Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 100) – Niệm Phật Với Dụng Ý Nào Mới Đúng Chánh Pháp?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 100)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Xin mở trang 41, câu (i): Đau bệnh cần phải uống thuốc, nhưng vẫn quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Ngày hôm qua có câu: “Bệnh đừng uống thuốc vì uống thuốc là còn cầu hết bệnh”, tinh thần này cực đoan sai lầm!… Đau bệnh mà không uống thuốc để chết chẳng khác với hành động tự tử. Hôm nay có câu: “Đau bệnh cần phải uống thuốc, nhưng vẫn quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh”, câu này thật chính xác. Nhiều người nói rằng uống thuốc thì giết vi trùng. Giết vi trùng là giết chúng sanh. Như vậy thì phạm giới sát sanh, không có lòng từ bi. Vấn đề này trả lời làm sao đây? Đúng là chấp lý bỏ sự, cài nhau vào thế khó xử quá!…

Xin thưa với chư vị, vi trùng là loại chúng sanh vi trần sơ cấp, nhưng thường tạo tai họa nghiêm trọng đến môi trường sống khác. Nhiều loại vi trùng gây tác hại lớn lao cho mạng sống con người, nếu người học Phật mà không dùng thuốc chữa trị các căn bệnh, thì Phật Giáo chúng ta sẽ trở thành một đạo giáo cực đoan, ngoan cố, không hợp với lối sống bình thường của con người, chắc chắn bị loài người tẩy chay. Đã bị loài người tẩy chay thì làm sao gọi là chánh giáo, làm sao có thể tồn tại được. Hơn nữa, xin thưa với chư vị, vạn loài chúng sanh mỗi loài đều có nghiệp duyên riêng. Ngăn chận ác nghiệp của chúng sanh là giúp tiêu tai giải nạn cho chúng sanh, tạo nên cộng nghiệp tốt. Chúng ta hàng ngày niệm Phật hồi hướng cho pháp giới chúng sanh là nhắm tới vấn đề này đây. Chúng sanh vô duyên hay hữu duyên, nghịch duyên hay thuận duyên, tất cả đều quay quần trong tác nghiệp sanh tử luân hồi, thật khó bề trọn vẹn. Trong kinh Địa-Tạng Bổn Nguyện Phật dạy rằng, sống trong thế giới ngũ trược ác thế này, khởi tâm động niệm không có gì có thể thoát khỏi tạo tác nghiệp chướng. Thế giới này đúng là khổ nạn!…

Ví dụ như mình ăn một trái dưa, chúng ta đâu có ngờ rằng, người trồng dưa đã giết hại biết bao nhiêu con sâu, con rầy mới dành được một quả dưa cho ta ăn. Mình trồng một luống rau cải nhỏ, biết bao nhiêu con giun, con trùng bị mất mạng… Rõ ràng sống trong ở thế giới này, muốn làm thiện làm lành khó khăn vô cùng, không dễ gì được tròn vẹn. Phật dạy, khởi tâm động niệm không gì là không tạo nghiệp là vì vậy. Cộng nghiệp của chúng sanh vốn đã tạo tác tràn đầy ác nghiệp, quả báo thật sự quá hiểm nguy. Chính vì thế tốt nhất là ta hãy quyết tâm đi về Tây-Phương Cực-Lạc là tốt nhất.

Nhiều người còn cho rằng, rau xanh vẫn có sự sống, tại sao phải ăn nó. Chấp vào sự sống của rau cải thì đưa đến chỗ bế tắt!… Không ăn thì tự tử, ăn vào thì tâm không an!… Tu hành mà chấp lý thì sai lắm vậy!… Thôi bây giờ chúng ta hãy ăn uống bình thường để sống, vẫn phải uống thuốc để chữa trị bệnh hoạn, nhưng mỗi lần ăn uống, dùng thuốc như vậy đều nên niệm Phật, nghĩ đến vô lượng những vi sinh vật chuyển đổi theo nghiệp duyên của chúng, cầu nguyện cho tất cả chúng sanh thoát vòng sanh tử, vãng sanh về Tịnh-Độ, đó là người biết tu hành vậy. Hãy hồi hướng công đức cho pháp giới chúng sanh sớm có cơ hội giải thoát, đừng sanh lại làm loài vi trần nhuyễn động nữa là tốt rồi.

Một vấn đề khác có thể trở thành sự tranh cãi, xin nêu ra đây để chúng ta suy xét, đó là những chiếc trống làm bằng da thú được sử dụng thành một loại pháp khí để hành lễ trong các đạo tràng. Có người hỏi, tu hành tại sao lại giết hại chúng sanh, lấy da làm pháp khí. Không phải là tàn nhẫn lắm sao?!…

Thực sự, nếu người tu hành giết hại chúng sanh để lấy da làm trống mà đánh trong các đạo tràng thì quả là tàn nhẫn! Nhưng trên thực tế thì khác hẳn, không phải người tu hành giết trâu bò lấy da làm trống, mà chính con người ở thế gian vốn sẵn thiếu lòng từ bi, quá tham lam đã giết hại vô số chúng sanh để ăn thịt, rồi tận dụng xương, da, lông, sừng của chúng làm đủ mọi vật dụng như giày dép, túi xách, áo quần, v.v… Các chiếc trống trong những đạo tràng cũng ở trong số vật dụng nhiều vô lượng vô biên sản sinh từ lòng tham của loài người, chứ không phải người tu hành giết hại chúng sanh để lấy da làm trống dành cho các đạo tràng sử dụng đâu.

Con người vốn tạo tác ác nghiệp, gây đau khổ cho chúng sanh, tạo ra mối hận thù chập chùng không còn cách hóa giải. Hàng vạn chiếc trống dùng trong mục đích khác đều vang lên âm thanh oán hờn bất tận, thì những chiếc trống tình cờ biến thành loại pháp khí trong những đạo tràng, ngày ngày giúp cho đại chúng tu hành tạo công đức, vô tình chính những con vật có miếng da này đã được duyên lành hưởng nhiều công đức, nhờ công đức này mà chúng tiêu tai giải nạn, được chuyển đổi cảnh giới tốt hơn chăng.

Vậy thì, người nào lạm dụng sanh mạng chúng sanh để kiếm lợi phải tự nhận lấy nhân quả báo ứng, còn người tu hành chúng ta không được sát hại sinh vật, mà luôn tùy duyên tiêu túc nghiệp, đem công đức hồi hướng cho chúng sanh hữu duyên hay vô duyên đồng hưởng lợi lạc là được rồi vậy.

(j): Niệm Phật cầu cho hết nghiệp chướng để được vãng sanh an toàn.

Đúng không chư vị? – (Sai). Niệm Phật cầu cho hết nghiệp chướng thì vô tình người niệm Phật đã biến pháp môn “Đới Nghiệp Vãng Sanh” thành pháp “Tiêu Trừ Nghiệp Chướng”. Biến pháp “Nhị Lực” thành pháp “Tự Lực”.

Niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thì thực hành đúng theo pháp “Nhị Lực”, nghĩa là dùng Tín-Nguyện-Hạnh của mình để cảm ứng đến đại nguyện của đức Phật A-Di-Đà tiếp độ mình vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Niệm Phật để cầu tiêu trừ nghiệp chướng, đoạn nghiệp-hoặc chứng lấy chơn-thường thì không đúng theo tông chỉ của pháp “Nhị Lực Vãng Sanh”, mà biến thành một pháp “Tự Lực Tu Chứng”. Ngài Ấn Quang dạy, niệm Phật cầu hết bệnh, niệm Phật cầu chứng đắc, niệm Phật không cầu vãng sanh thì biến câu Phật hiệu thành một loại câu thoại đầu. Những vị tu Thiền dùng câu thoại đầu để nhiếp tâm vào đó mong chế ngự vọng tưởng, tạo tâm thanh tịnh để đi vào Định. Định sinh Huệ. Đây là pháp tự lực tu chứng, chứ không phải pháp nhị lực vãng sanh.

Đúng theo pháp môn niệm Phật vãng sanh, thì hành giả phải niệm Phật cầu vãng sanh, lòng thành tất cảm ứng, tự câu A-Di-Đà Phật phát quang tiêu trừ túc nghiệp, đúng như lời Ấn Tổ dạy:

Niệm Phật phương năng tiêu túc nghiệp,

Kiệt thành tự khả chuyển phàm tâm.

Chứ không phải niệm Phật cầu hết nghiệp thì được tiêu hết nghiệp. Nếu niệm Phật chỉ để cầu hết nghiệp, cầu lành bệnh… thì người niệm Phật đã dồn hết tâm pháp của câu A-Di-Đà Phật vào cái thân vô thường bất tịnh này, thành ra bị lạc mất con đường vãng sanh Tịnh-Độ. Hành sai pháp môn thì không thể thành tựu.

Hiểu được như vậy, chúng ta nên thực hành đúng tông chỉ của pháp môn niệm Phật, nghĩa là niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, chứ không phải niệm Phật cầu tiêu trừ nghiệp chướng. Người nào có đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh, thành tâm niệm một câu A-Di-Đà Phật, thì từ một câu Phật hiệu phá tan nghiệp chướng trọng tội đã tạo ra trong 80 ức kiếp. Nghĩa là nghiệp chướng tự tiêu trừ, chứ không phải do cầu mà được. Mong chư vị nhớ cho, đừng nên sơ ý mà đường tu hành bị lệch lạc.

(k): Niệm Phật cầu cho hết vọng tưởng mới có thể được vãng sanh.

Đúng không? – (Sai). Nếu niệm Phật cầu cho hết vọng tưởng mà thực sự hết vọng tưởng thì cũng nên cầu. Nhưng coi chừng, niệm Phật nhằm để cầu hết vọng tưởng lại là một sự vọng tưởng trong pháp môn niệm Phật. Xin nhớ cho, người phàm phu đang nhiều vọng tưởng mà cầu cho hết vọng tưởng là vo tình tạo thêm một cái vọng cầu nữa. Vọng chồng lên vọng.

Chư Tổ dạy, niệm Phật cầu vãng sanh mới được vãng sanh. Vãng sanh thì thành tựu đạo quả. Xin nhớ kỹ điểm này.

Ngài Hạ Liên Cư nói, niệm Phật không được cầu hết vọng tưởng thì mới hết vọng tưởng, niệm Phật không cầu “Nhất Tâm Bất Loạn” thì mới có thể “Nhất Tâm Bất Loạn”, niệm Phật chỉ cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc mới là đúng phương pháp của Phật đưa ra. Nhắc đi, nhắc lại, nhắc lên, nhắc xuống vẫn là 3 điểm Tín-Hạnh-Nguyện. Xin chư vị làm cho vững tông chỉ này thì hy vọng tràn trề chúng ta được vãng sanh như rất nhiều người đã được vãng sanh khắp nơi. Còn đi lạc đường thì tự mình chịu lấy chướng nạn.

Xin đừng biến Pháp Niệm Phật thành pháp tu tự lực. Tự lực tu chứng đối với hàng căn cơ cao thượng các Ngài có thể thành tựu. Hàng hạ căn mà chạy theo đường tu tự lực, rời xa đại nguyện độ sanh của đức Phật A-Di-Đà, thì vô lượng kiếp nữa chưa chắc gì được thành tựu đường tu, biết chừng nào mới về tới được Tây-Phương Cực-Lạc để chứng quả Vô Sanh đây?

(l): Niệm Phật phải “Nhất Tâm Bất Loạn” mới được vãng sanh.

Đúng không? – (Sai). Sai tức là không đúng. Không đúng ở chỗ nào? Không phải chỉ có người niệm Phật chứng đến cảnh giới “Nhất Tâm Bất Loạn” mới được vãng sanh. Nếu bảo rằng niệm Phật phải “Nhất Tâm Bất Loạn” mới được vãng sanh, thì pháp niệm Phật không thể gọi là pháp dễ hành, chư Tổ không thể nói lời: “Muôn người niệm Phật muôn người vãng sanh” được. Cho nên, nếu đổi lại câu này rằng: “Niệm Phật được “Nhất Tâm Bất Loạn” thì an nhiên tự tại vãng sanh, không cần đến hộ niệm nữa”, thì đúng. “Niệm Phật được “Nhất Tâm Bất Loạn” rồi thì không cần ai tới khai thị hướng dẫn nữa làm chi”, thì đúng. “Niệm Phật được “Nhất Tâm Bất Loạn” thì muốn đi thì đi, muốn ở thì ở, vãng sanh muốn đứng thì đứng, muốn ngồi thì ngồi, có thể biểu diễn sự vãng sanh theo ý muốn”, thì đúng… Còn nói rằng: “Niệm Phật phải “Nhất Tâm Bất Loạn” mới được vãng sanh” thì không đúng vậy.

Xin chư vị nhớ cho, vãng sanh có nhiều diện, ngoài Chánh-Niệm vãng sanh, còn có Vô-Ký vãng sanh, Ý-Niệm vãng sanh, Tán-Tâm vãng sanh, Sám-Hối vãng sanh, v.v… Trong kinh gọi chung là “Đới Nghiệp Vãng Sanh”. Vãng sanh có Tam Bối Cửu Phẩm. Tam Bối là 3 bậc: Thượng-Trung-Hạ Bối. Mỗi Bối có 3 phẩm: Thượng-Trung-Hạ Sanh, gọi là 9 phẩm vãng sanh. Mỗi phẩm đều có đới nghiệp nhiều ít khác nhau.

Những người mà chúng ta hộ niệm được vãng sanh, có thể nói rằng, hầu hết đều thuộc vào hàng bình dân phàm phu, nhờ pháp đới nghiệp mới được vãng sanh đấy. Không tán tâm thì cũng loạn tâm vãng sanh, không ý niệm thì cũng sám hối vãng sanh, v.v… Không dễ gì có nhiều trường hợp an nhiên đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh tự tại như lý thuyết đâu. Tại sao vậy? Tại vì nghiệp chướng sâu nặng, họ ra đi trong bệnh khổ, những cơn đau đớn làm cho nếu không khổ não cũng phải mệt lả người!… Oán thân trái chủ công phá, trả thù đòi nợ làm cho nếu không loạn tâm cũng phải bị hoảng kinh, khủng bố!… Hàng phàm phu nhất định phải chịu tình huống khổ nạn này, nếu không nhờ hộ niệm làm sao họ có thể giữ được chánh niệm để vãng sanh?

Trước đây Diệu Âm có lần tình cờ gặp duyên hộ niệm cho một vị kia đang bị oán thân trái chủ nhập thân phá hoại. Khi Diệu Âm đến nơi thì thấy đã có 6 vị Thầy đang lập đàn hóa giải từ sang sớm đến giờ. Vị oán thân này chính là thai nhi trên 7 tháng tuổi đã bị người mẹ đó phá bỏ gần 2 năm về trước. Diệu Âm cùng một số đồng tu cũng nương theo đó cùng chắp tay cầu nguyện Tam Bảo gia trì. Nhưng cuộc hóa giải không thành công, đến chiều tối các Thầy đành phải ra về và nhắn lại gia đình cùng đồng tu rằng: “Chư vị hãy hộ niệm đi. Khi nào Cô này ra đi hãy đốt bài vị giùm cho chúng tôi nhé”.

Gặp phải tình huống khó khăn bất ngờ, người bệnh vẫn đang bị chướng nạn, quý Thầy đã ra về rồi, gia đình vô cùng rối rắm và nhìn đến ban hộ niệm cầu xin giúp đỡ, Diệu Âm đành phải mạnh dạn dùng cách điều giải trong Pháp Hộ-Niệm để thử hóa giải oán nạn, chứ không biết cách nào khác hơn. Diệu Âm xin mọi người cùng thành tâm đứng niệm Phật hỗ trợ, rồi đứng ra tâm sự, năn nỉ vị nhập thân. Diệu Âm chỉ biết lấy lòng thành ra khuyên can, đem chút đạo lý vãng sanh ra van xin vị đó buông bỏ oán thù, cùng nhau niệm Phật cầu về Tây-Phương Cực-Lạc để cùng thoát nạn. Chỉ vậy thôi, nhưng không ngờ, khoảng một tiếng đồng hồ thì vấn nạn đã được giải quyết êm xuôi. Vị oán thân đang dựa xác đã chấp nhận buông tha, không còn dựa thân nữa. Diệu Âm đứng bên cạnh, cầm tay, xoa mặt, cố gắng giúp cho người bệnh bình tĩnh, vui vẻ trở lại tình trạng bình thường… Thật sự cách điều giải của Pháp Hộ-Niệm có tác dụng bất khả tư nghì.

Sau đó người bệnh nhẹ nhàng buông báo thân ra đi. Tắt hơi xong thì thân tướng bắt đầu chuyển tốt lên, có thể thấy rõ rệt sự chuyển biến trong từng 15 phút một. Diệu Âm đứng bên cạnh đã đếm được từng phút sự chuyển đổi này, thời gian khoảng 1 giờ 15 phút thì toàn thân đã chuyển tốt, sắc mặt không còn nét bệnh hoạn đau khổ nữa, mà trở lại nguyên vẹn là một cô gái bình thường, khá xinh xắn, đang mỉm cười sau khi đã tắt hơi. Thân sắc tiếp tục tươi nhuận, mềm mại. Cô Trần Kim Phượng vãng sanh thật bất khả tư nghì!… Một cuộc Niệm Phật Hộ Niệm Vãng Sanh quá tuyệt vời. Nhiều người chứng kiến quá hoan hỷ mà nói lên lời này: “Cuộc hộ niệm vãng sanh giống như một cảnh được dàn dựng để đóng phim vậy!…”.

Hàng phàm phu thường xuyên bị nghiệp chướng hành hạ, bị oán thân trái chủ báo hại, bị trăm rối ngàn lo trói quyện, làm sao có thể tự thoát được ách nạn. Nếu không được hộ niệm như lý đúng pháp, thì làm sao có thể có được cơ hội vãng sanh Tịnh-Độ? Dễ gì thấy được một người ra đi lưu lại tướng lành bất khả tư nghì?

(m): Người niệm Phật khi lâm chung giữ vững đầy đủ tín nguyện hạnh thì được vãng sanh.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Nhắc đi, nhắc lại, nhắc lên, nhắc xuống cuối cùng vẫn quay về 3 điểm: Tín-Nguyện-Hạnh. Người nào giữ được tín tâm vững vàng, tha thiết cầu vãng sanh Tịnh-Độ, càng đau càng muốn vãng sanh, càng bệnh càng muốn vãng sanh. Người nào giữ được ý niệm này và tranh thủ từng hơi thở để niệm câu “A-Di-Đà Phật”. Đau bệnh niệm không nổi thì nghe đại chúng niệm mình ráng niệm theo, chí thành chí kính tu niệm như vậy là đủ vãng sanh rồi. Xin đừng lý, đừng luận, đừng tranh, đừng cãi, đừng hơn thua nữa thì đường vãng sanh thành Phật ở ngay trước mũi bàn chân. Xin chư vị nắm cho chắc chiếc chìa khóa này nhé.

Tín-Hạnh-Nguyện được vãng sanh. Cầu mong cho tất cả mọi người ai ai cũng được vãng sanh cao phẩm. Cao vút!…

Nam Mô A-Di- Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm - Chương 2: Người Bệnh Và Vấn Đề Hộ Niệm

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –