Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 151)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin chư vị mở trang 60, vấn đề thứ 35:
Người phàm phu muốn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc có nên phát nguyện trả hết nghiệp chướng hay không?
Nếu người phàm phu mà muốn được vãng sanh trong đời này, thì xin trả lời “Không”. Vì sao vậy? Vì phàm phu mê muội đã tạo quá nhiều nghiệp chướng. Từ đời này qua đời khác, nghiệp chướng đúc kết đến nay đã quá lớn rồi. Trong kinh Vô Lượng Thọ Phật dạy, nghiệp nhân quả báo này trở thành một sức mạnh bất khả tư nghì. Khi nghiệp chướng ứng hiện, sự tác hại vô cùng lớn, sức mạnh của nó kinh hoàng, không ai có thể địch lại. Chính vì lực lượng này quá mạnh, nếu xung đột với nó mình đành chịu thảm hại.
(a): Không nên nguyện trả hết nghiệp, vì cầu hết nghiệp mà nghiệp không thể hết thì phải theo nghiệp thọ nạn.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Rất nhiều người tu hành trong thời này, thường sơ ý nguyện một đời này trả cho hết nghiệp để thoát vòng sanh tử luân hồi. Họ quên rằng, chỉ có chư đại Bồ-Tát mới có quyền nguyện như vậy, còn phàm phu mà muốn hết nghiệp thì phải trả đến vô lượng kiếp cũng chưa chắc gì hết. Nghiệp chướng của chúng ta vô hình vô tướng, nếu có trọng khối thì không trung này không còn chỗ chứa, đừng nghĩ rằng trải qua một vài căn bệnh là trả hết nghiệp. Không đâu, xin đừng nghĩ quá đơn giản mà bị thất bại. Những loại bệnh khổ vô cùng ngặt nghèo đến nỗi không còn cách chữa trị, đang chờ ngày cướp lấy mạng sống của mình, cũng chỉ là một phần nhỏ như hạt cát từ trong khối nghiệp lớn như núi Tu-Di thôi.
Nhiều người nằm trên giường bệnh từ năm này qua năm nọ, ăn một chỗ, đi giải một chỗ… khổ đau vô cùng. Hàng ngày phải đối diện với cảnh khổ từng giây, từng phút. Đúng là cảnh dở sống dở chết. Nhưng chịu đựng qua căn bệnh đó không phải là hết nghiệp, mà hết nghiệp này, nghiệp khác sẽ đến. Nếu suốt đời cứ chủ tâm phá nghiệp, thì vô tình tạo duyên cho nghiệp chướng ứng hiện dồn dập, làm cho tâm thần rối loạn, mê hồ, sau cùng bị nghiệp chướng lôi vào cảnh khổ, khó được phần thoát nạn.
Vì thế, phận phàm phu tu hành được thành tựu khó lắm. Tệ hơn nữa, nếu tu hành vụng về, không vững đường tu, không rõ hướng đi, thì nhất định đời này khó tránh khỏi ách nạn. Chư vị hãy nhìn nhận một sự thật rõ ràng rằng, hầu hết con người có tu hay không tu khi xả bỏ báo thân thường lưu lại sắc tướng rất xấu, thân xác cứng đơ, nét mặt tái xanh, khó nhìn lắm. Đối với huệ mạng thì đây không phải là chuyện bình thường, mà chính là dấu hiệu của một sự đại nạn trong tương lai. Phật dạy “Nhơn thân nan đắc”, khi bỏ thân người này không lấy lại được thân người ở đời sau. Người là cảnh giới cận kề với ba đường ác, không được trở lại làm người, thì làm gì đây? Bàng sanh, ngạ quỷ, địa ngục… Ôi vô cùng thảm thương!…
Vậy thì, xin hãy suy nghĩ cẩn thận. Nếu thấy quá nhiều người bị nạn rồi, thì chính mình phải tỉnh ngộ để kịp thời tìm phương thoát nạn. Tu hành phải chọn pháp môn khế lý khế cơ, đi cho chánh, hành cho đúng, thực hiện từng điểm cụ thể, mới có thể thành tựu, chứ không thể mông lung được.
“Nghiệp mà không thể hết thì phải theo nghiệp thọ nạn”. Tại sao vậy? Tại sao có người còn nghiệp mà lại được siêu sanh thành đạo? Tại sao cũng có người còn nghiệp lại phải theo nghiệp thọ nạn để chịu đau khổ? Xin thưa, chính vì lời nguyện. Nguyện vãng sanh thì theo nguyện lực đi vãng sanh. Nguyện trả hết nghiệp thì ôm chặt lấy khối nghiệp để trả báo. Nếu nguyện trả nghiệp mà rời được cái nghiệp thì làm sao hợp với đạo lý: “Tất cả đều do tâm tạo”, đúng không chư vị?
Vì thế, người nguyện trả hết nghiệp, vô tình bắt tâm của họ dính chặt vào nghiệp chướng. Nếu nghiệp chưa sạch, tình chưa không, thì nhất định họ phải theo nghiệp thọ nạn. Phàm phu khi thọ nạn thì nhất định không dễ gì có thể trở lại làm người.
Hiểu thấu đạo lý này, chúng ta mới thấy sự quý báu của Pháp Niệm Phật Đới Nghiệp Vãng Sanh. “Đới Nghiệp Vãng Sanh” là đại cứu tinh, đạo lý quá tuyệt vời!…
(b): Rất cần nguyện trả hết nghiệp, vì phải trả cho hết nghiệp chướng thì mới vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc được.
Đúng hay sai chư vị? – (Sai). Nhiều người cho rằng không thể nào đới nghiệp vãng sanh được. Còn nghiệp là phải trả nghiệp. Nhân duyên quả báo tơ hào không sai. Nhân quả của chính mình thì mình phải trả chứ không thể bỏ chạy đi đâu được. Vì nghĩ như vậy nên tìm mọi cách trả cho hết nghiệp. Nhiều người đang niệm Phật mà tâm không vững, lý đạo chưa thông, nghe đến luận điệu này vội vã bỏ niệm Phật cầu vãng sanh, để đi lo trả nghiệp. Không ngờ chú tâm trả nghiệp thì tâm dính vào nghiệp, dính chặt như bị siêu keo dán cứng ngắt, không cách nào gỡ được. Phàm phu mà nguyện trả nghiệp thì phải vướng vào nghiệp, đành phải theo nghiệp thọ nạn vậy.
Trả nghiệp, phá nghiệp là pháp dành cho người tu tự lực. Tự lực mà đi, thì tự mình giải quyết tất cả mọi chướng nạn, tự mình phải xông xáo vào vòng vây của địch mà tung hoành ngang dọc, sát tặc, diệt nghiệp để tìm đường giải thoát. Còn người niệm Phật cầu vãng sanh là tu theo pháp môn nhị lực, nhờ đại nguyện của đức A-Di-Đà Phật cùng lực gia trì của chư Phật trên 10 phương mà được vãng sanh, gọi là “Đới Nghiệp Vãng Sanh”.
“Đới Nghiệp Vãng Sanh” là không cần phải trả hết nghiệp mới được vãng sanh, mà còn nghiệp vẫn được vãng sanh nhờ sự bình tĩnh khôn khéo của người niệm Phật, không mang khối nghiệp chạy trốn, không đánh phá khối nghiệp, mà hãy nhẹ nhàng dựa khối nghiệp nghỉ chân, nó sẽ nằm im đó cho quý vị dựa, dùng thời gian đó đem hết tâm lực niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ. Ai làm được vậy thì A-Di-Đà Phật sẽ bê cả khối nghiệp đó lên trên thuyền Bát-Nhã của Ngài, được êm đềm đưa qua bờ Giác. Qua bờ Giác là trở về cảnh giới của Chơn Tâm, nghiệp chướng tự nhiên tiêu, trong kinh Vô-Lượng-Thọ Phật gọi là ác đạo tự bế tắc. Hay lắm chư vị ơi! Tuyệt vời vô cùng!
(c): Được cầu trả hết nghiệp, nhưng không được phép quên cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc mới được.
Đúng hay sai? – (Sai). Cũng sai luôn. Kính khuyên chư vị đi đường nào nên đi một đường, đừng đi hàng hai. Ví dụ muốn đi máy bay thì lên máy bay, muốn đi bộ thì theo đường bộ. Đường nào phải đi một đường. Muốn đi đường bộ thì chư vị cần đem theo súng đạn, dao búa, cuốc xẻng, v.v… Nghĩa là phải trang bị vũ khí để tự vệ, gặp cọp trị cọp, gặp beo hạ beo…. Muốn đi bộ phải có khả năng phá núi băng rừng, sang bằng chướng ngại. Vũ khí hộ thân rất cần thiết, phải đem theo đầy đủ, không được thiếu sót. Còn người lên máy bay mà bắt chước người đi bộ đem bom đạn theo thì bị trở ngại liền. Bảo đảm!…
Như vậy thì chọn đường đi nào phải đi một đường. Phước báu của người đi bộ là khỏe mạnh, bắp thịt cuồn cuộn, võ nghệ siêu quần, chí khí dũng mãnh. Đây là những người có chí khí lớn, có nghị lực cao đấy. Còn người lên máy bay trông có vẻ yếu đuối, năng lực không bằng người đi bộ, nhưng phước báu của họ là lên được máy bay. Chỉ cần một chiếc vé là đủ cho họ bước lên phi cơ, ngồi chễm chệ trên ghế nệm, nhanh chóng tới nơi.
Như vậy, một người đi bộ không thể ngồi thoải mái như người lên máy bay. Một người lên máy bay không được quyền trang bị súng đạn như người đi bộ. Mỗi phương tiện có mỗi nhu cầu riêng. Người muốn tự diệt hết nghiệp chướng thì trang bị theo kiểu người đi bộ. Người muốn vãng sanh hãy trang bị như người lên máy bay. Người đi dưới đất phải phá chướng ngại dưới đất, phải nhìn dưới đất, đừng mãi ngước mắt nhìn lên mây coi chừng bị vấp té u đầu sướt trán. Người đi máy bay thì cớ chi phải lo những thứ chướng ngại dưới đất, đừng thấy người ta phá rừng khai lối có vẻ anh hùng quá, mình vội mở cửa nhảy xuống để thi tài nhé. Chết đấy!…
Đi con đường nào phải đi một đường. Nhưng đi máy bay thoải mái hơn, nhanh chóng hơn, an toàn hơn đi bộ, phải không chư vị?
Cho nên câu nói: “Được cầu trả hết nghiệp, nhưng không được phép quên cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc mới được”, là diễn tả người đi hàng hai, không đường nào trọn vẹn, tâm lực không định, không mạnh, thường hoang man, do dự, chao đảo trong những giờ phút cuối cùng. Hễ tâm lực yếu thì nghiệp lực bừng lên làm chủ, khiến mình trở thành kẻ nô lệ của nghiệp chướng. Chính vì lý do này, nhiều người tu hành sơ ý không chọn pháp hợp với căn cơ mà sau cùng phải bị nạn.
(d): Khi còn mạnh khỏe thì cầu trả hết nghiệp, khi bệnh nặng thì chỉ nên cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thôi mới được.
Đúng hay sai? – (Sai). Đây cũng là đi hàng hai, chập chờn, vô định. Ai cũng tưởng mình còn sống đến mấy mươi năm nữa, đâu ngờ mới mấy ngày đã trở thành người thiên cổ. Bây giờ thấy mình còn khỏe, chưa đến nỗi tệ, thôi nguyện trả hết nghiệp cho ra vẻ anh hùng. Đâu ngờ: “Mới thấy đó mà vội liền mất đó! Mới thấy đây vội bỏ đi đâu!…”. Còn chăng là thân xác nằm cứng đơ, báo hiệu đời sau bị nạn rồi!… Đời vô thường không thể nào chần chờ được đâu chư vị ạ.
Thế thì, đừng nghĩ rằng mình bây giờ còn khỏe, nên lo trả hết nghiệp, hết nợ trước, chờ khi nằm xuống niệm Phật cầu vãng sanh sau. Ai dạy cho mình cái lúc tâm trí rối bời, chư căn tán loạn mà niệm Phật cầu vãng sanh được vậy? Bây giờ đang khỏe mạnh, tâm trí dường như tỉnh táo, mà nhiều khi khuyên lên khuyên xuống, nhắc đi nhắc lại hàng ngày, mà sai lầm không chịu bỏ, đường đọa lạc vẫn bám theo. Vậy mà chờ đến lúc gia sự rối ren, đầu óc nhức nhối, tâm hồn tán loạn, thân thể kiệt tận, nằm chèo queo, thở phì phèo, còn phải đối diện rất nhiều chướng nạn khác mà dám mơ đến chuyện tỉnh táo niệm Phật cầu vãng sanh sao?!…
Cho nên, nếu tỉnh táo thì tỉnh táo sớm đi, đừng tỉnh trễ quá coi chừng mang họa. Có giác ngộ thì giác ngộ ngay lập tức để kịp thời cứu mình thoát nạn. Giác ngộ là biết niệm Phật cầu vãng sanh, mê muội là tiếp tục đi lòng vòng. Chỉ có giác ngộ mới giải thoát, còn mê muội thì tiếp tục mê muội mãi. Phàm phu oán nạn chập chùng, không bao giờ oán thân trái chủ dễ dàng buông tha cho một người tạo tội lỗi lớn đối với họ như mình mà nhẹ nhàng thoát nạn đâu nhé. Hãy hiểu rõ điều này, một khi đã thấy đường thoát nạn rồi thì phải đi cho vững, đừng mập mờ đi lòng vòng nữa mà uổng một đời tu tập.
(e): Đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh thì mới được vãng sanh. Nghĩa là chỉ cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, không được cầu trả hết nghiệp.
Đúng hay sai? – (Đúng). Quá đúng rồi! Quá đúng rồi! Đã tin thì không được nghi. Có nhiều người nửa tin nửa nghi. Từ sự nghi ngờ này nó moi thêm nghi ngờ khác. Càng nghi thì càng ngờ! Càng ngờ thì càng nghi! Nghi-nghi ngờ-ngờ đưa đến tinh thần hoang man, đường đi không vững. Người không có thiện căn không tin lời Phật dạy. Người ít thiện căn thì có tin nhưng niềm tin yếu ớt. Vì tin yếu nên nguyện cũng chập chờn. Nguyện chập chờn thì nhất định không thể vượt qua ách nạn của nghiệp chướng, nghĩa là không thể vãng sanh.
“Tín năng siêu xuất chúng ma lộ”. Niềm tin yếu ớt không thể nào vượt qua những ma chướng. “Tín năng trưởng dưỡng chư thiện căn”. Niềm tin quá yếu, thiện căn của mình bị vùi dập trong những đống bùn nhơ, không vươn lên nổi. “Tín vi đạo nguyên công đức mẫu”. Niềm tin là mẹ sinh ra công đức. Tín tâm không vững thì không làm nên công đức. Đây là sự thật. Xin đừng nghĩ đơn giản rằng, hễ tu hành lâu năm thì có công đức. Chưa chắc, vì tu hành không có niềm tin không thể tạo được công đức, mà thường gặp phải ma chướng trùng trùng.
Hễ tín tâm không vững thì nguyện tâm không tha thiết. Nguyện không tha thiết thì niệm Phật chẳng qua là miệng niệm chứ không phải tâm niệm. Miệng niệm Di-Đà, tâm không tin, thì niệm đến bể hầu bể họng cũng không được vãng sanh.
Ấy thế mà có nhiều người dù ít có duyên tu hành, nhưng đến cuối cùng gặp được người hướng dẫn niệm Phật, họ phát tâm tin tưởng vững mạnh, họ niệm Phật một vài tháng, một vài tuần, thậm chí đã có người niệm Phật từ sáng đến chiều trong cơn bệnh ngặt nghèo, mà người ta đã xả bỏ báo thân trong tiếng niệm Phật, ra đi lưu lại tướng lành bất khả tư nghì. Trong khi đó, có nhiều người tu suốt cả đời, công phu khổ cực, nhưng sau cùng đi ra thân tướng không tốt. Đây là sự thực. Tại sao vậy? Lý do chính là Tín-Nguyện-Hạnh không vững.
Ngài Ngẫu-Ích Đại Sư nói rằng, niềm tin không vững, nguyện không tha thiết, dẫu cho niệm Phật đến “Nhất Tâm Bất Loạn” cũng không được vãng sanh. Còn tín tâm thật sự vững vàng, nguyện vãng sanh tha thiết, dẫu cho tán tâm, loạn tâm niệm Phật cũng được vãng sanh. Trường hợp này những ban hộ niệm khắp nơi đã tận mắt thấy qua rất nhiều. Rất nhiều người trước khi ra đi bệnh khổ hành hạ đau nhức, oán thân trái chủ đánh phá tơi bời, tâm hồn tán loạn, thế mà được ban hộ niệm hướng dẫn khai thị, ủng hộ tinh thần, điều giải oán nạn… họ niệm Phật vãng sanh lưu lại tướng lành bất khả tư nghì. Thật sự bất khả tư nghì! Đây chính là nhờ thiện căn trong nhiều đời nhiều kiếp, giúp cho họ gặp duyên phát khởi tín tâm, quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh vậy.
“Tín năng siêu xuất chúng ma lộ”. Đau khổ là ma lộ, oan gia trái chủ là ma lộ, nghiệp chướng là ma lộ, tam đồ ác đạo là ma lộ, v.v… Nói chung sáu đường luân hồi đều là ma lộ. Cho nên, tín tâm và nguyện tâm vô cùng quan trọng. Nhất định phải tin tưởng niệm Phật cầu nguyện vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo Vô Thượng nhé.
Cầu mong tất cả chư vị đều được thành tựu đạo quả trong một báo thân này.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.