Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 139)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Câu (d): Người phàm phu nghiệp nặng không thể tự lực thoát nạn, nhưng nhờ hộ niệm mà sự vãng sanh đã hiển hiện quá nhiều. Rất đáng được tin tưởng.
Đúng không quí vị? – (Đúng). Đúng lắm đấy. Vế thứ nhất: “Người phàm phu nghiệp nặng, không thể tự lực thoát nạn”. Một vị Bồ-Tát có thể tự lực thoát nạn. Một người phàm phu mà nghĩ rằng có thể tự lực thoát nạn được thì quá sơ ý, mang tính thượng mạn, ý tưởng không hợp với căn cơ. Nếu người phàm phu tu theo con đường tự lực mà dễ dàng thoát nạn, thì những lời nói của chúng ta trở thành chấp trước, kỳ thị, sai trái. Còn thực tế phàm phu tu hành đời này qua đời khác, kiếp nọ qua kiếp kia mà phàm phu vẫn là phàm phu không thoát được, thì chứng tỏ rằng lời Phật dạy rất đúng: “Ức triệu người tu hành, khó tìm ra một người chứng đạo…”. Tu hành không thể thành tựu chỉ vì chúng ta tu pháp môn không hợp căn cơ.
Vì căn cơ sai biệt, nên Phật đưa ra vô lượng pháp môn phương tiện cho chúng sanh tùy duyên tuyển trạch một pháp hợp với căn cơ để được lợi lạc. Hàng thượng căn có pháp cho hàng thượng căn, hàng trung căn có pháp cho hàng trung căn, hàng hạ căn cũng có pháp cho hàng hạ căn. Những pháp tự lực chỉ có hàng thượng căn mới có thể thành tựu, còn hàng phàm phu tu trì theo làm sao được phần lợi lạc thiết thực?
Hàng phàm phu trí mê nghiệp nặng mà quyết tự lực bơi qua bể khổ, thì làm sao qua tới bờ kia? Thấy chúng sanh mãi hụp lặng trong bể khổ luân hồi không thoát nạn được, nên đức Phật A-Di-Đà mới phát 48 đại thệ cứu độ tất cả chúng sanh, ba căn đều được độ, phàm thánh bình đẳng vãng sanh. Phật khuyên chúng sanh niệm Phật, mà chúng sanh vẫn hững hờ. Thương hại cho chúng sanh vì quá kiên cường, nan điều nan phục mà tiếp tục chịu nạn.
Vậy thì, chúng sanh cam chịu đọa lạc, không được giải thoát chỉ vì mê muội, ngang ngạnh không chịu nghe lời Phật dạy, chứ không phải không có cách. Thiện xảo phương tiện của Phật đưa ra quá tuyệt vời, các Ngài sẵn sàng đưa một người phàm phu như chúng ta đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo. Phương tiện này chính là Pháp Niệm Phật, nương theo đại nguyện của Đức A-Di-Đà mà vãng sanh về miền Cực-Lạc. Hãy thành tâm niệm danh hiệu A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh, không tốn một đồng mà được giải thoát.
Ngày ngày cứ nói chuyện lung tung chi cho hao hơi tổn sức, tại sao không niệm A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh phải không chị? Phải không anh? Phải không các cô, các bác? Rõ ràng không tốn kém gì cả, đơn giản mà được thành tựu đạo bồ-đề. Thật sự vi diệu bất khả tư nghì.
Có người thấy tông chỉ của Pháp Niệm Phật quá đơn giản, thành tựu dễ dàng thì tỏ ra xem thường, muốn tự mình đi con đường hay hay, khó khó mới xứng với tài năng. Không ngờ càng đi càng mờ mịt, vừa tránh bụi gai này thì rớt vào hầm nọ… đến khi biết mình bị kẹt sâu trong rừng rồi, lúc đó dẫu la lên cầu cứu, nhưng mấy ai đến đó để cứu mình được đây? Tự tin thiếu căn bản vào tài năng của mình làm chi để bị thất bại mà chịu cực khổ dữ vậy?
Thực ra, chúng ta đang gặp một cơ may hy hữu vô cùng, nhờ cơ duyên này mà có hy vọng tràn trề một đời này thành tựu đạo quả. Cho nên, nghiệp chướng sâu nặng không tự lực được là điều thực tế. Hãy nhận thức rõ ràng, đừng nên vọng tưởng xa vời mà quên đi thân phận phàm phu, đánh mất cơ hội giải thoát oan uổng lắm.
Còn vế thứ hai là: “Nhưng nhờ hộ niệm mà sự vãng sanh đã hiển hiện quá nhiều…” trước mắt chúng ta. Chúng ta đưa ra một vấn đề, liền có đáp án. Vấn đề nào, cố gắng giải quyết liền vấn đề đó một cách rõ ràng, chứ không nên nói lời úp úp mở mở. Nói úp úp mở mở lỡ vướng phải tội “Kẹo Pháp” thì tương lai sẽ bị ngu si lắm. Diệu Âm không biết nói pháp, chỉ nói về hộ niệm thôi, nhưng cũng quyết nói rõ ràng minh bạch, mong cho người hữu duyên nghe đến liền được cảm thông. Chúng ta hãy làm bạn lữ, cùng hội cùng thuyền, cùng nhau vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Gặp nhau ở Tây-Phương Cực-Lạc hoan hỷ vô cùng, vui lắm chư vị ơi.
Có những người đầu tiên có tâm nghi kỵ Pháp Hộ-Niệm, họ cố tìm ra cho được những bằng chứng sai lầm để chống phá. Nhưng sau cùng mới phát hiện ra một sự thật đáng khâm phục, là những người hộ niệm đã làm một việc quá cao quý. Họ có tâm đạo quá tuyệt vời. Họ tình nguyện hy sinh công sức cùng thì giờ bất kể ngày đêm để đến bên cạnh những người bệnh, những người sắp chết để giúp đỡ, an ủi, hóa gỡ vướng mắc, giúp cho người bệnh không còn sợ sệt, tâm hồn an tịnh, vui vẻ niệm Phật cầu vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Khi có một người được vãng sanh, họ mừng vui đến rơi nước mắt. Những giọt nước mắt chân thành đã cảm hóa được lòng người, đã biến sự nghi kỵ thành lòng kính phục, đã biến sự chia rẽ thành tình đoàn kết ủng hộ cho nhau.
Chúng ta là người biết tu hành thì phải nghe lời Phật dạy: “Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan”. Hãy dùng tình thương xóa bỏ hận thù thì tốt hơn, đạo đức hơn, có giá trị nhân bản hơn việc cứ mãi mãi tìm cách chống đối nhau, phải không chư vị?…
Tất cả chúng sanh đều có Chơn-Tâm Tự-Tánh là Phật, tại sao chúng ta lại cứ đấu tranh chống phá lẫn nhau? Giết hại một chúng sanh có khác gì giết hại một vị Phật. Người tu hành đâu có thể làm được chuyện tệ hại này? Hãy đem hết tâm lực ra mà giúp đỡ nhau mới tốt chứ. Trong thời Đức Thế Tôn còn tại thế, có một kẻ vô cùng tàn bạo, mà nhiều người gắn cho cái tên là Vô-Não, vì ông này say máu giết người. Ông học được võ nghệ cao cường, rồi cầm gươm gặp ai giết đó, cố gắng giết cho đủ 1.000 người để cầu chứng đắc một loại căn cơ siêu việt gì đó(!)… Ôi!… Quá tội lỗi!…
Chỉ vì mê mờ mà làm chuyện sai lầm. Chỉ vì quên mất cái Chơn-Tâm, cứ đem cái vọng tâm mê mờ ra mà tạo nên tội ác kinh hoàng. Làm nên tội ác như vậy, nhưng Chơn-Tâm có bị mất đi không? Xin thưa, không bao giờ mất. Chơn-Tâm vẫn còn nguyên vẹn đấy chứ. Một người phàm phu như chúng ta chẳng may gặp ông Vô-Não thì liền bị giết chết, chứ không thể nào cảnh tỉnh ông ta được. Nhưng đối với Đức Thế Tôn thì khác, khi gặp ông, Ngài nói một câu cũng đủ làm cho ông ta khai ngộ, liền buông đồ đao xuống, quỳ lạy phát tâm xin xuất gia tu học và sau cùng cũng đắc thành Thánh Quả.
Chúng ta là hàng phàm phu, tại sao vẫn mãi còn là phàm phu, không thoát được cái lớp phàm này để làm Thánh Nhân vậy? Chỉ vì chính mình mê mờ, đã làm nên tội lỗi quá nhiều mà không chịu nhìn vào chính mình để tu sửa, mà cứ nhìn đến lỗi lầm của người khác để chê bai. Không chịu trách phạt lấy mình để cầu sám hối, mà cứ đổ tội cho thiên hạ để tạo thêm nghiệp chướng đó thôi. Bây giờ, nếu thực sự biết tu hành rồi thì:
Luôn luôn phán xét lấy mình,
Đừng nên nói đến lỗi người làm chi.
Mặc ai nói chuyện thị phi,
Còn ta cứ một đường đi thiện lành.
Ngày ngày niệm Phật tu hành,
Giờ đâu nghĩ chuyện cạnh tranh với người.
(Lời Cổ Đức).
Niệm Phật cầu về Tây-Phương Cực-Lạc. Ta đi đường sám hối, bỏ nghiệp, ly nghiệp vãng sanh thẳng về miền Cực-Lạc một đời thành đạo.
Giác ngộ ra đường đạo, thì bắt đầu từ đây xin hãy đi thẳng về hướng giải thoát, đừng quay đầu lại đi ngược về quá khứ đấu tranh với nghiệp chướng nữa. Phàm phu mà chọn phương cách đấu tranh với nghiệp chướng thì sẽ thua, không có cửa thắng đâu.
(e): Những người hộ niệm có năng lực trừ ma, yểm quỷ. Có họ đến hộ niệm thì chúng ta yên tâm vãng sanh.
Đúng không chư vị? – (Sai). Có nhiều người nghĩ rằng những ban hộ niệm có thuật trừ ma, yểm quỷ, hoặc họ có một thứ năng lực gì đây mới tạo ra tướng lành trên thân xác người chết. Diệu Âm xin thưa rằng, người hộ niệm hoặc các ban hộ niệm hoàn toàn không có một ma thuật hay một năng lực gì cả. Xin đừng nghĩ lầm. Chư vị có thể tìm hiểu bằng cách theo dõi các hoạt động của ban hộ niệm, để nhận thức rõ sự thật này. Nếu như chư vị có gặp qua một người hộ niệm hoặc ban hộ niệm nào đó tự xưng có năng lực này năng lực nọ, thì đây là sự tự xưng riêng, có tính cá nhân, hoàn toàn sai chánh pháp. Một ban hộ niệm chân chánh hoàn toàn không liên quan gì đến những thứ năng lực này. Trong tất cả những tài liệu của chư Tổ để lại chỉ nhắc đến lòng chí thành chí kính niệm Phật. Người niệm Phật phải thực hiện đúng tông chỉ Tín-Nguyện-Hạnh để cảm ứng đến đại nguyện của Đức A-Di-Đà, được Phật lực gia hộ tiếp dẫn, được chư Bồ-Tát gia trì, được chư Hộ-Pháp bảo vệ mà an toàn vãng sanh, chứ không phải nhờ đến một năng lực gì của ban hộ niệm mà được vãng sanh đâu.
Như vậy, một người nào đề xướng vấn đề năng lực của ban hộ niệm, hoặc tự xưng có năng lực là tự họ đặt ra, chứ pháp Phật không dạy như vậy. Hành sai chánh pháp thì tự nhận lấy quả báo tệ hại về sau. Nên nhớ cho, thời này dù đã rơi vào mạt pháp rồi, nhưng vẫn còn trong thời độ sanh của đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật ở thế giới Ta-Bà này, không có một vị Phật hoặc Bồ-Tát nào xuống phàm hộ trì chánh pháp mà tự vỗ ngực xưng tên, lộ ra danh phận, hay triển khai pháp thuật để thu nạp tín đồ. Chỉ có người thế gian quá vọng tưởng, tham danh, tham lợi, muốn được chúng sanh tôn sùng, mới nói điều sai lầm, làm việc sai lầm này. Hoặc giả, hàng ngoại đạo cố tình cài bẫy gạt cho người thọ nạn đó thôi. Người tu hành chân chính cần hết sức cẩn thận nhé.
Ban hộ niệm chỉ là những người đến hướng dẫn, khai thị, giúp đỡ cho người bệnh làm đúng chánh pháp để họ được vãng sanh. Chư vị hộ niệm muốn hướng dẫn đúng thì phải phát tâm học Pháp Hộ-Niệm Vãng Sanh thật cẩn thận. Phải nghiên cứu cho rõ, hiểu cho thấu Lý Tịnh-Độ, làm cho đúng Sự Hộ-Niệm để có những lời khuyên chính xác, cử chỉ chính xác, ý niệm chính xác, tư tưởng chính xác, hành động chính xác… hầu giúp cho người hữu duyên có nhiều hy vọng được vãng sanh. Xin chư vị nào đã phát tâm hộ niệm, cần phải y giáo lời Tổ mà phụng hành, không được tự nghĩ sao làm vậy, hầu gìn giữ chánh pháp lưu trụ lâu dài, cứu độ chúng sanh.
(f): Những người hộ niệm chỉ với lòng thành đến bên cạnh chúng ta niệm Phật, giúp ta giữ chánh niệm, giúp ta điều giải oan gia trái chủ.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Người hộ niệm chỉ đến để giúp chúng ta giữ chánh niệm, điều giải oán thân trái chủ, giúp cho chúng ta hóa gỡ những oán nạn, vì lúc đó chính chúng ta bị vướng nạn mà không hay, bị mê hoặc mà không biết, bị sợ hãi mà bấn loạn, bị khủng hoảng không còn sáng suốt nữa, v.v… Vì có quá nhiều nỗi bức bách ập đến, nên nhiều khi một chỉ câu “A-Di-Đà Phật” mà vẫn niệm không nổi.
Ví dụ, nhiều người tinh thần yếu đuối, đi đêm thường sợ ma, chỉ cần gặp chuột chạy trong bụi cây cũng hoảng sợ, tay chân run rẩy, ù té bỏ chạy, đôi khi luýnh quýnh chẳng biết đường nào mà chạy!… Nếu mình lâm vào trạng huống này thì làm sao tự chủ được? Vai trò người hộ niệm cũng giống như có người vững tâm đi bên cạnh, họ kéo mình lại, họ an ủi mình, họ nhắc nhở mình, họ giúp cho mình bình tĩnh lại… Nhờ vậy mà tự nhiên mình được an tâm, họ đưa mình vượt qua cảnh hỗn loạn.
Người hộ niệm chỉ với cái lòng chân thành đến giúp đỡ mình. Họ là những người đã hiểu ra Pháp Hộ-Niệm quá đơn giản mà vi diệu, nên phát tâm đến bên cạnh mình hướng dẫn mình giữ vững chánh niệm, niệm được câu A-Di-Đà Phật cầu sanh Tịnh-Độ, để trong cơ duyên này được vãng sanh thành tựu đạo quả. Nếu mình không tin Pháp Hộ-Niệm, không chịu tiếp nhận sự hướng dẫn của người hộ niệm, thì không thể hộ niệm cho mình được.
Nếu không được bạn đồng tu đến hộ niệm, thì ai sẽ hộ niệm cho mình đây? Xin thưa chư vị, oán thân trái chủ sẽ nhanh chóng đến hộ niệm cho mình đấy. Cách hộ niệm của họ là tận dụng mọi phương cách để lôi mình xuống tam ác đạo chịu nạn đó.
Cho nên hộ niệm thực sự vô cùng quan trọng. Không được hộ niệm hàng phàm phu có mấy ai được thoát nạn. Người hộ niệm đến điều giải oan gia trái chủ, họ gỡ rối cho mình, họ giúp mình an tâm niệm Phật, thực hiện trọn vẹn tông chỉ Pháp Niệm Phật mà được vãng sanh. Thật là một đại pháp cứu tinh vậy.
(g): Vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc chính là pháp mà chư Phật, Bồ-Tát tuyển chọn cho chúng sanh tu hành trong thời mạt pháp này.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Phật dạy chúng ta niệm Phật. Trong thời mạt pháp này hàng phàm phu chỉ có niệm Phật mới được vãng sanh thoát vòng sanh tử, còn những pháp môn tự lực vẫn là chánh pháp, nhưng thành tựu thì vô cùng khó khăn. Những pháp này chỉ dành cho chư vị căn cơ cao thượng tu trì mới có hy vọng thành tựu đạo quả.
Có nhiều người tự khoe rằng mình đã chứng đắc, nhưng thực ra sự chứng đắc không thể đơn giản như vậy đâu. Mỗi năm Diệu Âm có đi qua một số quốc gia, thường gặp những người tới tâm sự và khai ra sự chứng đắc của họ. Ví dụ, nào là đã đột phá cảnh giới Hoa-Nghiêm rồi, đã mở được thiên nhĩ thông rồi, nghe hiểu được tiếng mèo, tiếng dế, tiếng chuột nói chuyện… Có vị còn nghe được cả tiếng bông hoa cây cỏ nói chuyện với nhau, v.v… Ôi!… Thế gian này sao có nhiều chuyện lạ quá!…
Trong quá khứ có một một nhóm người từ xa đến thăm Diệu Âm, lúc đó Diệu Âm đang về Sài-Gòn. Các vị đó đến nói đạo cho Diệu Âm suốt cả một buổi và kể ra những sự chứng đắc của họ. Họ nói một cách say mê, hứng thú và đầy tin tưởng… Diệu Âm xin ghi lại đại khái một đoạn đối thoại trong cuộc nói chuyện này cho chư vị nghe nhé.
- Anh Diệu Âm ơi!… Thành thực chúng tôi là người đã vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc rồi đây. Nay chúng tôi theo Sư Phụ xuống phàm, cùng hộ pháp cho Ngài để cứu độ chúng sanh.
- Sư Phụ của các vị là ai vậy?
- Sư Phụ của chúng tôi không phải là người bình thường đâu. Ban đêm Sư Phụ của chúng tôi trở về Tây-Phương Cực-Lạc nghỉ, ban ngày Ngài xuống đây giảng kinh thuyết đạo cứu độ chúng sanh. Mỗi ngày Ngài ăn chỉ một bữa trưa thôi mà tướng rất hảo, mặt phát quang rạng rỡ. Ngài giảng chánh pháp lưu loát, bất tận. Anh hãy tới bái kiến Sư Phụ chúng tôi đi nhé, anh sẽ biết rõ hơn… Bây giờ đây chúng tôi tới đây thăm anh và xin hỏi anh một câu.
- Dạ, xin chư vị cứ nói.
- Anh Diệu Âm tu hành đã chứng đắc được tới cảnh giới nào rồi? Trước chúng tôi, xin anh chớ nên lo lắng, không cần phải phải e ngại…
- A-Di-Đà Phật!… Chư vị là Bồ-Tát từ cõi Tây-Phương Cực-Lạc xuống đây mà không biết rằng tôi vẫn còn là một người phàm phu mê mờ hay sao?
- !!!…
Diệu Âm trả lời như vậy làm cho các vị đó cảm thấy vô cùng thất vọng !…
Ôi!… Thất vọng hay hy vọng cũng tùy ở họ. Diệu Âm này còn là phàm phu, thì mạnh dạn nhận mình là phàm phu, chẳng hay hơn là vọng tưởng nói điều sai lầm hay sao?!…
A-Di-Đà Phật.