Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 145)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Vấn đề thứ 32:
Người tu hành thời này rất khó thoát nạn là do nguyên nhân gì?
Phật nói, thời mạt pháp này tu hành để thoát nạn khó lắm, tức là thoát cái nạn sanh tử luân hồi khó lắm. Tại sao vậy? Chúng ta là một trong những người nằm trong diện khó thoát nạn này đấy. Nếu chỉ cần sơ ý một chút, thì chúng ta tu hành thì có, mà thành tựu thì không. Hy vọng chúng ta thì có, mà thất vọng thì não nề, ê chề… Thật thảm thương quá chừng! Hãy nhìn thật kỹ vào sự thực rồi tự hỏi: Có bao nhiêu người tu hành và bao nhiêu người được đắc đạo đây? Phải chăng, người tu hành thì có hàng triệu, còn người được đắc đạo thì tìm không ra. Phật pháp nhiệm mầu đều do chính Phật dạy, nhưng tại sao mình thực hiện không được? Đường giải thoát Phật chỉ bày rành rành, tại sao người tu hành không thoát nạn được? Phật dạy, chỉ cần minh tâm thấy tánh, thấy tánh thì thành Phật, mà ta không thành Phật được? Phật là tâm, tâm là Phật, chúng ta vẫn có tâm nhưng không chịu thành Phật mà cứ thành chúng sanh trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh tràn giang đại hải vậy?
Đặt lên vấn đề để giựt mình tỉnh ngộ, lo tìm phương giải quyết.
(a): Chọn pháp môn không hợp căn, đường tu không vững, hướng về không rõ nên không thể thành tựu.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Rõ ràng đấy chư vị ơi!… Cũng là pháp Phật, mà chọn pháp tu không hợp căn cơ nên không được thành tựu. Biết được vấn đề này, chúng ta có thể trả lời cho những người gặn hỏi, tại sao lại phân biệt pháp môn của Phật? Tại sao lại chọn pháp môn này, không chọn pháp môn kia? Có nhiều người ước mơ muốn nghiên cứu đầy đủ tất cả pháp môn chứa trong tam tạng kinh điển rồi mới tuyển chọn. Đúng hoặc sai, hay hoặc dở chúng ta không dám nói, nhưng chỉ sợ rằng, nghiên cứu chưa được một phần thì nhiều khi thọ mạng của mình đã tận rồi.
Mạng sống vô thường! Sanh, lão, bệnh, tử là vấn nạn quá lớn trước mắt. Tu hành chưa tới đâu, thì chết mất. Cái “Phần Đoạn Sanh Tử” này quá mong manh, nó không hứa sẽ chờ cho chúng ta nghiên cứu hết ba tạng kinh điển rồi mới bỏ đi. Vậy thì, đang lúc tìm đọc cho hết rừng kinh đó, mình chết thì đi về đâu đây? Trong khi chính Diệu Âm này, một quyển kinh A-Di-Đà thật mỏng, tụng sáng tụng chiều mà vẫn chưa thuộc, tụng chung với đại chúng thì còn có thể nương theo, nếu tụng riêng một mình thì vẫn còn vấp lên vấp xuống… Một bộ kinh mà hiểu chưa thấu, hành chưa xong, nếu tụng đến 5 bộ kinh làm sao viên mãn, vậy thì mơ chi tới chuyện thực hành đủ 84.000 pháp môn, hiểu thấu suốt ba đại tạng kinh điển?
Phải rõ ràng rằng, mình còn là phàm phu. Phàm phu tu hành phải hợp với căn cơ mới có thể được thiện lợi. Chọn một pháp môn không hợp với căn cơ đã tu không nổi rồi, huống chi tu nhiều pháp môn. Vậy mà có người muốn tu cho đủ 84.000 pháp môn của Phật để lại thì làm sao tu nổi? Ví cho tuổi đời 100 năm, mới sinh ra đã biết tu liền, thì mỗi năm phải tu 840 pháp môn. Mỗi ngày phải tu trên 2 pháp môn khác nhau, không được lập lại. Hỏi rằng ai có khả năng làm được việc này?
Thế mới biết chuyên tu là chính xác. Hãy chọn một pháp môn thích hợp, huân tu thời gian lâu dài mới có thể thành tựu. Tâm phải định, đừng ham cầu số nhiều mà lâm vào bất định. Tâm bất định thì cuối cùng như đứng giữa vạn nẻo đường, hoang man, mù mịt… biết chọn đường nào để thoát nạn đây?
Diệu Âm chỉ biết nói về Pháp Hộ-Niệm Niệm Phật Vãng Sanh. Có người nghe nói về hộ niệm mãi sanh ra chán nản, mới đề nghị giảng về các pháp khác. Xin thưa thực, Diệu Âm không biết vững những pháp khác thì làm sao giảng được đây? Ví dụ, muốn nói về Ngũ Phần Pháp Thân, nhưng nhớ được có 3 phần, còn 2 phần quên mất, nghĩ hoài không ra thì tâm không tịnh, không tịnh tức là bị loạn! Vậy thì, xin để Diệu Âm cứ nghĩ về “A-Di-Đà Phật”, cứ nói về “A-Di-Đà Phật”, cứ nhắc nhau niệm “A-Di-Đà Phật” cầu vãng sanh có hay hơn không? Có một lần nọ, có người yêu cầu giảng về Bát Chánh Đạo. Diệu Âm bảo rằng chưa vững nên không dám giảng, nhưng vị đó vẫn cứ đòi hỏi, thôi thì đề nghị vị đó nêu lên từng điều một thử coi Diệu Âm có trả lời được không.
Vị đó nói:
“Chánh Kiến”… “A-Di-Đà Phật”… Diệu Âm trả lời.
“Chánh Tư Duy”… “A-Di-Đà Phật”…
“Chánh Định”… “A-Di-Đà Phật”…
“Chánh Niệm”… “A-Di-Đà Phật”… (v.v…).
Nghĩa là, vị đó đưa ra một điều, Diệu Âm trả lời bằng một câu “A-Di-Đà Phật”. Chư vị nghĩ thử có đúng không? Một câu “A-Di-Đà Phật” có đầy đủ tất cả rồi. Phật dạy, một câu “A-Di-Đà Phật” là một kho tàng của cả pháp giới. Chư Tổ nói, một câu “A-Di-Đà Phật” bao hàm cả ba tạng kinh điển. Vậy thì nay chúng ta đã gặp câu “A-Di-Đà Phật” rồi, còn muốn học thêm gì nữa?
Mỗi đường đi có một phương pháp thực hiện. Một là tất cả, tất cả là một. Một câu “A-Di-Đà Phật” có thể đáp ứng tất cả mọi vấn đề từ tu hành, thành đạo, đến cứu độ chúng sanh. Chúng ta nên đi theo đường “Một” để có “Tất Cả”, hay hơn đi theo đường “Tất Cả” để trở về “Một”. Vì “Tất Cả” thì có tới vô lượng vô biên, bao giờ mới đi cho trọn, đi không trọn thì làm sao thành đạt. Còn “Một” là một câu “A-Di-Đà Phật”, cụ thể rõ ràng để trở về Chơn-Tâm Tự-Tánh. Trở về được với Chơn-Tâm Tự-Tánh thì ta có “Tất Cả”. Tất cả các pháp môn đều nhằm trở về với Chơn-Tâm Tự-Tánh. “A-Di-Đà Phật” là danh tự chung của ba đời mười phương tất cả chư Phật, thì “A-Di-Đà Phật” cũng chính là Chơn-Tâm Tự-Tánh của chúng ta. Như vậy chúng ta cứ niệm một câu “A-Di-Đà Phật” thì trở về thẳng với Chơn-Tâm Tự-Tánh. “Hà kỳ Tự Tánh, bổn lai cụ túc”, Tự Tánh chúng ta có đầy đủ tất cả, tại sao chúng ta không đi thẳng về đó, mà cứ đi lang thang làm chi?
“Chọn pháp môn không hợp căn tánh” tu hành thì không thể thành tựu. Tu pháp của Phật mà không thể thành tựu, làm cho Phật bị hàm oan. Y kinh giảng nghĩa, tam thế Phật oan là vậy đó. Có những pháp Phật dạy cho Bồ-Tát tu, tại sao chúng ta lại tu pháp của Bồ-Tát, mà không lo tu pháp của phàm phu. Trong 37 phẩm trợ đạo, có 7 phẩm cần phải giác ngộ là “Thất Giác Chi”, thì ngay phẩm thứ nhất Phật đã dạy, cần phải trạch pháp tu hành. Chúng ta còn cẩn thận không dám tự tuyển chọn, mà chuyên lòng niệm Phật là pháp môn chính Đức Thế Tôn đã tuyển chọn cho chúng ta tu hành trong thời mạt pháp này. Chúng ta tu đường vững vàng, có căn bản, không còn gì phải chao đảo nữa.
“Đường tu không vững, hướng về không rõ”, thì chẳng khác gì như một con thuyền giữa đại dương cứ nhắm mắt đi tới, nhưng không biết đi đâu. Càng đi càng mênh mông, càng đi càng mịt mù, sau cùng đành chết chìm xuống đáy đại dương. Đi không có đường, về không có đích thì mông lung vô định, dập dềnh giữa vạn sóng trùng dương, làm sao có thể thoát nạn? Tự mình phải có trách nhiệm với huệ mạng của chính mình nhé chư vị. Đường đi phải vững, hướng về phải rõ, mới có cơ hội tới bờ bên kia vậy.
(b): Phàm phu nghiệp nặng chướng sâu mà sơ ý không chuẩn bị hộ niệm cẩn thận khi lâm chung nên khó bề thoát nạn.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Câu trước chỉ nói về tổng quát, câu này bắt đầu đi vào cụ thể, nhắc nhở nhau cần phải chuẩn bị hộ niệm mới có thể thoát nạn. Mình đã tu đúng đường, chọn đúng pháp, đi đúng hướng. Nhưng xin chư vị hãy nhớ cho, tu đúng đường ví như mình có con thuyền, đi đúng hướng ví như có bánh lái. Nhưng hỏi rằng liệu mình có đủ năng lực để chèo con thuyền này qua bể khổ hay không là một vấn đề khác. Có người nghĩ rằng, thời đại này tàu thuyền có trang bị máy móc, không cần phải tự chèo. Đúng đấy, nhưng vẫn có nhiều vấn đề phải cần chú ý. Ví dụ, liệu có đủ xăng dầu vượt qua đại dương hay không? Có đủ xăng dầu rồi thì an tâm chưa? Vẫn chưa đâu, phải cẩn thận ngừa khi máy móc bị trục trặc, tàu bị hư hại, v.v… Như vậy, muốn con tàu mình qua tới bờ kia phải cần đến người hoa tiêu, thợ sửa máy, thợ sửa tàu… cần rất nhiều người hỗ trợ thì con tàu mới an toàn tới đích. Ban hộ niệm chính là những người giúp ích cho chư vị làm những công chuyện này đấy.
Cho nên, niệm Phật Tín-Nguyện-Hạnh phải có, ngoài ra còn cần đến tâm thành kính, khiêm cung mới có thể vãng sanh được. Đừng vội nghĩ ta đã có thuyền, đi đúng đường, về đúng đích thì không cần nhờ vả tới ai. Chưa chắc đâu nhé. Năng lực phàm phu của chúng ta hạn hẹp vô cùng, sức khỏe quá yếu đuối, nhiều khi có thuyền rồi mà chèo không nổi, rõ hướng rồi nhưng mắt đã mờ, biết đích rồi mà tay chân bủn rủn… Rồi còn thuyền bị hư, máy bị hỏng, thời tiết xấu, v.v… có rất nhiều chướng ngại đang chờ, liệu mình có tự giải quyết được không? Chính vì thế, rất cần đến sự trợ lực, giúp đỡ mới tốt.
Tự chủ mà đi là tự lực, sự hỗ trợ là tha lực. Tự lực và tha lực kết hợp chặt chẽ mới dễ dàng thành công. Đồng tu có thể hỗ trợ cho chúng ta, chư Thiên-Long Hộ-Pháp có thể hỗ trợ chúng ta, chư Bồ-Tát có thể hỗ trợ chúng ta, Phật lực gia trì hỗ trợ chúng ta. Đó toàn là tha lực, hay còn gọi là “Hộ Niệm”. Rõ ràng, hộ niệm vô cùng quan trọng đối với người phàm phu. Không được hộ niệm, phàm phu mấy ai vượt thoát khỏi chướng nạn để có cơ hội thành tựu đạo nghiệp trong thời này?
Vì nghiệp nặng chướng sâu làm cho con thuyền của chúng ta đi quá chậm, vấn đề sanh tử thì đến quá nhanh, nếu không nhờ sự hỗ trợ làm sao chúng ta có thể tới đích? Chư Tổ thường ví người niệm Phật được hộ niệm vãng sanh giống như con thuyền đi thuận buồm xuôi gió. Giống như một người yếu sức nhưng lên được đến đỉnh núi là nhờ các vị lực sĩ cặp nách chạy lên. Chúng ta muốn đi từ nơi này đến một nơi nọ quá xa xôi, tự mình đi không nổi, nhưng vấn đề trở nên dễ dàng vì nhờ lên chiếc máy bay vậy.
Muốn được lên máy bay, thì mọi quy luật trên máy bay chúng ta phải tuân thủ. Trên máy bay người ta không cho phép đem theo bất cứ một loại vũ khí hay vật bén nhọn nào, thì bắt buộc mình phải chấp nhận quy luật này. Nếu chúng ta từng xuyên rừng vượt núi, có thói quen trang bị súng đạn, dao búa, gậy gộc… thì hôm nay phải buông bỏ những thứ đó xuống. Nếu không chịu bỏ thói quen này, thì nhất định không được bước lên máy bay. Nếu cố tình vi phạm thì mình sẽ bị còng tay đưa vào tù đó nhé.
Một đường đi có một nhu cầu riêng. Mỗi pháp môn tu hành có mỗi nhu cầu khác nhau. Tu hành theo pháp môn nào, phải thực hiện đúng tông chỉ và nhu cầu của pháp môn đó mới được thành tựu. Muốn niệm Phật vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, xin hãy nghiên cứu Pháp Niệm Phật. Pháp Hộ-Niệm chỉ bày cụ thể cho người muốn vãng sanh phải làm những gì, thì xin hãy nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm cho thật kỹ đi, chư vị sẽ thấy rõ tất cả những nhu cầu cần thiết phải làm để vãng sanh. Chúng ta là thân phận phàm phu mà khinh thường Pháp Hộ-Niệm, thì đường vãng sanh nhất định sẽ gặp nhiều sai lầm: Trang bị sai lầm, hành động sai lầm, tư tưởng sai lầm, quyết định sai lầm, v.v… Ví dụ, có người nói rằng, còn nghiệp chướng phải lo trị nghiệp chướng trước mới được vãng sanh. Vì lo trị nghiệp chướng nên phải trang bị nhiều vũ khí. Không ngờ, trang bị vũ khí thì không được lên máy bay. Vô tình đây là một quyết định sai lầm của người tu pháp nhị lực vậy.
Niệm Phật pháp môn là pháp đới nghiệp vãng sanh, ta theo nguyện lực mà vãng sanh, đi trên nghiệp lực để trở về Tây-Phương Cực-Lạc, chứ không phải chủ tâm tiêu trừ nghiệp chướng cho đến ngày nghiệp sạch tình không mới chứng được chơn thường.
Người phàm phu chỉ nương theo đại nguyện độ sanh của Đức Di-Đà mà đới nghiệp vãng sanh mới có thể được thành tựu. Muốn nương theo đại nguyện này để vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì xin chư vị từ nay cho đến ngày xả bỏ báo thân phải chuyên lòng niệm Phật, thiết tha cầu sanh Tịnh-Độ, đi thẳng một đường để mau trở về miền Cực-Lạc thành Phật, đừng nên lăn xả vào rừng nghiệp để đánh phá nghiệp chướng. Phàm phu sức yếu, nếu vụng tính, càng ngày càng lún sâu vào rừng nghiệp, đến một lúc bị kẹt luôn trong đó, không còn cơ hội thoát nạn, đành chấp nhận thương đau.
Phật dạy, cứ một câu A-Di-Đà Phật mà niệm, một nguyện cầu xin vãng sanh mà tiến, tín tâm vững vàng không lay chuyển thì tương ứng với đại nguyện của A-Di-Đà Phật ta được vãng sanh. Nghiệp chướng tự nhiên tiêu, ác đạo tự bế tắt. Đây là một pháp tu vi diệu, vô cực tối thắng, đã và đang cứu độ vô lượng vô biên chúng sanh vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Vãng sanh xong thì một đời thành Phật. Pháp tu hành thành tựu quá dễ dàng, nhưng chỉ vì chúng sanh căn lành quá yếu, tâm trí mê mờ không chịu tin tưởng, nên đành bỏ đường thành Phật, tiếp tục chịu cảnh sanh tử đọa lạc. Thật đáng tiếc thay!…
Hôm nay chúng ta đã gặp Pháp Niệm Phật, Lý-Sự đã giải bày minh bạch rồi, xin chư vị hãy quyết lòng tin tưởng. Một đường niệm Phật đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc. Nhất định chúng ta sẽ vãng sanh như rất nhiều người đã được vãng sanh rồi. Chắc chư vị đã vững vàng rồi phải không? Nhất định phải vững vàng nhé…
A-Di-Đà Phật.