Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 127)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin mở trang 53, bắt đầu từ câu (p): Đới nghiệp vãng sanh thành Phật thì dễ tu, tự lực tu chứng thành Phật thì quá khó.
Đúng không chư Vị? – (Đúng). Điều này khá hiển nhiên. Niệm Phật là pháp dễ hành dễ tu nhất. Niệm câu A-Di-Đà Phật tức là đang tu. Như vậy, nằm trên võng tu cũng được, ở trong phòng tu cũng được, đang làm vườn tu cũng được… Nói chung ở bất cứ đâu, thời gian nào tu cũng được. Còn các pháp tự lực tu chứng thì công phu khó lắm đấy, không dễ dàng đâu. Tự lực là các pháp đoạn diệt nghiệp chướng để thành tựu, so ra quá khó đối với hàng phàm phu. Đã phàm phu nghiệp chướng thì nặng nề, chí hướng thì lao chao, tâm tưởng thì vọng động đủ điều… từ đó càng ngày càng tạo thêm nghiệp. Đã càng tạo thêm nghiệp thì làm sao có thể phá trừ nghiệp chướng được? Hàng Bồ-Tát mà các Ngài cần phải tu qua từng đại A-Tăng-Kỳ kiếp mới có thể viên chứng đạo quả, thì hàng phàm phu dễ gì mơ được sự chứng đắc. Còn niệm Phật là pháp nương nhờ Phật lực gia trì mà thành tựu. Tất cả chúng sanh ở mọi căn cơ, người nào có lòng thành kính, tin tưởng, thực sự muốn vãng sanh, quyết lòng niệm Phật thì tu được… Đúng là một pháp dễ tu, dễ thành tựu.
Người phàm phu chỉ cần phát tâm tin tưởng, chí thành niệm Phật, tha thiết cầu sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì có thể được vãng sanh, vãng sanh thì bất thoái chuyển thành Phật, chính Đức Thế-Tôn đã tuyên bố điều này trong kinh Niệm Phật Ba-La-Mật. Vậy thì, đối với hàng phàm phu, không có pháp nào vi diệu hơn, thù thắng hơn Pháp Niệm Phật vậy.
Tuy nhiên, có một yếu tố rất quan trọng khác xin chư vị cần chú ý, đó là chỉ có người nào thực sự có nhiều thiện căn phước đức mới tu được Pháp Niệm Phật, còn người nào thiếu thiện căn phước đức thì Pháp Niệm Phật này trở thành là pháp khó tu. Vì sao vậy? Vì họ không tin. Vì sao họ không tin? Vì thiếu căn lành. Người nào thật sự muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc chính là người có thiện căn phước đức sâu dày. Trong kinh Vô-Lượng-Thọ Phật dạy: “Vãn tích nhược bất tu phước huệ, ư thử chánh pháp bất năng văn”. Nghĩa là, nếu những người mà trong nhiều đời nhiều kiếp trước chưa tu phước tu huệ đầy đủ, thì đời này không thể nào tin được chánh pháp này để quyết lòng hạ thủ công phu, niệm câu A-Di-Đà Phật cầu sanh Tịnh-Độ. Do đó, chư vị đã tin tưởng được vì chư vị có đủ căn lành. Chư vị đã phát tâm niệm Phật được vì chư vị đã có đủ phước đức. Chư vị đã tha thiết cầu nguyện vãng sanh thì cơ duyên này chư vị có thể vãng sanh thành đạo. Mong chư vị vững vàng thẳng tiến về cõi Tây-Phương Cực-Lạc, đừng nên phân vân chao đảo mà luống qua cơ duyên thành Phật này nhé.
(q): Vãng sanh xong thì an ổn tu hành cho đến ngày thành Phật, không bị chết, gọi là một đời thành Phật. Ở cõi này tu chưa được gì thì chết mất, phải chịu luân hồi đọa lạc.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Câu này mới nghe qua thì đơn giản, nhưng ở đây lại hàm chứa một thông điệp vô cùng quan trọng và thấm thía đấy. Ở cõi này dẫu cho có quyền lực, địa vị, danh vọng, phước báu… lớn lao tới đâu, thì đến khi chết xong tay trắng vẫn hoàn về trắng tay, không đem theo được một thứ gì cả, ngoài khối nghiệp chướng nặng nề báo hại mình đời đời kiếp chịu cảnh tối tăm. Thật sự quá phũ phàng!…
Người thế gian cho rằng chết là hết, nhưng sự thật chết không phải hết, mà chết rồi đi theo nghiệp chướng chịu luân hồi đọa lạc. Tất cả những thứ: danh, văn, lợi, dưỡng… của đời này hoàn toàn chỉ là số “0” sau khi chết. Sự nghiệp đề huề, danh vọng ngất ngưỡng, suốt đời khổ công tạo dựng nhiều lắm cũng chỉ lưu lại cho đời những mảnh bằng cấp, những tiếng khen chê… Tất cả đều trở thành hư huyễn, vì chính mình sau cùng lâm vào những cảnh tăm tối, vô cùng đau khổ mà những thứ đó không cứu giúp gì được cho mình cả.
Nếu hiểu thấu sự thực này, chúng ta mới thấy câu:“Vãng sanh xong an ổn tu hành cho đến ngày thành Phật. Ở cõi này tu chưa được gì thì chết mất, phải chịu luân hồi đọa lạc” là vô cùng quan trọng và thấm thía, nghe qua làm cho chúng ta phải giựt mình tỉnh ngộ.
Vãng sanh xong thì không còn gì phải lo lắng nữa, an ổn tu hành chờ ngày thành Phật, trong kinh gọi là chứng được bậc “Bất Thoái Chuyển”. Còn kẹt lại đây chúng ta an ổn tu hành được không? Không!… Mình muốn tu mà chúng sanh không dễ gì để mình an tâm tu hành. Muốn tu mà tu trong loạn động, nào là đấu tranh, chống phá, tỵ hiềm, tai nạn, dịch bệnh, v.v… đủ mọi thứ chướng ngại. Còn được vãng sanh thì vạn sự tự nhiên đều được giải quyết, ta sẽ an tâm chờ ngày thành Phật.
“Ở cõi này tu chưa được gì thì chết mất…”. Tử nạn đến sẽ xóa sổ tất cả. Trong thời mạt pháp này, người phàm phu mà không tin vào Pháp Niệm Phật Vãng Sanh, dẫu cho tu hành tinh tấn, siêng năng, khó khổ tới đâu, nhưng sau cùng ít thấy ai được sự thành tựu, hiếm khi thấy được một người ra đi để lại thoại tướng tốt lành, để có một tia hy vọng mong manh thoát vòng khổ nạn. Nghĩa là sao? Tu hành chưa được gì thì bị chết mất!… Chết rồi lưu lại thân tướng quá xấu chính là sự báo hiệu rằng đời sau không lấy lại được thân người. Tất cả những công phu tu hành khổ cực sẽ biến thành một thứ nhân chủng phước báu nào đó, trộn lẫn với vô lượng chủng tử khác trong A-lại-da thức mà thôi. Phũ phàng quá!… Thật quá phũ phàng chư vị ơi!…
A-lại-da thức chính là linh hồn của chúng ta đấy, nơi chứa đựng tất cả mọi hành nghiệp từ vô thỉ đến nay, nó được ví như một cái thùng chứa vô đáy, tàng trử vô lượng vô biên những chủng tử mà chính mình đã tạo ra, không thiếu sót một cái nào. Khi mình đi đầu thai, cơ duyên gặp chủng tử nào ứng hiện ra, mình theo cái chủng tử đó mà nhận lấy hình tướng đời sau. Vô lượng nhân chủng, mình chọn nhân chủng nào đây? Nhân tội ác quá nhiều. Đời này, dẫu có tu hành tạo được một ít chủng tử tốt đẹp nào đó, nhưng khi trộn lẫn trong vô lượng những chủng tử xấu ác khác, thì cơ duyên hưởng được phước lành trong đời sau cũng thật là phiêu phỏng, chứ không phải đơn giản như ngồi đây lý luận về tương lai đâu. Ví dụ cho dễ hiểu, như một cái thùng lô-tô chứa hàng ngàn con số đang quay tròn, không dễ gì cho mình bốc được một con số mình muốn chọn đâu nhé!…
Cho nên, “Ở cõi này tu hành chưa được gì thì chết mất, phải chịu luân hồi đọa lạc”, thực là một lời khai thị quá thấm thía. Tu hành cả một đời, ai cũng hy vọng sẽ hưởng được cái gì tốt đẹp ở đời sau. Nhưng đâu ngờ chỉ cần một sự sơ suất nhỏ, ví dụ như lúc chết bị con cháu đụng chạm ôm nắm vào thân xác, tạo ra sự đau đớn quá mức chịu không nổi mà sanh tâm sân giận. Từ một điểm này thôi cũng đủ chiêu cảm đến những nhân chủng địa ngục, rồi theo đó mà đọa xuống địa ngục thọ nạn.
Xin chư vị hãy nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm liền đi để kịp thời thoát nạn. Mặc ai không tin hay bất cẩn, chính mình nhất định không được sơ suất nhé. Tội nghiệp lắm đấy!… Đau khổ lắm đấy!…
(r): Về Tây-Phương Cực-Lạc ta thoát qua sanh tử luân hồi. Ở lại đây thì vấn đề sanh tử vẫn còn nguyên vẹn.
Đúng không? – (Đúng). Đây là những điểm chi tiết chúng ta cần nêu ra để cùng nhau lưu ý. Vấn đề sanh tử luân hồi là ách nạn đáng sợ, trong đó ba cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh vô cùng nguy hiểm.
Cảnh giới súc sanh ngu muội, mạnh được yếu thua, tàn sát lẫn nhau. Con cọp thì giết con beo, con beo thì giết con sói, con sói thì giết con cheo… Loài lớn giết loài nhỏ, loài mạnh giết loài yếu. Các loài súc sanh giết hại ăn muốt lẫn nhau không thương tiếc, cuộc sống thật vô cùng cay nghiệt! Vì ngu muội mà đầu thai vào hàng súc sanh, cam tâm làm nô lệ cho loài người, suốt đời cặm cụi kéo cày, rồi sau cùng bị loài người mổ xẻ để ăn thịt. Phục vụ cho con người đến chết cũng không được chết an lành… Thật quá tội nghiệp, não nề, đắng cay!… Như vậy, làm người cũng quá hiểm ác đấy chứ. Ác nhân ác báo, đâu có gì phải mơ cầu tới!…
Sanh vào loài súc sanh thì ngu muội khổ đau, nhưng còn đỡ khổ được đôi phần, nếu rơi xuống hàng ngạ quỷ thì chịu cảnh đói khát triền miên, tủi phận, thê lương!… Còn đọa vào địa ngục thì sự thống khổ nói sao cho nên lời đây?!…
Tu hành cần nhắm đến vượt thoát khỏi sanh tử luân hồi mới gọi là có thành tựu. Nếu không qua khỏi cảnh này, thì dù có sanh được vào ba đường thiện, đời sau có hưởng được một số phước báu nào đó cũng chỉ là tạm bợ hão huyền. Hơn nữa, hưởng phước rồi thường rất khó tu hành, đời thứ ba dễ dàng đọa lạc xuống ba đường ác, đây là nạn “Tam Thế Oán”. Như vậy ba đường thiện cũng không phải là điều chúng ta mong cầu. Xin chư vị hãy chú ý đến mối hiểm nguy “Tam Thế Oán” này nhé. Nói chung, còn kẹt lại trong sáu đường luân hồi là còn chịu đọa lạc. Đáng sợ lắm đấy.
Cho nên, “Vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc là chúng ta vượt qua sanh tử luân hồi”. Qua cái nạn này chúng ta không còn sanh tử nữa. Xin chư vị hãy vững tâm mà đi, vững lòng mà tiến. Về được Tây-Phương Cực-Lạc chúng ta là bạn lữ với chư đại Bồ-Tát. Bồ-Tát ở bên cạnh chúng ta gia trì giúp đỡ cho chúng ta. “Ở lại đây thì vấn đề sanh tử luân hồi vẫn còn nguyên vẹn”. Đúng như vậy. Một người dù tu hành giỏi cho mấy mà sau cùng không vượt qua khỏi các đường sanh tử luân hồi, thì đành phải chấp nhận thất bại, giờ này dù hình tướng, danh vị có cao sang tới đâu, vẫn là người thua cuộc vậy.
Chính vì thế, tu hành là để giải thoát sáu đường. Nhưng nhớ cho, với hàng phàm phu này, muốn thoát ly lục đạo luân hồi không phải đơn giản. Vậy thì, chúng ta cần phải tìm phương cách nào cụ thể nhất, vững vàng nhất, dễ dàng nhất mới được. Xin thưa chư vị, chính Pháp Niệm Phật cầu vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc là nhanh nhất, dễ nhất. Phật gọi đây là pháp dị hành, đốn siêu, một đời thành Phật.
Dễ vãng sanh vì đây không phải là chứng đắc để vãng sanh, mà chính là đới nghiệp vãng sanh. Chúng ta có thể ví pháp đới nghiệp như pháp di dân, chuyển đổi nơi cư trú. Di dân có luật lệ để di dân. Ví dụ như muốn di dân qua nước Úc, người nào làm đúng điều kiện của chính phủ Úc yêu cầu thì liền được di trú qua Úc. Qua được Úc thì thành công dân nước Úc, tất cả mọi quyền lợi của người công dân Úc ta được quyền hưởng thọ đầy đủ. Thì vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc quốc độ của A-Di-Đà Phật cũng vậy, đại nguyện của Ngài có ba điều: Một là tin tưởng, hai là tha thiết muốn vãng sanh, ba là phải niệm câu A-Di-Đà Phật. Người nào thực hiện chính xác và đầy đủ ba điều kiện này là hợp với điều lệ di cư về xứ Cực-Lạc. Về đó rồi chúng ta đương nhiên là con dân của nước Tây-Phương Cực-Lạc. Dân chúng của nước Tây-Phương Cực-lạc toàn là Bồ-Tát, thì ta cũng thành Bồ-Tát. Tất cả đều do sự gia trì của Phật mà chúng ta được thành tựu viên mãn vậy. Xin chư vị nhớ cho kỹ điều này để vững tâm mà đi. Còn đối với phàm phu mà lo tự lực tu chứng thì trở thành quá khó, vô phương thoát nạn.
(s): Có Nhân thì có Quả. Đới nghiệp vãng sanh thành Phật là không hợp với lý Nhân – Quả.
Đúng hay sai? – (Sai). Nhiều người nói rằng có Nhân thì phải có Quả. Mình đã tạo Nhân rồi thì bỏ cái Quả cho ai lo, vậy thì làm gì một người còn đầy nghiệp chướng mà được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc? Xin hỏi, lý luận này có được chính xác không?
Xin thưa với chư vị, tất cả vạn pháp trên vũ trụ này không có gì nằm ngoài định luật Nhân-Quả cả, nhưng vì có nhiều người đã hiểu sai về định luật Nhân-Quả nên đưa đến những quyết định sai lầm, cách tu sai lầm!…
Thực sự một người vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc cũng do Nhân-Quả của chính họ mà được. Người nói rằng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc không đúng với lý Nhân-Quả chỉ vì chưa biết qua đạo lý: “Niệm Phật Là Nhân, Thành Phật Là Quả”. Họ quen thuộc với những cái Nhân-Quả gần gũi trước mắt như việc trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, từ đó đường tu hành thường nhắm vào những việc làm thiện kiếm phước, rồi cho vậy là đủ. Nhưng không ngờ rằng, có một cái Nhân-Quả vô cùng viên mãn, đó là: “Niệm Phật là Nhân, thành Phật là Quả”. Nhân-Quả này đều do chính mình tạo lấy.
Có Nhân, gặp Duyên, mới thành Quả-Báo. Người tu hành nên ngộ ra ở chữ “Duyên” này mà tìm cách thoát nạn, chứ không phải nằm chờ quả báo của những gì mình đã lỡ sai lầm tạo ra. Ăn trộm của người, đừng đơn giản nghĩ rằng, hãy mở cửa chờ cho người ta tới trộm lại là xong. Không đâu. Nhiều đời nhiều kiếp trước ta đã có Nhân trộm cắp rồi, nay tạo Duyên cho sự trộm cắp khác, thì vô tình chỉ tạo ra một chuỗi Nhân-Quả, Quả-Nhân trộm cướp bất tận, không có ngày liễu kết. Giết một mạng chúng sanh, không thể nằm đó chờ cho chúng sanh tới giết lại là tốt. Giết qua giết lại chỉ tạo oán hận chập chùng không bao giờ hóa giải được. Duyên chưa tới, chưa thành Quả. Chúng ta còn có tới hàng vô lượng Nhân Chủng khác nữa làm sao trả hết đây? Như vậy, nằm chờ thọ nạn để theo mối Nhân Duyên đọa lạc vô tận, sao bằng hãy niệm Phật làm “Nhân”, nguyện vãng sanh làm “Duyên”, vãng sanh thành Phật làm “Quả”. Thành Phật rồi sẽ có đầy đủ năng lực đi cứu độ chúng sanh để trả quả báo. Cách trả quả này hay hơn, vi diệu hơn, lợi lạc hơn chứ. Rõ ràng, Nhân-Duyên-Quả Báo nằm ngay tại Tín-Nguyện-Hạnh. Thành Phật cũng đây mà trả nợ Nhân-Quả cũng là đây.
Như vậy, đới nghiệp vãng sanh rất hợp với lý Nhân-Quả chứ không sai với Nhân-Quả một chút nào cả. Mong chư vị hiểu cho thấu, đi cho vững, đừng sơ suất mà luống qua cơ duyên thành đạo này nhé.
(t): Người niệm Phật vãng sanh là thực hiện lý đạo cao tột của Nhân-Quả.
Đúng hay sai? – (Đúng). Lý đạo cao tột của Nhân-Quả nằm ngay trong câu Phật hiệu!… Lý đạo cao tột của Nhân-Quả khác với Nhân-Quả bình thường. Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu… là ví dụ cho Nhân-Quả bình thường. Dễ hiểu!… Phật dạy, bố thí tiền tài sẽ được giàu có. Nhiều người nghe vậy lo bố thí chút tiền để mong được giàu có. Bố thí rồi không thấy giàu có gì hơn, thì liền nghi ngờ luật Nhân-Quả. Ôi!… Coi chừng trong nhiều đời nhiều kiếp mình sống với cái tâm tham lận, chiếm hữu, vay nợ của người nhiều quá, nay bố thí chút ít chưa bù được vào đâu, đã vội mở lòng tham ra cầu quả báo rồi. Tham lam có quả báo vào hàng ngạ quỷ. Nhân Duyên Quả Báo tơ hào không sai. Xin hãy lập hạnh bố thí với lòng thương yêu chân thật để tích công bồi đức mới tốt vậy.
Cái Nhân phải có Duyên mới thành Quả được. Có phước thì phước sẽ hòa giải cái họa. Đời này ta gặp nhiều khó khăn, bị nhiều trở ngại vì chính cái Nhân ta đã gây khó khăn trở ngại cho người trong đời kiếp trước. Hãy an nhiên đón nhận và tiếp tục sống với tâm thiện lành là cách tu Nhân tốt nhất. Hãy thường trách mình, chớ nên trách người là cách hóa giải khó khăn, biến hung thành kiết, biến họa thành an. Đây là đạo lý bình thường của Nhân-Quả.
Còn Niệm Phật là Nhân, thành Phật là Quả, Niệm Phật Thành Phật là đạo lý cao tột của Nhân-Quả mà nhiều người không hay biết. Trong vô lượng kiếp qua chúng ta đã không biết qua đạo lý này nên vướng mãi trong cảnh sanh tử vô thường. Nhiều đời nhiều kiếp chúng ta đã tu hành mới có được căn lành, nhờ đó mà đời này mới gặp Pháp Niệm Phật, đây là cơ duyên cho chúng ta đi làm Phật, nhưng có người vẫn cứ lẩn quẩn trong những cách tu chút thiện, cầu chút phước, thâu lượm chút danh hão huyền rồi chờ chết. Thật đáng tiếc quá!…
Nay biết được cái lý Nhân-Quả cao tột này rồi, mong chư vị hãy quyết lòng Niệm Phật cầu vãng sanh, một đời này về tới Tây-Phương Cực-Lạc thành Phật, để không phụ lòng Đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật dạy nhé.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.