Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 157) | Hãy Tự Nhận Mình Là Phàm Phu, Nghiệp Chướng Sâu Nặng Mà Lập Hạnh Khiêm Cung Thành Thật Niệm Phật

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 157)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Chúng ta đi đến những điểm cuối cùng của chương 2 nói về sự tương quan giữa người bệnh và người hộ niệm. Ngoài những điểm chính đã bàn qua, vẫn còn rất nhiều yếu tố khác không kém phần quan trọng mà chúng ta cần chú ý. Xin mở trang 62, vấn đề 40:

Thêm những nhận thức về Niệm Phật Vãng Sanh.

(a): Hãy tự nhận mình là phàm phu, nghiệp chướng sâu nặng mà lập hạnh khiêm cung, thành thật niệm Phật.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Thêm một lần nữa, lời này nhắc nhở cho chúng ta hãy tự nhận thức rõ rằng, mình đúng là phàm phu hạ căn đấy, trung căn cũng với không tới. Đã là phàm phu thì không có trí huệ cao, cũng không có lòng từ bi đúng mức, thành ra chúng ta không ai có khả năng cứu độ được ai đâu. Thành tâm khuyên chư vị hãy tự mình lo liệu lấy thân phận của chính mình. Ví dụ như Diệu Âm này đang bệnh. Đang bệnh tức là nghiệp chướng đang hiện hành, đúng là phàm phu nghiệp nặng chướng sâu, thôi thì chúng ta hãy đi theo con đường phàm phu vãng sanh nhé chư vị.

Muốn được vãng sanh thì tâm khiêm cung là điểm cần thiết. Thành thật, chí thành chí kính niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ là đạo nhiệm mầu cho hàng phàm phu này vãng sanh thành tựu Phật đạo đấy. Nhớ nhé chư vị, phàm phu hạ căn thì cứ xác nhận là hạ căn đi, đừng bất cẩn cho mình là trung căn hay thượng căn thì oan uổng lắm đấy. Đi đường bình thường phẳng lặng thì an toàn, hay hơn là lý luận những đạo lý trên mây. Đừng kiêu kỳ phi thân lên không trung để chứng tỏ sự phi thường, thì coi chừng rơi tòm xuống vực thẳm mà tan xương nát thịt đấy. Nói tóm lại, phàm phu bệnh hoạn rề rề không có năng lực gì đặc biệt, hãy biết khiêm hạ, thành khẩn năn nỉ đồng tu thương tình tới hộ niệm cho mình để vãng sanh là hay nhất. Pháp Hộ-Niệm là đại cứu tinh cho chúng ta đấy.

(b): Nghiệp báo, bệnh khổ sẽ là điều đương nhiên, hãy tự tại đón nhận, không quá lo âu.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Nghiệp báo đến bằng bệnh khổ. Xin báo cáo với chư vị Diệu Âm đang có bệnh khổ. Trong khi mọi người không có bệnh, mà Diệu Âm đang bệnh, thì đúng là Diệu Âm có nghiệp chướng lớn hơn chư vị. Như vậy lời này là sự nhắn nhủ với chính Diệu Âm rằng, trước sau gì cũng phải có ngày ra đi, xin chư vị mở lòng thương xót đến hộ niệm, khai thị, hướng dẫn, hóa giải vướng mắc, trợ duyên cho Diệu Âm vãng sanh. Chịu không chư vị? – Chịu… Xin thành tâm tri ân trước. Chúng ta hãy hứa với nhau, hãy ngoéo tay với nhau, cùng giúp đỡ nhau vãng sanh Tịnh-Độ.

Một khi tự hiểu rằng mình có nghiệp chướng sâu nặng, thì gặp bệnh khổ là điều đương nhiên, chúng ta sẵn sàng đón nhận, không quá lo âu. Trạng thái này chính là sự tự tại trước bệnh khổ. Cũng có người suốt cả cuộc đời không có bệnh hoạn gì cả, đó là quả báo do cái nhân tu phước thiện trong nhiều đời nhiều kiếp trước của họ. Chính vì thế, tu phước cũng quan trọng lắm. Phước lớn thì nghiệp khổ giảm đi. Vậy thì, chúng ta có thể dùng cách tu phước làm trợ hạnh rất tốt. Diệu Âm nhiều đời nhiều kiếp keo kiệt ít tu phước, nên đời này kém phước mới chịu khổ nhiều. Chính vì hiểu được điều này, nên Diệu Âm mới phát tâm khuyên người niệm Phật, phổ biến Pháp Hộ-Niệm để làm phương tiện tu phước. Mỗi người chúng ta nên tùy theo duyên mà chọn cho mình một cách tu phước thích hợp. Nhờ tu phước mà nghiệp giảm phước tăng, hy vọng mình đỡ vất vả lúc lâm chung vậy.

Hãy tự tại trước bệnh khổ, không có nghĩa là mình không bệnh, hoặc bệnh đến mà mình không đau, không nhức. Phàm phu mà nghĩ như vậy thì trở thành vọng tưởng. Ví dụ Diệu Âm đang bị bệnh, ngồi đây nói chuyện nhưng cảm thấy mệt mỏi lắm, không khỏe đâu. Nếu không khai báo ra, có lẽ chư vị không nghĩ rằng Diệu Âm đang bị cảm. Đang cảm mà vẫn ngồi đây nói chuyện, chứ không than vãn về bệnh tình mà chấp nhận bệnh khổ, thì đây là Diệu Âm đang tập tự tại trước bệnh khổ. Phật dạy, nghĩ đến thân thể đừng cầu không có bệnh khổ, vì không bệnh khổ thì dục vọng dễ sinh, tu hành không được. Xin chư vị, hãy vui vẻ chấp nhận cái bệnh đến với mình. Hãy tự trách rằng, tại sao trước đây mình vụng tu, bỏn xẻn, sát sanh hại vật nhiều quá để giờ này phải thường xuyên chịu bệnh khổ vậy!…

Qua khỏi bệnh khổ này hết nghiệp chưa? Chưa hết đâu. Còn nhiều lắm. Hãy chuẩn bị đón nhận tiếp. Sẵn sàng đón nhận gọi là tự tại. Người ta lo sợ, mình không lo sợ. Người ta buồn khổ, mình không buồn khổ. Mỗi cơn bệnh đến hãy coi đây là cơ hội mình trả được chút nghiệp nào hay chút đó, để đến ngày vãng sanh mình đỡ vất vả hơn. Người quá lo âu về bệnh khổ thì bị khổ lớn lắm đấy, không vãng sanh nổi đâu. Người nào thường xuyên cầu Phật, cầu trời xin cho mình được hết bệnh, thì sau cùng trước lúc “queo râu” vẫn tiếp tục cầu xin hết bệnh và còn cầu mãnh liệt hơn. Ôi!… Tâm đã dính chặt vào túi thịt thì phải theo túi thịt thọ nạn, bỏ mất đường vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo rồi.

(c): Quyết lòng trả cho hết nghiệp trong một đời này để không còn bị chướng ngại sự vãng sanh nữa.

Đúng không chư vị? – (Sai). Đấy… Chư vị trả lời “S..a..i..!…” mạnh mẽ như vậy là hay lắm. Quyết lòng trả hết nghiệp trong một đời này, nếu được thì tuyệt vời, còn gì hay hơn. Trên thực tế, nhiều người phát nguyện như vậy rồi hạ thủ công phu khổ hạnh đến nỗi thân thể ốm o, những năm tháng dài lâu đánh dấu trên khuôn mặt những nếp nhăn vô cùng kiên nghị… Nhưng sau cùng bệnh khổ vẫn còn, nghiệp chướng vẫn chưa tiêu sạch. Chư vị ơi!… Nếu nghiệp chướng của mình mà trả được bằng những nếp nhăn trên trán, thì chúng ta cũng nên đua nhau vẽ cho thật nhiều nếp nhăn mới được. Hãy nhớ lại lúc mình còn mê muội đã từng sát hại bao nhiêu mạng sống của chúng sanh rồi? Một sinh mệnh phải đền trả bằng một mạng của mình đấy, chứ không thể trả nợ sinh mạng của chúng sanh bằng một vài nếp nhăn đâu nhé. Không đơn giản như vậy đâu.

Chính vì thế, phát nguyện trả cho hết nghiệp chướng hãy dành cho hàng đại Bồ-Tát làm, còn hàng phàm phu như chúng ta đừng nên mơ mộng thành tựu trên con đường này. Trong kinh Hoa-Nghiêm Phật dạy rằng, nếu mà nghiệp mình có từng cục, từng cục nho nhỏ, nhỏ xíu như hạt mè vầy thôi, thì cả không gian này đã bị nghiệp chướng của chúng ta nêm chặt rồi. Trong khi đó, sức lực của chúng ta thể hiện bằng đôi bàn tay năm ngón mềm xèo, làm sao có thể quào cho vỡ núi nghiệp đây?!…

Vậy thì, nguyện trả cho hết nghiệp là sự sơ suất của người phàm phu. Chúng ta không thể bắt chước các vị Bồ-Tát được. Mà phàm phu thì cơ hội thoát nạn chính là nương theo pháp “Đới Nghiệp Vãng Sanh”. Dùng lòng chí thành chí kính, nương theo đại nguyện của đức A-Di-Đà để được tiếp độ vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Vãng sanh xong thì dù nghiệp còn cũng phải hết, khổ nạn cũng thành an vui. Tất cả nghiệp chướng đều chờ chúng ta lần lượt đến tận nơi cứu độ. Cách trả nghiệp của chư Thượng Thiện Nhân là như vậy.

(d): Quyết chí niệm Phật từ một ngày cho đến bảy ngày thì ai cũng có thể được “Nhất Tâm Bất Loạn”.

Đúng không? – (Sai). Phàm phu mà cứ khởi vọng tưởng mãi!… Nhiều người quyết tâm lập ra Phật thất 7 ngày cầu “Nhất Tâm Bất Loạn”. Cũng có đấy chứ, nhưng hàng Bồ-Tát mới làm được cơ. Có người nói nhẹ hơn một bậc, chư vị hãy đến đây niệm Phật 7 ngày với tôi mà nghiệp chướng không tiêu trừ thì sự tu hành yếu lắm rồi. Niệm Phật với tôi 10 ngày mà không thấy được quang minh của Phật là tu hành không đúng chánh pháp.

Ôi!…Chánh pháp nào mà đầy hiếu kỳ, đầy vọng động vậy? Cứ lấy sự tu chứng của đại Bồ-Tát mà giới thiệu cho hàng phàm phu, không đem lại lợi lạc mà coi chừng khiến cho đại chúng vọng tưởng, vướng bẫy chịu đại nạn.

Biết mình là thân phận thấp kém, chúng ta quyết theo phương thức 1 niệm, 10 niệm tất sanh, lấy Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ ứng hợp với đại nguyện của Phật trong giây phút cuối cùng mà được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Cho nên, phận phàm phu tự mình khó thoát vòng sanh tử, thì tu theo lời dạy của Ấn Tổ là thực tế nhất, chí thành chí kính là cái đạo nhiệm mầu giúp cho mình vượt hết ách nạn của nghiệp chướng, được Phật thương xót tiếp độ vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Như vậy chúng ta được vãng sanh là nhờ lòng chí thành khiêm cung niệm Phật, chứ không phải tu chứng được cảnh giới “Nhất Tâm Bất Loạn”. Nên nhớ thật rõ điểm này nhé chư vị. Nếu sơ ý tự đem trí cạn sức tàn của mình ra đối địch với nghiệp chướng, thì từ thua tới thua, không có một cơ hội thoát nạn vậy.

(e): Tách ly đại chúng, tự tu một mình mới được thanh tịnh.

Đúng không? – (Sai). Nhiều người khi tu chung với đại chúng thấy nhiều điều không hợp ý. Nào là cô này niệm Phật thấp, anh kia thì niệm cao. Người này xướng nhanh, người kia xướng chậm. Mình muốn vừa kinh hành niệm Phật, còn Niệm Phật Đường này thì ngồi niệm lâu quá. Đang niệm Phật có người rục rịch làm cho tâm mình bị động, v.v… Từ đó mà phiền não nổi lên. Trong cùng một hoàn cảnh, người khác chịu đựng được, còn mình thì phiền não. Như vậy thì phiền não ở đâu vậy? Xin thưa, ở ngay trong tâm của mình đấy. Nghĩa là sao? Một là, phiền não của mình nhiều hơn người khác. Hai là, khả năng khắc phục phiền não của mình yếu quá. Những dạng người này đi đâu cũng gặp phiền não trùng trùng, khó kết hợp được với đại chúng.

Nếu thực sự muốn tu hành, những người thường có phiền não như vậy nên tự quán xét, cố gắng tập buông nhiều tình chấp ra, suy nghĩ đơn giản lại một chút nhé. Hãy lợi dụng những chuyện trái tai gai mắt để tập luyện khả năng chịu đựng, cầu cho phiền não của mình được tiêu mòn hoặc bị khắc phục mới tốt. Còn sơ ý, cứ cho rằng phiền não do những đạo tràng tạo ra, vội vã về nhà đóng cửa tự tu để được thanh tịnh, coi chừng rời môi trường tu học để tìm cảnh thanh tịnh giả. Không có khả năng tập luyện, đến cuối đời nghiệp chướng hiện hành, oán thân trái chủ ra tay, lúc đó không phải chỉ đối diện với những bất đồng nho nhỏ như bây giờ đâu nhé.

Chính vì xét thấy chúng sanh thời này hạ căn nghiệp nặng mà vọng tưởng lại cao, nên Ngài Tịnh-Không khuyên rằng, thời mạt pháp này không nên đóng cửa tự tu một mình. Ngài nói, chỉ có hai hạng người có thể đóng cửa tự tu, một là những người đã khai ngộ, hai là người quá nổi tiếng. Người đã khai ngộ rồi, nhìn thấy đại chúng mê mờ lại cang cường nan điều nan phục, nên họ sẵn sàng thối lui ẩn tu để sớm giải thoát. Hai là những người quá nổi tiếng. “Danh giả tạo vật sở kỵ!”. Người có danh tiếng rất dễ bị nhiều người đố kỵ, gây quá nhiều phiền phức, nếu muốn tu thì họ đành phải tìm chỗ ẩn danh cho yên thân thôi. Chỉ có hai hạng người đó nên đóng cửa, ngoài ra đại chúng nên kết nhóm cộng tu với nhau mới an toàn. Một đạo tràng niệm Phật hay nhất trong thời này, theo Ngài Ấn-Quang, là kết nhóm nhỏ, khoảng 20 người là tốt nhất, vừa đủ tu hành, giúp đỡ lẫn nhau. Đông quá thường phát sinh nhiều điều phải lo liệu.

Một đạo tràng nào cứu giúp được 1 người vãng sanh mới được coi là đạo tràng thành tựu. Cho nên, chính những ban hộ niệm đã trở thành những đạo tràng đại thành tựu trong thời mạt pháp này. Mong chư vị nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm, lập ban hộ niệm để cứu người cứu ta vậy.

(f): Người phàm phu thời mạt pháp không nên tự đóng cửa tự tu một mình.

Đúng không? – (Đúng). Người phàm phu thời mạt pháp không nên đóng cửa tự tu một mình mới an toàn. Tại sao vậy? Vì phàm phu thì nghiệp chướng nặng lắm đấy. Phàm phu này mà không biết tu hành, thì oán thân trái chủ chỉ cần lè lưỡi, trợn mắt là đủ làm cho tán đởm kinh sợ, hồn vía lên mây rồi, khỏi cần chuẩn bị hình thức trả thù báo oán. Còn người có tu hành thì các vị đó cẩn thận chờ cơ hội thuận tiện. Lúc bạn còn khỏe mạnh ta chưa đụng chạm tới đâu, chờ lúc sắp lâm chung bất ngờ ta quật một cái là xong.

Còn gì nữa, phàm phu này có chút ít tu hành mà tâm không khiêm nhường, thường vọng tưởng, đây là cơ hội thuận lợi nhất cho chư vị oán thân trái chủ nương vào đó, cài bẫy hãm hại một cách thê thảm. Anh muốn nghe âm thanh gì, ta cho nghe âm thanh đó. Anh muốn thấy cảnh giới gì, ta cho thấy cảnh giới đó. Anh muốn thấy Phật không? Ta cho anh thấy Phật ngay. Anh đang cầu thông minh, ta cho anh thông minh hơn người. Anh muốn thần thông phép lạ, ta cho anh có thần thông, phép lạ, v.v… Đây là những cạm bẫy đơn giản dành cho những người thiếu khiêm cung, nhiều vọng tưởng. Để chi vậy? Để cho anh yên chí là ngon lành rồi, đến lúc cuối cùng ta bóp một cái là xong.

Hiểu được như vậy, mong chư vị, nếu thấy rõ mình là người phàm phu, thì trong thời mạt pháp này đừng nên đóng cửa tự tu. Nếu sơ ý vọng động, cãi lời chư Cao Tăng, chư Tổ thì coi chừng cuối cùng cứu vãn không nổi đó nhé. Thôi xin chư vị tiếp tục niệm Phật.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm - Chương 2: Người Bệnh Và Vấn Đề Hộ Niệm

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –