Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 97)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Người niệm Phật phải giữ lập trường như thế nào?
Đây là một vấn đề rất quan trọng để chúng ta đi vững vàng từ ngày đầu cho đến ngày thành tựu, không còn phân vân do dự, không còn lệch lạc.
Xin chư vị mở trang 40, câu (m): Hàng phàm phu mà nghĩ rằng một đời vãng sanh thành Phật chỉ là vọng tưởng.
Đúng hay sai? – (Sai). Nên nói rằng, hàng phàm phu này nếu không nương nhờ vào đại nguyện của đức A-Di-Đà mà kỳ vọng một đời này thành tựu đạo quả mới là vọng tưởng. Đúng như vậy. Căn cơ của một người phàm phu như chúng ta không thể nào thực hiện được con đường thoát ly sinh tử luân hồi bằng chính khả năng của mình, bằng con đường tự lực vượt qua nghiệp chướng.
Phật dạy, với hàng phàm phu nghiệp nặng, trí mê, hàng triệu người tu hành tìm đâu ra được một người thoát nạn. Vậy chẳng lẽ chúng ta mặc nhiên chấp nhận chịu lấy ách nạn sao? Không thể như vậy được. Xin cúng dường cho chư vị một phương pháp rất hay, đó là nương nhờ vào đại nguyện của đức A-Di-Đà để Ngài đưa ta về Tây-Phương Cực-Lạc đấy. Khi về tới Tây-Phương Cực-Lạc rồi thì không còn sinh lão bệnh tử nữa, lục đạo luân hồi không còn bám víu theo chúng ta nữa, nghiệp chướng tạo ra trong vô lượng kiếp không còn phá hoại chúng ta nữa. Vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc chúng ta đương nhiên trở thành Bồ-Tát bất thoái chuyển, một đời thành tựu đạo quả. Từ đó chúng ta có thể thừa nguyện tái lai, trở lại cõi Ta-Bà này cứu độ chúng sanh bằng cái năng lực của một vị Bồ-Tát trên cõi Cực-Lạc. Đây là điều chính xác.
Vì thế, một phàm phu này mà sơ ý đi sai đường, thì đời đời kiếp kiếp vẫn còn là phàm phu, không có ngày thoát nạn. Cũng là một phàm phu này mà biết chí thành chí kính, biết tin theo lời Phật dạy, quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, nương theo đại nguyện của Phật mà đi, thì phàm phu này một đời vãng sanh thành tựu đạo nghiệp. Lời Phật thề rằng, dẫu chúng sanh trong 3 đường ác, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh mà niệm được danh hiệu A-Di-Đà Phật cầu nguyện vãng sanh vẫn được vãng sanh, vẫn một đời thành đạo. Người nào tu đúng chánh pháp, hợp lý, hợp cơ, hợp thời, hợp cảnh nhất định sẽ được thành tựu.
Xin thưa với chư vị, Pháp Niệm Phật vi diệu bất khả tư nghì. Hãy tin tưởng vững chắc mà lo ngày đêm niệm Phật cầu vãng sanh, đừng nên ham chuộng về lý giải nhiều quá. Lý giải nhiều quá không hay đâu. Không ai có thể diễn tả được lý đạo bất khả tư nghì của câu Phật hiệu đâu. Không ai có thể hiểu thấu nổi cái năng lực câu A-Di-Đà Phật đâu. Hãy y giáo lời Phật dạy mà niệm câu A-Di-Đà Phật để sớm vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thành Phật đi, lúc đó chư vị sẽ hiểu thấu tất cả. Còn ở đây tìm cách bàn với luận sẽ không ích lợi gì, mà lý giải nhiều quá coi chừng trở thành tà tri tà kiến. Không niệm Phật cầu vãng sanh thì sẽ mất một cơ hội giải thoát quý báu hy hữu trong vô lượng kiếp. Uổng quá!… Ân hận lắm đấy!…
(n): Người phàm phu quyết lòng niệm Phật, tin vững, nguyện thiết, lâm chung 10 niệm tất sanh thành Phật. Đây là lời phật dạy.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Chính câu này trả lời cho câu trước. Câu trước là lời của những người hồ nghi Pháp Niệm Phật, họ không tin rằng một người phàm phu trong một đời này có thể vãng sanh thành tựu đạo quả. Vì không tin nên không niệm Phật. Vì thiếu niềm tin nên dù có tu hành cũng thường bị vướng vào đường mông lung bất định, chạy lăn xăn vay mượn đủ cách nhằm kiếm chút phước, tạo chút duyên với Phật pháp. Điều này so với chuyện thế gian vẫn là điều tốt, nhưng đối với đường giải thoát thì phải hẹn lại đến vô lượng kiếp về sau may ra mới có thể thành tựu, chứ đời này khó có cơ hội vượt qua ách nạn của nghiệp chướng vậy.
Cũng là một người phàm phu như vậy mà quyết lòng niệm Phật, tin tưởng vững vàng, tha thiết nguyện vãng sanh, lúc lâm chung cố gắng niệm được 10 câu A-Di-Đà Phật cầu Phật lai nghinh tiếp dẫn thì được vãng sanh. Vãng sanh thì một đời bất thoái thành Phật, đúng với đại nguyện của Phật đã thề. Xin nhắc lại đại nguyện thứ 18 của đức Phật A-Di-Đà là, bất cứ một chúng sanh nào, dẫu cho tội chướng sâu nặng, nhưng khi nghe được danh hiệu của Ngài, liền phát tâm tin tưởng, vui vẻ mà niệm, đem tất cả những phước lành hồi hướng về Tây-Phương Cực-Lạc trang nghiêm Tịnh-Độ, nhẫn đến niệm được 10 câu danh hiệu của Ngài mà không được vãng sanh, Phật thề không thành Phật.
Mong chư vị nhớ cho, 10 niệm tất sanh là niệm được 10 danh hiệu A-Di-Đà Phật để cầu vãng sanh trước lúc buông hơi thở ra đi mà được vãng sanh, chứ không phải niệm trong lúc bình thường như bây giờ.
Mười niệm nghe qua quá dễ, nhưng chính chúng ta phải lo rằng, khi lâm chung thân tàn sức kiệt, đầu óc mê hồ không niệm được 10 niệm. Tệ hại hơn nữa, nhiều khi 1 niệm “A-Di-Đà Phật” thôi mà niệm cũng không xong đấy. Lời nguyện vãng sanh thường nguyện hôm nay, lúc đó nhiều khi cũng tan biến theo mấy khói rồi, trả lại cho người phàm phu này nguyên vẹn một tâm hồn điên đảo trong thân xác tàn tạ khổ đau!…
Tại sao chúng ta phải chú tâm đến việc hộ niệm vậy?
Tại vì ta là hàng phàm phu sanh tử, trí óc quá mê, vướng chấp quá nặng, tội chướng quá lớn, oán thân trái chủ quá mạnh, cạm bẫy quá nhiều… chính ta khi lâm chung không dễ gì tự vượt qua những ách nạn hiểm nguy này một cách thoải mái đâu. Vì vậy, chính những người hộ niệm là những vị cứu tinh, thật sự là đại cứu tinh cho chúng ta. Họ đến bảo vệ, an ủi, hóa giải, gỡ rối, hướng dẫn, trực tiếp cứu giúp chúng ta thoát qua những sự hiểm nghèo, để có cơ hội được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
Hãy nhận thức thật chính xác và cụ thể vấn đề này, để cùng nhau tuyên dương Pháp Hộ-Niệm, hầu kịp thời giúp đỡ những người có duyên, giúp chính chúng ta khi lâm chung được vãng sanh thành đạo. Sự thành tựu từ Pháp Hộ-Niệm thực sự đã có chứng minh cụ thể. Nhiều ông già, bà lão, nhiều người tuổi trẻ mạng ngắn đã được hộ niệm mà ra đi lưu lại tướng đại thiện đại lành. Nhờ thiện căn nhiều đời nhiều kiếp mà họ tin được vào Pháp Hộ-Niệm, đã quyết lòng làm đúng theo những gì ban hộ niệm hướng dẫn mà được thoát vòng khổ lụy. Người hộ niệm khuyến tấn họ khi đau không thèm than thở, gặp sự khó khăn không chấp trong lòng, nợ đời mạnh dạn buông ra, vạn duyên buông xuống hết… quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh, nhờ thế mà họ vãng sanh. Thực sự họ đã vãng sanh bất khả tư nghì.
Cũng có nhiều người nghĩ rằng, chính ta phải tu một pháp nào thật vi diệu, phải làm một việc gì thật vĩ đại, phải nói lên những đạo lý thật cao siêu, phải dựng lên một khung trời thật trang nghiêm mới vừa ý… Nhưng một sự thật thường thấy rằng, sau cùng chỉ đối diện với cảnh quá phũ phàng, nằm trên giường vẫn không được yên thân, chân còn trên giường mà đầu rơi dưới giường hồi nào không biết… Lúc đó, xin hỏi còn gì là trang nghiêm thanh tịnh, còn đâu là đạo cao lý diệu nữa đây!… Tâm hồn mê sản, miệng mồm ấm ớ, một đứa con đến ngồi bên cạnh nhưng chính mình không biết đó là ai, thì kể chi đến chuyện cao siêu huyền diệu!…
Rõ ràng hàng phàm phu đã bị nghiệp chướng chế ngự từ vô lượng kiếp qua không có lối thoát. Vậy mà nhiều người vẫn cứ thích thú đến chuyện lý cao luận diệu mà quên mất một thực tế phũ phàng, để cuối cùng đầu óc phải tán loạn, tâm ý mơ hồ. Có người còn ngang ngạnh không tin Phật pháp, không tin nhân quả, tưởng rằng sức mình tạo nên đại nghiệp thiên trường vĩnh cửu, nhưng trước sau gì cũng chỉ làm kẻ nô lệ trung thành cho nghiệp chướng, làm nạn nhân không vùng vẫy của oán thân trái chủ, rồi sau cùng riu ríu nhận lấy ách nạn thương đau!…
Thực sự Pháp Hộ-Niệm có thể giải trừ những ách nạn này. Hãy nghiên cứu cho tường tận đi mới thấy Pháp Hộ-Niệm thực sự cụ thể, thiết thực, đơn giản nhưng vô cùng hữu hiệu, ứng dụng chính xác sẽ thấy rõ rệt sự thành công. Đừng bao giờ cho rằng ta thông minh tài giỏi, còn những người kia ngu muội kém cỏi không giúp gì cho ta, mà coi chừng vướng phải sai lầm. Ta thông minh tài giỏi, nhưng cuối cùng ta nằm chèo queo, giơ tay lên không nổi, đầu óc mê loạn… Còn người kia hiền lành chất phát, nhưng lúc đó họ đang tỉnh táo và thực tình đang thương xót tới ta. Họ đến ngồi bên cạnh gỡ rối cho ta. Họ an ủi, vỗ về, hướng dẫn ta niệm Phật. Họ niệm Phật cho ta niệm theo. Họ nhắc nhở cho ta từng chữ trong lời nguyện vãng sanh. Họ chắp tay chí thành cầu nguyện xin Phật lai nghinh tiếp độ ta… nhờ thế mà ta mới được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc đấy.
Chư Tổ thường nói, niệm Phật một ngàn người tu một ngàn người vãng sanh, một triệu người tu một triệu người vãng sanh. Xin thưa với chư vị, với hàng phàm phu, chúng ta cần hiểu lời này như thế nào đây? Phải chăng, chính là nhờ cái hiệu quả của Pháp Hộ-Niệm không?… Mong chư vị nhớ cho. Phải hiểu cho thấu, phải hành cho đúng, phải nghiên cứu cho vững các Pháp Hộ-Niệm để kịp thời cứu mình, cứu người thân của mình, cứu những người có duyên vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Nếu không, huệ mạng đã đến thời kỳ vô cùng nguy hiểm rồi, không đơn giản đâu nhé.
(o): Khuyên người niệm Phật với đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh là thực hành một đại pháp cứu độ chúng sanh trong thời này.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Diệu Âm đã phát tâm “Khuyên Người Niệm Phật” thực ra cũng nhờ đến câu này đây. Khuyên người niệm Phật, khuyên cha mẹ niệm Phật, khuyên anh chị em niệm Phật… Người nào tin tưởng nghe theo, người đó có phần vãng sanh. Người nào không tin tưởng, không chịu nghe theo, thôi cũng đành cúi đầu nhỏ lệ mà nhìn một người bị nạn vậy thôi, chứ không biết cách nào khác hơn. Mong chư vị hiểu cho, đường thành đạo tự mỗi người phải tự thực hiện lấy. Niệm Phật với đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh nhé. Mỗi người chúng ta phải thực hiện đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh trong lúc xả bỏ báo thân mới được vãng sanh. Hoàn toàn không có một người nào khác có thể thay ta thực hiện điều này được.
Xin nhắc nhở rằng, hộ niệm là giúp cho một người tự thực hiện lấy cách tu giải thoát. Nói rõ hơn, Pháp Hộ-Niệm là phương cách hướng dẫn mỗi người cách tu hành cụ thể, chính xác, thực hiện đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh của Pháp Niệm Phật để vãng sanh, chứ không phải là nhờ năng lực của người hộ niệm mà được vãng sanh. Mỗi người phải lo tu hành lấy. Trước nay vì không biết Pháp Hộ-Niệm nên tu không có đường, về không rõ đích, mập mờ không có lối giải thoát. Nay biết Pháp Hộ-Niệm rồi, thì xin đừng lầm lẫn mà cứ chờ đến lúc sắp chết mới mời một nhóm người nào đó đến giải quyết giùm, hoặc đợi chết xong rồi tính chuyện cầu siêu là được siêu sanh đâu nhé. Siêu sanh Tịnh-Độ không phải đơn giản như vậy đâu.
Trong kinh Địa-Tạng Phật dạy, hồi hướng công đức thì trong 7 phần, người nhận chỉ có được 1 phần. Điều chính yếu là người nhận đó có tâm tu đạo không? Có biết dùng công đức đó để giải thoát hay không? Nếu mê mờ thì công đức đó cũng trở thành một thứ phước báu hữu lậu, phụ trợ thêm chút phước mà thôi. Vì thế, tu hành mà giải đãi, nằm đó mà nhờ công đức của người khác là điều phiêu phỏng đáng trách vậy. Tự mình phải tận sức tu hành, phải thành tâm chí thành niệm Phật. Phải có đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh mới có công đức chân thực.
Tuy vậy, hàng phàm phu khi lâm chung nhất định sẽ gặp nhiều khó khăn, tự mình không dễ gì giải quyết chướng nạn, nên cần phải nương nhờ thêm sức hộ niệm của đại chúng để bảo vệ, giúp đỡ, hướng dẫn… mà vượt thoát cảnh khổ, lấy lại bình tĩnh, nhờ thế may ra mới giữ được chánh niệm mà có được cơ hội vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc vậy.
Một người tu hành mà tự nghĩ rằng công phu của mình đã đủ, thì đã phạm phải một đại kỵ rồi. Ấn Tổ dạy, một người dẫu tu hành tốt tới đâu mà chỉ cần khởi lên một tâm ý tự mãn, đủ rồi, vững rồi… thì ngay lúc đó bắt đầu bị thoái chuyển. Thoái chuyển là lùi lại, là rớt xuống. Thà rằng đứng dưới đất, dù bị vấp té cũng chỉ trầy chân, trặc tay đôi chút là cùng. Nếu leo lên cây cao mà té xuống, thì không gãy chân, cũng gãy tay, không gãy tay thì cũng bể đầu, sướt trán… Khổ đau lắm đấy!…
Chính vì thế, là người tu hành, xin chư vị hãy nuôi dưỡng cái tâm khiêm cung mới tốt. Xin hãy thấy mình lúc nào cũng còn yếu kém mà cố gắng vươn lên mới hay. Đây là lời dạy của Phật. Đây là lời dạy của chư Tổ Sư, chư vị Cao Tăng đức độ chân chánh tu hành đều khuyên như vậy. Nói chung, tu hành dù công hạnh có cao tột tới đâu đi nữa, cũng đừng bao giờ tự cho là đủ nhé.
Trong truyền thuyết có ghi lại rằng, Tổ Thiện-Đạo Đại Sư đã cố công niệm Phật đến nỗi Ngài quên cả sự ngủ nghỉ. Ngài không dám ngủ để quyết lòng niệm Phật, từ ngày này qua ngày khác, vô tình thời gian trôi qua 25 năm trường Ngài không biết ngủ là gì.
Chúng ta là phàm phu thì ý chí, năng lực không bằng Tổ Sư, không ai bắt chúng ta phải bỏ ngủ quên ăn để niệm Phật, nhưng công hạnh của chư Tổ là tấm gương rất sáng cho chúng ta tự soi lấy mình. Chư Tổ là những bậc long tượng trong Phật môn mà các Ngài còn tinh tấn, cẩn trọng, khiêm hạ như vậy, huống chi chúng ta là hàng phàm phu nghiệp nặng, phước mỏng, trí độn, công phu tu tập bữa được bữa mất… thì làm sao dám tự mãn. Nếu sơ ý đánh mất tâm thành tâm kính, xa lìa hạnh khiêm cung rồi thì còn gì nữa để nương tựa mà được vãng sanh đây?
Mong chư vị hãy cố gắng mạnh lên, cùng nhau lập hạnh tinh tấn niệm Phật. Hãy kết hợp chặt chẽ với nhau. Hãy đoàn kết, thương yêu, quan hoài nhau. Hãy tích cực hộ niệm cho nhau đúng pháp, đúng lúc, đúng căn. Hy vọng tất cả chúng ta đều được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.