Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 95)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018).
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin mở trang 40, câu (i): Quyết lòng một đời này vãng sanh thành Phật, thành Phật rồi mới có khả năng cứu độ chúng sanh. Niệm Phật để vãng sanh là Chánh-Hạnh của người niệm Phật.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Rõ ràng. Trong này có mấy vấn đề xin cần minh xác cho minh bạch.
Một là, “Một đời vãng sanh thành Phật”. Nghe câu này, có nhiều người nghĩ rằng, hôm nay vãng sanh thì ngày mai thành Phật liền. Xin thưa với chư vị không phải như vậy đâu.
Vãng sanh về Tây-Phương ta vẫn tiếp tục tu, chứ không phải vãng sanh là thành Phật liền. Nói cho được trọn nghĩa hơn là “Vãng sanh bất thoái thành Phật”, nghĩa là một khi vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc xong thì từ đó ta tiến thẳng đến quả vị Phật, không còn bị thoái chuyển, không bị rớt xuống nữa, mà ngôi vị đầu tiên trên cõi Cực-Lạc là Bất-Thoái Bồ-Tát, chứ không phải là phàm phu như ở đây. Ngay như ngôi vị đầu tiên thôi, nếu ở đây mà tự tu để chứng tới, thì cũng phải trải qua vô lượng kiếp chưa chắc gì đạt được.
Ví dụ như hiện tại bây giờ Đức Quán Thế-Âm, Đức Đại Thế-Chí, Đức Di-Lặc Bồ-Tát, các Ngài vẫn còn là Đẳng Giác Bồ-Tát, thời gian của các Ngài vẫn là một đời, khi duyên đến các Ngài sẽ được bổ sứ thành Phật cứu độ chúng sanh. Có điểm khác nhau, là một đời đối với ta vỏn vẹn chỉ mấy chục năm, sống thì khổ nhiều hơn vui, khi chết thì đi luân hồi đọa lạc, còn một đời của các Ngài là vô sanh vô tử, là vô lượng kiếp, sống trong an vui, cực lạc, giác ngộ. Sự vi diệu của cảnh giới đó ở đây chúng ta không cách nào diễn tả nổi đâu.
Cho nên, xin chư vị hãy nhớ rằng, vãng sanh về Tây-Phương thì không còn sanh tử nữa, trước sau vẫn là một đời, nhưng vãng sanh xong thì từ đó chúng ta an tâm trong cảnh giới Bồ-Tát chờ đến ngày thành Phật, hoàn toàn không lo sợ một sự rủi ro nào. Theo như trong kinh Phật dạy, nếu người vãng sanh hạ phẩm hạ sanh thì chậm nhất là 12 kiếp để viên mãn thành tựu Phật quả. 12 kiếp so với vô lượng A-tăng-kỳ kiếp tu hành ở các quốc độ khác, thì thời gian để thành tựu này thật sự quá nhanh chóng, bất khả tư nghì.
Ví dụ, như đức Phổ-Hiền Bồ-Tát ở cõi Hoa-Nghiêm, Ngài là Đẳng Giác Bồ-Tát, vẫn còn một phẩm Sanh-Tướng Vô Minh nữa để phá, nếu phá ở cảnh giới Hoa-Nghiêm phải trải qua cả một đại A-tăng-kỳ kiếp mới phá được. Nhưng khi trở về Tây-Phương Cực-Lạc, nhờ Phật lực gia trì, vẫn chỉ là một đời sẽ bổ sứ thành Phật. Chính vì vậy mà các vị Bồ-Tát ở cõi Hoa-Nghiêm đều niệm Phật cầu về Tây-Phương để viên mãn Phật quả.
Nói cho dễ hiểu hơn, vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì thành Phật chắc chắn. dễ dàng. Chưa vãng sanh được thì thành Phật rất khó, thời gian vô lượng kiếp nữa không ai dám bảo đảm. Riêng đối với hàng phàm phu này thì vô phương thành tựu.
Vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, các Ngài một đời thành Phật, thì chúng ta cũng một đời thành Phật. Đúng là thế giới bình đẳng. Nói về 12 kiếp là lời phương tiện tính theo thời gian ở tại cõi Ta-Bà này, còn ở trên cõi Tây-Phương không có đời kiếp, không có năm tháng ngày giờ, tất cả chỉ có một cảnh quang minh sáng lạng. Vì xin nhớ cho, thế giới Tây-Phương Cực-Lạc không còn sanh lão bệnh tử, một thế giới không theo dòng sanh trụ dị diệt nữa, thì danh từ “Kiếp” hay “Đời” nương vào đâu mà tồn tại. Mong chư vị hiểu được như vậy mới hiểu rõ ràng hơn.
Hai là, “Chánh-Hạnh của người niệm Phật”. Đối ứng với Chánh-Hạnh là Trợ-Hạnh. Hành giả tu theo Pháp Môn Tịnh-Độ, thì niệm Phật với đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh là Chánh-Hạnh, ngoài ra thực hiện các pháp tu khác hỗ trợ vào gọi là Trợ-Hạnh.
Chư Tổ khuyến tấn chúng ta nên tu cả Chánh-Hạnh lẫn Trợ-Hạnh, gọi là “Chánh Trợ song tu”, mới vững vàng. Ví dụ, như vừa rồi có nghe tin một đạo tràng niệm Phật nào đó phát tâm quyết lòng tụng chú Đại-Bi 3 năm để tiêu sạch nghiệp rồi mới niệm Phật cầu vãng sanh. Có vị hỏi, quyết định như vậy là đúng hay sai? Diệu Âm trả lời, trong việc tu hành, quyết định như vậy không có gì sai trái.
Có nơi khác phát tâm niệm Địa-Tạng Vương Bồ-Tát 3 năm, có người muốn tụng 10.000 biến kinh Địa-Tạng, rồi sẽ niệm Phật, v.v… thì đây gọi là Trợ-Hạnh của họ, hoàn toàn không có gì trở ngại trong việc tu hành.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà chúng ta nên chú ý, nếu thật sự niệm chú hay tụng kinh 3 năm mà tiêu trừ sạch nghiệp thì đây là một sự Trợ-Hạnh rất tốt. Sau 3 năm người tu đã thành tựu con đường “Đoạn Hoặc Chứng Chơn” quá tuyệt vời.
Nhưng nếu sau 3 năm mà chưa hết nghiệp thì sao đây? Hãy niệm thêm 3 năm nữa? Rồi thêm 3 năm nữa chăng?… Như vậy vô tình ta đã chọn đường tu “Tự Lực” chứ không còn “Nhị Lực” nữa. Tự lực tu chứng khó khăn lắm đấy. Nếu kết hợp một nửa tự lực, một nửa nhị lực thì đưa đến tình trạng xen tạp đối với pháp niệm Phật. Xen tạp rất khó được vãng sanh. Hoặc giả, biến pháp diệt nghiệp làm chính, còn vãng sanh làm phụ. Niệm Phật trở thành là sự phụ trợ cho các pháp khác, vô tình biến chánh thành trợ, trợ thành chánh. Tu tập cách này cũng không khác gì với cách tự lực, nghĩa là niệm Phật mà không tha thiết chuyện vãng sanh, thì khó có thể một đời này về tới Tây-Phương Cực-Lạc vậy.
Đối với căn cơ của hàng phàm phu mà tu hành các pháp tự lực thì rất khó được thành tựu, nếu có sự công phu tu hành tốt, thì thường cũng chỉ hưởng phần phước báu hữu lậu nhân thiên, chứ khó phần vãng sanh Tịnh-Độ, thoát vòng sanh tử.
Nếu người may mắn cuối đời gặp được cơ duyên mà tỉnh ngộ, đem tất cả công đức hồi hướng về Tây-Phương Cực-Lạc, quyết lòng niệm câu A-Di-Đà Phật tha thiết cầu nguyện vãng sanh, thì còn có hy vọng. Đây là dạng tu các công đức khác hồi hướng về Tịnh-Độ mà được vãng sanh, trong kinh Vô-Lượng-Thọ Phật có dạy điều này. Nhưng khó hay dễ? Không dễ đâu, vì cách tu tập này nằm ngoài “Chánh Nhân Tịnh Nghiệp, Tam Bối Vãng Sanh” .
Trợ-Hạnh mạnh thì Chánh-Hạnh yếu. Quen đường tu phá nghiệp, thì bệnh đến cầu hết bệnh, nạn đến cầu giải nạn. Nghiệp nào cũng là nghiệp, nặng nhẹ đều là nghiệp, đến lúc cơn bệnh cuối cùng đến, ta ra đi với tâm cầu hết bệnh thì mất phần vãng sanh. Mong chư vị chú ý cho.
Dùng các pháp tu phước để làm Trợ-Hạnh rất hay. Nghiệp chướng của chúng ta nặng lắm, có thể khi lâm chung bị nghiệp chướng quấy nhiễu, bệnh khổ hành hạ, đau đớn, mê man bất tỉnh, v.v… có thể làm trở ngại đường vãng sanh. Người biết tu phước để giải nghiệp rất tốt, rất tuyệt vời. Tuy nhiên, nên tùy duyên tu phước, chớ khá phan duyên, vì đây là Trợ-Hạnh chứ không phải là Chánh-Hạnh.
Có nhiều cách tu phước. Người có tiền thì đem tiền ra bố thí cúng dường để tu phước, người không có tiền thì dùng nội tài như nhổ cỏ, trồng rau, nấu cơm, phục vụ chúng sanh… để tu phước. Ra chợ mua bó rau không nên lựa lên lựa xuống, đừng quá eo hẹp với người chủ bán rau, đừng so đo làm chi từng cộng rau muống để nuôi dưỡng phước báu của mình. Rất nhiều cách tu phước lắm chứ không phải chỉ bỏ tiền ra gọi là tu phước đâu.
Tu phước thì tự nhiên có phước báu. Bố thí vô úy tự nhiên thân thể kiên khang tráng kiện. Những người không có tiền nhưng có lòng thương người, biết tôn trọng người, biết giúp đỡ người, biết đỗ mồ hôi ra cứu trợ những người bệnh, không cạnh tranh ganh tị… đây đều là tâm bố thí vô úy, quả báo là thân thể dần dần tráng kiện lên. Người không nói pháp, nhưng phát tâm ấn tống kinh pháp, thì chẳng khác gì bố thí pháp. Trong tất cả loại bố thí, bố thí pháp là tối thắng. Tất cả các pháp tu đều có thể lấy việc tu phước để làm Trợ-Hạnh rất tốt.
Bố thí để xả bỏ lòng tham, là phương cách thù thắng để nhập vào cửa đạo. Ngài Chương-Gia có lời đầu tiên khuyên ngài Tịnh-Không bằng 2 chữ “Bố Thí”. Ngài Ấn Quang thường nhắc nhở đại chúng nên đọc sách Liễu Phàm Tứ Huấn để hiểu thấu định luật nhân quả, biết tu phước để cải đổi vận mạng của mình. Ông Viên Liễu Phàm nhờ biết tu phước thiện mà từ người nghèo đổi thành người giàu, từ người bệnh tật đổi thành người không bệnh tật, từ người có số chết yểu đổi thành trường thọ, không có con cũng được có con, không quan chức cũng biến thành có quan chức. Định luật nhân quả được chứng minh rất tuyệt vời qua các pháp bố thí vậy.
Mua cá phóng sanh vừa bố thí tài vì phải bỏ tiền ra mua, vừa bố thí vô úy vì giải phóng sinh mệnh chúng sanh. Ăn chay cũng thuộc về bố thí vô úy. Bố thí rất là quan trọng, nó bao gồm đến nhiều pháp tu trong nhà Phật. Chúng ta nên dùng các pháp tu phước này làm Trợ-Hạnh rất tốt, giúp tăng trưởng phước duyên, chúng sanh hưởng được nhiều lợi lạc, nghiệp chướng sẽ nhẹ dần đi, cuối đời nhờ cái phước báu này mà hỗ trợ tích cực cho việc vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
(j): Khuyên người niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc là giúp người phàm phu thành Phật, công đức này vô lượng vô biên.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Đây là lời dạy của ngài Ấn-Quang. Ở đây chúng ta vâng theo lời Tổ Sư mà cố gắng khuyên người niệm Phật. Hằng ngày phổ biến Pháp Hộ-Niệm chính là vừa khuyên người niệm Phật, vừa tích cực trợ giúp cho nhau vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Trong đời này chư vị chỉ cần đưa một người vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc cũng đủ vốn để vãng sanh, nếu thực sự chư vị không thoái tâm, quyết đem công đức này hồi hướng về Tây Phương để cầu vãng sanh Tịnh-Độ.
Cách đây mười mấy năm, Diệu Âm nghe được lời tâm sự của vị hội trưởng Tịnh-Tông Học-Hội tại Brisbane mà vô cùng cảm động. Trong thời gian đó là lúc đang xây dựng Tịnh-Tông Học-Hội, vị này dốc cả một khối tịnh tài rất lớn ra âm thầm cúng dường cho công trình xây dựng, trong một dịp gặp nhau, vị đó tâm sự:
- Tiền bạc bỏ ra tôi không hề tiếc, chỉ cầu mong sao tại nơi này có được một người vãng sanh là đủ vốn lẫn lời rồi.
Xin thưa với chư vị, đúng là một tâm bố thí cao cả. Người có tâm bố thí khó mà gặp phải cảnh ngộ khó khăn khổ sở. Nhờ bố thí mà hưởng nhiều phước báu. Nhờ phước báu mà giải nhiều ách nạn. Ách nạn được hóa giải thì ngày cuối cùng vãng sanh dễ được thoải mái, an nhiên, tự tại vậy. Cho nên, lấy cái tâm bố thí làm Trợ-Hạnh thì tuyệt vời vô cùng.
(k): Bố thí làm thiện, cúng dường xây chùa… là cứu độ chúng sanh.
Đúng không chư vị? – (Sai). Bố thí là tu phước, làm thiện là tu phước, cúng dường là tu phước, xây chùa là tu phước. Tu phước thì chư vị sẽ hưởng phước. Người được bố thí cũng được an ủi phần nào. Chứ bố thí không phải là cứu độ chúng sanh.
Ví dụ như hôm trước Diệu Âm có khoe ra một người từ bán ve chai, cạo mủ cao su, bán từng lít xăng ở bên đường để sống. Nhưng khi có một người mẹ được hộ niệm có hiện tượng vãng sanh thì phát tâm bố thí cúng dường, có dư 1 đồng giúp 1 đồng, có dư 2 đồng giúp 2 đồng, khoảng chừng vài ba năm sau thì tiền bạc tự nhiên rủng rỉnh. Bây giờ thành chủ một đại lý rất lớn về phân bón. Đây là do cái tâm bố thí mà cải đổi vận mệnh. Rõ ràng bố thí, cúng dường, xây chùa, phóng sanh, giúp nghèo, cứu đói, v.v… quả báo đưa đến có thể cải đổi vận mệnh của mình.
Người có cái tâm bố thí dễ thoát được cảnh ngộ khó khăn. Người thiếu lòng bố thí thường bị kẹt trong cảnh khốn quẩn. Nói về Phật pháp thì đây là vấn đề nhân quả. Phật dạy bố thí là nhân, có phước báu là quả. Nói về tình người, đem tâm lý ra giải thích cũng khá hay. Ví dụ, một người tuy nghèo khó nhưng có tâm bố thí, giúp người thường là những người làm việc siêng năng, chăm chỉ, không nại hà việc khó khăn, khiến cho người người đều mến thương, ai ai cũng muốn tìm cách giúp đỡ:
- Ồ!… Chị hãy làm đại lý bán lẻ cho tôi về cái này nhé. Không có tiền thì tôi cho mượn vốn, bán xong rồi trả sau cũng được.
Rõ ràng từ người không có vốn bỗng nhiên thành người có vốn. Bán thì rẻ, mà còn vui vẻ sốt sắng, sẵn sàng bớt giá cho người khó khăn, khiến cho khách hàng quí mến tụ về càng ngày càng đông. Bán rẻ mà lời nhiều… Vô tình từ một đại lý nhỏ biến thành đại lý lớn… Đơn giản như vậy thôi.
Xin thưa với chư vị, Phật dạy cho chúng ta những phương pháp tu phước tuyệt vời, hãy cẩn thận mà làm để cải tạo cuộc sống. Nhưng xin chư vị cần phải hiểu cho thấu đáo rằng, đây dù sao cũng chỉ là Trợ-Hạnh tu phước, có thể cải đổi cuộc sống thế gian tốt hơn, chứ không phải là đường tu giải thoát đâu nhé.
Người chí thành Niệm Phật, tha thiết cầu nguyện vãng sanh, tín tâm vững vàng không thoái chuyển mới là Chánh-Hạnh để một đời này được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, viên mãn đạo quả vậy.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.