Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 126)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A Di Đà Phật.
Xin chư vị mở trang 52.
(l): Đới nghiệp vãng sanh là vượt qua sáu đường luân hồi, nghiệp chướng tự nó bế tắc. Tự lực phải tự mình đoạn diệt nghiệp chướng để tiến tới.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Đây là một trong những điểm khác nhau giữa hai pháp tu. Pháp tu đới nghiệp vãng sanh là còn nghiệp mà được vãng sanh, mình không phải lo phá tất cả các nghiệp chướng để vượt qua sáu đường luân hồi. Còn tự lực không thể đem cái nghiệp qua khỏi bể khổ luân hồi, mà phải đoạn diệt cho hết tất cả nghiệp chướng mới được vượt qua. Niệm Phật vãng sanh chính là nương theo đại nguyện của Đức Phật A-Di-Đà mà hành giả được tiếp độ về cảnh Cực-Lạc. Vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc rồi thì nghiệp chướng từ đó không còn trói buộc mình nữa. Trong Kinh Vô-Lượng-Thọ, Đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật dạy rằng, niệm Phật vãng sanh là băng ngang qua tất cả các nẻo luân hồi, nghiệp chướng ác đạo tự nó bế tắc, đây là pháp môn tối thắng vi diệu. Phật khuyên chúng sanh trong thời mạt pháp này nên nương theo Pháp Môn Niệm Phật để có cơ hội thành tựu đạo quả. Còn tự lực tu chứng, thì đối với căn cơ của chúng sanh trong thời này rất khó để giải quyết nạn sanh tử luân hồi đấy.
Phật dạy chúng ta hãy cố gắng trì giữ câu A-Di-Đà Phật mà niệm để cầu vãng sanh. Niệm Phật thì xin chư vị phải nắm vững tông chỉ của Pháp Môn Niệm Phật. Nghĩa là, lòng tin phải vững, ý nguyện vãng sanh phải tha thiết và hành trì phải chuyên nhất. Người hành trì Pháp Niệm Phật thì một câu A-Di-Đà Phật niệm tới cùng để cầu vãng sanh Tịnh-Độ là đúng pháp vậy.
Ở thế giới này có nhiều phiền não, chúng ta có thể thấy rõ ràng điều này. Ví dụ làm bất cứ việc gì cũng tạo nên sự thị phi chống phá, người muốn im lặng niệm Phật để vãng sanh cũng không dễ được thanh tịnh đâu. Như vậy, xin nhớ cho, muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì không nên tham luyến thế gian này quá, đừng nên cho cái thế giới này là tất cả nhé. Trong Tịnh-Độ Tông, chư Tổ đưa ra hai từ: Yểm và Hân. Yểm là chán chê, muốn rời bỏ. Hân là hân hoan, muốn trở về. Yểm là thấy ở thế giới này làm cái gì cũng bị đấu tranh, ganh tỵ, khó khăn vô cùng, thật cảm thấy mệt mỏi quá, chán ngấy đi!… Hân là ngưỡng mộ thế giới Tây-Phương Cực-Lạc của A-Di-Đà Phật, nơi đó thanh lương, an dưỡng, cực lạc, giải thoát. Phật dạy nơi đó tiếng khổ cũng không có hà huống sự khổ.
Ở thế giới Ta-Bà này bị trở ngại vô biên, chướng nạn chập chùng. Chướng nạn từ nghiệp chướng trong quá khứ, chướng nạn từ sự mê muội của mình, chướng nạn từ cảnh đời loạn động, chướng nạn do lòng người bất thiện… Thế giới ngũ trược ác thế này có quá nhiều chướng nạn… Khổ lắm đó chư vị ơi!… Những chướng nạn này khó có thể giải tỏa được. Xin đừng nên nghĩ rằng năm sau ít hơn năm này, mà nên chuẩn bị tư tưởng để đón nhận những chướng ngại càng ngày càng tăng lên đấy. Hãy hiểu thấu cảnh khổ của thế gian này mà tìm phương giải thoát nhé.
(m): Vãng sanh xong đương nhiên ta trở thành Bồ-Tát. Còn kẹt lại ở đây ta vẫn còn là phàm phu sanh tử luân hồi.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Câu này rõ ràng quá rồi. Nếu đem sự thành tựu của pháp môn tu hành này ra cho chúng ta suy nghiệm thì thấm thía lắm đấy. Đang bị trói trong cảnh sanh tử luân hồi, phàm phu tại cõi này dù có tốt hay có đẹp gì đi nữa thì thân phận phàm phu vẫn là phàm phu, tội chướng vẫn đầy tội chướng, ách nạn trùng trùng vẫn còn nguyên vẹn đang chờ đợi ở tương lai. Có người đời này hưởng giàu sang phú quý, xe hơi nhà lầu, nhưng không ngờ rằng tương lai khó tránh khỏi bị đọa lạc khổ đau vạn kiếp, thì có gì đáng để nương tựa đâu!… Vậy thì xin đừng chấp vào đây, đừng tưởng đây là sự hạnh phúc vẹn toàn, vĩnh cửu. Coi chừng đó chỉ là một tấn tuồng vô thường đầy phũ phàng cay đắng. Số phần đời kiếp tương lai không thể lấy tiền bạc, danh vọng trong đời này giải quyết được đâu!…
Thế nên, tu phước thì tốt hơn tạo tội, nhưng tham đắm vào phước báu thì phước báu sẽ trói lại không cho mình giải thoát. Nếu thuận duyên đời sau có thể hưởng được phước báu, nhưng một khi phước báu hết rồi thì tai họa sẽ đến liền không kịp trở tay. Chính vì thế, xin chư vị nhớ cho, hễ còn kẹt lại đây thì phàm phu vẫn là phàm phu khổ nạn. Giờ này là phàm phu dưới dạng loài người, tương lai dễ dàng tham gia vào hàng phàm phu của các loài đọa lạc trong tam đồ ác đạo. Phật đã cảnh cáo rằng, nhơn thân nan đắc, khi mất thân người này rồi, đời sau không dễ gì lấy lại được thân người. Sự chứng minh cụ thể nhất là con người khi chết đi đều để lại ác tướng quá nhiều, quá nhiều!… Đây là dấu hiệu của sự đọa lạc. Hiểu chút đạo lý của Phật dạy rồi, chúng ta thấy rõ rệt lắm vậy.
Một khi thấy rõ vấn đề khổ nạn rồi, thì xin chư vị hãy quyết lòng tu hành tìm đường giải thoát, đừng nên tham chấp cõi này. Đã có quá nhiều hiện tượng đọa lạc xảy ra trước mắt, xảy ra hàng ngày, khiến chúng ta phải giựt mình tỉnh ngộ mà quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh, không dám bám vào cõi vô thường khổ nạn này nữa. Một phàm phu thế tục tràn đầy tội chướng này, chỉ cần thành tâm chí kính nghe lời Phật dạy, niệm A-Di-Đà Phật tha thiết cầu về Tây-Phương Cực-Lạc thì được vãng sanh. Hễ vãng sanh về nước Cực-Lạc thì đương nhiên thành Bồ-Tát. Thành Bồ-Tát rồi thì hàng ngày tay trong tay với các Ngài, ta cùng Bồ-Tát làm bạn lữ với nhau. Đây mới đúng chánh pháp, chứ không phải hàng ngày cầu xin gặp Bồ-Tát này Bồ-Tát nọ, làm cho tâm hồn vốn đã vọng lại càng vọng động hơn. Vọng tâm thì cảm đến vọng cảnh, tự mình rước lấy chướng nạn chập chùng mà không hay.
Cho nên, nghĩ cho thật kỹ thì vấn đề này thấm thía vô cùng. Một phàm phu mà biết lấy lòng chân thành cung kính lắng nghe Phật dạy, niệm Phật đi vãng sanh để thành Bồ-Tát, hay hơn là ở đây tranh nhau thắng bại, chống đối nhau từng chút để kết cuộc tất cả đều bị kẹt trong vòng đọa lạc. Bị đọa lạc thì khổ đau vô tận, có ai hưởng được gì đâu?
Chính vì thế, chư vị thấy không, có khi nào chư Phật Bồ-Tát đi tranh đấu với chúng sanh đâu? Không bao giờ. Ngày Đức Thế-Tôn còn tại thế, là một vị thái tử chuẩn bị lên ngôi vua trị vì thiên hạ, mà Ngài quyết định từ bỏ ngôi vua, tìm phương giải thoát. Ngài đã chứng Vô-Thượng Chánh-Đẳng Chánh-Giác. Một vị Đại Giác Ngộ như vậy mà chúng Ma Vương vẫn cứ bao vây tìm cách hãm hại Ngài. Ngài không bao giờ khởi tâm oán giận tìm cách đấu tranh với Ma Vương. Ngài thương chúng sanh một cách bình đẳng. Ngài tuyên bố, tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh. Ngài biết một vị Ma Vương đó mà có duyên giác ngộ, tu hành chứng quả vẫn thành Phật. Như hôm qua chúng ta có nhắc đến ông Vô-Não. Ông này là một người hiền nhưng mê muội, bị một vị sư phụ của hàng tà đạo dụ dỗ bày trò giết người để làm công phu tu chứng. Tiêu chuẩn của ông là giết đủ 1.000 người để viên thành đạo quả. Hễ giết một người thì ông cắt một đốt xương ngón tay út, xâu lại thành chuỗi đeo vào người. Ông đã đeo tới 999 đốt xương rồi, chỉ còn một người nữa là hoàn thành đạo nghiệp. Tiếng ác đồn xa, không ai dám lai vãng đến vùng đó nữa. Không còn ai để giết, ông nghĩ đến giết mẹ cho đủ số, nhưng vẫn còn chần chừ không nỡ ra tay… Vừa lúc đó có có một vị Sa-Môn đi tới. Vị Sa-Môn này chính là Đức Thế-Tôn. Ông buông người mẹ ra đuổi theo vị Sa-Môn để giết…
Thế giới ngũ trược ác thế này quá nguy hiểm, đã biến một người hiền lành thành kẻ đại ác. Ông Vô-Não từ một người hiền lành trung hậu, đã bị một vị sư phụ hiểm ác dụ hoặc trở thành kẻ giết người không gớm tay. Ông đuổi theo Đức Phật để giết. Phật dùng thần thông bước đi thong dong nhưng ông không thể nào đuổi kịp. Ông kêu lên:
– Này Sa-Môn kia, hãy ngừng lại…
– Ta đã ngừng lâu lắm rồi. Chỉ vì ngươi không chịu ngừng đó thôi!… Phật trả lời.
Một lời nói của Phật cũng đủ làm cho ông Vô-Não giựt mình tỉnh ngộ, buông đao xuống, xuất gia tu hành sau này được chứng quả A-la-hán. Giả như ông Vô-Não gặp chúng ta, chúng ta nói y như lời Phật nói, liệu ông có ngừng lại không? Ông có buông đao xuống không?… Chắc chắn là không. Bây giờ, giả dụ như có chính Đức Thế-Tôn đứng đây nói với chúng ta rằng, chư vị hãy ngừng lại, đừng tiếp tục tạo tội lỗi nữa thì có lẽ chúng ta cũng sẽ giựt mình mà ngừng lại. Vì sao vậy? Vì một lời nói của Phật có ảnh hưởng mạnh lắm, có năng lực xuyên thẳng vào nội tâm của mọi người, khiến cho ai ai cũng dễ giựt mình tỉnh ngộ. Tỉnh ngộ hồi đầu thì thành đạo. Người đại ác như ông Vô-Não, khi biết buông đồ đao xuống, liền có thể lập hạnh tu hành chứng đạo.
Hiểu được điều này, xin chư vị hãy mở rộng tình thương mà yêu mến nhau, cứu giúp nhau. Chúng ta không có năng lực gì cao ngoài việc biết Pháp Hộ-Niệm, thì hãy dùng Pháp Hộ-Niệm mà giúp nhau, hãy cố gắng phát tâm làm đạo giúp người. Tuy nhiên, khi khởi phát tâm bồ đề làm đạo trong cái thế giới ngũ trược ác thế này không phải là dễ dàng đâu, nhất là trong thời mạt pháp đấu tranh kiên cố này. Tâm chí phải vững trước những chướng ngại thử thách, thì mới có thể hoàn thành tâm đạo hầu giúp được người hữu duyên cùng nhau vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo. Nếu làm đạo mà gặp chút ít khó khăn liền chùn bước, thì đành kết bè với nhau đi theo đường đọa lạc vậy.
(n): Về Tây-Phương Cực-Lạc ta chỉ hưởng an vui cho cá nhân, ở lại đây ta mới có cơ hội cứu độ chúng sanh.
Đúng không chư vị? – (Sai). Sai quá rồi phải không? Chúng sanh trong thế giới này khổ đau quá nhiều, có người nghĩ rằng phải ở lại đây để cứu độ chúng sanh. Ôi!… Cứu được gì đây, coi chừng cả ta lẫn người đều chờ rơi vào chốn khổ nạn. Hoàn cảnh hỗn loạn, chúng sanh mê mờ trong cảnh hỗn loạn đó mà tạo nên nghiệp chướng trùng trùng. Nghiệp trước nghiệp sau chất chồng làm sao có hy vọng thoát vòng đọa lạc đây?… Chỉ vì con người không nhận ra sự giải thoát là cao quý, cứ mãi tham chấp vào cảnh vô thường khổ hải, nên chư Phật Bồ-Tát cũng đành phải xót xa. Nếu hiểu thấu được sự vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc là con đường giải thoát thành đạo cao quý, thì chúng ta phải giác ngộ quyết chí đi vãng sanh. Giúp cho một người vãng sanh Tịnh-Độ là cứu độ một người thành đạo, thoát vòng sanh tử đọa lạc khổ đau, công đức vô lượng. Còn nếu chúng ta khuyến dụ con người bám lấy cảnh đời huyễn mộng này để làm chút phước mà cho đó là sự cứu độ, thì không những không cứu được ai, mà kết cuộc không ai thoát khỏi cảnh sanh tử luân hồi đọa lạc. Thảm thương thay!…
Cho nên khi gặp được chánh pháp này, xin chư vị hãy tự mình cố gắng gìn giữ, chứ không thể nào hy vọng mọi người đều đồng tình với mình được. Nếu có duyên ta khuyên nhau một vài lời, không duyên chúng ta phải tự mình giữ vững đường đi vãng sanh. Phải biết kết đoàn thật chặt chẽ với nhau để hộ niệm cứu giúp nhau, giúp cho những người có duyên có thiện căn cùng nhau trở về Tây-Phương Cực-Lạc. Thời này đã lún sâu vào cảnh mạt pháp của Phật rồi, nếu sơ suất nhất định chúng ta khó có cơ duyên gặp lại chánh pháp trong đời sau đâu nhé. Mong chư vị nhìn cho rõ và hiểu cho thấu rằng, nếu còn kẹt lại đây, tương lai không dễ gì được gặp lại chánh pháp đâu chư vị ơi!… Trôi qua cơ hội này, đời đời kiếp kiếp về sau chúng ta phải chịu đọa lạc đắng cay đấy!…
Phải vững tâm vững chí niệm A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh. Quyết lòng kiên trì đi tới để cứu mình, cứu người thân yêu, cứu người có duyên cùng vãng sanh thành đạo. Người nào không có duyên với đường vãng sanh thì đành phải chấp nhận theo số phần riêng. Phật không thể độ kẻ vô duyên, thì chúng ta có thể làm gì khác hơn đây. Đồng ý không chư vị?
(o): Về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo ta mới cứu được chúng sanh. Ở tại đây ta bị chúng sanh lôi đi đọa lạc.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Câu này trả lời cho câu trên. Câu trên làm tiền đề cho câu này. Có người nói rằng, ở đây chúng ta mới có cơ hội cứu độ chúng sanh. Thực ra ở đây ta có cơ hội lôi kéo chúng sanh vào hầm lửa thì có, chứ làm sao cứu độ được một người thoát vòng sanh tử? Chính ta không thoát nạn mà đòi cứu chúng sanh có phải là mỉa mai lắm không?
Vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thành Phật rồi ta mới có năng lực cứu độ được chúng sanh. Niệm Phật cầu vãng sanh, chỉ cần khi ra đi lưu lại tướng lành tốt đẹp cũng tạo được một ấn tượng tốt đẹp, gây được một niềm tin sâu sắc về Phật Pháp, giúp cho nhiều người trực ngộ pháp đại cứu tinh mà có cơ duyên giải thoát. Rời Pháp Niệm Phật ra, Phật nói: “Ức triệu người tu hành khó tìm ra được một người thoát vòng sanh tử”. Vậy thì, lý luận chi cho cao cho hay mà không chịu niệm Phật để kết quả sau cùng chỉ là số 0, để lại bao nhiêu sự thất vọng não nề trong lòng chúng sanh, làm mất hết niềm tin về Phật Pháp của đại chúng, thì cứu được ai đây? Sao bằng ta một lòng thành tâm tin lời Phật dạy, chí thành chí kính niệm Phật để vãng sanh. Vãng sanh xong thì chính ta thành Phật. Thân bằng quyến thuộc của chúng ta trong nhiều đời nhiều kiếp, nhờ công đức này mà thoát vòng tam đồ khổ nạn. Vô lượng vô biên chúng sanh tương lai sẽ được cứu, lợi lạc kể sao cho hết.
Mong chư vị tới Niệm Phật Đường này hãy quyết lòng niệm Phật. Hãy mở rộng tâm lượng ra vừa nương nhau tu hành, vừa giúp nhau làm đạo. Mọi chướng ngại xảy ra là cơ hội thử thách cho chúng ta rèn tâm luyện chí kiên cố hơn, tô bồi tâm lực mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn, quyết lòng niệm Phật để thành Phật vậy.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.