Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 102)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Những điều gì có thể chướng ngại con đường vãng sanh của chúng ta.
Xin mở trang 42, câu trả lời:
(d): Lâm chung oán thân trái chủ hãm hại trả thù, làm cho tâm hồn khủng hoảng, rối loạn.
Đúng không chư vị! – (Đúng). Đối với những người biết hộ niệm, thì vấn đề này đã trở nên hiển nhiên, rõ ràng, nhưng những người chưa biết hộ niệm thì có thể mập mờ về chuyện oán thân trái chủ. Vì mập mờ vấn đề này, nên bình thường khi tu hành có chút ít công phu, đã vội vã khởi vọng tưởng rằng, khi xả bỏ báo thân cũng có thể niệm Phật thoải mái giống như những lúc tới chùa, tới Niệm Phật Đường niệm Phật. Xin thưa rằng, không dễ dàng như vậy đâu. Bây giờ còn khỏe, người nào có chút ít tâm nguyện tu hành đều có thể niệm Phật rõ ràng, minh bạch. Nhưng xin đừng sơ ý nghĩ rằng đến lúc nằm xuống chuẩn bị tắt hơi, là lúc thân xác đang chịu cảnh tứ đại phân ly, lại còn bị nhiều cảnh khốn khổ chi phối mà cũng an nhiên tự tại, thoải mái niệm Phật từng câu rõ ràng như bây giờ đâu nhé…
Do đó, chỉ có những người đã lịch lãm qua hộ niệm mới nhận thức rõ ràng vấn đề này mà lo chuẩn bị những gì cần thiết phải làm. Còn những người chưa biết qua về hộ niệm, có lẽ hầu hết đều mập mờ về những ách nạn gì sẽ xảy ra ở giây phút cuối cùng, nên thường khi vừa có chút ít công phu tu tập hơi khá, thì vội vã tưởng rằng lúc lâm chung ra đi cũng tỉnh táo ngon lành như lúc bình thường. Đây thực sự là ý niệm quá hời hợt, khá sai lầm!…
Xin thưa với chư vị, chỉ vì khởi cái vọng tưởng rằng, lúc ra đi mình cũng sẽ tự tại an nhiên giống như lúc công phu, thành ra người tu hành đã sơ ý tự cài cho mình một cái bẫy vô cùng nguy hiểm. Khi vướng chân vào bẫy rồi mới ngỡ ngàng, mới giựt mình, lúc đó dù có tỉnh ngộ ra đi nữa, thì ôi thôi cũng quá trễ rồi, đành chấp nhận một số phận tối tăm!…
Con người trong thời này căn cơ thường thuộc phần hạ liệt, còn vọng tưởng thì thường cao vút trời xanh. Nhiều người khi gặp được duyên lành, vừa phát tâm tập tành tu học, thường thích chạy theo những lý luận hão huyền, tưởng đó là hay, nhưng vô tình làm cho đường tu tập trở nên mất căn bản. Tâm ý thì hướng lên chín tầng mây, còn chân thì cứ lầm lũi bước về hố thẳm!… Những sơ suất này thường ở chỗ tham chấp những lý đạo cao siêu mà quên mất sự đạo chính mình không thực hiện được. Ví dụ, khi vừa nghe đến đạo lý: “Tất cả đều do tâm tạo”, vậy thì giờ đây tâm mình muốn về Tây-Phương Cực-Lạc, thì sau này mình sẽ về Tây-Phương Cực-Lạc thôi. Tâm mình nghĩ về Phật, thì Phật nghĩ về mình, nhất định sẽ được cảm ứng đạo giao thôi. Niệm Phật là niệm Tâm, lúc ra đi tâm ta cũng niệm Phật như thường ngày niệm Phật, chứ có gì đâu mà lo lắng? v.v…
Xin thưa, những cái lý đạo này chỉ nói được trên lý thuyết, nhưng không phải dễ dàng khi đối diện với nghiệp chướng hiện hành, khi gặp phải bệnh khổ hành hạ đâu. Nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, thân xác kiệt tận… đến lúc mà sự đau nhức như con rùa bị lột mai, những lúc tứ đại phân ly không phải là chuyện đơn giản cho chúng ta ngồi đó mà lý thuyết đâu nhé.
Xin thưa với chư vị, chưa phải hết đâu, oán thân trái chủ trả thù đòi nợ, thường thường công phá người bệnh ngay trong những lúc thân xác đau đớn rã rời. Vấn nạn này rất lớn đấy. Nếu được hộ niệm, người hộ niệm có thể giúp ích rất nhiều cho chư vị đó. Đừng nên sơ ý khinh thường Pháp Hộ-Niệm mà tự đưa mình vào chỗ khó khăn, tứ bề thọ nạn, không có người trợ giúp.
Vậy thì, người nào biết tu hành, hãy lo trước vấn đề này đi, bằng cách phải thành tâm sám hối tội chướng. Đừng sơ ý nghĩ rằng mình tu hành tốt, có nhiều công đức mà lơ là chuyện này nhé. Hãy siêng năng tụng kinh, niệm Phật, làm việc thiện phước tạo công đức ngày ngày hồi hướng cho oán thân trái chủ, cho chúng sanh đã chịu khổ nạn vì sự mê mờ của chính mình, để tìm cách hóa giải trước đi. Xin chịu khó nghiên cứu về Pháp Hộ-Niệm nhiều một chút để hiểu rõ về hiện tượng oán thân trái chủ xảy ra như thế nào. Những kiến thức này có thể giúp cho chư vị ứng xử hợp lý hơn, hầu có nhiều hy vọng thoát nạn. Gặp một tình huống như vậy… À!… Mình nên xử trí ra làm sao?…
Xin thưa với chư vị, những vấn đề này hết sức cụ thể, thiết thực, thấp thỏm, chứ không cao đâu. Nhưng vì nhiều người, rất nhiều người không biết đã vô ý tiếp tay tạo thêm chướng nạn khổ đau cho người chết. Thực sự vì không biết nên mới bị nạn trùng trùng, chứ biết rồi thì ai cũng có hy vọng thoát khỏi tai nạn. Tất cả những sự lợi lạc này đều nhờ sự ứng dụng Pháp Hộ-Niệm như lý như pháp đấy.
(e): Tâm còn quyến luyến tình thân, thương con, nhớ cháu, tham tiếc tài sản… làm chướng ngại cho việc vãng sanh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Có trăm sự, vạn sự rối ren đang chực chờ những người phàm phu như chúng ta phải không chư vị? Chính vì vậy, đã nhận thấy rõ ràng mình là hàng phàm phu rồi, thì mong chư vị hãy nhận biết rõ những điều thực tiễn gần gũi và thường gây nên chướng nạn này mà tránh mới tốt, chứ chạy tìm chi những kiến giải cao siêu mà không bao giờ mình với tới vậy? Xin hãy nắm vững những điều đơn giản, mộc mạc, gần gũi, dễ xảy đến với chúng ta mà tìm cách hóa gỡ mới hay. Những điều này không cao xa, nhưng lại thiết thực, trực tiếp giúp cho chư vị vượt qua rất nhiều ách nạn. Tu hành đừng nên lý thuyết mông lung quá, hãy thực tế một chút để có cơ hội thành tựu mới hay hơn chứ.
Pháp Hộ-Niệm rất thực tế. Người hộ niệm là những người biết ứng dụng phương pháp cứu tinh cụ thể này, để tìm cách hóa giải những chướng nạn của người bệnh thường xuyên vướng phải.
Ai là người bệnh vậy? Chính chúng ta là những người bệnh. Vì thế, chúng ta học được phương pháp này sẽ vô cùng lợi ích cho chính chúng ta. Thực sự vô cùng lợi ích đó chư vị. Chư vị có đồng ý không? Rõ ràng đúng thực đấy nhé… Vậy thì, đừng nên nói xa, nói gần làm chi. Đừng nên lý cao luận diệu làm chi mà uổng phí cả cuộc đời tu hành!… Đối với hàng phàm phu này, những sự lý luận hão huyền thật sự vô ích quá phải không?!…
(f): Súc vật như chó, mèo… nuôi trong nhà cũng thường gây trở ngại cho việc hộ niệm vãng sanh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Điều này có thực đấy. Con chó, con mèo nuôi trong nhà nhiều khi có thể gây trở ngại con đường vãng sanh cho chính người chủ của nó mà không hay. Vì thế, nhà nào có nuôi chó mèo cần phải cẩn thận tách ly chúng ra, hoặc nhốt chúng lại khi trong nhà đang có cuộc hộ niệm, nhất là lúc người bệnh đã buông bỏ báo thân. Vấn đề này không có gì là cao siêu, huyền hoặc cả, nhưng chính những điều nhỏ nhặt này đã từng phá hoại khá nhiều sự siêu sanh thoát nạn của con người.
Cho nên, khi gặp được Pháp Hộ-Niệm này thật sự là một điều quý báu đáng mừng vô cùng, vì chúng ta biết được nhiều cạm bẫy sát bên cạnh mà tránh đi. Có nhiều người bệnh trước lúc ra đi vẫn tưng tiu ôm lấy con chó cưng trong lòng. Có lần, một ban hộ niệm kia hỏi Diệu Âm rằng, sự việc này có trở ngại cho đường vãng sanh của người bệnh đó không? Diệu Âm trả lời rằng, coi chừng đây là một đại nạn cho người đó, chứ không phải tiểu nạn đâu.
Suốt cả đời ông chủ thương yêu con chó, thì con chó thương yêu ông chủ. Chó là con vật rất trung thành với chủ, nó thà chịu chết chứ không bao giờ phản bội ông chủ đâu. Nhìn thấy ông chủ sắp chết, nó sẽ liều chết để bảo vệ chủ nhân, chứ không chấp nhận cho một người nào đến gần khi ông chủ sắp sửa ra đi. Lạ lùng lắm! Vì lòng tuyệt đối trung thành bảo vệ mà vô tình nó đã làm cho ông chủ mất phần vãng sanh. Loài mèo không có lòng trung thành cao, nhưng có những phản ứng khác chính chúng ta ngăn cản chúng không được.
Vì thế, khi hộ niệm phải nhớ dặn gia đình cẩn thận tách ly mèo chó ra, nhất định đừng để chúng lảng vảng gần bên. Có những cảnh giới mà chính người hộ niệm không thấy, nhưng loài mèo, loài chó có thể thấy được. Vì để bảo vệ ông chủ, chúng có thể phản ứng một cách bất ngờ và rất mạnh mẽ, không ai có thể cản ngăn chúng được, nhất là lúc lâm chung, hoặc sau khi tắt hơi ra đi. Ví dụ cụ thể, một người vừa tắt hơi ra đi, không được động chạm đến thân thể của họ. Chúng ta có thể ngăn chận con người, chứ không ngăn cản được con mèo, con chó nhảy tới vồ chụp đâu nhé. Đây là những điều không có gì cao xa cả, mà rất cụ thể, rất là cụ thể.
Biết rõ hộ niệm thực sự là điều quá quan trọng. Càng nghiên cứu về hộ niệm chúng ta càng phát hiện ra những gì cần phải làm để bảo vệ nhau. Hãy thực tế để cứu giúp nhau, xin đừng ham chi những thứ lý luận xa vời mà cứ bơi mãi trong chỗ mông lung vô thực. Khổ lắm!… Khổ lắm!… Không ích lợi gì đâu. “Thế Trí Biện Thông” là một ách nạn. Người đời thường đem cái kiến thức thế gian ra khoa trương, tranh thắng… Khi biết được Pháp Hộ-Niệm đã cứu được người thoát khỏi ách nạn và đạt được sự thành tựu rồi, nên Diệu Âm thường lánh xa những nơi lý cao luận diệu… Thôi!… Ai nói gì kệ họ, mình âm thầm len lén tìm chỗ niệm “A-Di-Đà Phật” cho yên. Tranh cãi nhau không tốt lành gì. Giảng giải chưa chắc gì người ta sẽ nghe. Đối nại với chúng sanh cũng không phải là điều lợi lạc. Thôi!… Tốt nhất mình hãy lẳng lặng lo tu hành cho chính mình là an ổn vậy.
Tùy duyên tiêu túc nghiệp,
Thiết mạc tạo tân ương!
Tất cả đều do duyên. Vô duyên vô phận sự!…
(g): Niệm Phật mà còn sợ chết, sợ bệnh làm chướng ngại cho việc vãng sanh.
Đúng không? – (Đúng). Câu này có vẻ thường tình quá phải không? Nhắc nhở hoài chán quá rồi phải không? Thôi thì chúng ta cũng không cần phải mổ xẻ sâu vào vấn đề này nữa. Nhưng dù sao chư vị cũng phải nhớ là niệm Phật không được sợ chết. Đừng sợ chết nhé chư vị. Khi xả bỏ cái thân xác này là cơ hội cho mình vãng sanh đó. Ngày ngày chúng ta niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc phải không? Muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc để sống đời an vui vô sanh vô tử thì phải chờ ngày lìa bỏ cái báo thân này mới vãng sanh được chứ. Một vị Bồ-Tát ở một quốc độ nào đó muốn hạ sanh xuống đây, các Ngài phải liệng cái báo-thân ở đó mới tới đây được. Còn không làm như vậy, thì các Ngài chỉ còn có cách dùng hóa-thân để gia trì một thời gian đặc biệt nào đó, chứ nếu muốn làm đạo lâu dài thì phải cần đến báo-thân. Trong một thời kỳ mỗi người chỉ có một cái báo-thân duy nhất. Khi thành Phật, Bồ-Tát rồi thì có vô số hóa-thân, ứng hóa vô cùng vô tận vậy.
Chúng ta đang có một cái báo-thân, chính là cái cục thịt báo đời này đây. Là phàm phu chúng ta không có hóa-thân. Còn Pháp-Thân thì chúng ta đã có sẵn, đó chính là Chơn-Tâm Tự-Tánh, nhưng đáng tiếc chúng ta chưa khai mở được nên không thấy mà thôi.
Muốn có một cái báo thân của Phật, báo thân của Bồ-Tát chúng ta phải liệng cái thân nghiệp báo này. Vậy thì, ngày xả bỏ báo thân ra đi là ngày chúng ta được phần giải thoát. Xin đừng lo, đừng ngại, đừng sợ chết nữa nhé chư vị. Nếu còn sợ chết thì đành chịu thua, không ai có thể cứu mình được đâu.
(h): Hộ niệm có thể hóa giải hầu hết những chướng nạn để an toàn vãng sanh, nhưng vì không được hộ niệm nên dễ bị thọ nạn, mất phần vãng sanh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Vấn đề này đưa ra hai vế rõ rệt. Vế thứ nhất là: “Hộ niệm có thể hóa giải hầu hết những chướng nạn để an toàn vãng sanh”. Vế thứ hai là: “Vì không được hộ niệm nên dễ bị thọ nạn, mất phần vãng sanh”. Vì không được hộ niệm, nên những vấn nạn vẫn còn nguyên vẹn, mà nhiều khi còn tham chấp vào, còn nhào vào để tự nguyện chịu nạn nữa là khác!…
Hai vế đối nghịch nhau rõ rệt. Được hộ niệm giải tỏa cho chúng ta hầu hết những chướng nạn. Không được hộ niệm chúng ta hầu hết đều bị vướng nạn, hết nạn này đến nạn khác. Một tai nạn, có người đang kẹt trong xe, phải nhờ đến người khác tới phá chiếc xe cứu họ ra, những người giải cứu họ làm được việc này. Một người đang kẹt trong đống gạch đổ nát do một cơn động đất, nhất định tự mình, dù biết đường ra, cũng không thể gỡ được đống gạch đổ nát mà thoát ra đâu, chỉ có những người cứu nạn mới giúp mình thoát ra được đấy. Người hộ niệm chính là những người gỡ từng viên gạch cứu mình đó. Thật sự như vậy.
Chính vì thế, Pháp Hộ-Niệm nói qua thì quá đơn giản, không có gì cao siêu, nhưng mà thực tế sự thành tựu của nó đã để lại những thành tựu vi diệu bất khả tư nghì. Giờ đây chỉ còn tự hỏi lại mình, có tin hay không? Có y giáo tu hành hay không?
Hiểu được như vậy, mới thấy tại đây chúng ta có nhân duyên ngày ngày bàn luận về hộ niệm, thật may mắn lắm đấy. Bỗng nhiên Diệu Âm trực nhớ đến một lời nói của anh Minh Giác ở Vũng Tàu, anh nói hay quá! Một người bác sĩ, một người thầy thuốc, phải học nhiều năm mới thành một bác sĩ chuyên khoa ra hành nghề trị bệnh. Họ chỉ cứu cái bệnh vô thường, mà còn phải chịu khó như vậy. Nhưng vô thường vẫn trả về cho vô thường, sau cùng chính họ cũng chịu lấy vô thường đắng cay. Ấy thế, những người đi hộ niệm để cứu người thoát qua ách nạn của nghiệp khổ, thoát qua cảnh vô thường, không còn bị đọa lạc trong tam ác đạo nữa để trở về Tây-Phương thành đạo mà chúng ta lại cho rằng đơn giản và xem nhẹ sao?
Những người khinh thường Pháp Hộ-Niệm, nhưng khi có người thân sắp chết lại kêu nhờ đến ban hộ niệm. Ai có thể hộ niệm cho họ được khi chính họ phạm phải quá nhiều điều sai lầm. Những điều sai lầm kết thành tập khí nhiễm sâu vào tâm hồn thì làm sao hóa gỡ đây? Vì cho rằng Pháp Hộ-Niệm quá đơn giản, nên khi gặp việc cứ nghĩ sao làm vậy, không biết điều gì đúng, điều gì sai! Hộ niệm cách này sẽ làm cho Pháp Hộ-Niệm mạt đi, rơi vào cảnh sớm nở tối tàn. Tội nghiệp lắm thay!…
Vậy nên mong chư vị hãy cố gắng nghiên cứu cho thật cẩn thận, hành cho thật chánh pháp. Hãy y giáo lời chư Tổ mà hành để kịp thời cứu người thân, tự cứu lấy mình được vãng sanh thành đạo.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.