều người mà bị thọ lấy những nạn tai vô cùng đau thương mà không hay.
Muốn giải ách nạn này, người tu hành cần phải luôn luôn giữ hạnh khiêm cung, chí thành chí kính để được chư Hộ Pháp bảo vệ mới an toàn. Nên nhớ, 1 phần cung kính 1 phần lợi ích, 2 phần cung kính 2 phần lợi ích, 10 phần cung kính 10 phần lợi ích. Ngược lại, 1 phần thượng mạn 1 phần thất bại. Người tu hành mà thượng mạn, thì đường tu hành sẽ bị đại thất bại vậy. Nên nhớ cho kỹ điểm này nhé.
(b): Giây phút cuối đời thân tàn sức kiệt, lại bị bệnh khổ hành hạ có thể quên niệm Phật cầu vãng sanh nên cần hộ niệm.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Câu (a) nói về vấn đề bên ngoài hãm hại vào, không cho mình giữ được chánh niệm. Câu này nói về chính nội lực của mình yếu đuối. Bên trong thì thân tàn sức kiệt, đầu óc hoang mang, bệnh khổ hành hạ… Bên ngoài thì thế lực hung hiểm bao vây công phá. Thật là tứ bề thọ địch.
Bệnh khổ này là do nghiệp chướng. Vì thấy nghiệp chướng nguy hiểm quá, nên nhiều người tu hành tìm cách tiêu trừ nghiệp chướng. Giải trừ nghiệp chướng được hay không hãy nhìn vào hiện tượng cuối đời của họ. Khi lâm chung mà còn bệnh khổ bức bách là còn nghiệp. Người đó bị mê man bất tỉnh là còn nghiệp. Ấn Tổ nói, người quyết lòng đoạn nghiệp để chứng chơn, thì chỉ còn một chút nghiệp chướng, cũng phải theo đó để thọ nghiệp báo.
Chính vì thế, với hàng phàm phu như chúng ta mà mong rằng diệt sạch nghiệp chướng đúng là một vọng tưởng, không thiết thực. Chư đại Bồ-Tát tái lai có thể đi con đường này. Còn phàm phu chúng ta mà chọn cách diệt trừ nghiệp chướng để thành tựu đạo quả, thì không bao giờ thực hiện được. Muốn diệt nghiệp chướng mà nghiệp chướng không thể diệt hết được thì sao đây? Ngày ngày, đêm đêm lo nghĩ về nghiệp chướng, đánh phá nghiệp chướng thì tiếp tục moi nghiệp chướng ra, vô tình tạo duyên cho nghiệp chướng hiển hiện để thọ lãnh. Phàm phu nên cẩn thận suy xét điều này.
Một người dù có tu hay không tu, khi xả bỏ báo thân mà không có tướng lành tốt đẹp là họ đã không lấy lại được thân người ở đời sau. Hay nói rõ hơn, là họ bị ách nạn theo nghiệp thọ báo trong những cảnh giới xấu ác rồi. Hiện tượng này quá nhiều. Thật quá thương tâm!…
Người tu hành chúng ta nên có cái tâm “Tùy Hỷ Công Đức”, cần nên tán thán điều tốt, trân quý những sự thành tựu. Khi gặp những trường hợp niệm Phật hộ niệm giúp cho người ra đi lưu lại tướng lành tốt đẹp, thoại tướng bất khả tư nghì, chúng ta nên biết giựt mình tỉnh ngộ ra rằng, đây đúng là một pháp đại cứu tinh, một pháp đặc biệt, thực hiện chính xác, hữu hiệu, đưa đến sự thành tựu thật cụ thể, chứng minh cho sự nhiệm mầu của Phật Pháp. Thật là một cơ may hy hữu đến với chúng sanh nói chung, với người Việt Nam chúng ta nói riêng. Hãy cùng nhau nghiên cứu để vững cách hộ niệm, hãy phổ biến sâu rộng Pháp Hộ-Niệm để cứu được thêm nhiều người vãng sanh Tịnh-Độ mới tốt.
Ngược lại, có người thấy những hiện tượng tốt đẹp này lại nêu ra vấn đề tiêu cực, hoài nghi sự thành tựu, đặt ra nghi vấn rằng, tại sao thấy người ra đi lưu lại tướng lành thì cho là vãng sanh?!
Xin thưa thật với chư vị, người ra đi với thoại tướng tốt đẹp, thì dẫu thế nào đi nữa họ cũng vượt qua ba đường ác, sanh về ba cảnh lành rồi. Từ trước đến này, vô số người khi chết để lại thân tướng cứng đơ, sắc tướng vô cùng xấu, đây chính là ác tướng hiển hiện, chứng tỏ rằng đời sau họ bị nạn trong tam đồ ác đạo. Chẳng lẽ bị đọa lạc là hay đẹp lắm sao? Vậy thì, hộ niệm đưa được nhiều người thoát khỏi tam ác đạo cũng có cái giá trị quý báu lắm rồi đấy chứ. Phải không chư vị?
Trong khi, trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật nói người nào dẫu cho nghiệp chướng sâu nặng, tội lỗi lớn đến đâu đi nữa, nhưng khi gặp được danh hiệu A-Di-Đà Phật, mà phát lòng tin tưởng, chí tâm tin ưa niệm danh hiệu A-Di-Đà Phật, đem công đức lành hồi hướng cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc, đến lúc lâm chung dù niệm được 10 niệm mà không được vãng sanh, A-Di-Đà Phật thề không thành Phật. Người được vãng sanh thì được chiếu xúc quang minh tiếp dẫn của A-Di-Đà Phật. Trong kinh Phật nói, chiếu xúc được quang minh của Phật thì thân ý nhu nhuyễn. Thân nhu nhuyễn là thân xác mềm mại, tươi hồng, càng ngày càng tươi nhuận. Ý nhu nhuyễn là tâm hồn an tịnh, không bị rối loạn, không bị hãi kinh, không bị oán nạn… Rõ ràng đây là lời Phật dạy trong kinh. Thật là một hiện tượng vi diệu. Như vậy với tướng lành tốt đẹp đó, ta tin tưởng rằng rất nhiều trường hợp đã được vãng sanh.
Tu hành ai cũng cầu mong được sự thành tựu đạo quả, nhưng hàng triệu người tu hành, dễ gì tìm ra một tướng lành cụ thể ở cuối đời. Không có tướng lành, thì sự chứng minh cho cho kết quả thành tựu sau cùng quá yếu. Thế mà, Niệm-Phật Hộ-Niệm Vãng-Sanh tướng lành đã xuất hiện khắp nơi, hàng ngày, tại sao chúng ta không lấy đây làm bài học để tỉnh ngộ ra đường tu hành cụ thể, thành tựu thiết thực. Phải chăng, vì sơ ý mà sự tu hành trở thành mông lung, quá nhiều sơ suất, làm cho hy vọng ban đầu thì tràn trề, mà cuối cùng thì thất vọng não nề. Cho nên, khi ta gặp được cơ hội thành tựu đạo nghiệp, chúng ta phải biết trân quý, đi cho vững, đi cho thẳng, chứ không thể cảm tình hay vị nể nghe theo những người nói sai pháp Phật mà dao động, để chính mình tu hành khó khăn mà sau cùng không hưởng được lợi lạc thiết thực.
(c): Người hộ niệm nắm vững quy luật trợ niệm, biết cách hướng dẫn, hóa giải chướng nạn, có thể giúp cho người bệnh giữ được chánh niệm mới có hy vọng vãng sanh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Ba câu nói lên ba thực trạng. Câu (a) nói về thế lực hung hiểm bên ngoài đánh phá làm cho mình không còn sáng suốt, tâm hồn tán loạn, thất điên bát đảo. Câu (b) nói về tự mình có nghiệp chướng nặng. Nghiệp chướng của chính mình hành hạ mình nằm ngồi không yên, quên trên quên dưới, quên trước quên sau, quên cả chính mình là ai. Câu (c) là hóa giải vấn nạn, giới thiệu cho chúng ta “Người hộ niệm nắm vững quy luật trợ niệm, biết cách hướng dẫn, hóa giải chướng nạn, có thể giúp cho người bệnh giữ được chánh niệm mới có hy vọng vãng sanh”. Người hộ niệm điều giải, nhắc nhở, hướng dẫn, người ta chỉnh sửa cho mình từng chút từng chút sơ suất, nhờ vậy mà mình đi mới đúng đường, không bị lệch lạc. Còn giờ đây nói cao nói thượng… Ồ, nói thì ai nói mà không được? Anh nói cũng được, chị nói cũng được, nhưng đến lúc đó có làm được hay không mới là vấn đề quan trọng.
Xin thưa với chư vị, chư Tổ Sư, công phu tu hành cao tột, mà các Ngài mà còn dặn dò hàng đệ tử hộ niệm cẩn thận, còn ta là hàng phàm phu mà không lo hộ niệm, lại ưa thích nói cao nói diệu làm chi, vừa uổng phí thời gian vừa hao hơi tổn sức vậy!
Chư vị nghĩ coi, có phải một vị Tổ Sư khi cuối đời thì hàng đệ tử luôn luôn túc trực bên cạnh phục vụ. Một vị đại lão Hòa Thượng khi nằm xuống thì có hàng trăm người ở sát một bên ngày đêm chăm sóc, niệm Phật hộ niệm. Hàng ngàn người khắp nơi lập đàn niệm Phật hồi hướng công đức cho Ngài. Xin đừng nghĩ rằng, các vị Cao Tăng thì không cần hộ niệm. Thế mới biết, hộ niệm thực sự vô cùng cần thiết đối với tất cả mọi người. Riêng đối với người phàm phu hạ căn, Pháp Hộ-Niệm trở thành là một đại cứu tinh. Người phàm phu mà không được hộ niệm, thì hàng triệu người tu hành đó, tìm đâu ra được một người thoát nạn.
Thấy được tầm quan trọng này, mong chư vị cùng nhau quyết lòng đoàn kết chặt chẽ để bảo vệ cho nhau cùng được thành tựu. Cần xiển dương và giữ gìn Pháp Hộ-Niệm để cứu mình, cứu người thân yêu, cứu người có duyên vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc một đời thành đạo.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.