Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 143)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Câu 31: Ấn Quang Tổ Sư khai thị rằng: “Một đạo tràng nào giúp được một người vãng sanh mới được gọi là đạo tràng thành tựu, chứ không phải là nơi gieo duyên cho hàng vạn người tới lui tu tập”. Theo lời khai thị này thì có ý nghĩa gì đây?
Bạch với chư vị, lời khai thị này làm cho Diệu Âm vô cùng tâm đắc. “Một đạo tràng giúp được một người vãng sanh mới là một đạo tràng thành tựu, chứ không phải là một nơi có hàng ngàn, hàng vạn người tới lui tu tập”. Lời dạy này của Ấn Tổ thấm thía vô cùng!
Trong gần cả cuộc đời, suốt 50 năm Diệu Âm chạy xuôi chạy ngược, bon chen theo danh lợi, thị phi đủ điều… Đến khi nhìn lại thì thấy mình không còn trẻ trung nữa, mắt phải đeo kiếng, tai yếu đi, tay chân không còn mạnh mẽ như xưa, mới ngộ ra một sự thật… À!… Mình sắp sửa tàn một cuộc đời rồi. Bao nhiêu năm tháng qua cố chạy theo danh vọng, tiền tài, đấu tranh đủ điều… đến lúc cuối đời bỗng giựt mình tự hỏi, mình hưởng được cái gì đây?
Diệu Âm này hình như cũng có cái mộng ý muốn tìm nơi nào đó để tu hành, nhưng suốt những năm tháng qua vẫn cảm thấy ưu tư, phân vân mãi. Tại sao như vậy? Tại vì nhìn thấy có nhiều người tu hành, nhưng tìm chưa ra một người nào thật sự được giải thoát, liệu mình tham gia vào có được thành tựu gì không? Mình cũng thường tới chùa tụng kinh, nhưng thực sự tụng kinh cũng không hiểu được gì. Không ai giải thích cho mình hiểu… Mình cũng tới chùa để niệm Phật, nhưng niệm Phật để làm chi? Không ai chỉ rõ đường đi… Tu học Phật Giáo chẳng lẽ chỉ là những hình thức tán tụng, lễ bái, cầu xin, làm phước?… Đây là những điều thực tế chính Diệu Âm từng trải nghiệm qua. Thành ra càng tìm hiểu càng thất vọng, càng lâm vào ngõ cụt!…
Rõ ràng, một người muốn tu hành mà không biết làm sao để tu. Một người muốn tu hành mà không biết đâu là chánh đạo để nương tựa. Thời này đã lún sâu vào mạt pháp của Phật rồi, pháp nhược ma cường, vàng thau lẫn lộn. Thật không dễ gì gặp được chánh đạo để có cơ duyên thành tựu sự giải thoát.
Hôm nay chư vị đang ngồi đây bàn luận con đường vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, xin đừng nghĩ rằng đây là chuyện tầm thường, rẻ tiền nhé. Cơ duyên này quý giá vô biên, hy hữu trong vô lượng kiếp đấy. Đã gặp Pháp Niệm Phật một đời vãng sanh thành tựu đạo quả, thì hãy đi thẳng đường thành Phật, xin đừng đi lòng vòng để cầu xin chút ít phước lộc gì đó, rồi chờ đời sau tiếp tục tu. Không dễ như vậy đâu. Phật không dạy như vậy. Thời mạt pháp một đời sẽ khổ hơn một đời, một thập niên sẽ khổ hơn một thập niên, đừng nghĩ rằng 20 năm sau, 30 năm sau Phật pháp sẽ hưng thịnh hơn bây giờ nhé. Giáo lý của Phật là nhằm cứu chúng sanh ly khổ đắc lạc. Ly khổ là thoát ly sanh tử luân hồi. Đắc lạc là thành tựu đạo quả. Phật không khuyên chúng sanh ở lại trong cảnh luân hồi này để tu tiếp đâu.
Trở lại lời khai thị của Ấn-Quang Đại Sư, Ngài nhắc nhở chúng ta điều gì đây? Mỗi lần nghe đến lời khai thị này, nhiều khi Diệu Âm cảm thấy thấm thía đến rơi nước mắt đấy.
(a): Một đạo tràng đông người thì không thể thành tựu được.
Đúng hay sai chư vị? – (Sai). Hiểu như vậy là sai. Ấn Tổ nói, đạo tràng nào giúp cho một người vãng sanh thì mới gọi là đạo tràng thành tựu, chứ không phải là nơi gieo duyên cho hàng vạn người tới lui tu tập. Khai thị này hoàn toàn không có ý nào nói rằng, một đạo tràng đông người thì không thể thành tựu. Chúng ta cần phải nhận thức cẩn thận, không nên sơ ý làm cho ý nghĩa lời khai thị của Ngài bị lệch lạc. Như vậy, một đạo tràng nào thực hiện đúng chánh pháp của Phật, nếu càng có nhiều người tới lui tu tập thì đạo tràng đó càng có nhiều người được thành tựu, chứ sao lại cho rằng, một đạo tràng nhiều người thì không được thành tựu.
Ấn Tổ dạy, muốn cứu một người đạo tràng phải đi đúng đường đạo, phải thực hiện đúng chánh pháp. Nếu hướng dẫn không đúng chánh pháp, thì dẫu có nhiều người tới lui tu tập cũng không thể nào tìm ra một người được thành tựu. Cho nên thường thường chư Tổ khi ngộ đạo rồi, các Ngài luôn luôn chú trọng đến đường hướng tu hành chánh pháp, chứ không phải bỏ công sức ra xây dựng những ngôi đạo tràng đồ sộ nguy nga. Một ngôi đạo tràng đồ sộ mà có những vị cao tăng chân chánh tu hành hướng dẫn đúng đạo thì nơi đó cứu độ rất nhiều người, công đức vô lượng vô biên. Ngược lại, một đạo tràng dù đồ sộ nguy nga mà không hành theo chánh pháp, thì càng có nhiều người tới lui chừng nào, càng thêm nhiều người bị khổ nạn chừng đó.
“Hữu tràng vô đạo, bất khả hưng giáo”. Xây dựng đạo tràng mà không tu theo chánh pháp, chỉ làm cho Phật Giáo suy đồi chứ không phải hưng thịnh đâu. Chỉ có chánh đạo mới giúp được người thành tựu đạo quả. Có người thành tựu đạo quả thì nơi đó mới có chánh đạo. Không có chánh đạo, thì dù cho có hàng vạn người tới lui tu tập cũng chỉ dìu dắt nhau chạy theo những con đường sai lầm để chịu đọa lạc. Ý Ngài nói lên điều này, chứ không phải chống đối những đạo tràng đông người đâu nhé.
Vậy thì, xin chư vị phải quyết tâm hành đúng chánh pháp mới có thể tự độ và độ được chúng sanh. Phật pháp chú trọng sự thành tựu đạo quả, chứ không nhắm tới sự thịnh vượng về vật chất. Ngài Ấn-Quang thích lặng lẽ tu hành, Ngài không chủ trương thành lập những đạo tràng lớn lao, tốn kém. Khi gặp được lời khai thị này, Diệu Âm cảm thấy vô cùng tâm đắc. Chính vì thế, những video, đài, sách… từ những tọa đàm về hộ niệm mà chư vị làm ra để cúng dường cho đại chúng là điều tốt. Xin thành tâm tán thán công đức. Nhưng còn riêng Diệu Âm vẫn chỉ muốn lặng lẽ, âm thầm, lủi thủi làm, gặp duyên nào làm theo duyên đó, cầu mong cho nhiều người được lợi lạc, chứ không dám khoe trương.
Khi gặp người nào có duyên, Diệu Âm thành tâm khuyên rằng, tu hành cần phải tu cho đúng, phải tu cho chánh, phải tu cho thẳng, đừng nên tu xéo xéo. Tu xéo xéo Phật gọi là “Tà Định”. Gặp đâu tu đó, cái gì cũng tu, tu nhiều thứ quá Phật gọi là “Bất Định”. Tu cho thẳng, tu cho chánh, tu cho tắt, Phật gọi là “Chánh Định”. Ba danh tự này Phật nói trong kinh Vô-Lượng-Thọ. Kinh Vô-Lượng-Thọ Phật khuyên tất cả chúng sanh niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ. Trong đó:
“Chánh Định” là chỉ cho người quyết lòng niệm A-Di-Đà Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Người nào thực hiện như vậy thì tu đúng giáo nghĩa của kinh Vô-Lượng-Thọ: “Nhất hướng chuyên niệm A-Di-Đà Phật cầu sanh Tịnh-Độ”.
“Tà Định” trong kinh Vô-Lượng-Thọ không phải là tà ma ngoại đạo, mà chỉ cho người tu hành không đi thẳng, không đi trực, không đi chánh, mà đi xéo xéo. Ví dụ từ đây đi tới hình A-Di-Đà Phật đó, chư vị hãy vẽ thẳng một đường đi tới thì sẽ gặp hình Phật. Nếu đi lệch ra một góc, thì càng đi càng xa ra, tiếp tục đi mãi không biết sẽ về đâu. Đi như vậy là đi xéo, Phật gọi là “Tà Định”.
“Bất Định” là gặp đâu tu đó. Đối với một phàm phu hạ căn, Phật dạy hãy niệm Phật cầu về Tây-Phương Cực-Lạc thì có thể thành tựu trong một đời này. Ta là phàm phu mà lại nghiên cứu hết pháp này đến pháp khác, tu hết pháp nọ đến pháp kia. Tu quá nhiều, tu quá tạp, tu quá đa thì khó có thể thành tựu được gì. Tham ăn thì nhai không kỹ, hậu quả khó tránh khỏi bị sình bụng trúng thực là như vậy đấy.
Thường thường người tu hành thời nay không có chánh định, thích tu đủ thứ, chẳng khác gì như người quá tham ăn mà bị trúng thực. Ngài Ngẫu-Ích Đại Sư nói, cái tội nghiệp nhất của chúng sanh trong thời này là tham pháp. Thấy người ta tu Thiền, mình cũng bắt chước ngồi Thiền, quán tưởng. Thấy người ta cầm bình bát, mình cũng bắt chước cầm bình bát tu khổ hạnh. Thấy người ta tụng Chú mình cũng tụng Chú. Thấy người ta tu phước, mình cũng tu phước… nói chung tu nhiều thứ quá. Ngài nói, sự sự không xong, việc việc không thành, đây là điều đáng thương nhất của chúng sanh trong thời mạt pháp này!
Mỗi Tổ để lại một câu, suy cho cùng ra, lời thì khác mà ý thì chẳng khác nhau. Tổ Liên-Trì thì nói, ba tạng mười hai bộ, ai muốn ngộ cứ ngộ. 84 ngàn hạnh, ai muốn hành cứ hành. Riêng Ngài chỉ giữ câu A-Di-Đà Phật, niệm từ sáng đến chiều. 12 bộ giáo là chỉ cho toàn bộ những giáo nghĩa của Đức Thế-Tôn thuyết giảng trong 49 năm, kinh pháp của Phật không được ngăn cấm người ta đọc tụng. 84 ngàn hạnh là 84 ngàn pháp môn tu tập, pháp nào cũng vi diệu, đừng nên cản trở người hành trì. Còn Ngài chỉ niệm một câu A-Di-Đà Phật, hiện đời Ngài được tôn xưng làm Tổ Sư, đời sau Ngài về Tây-Phương Cực-Lạc thành Phật.
Một là tất cả, tất cả là một. Một pháp mà thành tựu thì tất cả pháp được thành tựu. Ngài Liên Trì chỉ một lòng niệm Phật, không biết về chuyện cầu mưa giải hạn, nhưng khi gặp năm hạn hán kéo dài, đại chúng đến thỉnh cầu, Ngài chỉ một lòng thành tâm gõ mõ niệm Phật mà đi tới đâu mưa rơi tới đó.
Rõ ràng, một pháp mà thành tựu, thì tất cả các pháp đều được thành tựu. Ngay như pháp cầu mưa vốn không có trong Phật pháp, mà Ngài niệm Phật cũng được cảm ứng đến trời mưa. Đây là sự chứng minh khá rõ ràng, một là tất cả, tất cả là một vậy.
Vô lượng pháp môn của Phật truyền lại để cho chúng ta tu hành thành đạo. Tự lực tu chứng để minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Tụng Chú phá nghiệp, khi nghiệp sạch tình không cũng có thể vượt qua tam giới thoát vòng sanh tử luân hồi. Niệm Phật vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, vãng sanh thì một đời thành Phật. Rõ ràng tất cả các pháp đều bao dung với nhau, đều nhằm một mục đích cứu độ chúng sanh. Tuy nhiên, mỗi pháp có mỗi phương tiện cứu độ khác nhau. Vậy thì, phương tiện nào gần gũi, dễ thực hiện, khế hợp với căn cơ, thích ứng với trình độ của chính mình thì hãy chọn lấy và vững lòng tu tập để thành tựu. Trong vô lượng pháp môn đó, Phật dạy, niệm Phật là pháp vi diệu nhất, khế hợp nhất, dễ thực hiện nhất để cứu độ chúng sanh trong thời mạt pháp này. Nay ta chuyên lòng niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ là đang thực hiện pháp “Chánh Định Tụ” của Phật dạy trong kinh Vô-Lượng-Thọ.
Hiểu rõ đạo lý rồi, chư vị có vững tâm niệm câu A-Di-Đà Phật chưa? Đã thực sự đi đúng đường rồi, thì còn phân vân chao đảo nữa không? Có ai còn nghĩ rằng, mình chỉ niệm câu A-Di-Đà Phật là khinh thường hoặc bỏ mất những pháp môn khác không? Không được nghĩ sai lầm nữa nhé chư vị.
Tất cả đều do Phật dạy. Đệ tử chúng ta quyết y giáo phụng hành. Phật dạy nhất hướng chuyên niệm A-DI-Đà Phật cầu sanh Tịnh-Độ, thì ta quyết giữ một câu A-Di-Đà Phật niệm tới cùng. Nếu niệm Phật mà chê bai những pháp môn khác thì phân biệt chấp trước, mang tội phỉ báng Phật pháp. Còn quyết lòng chuyên nhất niệm Phật để đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc thì chúng ta đang trạch pháp tu hành, làm đúng lời Phật dạy, và là một học trò ngoan của Đức Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật. Trong kinh Vô-Lượng-Thọ, Phật nói người nào một hướng chuyên nhất niệm A-Di-Đà Phật cầu sanh về cõi Tây-Phương Cực-Lạc, thì Phật ấn chứng là đệ tử số một của Phật. Là đệ tử số một nên người niệm Phật được mười phương ba đời tất cả chư Phật cùng hộ niệm. Khi vãng sanh xong thì một đời bất thoái thành Phật, chúng ta sẽ gặp chư Phật trên mười phương pháp giới tại cõi Tây-Phương Cực-Lạc. Đúng không chư vị? Vững chưa?
Có người lại nói rằng, nếu chỉ niệm một câu A-Di-Đà Phật, thì rừng kinh bể sách của Đức Thế-Tôn để lại phải đốt hết đi sao? Ồ, đừng sơ ý nói lời bất cẩn mà bị mang tội phỉ báng pháp Phật. Vô lượng pháp môn là từ Phật truyền lại. Tuyển chọn một pháp môn chuyên tâm tu học để dễ được thành tựu cũng do Phật dạy. Thành tựu Phật đạo, trở về Chơn-Tâm Tự-Tánh rồi thì chính trong Tự Tánh này đã có sẵn vô lượng pháp môn. Như vậy muốn học được vô lượng pháp môn thì bây giờ hãy nghe lời Phật dạy, thời mạt pháp hãy nương theo Pháp Niệm Phật để kịp thời vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc trong một đời này. Hàng phàm phu trí mê nghiệp nặng mà lang thang bất định, thì vô lượng kiếp nữa vẫn còn là phàm phu trong vòng đọa lạc, làm sao có thể mơ đến ngày thành Phật?
Tương tự như trong trường đời, hãy chọn hẳn một ngành mới dễ thành tựu. Học về y khoa cứ chuyên sâu về y khoa mà nghiên cứu thì sẽ trở thành vị bác sĩ tài ba, sự nghiệp lẫy lừng. Đang học y khoa mà lại nghiên cứu thêm về ngành luật, ngành xây dựng, ngành kiến trúc… học chi nhiều quá vậy? Kiến thức nhiều tưởng là hay, nhưng không ngờ, khi thi tốt nghiệp thì rớt ành ạch!…
Đường nào phải đi một đường, môn nào phải chuyên một môn. Thành tựu môn nào cũng trở thành người hữu dụng. Còn đi lang thang, kiến thức giáp tạp, không chỗ nào ra chỗ nào, thì làm sao trở thành người hữu dụng trong xã hội đây?
Pháp Môn Niệm Phật chú trọng vào Tín không nghi, Hạnh không tạp, Nguyện phải tha thiết. Nguyện là nguyện cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, đừng nay nguyện cái này, mai nguyện cái nọ. Tin thì phải tin cho vững, nghi ngờ đánh mất hướng về tây-Phương. Hạnh là niệm A-Di-Đà Phật phải chuyên nhất, tu giáp tạp nhiều thứ quá là bất định, sẽ trở thành đại kỵ cho đường vãng sanh. Ba điểm này phải giữ vững không gián đoạn. Gián đoạn không phải vì công việc làm ăn khiến mình không thể niệm Phật liên tục, dù rằng không có cơ hội niệm Phật liên tục có ảnh hưởng đến công phu, nhưng điểm chính ở tại niềm tin không vững, chủ định không có. Tổ Sư Mộng-Đông luôn luôn cảnh cáo rằng, tất cả chướng ngại cho đường vãng sanh đều do tại niềm tin không vững. Tin không vững thì hạnh không chuyên: Bất-Định!… Tin không vững thì nguyện không thẳng: Tà Định!… Tin không vững thì không vướng vào Bất-Định cũng lạc vào Tà-Định, chứ khó giữ được Chánh-Định để được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc vậy.
A-Di-Đà Phật.